Cả thân hình hầm hập, râm ran và trơn mịn, thịt da uốn lượn không ngừng, trí nhớ đang dần dần hồi phục, anh nhận ra, cô ta không phải là người con gái ấy... dẫu bây giờ cô mặc sức cho anh phóng túng, đùa giỡn trên người mình, kiều diễm, lung linh, nõn nà, rồi áp sát bàn mông đẫy đà dính chặt vào anh một cách tham lam cùng cực, và cũng thế anh chẳng dại gì mà không hết mình tận hưởng. “Kể nữa đi anh, về thiếu nữ Trung Quốc hồi đó, anh đã chiếm hữu ra sao và sau đó đã bỏ rơi như thế nào”. Anh nói nàng là một cô gái thập toàn, chỉ muốn trở thành một người đàn bà nhỏ, hầu như không tới mức phóng đãng, ham hố thế này. “Và do đó mà anh không thích nàng?”, “Cũng có thể”, vì lúc này anh cần là phóng túng, tự do, ngây ngất. “Anh có muốn biến nàng, người đàn bà nhỏ ấy của anh, cũng giống như em bây giờ?”, “có!”, “cũng lai láng một dòng bất tận?”, “đúng, cũng thế này”, anh co người, đứt hơi, hút mạnh. “Đàn bà đối với anh đều giống như nhau cả?”, “không”, “vì sao?”, “mỗi người một kiểu căng thẳng đợi chờ, với nàng có cái gì đó rất đáng thương”. “Cho nên anh không tận hưởng nàng?”, “có chứ, nhưng không giống như đang với em”. “Vì lúc này anh chỉ có nhục cảm?”, “chính thế”, “ai đang khêu gợi anh?”, “một cô gái Đức”, “một con điếm qua đêm?”, “hoàn toàn không phải!”, anh gọi tên cô ta: “Magritte”. Cô mỉm cười, ôm lấy đầu anh hôn cái chụt, đoạn duỗi thẳng đôi chân và tóc xõa kín mặt anh.

- Anh gọi không sai đấy chứ? - Giọng cô khác thường, anh hỏi lại và tỏ ra nghi vấn:

- Em không phải là Magritte hay sao?

- Đó là do em đã nói ra trước.

- Khi em hỏi “có nhớ nổi không?” thì mấy chữ “Magritte” đã thoát ra từ cửa miệng xinh xắn này rồi.

- Nhưng dù sáo thì cũng tự em nói trước kia mà.

- Không phải là em bảo anh hãy đoán xem sao, trong vòng một giây đồng hồ.

Lúc ấy em hơi lo, sợ anh không nhớ nổi - cô thừa nhận - vở diễn vừa xong, khán giả vẫn còn loanh quanh trước cổng nhà hát, nhiều người đợi anh để hỏi han gì đó, em thật quá rầy rà.

- Không hề gì, đều là những bạn quen.

- Họ nói mấy câu rồi đi, tại sao không rủ nhau ra quán uống rượu?

- Đại khái là vì bên anh có em, một cô gái Tây, và họ không nỡ quấy rầy.

- Lúc ấy hình như anh đã muốn cùng em đi ngủ?

- Đâu có, nhưng anh lại thấy em có vẻ rất cảm động.

- Em đã sống nhiều năm ở Trung Quốc, và tất nhiên là hiểu, còn bây giờ người Hương cảng xem vở kịch đó của anh, liệu họ có nghĩ gì không?

- Anh cũng chẳng rõ.

- Có lẽ phải trả giá anh ạ - cô ta trầm ngâm nghĩ ngợi.

- Ôi cái kiểu trầm ngâm nghĩ ngợi của con gái Đức - anh cười, chọc cô ta như muốn xua tan bầu không khí quá ư tĩnh lặng.

- Không, em đã nói rồi, em không phải là người Đức.

- À, là một cô gái Do Thái, đúng không?

- Nói đúng nhất, là một người đàn bà - giọng cô đã hơi mệt mỏi, anh liền đáp:

- Thế thì càng tốt.

- Vì sao? - cô bật hỏi với vẻ khác thường, anh trả lời, chưa hề gặp một người đàn bà Do Thái nào cả!

- Anh đã có bao nhiêu phụ nữ?

- Cũng kha khá kể từ ngày rời Trung Quốc - anh thừa nhận và nghĩ rằng, việc gì mà phải giấu giếm cô ta.

- Mỗi lần ở khách sạn thế này, anh đều có gái - cô ta hỏi kĩ hơn.

- Đâu gặp may như vậy, vả lại với những khách sạn lớn thì đoàn kịch chủ nhà gửi giấy mời đều phải trả tiền phòng.

Ánh mắt cô gái trở lại hiền hòa, đoạn nằm xuống ôm lấy anh và bảo, rất thích cái tính thật thà thẳng thắn của anh, chứ không phải con người anh đâu nhé. Anh nói, còn anh, lại rất thích cô, không riêng gì nhục thể.

- Thế thì tốt.

Cô nói thật lòng, đoạn áp người ghì chặt vào anh, anh cảm thấy cả trái tim lẫn thân mình cô ta đều mềm mại. Anh nói, rất nhớ cô, nhớ cái đêm đông ấy và sau đó nhiều lần nữa cô đã đến thăm anh. Cô kể, khi sang đường, bước lên cầu vượt bắc qua xa lộ vòng quanh thành phố, thì nhìn thấy tòa lầu nơi anh ở, và chẳng rõ tại sao cứ xăm xăm đi tới, có lẽ vì muốn xem những cuốn sách trong thư phòng của anh. Thật là đặc biệt, hệt như cảnh mộng âm u và gió thổi, gió ở Đức không gào to, rét mạnh như Bắc Kinh, bên ấy cái gì cũng tĩnh lặng khiến người ta phiền muộn, âu sầu. Đêm ấy nhà anh thắp nến, nên càng tỏ ra thần bí, cứ mong trời sáng để nhìn cho rõ.

- Đều là sách của anh? - Cô hỏi, và anh trả lời, trong thư phòng này không đặt sách của người khác.

- Vì sao?

- Vì căn phòng bé quá.

- Anh cũng là họa sĩ? - Cô lại hỏi.

- Chưa được phê chuẩn - anh nói - lúc bấy giờ đúng là như thế.

- Em không hiểu.

Anh nói, đúng là cô không cách nào hiểu nổi. Một hội nghệ thuật của Đức đã mời anh sang dự trại vẽ tranh, nhưng chính quyền ở đây không duyệt y cho phép.

- Vì sao?

Anh nói, giống như cô, anh cũng mù tịt, mãi sau nhờ bạn bè đi hỏi cơ quan công sở thì nói rõ lí do, ngươi ta bảo nghề nghiệp của anh là nhà văn, chứ đâu phải họa sĩ.

- Đó mà cũng gọi là lí do, vì sao đã là nhà văn rồi, thì không được làm họa sĩ?

Anh nói, cô sẽ rất khó lòng lí giải, cô biết tiếng Hoa, nhưng sự tình ở Trung Quốc không chỉ dựa vào trình độ Trung văn mà đã có thể am tường.

- Thôi, đừng nói gì thêm nữa.

Cô kể, chiều hôm ấy ngồi ngắm tranh của anh, cô rất muốn mua một bức, nhưng vì đang đi học, nên không có đủ tiền. Anh bảo có thể tặng cô, cô không chịu, vì đây là sáng tác của anh. Anh giải thích, vẫn thường tặng tranh cho các bạn, người Trung Quốc không có thú mua tranh, tranh chỉ vẽ vì tình bằng hữu. Cô nói, vừa mới quen nhau, đã phải bạn bè gì đâu, nhận tranh tặng như vậy, sợ không tiện. Anh liền bảo, thế thì đã có tuyển tập tranh, gửi cô một cuốn. Cô vẫn cứ đòi tìm mua, anh lại giải thích ở Trung Quốc người ta không bán loại sách ấy. Dùng dằng mãi, anh buộc cô phải nhận một bức, cô nói, hiện đang treo trong căn nhà tại Frankfurt, đối với cô thật là một kỉ niệm êm đềm, đẹp như thể giấc mơ, dù thân này có trôi dạt về đâu, thì tấm lòng em vẫn luôn quanh bên nó.

- Tại sao lúc bấy giờ anh cứ nhất định đòi tặng tranh cho em, và anh có còn nhớ bức tranh đó nữa không?

Anh nói, tranh thì quên mất rồi, nhưng chuyện muốn vẽ cô ta, anh còn nhớ mãi, anh muốn cô làm người mẫu cho anh, vì chưa lần nào anh được vẽ gái Tây.

- Thế là rất nguy hiểm.

- Vì sao?

- Đối với em chẳng có vấn đề gì, nhưng sẽ rất nguy hiểm cho anh. Anh không nhớ sao, lúc ấy anh không nói lời nào và có người gõ cửa, hóa ra là công nhân kiểm tra số điện, nhìn đồng hồ, ghi ghi chép chép, rồi đi ngay. Anh có tin người ấy đúng là công nhân kiểm tra đồng hồ điện hay không? - Cô ta hỏi.

Anh không trả lời, vì đã quên, có điều những cơn ác mộng thỉnh thoảng xuất hiện lúc anh còn ở Trung Quốc, tuy cố ý không nhớ làm gì, nhưng chúng cứ thường lởn vởn nơi tiềm thức.

- Tại sao họ không thông báo trước mà cứ tự ý đến nhà người ta lúc nào cũng được?

Anh nói, với Trung Quốc không có gì là không được.

- Vậy thì sau này em sẽ không đi đến đó, sợ phiền toái và liên lụy tới anh - giọng cô rất tha thiết.

- Thật ư? - Anh chụp bàn tay mình lên bầu vú căng tròn. Cô mân mê và nói - anh thân yêu.

- Magritte, ngày mai em trở về bên ấy?

- Để em tính xem, em rất muốn ở lại đây ít hôm, nhưng trước hết phải đổi vé máy bay đi Frankfurt, còn anh, lúc nào bay sang Paris?

- Thứ ba tuần sau, vé hạng thường, muốn đổi ngày giờ bay, phải phụ thêm tiền.

- Thế thì không được rồi, chậm nhất là cuối tuần này em phải có mặt ở Frankfurt, để thứ hai còn phiên dịch cho cuộc hội đàm của hai đoàn Đức và Trung Quốc, em làm việc cho ông chủ, chứ không được tự do như anh.

- Vậy là chỉ còn lại bốn hôm - anh nhẩm tính.

- Ngày mai, không, đã qua đêm nay rồi, chính xác là còn ba. Một lát nữa em phải phôn cho ông chủ, báo thay đổi ngày về và lấy lại vali ở khách sạn.

- Còn ông chủ này nữa, em tính sao?

- Mặc xác ông ta, - cô hôn anh - dẫu sao thì công việc của em ở đây cũng xong cả rồi, phải không anh yêu?

Ngoài kia trời đã sáng, có thể nhìn thấy mây bay trên đỉnh tòa lầu đối diện, còn núi, vẫn trong sương mù và có vẻ như trời sắp đổ mưa thì phải.