Tôi lấy thìa khoét vài cục kem đang nổi trên nước, cho vào miệng rồi hỏi:

“Sao bạn lại chọn dê?”

“Vì nó hiền hoà nhất, lại có thể ôm trong lòng, như thế sẽ khiến mình thấy ấm áp.”

“Dê đúng là một đáp án tốt, biết thế tôi đã chọn dê rồi.”

“Bạn tuyệt đối không phải là người sẽ chọn dê.” Cô ấy nói một cách chắc chắn.

“Tại sao?”

“Lúc bạn phát hiện thư tình bị gửi nhầm, không nói ngay cho Lưu Vỹ Đình biết, phải không?”

“Không sai.”

“Nếu như Vỹ Đình mãi không biết sự tình, bạn có lẽ sẽ vĩnh viễn không nói cho cô ấy biết là bạn gửi nhầm.”

“Ừm…” Tôi nghĩ một lúc, “Có lẽ là vậy.”

“Người chọn dê trong mắt chỉ có tình yêu, tuyệt đối không miễn cưỡng chính mình qua lại với người mình không thích. Bạn sợ làm tổn thương Vỹ Đình, vì thế chọn cách lỡ sai rồi cho sai luôn, vì thế bạn nhất định không phải là người chọn dê.”

Tôi nhìn Liễu Vỹ Đình, chìm vào trầm tư.

“Người chọn dê cho rằng tình yêu là quan trọng nhất, trong quá trình theo đuổi tình yêu, thường sẽ bất đắc dĩ mà làm tổn thương người mình không yêu. Nếu không có sự giác ngộ về việc làm tổn thương người khác, sao có thể coi là người chọn dê?”

Liễu Vỹ Đình cầm thìa khuấy vào ly kem, kem trước mặt cô ấy hình như đã tan thành nước hết.

“Nếu là bạn, bạn sẽ làm gì?” Tôi hỏi.

“Mình nhất định sẽ nói hết sự tình ngay từ lúc đầu.” Cô ấy đặt thìa xuống, giọng nói trầm xuống như đang nhấn mạnh điều gì: “Không hề do dự.”

Nghe cô ấy nói thế, lòng tôi kinh động. Tôi không thích mình là người chọn khổng tước, nếu có thể chọn lại, tôi hy vọng mình sẽ chọn dê. Tôi đơn phương tình nguyện tin rằng, người chọn dê – dù là nam hay nữ, chắc chắn phải là người dịu dàng, hơn nữa còn đem lại hạnh phúc cho nửa kia của mình, bởi vì trong mắt họ tình yêu là quan trọng nhất. Nhưng từ trước đến giờ chưa từng nghĩ tới, người chọn dê tất có lúc phải chuẩn bị tâm lý làm tổn thương người khác.

Tôi bỗng thấy vô cùng phản cảm với bài trắc nghiệm tâm lý kia, cũng không muốn cuộc nói chuyện cứ xoay quanh nó mãi, vì thế nói: “Đừng nhắc tới cái trắc nghiệm tâm lý kia nữa, đó là một trò chơi vớ vẩn.”

“Nhưng mình tin trắc nghiệm tâm lý có một ý nghĩa tượng trưng nhất định nào đó.”

“Vậy sao?”

“Tin mình đi.” Cô ấy cười, “Mình học thống kê mà.”

Chiếc thìa trong tay tôi trượt xuống, đập vào đĩa phát ra tiếng leng keng lanh lảnh.

Tôi bắt đầu trầm ngâm, Liễu Vỹ Đình lại do dự không biết có nên ăn hết chỗ kem đã tan thành nước trước mặt mình hay không? Tôi cảm thấy không khí hơi gượng gạo, bèn hỏi cô ấy: “Bây giờ bạn học Quản trị doanh nghiệp à?”

“Ừ. Mình thi vào nghiên cứu sinh Quản trị doanh nghiệp.” Cô ấy đáp.

“Giỏi thật đấy, thi Quản trị khó lắm.”

“Cũng tạm, ăn may ấy mà.”

Cô ấy đặt thìa xuống, hình như quyết định từ bỏ đĩa kem toàn nước. Bọn em khoá dưới phải đi về, tôi đứng dậy trả tiền cho bọn nó. Có thằng cu còn vẫy tay với cô ấy, nói: “Chị dâu, tạm biệt.” Cô ấy cười cười, cũng vẫy tay lại, nhưng không nói gì. Lúc tôi về chỗ, cô ấy đưa cho tôi bức thư tình kia. Tôi nghi hoặc nhìn cô ấy.

“Trên này đã viết địa chỉ của mình.” Cô ấy lại lấy ra một cái phong bì mới, cười nói:

“Bạn hãy bỏ lá thư kia vào cái phong bì này, gửi cho mình.”

Cúi đầu nhìn địa chỉ, biết được cô ấy ở gần trường học.

“Nhớ điền tên mình ở cột người nhận nhé.” Cô ấy lại nói.

“Chỉ thế thôi?” Tôi ngẩng lên.

“Đương nhiên không chỉ có thế.”

“Còn phải làm gì nữa?”

“Còn phải dán tem nữa chứ!” Cô ấy cười tươi.

Tôi nhận thư và phong bì, cô ấy đứng dậy nói: “Mình phải đi rồi.”

Thấy cô ấy đi vào phía trong quán, bỗng nhớ ra vừa rồi mới chỉ trả tiền cho bọn đàn em, vội vã chạy vượt cô ấy, giành lấy hoá đơn thanh toán luôn.

“Bạn đúng là chẳng giống người chọn khổng tước.” Cô ấy lại cười. Nghe cô ấy lại nhắc tới khổng tước, trong lòng thấy không thoải mái, nhưng cũng không tiện thể hiện tại chỗ, đành gượng gạo mỉm cười, sắc mặt hơi khó xử.

“Nếu bạn vẫn muốn gửi thư cho mình, mình sẽ rất vui.” Ra khỏi tiệm kem, cô ấy nói: “Nếu bạn không muốn, cũng không sao cả.”

Tôi hơi giật mình, không đáp lại.

“Có lẽ mình không giống như trong tưởng tượng của bạn.” Cô ấy cười, “Chưa biết chừng bạn đã không còn lý do để viết lá thư đó rồi.”

Tôi vẫn không có câu trả lời.

“Hồi trước bọn mình lên lớp là vào thứ ba đúng không?” Cô ấy hỏi.

“Ừ.” Tôi gật đầu.

“Hôm nay vừa đúng là thứ ba, nếu trước thứ ba tuần sau mình nhận được thư, mình sẽ cho bạn câu trả lời.”

“Câu trả lời?”

“Trong thư bạn nói ấy.”

Tôi đột nhiên hiểu ra, ý cô ấy là: gốc cây thứ ba cách giảng đường 100m về phía trái.

“Nếu tôi không gửi?”

“Vậy mỗi người sống cuộc sống của riêng mình.”

Tôi nhìn cô ấy, thần thái cô ấy rất thoải mái, nụ cười cũng rất tự nhiên.

“Tạm biệt.” Cô ấy nói.

“Tạm biệt.” Tôi cũng nói.