Chuyện này phải bắt đầu kể từ khi Đàm Vân Sơn chào đời hai mươi năm trước.

Đàm Vân Sơn được sinh ở căn nhà Đàm viên ngoại mua cho cô gái lầu xanh kia, vừa cất tiếng khóc chào đời thì mẹ mất. Một mặt Đàm viên ngoại sai người lo liệu hậu sự, một mặt thì bế vội Đàm Vân Sơn về nhà họ Đàm, trước hết là vì trẻ sơ sinh cần được vú nuôi chăm sóc ngay, thứ đến là Đàm lão phu nhân đang chờ được ôm thằng cháu trai thứ hai.

Lúc Đàm viên ngoại về tới Đàm phủ, màn đêm đã buông xuống. Bởi đang sốt ruột nên lúc bế Đàm Vân Sơn bước qua ngưỡng cửa sơn son của nhà mình thì ông bị vấp một cái, may là ôm chắc nhưng đôi chút loạng choạng vẫn động tới đứa bé, Đàm Vân Sơn ngủ say trong tã lót giật mình dậy, khóc mãi không chịu thôi.

Đúng vào lúc này, bỗng một ngôi sao sa xuống ở đằng chân trời. Ngôi sao ấy khác với những vệt sao băng sáng bạc bình thường, trong quá trình rơi xuống nó để lại một vệt màu đỏ. Thế nhưng, rất nhanh sau đó, điều làm cho Đàm viên ngoại kinh ngạc hơn nữa xảy ra. Ngôi sao đỏ ấy chẳng những không đi xa dần mà ngược lại, càng ngày càng gần, như thể đang lao thẳng về phía Đàm phủ vậy.

Lúc đó Đàm viên ngoại đứng ở sân trước ngửa đầu lên nhìn ngây ra như tượng không dám nhúc nhích cuối cùng trơ mắt chứng kiến ngôi sao đỏ ấy rơi xuống giữa vườn hoa chếch về phía Tây gian giữa.

Toàn bộ sự việc chỉ xảy ra trong chớp mắt. Ngôi sao đỏ ấy tuy sáng nhưng rơi xuống lại lặng im không gây ra chút động tĩnh nào. Đàm Vân Sơn nằm trong lòng vẫn đang khóc. Đàm viên ngoại hoàn hồn, dằn nỗi nghi hoặc trong lòng xuống, vội vã bế Đàm Vân Sơn vào hậu trạch.

Tuy nhiên, Đàm viên ngoại không phải người người duy nhất chứng kiến cảnh sao sa này.

Đàm lão phu nhân, Đàm phu nhân và bà cốt được gọi tới để xem ngày sinh tháng đẻ cho đứa trẻ lọt lòng đang chờ sẵn ở hậu trạch đều nhìn thấy sao sa. Vậy nên đang lúc Đàm lão phu nhân ôm đứa cháu trai quý hóa của mình, bà cốt phán liền một câu cực kỳ mất vui: sao đỏ sa, cảnh nhà tàn.

Bà cốt chẳng cần phải xem ngày sinh tháng đẻ đã nói chắc mười mươi rằng đứa trẻ mới lọt lòng này chính là tai vạ, Đàm viên ngoại bế nó về chính là rước tai vạ về nhà.

Nhà họ Đàm năm đời độc đinh, chẳng biết đã trông mong cậu ấm hai này bao lâu, đâu phải một câu của bà cốt mà chi phối được. Đàm lão phu nhân và Đàm viên ngoại đều cực kỳ tức giận đuổi bà cốt đi, làm như chưa hề nghe thấy thứ lời vớ vẩn ấy, giao Đàm Vân Sơn cho Đàm phu nhân và vú nuôi chăm sóc.

Thoắt cái tới mười bốn năm trước, cũng chính là năm Đàm Vân Sơn sáu tuổi, vào dịp Trung thu, Đàm viên ngoại và Đàm phu nhân cùng ngồi dưới đình Lê Hoa ngắm trăng, kẻ hầu người hạ xung quanh bỗng lả hết, ngủ thiếp đi, sau đó một cụ già tóc bạc da hồng nhanh nhẹn đi tới. Áo cụ bay bay, đạp trên gió, bước trên mây, ắt chính là thần tiên, không thể sai được.

Cụ báo cho hai người biết ngôi sao đỏ rơi vào nhà họ Đàm năm Đàm Vân Sơn sinh tên là Xích Hà Tinh, không chỉ không mang tới tai vạ mà ngược lại còn che chở tạo phúc cho nhà họ Đàm, bảo vệ gia đình bình an, trợ giúp tài lộc thịnh vượng, phù hộ con nối dõi của gia đình; còn Đàm Vân Sơn cũng không phải là tai vạ, sở dĩ cùng vào cửa với Xích Hà Tinh ấy là bởi cùng có tiên duyên. Nói cách khác, bởi Đàm viên ngoại bế Đàm Vân Sơn về nhà nên Xích Hà Tinh mới bằng lòng chịu rơi xuống Đàm phủ. Vậy nên phải thành tâm thờ phụng Xích Hà Tinh, cũng phải chăm sóc Đàm Vân Sơn cho chu đáo.

Với Đàm viên ngoại và Đàm phu nhân thì chăm sóc Đàm Vân Sơn chu đáo như thế nào không cần phải giảng giải nhưng Xích Hà Tinh thì phải thờ phụng thế nào đây?

Tiên ông không bày đặt bí hiểm, ăn ngay nói thẳng, bản thể Xích Hà Tinh nằm dưới giếng cổ cạnh Lê đình, thờ phụng không phải là quỳ lạy dâng hương, nước ăn cứ lấy dùng như thường, chỉ cần nhớ rằng nhất định không được để giếng cạn nước, một khi giếng cạn, Đàm phủ ắt không còn ngày lành.

Tiên ông tới nhanh, đi cũng nhanh, lúc đi còn có lời nhắc, hai chữ Vân Sơn này hay, đạp vân vọng sơn, có tiên khí.

*đạp vân vọng sơn: đặt chân trên mây dõi mắt nhìn núi

“Tự ngày ấy, tôi và phu nhân bàn với nhau bỏ tên có chữ “Thế”, sửa tên thằng nhỏ là Vân Sơn đồng thời khơi thêm giếng ở mấy chỗ khác trong nhà để lấy nước ăn uống tắm giặt.”

Nói một hơi dài cuối cùng cũng xong, Đàm lão gia uống vội mấy hớp trà ấm.

Đàm phu nhân trước sau vẫn ngồi tề chỉnh, yên lặng, thái độ bình thản như thể việc Đàm viên ngoại thuật lại “Lê Đình Tiên Mộng” và thái độ “ra là vậy” của nhóm người nghe không hề liên quan gì tới bà. Mãi tới tận khi Đàm viên ngoại đặt chén trà xuống, bà chủ nhà mới có hành động đầu tiên tính từ đầu tới giờ: thong thả cầm ấm trà rót thêm cho Đàm viên ngoại một chén.

Trà được châm vào chén, tiếng rót nước trà nghe rõ mồn một làm bật lên sự tĩnh lặng trong trà sảnh.

Đàm Vân Sơn trông rất tự nhiên, ánh mắt thoáng nhìn xa xăm như nghĩ ngợi gì đó rồi nhanh chóng hồi thần, dường như giấc mộng tiên ly kỳ này chỉ gợi cho chàng một câu “ồ, ra là vậy”.

Ký Linh thì hoàn toàn ngược lại, chân mày nhíu chặt, vô số thắc mắc quanh quẩn trong đầu, vấn đề này còn chưa nghĩ thông đã lại có thêm vấn đề mới, bện vào nhau rối như bùi nhùi.

Phùng Bất Cơ là người biết ít nhất ở đây. Trước đó, chớ nói giếng cổ, tiên duyên, Xích Hà Tinh, tiên ông, đến ngay chuyện Đàm Vân Sơn không phải con ruột của Đàm phu nhân Phùng Bất Cơ cũng không biết. Song chính bởi vậy nên Đàm viên ngoại nói gì thì Phùng Bất Cơ nghe vậy, tuy có bất ngờ nhưng dù sao ấy cũng là chuyện nhà người ta, bản thân không có quyền xen vào cho nên mạch suy nghĩ luôn bám sát dòng câu chuyện Đàm viên ngoại kể, Đàm viên ngoại ngừng kể, Phùng Bất Cơ liền thuận đó đặt ngay câu hỏi cho vấn đề trực quan nhất: “Không phải tiên ông nói là cứ dùng nước như thường sao, tại sao phải khơi giếng mới?”

Đàm viên ngoại vừa cầm chén trà phu nhân mới rót thêm cho lên nghe hỏi vậy lại để nó xuống thở dài: “Nói là cứ dùng như thường nhưng chúng tôi nào dám dùng nhiều, lỡ như giếng cạn thì chẳng hóa là đại tội! Thế nên từ ấy giở đi mỗi ngày chỉ lấy ở giếng đó một thùng nước còn lại đều dùng nước giếng mới.”

Phùng Bất Cơ hiểu nỗi băn khoăn của Đàm viên ngoại. Chỉ lấy một thùng tượng trưng coi như là “vẫn dùng như thường”, không trái ý tiên dạy lại tránh được nỗi lo giếng cạn nước, dẫu rằng mối lo này có vẻ như là lo thừa.

“Giờ hai thầy đã hiểu vì sao tôi ngăn không cho lấp giếng rồi đấy. Không phải tôi không muốn bắt yêu, thực sự là không thể lấp giếng này được…” Đàm viên ngoại khẩn khoản giãi bày rồi bỗng bừng hiểu, “Nói vậy, con yêu quái kia không ở đâu khác lại ở trong giếng phải chăng là vì Xích Hà Tinh ở dưới giếng này?”

“Bản thể Xích Hà Tinh” mà tiên ông nói rốt cuộc có hình thù thế nào, Đàm viên ngoại vốn chưa từng nhìn thấy nhưng điều này không hề cản trở ông suy ra mối quan hệ nhân quả trong sự việc lần này.

Phùng Bất Cơ thở dài thườn thượt: “Chắc là vậy.”

Ngày xưa Đàm phủ bị ngập là do thế đất thấp lại gặp mùa mưa nhiều, tình trạng nước ngập lên xuống giống các nhà láng giềng xung quanh nhưng sau khi sửa lại nhà, Đàm phủ bắt đầu bị ngập từ sau khi Xích Hà Tinh rơi trúng giếng nhà hơn nữa rõ ràng đã cao hơn các nhà xung quanh nhưng lại vẫn là nhà bị ngập nặng nhất, thậm chí xung quanh không bị ngập mà nhà họ vẫn bị ngập, điều này hiển nhiên là vô lý, cách giải thích duy nhất chính là Ứng Xà ngủ đông ở vùng này cảm nhận được có vật tiên nên mới tác oai tác quái hòng thuận dòng nước lẻn vào Đàm phủ cướp vật tiên. Điều này cũng giải thích vì sao gần hai mươi năm nay Hòe Thành liên tục chịu hồng thủy.

Có điều tại sao hai mươi năm qua Ứng Xà liên tục thất bại nhưng lần này lại thành công?

Phùng Bất Cơ hiểu có rất nhiều chuyện không phải làm một lần là được ngay, cần phải nhẫn nại thực hiện suốt nhiều năm mới được như ý nhưng áp dụng vào chuyện Ứng Xà tìm Xích Hà Tinh… Tất nhiên nói vậy không phải để đồng tình với Ứng Xà, vấn đề là dù nguyên khí bị thương tổn thì cũng là một yêu thú thượng cổ, muốn đột nhập vào một hộ bình thường mà lại cần vất vả nỗ lực những hai mươi năm, phải chăng là quá vất vả?

Thắc mắc của Phùng Bất Cơ cũng là điều Ký Linh thắc mắc nhưng không chỉ mỗi vậy.

Nàng tin lời Đàm viên ngoại nói là thật nhưng đối chiếu điều này với lời tiểu nhị của khách điếm kể thì lại thiếu vài chi tiết đặc biệt.

Ví như lấy máu nghiệm thân, điều này được tay tiểu nhị hết sức nhấn mạnh nhưng Đàm viên ngoại không hề đề cập tới nửa chữ. Lại ví như Đàm Vân Sơn càng lớn càng không giống Đàm viên ngoại, theo lời tiểu nhị thì Đàm lão phu nhân muốn đuổi Đàm Vân Sơn khỏi nhà nhưng sau đấy vì chuyện gì đó mà lại thôi, chỉ sửa lại tên cho Đàm Vân Sơn. Nếu “chuyện gì đó” này chính là “Lê Đình Tiên Mộng” Đàm viên ngoại kể thì hoàn toàn hợp lý, dù sao thần tiên cũng đã có lời, dù Đàm Vân Sơn trông có giống người nhà họ Trần sát vách thì Đàm viên ngoại cũng vẫn phải nuôi nấng tử tế, thế nhưng còn chuyện “Đàm viên ngoại thấy không dám chắc, Đàm lão phu nhân muốn đuổi Đàm Vân Sơn đi” thì chưa thấy Đàm viên ngoại đề cập tới.

Ký Linh không biết rốt cuộc là tiểu nhị “thêm mắm dặm muối” hay là Đàm viên ngoại “né tránh” vấn đề, buồn bực một nỗi là không cách nào xác thực được. Cũng không thể hỏi trắng ra là “năm đó rốt cuộc có lấy máu nghiệm thân không” phải không? Hỏi vậy làm Đàm viên ngoại khó trả lời mà nàng càng không muốn làm Đàm Vân Sơn tổn thương.

Đây là lần đầu tiên kể từ lúc quen biết tới nay Ký Linh hy vọng Đàm Vân Sơn cứ tiếp tục sống vô tư, chẳng để tâm chuyện gì, cứ tiếp tục vui vẻ như vậy.

Khẽ khàng hít thở sâu, Ký Linh lẳng lặng dằn những câu hỏi khác xuống, chỉ hỏi chuyện liên quan tới vấn đề trước mắt: “Chiếc giếng kia đặc biệt như vậy sao viên ngoại không báo sớm cho chúng tôi hay? Giả như nói thì chúng tôi chắc chắn sẽ hiểu cho, hà cớ gì phải đứng quanh giếng tranh cãi mất vui như vậy.”

“Phải đấy,” Phùng Bất Cơ rất đồng ý với lời Ký Linh nói, “nếu không phải phu nhân sai a hoàn tới chuyển lời, nói không chừng giờ chúng ta vẫn còn đang tranh cãi đỏ mặt tía tai kia!”

“Chuyện này… Ôi, đều tại tôi cả,” Đàm viên ngoại rầu rĩ nói, “tại tôi nhất thời quên mất.”

Phùng Bất Cơ trợn trừng mắt: “Chuyện trong giếng có vật tiên mà cũng quên được?!”

Đàm viên ngoại “kính sợ” Phùng Bất Cơ dường như đã trở thành thói quen, hễ Phùng Bất Cơ mà hơi lớn tiếng một chút là ông đã thấy sờ sợ.

Thấy Đàm viên ngoại nhát tới mức nói không ra lời, Ký Linh dở khóc dở cười, đang tính nói đôi câu xoa dịu giảm bớt áp lực cho Đàm viên ngoại thì không ngờ Đàm phu nhân đã nhanh hơn nàng một bước.

“Thầy chớ nóng.”

Đàm phu nhân không nói lớn tiếng, ngữ điệu lại bình thản, ba chữ ngắn ngủn, nghe qua thì hờ hững ung dung có khí thế của bà lớn, ngẫm kĩ lại mới thấy trong đó có ý không hài lòng.

Phùng Bất Cơ thẳng tính nhưng không ngu ngốc, nghe cái liền hiểu ngay phu nhân nhà người phật ý với câu lớn tiếng của mình, huynh ta nhún nhún vai, ngậm miệng.

Đàm phu nhân không bình phẩm câu gì trước sự im lặng của Phùng Bất Cơ mà chuyển qua nhìn Ký Linh như thể lời bà sắp nói là giải thích riêng cho mỗi mình thầy này.

“Trước khi tiên ông đi có nói rõ chuyện gặp gỡ này và các chuyện liên quan tới Xích Hà Tinh, trừ khi cơ duyên tới bằng không nhất quyết không được nói cho người thứ ba biết, nói ra là tiết lộ thiên cơ, tính mạng tôi và lão gia khó giữ.”

Chút cảm giác cảm khái trước khí thế uy nghiêm của Đàm phu nhân trong lòng Ký Linh bị lời dặn khó hiểu của vị thần tiên này chiếm chỗ, đến lúc này, trong lòng nàng chỉ còn một nỗi bất bình: “Nói ra thì tính mạng khó giữ? Trên đời này nào có thứ chuyện ngang ngược như vậy. Nếu thực sợ tiết lộ thiên cơ thì ông ta đừng có xuống kể mấy chuyện nhảm nhí này ra là xong!”

Phùng Bất Cơ gật đầu lia lịa, quả thực không thể đồng ý hơn được nữa.

Đàm phu nhân không ngờ thầy nữ còn nóng tính hơn cả thầy nam, tức lên là dám mắng cả thần tiên, dù là người ung dung như Đàm phu nhân cũng không thể ngồi yên, phải vội lên tiếng ngăn lại: “Thầy chớ nên nói vậy. Xích Hà Tinh rơi xuống Đàm phủ là phúc cho nhà họ Đàm chúng tôi, chúng tôi tạ ơn còn không kịp.”

Ký Linh hiểu nỗi lòng của Đàm phu nhân nhưng vì hiểu nên càng cảm thấy thần tiên thật chẳng ra gì.

Không một dấu hiệu báo trước, Đàm Vân Sơn yên lặng từ đầu tới giờ bỗng lên tiếng, giọng nói vẫn thảnh thơi, hờ hững trước sau như một cứ như thể chàng chỉ định nói mấy lời chuyện phiếm.

Thế nhưng điều chàng hỏi ra là: “Mẹ, lúc nào mới được coi là cơ duyên tới?”

Đây không phải lần đầu tiên Ký Linh nghe Đàm Vân Sơn gọi tiếng “mẹ” nhưng vừa không bao lâu trước Đàm lão gia mới nói rõ ra chuyện mẹ ruột Đàm Vân Sơn là gái thanh lâu trước mặt nàng và Phùng Bất Cơ, nếu là người khác thì trong lòng ít nhiều cũng cảm thấy khúc mắc nhưng Đàm Vân Sơn gọi tiếng “mẹ” này vẫn đầy thân thiết, tự nhiên, so với mấy lần gọi trước Ký Linh nghe được thì chẳng hề thay đổi mảy may.

Kỳ diệu là Đàm phu nhân cũng không thay đổi, vẫn nhìn con trai bằng ánh mắt ân cần, hòa nhã như ngày thường: “Lúc ấy mẹ cũng hỏi như vậy. Tiên ông chỉ đáp bốn chữ: vạn bất đắc dĩ.”

“Thế giờ đúng là thời cơ đến thật rồi,” Đàm Vân Sơn gật gù sau đó lại lo lắng hỏi, “tuy rằng thời cơ đã đến nhưng bí mật giữ bao nhiêu năm, kể một cái liền kể cho ba người nghe, liệu thần tiên có trách tội vì quá nhiều người biết không?”

Đàm phu nhân thong thả nói: “Yên tâm, tiên ông nói một khi cơ duyên tới thì nói thế nào, nói cho bao nhiêu người, tùy cha mẹ. Chỉ cần tuân thủ hai điều. Một, không được nói dối, hai, cần phải gọi con lại nghe cùng.”

Đàm Vân Sơn ngớ ra: “Con?”

Đàm phu nhân gật đầu, nụ cười nhẹ xóa mờ những vết chân chim ở khóe mắt nhưng trông không thật lòng: “Biết sao được, con có tiên duyên, trời đã định vậy rồi.”

Đàm Vân Sơn cười một cái, không nói gì nữa.

Thấy họ đã nói xong, Đàm viên ngoại mới mở lời với Ký Linh và Phùng Bất Cơ, giọng rất thành khẩn: “Có gì cần nói chúng tôi đều đã nói cặn kẽ cho hai thầy biết, giờ khẩn cầu hai thầy liệu có thể nghĩ được cách bắt yêu nào khác chăng?”

Rõ ràng Đàm viên ngoại không hề dám chắc chuyện đây rốt cuộc có phải “cơ duyên” mà tiên ông nói tới hay không như Đàm phu nhân nhưng nói đã nói rồi, tất nhiên phải cố bảo vệ chiếc giếng, bằng không vừa không giữ được bí mật vừa bị lấp mất giếng, ông thực sự chết mất.

Phùng Bất Cơ hơi thương hại vị viên ngoại này, trên bị thần tiên đe dọa, dưới bị phu nhân áp bức, quả là ví dụ sống động của từ “thê thảm”.

Phùng Bất Cơ nhìn Ký Linh trưng cầu ý kiến.

Ký Linh nghĩ ngợi rồi gật đầu.

Hai thầy bắt yêu đạt được nhất trí xong mới nói với chủ nhà…

“Viên ngoại yên tâm, chúng tôi nghĩ cách khác.”

Đàm viên ngoại như trút được gánh nặng, từ lúc vào trà sảnh nói chuyện, lần đầu tiên thấy ông thở phào một hơi.

Ký Linh bỏ ý tưởng lấp giếng, phải đi tính cách khác, mặc dù chưa manh nha được chút cách nào khác nhưng lại nghĩ ra một chuyện, do chỉ là chuyện phiếm nên cũng thuận miệng hỏi luôn: “Chuyện tiên xuất hiện ở đình Lê Hoa là thật, sao viên ngoại và phu nhân phải gọi nó là “mộng” chứ?”

Ký Linh nghĩ rất đơn giản, mộng là giả, là hư ảo, nếu thực có chuyện này thì gọi là “Lê Đình Gặp Tiên” chẳng phải là thích hợp hơn sao?

Đàm viên ngoại bất ngờ trước câu hỏi, bất giác nhìn sang phu nhân nhà mình, Đàm phu nhân cười khẽ, ung dung đáp: “Chuyện nói ra chẳng ai tin lại không biết chừng nào cơ duyên mới tới, chẳng bằng coi đó là một giấc mộng; hơn nữa, gọi là “mộng” cũng tiện nói, ví như vừa rồi tôi sai a hoàn đi chuyển lời, chẳng lẽ bắt nó trước mặt bao kẻ hầu người hạ hỏi thẳng lão gia là lão gia có còn nhớ chuyện gặp thần tiên dưới đình Lê Hoa năm ấy không hay sao?”

Đàm phu nhân đáp rất hợp lý, dù là người tính bắt bẻ cỡ nào cũng không thể nhặt ra được chỗ sai.

Đành rằng không thể bắt bẻ được gì nhưng lại nói với thái độ cao ngạo kiểu “lần này tôi đáp thế đã vừa lòng chưa” giống như ban nãy bà bảo Phùng Bất Cơ “chớ nóng” vậy, làm người nghe thấy thật khó chịu.

Song người ta cười, Ký Linh cũng đành phải chịu nhịn cười lại một cái khô không khốc.

Đạt được đồng thuận về chuyện “không thể lấp giếng”, cuộc nói chuyện riêng ở trà sảnh kết thúc. Đàm viên ngoại, Đàm phu nhân không biết bày mưu tính kế bắt yêu, dựa trên nguyên tắc “không gây thêm rắc rối là được”, hai người về phòng nghỉ ngơi, trước lúc đi còn thẳng thắn tỏ ý nếu như cần Đàm phủ vườn không nhà trống thì họ cũng không ngại bỏ nhà đi lánh nạn lần hai.

Ký Linh thấy hai người chỉ trông nhanh nhanh vứt Đàm phủ lại để bỏ đi bèn mỉa mai đại ý rằng vẫn chưa nghĩ ra cách bắt yêu khác, chưa biết có cần phải tránh đi nơi khác không nhưng nếu nhị vị quá lo lắng thì giờ đi luôn cũng không sao.

Chẳng biết là nàng mỉa mai quá uyển chuyển hay là vừa trúng ý đối phương mà hai vị đó lập tức đáp ngay rằng sẽ đưa cả Đàm Thế Tông đi cùng, tuyệt đối không làm phiền các thầy bắt yêu.

Ký Linh phục, không muốn nói thêm một câu nào nữa.

Sảnh trà nước chỉ còn ba người lại yên lặng trở lại.

Phùng Bất Cơ ngồi nguyên tại chỗ cố nhịn một hồi cuối cũng vẫn không nhịn được phải thở dài một tiếng: “Đàm lão đệ, nhà đệ… thật là quá…”

Quá rắc rối?

Quá phức tạp?

Quá khác thường?

Dường như nói thế nào cũng đúng mà lại dường như nói thế nào cũng không thực sự thỏa đáng vì dù sao cũng liên quan tới thân thế của Đàm Vân Sơn, dễ làm người khác nghĩ là còn có ý khác.

Thấy Phùng Bất Cơ bí từ không nói ra được, Đàm Vân Sơn bật cười vui vẻ, thản nhiên nói: “Phùng huynh muốn nói gì cứ việc nói, giữa huynh và tôi không cần phải nhìn trước ngó sau. Chuyện của mẹ ruột tôi, từ hồi còn rất nhỏ mẹ… ý là Đàm phu nhân đã nói với tôi rồi. Sau này tôi phát hiện người cả Hòe Thành đều biết hết nên huynh không cần phải lo.”

Phùng Bất Cơ cẩn thận nhìn thẳng vào mắt Đàm Vân Sơn, tới tận khi xác nhận không hề có chút giả dối, thái độ hoàn toàn tự nhiên mới thở phào bùi ngùi bảo: “Cha đệ về mặt giữ bí mật thật đúng là…”

“Cực kỳ thất bại.” Đàm Vân Sơn cười tiếp lời.

Ký Linh không cách nào thoải mái như hai người họ. Từ nãy tới giờ nàng cứ luôn cảm thấy có chỗ nào đó không được đúng. “Lấy máu nghiệm thân”, “Đàm lão phu nhân không muốn nuôi Đàm Vân Sơn”, những chuyện này Đàm viên ngoại không hề nói tới, có thể là vì thích giả dối hư ảo, cũng có thể là sợ nói ra làm Đàm Vân Sơn tổn thương, chuyện này có thể hiểu được, huống hồ chuyện “Lê Đình Tiên Mộng” cũng không mấy liên quan tới bản thân, có nói hay không cũng không sao. Tuy nhiên, chỉ đơn thuần xem xét hai sự kiện Đàm viên ngoại kể là “Xích Hà Tinh rơi xuống cách đây hai mươi năm lúc Đàm Vân Sơn chào đời” và “thần tiên hạ phàm ở Lê Hoa đình dịp Trung thu mười bốn năm trước” thì giữa chúng có một điểm vô cùng lạ…

Ký Linh bất giác nhìn Đàm Vân Sơn, tình cờ chạm phải ánh mắt đối phương cũng đang nhìn ngược lại mình.

Không biết Đàm Vân Sơn đã nhìn nàng bao lâu, thấy nàng cuối cùng cũng nhận ra mình nhìn nàng thì vui vẻ ra mặt: “Muốn hỏi gì cứ việc hỏi, đừng một mình nghĩ ngợi linh tinh.”

Ký Linh lườm chàng một cái, chẳng hiểu sao cái những người khác làm thì gọi là “khéo hiểu lòng người” còn chàng làm thì lại biến thành  cái kiểu gợi đòn “tôi đã sớm nhìn thấu cô nương”.

Song nói thì vẫn nói cho nghiêm túc: “Tôi đang nghĩ là hai mươi năm trước lúc huynh chào đời Xích Hà Tinh rơi xuống Đàm gia, vì chuyện đó mà huynh bị bà cốt nói là tai vạ, vì sao lúc ấy không có thần tiên hạ phàm giải thích về thân phận của huynh và Xích Hà Tinh mà sáu năm sau, chưa biết chừng lúc đó cha huynh đã quên chuyện đấy rồi thì bỗng dưng thần tiên lại hạ phàm?”

Phùng Bất Cơ nhíu mày như thể cũng bị câu hỏi của Ký Linh làm khó, nghĩ ngợi một hồi không ra bèn thôi. Huynh ta không phải người tỉ mỉ như Ký Linh, đến vấn đề này còn chẳng phát hiện ra, nói gì tới chuyện giải thích.

“Có lẽ tôi biết.”

Giữa bầu không khí tĩnh lặng bỗng Đàm Vân Sơn khẽ nói.

Ký Linh và Phùng Bất Cơ ngạc nhiên nhất tề nhìn chàng, Đàm Vân Sơn đứng dậy mỉm cười với họ: “Tới thư phòng tôi nhé?”

Từ ngay quen biết tới nay, lần đầu tiên thấy nhị thiếu gia nhà họ Đàm mời.

Thư phòng của Đàm Vân Sơn nằm ở góc vườn chếch sau hậu trạch. Trong vườn trồng đầy hòe và có thêm một khe nước nhỏ, mặc dù không lớn bằng vườn chính của nhà nhưng cũng đẹp đẽ, tinh xảo theo một kiểu khác.

Vừa bước vào khu vườn, Ký Linh và Phùng Bất Cơ nhìn ngay thấy một căn gác hai tầng rất đẹp trên đề ba chữ “Như Ngọc trai”, nét bút uốn lượn rồng rắn, muôn hình muôn vẻ.

Phùng Bất Cơ không phải người đọc sách nhưng cũng biết mấy chữ, đọc được chút sách, có hay câu “quân tử như ngọc” nhưng bình thường lời này là để người khác khen, tự khoe vậy thì có phần ngạo mạn, huống chi còn lấy đặt tên cho thư trai. Vả lại…

Không nhìn nổi, Phùng Bất Cơ nói thẳng: “Đàm lão đệ, thư trai này của đệ phải chăng quá… hoành tráng?”

Đàm Vân Sơn mỉm cười: “Phô trương, ngạo mạn, ngông cuồng, thiếu khiêm tốn, Phùng huynh cứ nói thoải mái, không cần nể nang.”

Phùng Bất Cơ dở khóc dở cười: “Hóa ra đệ biết cơ đấy.”

Đàm Vân Sơn gật đầu không chút chần chừ: “Tất nhiên là biết. Lúc huynh tôi xây thư trai này tôi đã uyển chuyển nhắc khéo nhưng huynh ấy không nghe, tôi cũng đành chịu.”

Phùng Bất Cơ: “…”

*trai, thư trai: thư phòng, phòng học, phòng văn

Ký Linh chỉ vào một căn phòng nhỏ xập xệ thấp thoáng xa xa phía sau Như Ngọc trai, không dám chắc cho lắm: “Đấy là…”

Đàm Vân Sơn nhìn theo hướng nàng chỉ, gật đầu đầy tự hào: “Của tôi.”

Phùng Bất Cơ quay đầu liếc nhìn căn nhà nhỏ khó tả hết bằng lời cách xa Như Ngọc trai cuối cùng hối lại lời đã nói: “Kỳ thực, dù sao cũng là chốn đọc sách thánh hiền, hoành tráng chút… cũng được.”

Thư phòng của Đàm Vân Sơn tên là “Hiền thất”, lúc lại gần nhìn thấy cái tên này, Ký Linh và Phùng Bất Cơ bỗng cảm thấy chàng và Đàm Thế Tông vẫn có chỗ giống huynh đệ ruột thịt.

*hiền thất: “hiền” là người có tài đức, “thất” là “gian phòng chính. Ngày xưa phòng ốc trong nhà, phía trước gọi là “đường” 堂, sau “đường” có tường ngăn cách, ở chính giữa phần sau gọi là “thất” 室, hai bên “thất” phía đông và tây gọi là “phòng” 房. ◇Luận Ngữ 論語: “Do dã thăng đường hĩ, vị nhập ư thất dã” 由也升堂矣, 未入於室也 (Tiên tiến 先進) (Học vấn) của anh Do vào hạng lên đến phòng chính rồi, mà chưa vào nội thất (nghĩa là đã khá lắm, chỉ chưa tinh vi thôi)” (nguồn: hvdic.thivien.net)

Căn phòng nhỏ trông thì xập xệ nhưng bên trong lại sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp, mưa bao nhiêu ngày qua, hậu trạch còn chưa bị ngập nên khu vườn bên hông hậu trạch này tất nhiên là càng không hề gì, kỳ lạ là trần nhà cũng không bị dột cho nên căn phòng rất sạch sẽ, sách xếp đầy trên giá cũng đều bình an vô sự.

Cái chỗ bé bằng bàn tay, loáng cái đã đi hết một vòng. So với thư phòng thì Ký Linh và Phùng Bất Cơ quan tâm chuyện Đàm Vân Sơn muốn nói hơn nhiều.

Đàm Vân Sơn cũng không định dằng dai, từ lúc vào cửa đã cắm đầu tìm sách, tìm một hồi vẫn không tìm được quyển sách muốn tìm bèn không để hai người phải chờ, vừa tìm vừa ngẩng đầu lên thư thả kể: “Trung thu năm sáu tuổi đó tôi cũng có một giấc mộng…”