Nhiều năm trước đây, Khải Huy đã phải chấp nhận người em gái cũng là người bạn thân thiết nhất của mình vĩnh viễn rời xa. Mất đi người đồng hành tin tưởng cộng thêm phải chịu áp lực lớn từ gia đình, anh hoàn toàn suy sụp. Hoàn cảnh buộc anh đứng trước nhiều ngã rẽ. Một là đoạt giải và trở thành chuyên gia rượu vang chuyên nghiệp. Hai là từ bỏ ước mơ và trở về với công việc do bố anh sắp xếp.

Khi bước vào trận chiến với mục đính là danh hiệu sommelier chuyên nghiệp. Anh đã vẫn dụng tất cả kỹ năng được học cùng với khả năng cảm nhận tài tình nhưng không ngờ mọi chuyện vẫn diễn ra như cũ. Anh không thể điều khiển giác quan của mình. Mỗi lần cầm trên tay chai rượu vang sóng sánh, hai từ thất bại lại cuỗm lấy tấm trí. Tất cả rồi lại trở về con số không tròn trĩnh.

“Nhưng rồi anh đã làm thế nào để vượt qua?” Tôi ngồi không yên. Trong thời khắc phải đứng trước lựa chọn cuộc đời, điều gì đã làm anh thay đổi?

Khải Huy uống ngụm cafe đen, mắt nhìn ra xa xăm.

“Tôi được khai sáng tư tưởng.”

“Là sao?”

Anh nở nụ cười nhẹ nhàng tựa như làn gió khẽ đùa giỡn trên da. Tôi bỗng chốc thấy tâm trạng mình êm dịu hơn hết.

“Em biết không, để trở thành một chuyên gia rượu vang thì phải dựa vào chín chín phần trăm kinh nghiệm và một phần trăm năng khiếu. Cái tôi thiếu sót chính là việc không tự tin vào bản thân. Mỗi lần cầm chai rượu, nỗi lo lắng liệu mình có thể trả lời đúng tên rượu, năm sản xuất lại ám ảnh tâm trí. Đó là vì tôi quá sợ hãi, sợ rằng mình đoán sai, chưa làm đã lo thất bại. Nhưng rồi tôi biết, cảm thấy không vượt qua được là do mình tự tìm đến, tất cả chỉ do bản thân nghĩ ra. Chính điều đó đã khiến tôi phải thay đổi cách nhìn nhận. Chỉ cần mờ mờ biết được loại rượu đó là gì, xuất xứ ở đâu… Tôi sẽ cảm nhận cho ra. Thà đoán hụt còn hơn không đoán được.”

“…” Tôi cúi gằm mặt không biết đối diện ra sao.

“Vì một quá khứ đáng quên mà để hành hạ suốt bây lâu. Em thấy xứng đáng với chính mình sao? Những gì đã qua thì hãy để nó qua. Tôi buông được em cũng buông được. Chỉ cần có niềm tin vào bản thân. Mọi chuyện đều có thể.”

Bầu không khí thoang thoảng mùi hoa oải hương. Có lẽ đã đến lúc cần chấm dứt những vướng bận không đáng có. Sự việc của Hồng Mỹ, tôi sẽ tha thứ. Bởi suốt bốn năm qua, chắc chắn không chỉ mình tôi chịu sự ám ảnh mà ngay cả chị ta cũng không thể sống yên ổn với lương tâm mình. Có lần tôi tâm sự với bà ngoại và bà cũng an ủi tôi y như Khải Huy bây giờ. Bà nói tại sao tôi cứ phải ôm trọn đau thương vào mình, cứ phải day dứt nghĩ về những điều đen tối. Trên đời này luôn có nhân quả, chỉ cần ta sống thật với lòng, không hổ thẹn với những người xung quanh ắt hẳn sẽ tìm thấy niềm vui trong cuộc sống.

Khải Huy đưa tôi về nhà cũng hơn mười một giờ. Gió đêm thổi qua lành lạnh, tôi như được đắm mình giữa dòng suối thiên đường thanh mát, cảm thấy đã trút được lo âu. Việc bị ăn nói đến hai lần cũng khiến tôi khôn ra. Có thể bề nổi được giải quyết nhưng còn mảng chìm phía dưới, tôi cũng phải cố gắng vượt qua.

Chiếc xe màu trắng bạc đỗ cái kít trước cổng nhà. Tôi mở cửa đi xuống, cúi đầu cảm ơn Khải Huy dù tối muộn cũng không ngại đưa tôi về, và xin lỗi vì để anh trông thấy cảnh tượng không đáng có. Tôi vào nhà, lấy hộp bánh mới làm mang tặng. Anh nhận lấy, thắc mắc.

“Gì vậy em?”

“Cupcake đó. Lần trước em thấy Nhím có vẻ thích ăn bánh nên làm dư vài chiếc.”

Vừa dứt lời, tôi vội đưa tay bụm miệng. Tôi chính - là - vừa - xưng em với Khải Huy. Không thể tin nổi, mọi thứ mất kiểm soát như thế này từ bao giờ. Tuy mối quan hệ đang tốt đẹp dần đều nhưng cũng chưa đến mức thân thiết như vậy. Len lén nhìn lên, thấy sắc mặt anh hoàn toàn bình thường, thậm chí còn đang săm soi mở hộp.

“Em biết làm bánh à? Nhìn đẹp lắm đấy.”

“Gu thẩm mỹ của tôi luôn chuẩn. Mà muộn lắm rồi, anh mau về đi, mai còn đi làm.”

Khải Huy nhìn tôi chớp chớp mắt. “Em biết quan tâm tôi từ khi nào?”

Tôi mặt đỏ tưng bừng. “Cái này tôi chỉ dựa trên góc độ là người tiêu dùng nhắc nhở anh. Không có khách hàng nào muốn một người tư vấn rượu vang cho mình lại trong trạng thái uể oải, thiếu sức sống.”

Khải Huy đặt hộp bánh sang ghế phụ, tay vặn khóa khởi động xe.

“Được rồi thím hai. Em cũng phải đi ngủ sớm, bảo vệ sức khỏe không người ta nhìn vào lại nói tôi không biết cách chăm sóc em.” Ai đó trìu mến. “Thế nhé, tôi cũng đang dựa trên góc độ tương lại nhắc nhở em. Chúc em ngủ ngon.”

Chiếc xe nổ máy phóng đi rất nhanh. Tôi lặng yên đứng nhìn tới khi khuất bóng sau hàng cây xanh rờn.

Tôi vào nhà, vốn định sẽ gọi điện cho em trai để khoe rằng người chị vĩ đại của nó đã tìm được việc làm, sắp đặt chân vào hàng ngũ tư sản nhưng không hiểu thế nào đang đi thì vấp trúng nệm, đầu đập vào gối, lại bị chăn đè lên, thành ra bất tỉnh luôn đến sáng.

Ngày hôm sau thức dậy, tôi thấy tinh thần phấn chấn, sức khỏe dồi dào. Được nói ra hết những tâm sự chất chứa trong lòng mới thấy nhẹ nhõm làm sao. Nhưng điều khiến tôi thoải mái hơn cả là những lời nói của Khải Huy đã tác động sâu sắc tới tiềm thức.

Đúng. Tất cả những khó khăn đều do bản thân tự nghĩ ra và cũng do bản thân suy diễn mà thành. Tôi cần phải gạt bỏ nó đi, đuổi nó ra khỏi cuộc sống mình.

Mải nhìn chăm chăm vào bàn phím, định sẽ nhắn một cái tin thật hay, thật cảm động mời anh ta bữa cơm, cảm ơn cho tất cả những việc đã qua. Tôi ngồi suy nghĩ rất lâu, làm sao để nội dung phải ngắn gọn, súc tích, truyền tải hết mong muốn người gửi nhưng không kém phần trang trọng. Làm sao đây?

Tôi lại suy nghĩ một hồi. Dài dòng quá không được mà ngắn quá cũng không xong. Cứ xóa rồi viết xóa rồi viết không biết bao nhiêu lần. Cuối cùng chọn cách phổ thông nhất. Đưa ra gợi ý và khéo léo mời ăn cơm. OK, tôi sẽ chọn cách này.

Tin nhắn soạn xong. Tối nay anh rảnh không? Tôi có thể mời anh bữa cơm được chứ? Ổn rồi, thấy không có lỗi gì nữa, tôi nhấn nút gửi. Sau đó gọi điện cho em Tâm. Thấy giọng con bé phấn khởi, không còn băn khoăn với cú sốc tối qua tôi cũng thấy nhẹ lòng hẳn. Em nó biết tự vượt qua nỗi sợ hãi, người làm chị như tôi cũng thấy mát lòng mát dạ.

Ba mươi phút, một tiếng, rồi hai tiếng trôi qua. Điện thoại vẫn im lìm nằm đó. Tôi vừa ôm gối vừa đợi tiếng tinh tinh báo tin nhắn từ chiếc smartphone cùi rách kia.

Đúng như mong đợi, điện thoại kêu ba tiếng tinh rất ngọt tai. Tôi vội nhảy bổ tới mở ra xem. Chậc, lại em yêu tổng đài. Buồn hơn con chuồn chuồn, tôi ném di động vào chỗ cũ, quyết định xuống bếp kiếm đồ ăn.

Những anh hùng có vai trò mang tính quyết định thắng bại luôn bị táng cho bầm dập lúc mới vào trận bởi sức yếu, đụng đâu chết đó. Nhưng vượt qua thời kỳ đầy giông bão ấy sẽ vô cùng mạnh bạo về sau. Để sống sót thì các anh hùng phải ẩn mình trong rừng sâu, vừa âm thầm chém cây diệt cỏ, rèn luyện võ nghệ, ẩn thân như ninja trốn kẻ thù. Đến khi đạt le vồ bá đạo thì cũng là lúc xuống núi và khuynh đảo thiên hạ.

Khung cảnh hiện ra trước mắt tôi tiêu điều, la liệt xác chiến binh tử nạn. Đằng sau tôi khói lửa mịt mùng, rừng cháy ngùn ngụt. Hồ nước trước mặt dập dồn sóng vỗ, cá thần ngoi lên rồi ngụp xuống vẫy nước tung tóe, đôi mắt long sòng sọc như muốn ăn tươi nuốt sống hết thảy xung quanh. Tôi bị dồn đến vách núi sâu ngàn thước, còn cá đuổi tới gào rú mãnh liệt, hung hăng tấn công. Đúng vào giây phút ngàn cân treo sợi tóc, tôi được trao cho Vô Cực kiếm, máu tăng gấp đôi, quất một roi trúng đầu. Yêu cá giãy chết đành đạch trên nền đất, máu chảy tỏng tỏng, nhuộm đỏ núi sông. Tôi như một binh sĩ oai vệ trở về từ chiến trường khốc liệt. Ngửa mặt lên nhìn trời. “Minh, không uổng công bao đêm ngày nếm mật nằm gai. Chị đã làm được rồi.”

Ngay thời khắc tôi chuẩn bị thăng cấp, đột phá cảnh giới mới thì một tiếng reng đinh tai nhức óc không biết từ đâu truyền tới làm tôi giật bắn người suýt lăn xuống đất. Tôi bò dậy ôm gối, nhìn lên trần nhà trắng hớn có hai con thạch sùng đang mải miết đóng phim 18+ mà lòng đau như cắt nước mắt đầm đìa.

Cái niềm ao ước mà trong mơ mới thấy là việc diệt được quái thú trước thằng em đã tan tành mây khói. Ôi trời ơi là trời, khát khao của tôi đã bị vùi dập cho nát bét. Tôi khều khều con phôn cùi dưới chân, tắt ngay cái báo thức chết tiệt.

Thời tiết hiu hiu lành lạnh như này thật dễ khiến con người ta đi sâu vào giấc ngủ. Bằng chứng là việc tôi đã đánh một hơi liền tù tì từ mười giờ sáng đến hai giờ chiều. Bụng lại kêu òng ọc, tôi tung chăn xuống bếp mò đồ ăn, thấy bà ngoại đang rang ngô ở đó.

“Bà đi nghe diễn thuyết về sớm vậy.” Tôi mở tủ lạnh, chắt nước lọc tu hết một hơi.

Bà vẫn đưa tay đều đều, thỉnh thoảng vặn nhỏ bếp không cháy. Tôi đứng sau, ngửi mùi thơm nóng hổi bay ra, giống y hương vị ngày xưa. Đêm đêm quây quanh bếp lửa, cùng bà, cùng các em nướng khoai nướng ngô thủ thỉ tâm tình.

“Hôm nay nghỉ diễn thuyết, nhà văn hóa đóng cửa.” Bà ngoại đổ chỗ ngô vàng rộm ra đĩa, cho thêm mẻ mới vào. “Mà ghê thật đấy, lúc bà về thấy có cửa hàng cháy lớn, khói bốc mù mịt. Bao nhiêu xe cứu hỏa ra dập lửa vẫn chưa xong. Không biết bây giờ thế nào rồi.”

Tôi bốc một nắm ngô rang bỏ vào mồm nhai.

“Bây giờ làm gì cũng phải cẩn thận, kẻo ông Hỏa ghé thăm là toi mạng như chơi.”

Bà ngoại chép miệng.

“Thế nên mới nói càng mở cửa hàng càng phải cẩn thận. Bao nhiêu đồ dễ cháy đều ở xó bếp hết.”

Tôi dừng ăn. “Cửa hàng nào vậy bà?”

“Thì cửa hàng rượu gần bảo tàng đấy, dạo trước chẳng phải cháu tới mua rượu còn gì. Khổ thế đấy, cả cái cửa hàng to đùng như thế, chớp mắt cái đã cháy rụi không còn gì.”

Tôi vứt nắm ngô ăn dở vào bát, một mạch chạy lên phòng vớ lấy cái điện thoại. Mở ra, không hề có cuộc gọi hay tin nhắn đến. Tôi gọi nhưng Khải Huy không nghe máy, đáp lại nỗi bồn chồn của tôi là tiếng bíp bíp lạnh lẽo.

Có lẽ anh ta đang ở nơi nào mà quên điện thoại chăng? Có thể lắm. Tôi gật gù với giả thuyết đưa ra nhưng không hiểu sao trong đầu luôn lặp đi lặp lại hình ảnh cửa hàng rượu vang cháy lớn.

Qua mười phút, tôi gọi cho anh ta tất cả tám cuộc gọi, tuyệt nhiên không có bất kỳ lần nào được đáp lại.

Tôi mò mẫm trên mạng một hồi, thấy có bài đăng về vụ cháy lớn gần bảo tàng, thời gian là một tiếng trước, hiện nguyên nhân đang được làm rõ. Kéo hết một vòng, tôi không hề nhìn thấy địa chỉ cửa hàng, thông tin cứ xoay vòng mông lung làm tôi vừa mừng vừa lo. Mừng là chưa rõ tên cửa hàng, biết đâu không phải nơi tôi đang nghĩ tới. Lo là hiện giờ vẫn chưa thấy tin tức gì của Khải Huy, nhỡ đâu anh ta xảy ra chuyện thật. Nhưng… chắc không phải vậy đâu. Tôi gọi thêm vài cuộc nữa mà không ai nghe máy. Cứở nhà thấp thỏm thế này không phải cách hay, chi bằng cứ đến hiện trường xem sao đã.

Khắp nơi bao quanh bởi xe cứu hỏa cứu thương, từng chiếc cứ thế nối đuôi nhau vào dập lửa và cứu người bị nạn. Đám người hiếu kỳ xúm đông xúm đỏ đứng xem, người một câu, người một lời, khung cảnh hết sức hỗn loạn. Tôi lách mãi cũng không thể vào nổi, đành chôn chân đứng ngoài.

Cửa hàng cháy càng lúc càng dữ dội. Bao nhiêu vòi rồng phun nước vào trong vẫn khó kiềm chế ngọn lửa đang trực chờ lan rộng. Đứng từ xa, tôi có thể trông thấy các cột khói cao ngút trời ám trọn lấy mảng trời đen kịt. Gần đó có hai người phụ nữ trung niên đứng nói chuyện về đám cháy. Thấy họ túi nọ túi kia, tay xách nách mang, chắc là vừa đi chợ về.

Người phụ nữ áo đỏ lên tiếng.

“Cháy lớn thật, từ nãy đến giờ vẫn chưa dập xong.”

“Thấy báo cửa hàng này phong thủy không đẹp, sớm muộn gì cũng gặp tai ương. Hầy… Bao nhiêu tiền của bây giờ đổ hết xuống sông xuống biển rồi còn đâu.”

Bà nọ đập tay cái đét.

“Thằng con tôi đang có kế hoạch liên kết với bên đấy. Đã bàn bạc xong xuôi đâu đấy với chủ cửa hàng rồi. Thế mà bây giờ lại xảy ra chuyện.”

“Nghe bảo cả chủ cả nhân viên đều mắc kẹt ở trong. Khổ chưa, tài sản đã không cánh mà bay nay tính mạng còn bị đe dọa.”

Nghe vẻ có thế kiếm được thông tin lề đường, tôi liền chạy nhanh tới.

“Bác ơi, bác làm ơn cho cháu hỏi cửa hàng nào bị cháy vậy ạ?”

Thấy tôi ngu ngơ không biết gì, người phụ nữ áo đỏ nhiệt tình kể lại.

“Cô không biết thật à? Thì cái cửa hàng rượu to vật vã ở cuối phố đấy. Không biết cháy nổ kiểu gì mà lan rộng như vậy.”

“Dạ?” Đầu óc tôi quay cuồng, khắp cái con phố này chỉ có mình nơi đó bán rượu, lại còn “to vật vã”. Sao trùng hợp đến vậy? “Bác ơi, những người bị mắc kẹt được cứu ra chưa ạ? Cháu có một người bạn làm ở đó, bây giờ không thể liên lạc được.”

“Tôi thấy có mấy người được đưa lên xe cấp cứu rồi. Số còn lại không biết được.”

Dứt lời, một chiếc cáng cứu thương được khiêng ra. Trên đó có một người phụ nữ phải thở bằng bình oxi được nhân viên cứu hộ cố định bằng dây an toàn. Mặt mày đen nhẻm, có chỗ bị bỏng khá nặng. Hai nhân viên y tế thét ầm mọi người tránh đường để đưa người bị nạn lên xe cấp cứu. Mọi chuyện hết sức hỗn độn.

Trên đường về nhà tôi mới nhận thấy khả năng ảo tưởng của mình ngày càng vi diệu. Đang yên đang lành đi lo lắng thái quá cho một người không biết đang vui vẻ du hí nơi nào. Bây giờ nghĩ lại cuộc đối thoại với thằng nhóc Việt ban chiều tôi lại giật cứng người ra sau, tay vội đỡ lấy cổ để chống tăng xông mà chết.

“Này.” Ai đó đặt tay lên vai làm tôi giật bắnngười. “Cô đang làm gì ở đây vậy?”

Quay sang thấy Quốc Việt trong bộ đồng phục cấp ba, tay sách balo nhìn tôi với ánh mặt khác người. Tôi dám cá là nó đã trông thấy điệu bộ con kangaroo của tôi khi cố nhảy lên cao để nhìn được mọi chuyện bên trong.

“Em đi học về rồi à. Sao không về nhà lại la cà ra đây. Tính đi chơi điện tử à?” Tôi nói cứng, ra dáng cô giáo nghiêm khắc.

Thằng nhóc chìa cặp lồng vào mặt tôi. “Em đến đưa đồ cho cậu. Còn cô, sao lại nhảy tưng tưng ngoài này?”

Tôi chỉ tay về phía đám đông. “Cô muốn vào đó xem.”

“Cháy nhà thì có gì để xem.”

Tôi há hốc mồm. “Em chưa biết tin gì à? Nghe nói nhà hàng cậu em bị cháy.”

“Cô nói gì?” Thằng nhỏ ngạc nhiên, trong mắt thoáng lên nét giận dữ. “Thật là… Cô nghe ai nói bậy vậy?”

“Người ta bảo thế.”

“Chậc chậc.” Thằng nhóc tặc lưỡi, nó quay mạnh mặt tôi hướng sang đầu phố, thấy một tấm biển quảng cáo nhấp nháy bốn chữ. “W-I-N-E nhìn rõ không? Em vừa ở đó đi ra. Đừng nói là cô không phân biệt được đâu là đầu phố với cuối phố nhé.”

Nghĩ lại cuộc trò chuyện hại não đấy tôi thấy vừa ngại vừa ê chề mặt mũi. Tôi đập tay đen đét lên trán, sao lại có thể nhầm lẫn giữa việc đi mua rượu thuốc cho bà và mua rượu vang một cách tai hại như vậy. Tự nhiên cuống cuồng lên lo lắng khi nghe tin anh ta gặp nạn xong tự nhiên trách cứ bản thân đi làm những chuyện không đâu. Rõ chẳng hiểu nổi mình nữa.

Tôi móc điện thoại ra nhìn chăm chăm vào màn hình lúc sáng lúc tối, hằm răng không hẹn nghiến lại ken két.

“Được, đến đúng lúc đấy.”

(Câu chuyện cũng đã đi được một chặng đường. Không biết mọi người có thấy thiếu thiếu thứ gì đó không nhỉ?)