Lã Mai Nương

Chương 8: Bơ vơ đất khách, thiếu sinh nặng tình khóc vợ Động lòng trắc ẩn, Song hiệp quyết chí tìm gian

Một chiều Xuân gió phơn phớt lạnh, ánh kim ô đỏ ối nhuộm đầu non, xa xa chặng Cối Kê Sơn tím ngắt vạch ngang trời như một nét phá tuyệt đẹp trong bức họa phong cảnh sơn cước hữu tình.

Rừng rậm bát ngát bao la một màu rêu thẫm còn vương loang lổ bóng tà dương báo hiệu một ngày sắp tàn...

Trên con đường đất gập ghềnh quanh co giữa hai dãy đồi cỏ xanh rì hiu quạnh, chiếc xe nhất mã khấp khểnh lọc cọc, lắc lư, dường như đã mệt sau chặng đường dài.

Dưới chiếc mui khum bằng tre đan trát trám, hai người, một nam, một nữ, ngồi song song trên chiếc ghế dài có dựa. Người đàn bà trạc ngoài đôi mươi, nét mặt xinh đẹp hiền hậu, tóc mây đen lánh búi ngược để hở chiếc cổ nõn nà như mỡ đọng. Thiếu phụ rùng mình sau cơn gió lùa qua vòm mui xe, kéo áo che kín cổ, ngồi xích vào bên bạn đồng hành :

- Trời lạng mau tối quá. Có chắc kịp tới thôn ở nào ngụ qua đêm nay không? Thiếp lo lỡ độ đường mất!

Người chồng trạc lớn hơn vợ vài tuổi, nho nhã thơ sinh vận áo trấn thủ bằng nỉ đen bên ngoài chiếc áo dài tím, quất nhẹ roi tre giục ngựa đi lẹ lên.

- Không đâu! Ta đã qua đường này hai lần rồi nên nhớ rõ lắm. Chỉ độ vài dặm nữa là tới Khương gia thôn.

Hiền thê đừng lo. Lạnh nhiều thì lấy chiếc mềm trong xe phủ thêm lên vai cho ấm.

Ngồi khít vào bên chồng, thiếu phụ đáp :

- Ngồi gần lang quân đỡ lạnh rồi. Nhưng thiếp vẫn thấy lo ngại thế nào ấy. Đi thế này mạo hiểm quá. Đáng lẽ nên nhập đoàn với mọi người mới phải.

Nhìn vợ, người chồng nói :

- Chờ tới ba hôm không có đoàn xe nào nên đành đi. Trên đường này có khách thương nhưng thất thường lắm. Nếu gặp được đoàn xe lớn, mình đi theo thì hoàn toàn an tâm.

Dứt lời, chàng đánh ngựa giục đi mau thêm. Nhưng vô ích, con ngựa mệt mỏi chỉ nhích lên mấy bước rồi lại đi đều đều như trước. Tới khúc rẽ, bỗng một đại hán trạc ngoài ngũ tuần đi ập tới khiến con ngựa giựt mình đi lạng sang bên.

Thanh niên vội kéo mạnh dây cương trong khi thiếu phụ bám vào thành ghế cho khỏi mất thăng bằng, áo bị tuột hở chiếc cổ nõn nà...

Đại hán mặc võ phục đen, lưng đeo đoản đao bản lớn, diện mạo dữ dội, râu quai nón tua tủa như chổi xể đang hấp tấp đi, thấy vậy, liền dừng bước nhíu đôi mày rậm nhìn chòng chọc và mặt thiếu phụ rồi dịu nét mặt bước thẳng.

Thiếu phụ vội kéo áo lên như trước, tái mặt. Xe đi được quãng dài, nàng thở phào như trút được gánh nặng :

- Trời ơi! Ghê quá, người đâu mà hung ác, trố mắt nhìn chúng ta chằm chặp khiến thiếp hết hồn chỉ e lão gây sự. Trên đường vắng vẻ, một mình đeo đao đi như vậy chắc là gian đạo không sai.

Người chồng gật đầu nhìn vợ :

- Ờ, lão già coi bộ hung dữ thật, diện tướng đặc biệt tặc đạo. May quá cũng sắp tới Khương gia thôn rồi.

Cơn gió thổi tung chiếc rèm vải sau xe, thiếu phụ rùng mình ngó lại, tái sắc, kéo tay chồng :

- Lang quân coi kìa! Tên lão tặc đi phía sau. Chắc nó theo ta!... Làm thế nào bây giờ?

Thanh niên ngoái đầu nhìn phía ngoài xe. Quả nhiên lão già hung hăng đang theo xa xa. Chàng rợn người, bối rối. Lặng lẽ không nói e vợ lo sợ thêm.

Thiếu phụ run rẩy :

- Không khéo nó cướp xe lang quân ạ, nếu xảy ra chuyện gì, thiếp quyết liều chết!

Thiếu niên an ủi vợ :

- Tại hiền thê lo sợ quá nên nghĩ vậy. Y chỉ là khách bộ hành như những người khác mà ta đã gặp trên đường. Họ cũng đeo khí giới phòng thân đó. Nếu lão đại hán hung ác này nó có ý cướp xe thì y đã hành động từ lâu rồi. Đường vắng vẻ có gì cản trở y đâu.

Thiếu phụ ngoái đầu cố nhìn qua kẽ rèm. Quả nhiên lão già đủng đỉnh đi cách xa đúng kiểu khách bộ hành. Thiếu phụ an tâm đôi chút, miệng lẩm bẩm niệm Phật cứu nạn cứu khổ, nhưng thỉnh thoảng vẫn ngó lại phía sau. Đại hán vẫn lặng lẽ đi, bước chậm hơn...

Tà dương đã khuất hẳn non Tây, gió chiều nhẹ thổi nhưng lạnh hơn trước nhiều. Sương lam mờ mờ cũng bắt đầu rụng phủ khắp sơn cương rừng rậm. Tiếng chim chiều lạc lõng vọng không trung...

Thiếu phụ hớn hở nở nụ cười tươi tắn chỉ tay ra phía trước, nơi có những làn khói lam uốn éo từ hàng mấy trăm nóc ngói bốc lên cao :

- Kìa Khương gia thôn! Phải không lang quân?

Thanh niên âu yếm nhìn vợ khẽ gật đầu :

- Đúng như ta đã nói mà! Hiền thê lo sợ khiến ta cũng sợ lây.

Hai người thoát đầu nhìn lại phía sau. Lão đại hán hung hãn hồi nãy đã rẽ ngả nào biến mất.

Thanh niên nói :

- Khương gia thôn có tới bốn, năm trăm nóc nhà toàn mái ngói tường hoang, trù mật giàu có hơn mọi nơi. Ngay đầu làng có Kê Sơn lữ quán rộng rãi sạch sẽ. Ta nghỉ lại đó.

Hai người dừng xe lại trước cổng gạch ẩn dưới bóng cây tòng lớn.

Tren lá chiêu bài đỏ đã bạc màu phe phẩy trước gió, thiếu phụ liếc nhìn thấy bốn chữ Kê Sơn Lữ Quán.

Tiểu nhị thấy có khách tới vội vàng ra đón :

- A! Phùng tiên sinh, lâu lắm mới qua đây, xin đánh xe thẳng vào trong sân.

Thanh niên họ Phùng lái ngựa thẳng vào trong sân nhảy xuống trước rồi đỡ vợ xuống xe.

Tiểu nhị hỏi :

- Quý khách có gì để trong xe nữa không?

Họ Phùng đáp :

- Có bọc hành trang, lấy xuống hộ tôi. Còn mấy thứ lặt vặt để đó không sao, sáng mai đi sớm.

Tiểu nhị trèo lên xe khệ nệ vác bọc hành lý vào trong quán lên thẳng trên lầu. Y vừa đi vừa nói :

- Tiên sinh lấy căn phòng đầu nhà như mấy lần trước nhé?

Họ Phùng và vợ ngừng lại quầy hàng :

- Ờ, lấy căn phòng đó, tôi ưng lắm.

Chủ quán mừng rỡ chào hỏi :

- Nhị vị đi đường xa mệt nhọc, xin mời lên lầu rửa mặt nghỉ ngơi, tôi sẽ bảo dọn cơm lên đó cho tiện dùng.

Họ Phùng bảo chủ quán :

- Trông coi con ngựa cẩn thận nhé, mai còn đi sớm.

- Dạ, quan khách an tâm.

Màn đêm đã buông hẳn xuống cảnh rừng núi âm u bạt ngàn. Dùng bữa xong, vợ chồng họ Phùng âu yếm dìu nhau ra vén rèm dựa cửa sổ nhìn cảnh trăng rừng lọc qua màn sương rải ánh đục như sữa xuống ngàn cây thăm thẳm.

Thiếu phụ rùng mình ngả đầu vào vai chồng :

- Khuya rồi, lạnh quá, đi nghỉ sáng mai còn khởi hành sớm.

Đêm hôm ấy, tiếng trống điểm ba vừa dứt, trong Khương gia thôn, một bóng đen từ rừng phía trước Kê Sơn tửu quán lù dù đi ra, nhìn quanh rồi tiến thẳng tới quán, núp dưới gốc tùng nghe ngóng. Tuy ánh đèn còn le lói trên lầu, nhưng tuyệt nhiên không một tiếng động nhỏ. Mọi người đã ngủ say.

Không do dự nữa, bóng đen đi vòng ra khu bên tả nhảy vọt lên mặt tường ước lượng từ đó vào mái ngói không xa mấy, liền chuyền thẳng từ mặt tường lên mái nhẹ nhàng không một tiếng động...

Nằm xoài trên góc mái nhà nghe ngóng giây lát, bóng đen thoăn thoắt leo qua lan can vào hành lang áp lưng vào tường, rón rén lần tới căn phòng đầu trên lầu nơi có ánh đèn. Cửa phòng đóng chặt, bóng đen vượt qua góc tường đến cửa sổ vây cuốn, rút dao nhẹ tay nạy chốt hồi lâu cánh cửa sẽ hé mở ra. Bóng đen ghé mắt nhìn vào.

Trong góc phòng, mùng the buông kín, gần cuối giường, bọc hành trang lớn để trên mặt án thư. Leo lên mặt cửa cuốn, bóng đen đẩy cánh cửa nhảy vào phòng, ngồi thụp xuống nghe ngóng. Tiếng người ngủ say đều đều. Người lạ đó tiến đến bên giường đưa đao gạt cửa mùng sang bên.

Vợ chồng họ Phùng, mềm kéo lên quá vai quay mặt vào tường, ngủ say. Vừa khi ấy, Phùng sanh cựa mình quay mặt ra ngoài thì bị lưỡi dao lạnh như tiền của dạ hành khách áp vào má.

Chàng giựt mình mở bừng mắt, kinh hoàng sợ toát mồ hôi. Nhờ ánh đèn dầu lờ mờ, Phùng sanh nhận ra lão đại hán hung ác lúc ban chiều đang áp lưỡi dao sáng loáng mùi tanh tanh khó chịu lên má chàng. Phùng sang muốn kêu lớn đánh thức vợ báo nguy, nhưng sợ quá, tứ chi bủn rủn tê liệt, cổ như nghẹt tắc hẳn lại.

Lẹ tay, tên đạo tặc xách chàng như xách con gà ra khỏi giường rút giây lưng trói gô lại, cắt vạt áo nhét đầy miệng. Phùng sanh đâm liều vùng vẫy cố đánh thức vợ. Lão đạo tặc vội kéo Phùng sanh giữa phòng rồi trở lại bên giường thì vừa lúc thiếu phụ choàng dậy nhận ra lão già hung ác. Nàng hé miệng toan la lên, tên lão tặc đã buông đao xuống đầu giường, vươn tay cứng như sắt ghì chặt lấy nàng, đồng thời tay kia sờ soạng khắp người thiếu phụ như tìm kiếm báu vật hoặc bạc tiền. Thừa lúc gian tặc vô ý, thiếu phụ rút vội con dao nhỏ của nàng để trên đầu giường đâm vào người lão tặc. Không ngờ thiếu phụ có khí giới, nên gian tặc không tránh kịp, bị đâm lủng sườn, tức giận xé toạc y phục của thiếu phụ và chém nàng đứt thành hai. Xong tên gian tặc gom cả bạc tiền, báu vật phóng mình qua cửa mất dạng...

Cùng hôm đó, khi trời vừa hừng sáng, màn sương mờ còn bao phủ khắp nơi, gió lạnh căm căm, thì từ nẻo rừng xa xa có hai nam nữ kỵ sĩ đi tới...

Họ vận áo nỉ dầy, đầu đội mũ lông trừu có lá đáp tỏa che hẳn gáy. Trên lưng mỗi người đều đeo tréo một thanh trường kiếm. Họ cưỡi hai con tuấn mã kiêu hùng màu trắng bạch như tuyết và đỏ thẫm như máu. Hai nam nữ kỵ sĩ đó chính là Lã Mai Nương và Cam Tử Long đang giục ngựa tiến về phía Kê Sơn tửu quán.

Tử Long nói :

- Trời lạnh quá, ta hãy ngừng lại nơi tửu quán kia uống ngụm rượu cho nóng người và dùng điểm tâm luôn thể.

Mai Nương đồng ý :

- Phải đó, đêm qua lỡ đường thành thử tiểu muội cũng thấy đói bụng quá rồi.

Tửu bảo thấy có khách tới liền chạy ra giữ cương ngựa, vồn vã mời chào :

- Mời nhị vị vào quán, lạnh quá!

Tử Long và Mai Nương vào quán, chọn một chỗ trong góc tường bỏ hành lý và bảo kiếm xuống kỷ.

Chủ quán vận áo bông gòn, hai tay thục vào cổ tay áo, bước tới chào rồi gọi tiểu nhị bê lò sưởi.

Mai Nương nói :

- Khỏi cần, sưởi quen ấm lát nữa lên đường sẽ bị lạnh thêm. Cho nước nóng rửa mặt thì tốt hơn.

Nàng vừa nói vừa bỏ mũ áo vắt xuống lưng kỷ.

Cam Tử Long cũng vậy.

Chủ quán hỏi :

- Quý khách từ đâu tới đây mà đi sớm vậy?

- Từ Tây An phủ. Lỡ độ đường thành thử đêm qua không đi khuya được nữa, thấy cổ miếu bên rừng nên ngủ tạm. Ngờ đâu đây có tửu quán gọn ghẽ quá.

- Đúng vậy, nhiều người không tính trước hay bị lỡ trên quãng đường này. Từ đây sang khu vực Sơn Tây hay Cam Túc thì đều hòa lắm, chặng đường nào cũng có thôn xóm hay quán trọ. Hẳn là quý khách đang đói, người dùng điểm tâm hay cơm rượu cho ấm bụng?

Tử Long nhìn Mai Nương hỏi ý kiến.

Nàng nói :

- Dùng cơm hơn. Lấy mấy món ngon và rượu tốt ra đây.

Chủ quán quay vào trong bếp. Tiểu nhị bê hai chậu nước lớn nóng hổi lên.

Cam, Lã rửa mặt hồi lâu rồi ngồi xuống kỷ nhìn quanh. Lúc sau tiểu nhị bê khay cơm rượu ra, mấy món xào bốc khói thơm phức bày lên mặt bàn và rót rượu đứng hầu. Đang đói, hai thanh nhiên gặp rượu ngon nhắm tốt ăn uống một chập no nê. Tiểu nhị đem bánh ngon và bình trà lên.

Mai Nương hỏi :

- Quán này có lẽ vắng khách lắm nhỉ?

- Thưa không, Khương gia thôn này có trên ba trăm nóc nhà, mươi tửu quán mà Kê Sơn, quán này lớn nhất lại ở ngay đầu đường nên hành khách nào cũng lại đây. Còn khách trong thôn thì lát nữa sáng hẳn, đỡ lạnh, mới ra dùng điểm tâm. Chiều qua cũng có hai vợ chồng hành khách tới trọ, xe còn để ngoài sân kia, có lẽ trời lạnh nên chưa thấy thức dậy. Họ cũng lên đường sáng nay.

Nói tới đây, tiểu nhị liền gọi vọng vào trong bếp :

- Tiểu Thất ơi, hãy lên lầu đánh thức Phùng tiên sinh kẻo trễ lại phiền trách thôi!

Bên trong có tiếng đáp :

- Ờ, được rồi, tôi sẽ lên.

Tử Long hỏi bâng quơ :

- Kê Sơn quán này khai trương lâu chưa?

Tiểu nhị thưa :

- Dạ, lâu lắm rồi. Chủ nhân chúng tôi buôn bán ở đây từ đời nọ đến đời kia, bổn quán không những đông khách nhất, mà vấn đề an ninh khách trọ cũng hầu như được đảm bảo, chưa bao giờ xảy ra chuyện gì đáng tiếc cả...

Tiểu nhị đang phô trương, thao thao bất tuyệt thì từ trên lầu có tiếng kêu ầm ĩ :

- Trời ơi, khách trọ bị hành thích rồi! Ghê quá!... Ghê quá!...

Chủ quán, các tiểu nhị và mấy người trong quán vội chạy ồ lên thang lầu. Cam, Lã cũng hỏi theo lên.

Chủ quán hỏi lớn :

- Việc chi vậy hả Tiểu Thất? Giết người ở đâu?

Mặt tái mét như gà bị cắt tiết, nói không ra hơi, Tiểu Thất chỉ tay vào căn phòng đầu nhà :

- Phùng phu nhân đã bị ám sát trên giường kia, còn Phùng tiên sinh nằm dưới sàn chưa biết sống chết thế nào.

Mọi người liền vào trong phòng, một cảnh hỗn độn rùng rợn phô ra trước mắt.

Thiếu phụ xiêm y tả tơi bị thân thây làm hai đoạn, máu thấm đầy giường tràn cả xuống sân gạch bông và đã đông đặc. Bọc hành trang bị lục lọi tung tóe. Phùng tiên sinh thì bị trói, mặt tái ngắt, mắt lờ đờ, bạc nhược.

Mai Nương, Tử Long vội cắt dây trói, lôi giẻ trong miệng họ Phùng ra rồi vực lên kỷ. Chủ quán hối người lấy chai dầu nóng lên thoa bóp một hồi, họ Phùng mới hồi sức yếu kể lại việc xảy ra đêm qua cho mọi người nghe.

Phùng tiên sinh kể luôn việc gặp tên lão tặc chiều qua trên khúc đường cách Khương gia thôn mấy dặm và cả quyết chính là tên tặc đạo đó là thủ phạm vụ này. Kể xong, họ Phùng loạng choạng đến ôm lấy thây vợ khóc lóc thật thảm thương khiến ai nấy đều mủi lòng rơi lệ, căm hờn muốn bắt ngay được tên sát nhân phanh thây moi ruột ra tế người bạc số mới thỏa dạ.

Trước cảnh thương tâm, Mai Nương, Tử Long nghĩ lại chuyện xưa cảm thấy căm thù phẫn nộ thay cho họ Phùng.

Tử Long đỡ Phùng sanh ra kỷ khuyên giải :

- Cơ sợ đã như vậy rồi, tiên sinh khóc than nhiều quá cũng không làm sống lại được như lệnh phu nhân, chi bằng nên giữ sức liệu bề mai táng cho người bạc mệnh thì hơn.

Phùng sanh chỉ bọc hành trang, nhăn nhó :

- Vợ chồng tôi chỉ có một ít tiền bạc và đồ nữ trang để trong bọc này thì bị tên ác tặc lấy hết rồi, nay bơ vơ quê người một đồng một chữ không còn. Lo liệu sao được bây giờ, thà rằng tôi tự vận theo nàng cho vẹn nghĩ phu thê và còn đỡ khổ.

- Không được! Nam nhi chi chí, lo việc báo hận chớ sao lại nghĩ quẩn như vậy. Tôi sẽ giúp tiền bạc, tiên sinh khỏi lo. Vậy việc cấp bách hiện thời là vấn đề tục trình báo quan sở tại thế nào tất chủ quán hiểu rõ hơn cả và đảm nhiệm việc này. Riêng phần tiên sinh nên thu xếp lại hành trang, thay y phục vấy máu đi rồi xuống dưới nhà tôi muốn thăm hỏi vài điều cần thiết.

Chủ quán cần nói :

- Tôi rất tiếc việc này đã xảy ra tại bản quán rất hại cho sự doanh thương của chúng tôi nhưng tôi cũng vì Phùng tiên sinh đây là người khách quen mà lo liệu giúp cho.

Mai Nương hỏi chủ quán :

- Tiên sinh có ý kiến gì về tên đạo tặc sát hại Phùng phu nhân đây không?

Chủ quán lắc đầu :

- Thưa nương tử, đây là lần thứ nhất xảy ra án mạng tại Khương gia thôn. Còn về tên đạo tặc, tôi hoàn toàn không có ý kiến chi cả.

Cam, Lã không hỏi gì thêm nữa, đi vòng ra hành lang nhận thấy vấy máu, máu do vết thương của tặc đạo, rớt xuống mái ngói và trên mặt tường hoa. Hai người liền xuống lầu, ra ngoài quán dò theo vết máu ra tận mặt đường rẽ sang tay tả, vết máu thưa dần và mất hút vào rừng cây. Tìm quanh quẩn hồi lâu không thấy gì lạ, hai thanh niên mới rủ nhau về quán thì đã thấy Phùng sanh ngồi đó từ hồi nào rồi.

Tử Long lấy hai đĩnh bạc đưa cho họ Phùng :

- Chúng tôi có chút bạc giúp tiên sinh lo việc tống táng cho lệnh phu nhân, xin vui lòng nhận và tả hình dáng tên lão tặc cho nghe. Bình sinh tiên sinh có thù oán gì với ai không?

Phùng tiên sinh lãnh bạc quỳ xuống tạ ơn.

Tử Long ngăn lại :

- Tiên sinh đừng câu nệ mất thì giờ quý báu. Xin kể cho rõ ràng may ra chúng tôi giúp được phần nào chăng?

Lúc đó mới đã tỉnh táo hơn, họ Phùng nhận thấy hai vị ân nhân dáng điệu uy nghi lẫm liệt, trang phục gọn gàng, lại thấy hai thanh trường kiếm dựng sát bên tường, thì nghĩ thầm có lẽ mình gặp được hai tay kiếm khách giang hồ, biết đâu mối thù sát thê có cơ nhờ người báo phục chớ cái thứ mình hèn yếu, trói gà không nổi thì làm được trò trống gì.

- Thưa nhị vị ân nhân, tôi họ Phùng, tên Nguyên Thành, tiện nội họ Bảo cùng sanh quán ở Kim Ngưu trấn, tỉnh Sơn Tây. Trước kia, tôi có theo đòi việc nghiên bút mong đạt khoa cửa kiếm chút công danh. Nhưng vô duyên, lận đận đèn sách khoa nào cũng trượt nên nhờ có chút ít gia sản, chuyển hướng sang việc thương mại theo người ta sang phủ Tây An lập nghiệp. Nay về thăm quê, định bụng rước bà nhạc mẫu sang Tây An cùng ở, chẳng ngờ đi tới đây thì vô phước gặp thảm họa như nhị vị đã biết. Còn về phần thù hiềm thì thiệt tình vợ chồng tuyệt nhiên không bao giờ gây oán chuồn thù với ai cả. Thương thay tiện nội...

Nói tới đây, Phùng Nguyên Thành lại thương cảm nghẹn ngào kéo vạt áo lau nước mắt.

Mai Nương nói :

- Bây giờ Phùng tiên sinh hãy tả hình dáng tên ác tặc đó thế nào?

Họ Phùng im lặng như tập trung trí nhớ, lát sau mới đáp :

- Y cao lớn khỏe mạnh, trạc ngũ tuấn, nước da đen tái sần sùi, mắt xếch là lồi, sử dụng đoản đao. Tiếng nói rè rè như kiểng bể. Thưa phu nhân như vậy đã rõ chưa?

Mai Nương nghe Phùng sanh gọi mình bằng phu nhơ, nên thẹn đỏ mặt, mỉm cười.

Tử Long vội chữa :

- Đây là sư muội tôi.

Phùng sanh vội nói mấy lời xin lỗi. Nhưng Mai Nương không chú ý. Nàng mải nhìn Tử Long như muốn hỏi ý kiến về hình dáng tên ác tặc :

- Hay là...

Tử Long khẽ gật đầu, hỏi họ Phùng :

- Nó mang râu quai nón?

Phùng Nguyên Thành vội đáp :

- Dạ, chính vậy, tôi quên khuấy mất đi không nói tới bộ râu. Y vào phòng lẹ làng đến nỗi tôi vốn tỉnh ngủ mà không nghe thấy tiếng động. Lúc tẩu thoát cũng vậy, tuy bị thương mà phóng qua cửa sổ lẹ như én liệng. Chắc bản lãnh ghê gớm lắm.

Tử Long buông sõng mấy câu.

- Phi hành đại đạo!

Đoạn chàng nhìn Mai Nương.

Nàng bảo họ Phùng :

- Được, để chúng tôi lo việc này xem sao. Tiên sinh hãy nán chờ, ở lại đây xem kết quả thế nào. Nhưng bí mật không được nói với một ai là chúng tôi phụ lực điều tra vụ này nhé?

- Dạ, tôi sẽ ngày đêm cầu khấn oan hồn tiện nội theo phò nhị vị ân nhân.

Hai người đứng dậy mặc áo đeo kiếm và hành lý lên lưng rồi gọi chủ quán lúc ấy đang bận rộn trên lầu.

Tử Long trả tiền hàng quán rồi hỏi chủ quán :

- Con đường trước mắt này đi đến nơi nào?

- Dạ, theo ngã tay tả thì sẽ có hai lối đi: một sang Túc Kỳ Châu và một sang Hóa Châu gần địa giới Cam Túc.

- Hành trình như thế nào cho đúng độ đường?

- Tuy đường núi, nhưng từ bản thôn trở đi nơi nào cũng không quá nửa ngày là gặp thôn ổ, lữ quán chớ không như chặng đường bên tay hữu mà nhị vị đã đi qua.

- Cám ơn, chúng tôi đi bây giờ đây.

Chủ quán niềm nở :

- Hai bầu nước đeo ở yên ngựa đã có trà nóng mới pha. Chúc nhị vị hảo hành.

Cam, Lã ra sân quán lên ngựa đi thẳng. Quả như lời chủ quán, Song hiệp luôn luôn gặp lữ quán hoặc lớn hoặc nhỏ ở giáp chân đồi, khe núi bên đường. Xế chiều hôm ấy, hai người vào quán trọ sớm hôm sau lại đi. Sang giờ Tỵ, Cam, Lã đang bàn tán về tình cảnh Phùng Nguyên Thành thì chợt có tiếng người kêu la ầm ĩ.

Dừng ngựa lại nhìn quanh, Mai Nương, Tử Long thấy hai người ra dáng thôn dân đang chạy hỗn loạn ở đầu cánh rừng cây phía xa xa bên hữu.

Một con vật gì loằng ngoằng đuổi theo chỉ cách độ vài trượng. Mai Nương, Tử Long vội thúc ngựa phóng tới. Thì ra hai người đó đang bị một con trăn lớn bông gấm uốn khúc rượt. Cấp bách quá, Mai Nương giựt con Phi Vân bổ thẳng tới chặn đầu ác thú. Con trăn độc há miệng đỏ như máu, thè lưỡi tựa tia lửa, bốn chiếc răng nanh trắng nhởn nhọn hoắt, bổ mạnh vào ống chân Mai Nương. Con Phi Vân thấy nguy chồm hai vó tiền, hí vang động cả khu rừng vắng vẻ.

Soạt...

Làn báu kiếm xanh lè như chớp giựt, chỉ chớp mắt đầu ác thú đã tiện đứt đôi. Thân con trăn cụt đầu còn uốn lên mấy vòng nữa rất dữ dội, dạt cả mặt cỏ, mới lần lần nằm yên.

Cam, Lã cùng xuống ngựa. Bấy giờ hai thôn dân mới hoàn hồn, quay lại quỳ lạy tạ ơn cứu mạng. Song hiệp đỡ họ dậy, Mai Nương hỏi :

- Hai người làm gì ở đây mà bị trăn đuổi vậy?

Người có tuổi nói :

- Hai chú cháu tôi ở Đông thôn gần đây thường vào rừng lấy măng về bán độ nhật. Lúc nãy, đang loay hoay chặt măng thì chợt thấy cành lá khua động ầm ầm tuy trời không gió lớn. Chúng tôi lấy làm kỳ dị ngơ ngác nhìn, bỗng con mãng xà này từ trên cây quăng mình xuống đuổi. Lượng sức không chống lại nổi, chú cháu tôi hè nhau chạy bán sanh bán tử, vừa ra tới đây, nếu không được nhị vị ân nhân tiếp cứu thì chắc chắn bị ác xà hại rồi. Phước đức quá!

Vừa lúc ấy có ba người tiều phu gánh củi đi tới. Một người hỏi :

- Có việc chi vậy hả Trần Tứ? Trời ơi! Con mãng xà lớn quá! Ai giết nó thế?

Trần Tứ chỉ Mai Nương, Tử Long và nói :

- A, Lý Đại, trong khi tôi bị ác xà rượt thì vừa lúc nhị vị đây phi ngựa tới kịp và chính cô nương đã hạ sát nó. Bác Lý ở rừng nào tới đây?

Người tiều phu tên Lý Đại chăm chú nhìn Cam, Lã :

- Tôi ở rừng bên ra...Ví chăng chiều qua nhị vị hiệp khách qua đây thì tên lão tặc khó lòng đi thoát khỏi.

Mai Nương giựt mình nhìn Tử Long rồi hỏi Lý Đại :

- Lão trượng nói tên lão tặc nào?

Lý Đại chép miệng :

- Nói ra thì dài lắm, cô nương ạ.

- Xin cứ nói, tiểu nữ muốn biết chuyện đó lắm.

Đặt gánh củi xuống, Lý Đại nói :

- Trái với thường lệ, hôm qua lão vào rừng lấy củi buổi chiều. Lúc đi qua miếu Lão Tử, chợt nghe có tiếng người nói, lão lấy làm lạ vội núp vào bụi rậm xem tình hình ra sao vì ngôi cổ miếu đó hoang phế từ lâu rồi.

Lát sau, có hai người từ miếu đi ra, khép cánh cửa mục lại hẳn hoi. Lão nhận ra đó là cha con họ Bành bên Hoa Châu.

Mai Nương hỏi :

- Hình dáng chúng thế nào và là hạng người gì?

Rút ống điếu đồng ngắn ở trong túi ra nhồi thuốc vào, Lý Đại châm lửa hút một hơi dài khoan khoái thở làn khói dầy đặc, rồi chậm rãi nói :

- “Lão xin kể rõ ràng. Tặc đạo họ Bành tên Khoát Hải, chủ nhân Bành gia ổ ở bên Hoa Châu, cao lớn, da sần sùi đen, râu quai nón, mắt lồi, mũi sư tử coi dữ tợn lắm. Con nó là Bành Chấn Sơn, vóc dáng như cha, mặt rỗ chằng chịt. Cha con họ Bành cùng đeo khí giới. Khoát Hải vận quần áo đen, áo chẽn bông nhưng lạ một nỗi bên sườn loang vết máu lớn bằng bàn tay. Y đưa cho Chấn Sơn một bọc vải đỏ sủng soẽng tiếng bạc và bảo rằng :

- Con hãy về gia ổ trước, ta còn sang chơi Thiên Sơn tự ít ngày nữa và sẽ về cùng Pháp Quang hòa thượng.

Chấn Sơn nói :

- Còn vết thương kia thì sao?

- Ồ, ăn thua gì! Ta hết đau rồi.

Thế là cha con Bành tặc đi thẳng. Lão ngờ Khoát Hải vừa đi cướp được bọc bạc lớn ở đâu về và chính y bị trúng thương trong vụ cướp đó”.

Mai Nương hỏi :

- Làm thế nào mà lão trượng lãi biết rõ đời tư của Bành tặc đến như vậy?

- “Số là trước kia lão có nuôi thằng Lý Cường, là một người cháu họ. Nó hung hăng bướng bỉnh không chịu nghe lời lão dạy bảo, năm mười tám tuổi bỏ nhà ra đi.

Hai năm sau, bỗng một hôm nó trở về, y phục chỉnh tề ra dáng có tiền bạc, khoe khoang được khá giả thì y theo hầu chủ nhân là Bành gia là một tay anh hùng võ dõng. Chính vì y bạo ngược hung hăng hay gây sự đánh lộn nên được họ Bành quý mến bởi lẽ Bành Khoát Hải ghét thứ công nhân hiền lành. Lý Cường thấy lão không tin nó bèn rủ lão sang Bành gia ở bên Hoa Châu chơi. Tò mò, lão đi cùng nó. Quả nhiên, gia ổ ấy lớn thật, tường cao, hào sâu, cổng tiền hậu đều có điếu kiều, tráng đinh canh phòng trên vọng lầu rất nghiêm cẩn.

Bên trong, nhà lớp nọ lớp kia trần thiết lộng lẫy xa hoa, gia đinh đông đảo, tên nào cũng võ phục, võ trang chẳng khác chi dinh một vị đại tướng vậy”.

Lão bèn hỏi :

- Bành gia chủ làm gì mà giàu sang cực điểm như vậy?

Lý Cường đáp :

- Đáng lẽ tiểu điệt không được phép cho bá phụ biết, thiết nghĩ có nói cũng chẳng hại gì vì bá phụ làm chi nổi một tay cường hào như họ Bành. Đây nhé, chủ nhân là tay anh hùng độc cước độc đạo, mỗi năm chỉ đi buôn xa vài chuyến là vàng bạc châu báu chất đầy rương, chẳng thiếu thứ gì.

Lão vờ hỏi :

- Độc cước độc đạo đi buôn xa vài chuyền được nhiều tiền bạc nghĩa là thế nào? Khó hiểu quá!

Lý Cường đắc chí :

- Chậm hiểu như bá phụ chẳng trách suốt đời vào rừng đốn củi kiếm được vài quan tiền là phải! Buôn đây có nghĩa là cướp của người khác, bá phụ nghe ra chưa? Không bao giờ Bành gia chủ cướp ở quanh vùng này nên hành tung đại đạo vẫn không ai hay. Vô phước kẻ nào tò mò dò hỏi làm bại lộ thì dù có biết độn thổ cũng sẽ mất đầu trước khi chui xuống đất!

Đấy! Vì thế nên lão mới biết rõ về tên Bành lão tặc.

Mai Nương hỏi thêm :

- Lão trượng có biết Thiên Sơn tự ở đâu không!

- Dạ, ở bên Túc Kỳ châu giáp địa giới Cam Túc. Ngôi chùa ấy khá lớn và ở ngoại trấn.

- Từ đây đến đó xa bao nhiêu?

- Dùng tuấn mã như cô nương thì chỉ xế chiều nay tới nơi. Ra khỏi khu này chừng năm dặm đường có ngã ba. Rẽ tay hữu là đường đi Túc Kỳ Châu, rẽ tay tả thì sang Hoa Châu cũng chỉ một ngày đường.

Cam, Lã mừng rỡ từ biệt Lý Đại, Trần Tứ lên ngựa đi thẳng.

Mai Nương hỏi Tử Long :

- Sư huynh định đi ngả nào?

- Túc Kỳ Châu. Vì tên lão tặc họ Bành qua Thiên Sơn tự. Nhưng có một sự lạ khiến ngu huynh thắc mắc vô cùng.

Mai Nương ngạc nhiên nhìn bạn đồng hành có ý hỏi.

Tử Long nói :

- Trước kia khi còn ở Bạch Vân tự, Lã Tứ Nương đại sư đã có lần nói tới Thiên Sơn tự là một ngôi thiền viện chánh đạo, tại sao Bành lão tặc lại giao dịch được với hòa thượng trong chùa này?

- Ngu muội cũng có một điều thắc mắc.

- Điều chi vậy?

- Hình sáng tên Bành Khoát Hải giống hệt Tăng Tòng Hổ, hay chính y đó...?

Suy nghĩ giây lát, Tử Long nói :

- Kẻ thù của ngu huynh năm nay nhiều lắm là ngoại tứ tuần, mà theo lời nho sanh Phùng Nguyên Thành và Lý Đại thì tên lão tặc họ Bành trạc ngũ tuần hay hơn chút ít nữa, không lẽ Tòng Hổ già đến thế sao?

- Dưới bộ râu quai nón, khó định đến số tuổi lắm.

Tử Long cười :

- Ngu huynh cũng mong Bành tặc tử là Tòng Hổ đổi tên họ, như thế đỡ vất vả cho chúng ta tìm kiếm biết là nhường nào! Kể ra cũng khó nghĩ thật. Nhưng ngu huynh tin chắc nếu giáp mặt kẻ thù sẽ nhận ra nó ngay.

Hai người dong ruổi trò chuyện, nhá nhem tối hôm ấy thì đến Túc Kỳ Châu, cổng thành hãy còn mở.

Song hiệp bèn vào thành tìm quán trọ nghỉ chân.