Nước Pháp, thành phố Toulouse

Là thủ đô lớn nhất của miền Nam nước Pháp, Toulouse nổi tiếng với một vẻ đẹp tự nhiên không tô vẽ ẩn sâu bên trong nó là một nơi có bề dày lịch sử.

Miêu tả về thành phố này có người đã từng nhận xét “Những dòng sông là những nét chấm phá tạo nên sự mềm mại, một không gian mở, tương phản với cảnh quan công nghiệp. Cũng giống như Amsterdam nổi tiếng với dòng Amster huyền thoại, kinh đô ánh sáng Paris với dòng sông Seine thơ mộng, London mờ ảo với dòng sông Thames ấm áp Toulouse cũng tự hào với dòng Garonne mềm mại vắt qua thành phố tạo nên một không gian ấn tượng với sự hài hoà của những công trình kiên trúc, của những gam màu.

Sự lớn mạnh của Toulouse dựa trên nền tảng hài hoà và cân đối. Dường như sự hài hoà và cân đối đó đã lặn vào dòng Garonne để có lúc cuồn cuộn như nhịp phát triển của khoa học công nghê nhưng cũng có lúc êm đềm, trữ tình đến nao lòng, có lúc rộn rã, náo nhiệt như nhịp sống hiện đại của thành phố màu hồng nhưng cũng có lúc thiết tha, sâu lắng như biết bao di sản văn hoá cổ kính, thiêng liêng. Tất cả những hài hoà đó đã kết tinh nên những giá trị đặc trưng làm quyến rũ không chỉ người dân bản địa mà cả du khách dù chỉ một lần ghé qua”

Toulouse không hoa lệ như Paris. Không trầm mặc, cổ kính như Lyon, nó mang trong mình một vẻ đẹp hiền hòa nhưng năng động, hiện đại, chính điều đó đã làm nên khác biệt cho thành phố.

Tới thành phố này, du khách sẽ được thả mình vào một không khí vô cùng lãng mạn, nơi con sông Garonne chảy qua. Dọc bên bờ sông hai hàng cây xen kẽ những ngôi nhà, kế bên con đường mòn trải dài bên dòng nước trong xanh của Garonne, tất cả đã tạo lên một cảnh tượng nên thơ, lãng mãn mà mang đậm chất cổ điển.

Nếu đi dọc theo những con đường đá nhỏ nối các khu phố chính của trung tâm thành phố, bạn có thể ghé thăm nhà thờ Basilica Saint-Sernin cùng nhiều bảo tàng đẹp khác.

Basilica Saint Sernin một trong những nhà thờ lớn ở trung tâm thành phố chắc chắn sẽ là một điểm đáng nhớ trong chuyến thăm. Được trang trí theo đậm chất phong cách La Mã tinh xảo đến từng chi tiết bạn sẽ hết sức ngỡ ngàng trước tháp chuông khổng lồ.Tiếp theo, ấn tượng hơn khung cảnh xung quanh nhà thờ Saint Sernin, bạn sẽ cảm nhận được một không khí vô cùng nhộn nhịp, quý khách có thể nghỉ ngơi dưới những quán cà phê hay một số cửa hàng bán đồ lưu niệm, hãy chọn cho mình những món đồ thật đẹp và ý nghĩa.

Nếu bạn là một người không ưa tràng cảnh huyên náo, nhộn nhịp thì có thể tới thăm kênh đào Midi, nơi này sẽ đem lại cảm giác thật yên bình, trong sáng và đầy mơ mộng. Tới đây, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền ảo và gợi lên trong lòng chút gì đó rất riêng tư mà tĩnh lặng. Đặt chân đến cảnh đẹp của kênh đào này bạn sẽ bỏ qua được hết ưu tư buồn phiền và thoát khỏi mọi áp lực trong công việc cũng như cuộc sống.

Nhắc đến Toulouse, người ta không chỉ nghĩ tới một thành phố có cảnh sắc đẹp mà còn biết tới nó như là một trong những thành phố tăng trưởng kinh tế nhanh nhất châu Âu. Thành phố nổi tiếng với các lĩnh vực như hàng không, vũ trụ, điện tử, tin học, công nghệ sinh học. Nhờ sự phát triển mạnh về các lĩnh vực này mà địa danh Toulouse ngày càng được biết đến trên bản đồ kinh tế nước Pháp nói riêng và toàn Châu Âu nói chung. Đặc biệt là khi nơi đây lại chính là địa điểm đặt trụ sở của một trong hai hãng hàng không lớn nhất thế giới, Airbus S.A.S.

Airbus S.A.S (Société par actions simplifiée) (của Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Anh) là một công ty chuyên sản xuất máy bay và là công ty con của tập đoàn Airbus (trước đây gọi là EADS (The European Aeronautic Defence and Space Company)) - một công ty hàng không vũ trụ châu Âu. Có trụ sở tại Blagnac, ngoại ô thành phố Toulouse, công ty sản xuất khoảng một nửa số máy bay phản lực của thế giới và có các hoạt động quan trọng trên khắp châu Âu.

Airbus bắt đầu từ một tập đoàn của các nhà sản xuất hàng không vũ trụ, Airbus Industrie. Các công ty quốc phòng và hàng không vũ trụ của Liên minh châu Âu năm 1999 và 2000 đã cho phép thành lập một công ty cổ phần đơn giản hóa vào năm 2001, thuộc sở hữu của EADS (80%) và BAE Systems (20%). Sau quá trình mở rộng mặt hàng BAE (British Aerospace) đã bán cổ phần của mình cho EADS vào ngày 13 tháng 10 năm 2006.

Airbus sử dụng khoảng 63.000 nhân công tại 16 địa điểm ở 4 quốc gia Liên minh châu Âu: Pháp, Đức và Tây Ban Nha, Anh. Khâu lắp ráp cuối cùng được đặt tại Toulouse, Pháp; Hamburg, Đức, Seville, Tây Ban Nha. Công ty đã giới thiệu và đưa ra thị trường thương mại máy bay chở khách fly-by-wire (Điều khiển điện tử) đầu tiên - Airbus A320, và dòng máy bay chở khách nổi tiếng lớn nhất thế giới, A380 cất cánh lần đầu tiên ngày 27 tháng 4 năm 2005.

Airbus rõ ràng là một liên minh hùng mạnh được hậu thuẫn bởi nhiều quốc gia, nó thực sự cùng với Boeing cát cứ trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Địa vị của Airbus đã được xác lập và có lẽ sẽ tiếp tục được duy trì trong nhiều năm sau đó do hàng không là một lĩnh vực có rào cản kỹ thuật gia nhập rất lớn đối với các doanh nghiệp khác nếu muốn tham gia. Có điều, mọi thứ đều không phải là tuyệt đối, ngay cả với Airbus hay Boeing bây giờ bởi sự xuất hiện vô cùng bất ngờ và ấn tượng của một thế lực mới trong ngành, một tập đoàn tới từ Á Châu và từ một quốc gia vốn không có vị trí trên bản đồ công nghiệp thế giới vài năm trước đó - Tập đoàn Kỷ nguyên mới.

Sự tồn tại của KN777 được truyền thông thế giới đua nhau đăng tải và đưa tin một tuần gần đây đã khiến những nhà lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu này thật sự cảm thấy một áp lực vô cùng to lớn.

Bài học từ Duracell® Anh Quốc với pin nano, của Sovello (Đức) với pin năng lượng mặt trời, của GM với Scar hay gần đây nhất là của Nokia với Sphone… vẫn còn rành rành ở đó. Sự thật đã chứng minh rằng bất kỳ sản phẩm nào có liên quan tới Kỷ nguyên mới đều không thể và không nên bị xem nhẹ ngay cả trong trường hợp Kỷ nguyên mới chưa hề có kinh nghiệm trong cùng lĩnh vực trước đó.

Bất kỳ đối thủ nào dù hiện tại đang nắm giữ vị trí số một nhưng nếu không đủ sự thận trọng và có những giải pháp thích hợp đều sẽ rất nhanh chóng rơi vào thế bại phong trước Kỷ nguyên mới, ít nhất cho tới hiện tại thì điều đó luôn đúng và không có ngoại lệ.

Lúc này, phòng họp tổng bộ tâp đoàn Airbus S.A.S vùng Blagnac, ngoại ô thành phố Toulouse.

Vị chủ tịch Louis Gallois ánh mắt thâm trầm nhìn vào bản báo cáo đánh giá trước mặt, tay trái chống nhẹ lên trán suy tư. Nếu để mô tả cảm giác của ông ta lúc này thì đó chính là sự tương đồng với nỗi hoang mang của thuyền trưởng Smith của con tàu Titanic khi phải đương đầu với một tảng băng trôi khổng lồ mà không được báo trước vậy.

Airbus thời gian gần đây quả thật phải đối mặt với quá nhiều áp lực, chưa nói tới sự việc KN777, ngay trước thời điểm này hãng cũng đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử kể từ khi thành lập.

Theo đó ngày 9 tháng 10 năm 2006, vị CEO Christian Streiff của hãng đã tuyên bố từ chức chỉ sau 99 ngày nắm quyền. Đây là kết quả của một tuần tranh cãi căng thẳng về kế hoạch cải tổ hoạt động của Airbus giữa Christian Streiff và ban quản trị tập đoàn Phòng thủ Hàng không và Vũ trụ EADS, công ty mẹ của Airbus.

Nguyên nhân của những bất đồng này có liên quan tới sự kiện diễn ra vào tháng 06 năm 2006, Airbus đã làm kinh hoàng khách hàng, các nhà đầu tư, và thậm chí cả tập đoàn mẹ EADS, khi công ty này một lần nữa thông báo không thể giao lô máy bay A380 đầu tiên theo kế hoạch. Với sức chứa 555 hành khách, A380 sẽ là máy bay dân dụng lớn nhất thế giới, và là câu trả lời của Châu Âu cho loại máy bay 467 chỗ ngồi 747-8 nổi tiếng của hãng Boeing.

Những khách hàng quan trọng đặt mua A380 bao gồm hãng hàng không Singapore và Các tiểu Vương quốc Ả Rập. Hãng hàng không Các tiểu Vương quốc Ả Rập rất hi vọng loại A380 khổng lồ của Airbus sẽ cùng một lúc giải quyết được hai vấn đề: số lượng khách hàng ngày một gia tăng, còn diện tích đậu máy bay của các hãng hàng không tại các sân bay quốc tế thì có hạn.

Chỉ trong vòng vài ngày sau khi Airbus tuyên bố trì hoãn giao hàng, với lý do trục trặc kỹ thuật trong khâu lắp đặt hệ thống dây điện, giá cố phiếu của công ty giảm 25 %. Một nhóm cổ đông người Pháp đệ đơn kiện Airbus vì đã không báo trước cho các cổ đông những thâm hụt tài chính trong trường hợp việc sản xuất A380 bị đình trệ. Các khách hàng đặt mua A380 đồng loạt yêu cầu bồi thường. Một trong hai giám đốc điều hành tập đoàn EADS, Noel Forgeard, thì bị nghi ngờ đã bán tống bán tháo cổ phiếu của Airbus vì đã biết trước việc trì hoãn và sụt giá cổ phiếu của công ty này.

Trước tình hình hỗn loạn bủa vây Airbus, ngày 02/07/2006, ông Forgeard, cùng giám đốc điều hành của Airbus, Gustav Humbert, đã phải từ chức. Với thiệt hại tài chính ước tính vào khoảng 3 tỉ đô la, tập đoàn liên minh Pháp-Đức EADS quyết tâm cải tổ và quản lý hoạt động của Airbus chặt chẽ hơn.

Những tranh cãi quyền lực EADS, nhà thầu phòng thủ hàng không lớn nhất Châu Âu, quyết định thuê một nhân vật ngoài cuộc lãnh đạo Airbus. Trước khi nhận trọng trách phục hồi danh tiếng của Airbus và giám sát hoạt động sản xuất A380, Christian Streiff là giám đốc điều hành của hãng sản xuất thủy tinh Saint-Gobain. Trong cuộc họp ngày 29/09/2006, hai tháng sau khi đầu quân cho Airbus, Christian Streiff đệ trình ban quản trị tập đoàn EADS kế hoạch cải tố đang được chờ đợi.

Theo kế hoạch của ông ta, toàn bộ quá trình sản xuất máy bay A380 sẽ chuyển từ thành phố Hamburg, Đức về thành phố Toulouse, Pháp. Còn Hamburg sẽ tập trung sản xuất máy bay A320, một loại máy bay cỡ vừa rất quan trọng của Airbus. Kế hoạch này đề ra mục tiêu cắt giảm 30% chi phí hoạt động và tiết kiệm trên 3 tỉ đô la mỗi năm cho Airbus, bắt đầu từ năm 2010. Đồng thời, Christian Streiff cũng muốn mình có toàn quyền quản lý, điều hành và khôi phục Airbus.

Theo thông lệ, CEO của Airbus phải báo cáo trực tiếp với hai CEO của tập đoàn EADS, Louis Gallois người Pháp và Thomas Enders người Đức. Nhưng ban quản trị EADS không ủng hộ ý tưởng của Christian Streiff. Sau việc trì hoãn giao hàng A380 hết sức bất ngờ của Airbus 3 tháng trước, EADS đã rút kinh nghiệm và không muốn để Airbus thích làm gì thì làm.

Bên cạnh đó, kế hoạch cải tổ của Christian Streiff đi quá xa, đặc biệt là ý định sản xuất A380 ở Toulouse thay vì Hamburg. Giới chính trị nước Đức đã tỏ ra rất lo ngại khi biết tin về đề xuất này. Hiện nay ở Đức có khoảng 12.000 nhân viên làm việc cho Airbus. Trong tương lai, dự án A380 còn hứa hẹn nhiều lợi nhuận cho nền kinh tế Hamburg nói riêng, và nước Đức nói chung. Triển vọng đó sẽ tan thành mây khói nếu Christian Streiff được tự do làm theo ý mình.

Sau một tuần tranh cãi, cuối cùng Christian Streiff đã chính thức từ chức. Lý do ông ta quyết định ra đi là vì EADS không cho ông “những quyền điều hành” cần thiết để khôi phục Airbus. Các cổ đông tư nhân quan trọng nhất của EADS là nhà sản xuất xe hơi Đức DaimlerChrysler và tập đoàn truyền thông Pháp Lagardere ủng hộ quyết định từ chức của ông. Còn Thomas Enders và Louis Gallois thì phật ý vì Christian Streiff dường như không để tâm đến, hay cố tình không hiểu, những vấn đề chính trị rất phức tạp của Airbus và tập đoàn EADS.

Tập đoàn Lagardere và chính phủ Pháp nắm trong tay 22.5 % cổ phần của EADS. DaimlerChrysler hiện có 22,5% cổ phần. Tuy không trực tiếp đầu tư vào EADS, chính phủ Đức là một nhân tố ủng hộ hết sức quan trọng của dự án A380. Nếu cần, chính phủ Đức lúc nào cũng có thể nhảy vào cuộc. Họ thậm chí đang có ý định mua cổ phần của DaimlerChrysler. Bộ trưởng quốc phòng Đức Franz Josef Jung cũng đã lên tiếng: “Người Pháp không thể thích làm gì thì làm.” Với ám chỉ đến đề xuất chuyển địa điểm sản xuất A380 từ Đức sang Pháp của Christian Streiff, một thương nhân người Pháp. Bộ trưởng tài chính Đức Peer Steinbruck thì cũng đã phát biểu: “Các địa điểm sản xuất của Airbus tại Đức phải được đối xử công bằng trong hoàn cảnh khó khăn của công ty hiện nay.”

Kế hoạch cải tổ của Christian Streiff không chỉ chọc ngoáy các chính trị gia. Nếu phải sa thải nhân viên để cắt giám chi phí, Airbus có thể sẽ vấp phải phản ứng của các tổ chức công đoàn rất mạnh ở Châu Âu. Nhưng xét trên phương diện kinh doanh, đề xuất chuyển địa điểm sản xuất A380 là khôn ngoan, và có khả năng tiết kiệm những khoản chi phí hoạt động rất cần thiết cho Airbus, đặc biệt tại thời điểm hiện nay khi EADS tuyên bố kế hoạch đưa A380 ra thị trường sẽ lùi lại thêm một năm nữa.

Đợt giao hàng đầu tiên là 1 chiếc A380 cho hãng hàng không Singapore vào tháng 10/2007, thay vì 9 chiếc như đã hứa tháng 6 vừa qua. Như vậy, với 3 lần trì hoãn, quá trình sản xuất A380 bị chậm 2 năm so với kế hoạch ban đầu. Tổng thiệt hại có thể lên tới 6 tỉ USD, gấp đôi ước tính thiệt hại của EADS ba tháng trước.

Theo đó thay thế Christian Streiff trong vai trò CEO của Airbus là đồng giám đốc điều hành người Pháp của EADS, Louis Gallois. Ông sẽ đồng thời lãnh đạo cả EADS và Airbus. Quyết định bổ nhiệm ông Gallois chí ít cũng giải quyết được một vấn đề: sẽ không còn tranh cãi quyền lực giữa Airbus và công ty mẹ EADS nữa, vì cả hai công ty đều dưới quyền chỉ đạo của một người.

Louis Gallois nổi tiếng là một chính trị gia kiêm doanh nhân tài ba. Trước khi làm việc cho tập đoàn EADS, ông đã lãnh đạo công ty đường sắt nhà nước SNCF của Pháp trong 10 năm. Ông có công cải thiện tình hình tài chính của SNCF. Trong thời gian Louis Gallois nắm quyền, số lượng hành khách của SNCF cũng gia tăng đáng kể.

Nhưng quan trọng hơn cả, tại SNCF, ông Gallois đã thành công trong việc hạn chế chi phí hoạt động, đồng thời đáp ứng được những yêu cầu tăng lương và phúc lợi của các tổ chức công đoàn Pháp hùng mạnh.

Nhưng cho dù Louis Gallois tài giỏi cỡ nào chăng nữa thì trước những rắc rối tới từ nội tại tập đoàn cũng như những thách thức khổng lồ tới từ KN777 thì các khó khăn về kinh doanh cũng không dễ gì giải quyết.

Rất nhiều khả năng khách hàng đặt mua A380 sẽ hủy bỏ hợp đồng, hay giảm số lượng đặt hàng, vì tình trạng lộn xộn hiện nay tại Airbus cũng như sự xuất hiện của những nhân tố công nghệ hàng không mới như KN777.

Nguy cơ đã là nhãn tiền khi hãng hàng không Các tiểu Vương quốc Ả Rập tuyên bố có thể hãng này sẽ thay đổi kế hoạch ban đầu đặt mua 45 chiếc A380 của Airbus. Tim Clark, tổng giám đốc của hãng nói: “Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng đối với hãng và chúng tôi đang xem xét lại tất cả những lựa chọn của mình.” Hãng hàng không Các tiểu Vương quốc Ả Rập phải đợi đến tháng 08/2008 mới nhận được những sản phẩm A380 đầu tiên và đó quả là một thiệt hại không hề nhỏ.

Trở lại phòng họp lúc này,

Louis Gallois khẽ gấp lại tập báo cáo sau đó nhìn Tổng Giám đốc Fabrice Brégier hỏi:

- Fabrice, anh có ý kiến nào không?

Sắc mặt Fabrice Brégier cũng nặng nề không kém Louis Gallois là bao, sau khi nghe xong câu hỏi của vị chủ tịch, ông ta cân nhắc giây lát sau đó mới lên tiếng:

- Ngài Louis, KN777 theo đánh giá của chuyên gia chúng ta thì sở hữu công nghệ rất tiên tiến, nó tỏ ra vượt trội so với những gì mà chúng ta đang sở hữu. Nếu sản phẩm này được đưa vào khai thác thương mại chắc chắn nó sẽ là một đối thủ rất đáng gờm. Lợi thế cạnh tranh của chúng ta trong trường hợp này có lẽ vẫn là nằm ở vấn đề giá cả. Có điều nếu lấy giá làm lợi thế thì chúng ta lại đang gặp phải hai nút thắt chính, một là Kỷ nguyên mới vẫn chưa hề công bố bất kỳ thông tin gì về kế hoạch thương mại hóa cũng như giá bán của KN777, hai là nếu chúng ta muốn giảm giá thì phải thực hiện theo kế hoạch của ngài Christian Streiff, cắt giảm nhân công và dịch chuyển địa điểm sản xuất từ Đức sang Pháp. Mà như ngài cũng biết việc này chắc chắn sẽ nhận rất nhiều phản đối từ giới chính khách và công đoàn.

Louis Gallois nghe xong thì nếp nhắn trên trán lại càng dầy hơn, theo đố ông ta quay sang vị Giám đốc kỹ thuật Marc Fontaine:

- Marc Fontaine, tôi muốn biết khả năng theo đuổi công nghệ của chúng ta với KN777 là như thế nào?

Marc Fontaine chau mày sau đó dùng lời lẽ có phần nghiêm trọng trả lời:

- Chủ tịch, là hoàn toàn không thể theo kịp.

Louis Gallois nhướng mắt:

- Không theo kịp?

Marc Fontaine gật đầu xác nhận:

- Vâng, theo đánh giá lạc quan nhất thì kỹ thuật mà Kỷ nguyên mới ứng dụng trong KN777 phải vượt qua công nghệ của chúng ta ít nhất từ hai mươi lăm tới ba mươi năm. Chủ tịch cũng có thể thấy, mặc dù là máy bay dân dụng nhưng tốc độ của bọn họ đạt tới tốc độ của máy bay chiến đấu thậm chí nó còn hiện đại hơn những khí tài bay tân tiến nhất mà quân đội của Mỹ, Nga hay các nước châu Âu chúng ta đang có. Những giải pháp kỹ thuật trong đó quả thực là đã vượt quá năng lực và sức tưởng tượng của chúng ta.

Nhận được câu trả lời, Louis Gallois khẽ gõ nhẹ tay lên bàn sau đó trầm giọng:

- Có một thứ lợi hại hiển nhiên là tốt nhưng nếu muốn nắm giữ và khai thác lợi ích từ nó lâu dài thì phải có năng lực mới được. Nếu đến ngay cả máy bay chiến đấu của các cường quốc cũng còn không bằng thì chắc chắn nó sẽ là đích ngắm của rất nhiều tổ chức và quố gia chứ không chỉ riêng các hãng công nghiệp chúng ta. Hơn nữa, các vị có nghĩ một thứ lợi hại như vậy chính phủ Việt Nam sẽ cho xuất khẩu sao?

Fabrice Brégier nghe xong thì lập tức đặt ra vấn đề:

- Chủ tịch, theo lý nếu là như thế thì tại sao Kỷ nguyên mới lại sẵn sàng công khai và chính phủ Việt Nam lại cho phép quảng bá KN777 rộng rãi như vậy? Bọn họ phải che dấu chúng đi mới phải chứ. Theo tôi thấy, vẫn rất nhiều khả năng Kỷ nguyên mới sẽ thương mại hóa sản phẩm này và chúng ta cần sẵn sàng có biện pháp ứng phó thích hợp là hơn.

Marc Fontaine ngồi bên lại lên tiếng xen vào:

- Uhm… nhưng nếu vậy chúng ta có thể liên kết cùng Boeing và các hãng khác để dựng hàng rào gia nhập thị trường bao gồm việc thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như làm phức tạp hóa quy trình cấp giấy chứng nhận mà.

Fabrice Brégier cười nhạt:

- Marc Fontaine, chuyện không có đơn giản như vậy khi KN777 lại đang là khao khát của chính phủ và giới quân sự các nước. Những rào cản như anh nói có thể có nhưng sẽ rất cục bộ, thậm chí giờ này tôi e rằng chính phủ và giới quân sự các nước còn ước rằng không thể mau chóng cấp phép để nhập KN777 về để mổ xẻ nghiên cứu đây.

Louis Gallois vuốt vuốt trán:

- Hừ… chuyện này có lẽ cần phải tiếp tục theo dõi và nghiên cứu lại nhiều hơn, có lẽ tôi sẽ phải nhóm họp và gặp mặt các vị đồng cấp tại các hãng khác một chút. Fabrice, cậu phụ trách chuyện này nhé.

Fabrice Brégier cũng không có thêm ý kiến gì khác đành gật đầu:

- Vâng, chủ tịch!

Louis Gallois gật nhẹ đầu rồi đưa tay ra hiệu:

- Thôi! Hôm nay tạm dừng tại đây! Mọi người trở về tiếp tục công việc của mình!

*************

Ít phút sau đó, đợi cho toàn bộ cộng sự đã đi ra ngoài, trong phòng chỉ còn lại một mình, Louis Gallois khẽ ngả lưng ra ghế, ánh mắt sâu xa nhìn ra bên ngoài qua tấm kính cường lực. Nghĩ ngợi giây lát ông ta lẩm bẩm:

- Kỷ nguyên mới này… quả thật là quá gây kinh ngạc rồi. Rốt cục sự thành công của bọn họ là từ đâu mà ra chứ? Một tập đoàn mà số năm tồn tại còn chưa tròn hai con số lại có thể chèn ép toàn bộ các hãng khác tới mức không thở nổi là vì sao? Hừ… Kỷ nguyên mới… Rồi sẽ phải có ai đó tìm ra được bí mật của các vị!