Tôi có một đứa em trai tên Duy Minh, năm nay mười bảy tuổi, hiện đang đang học tập tại một trường cấp ba ở Hà Nội. Thằng em được mã ưa nhìn nhưng khổ nỗi biến chất hết rồi. Nó luôn tìm mọi cách chọc ngoáy tôi thôi.

Điển hình như bữa sáng hôm nay. Ngay khi thấy mặt tôi dưới nhà là nó bắt đầu hét toáng lên như bị khủng bố chĩa súng vào đầu.

“Nghe nói hôm qua mắt chị để dưới chân nên làm vỡ chai rượu quý ở nhà hàng đúng không?”

Tôi vội lao tới bịt miệng nó lại chứ cứ thả rông thế này chắc chắn hỏng đại sự.

“Nhỏ tiếng lại, bà nghe thấy bây giờ. Mà sao em biết?”

“Nhà hàng gọi đến. Chai rượu đó đắt lắm đấy, chị tính sao?”

“Còn sao trăng gì nữa. Cố gắng kiếm tiền trả người ta thôi.”

“Chị biết không?” Em trai nói với giọng trầm nhất, ngỡ như sắp khóc. “Sau khi nghe hung tin, em nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa. Chỉ hận sao lúc đó không có mặt, chứng kiến người thật việc thật, cảnh tượng chị em từ gấu mèo trở thành thỏ ngoan ngoãn.”

Ôi… cái thằng… Tôi dặn lòng hết sức kiềm chế. Mặc dù bị thằng em ranh mãnh chơi một hố đau, nhục thì nhục thật nhưng phục thì còn lâu nhá.

“Này em trai, sáng nay đánh răng chưa?” Đáp lại nó bằng vẻ mặt vô cùng ngầu, chị đây không phải loại dễ chơi.

“Sao chị có thể thốt ra câu thô thiển như vậy nhỉ? Em đây đẹp trai ngời ngời, vai năm tấc rộng thân mười thước cao. Hình mẫu lí tưởng của phụ nữ ngày nay. Từ U5 đến U50, ngay cả… Này, bỏ đi đâu thế? Em chưa nói xong mà.” Em trai gọi với theo không chút hối lỗi.

“Mới sáng sớm chị không muốn nghe mày kể chuyện kinh dị đâu.”

Tôi kìm lòng trở về phòng trước khi điên lên mà lỡ tay chuyển khẩu nó ra nhà xác. Nói gì thì nói, tôi với thằng này đều cùng một mẹ đẻ ra, không nên vì một phút bất thường của em trai mà cắt đứt tình máu mủ. Phận làm chị như tôi phải biết nhẫn nại, cảm thông với đứa em cùng vào sinh ra tử suốt bấy nhiêu năm trời.

Tôi trở về sào huyệt ôm điện thoại kể khổ với Diễm My.

Ở quán Cafe nọ có hai bạn trẻ đáng hí húi với những tờ giấy tuyển dụng.

“Tự nhiên dạy thêm làm chi vậy? Không hợp với cậu chút nào.” Diễm My lên tiếng nghi ngờ.

“Chứ biết làm sao giờ. Tiền rượu lên tới một nghìn đô lận.”

“Sao? Một nghìn đô?” Diễm My suýt phun sạch coca uống dở ra ngoài. Tôi nhìn nó, thở dài.

“Thôi kệ, bệnh nan y còn cứu được. Chỉ cần hai, ba tháng tớ chắc chắn sẽ xong. Cố lên.”

“Tớ thấy cách này không khả thi đâu. Đọc tờ rơi này không ai muốn thuê hết.” Diễm My tự nhiên dội ngay gáo nước lạnh vào người tôi.

“Sao vậy? Tờ rơi nhìn rất bắt mắt. Đảm bảo kết quả học tập sẽ tốt lên trông thấy.”

“Tớ thấy cứ kiểu gì ấy. Bây giờ gia sư tiếng Anh nhan nhản ngoài kia còn không ai thuê. Gia sư tiếng Pháp như cậu lấy đâu ra chỗ đứng.”

“Cần gì phải giống ai trong khi mình có thể khác biệt. Dạy tiếng Pháp chắc chắn tớ không lo đụng hàng. Cậu yên tâm, hàng hiệu bao giờ cũng có giá hơn hàng chợ.”

Tôi quyết định dành nguyên buổi đi phát tờ rơi khắp các trường cấp ba, đại học trong nội thành Hà Nội. Không chỉ đánh trên mặt trận ngoài đường lớn, nơi tập trung dân cư, tôi còn tấn công thêm chiến trường mạng xã hội. Mong là công sức bỏ ra sẽ được đền đáp xứng đáng.

Suốt mấy ngày trôi qua, công việc gia sư của tôi vẫn bặt vô âm tín. Tôi ngồi ôm điện thoại cả buổi, vẫn không tin nhắn, không cuộc gọi đến. Tôi bắt đầu chán nản với kế hoạch này.

Bỗng một ngày chuông điện thoai kêu lên sau bao lâu im ắng. Tôi hí hửng mở máy, là… mẹ yêu.

“Alo mẹ ạ. Con nghe đây.”

“Vi à? Cả nhà khỏe không con?”

“Cả nhà khỏe lắm ạ! Sức khỏe bà rất tốt, dạo này bà thường xuyên tập thể dục với hội người cao tuổi. Duy Minh vẫn đến trường đầy đủ. Con tuyệt đối trông chừng nó cẩn thận.”

“Vất vả cho con quá. Thế còn con, dạo này sao rồi?”

Tôi bỗng giác chột dạ, muốn nói hết tất cả nhưng lí trí không cho phép. Ở phương trời xa xôi ấy bố mẹ đã rất mệt nhọc rồi. Tôi không thể vì chút khó khăn của bản thân mà khiến họ thêm lo lắng. Cuối cùng tôi quyết định giấu nhẹm đi.

“Con thì vẫn ăn ngủ bình thường, sức khỏe ổn định, tinh thần thoải mái.”

Mẹ nghe vậy cười khoái chí. Tôi cũng cười. Ở đầu dây bên kia có tiếng bố vọng lại.

“Bà dặn nó nhớ giữ gìn sức khỏe. Để ốm là tôi cho ăn đòn đấy.”

“Nghe gì không? Bố lo cho con lắm.” Mẹ nói tiếp vào ống nghe. Bố ở bên kia cũng không chịu thua, tiếp lời.

“Tôi đang mắng nó đấy.”

Bề ngoài bố thường tỏ ra lãnh đạm nhưng thực chất lại rất quan tâm đến chúng tôi. Bố không bao giờ để lộ sự mệt nhọc ra ngoài. Bố càng như vậy lại khiến tôi lo lắng cho nhiều hơn.

“Được rồi, tôi biết rồi.”

Bố mẹ cứ thế nói nhau qua lại, bỏ mặc tôi chơ vơ với cái điện thoại lạnh lẽo. Mẹ ơi, mẹ biết phí gọi quốc tế đang tăng giá không vậy?

“Vi này.”

“Dạ, con đang nghe đây.”

“Thật ra bố mẹ…”

Tối đó, tôi xắn tay cùng bà làm một bữa hoành tráng cho cả nhà. Em trai thấy vậy mừng tíu tít. Nó ngồi xuống ghế, đưa tay xoa xoa cái cằm không có lấy một cọng râu, cất lời vui sướng.

“Em rất hạnh phúc khi chị gái từng suýt làm cháy nhà giờ đã biết quan tâm đến bếp núc. Thật không uổng công sống đến ngày hôm nay.”

Tôi đặt mạnh nồi canh trước mặt thằng em, đe dọa.

“Tiếc công lắm à? Muốn ăn cơm hay ăn đòn đây?”

“Tất nhiên ăn cơm rồi.”

Em trai cầm hai chiếc đũa gõ gõ xuống bàn làm bộ chờ cơm mẹ. Tôi nhìn nó phì cười. Cái thằng này, lớn đầu rồi mà như con nít.

Bữa tối có rất nhiều món ăn được dọn ra, chủ yếu là đồ em trai thích. Mỗi lần thử xong một món, nó lại bắt đầu dở chứng làm “chuyên gia ẩm thực dỏm”. Bình phẩm đồ tôi nấu bằng câu: “cũng được”, “cũng tạm”, “chỉ để no thôi”…

Ấy vậy mà “được”, “tạm” của nó lại là kết quả của đĩa thịt sườn, nồi thịt đông không cánh mà bay mất vào bụng ai đó. Bà ngoại thấy vậy cười mãi không thôi. Mặc dù thiếu vắng bố mẹ nhưng tôi vẫn thấy rất ấm cúng. Vì sao ư? Đơn giản có bà, có em trai, có bữa cơm vui vẻ. Vậy thôi cũng đủ rồi.

Bữa ăn gần kết thúc, lòng tôi rối như tơ vò. Vậy là phải nói ra lí do của bữa ăn cuối cùng này sao? Thật không muốn chút nào.

“Minh à, sáng nay mẹ gọi điện cho chị.”

“Mẹ bảo sao? Bao giờ mẹ về?”

Em trai dừng ăn, bà ngoại cũng chăm chú nghe. Tôi biết là đã lâu Duy Minh chưa gặp bố mẹ, bà ngoại chưa gặp lại con gái, con rể. Hơn ai hết, họ là những người cần một gia đình sum vầy nhất. Nhưng tôi biết làm sao đây?

“Mẹ bảo thu hoạch nốt vụ này rồi sẽ về. Mẹ dặn mọi người giữ gìn sức khỏe.”

“Vụ này, vụ sau rồi vụ nữa. Bố mẹ yêu nho hơn chị em mình rồi.”

“Minh, không được nói thế. Bố mẹ cháu bên đó vất vả lắm, cháu phải hiểu cho bố mẹ chứ.” Bà ngoại nhẹ nhàng nhắc nhở em trai.

“Cháu hiểu cho bố mẹ vậy ai hiểu cho cháu đây?”

Không khí ảm đạm bao trùm. Sâu thẳm trong trái tím, Duy Minh là đứa mong gặp lại bố mẹ nhất. Năm em trai mười tuổi, bố mẹ để lại chị em tôi cho bà ngoại chăm sóc còn họ sang Pháp làm ăn với một người họ hàng. Suốt quá trình trưởng thành, Duy Minh không mấy khi được gặp bố mẹ, ngày ngày đều kè kè bên tôi với ngoại.

“Thật ra bố mẹ quyết định cho Duy Minh sang Pháp học tập. Hơn nữa em con cũng lớn rồi, cần biết quan tâm tới công việc của gia đình.”

Lời mẹ nói văng vẳng trong đầu. Đối với tôi mà nói, việc bố mẹ đưa Duy Minh sang Pháp là rất đúng đắn. Môi trường học tập bên đó tốt hơn nhiều, dễ tạo điều kiện để học sinh phát huy hết khả năng của bản thân.

“Minh à, bố mẹ nói cho em sang Pháp.”

Tôi cứ nghĩ em trai sẽ rất vui nhưng phản ứng của nó hoàn toàn ngược lại. Vẻ mặt từ ngạc nhiên chuyển ngay sang tức giận. Bầu không khí chùng xuống thấy rõ.

“Em không đi đâu.”

“Chiều nay chị qua trường rút học bạ rồi. Em còn gì chưa dọn thì dọn nốt đi. Tuần sau đi rồi.”

“Sao chị không hỏi ý kiến em?”

“Thời gian gấp rút quá lại còn phải chuẩn bị thủ tục này nọ. Hơn nữa trường học bên đó sắp tổ chức kì tuyển sinh mới. Em đi sớm hôm nào hay hôm đấy.”

“Chị đuổi em đấy à? Đáng ghét.”

Em trai vứt đũa xuống bàn, tức giận bỏ lên phòng.

Tối đó Facebook nó có status mới: “Thật không chịu nổi.”

Chuyện Duy Minh sang Pháp hầu hết bạn bè trong lớp đều biết. Suốt những ngày qua nó đều đi chơi đến tối muộn mới về, mà khi về tới nhà là chui tọt vào phòng đóng cửa. Gọi ăn cơm cũng kêu no rồi không xuống. Thằng nhóc này đang ngứa thịt gọi đòn đây mà.

“Để bà lên kêu nó nhé.”

“Thôi bà, cứ kệ nó đi. Khi nào đói ắt phải mò xuống ăn.”

“Chắc em nó có chuyện không vui, để bà lên xem.”

Bà lúc nào cũng là người tâm lí nhất. Suốt từ nhỏ tới lớn, mỗi khi có chuyện bứt rứt trong lòng, bà luôn là người giúp chúng tôi tháo gỡ, và lần này cũng vậy.

Tôi dọn cơm xong xuôi đâu đấy, ngó thấy đồng hồ đã hơn mười phút trôi qua. Chắc mọi người nói chuyện xong rồi. Tôi nhẹ nhàng bước lên lầu, ngang qua phòng Duy Minh, thấy cửa đang mở, tôi rón rén nhìn vào. Em trai đang ngồi ở bàn học, quay mặt ra chỗ khác. Còn bà đứng sau nhẹ nhàng vỗ nhẹ lên vai nó. Đang tức giận sao?

“Cháu nhớ mọi người, cháu không muốn đi.”

“Thôi nào cháu ngoan của bà. Sang đó có bố mẹ không phải tốt sao? Khi nào thấy nhớ bà, nhớ chị thì lại bay về.”

“Cháu không muốn gặp chị.”

“Sao vậy?”

“Cháu hay trêu tức chị nên chị muốn đuổi cháu đi. Làm gì cũng tự quyết mà không thèm hỏi cháu có muốn hay không. Lúc nào cũng vậy, từ nhỏ tới lớn.”

“Bà thấy không phải vậy đâu. Chắc lo cháu phải suy nghĩ nhiều nên Vi mới làm vậy. Nuôi hai đứa từ ngày còn bé xíu làm sao bà lại không hiểu tính chị cháu được.”

“…”

Bước từng bước nhẹ tựa lông hồng xuống cầu thang, tôi như người vô hồn không có thân xác. Chút sức lực dạt dào biển Đông ban nãy tựa hồ bị ai hút sạch, để lại tấm thân cằn cỗi trơ trọi với đời. Dù tôi luôn miệng đấu khẩu với nó, luôn gây chuyện khiến nó bị mắng oan nhưng chưa bao giờ nó ghét tôi như lúc này. Câu nói vừa rồi khiến tôi hoàn toàn sốc, sốc bởi nó nghĩ tôi muốn đuổi nó đi. Thật sâu trong thâm tâm tôi chưa bao giờ muốn rời xa đứa em trai nước mắt nước mũi tèm lem, hở tí là bám lấy tôi không rời. Lần này do tôi quá nóng vội mà không chú ý tới cảm nhận của nó. Tôi thật sự buồn, thật sự muốn làm hòa với nó.

Ngày ra sân bay, tôi với Duy Minh ngồi chung xe nhưng không ai nói với ai câu gì. Tôi đưa mắt nhìn hai hàng cột mốc ven đường, miên man nghĩ tới lời dặn của ngoại.

“Hai đứa đừng cãi nhau nữa. Lời nói là một lưỡi dao sắc. Dùng không đúng cách sẽ trở thành vũ khí đáng sợ đấy. Chỉ cần một câu nói cũng có thể làm mất đi người thân thiết nhất của mình. Một khi đã mất thì không trở lại được đâu.”

Chả mấy chốc chúng tôi đến được sân bay. Nhìn cảnh nhà nhà, người người ríu rít trò chuyện, chụp ảnh, trao những cái ôm ấm nồng mà soi lại với cảnh chị em tôi người đi trước người theo sau thật khác xa một trời một vực.

Nhìn em trai một tay cầm hộ chiếu, điện thoại, một tay khệ nệ xách hành lí mà lòng tôi thấy hơi nhói. Tôi bước nhanh theo rồi nở nụ cười.

“Ây da, em trai đi rồi chị ở nhà không có ai đấu khẩu, ngứa miệng muốn chết.”

Em trai ngạc nhiên quay lại.

“Chị nói gì vậy?”

“Em sang bên đấy rồi chị ở nhà buồn chết.”

“Chị ghen vì em được đi à?”

“Có thể là vậy. Khi nào có cơ hội chị sẽ cùng bà bay sang chơi với em.”

“Cái đồ đáng ghét nhà chị. Nhớ lên Face thường xuyên đấy. Đừng nghĩ là em nhớ chị, em chỉ muốn nói chuyện với bà thôi.”

“Được rồi. Lúc em cần chị có, lúc em khó có chị. Vậy được chưa? Mà sắp đến giờ bay rồi, cho ôm cái nào.”

Tôi dang rộng hai tay. Chàng trai cao hơn một cái đầu ôm chị gái thật chặt, mắt rưng rưng.

“Em đi nhé. Chị phải thường xuyên gọi điện cho em đấy.”

Tôi hứa: “Được rồi”. Sau đó nhắc nhở: “Qua bên đó rồi phải học hành cẩn thận, không đua đòi xăm trổ. Trẻ con không được học theo người lớn uống rượu hút thuốc. Phải biết giữ mình trước cám dỗ. Tự biết lo cho bản thân, thạy chị chăm sóc bố mẹ.”

Em trai đỏ hoe mắt. “Chị dài dòng văn tự hơn cả mẹ đấy.”

Nhưng cả nó và tôi đều biết, ngoài nó ra tôi có nói nhiều với ai bao giờ.

Tôi vẫy tay mãi cho tới khi bóng hình em trai khuất sau cổng an ninh. Tôi thở dài thườn thượt, cảm giác này buồn thật! Cứ như mình vừa mất đi một giấc mơ êm đềm.

Trong khi đang trồng cây bằng chân chờ xe buýt, điện thoại tôi rung liên hồi. Có người gọi đến, số lạ.

“Alo ai đấy ạ?”

“Xin hỏi cô có phải gia sư dạy tiếng Pháp không?”

“Vâng là tôi ạ.”

“Tôi muốn nhờ cô dạy tiếng cho đứa cháu. Ngày mai cô rảnh chứ?”

“Dạ được, ngày mai tôi rất rảnh.”

“Vậy hẹn cô tám giờ sáng mai ở số nhà 268 đường X. Về phí học chúng ta sẽ trao đổi cụ thể sau.”

“Vâng, tôi biết rồi.”

Tút… tút. Tiếng điện thoại tắt dần. Tôi nhảy cẫng lên sung sướng, cảm giác trời đất bừng nở hoa. Chợt chú ý tới xung quanh, tôi bắt gặp những ánh mắt kinh hoàng, trong đó mấy người đi ngược chiều đang nhìn mình đùng đoàng. Tôi bàng hoàng với hành động ban nãy, ái ngại nói lời xin lỗi. Tôi bước thật nhanh lên xe mà lòng phơi phới dậy tương lai. Đúng là trời không tuyệt đường sống của ai cả. Chúng ta không thể vì khó khăn mà buông xuôi, phải tin vào bản thân. Chỉ cần giữ được rừng xanh ắt sẽ có củi đốt.