Ngõ Lan Đình tiếng tăm lừng lẫy ở kinh thành nên không giống những nơi khác, qua cổng chào là đèn hoa vui mắt, gió thơm lướt qua người.

Vì là ngày mưa nên trên đầu có lán che mưa đỏ tươi bằng trúc, cả dặm đường hoàn toàn không hề bị ướt, trái lại cứ hơn mười bước sẽ có cột nước chảy xuống theo kênh trúc, đọng ở cống lộ thiên hai bên, tiếng nước róc ra róc rách, càng thêm vẻ lung linh nên thơ.

Dọc đường du khách lũ lượt, tay áo hồng tranh nhau vẫy gọi ở hai bên, châu ngọc rung loạn trước mắt, quả là cảnh phồn hoa phung phí trong kinh.

Như Ý hất vài cô gái đang quấn lấy, quay đầu cười nói: “Nhìn hai anh em ta phong lưu phóng khoáng vừa đứng ở đây đã hơn đứt người trên đường rồi.

Chẳng trách ai nấy đều kéo chúng ta”.

Tịch Tà cười khổ: “Chúng ta mặc áo dầu lụa xanh, óng ánh như chuồn chuồn, ai mà không biết là người đi ra từ trong cung, phong lưu cái gì!”.

Như Ý ha ha cười to, khoác vai Tịch Tà đi về phía trước.

Đi thẳng đến trước cửa của một căn nhà lớn ở giữa ngõ Lan Đình, bỗng thấy yên tĩnh hơn nhiều.

Dưới hai chiếc đèn lồng đỏ ở cửa có một thằng nhỏ cài hoa bên tóc mai đang đứng, thấy Như Ý thì nói: “Nhị gia tới thật đúng lúc! Ma ma mới vừa nhắc tới đấy ạ”.

“Ai thèm nhắc tới người vô tình vô nghĩa này?” Một người đàn bà đẹp mặc áo hoa đi ra từ bên trong, chập hơn ba mươi tuổi, che miệng cười nói với Như Ý: “Đã bao lâu rồi nhị gia không tới rồi? Tôi mới dặn bọn tây chân, nếu thấy nhị gia thì cứ đóng cửa lại, chớ gọi vào”.

Như Ý kéo tay nàng nói: “Tôi chẳng những tới mà còn dẫn theo khách đấy.

Em sáu, đây là cô nương Tê Hà”.

Tịch Tà ở dưới bậc ngẩng đầu nhìn, bốn mắt giao nhau, cả hai cùng ngẩn ra.

Tê Hà chợt cười nói: “Đó chính là lục gia ư? Có phải không? Mời vào!”.

Dẫn hai người vào viện, men theo hành lang gấp khúc vòng qua tường xây làm bình phong ở cổng, một sân hải đường hiện ra trước mắt, cánh hoa bay lượn trong mưa, tôn lên đá vụn đầy rêu xanh.

Đi qua chốn xa hoa trụy lạc đoạn trước trong ngõ, chợt cảm thấy vẻ thanh nhã phả vào mặt, tinh thần sảng khoái.

Trước cửa phòng chính, hai bé gái để tóc trái đào cúi đầu kéo cửa gỗ chạm hoa ra, một tiếng hát véo von bỗng vang lên.

“Lửa thơm không tiếc muốn đượm hết, sông xanh đa sầu chân trời quay”.

Tỳ bà cuộn ra âm nước, réo rắt rồi ngừng lại, tiếng vỗ tay reo hò ầm ầm trong ghế lô buông rèm, còn có người cười nói: “Thì ra bài phú Nhiên Xuân của Giang Cư Phóng cũng có thể hát như thế, ha ha”.

Lúc này cô ca kỹ mới đứng dậy để a hoàn nhỏ ôm tỳ bà lui về phòng sau.

Tê Hà dẫn họ tùy tiện đi vào lô ghế riêng, cười nói: “Đó là một cô thanh quan mới[1] đến, luôn có kẻ chưa từng va chạm xã hội, cho rằng vậy là đã hát rất hay rồi, hai gia chớ chê cười”.

Đoạn gọi a hoàn đến hầu hai người cời áo dầu guốc đi mưa ra rồi tự mình dâng trà tới: “Tôi đi thay quét phòng để hai gia uống rượu, hai gia ngồi ở đây một lát, nghe mấy khúc không lọt tai, tôi đi một lát sẽ trở lại”.

Tịch Tà đợi nàng đi rồi mới hỏi: “Vị này là…”.

“Chủ chứa ở đây, căn viện Tê Hà này chính là sản nghiệp của nàng, người phụ nữ này giỏi lắm!”

Tịch Tà khảy lá trà trên mặt nước, chỉ cười một tiếng.

Tê Hà quay lại rất nhanh, lại mời hai người dịch bước.

Xuyên qua đại sảnh, phía sau là một đình viện, trồng hơn mười bụi cây mẫu đơn, một tòa lầu gỗ đối diện với chính đường hai tầng, trên tấm biển vết hai “Hồi Mâu” chẳng những đúng mực còn thêm chút đa tình.

Tê Hà dẫn hai người lên lầu, mở một gian rồi cười nói: “Xin mời”.

Như Ý bước vào trước, kêu lên: “Hay cho một mệnh quan triều đình, sao ngài cũng càn quấy ở nơi đây?”.

Người đàn ông khôi ngô bên trong đứng dậy cười to: “Chính ngài là thái giám ngũ phẩm, không tính là có phẩm có hàm à?”.

Vẻ mặt anh ta thoải mái, mắt hổ chứa uy, chính là Khương Phóng.

Tịch Tà lại không hề kinh ngạc, tiến lên chắp tay: “Đại thống lĩnh”.

“Lục gia”.

Khóe miệng Khương Phóng mỉm cười, mời hai người ngồi xuống.

Trên bàn tiệc mới bày rượu và thức ăn, Tê Hà bưng lên hai quyển sách một đỏ một xanh, hỏi Như Ý: “Nhị gia muốn ai tới tiếp đón?”.

Như Ý đẩy quyển xanh ra nói: “Không cần thanh quan, anh em tôi tới lần đầu, đòi mấy người không hiểu chuyện này chích tay chọc chân cho chán ghét à?”.

Lời vừa nói ra, Khương Phóng và Tê Hà đều rất mực lúng túng, không dám nhìn sắc mặt Tịch Tà.

Khương Phóng ho một tiếng mới nói: “Đêm nay hai vị không trực ư?”.

“Hoàng thượng cho chúng ta nghỉ, tôi bèn dẫn anh em tôi ra ngoài mở mang kiến thức”.

Lập tức điểm danh Hàm Hương tiếp rượu, Tê Hà lại gọi Hải Lâm cho Tịch Tà, chờ đến Khương Phóng đã thấy anh ta đẩy quyển sách ra, mỉm cười nhìn Tê Hà nói: “Tôi không cần”.

Tê Hà cất sách cười rồi tự đi, chẳng bao lâu sau đã dẫn hai ả đào đẹp tiến đến.

Hàm Hương trước mặt vóc người đẫy đà, mày liễu mắt to, nhác trông sảng khoái giỏi ăn nói.

Hải Lâm lại là người từ đầu đến chân không có một tấc nào không hiện vẻ đằm thắm, nhẹ nhàng cúi chào, lặng lẽ ngồi ở bên Tịch Tà.

Như Ý lấy hộp đỏ bọc lụa, mở ra cho hai người xem: “Đây là lễ gặp mặt mà anh em tôi chọn riêng, tặng cho hai vị cô nương để chơi đấy”.

Hàm Hương cầm vòng tay mà ngắm, biết giá không rẻ bèn cười nói: “Đa tạ lục gia, sao dám phiền ngài tiêu pha?”.

Lại nhìn Như Ý cười nhạt một tiếng: “Nếu là đồ nhị gia tặng, cho dù là vật báu vô giá cũng phải làm nhị gia mất mặt.

vì sao lâu như thế mà không đến thăm tôi? Chỉ sợ đã quên mất tôi từ lâu rồi, toàn mặc kệ người ta chờ đến nẫu ruột”.

Như Ý ôm nàng vào lòng, cười bảo: “Viện Tê Hà các nàng chỉ có nàng là chua ngoa như vậy thôi, quên ai cũng không quên được nàng”.

Hàm Hương phỉ nhổ: “Tôi sẽ kể lại lời này cho Tiểu Minh Nhi, ngày khác nhị gia sẽ biết thủ đoạn chua ngoa của nàng ấy”.

Như Ý chỉ cười, uống chén rượu trong tay nàng.

Hải Lâm cất hộp đỏ ở bên cạnh, nhẹ nhàng nói: “Đa tạ lục gia, lục gia uống rượu đi”.

Tịch Tà đón lấy chén rượu từ trong tay nàng, uống một hơi cạn sạch, thấy mùi thơm cơ thể của nàng làm say lòng người, mặt đỏ lên trước.

Khương Phóng nín cười thấy rõ, lặng lẽ đưa mắt ra hiệu với Như Ý.

Hai kẻ này đều là nhân vật mạnh vì gạo, bạo vì tiền, sao không ngầm hiểu? Rót mấy lần rượu bèn vội kêu mệt.

Như Ý ôm Hàm Hương đi.

Khương Phóng chỉ làm như không thấy ánh mắt sắc bén của Tịch Tà, cười ha hả, đi theo Tê Hà.

Trong phòng lớn như vậy chỉ còn Tịch Tà và Hải Lâm ngồi dựa vào nhau, Hải Lâm cười, lại khuyên Tịch Tà uống chút rượu, bày chút đồ ăn.

Mấy chén rượu nguyên chất vào cổ họng, Tịch Tà dẫn thấy trong người, toàn là ý muốn vuốt ve an ủi, thấy bàn tay nhỏ mềm mại của Hải Lâm hồng hào thì nắm trong tay, tựa đầu lên vai nàng.

“Lục gia mệt rồi à?” Tiếng Hải Lâm hư ảo, dường như căn phòng tao nhã trước mắt cũng tỏa ra ánh sáng màu đỏ.

Hắn được cô đào đẹp này đỡ lên trên giường, trong mê man đón lấy khăn tay lau mặt.

Hải Lâm bưng chậu nước nóng ngâm chân, cởi áo cho hắn.

Tịch Tà nằm ở trong chăn gấm, nhìn nàng tháo trâm gài tóc, tản mái tóc dài ra rồi nằm ở bên cạnh mình.

Ngón tay trắng như tuyết của hắn hí hoáy lọn tóc của nàng, thấy nến đỏ hơi đong đưa, chiếu lên sóng mắt như tranh vẽ của nàng thì không cầm được mà cúi người mút lấy đôi môi đỏ của nàng.

Hải Lâm khẽ rên một tiếng, hai chân trần trụi chậm rãi quấn lên hông Tịch Tà, mặc cho ngón tay dần ấm lên của người thanh niên đang vuốt ve da thịt ôn nhuận như ngọc khắp người một cách run rẩy.

Dưới ánh nến, bộ ngực ấm đẹp như ngọc như trăng sáng nơi núi mù, đương khi cô thiếu nữ ấy xoay người, vòng eo há chẳng cũng nhỏ nhắn uyển chuyển như vậy ư? Khi nàng hoảng sợ đến mức cả người run rẩy, hai cánh tay há chẳng cũng mềm yếu vô lực như thế này ư? Lúc chiếc cổ thon dài mỏng manh của nàng ngẩng lên lộ ra tiếng rên lại đang trong vòng ôm của kẻ nào? Ghen ghét tựa như rắn độc phút chốc nhảy khắp người Tịch Tà, ý muốn vuốt ve an ủi của thiếu niên mê man đó chợt biến mất dạng, thù hận và bi thương lạnh lẽo thấm vào khắc người hắn, ngón tay xoa ở cổ Hải Lâm cứng đờ càng ngày càng chặt.

Màu máu nhanh chóng biến mất khỏi mặt Hải Lâm, nàng muốn kêu mà chẳng có sức, vô cùng hoảng sợ nhìn vẻ dữ tợn của Tịch Tà, hai mắt sắc bén như dao thì không cầm được lệ như suối trào, ngón tay lún sâu vào hai cánh tay của Tịch Tà, đầy ý cầu xin.

“A!” Tịch Tà nghe thấy mình thở dài, chợt rút tay về, giãy giụa khỏi cơ thể Hải Lâm, nắm áo dài bên cạnh rồi nhảy từ trên giường xuống đất.

Hải Lâm ho một tiếng rồi nhào tới ôm lấy chân Tịch Tà, phục trên mặt đất thở hổn hển nói: “Lục gia, lục gia đừng đi! Lục gia mà đi, ma ma sẽ đánh chết tôi mất”.

Tịch Tà thấp giọng nói: “Chị ấy là một người dịu biết săn sóc, sẽ không làm vậy đâu”.

Hải Lâm vội bảo: “Một người làm tú bà, không được như ý, bụng dạ luôn độc ác.

Lục gia cứ coi thương xót tôi, không cứ vậy mà đi”.

“Cô nói đúng, trước nay con người đều không được như ý.” Tịch Tà vốn đang hận thù khắc cốt ghi xương lại bị nàng nói đến mức mềm lòng.

Hắn thấy nàng mặc áo lót trắng ủ rũ dưới đất, khẽ run rẩy thì khom người xuống lau đi nước mắt trên mặt nàng, dìu nàng ngồi lên giường: “Cô đừng khóc, chỉ cần cô không sợ tôi thì tôi sẽ không đi”.

“Không sợ”.

Lúc Hải Lâm nín khóc mà cười có vẻ hồn nhiên của thiếu nữ, lau khô vệt nước mắt, kéo Tịch Tà tựa vào vòng ôm mềm mại của nàng.

Tịch Tà chỉ cảm thấy nhiều năm qua tâm thần đều mệt mỏi, chưa bao giờ an nhàn như vậy, ngoài cửa sổ ca bài hát hiếm thấy, mưa đêm vẫn nặng hạt, từng đóa mẫu đơn rực rỡ trên màn đỏ trước mắt cũng dần dần chập chờn.

“Cửu gia!” Trong cơn mê man có người nhẹ nhàng lay người, Tịch Tà chợt mở mắt ra, ánh đỏ chiếu vào mắt, đã là ban ngày rồi.

Bên gối đã không thấy tăm hơi Hải Lâm đâu, đến đánh thức lại là Tê Hà.

“Mấy giờ rồi? Nhị sư ca của tôi đâu?” Trước nay Tịch Tà ngủ dễ giật mình, không ngờ đêm qua không mộng, ngay cả Hải Lâm rời giường ra ngoài cũng không biết.

Tê Hà nói: “Nhị gia đã về cung từ sáng sớm rồi, thấy cửu gia ngủ say nên không cho quấy rầy, nói là hoàng đế đã biết, bảo cửu gia nghỉ ngơi cho tốt là được.

Nô tỳ thấy sắp trưa, sợ gia lỡ mất chuyện gì nên mới đến hối dậy”.

Tịch Tà ngồi xuống nói: “Đúng là hơi muộn rồi”.

Hắn được Tê Hà hầu phủ thêm xiêm áo, đảo mắt thấy chỗ bị móng tay Hải Lâm đâm trên cánh tay đã dùng khăn lụa Hàn châu bọc lại, tựa như nhớ tới điều gì nên ngớ ra.

“Cửu gia mệt mỏi rồi, không biết đã bao nhiêu năm không được an giấc”.

Tê Hà cúi đầu đi hài cho hắn, nghẹn ngào nói.

“Tôi không còn là cửu gia nữa rồi”.

Tịch Tà mỉm cười bảo: “Gọi lục gia là được, chị cũng không cần tự xưng nô tỳ, người khác nghe thấy không tốt đâu”.

“Vâng”.

“Bao năm không gặp, vẫn chưa bồi thường chuyện không phải với chị thay me tôi.

Chị sống có tốt không?” Hỏi ra lời này, Tịch Tà mới thấy thừa thãi.

Nữ quan từng cầm tay dạy hắn viết chữ đọc sách ở vương phủ năm đó, chỉ vì mẹ đố kị loại trừ mà lưu lạc phong trần, còn có thể sống tốt hay sao?

Tê Hà lại cười đáp: “Sao lại nói lời này? Là tôi không quen đối đãi với người khác, không thể trách vương phi.

Sau khi xuất chinh trở về, việc đầu tiên lão vương gia là là thay tôi giết cả nhà tên vô lại kia, còn chuộc tôi ra, mua căn viện này cho tôi.

Nay tôi vang danh kinh hoa, người sai khiến ngoài sáng đã có một hai trăm kẻ, có thể chia sẻ nỗi lo với gia, có gì không tốt?”.

Mười tám năm trước Tê Hà chọn vào trong phủ Nhan vương, vì nàng có chút tiếng tăm tài nữ bên ngoài nên Nhan vương chỉ tên chăm sóc giáo dục đứa con thứ chín là Nhan Lâu.

Trắc phi Trịnh thị sợ nàng được yêu chiều, thừa dịp Nhan vương dắt Nhan Khải và Nhan Lâu xuất chinh bèn bắt nàng làm lẽ của tiểu lại bộ lễ là Tùy An.

Bà lớn trong nhà Tùy An là một người đàn bà đanh đá, không nói đến chuyện đánh mắng Tê Hà, bản thân Tùy An cũng là một tên mặt người dạ thú, mê cờ bạc, nợ người ta một nợ khổng lồ, cuối cùng lại đem bán Tê Hà vào lầu xanh.

Lúc này Tịch Tà đoán Nhan Vương đã giết hết cả nhà Tùy An, chuộc thân mua chỗ ở cho Tê Hà cũng không phải hoàn toàn xuất phát từ lòng tốt chính nghĩa, cuối cùng chẳng qua là để sắp xếp thêm một đường cơ sở ngầm ở trong kinh.

Nhưng Tê Hà chưa từng oán trách, quả là lấy ơn báo oán.

Tê Hà lại nói: “Mấy năm nay chỉ từ miệng Khương gia và nhị gia biết được tin của lục gia, không ngờ đêm qua gặp được gia đã lớn như vậy.

Lúc gia theo lão vương gia xuất chinh chỉ mới bảy tuổi, hôm trước khi đi tôi con đi giày cho gia đấy”.

Tịch Tà nhớ lại mùa xuân ngoài cửa sổ phòng sách của Nhan vương đẹp như tranh vẽ, bàn tay trắng ngần của nàng cầm bút dạy mình học dịu dàng, tao nhã nhường nào.

Nay thấy dung sắc nàng vẫn hệt như năm đó, song khóe mắt đuôi mày lại có thêm vẻ gió bụi bể dâu, mười mấy năm qua vẫn một thân một mình, tận tụy thay mình nắm giữ tám mươi hai đội ngũ trong kinh cho mình, ngón trò hiểm ác đã chiếm hơn nửa trong lòng, mà mình cũng trở nên ngoan độc xảo trá.

Vẻ cao quý, hồn nhiên của một thầy một trò năm đó đều đã không còn sót lại gì, lúc này đều đã hoàn toàn thay đổi, bỗng đối mặt nhau mà không nói nên lời.

Tê Hà dời ánh mắt đi, cười gượng rồi thấp giọng nói: “Nếu sau này gia còn đến, tôi vẫn luôn ở chỗ này chờ”.

Tịch Tà gật đầu: “Sau này có việc muốn làm ở ngoài cung thì tôi sẽ tới nơi này của chị”.

Tê Hà đẩy cửa sổ phía bắc ra: “Lục gia nhìn này”.

Ngoài cửa sổ là một vùng trúc dài, xanh tươi che phủ tầm mắt.

“Ngoài tường sau vùng trúc này còn có hai tòa lấu nhỏ, mở cửa nách ở đường bắc rất khuất.

Lúc gia muốn tới, chỉ cần vào từ cửa sau thì sẽ không ai biết đâu”.

Tịch Tà nói: “Vậy thì tốt, chị cũng phải cẩn thận”.

Sau khi súc miệng rửa mặt, ăn ít trà bánh thanh đạm, Tịch Tà do dự một lát mới nói: “Chị này, tôi rất thích cô Hải Lâm kia, sau này chị đừng cố ép nàng”.

Tê Hà không nhịn được cười một tiếng: “Không cần gia nói, tôi cũng biết.

Ở đây còn có một việc, gia còn nhớ cô Tử Mâu đó không?”.

“Là Tử Mâu mà hoàng đế chỉ định làm lẽ của Hoắc Viêm?”

Tê Hà trầm mặt gật đầu: “Gần đây cái cô nương này không an phận đâu”.

Tịch Tà cau mày hỏi: “Vẫn là tên họ An kia à?”.

“Đúng vậy!” Tê Hà nói: “Vốn dĩ không cần gia nhọc lòng nhưng tôi nghĩ chuyện liên quan đến hơn mười mạng người nên vẫn bẩm lại cho gia biết”.

Tịch Tà thản nhiên bảo: “Chị làm theo là được”.

Lúc bấy bèn đứng dậy ra ngoài, bên ngoài mây mưa đã qua, đương lúc chính ngọ ấm áp, thấy gã sai vặt nâng đồ che mưa tối hôm qua đến, chỉ nói để ở trong viện bọn họ đi.

Trên đỉnh đầu, cửa sổ hoa két một tiếng mở toang, là Hải Lâm nghe tiếng Tịch Tà nên ló mặt ra từ trong phòng, nở nụ cười xinh đẹp với hắn.

Nàng nhẹ nhàng quăng một đóa hải đường trong tay xuống rồi mới mau chóng đóng cửa sổ lại.

Tịch Tà ngẩng đầu nhìn, nhặt đóa hoa lên cài trên vạt áo, thong thả đi ra.

Dẫu sao cũng là ban ngày nên ngõ Lan Đình khá quạnh quẽ, mấy người tôi tớ già quét đường ở trước cửa mỗi nhà, trên đường còn có mấy tiểu nhị của lầu rượu gánh hộp đựng thức ăn đưa đến mặt bàn trong lầu.

Mặc dù dưới lán trúc mát mẻ nhưng thấy quang cảnh này vẫn khiến người ta lười biếng đến mức không xốc nổi tinh thần.

Trước mặt lại có một người tuổi trẻ cúi đầu đi rất vội, Tịch Tà còn cách gã hơn bảy tám bước đã ngửi thấy mùi thơm nồng trên người gã, thầm cảm thấy buồn cười.

Quả nhiên thân hình người trẻ tuổi kia đột ngột di chuyển, xuất hiện ở trước mặt Tịch Tà, đưa tay tới thăm dò hải đường trên vạt áo hắn.

Tịch Tà khẽ búng ngón tay, kình lực đâm vào mu bàn tay của thanh niên nọ, ống tay áo phe phẩy làm thân thể gã xoay một vòng.

Chàng trai kia khó lắm mới ổn định được hai chân, siết tay phải, cắn răng nhịn đau.

Tịch Tà cười nói: “Anh thích thì cho anh đấy”.

Đoạn đưa tay phủi một cái ở trên vạt áo, đóa hải đường kia rơi khỏi ngực hắn, cắm xoạt xuống tóc mai người trẻ tuổi kia.

“Để anh Thẩm khổ sở đợi chờ một đêm đúng là thất lễ, hoa này coi như là tại hạ nhận lỗi vậy”.

Thẩm Phi Phi ngượng ngùng thái hải đường xuống, hỏi: “Làm sao anh biết tiểu sinh đang chờ ở đây?”.

“Tối hôm qua anh Thẩm đi theo, tại hạ vẫn luôn biết”.

Thẩm Phi Phi mặt dày cười nói: “Ít ngày trước anh bảo người truyền tin tới, nói cô con gái của lão Hồ kia đã mừng rỡ đi lấy chồng, Lý Sư mới bằng lòng thả tiểu sinh ra.

Tiểu sinh nhờ ơn, xin cảm ơn trước”.

Tịch Tà gật đầu bảo: “Vậy là tốt rồi”.

Đoạn xoay người định đi thì bị Thẩm Phi Phi tiến lên ngăn lại.

“Đáng tiếc Lý Sư đó lại ép tiểu sinh hứa với y một việc, cứ khăng khăng ép tiểu sinh tìm anh.

Tiểu sinh tìm khắp kinh thành cũng không có tin tức của anh, còn tưởng rằng đời này kiếp này sẽ lưu lạc ở đầu đường kinh sư, không ngờ…”.

Thẩm Phi Phi quan sát quần áo trong cung của Tịch Tà từ trên xuống dưới: “Thì ra anh là công công trong cung, thảo nào không tìm được anh”.

Tịch Tà cười lạnh nói: “Không tìm được tôi, anh Thẩm có thể đi thẳng một mạch.

Trước nay Thẩm Phi Phi cũng không phải là người giữ chữ tín gì, chỉ e bên trong còn có nguyên nhân khác đúng không?”.

Thẩm Phi Phi chỉ đành cười xòa hỏi: “Cô nương Minh Châu có khỏe không?”.

“Khỏe lắm, phiền anh Thẩm nhớ tới rồi”.

Tịch Tà chắp tay, lại định bỏ đi.

Thẩm Phi Phi vội vàng nói: “Hãy khoan”.

“Anh đã tìm được tôi, chỉ cần đi nói với Lý Sư, hiện giờ chớ làm lỡ chuyện chính của tôi”.

Thẩm Phi Phi nói: “Tuy là tên Lý Sư này hung thần ác sát nhưng thật ra là một tên khờ khạo thành thật.

Tiểu sinh nói với y cũng chẳng sao, chỉ sợ y cho là thật xông vào trong cung tìm anh.

Nói thế nào các anh cũng là sư huynh đệ, có thể trơ mắt nhìn y đi chịu chết à?”.

Tịch Tà cười bảo: “Anh Thẩm, anh cũng là một nhân vật trứ danh trên giang hồ, hơn mười sáu tuổi đã giết người phóng hỏa, không chuyện ác nào không làm, sao nay lại biến thành lòng dạ Bồ tát thế?”.

Thẩm Phi Phi nghiêm mặt nói: “Nếu là người khác thì tôi chẳng thèm lo sống chết của y.

Lý Sư ngây thơ chân chất, là người thực sự không có mảy may ý xấu nào, nếu y bị anh bẫy chết rồi, tôi và anh không xong đâu”.

Tịch Tà cười thất thanh, mới định nói, đã thấy Thẩm Phi Phi đang nhìn về phía sau mình mà mặt mày hớn hở, nói: “Được rồi, chính chủ tìm anh đã đến rồi, anh nói với y đi”.

Tịch Tà thầm hối hận đã để kế hoãn binh của gã kéo lại, xoay người lại quả nhiên thấy Lý Sư mang kiếm chạy như bay đến, trong miệng hãy còn hét lớn: “Tịch Tà, anh chớ chạy!”.

“Đúng là oan nghiệt”.

Tịch Tà không khỏi thở dài một tiếng, tiến lên nói phủ đầu: “Tôi nợ tiền anh à?”.

Nụ cười sáng chói của Lý Sư cứng lại trên mặt, khó hiểu: “Không”.

“Vậy vì sao anh cứ bám theo tôi không thôi, còn không trở về Hồ gia trang, huyện Hắc Phần, phủ Đại Sam, Bạch Dương của anh đi?”

“Tôi đã cược với thầy rồi, nếu võ công của tôi không bằng anh, thừa nhận đã thua cược thì tôi nhất định phải đi theo anh”.

Tịch Tà nói: “Tôi nói thật cho anh biết, tôi là thái giám trong cung, nếu anh muốn cả ngày theo tôi thì tịnh thân trước rồi hẵng nói”.

Không ngờ Lý Sư lớn tiếng nói: “Được!” làm cho Tịch Tà và Thẩm Phi Phi giật nảy mình.

Thẩm Phi Phi vội vàng cười bảo: “Đồ lỗ mãng nhà anh” rồi ghé vào bên tai Lý Sư nói mấy câu.

Quả nhiên Lý Sư tỏ vẻ mặt kinh hãi: “May mà anh nói trước, tôi còn tưởng chỉ là tắm rửa thôi chứ”.

Y cau mày nói với Tịch Tà: “Việc này không thể được, còn có cách khác không?”.

Tịch Tà lạnh mặt: “Không có”.

“Tôi trốn trong cung cũng không được à?”

Tịch Tà biết những lời này chắc chắn là do Thẩm Phi Phi dạy, trợn mắt với Thẩm Phi Phi, nói: “Càng không được! Không đợi anh chết, tôi đã bị anh hại chết trước rồi.

Chi bằng anh về nhà trước, luyện võ mấy năm nữa rồi lại tìm tôi đọ sức, thế nào?”.

Lý Sư cười bảo: “Anh đang lừa tôi, tôi vẫn nghe ra đấy”.

Tịch Tà cười khẩy nói: “Anh vẫn không tính là ngốc.

Võ công của tôi cao hơn anh cả chục lần, phải cần anh bảo vệ chăm sóc à? Anh muốn nghe tôi sai bảo thì trước tiên phải nói về một chuyện.

Anh từng giết người chưa?”.

Lý Sư giật mình: “Chưa”.

Tịch Tà mỉm cười bảo: “Khi nào anh giết Thẩm Phi Phi thì coi như anh thật lòng, tôi cũng yên tâm giữ anh bên cạnh”.

Thẩm Phi Phi hít một hơi khí lạnh, lùi lại một bước và lớn tiếng nói: “Sư huynh đệ các anh không vui vẻ, chuyện không liên quan đến tôi, đừng!”.

Lý Sư cũng giận dữ, ánh mắt sáng quắc nhìn chằm chằm Tịch Tà, y nói: “Anh quá đáng rồi đấy! Gã không oán không thù với anh, anh đòi mạng gã làm cái gì?”.

Tịch Tà hừ một tiếng: “Anh cho rằng gã là người tốt lành à? Mười ba tuổi gã đã quen thói trộm cắp, mười lăm tuổi đã bắt đầu giết người, lúc mười sáu tuổi một cây đuốc đốt trụi huyện nha sông Lục ở Khoa châu, làm chết hai mươi bảy người.

Giờ muốn gã đền tử hình đền mạng thì chỉ sợ gã chết một lần vẫn chưa đủ đâu”.

Thẩm Phi Phi thấy con mắt tức giận của Lý Sư quay lại dán ở trên người mình thì mặt không khỏi xám như tro tàn, giãy giụa nói: “Chờ đã”.

“Tôi nói thật hay giả, anh hỏi anh Thẩm này là biết, tự xem mà làm đi”.

Tịch Tà cao giọng cười, bỏ hai người ở trên đường, thong thả đi mất.

Trở về cung, trong viện Cư Dưỡng chỉ có một mình Tiểu Thuận Tử đang lau mồ hôi, quạt bếp trà để pha trà dưới hiên.

Nhìn thấy Tịch Tà trở về, cậu hoan hô một tiếng: “Thầy đã về rồi! Chị Minh Châu sắp điên rồi, nếu không phải nhị gia truyền thư tới thì e chị đã muốn rời cung tìm rồi.

Vừa này cung Khánh Tường truyền tin đến nói là tứ gia đã về cung Khôn Ninh hầu hạ, chị Minh Châu dặn con nói cho thầy biết”.

“Hắn đúng là một người cơ trí, trốn thật là nhanh”.

Tịch Tà cảm thấy hơi thất vọng, ngồi một bên hỏi: “Giờ Minh Châu đang ở đâu?”.

Tiểu Thuận Tử rót trà vào trong chén, dâng tới và nói: “Đến cục Thượng Công rồi ạ”.

Cậu thấy trên cổ tay đón trà của Tịch Tà quấn lụa trắng thì cười hỏi: “Trên tay thầy là cái gì đấy?”.

Tịch Tà cởi khăn tay lụa Hàn xuống, mặt trên còn lưu lại hương thơm của Hải Lâm.

Ánh mặt trời xuyên qua tơ lụa nhỏ bé, chiếu lên ngón tay trắng sáng như tuyết của hắn.

“Không có gì”.

Hắn thuận tay ném khăn tay vào trong bếp trà, trông khói xanh lượn lờ tán đi rồi chậm rãi nói.

“Cô nương, mặt trời gắt rồi, cứ đi lên trước cũng không có chỗ nghỉ chân, hãy để cho chúng tôi nghỉ lấy hơi được không?” Phu kiệu ở bên ngoài thương lượng với cô nhóc Bạch Dương.

“Ôi, việc này thì phải hỏi tiểu thư của chúng tôi”.

Tử Mâu vén màn kiệu lên, cười nói: “Nghỉ một lát cũng không sao”.

Đã ra khỏi thành, cả vùng ngoại ô đều là đồng ruộng, trong mấy dặm chung quanh ngoại trừ các hộ gia đình, chỉ có căn đình nhỏ này tách ra, cho người đi đường qua lại một chốn nghỉ ngơi.

Dưới bóng cây bên ngoài đình, một chiếc xe ngựa đẹp đã đỗ lại, thằng nhóc đánh xe lười biếng dựa vào càng xe mà xỉa răng, trong đình hai a hoàn vây quanh một vị phu nhân dâng trà, quạt mát.

Bạch Dương nhìn từ xa, nói với phu kiệu: “Các anh nghỉ ngơi dưới bóng cây đi, tiểu thư vào trong đình ngồi một lát”.

Tử Mâu được cô ta đỡ ra, ngồi xuống một góc trong đình.

Hai a hoàn kia gật đầu mỉm cười với nàng, bưng chén trà lạnh tới nói: “Đều là người đi đường, nếu không chê thì mời dùng chén trà”.

Tử Mâu vội nói: “Cảm ơn”.

“Ôi, giọng nói này quen tai quá”.

Phu nhân ngồi chính giữa buông chén trà xuống xoay người lại, kinh ngạc cười nói: “Đây không phải là Tử Mâu à?”.

Tử Mâu và Bạch Dương thấy phu nhân kia thì đều kinh hãi.

Tử Mâu làm rơi chén trà đánh cạch trên mặt đất, đứng lên run rẩy nói: “Ma, ma ma”.

“Sao lại nói thế?” Người đàn bà kia che miệng cười: “Nay cô đã là bà hai nhà quan, có thể gọi tôi là chị Tê Hà là tôi đã niệm Phật rồi.

Các cô đi đâu thế?”.

“Chúng tôi…” Sắc mặt Tử Mâu trắng bệch, ấp a ấp úng một câu.

Bạch Dương vội đáp: “Chúng tôi đi dâng hương”.

“Dâng hương?” Tê Hà cười bảo: “Không nghe nói mười mấy dặm xung quanh có chùa có am.

Các cô đi xa quá, thảo nào lại thương xót phu kiệu nhà mình, không ngồi cỗ kiệu của mình mà đi thuê người khiêng”.

“Vâng”.

Tử Mâu miễn cưỡng nói: “Chúng tôi đi xa, giờ xin cáo từ”.

“Đừng!” Tê Hà đi lên kéo Tử Mâu lại và bảo: “Chậm một chút có hề gì.

Lâu ngày không gặp, nói chuyện một lát đi”.

Bạch Dương cười xòa nói: “Chúng tôi quả thực là vội lắm, ma ma để chúng tôi đi thôi”.

Tê Hà cười: “Tôi nói với chủ mẫu của cô, không tới phiên cô xen mồm.

Hiện nay chính vì có loại nô tài gian xảo như cô mới xúi giục chủ nhân làm chuyện xấu.

Bản thân không suy nghĩ lại, khế ước bán thân vẫn còn ở trong viện tôi đấy, còn tưởng là có thể làm người trong sạch, thoải mái nói chuyện à?”.

Đoạn nói với hai a hoàn của mình: “Đây vẫn là cô nương trong viện chúng ta, các cô trò chuyện với nó đi”.

Hai a hoàn tiến lên, mặc cho Bạch Dương giãy giụa, bắt sang một bên, quát một tiếng trước: “Câm miệng”.

Tê Hà kéo Tử Mâu ngồi xuống, than thở: “Nghe chị nói một câu, sau này chúng ta đừng đốt hương này nữa.

Trước đây có phải là chị ép cô lấy chồng đâu, hỏi cô ba lần, là tự cô nói bằng lòng cơ mà.

Tôi mừng rỡ chuẩn bị đầy đủ của hồi môn tiễn cô đi lấy chồng.

Cô nói thích con bé Bạch Dương này, tôi không đòi cô một lượng bạc nào đã để cho cô mang đi, chính là để cô dốc lòng dốc sức hầu hạ chàng thám hoa.

Rốt cuộc cô không được như ý ở chỗ nào? Không vừa lòng chỗ nào? Vì sao bây giờ còn trêu chọc tên họ An kia?”.

Tử Mâu đã sợ đến hồn xiêu phách lạc rồi, thấp giọng khóc không thành tiếng: “Ban đầu là tôi sai, ma ma tha cho tôi đi.

Người trong lòng tôi vẫn là công tử nhà họ An”.

Tê Hà cười bảo: “Cô đúng là một kẻ si tình, đáng tiếc chỉ là hơi lẳng lơ.

Cũng được, tùy cô vậy”.

Tử Mâu thấy nàng dễ dãi như vậy, mới thấy kinh ngạc đã nghe hai tên phu kiệu đang ồn ào: “Có nhìn thấy phía trước không? Khói lớn quá, lẽ nào là cháy rồi hay sao?”.

Tử Mâu chạy vội ra bên ngoài đình, chỉ thấy cách đó hai dặm khói đặc tận trời, chính là viện lớn nhà họ An, bèn quay đầu lại nhìn Tê Hà, trong vẻ kinh hoàng khiếp sợ đã quên mất bi ai: “Chị, chị…”.

“Cô nương, đây không phải là nơi cô muốn đi hay sao?” Kiệu phu tiến lên hỏi.

A hoàn của Tê Hà đi ra mắng: “Hừ, miệng các anh đứng là xúi quẩy.

Cô nương này tới thăm mợ chủ nhà tôi, nay gặp trên đường nên không cần các anh nữa”.

Nàng ta thanh toán chi phí đi lại của kiệu rồi đuổi phu kiệu đi.

Tê Hà cười bảo: “Sao cơ? Chẳng lẽ cô thực sự đi đến nơi đó sao? Như vậy cũng tốt, chút chuyện xấu này của cô sẽ không còn người nào biết nữa, tránh để chàng thám hoa mất mặt.

Cô không cần đi về phía trước nữa, xe của tôi lớn, để tôi chở cô về”.

Bạch Dương nghe nàng nói đến “không còn người nào biết nữa” thì biết tính mạng mình khó giữ được, vừa định kêu cứu đã bị gã sai vặt kia tiến lên vả một cái vào miệng đến bất tỉnh, nhét vào trong xe.

Hai a hoàn hầu hạ Tê Hà và Tử Mâu lên xe, gã sai vặt kia vẫn ngậm cây tăm, lười biếng vung roi da, chậm rãi chạy về thành.

Tê Hà sắp xếp Tử Mâu về nhà, thấy người làm nhà Hoắc Viêm đi ra đón vào thì mới yên tâm quay lại ngõ Lan Đình.

Xe đến trước cửa thì kịp lúc Khương Phóng đến.

Nàng tự mình xuống xe, tiến ra đón và cười nói: “Khương gia, hiếm thấy”.

Nhìn thấy hai người trẻ tuổi phía sau hắn, biết mà còn hỏi: “Hai vị này là thuộc hạ của Khương gia à?”.

Khương Phóng nói: “Cô nói đúng rồi, hai vị này là bảng nhãn Du Vân Dao và thám hoa Úc Tri Thu của cuộc thi võ khóa năm nay, tới đây ra mắt cô nương Tê Hà”.

Tê Hà thở dài: “Nhắc tới người tài giỏi đẹp trai trong thiên hạ thì luôn trăm sông đổ về một biển, chỉ cần là người bên cạnh hoàng thượng thì đều là kẻ bất phàm, sao không làm người ta thán phục cho được? Mời vào trong ngồi”.

Hôm nay chính là thời gian điều động lại thị vệ trong cung, thị vệ mới trúng tuyển cũng điểm danh, phân đến các cửa các nơi.

Vì mấy ngày trước hai người Du Vân Dao và Úc Tri Thu đã làm phật lòng đại thái giám Cát Tường và Tịch Tà nắm quyền trong cung nên trong lòng vô cùng lo sợ bất an.

Quả nhiên, trong danh sách mới được điều đến cửa Càn Thanh, ngay cả bọn Hồ Động Nguyệt cũng được chọn, chỉ có Du Vân Dao và Úc Tri Thu bị phái đến làm việc ở thành cung, làm thị vệ cửa Tử Nam tầm thường.

Khương Phóng thấy hai người ủ rũ thì đến cười nói: “Có gì đâu! Các anh vẫn là người trong hai mươi hạng đầu, tương lai còn dài, rồi sẽ có cơ hội để các anh kiến công lập nghiệp, không cần vội vã một chốc một nhát.

Nói thế nào thì đây cũng là ngày đầu tiên các anh làm quan.

Nào, chúng ta đi uống chén rượu”.

Du Vân Dao và Úc Tri Thu còn trẻ hào sảng, nghe anh ta nói như vậy, chỉ ném chuyện không như ý ra sau đầu, thay đổi quần áo bình thường, theo anh ta dạo chơi dưới ngày trời trong xanh.

Nào ngờ Khương Phóng rẽ mấy ngoặt, lại rẽ đến ngõ Lan Đình.

Bọn họ đều là con em xuất thân từ gia đình nhà quan, gia giáo rất nghiêm, chẳng bao giờ đặt chân đến ngõ liễu tường hoa, trong lòng đang thấy không thích hợp, đã thấy Tê Hà cúi đầu đi ra khỏi xe.

Nàng đã hơn ba mươi tuổi nhưng vẫn vô cùng xinh đẹp, ăn nói văn nhã, phong tháu cao quý, cách biệt trời vực với các cô gái trăng hoa tầm thường mà họ tưởng tượng.

Lại thấy bố cục trong vườn khoan thai tĩnh mịch, người vật phong lưu đẹp đẽ thì bỗng chốc hốt hoảng ngẩn ngơ.

Khương Phóng cười nói: “Đây là quán thanh nhã có tiếng tăm lừng lẫy trong kinh thành.

Tôi là tên võ phu, không hiều nhiều lắm, chỉ là tay nghề của đầu bếp ở đây quả thật xứng là hàng đầu kinh sư, nhiều ngày không đến cho đỡ thèm liền cảm thấy xương cốt ngứa ngáy”.

Tê Hà cười trách: “Khương gia không hiểu tình cảm thì thôi, nếu để cho các cô nương nghe thấy lời này, sau khi đau lòng nhất định sẽ đòi dỡ phòng bếp cho xem”.

Ba người Khương Phóng đều là mệnh quan triều đình, lộ mặt ở trong chính sảnh thì rất bất tiện nên Tê Hà dẫn họ tới thẳng lầu Hồi Mâu phía sau.

Lúc lên lầu hai đã có một thiếu niên ăn mặc xa hoa đứng ở hành lang, dựa vào lan can, nhận lấy chén rượu trong khăn tay của cô đào đẹp bên cạnh, cười uống một hơi cạn sạch.

Hắn quay đầu nói với Khương Phóng: “Đợi đã lâu, sao giờ đại thống lĩnh mới đến?”.

Du Vân Dao và Úc Tri Thu thấy hắn miệng cười ung dung, chính là Tịch Tà, nghĩ đến mấy ngày trước vừa mới nói năng lỗ mãng với hắn, tất nhiên là rất xấu hổ.

Tê Hà cười nói: “Thì ra lục gia cũng ở đây.

Mấy vị có muốn ngồi chung không?”.

Tịch Tà nói: “Chị không biết rồi, tôi chờ họ tới đấy, đã gọi người bày bàn tiệc xong lâu rồi”.

“Gọi món gì thế?” Khương Phóng hỏi: “Có cá mè chua cay không? Tôi đến phòng bếp xem thử, học cách làm của họ”.

Nói rồi cùng Tê Hà, Hải Lâm xuống lầu.

Chỉ còn lại Du Vân Dao và Úc Tri Thu bất đắc dĩ chắp tay nói: “Đại tổng quản”.

Tịch Tà nói: “Không dám nhận.

Đó là lời đùa mà người khác lén nói, bây giờ nô tỳ vẫn là nô tài không phẩm cấp trong cung, hai vị nói như vậy, nô tỳ không nhận nổi.

Xin mời”.

Hắn đẩy cửa ra, vén rèm bên trong lên rồi mời hai người ngồi, ghế trên trống để lại cho Khương Phóng, tự mình cầm bình đến rót chén rượu cho hai người, nói: “Hôm nay tới là muốn xin lỗi hai vị”.

Hai người lại càng hoảng sợ, Úc Tri Thu vội bảo: “Công công nói gì vậy? Muốn nói đến lỗi thì phải là bọn tôi có mắt như mù, lời nói ngày ấy rất xúc phạm.

Tôi xin cạn trước chén rượu này coi như tạ tội”.

Tịch Tà thấy hai người uống xong rượu vẫn tỏ vẻ mặt e sợ khó hiểu thì cười nói: “Hai vị đang nghĩ thầm rằng, đã vì mạo phạm sư huynh đệ các người mà hại bọn tôi bị phái đến ngoài cửa Tử Nam rồi, bây giờ mở tiệc Hồng Môn này, không biết lại định giở mánh lời gì, vẫn nên cẩn thận là tốt nhất, đúng không?”.

“Không dám không dám”.

Hai người bị lời nói của hắn vạch trần thì đều đỏ mặt lên.

Tịch Tà nói: “Chuyện thường tình thôi, quá dễ phỏng đoán.

Tôi cũng coi như là người học chút xíu võ thuật, hai vị thì càng không cần phải nói, chúng ta cứ sảng khoái đi”.

Du Vân Dao cười rằng: “Nghe công công nói vậy, tôi cũng không ngại hỏi một câu, rốt cuộc công công có thâm ý gì?”.

“Không ngờ anh Du đúng thật là người thẳng thắn!” Tịch Tà cười nói: “Thành thật mà nói, tuy sư huynh đệ chúng tôi xuất thân nghèo hèn, chỉ vì đã quen hầu hạ ở bên hoàng thượng nên mỗi người đều có tính tình cổ quái.

Nếu không phải là nhân vật đương đại thì sư huynh đệ chúng tôi quả thật lười giao thiệp.

Hai vị là hào kiệt, chúng ta cũng tính là vật họp theo loài, ý hợp tâm đầu”.

Lúc hắn nói những lời này, vẻ kiêu ngạo tung bay trên mặt, hào hiệp lỗi lạc.

Tuy tính cách Du Vân Dao và Úc Tri Thu khác xa nhưng đáy lòng thiếu niên đều ngông cuồng bất kham giống nhau, lập tức sinh ra sự gần gũi.

Tịch Tà xua tay, bảo bọn họ đừng nói lời khiêm tốn, rằng: “Vạn tuế gia còn trẻ, chỉ một câu yêu cầu nô tỳ chọn võ tiến sĩ thay đã sinh ra không biết bao nhiêu trắc trở bên trong.

Không giấu hai vị, từ đó về sau, tôi từng trúng độc, cũng từng chịu đánh.

Hoàng ân của vạn tuế gia mênh mông cuồn cuộn, thương tính mệnh nô tỳ, nếu không hôm nay chúng ta sẽ không được ngồi trò chuyện cùng.

Vạn tuế gia nói, khắp nơi trong cung đình đều là bẫy rập, bây giờ võ tiến sĩ bộc lộ tài năng, không nói đến việc bị người khác áp chế, chưa biết chừng mấy người nổi bật được chọn còn có thể gặp thủ đoạn độc ác của kẻ khác, khó khăn lắm mới chọn vào làm quan, bất kể thế nào cũng phải giữ được những rường cột tinh anh tương lai của triều đình.

Tôi đã làm kẻ khác ghen ghét, các anh lại là người do tôi chọn thay, vốn đều cống hiến vì hoàng thượng, không có lòng riêng gì.

Song chỉ sợ có vài người bụng chuột ruột gà, cho là chúng ta kết bè kết cánh, thể nào cũng coi các anh như cái đinh trong mắt.

Bởi thế mấy ngày trước nô tỳ cố ý mạo phạm hai vị trên thao trường, tránh người ta lắm lời.

Mong hai vị rộng lòng tha thứ”.

Du Vân Dao và Úc Tri Thu ấy mới vỡ lẽ, không ngờ tranh đấu trong cung đã ác liệt như thế, đều rùng mình cả.

Tịch Tà nói: “Nay hai vị được phái đến cửa Tử Nam là do hoàng thượng bàn bạc với Khương thống lĩnh đấy.

Thị vệ cửa Càn Thanh đóng ở những nơi hiểm yếu trong cung, thị vệ cung Càn Thanh là cận vệ của hoàng thượng, không thể nói là không quan trọng.

Nhưng người thường không biết, thị vệ cửa Tử Nam trước ba điện lớn, nội các, sáu bộ, phủ nội vụ, cả triều đình đều do thị vệ và cấm quân cửa Tử Nam nắm trong tay.

Hoàng thượng nói, mặc dù trước kia cấm quân và thị vệ cửa Tử Nam không tính là người gần gũi hoàng thượng nhất, nhưng hai vị mới làm được việc lớn, tương lai còn dài, chắc chắn có thể thay hoàng thượng bảo vệ chỗ xung yếu này của triều đình”.

Úc Tri Thu ấy mới biết đã được hoàng đế tin tưởng khen ngợi, không khỏi hăng hái.

Nhưng Du Vân Dao lại nghiêm nghị ngẩn ra, nhìn Tịch Tà muốn nói lại thôi.

Tịch Tà thấy rất rõ ràng, khẽ lắc đầu với anh ta, bảo anh ta chớ nói toạc ra.

Úc Tri Thu bảo: “Ơn vua mênh mông cuồn cuộn, thần tất sẽ dốc sức cống hiến”.

Tịch Tà cười nói: “Ban đầu là tôi lòng dạ hẹp hòi, nói với hoàng thượng, bọn họ còn trẻ, không hiểu được ý trọng dụng của hoàng thượng, vẫn phải nói rõ mới được.

Lúc ấy vạn tuế gia cười tôi.

Nay trông thấy, vẫn là hoàng thượng thánh minh, hai vị hiểu rõ ý vua, lấy đại cục làm trọng.

Trái lại tôi mất công lo lắng, cô duyên vô cớ lại tranh mời khách với đại thống lĩnh”.

“Ha ha, lục gia tiêu không hết tiền trong tay, chỉ một bàn rượu và thức ăn đã không nỡ đến thế cơ à?” Khương Phóng cười lớn, đi vào từ bên ngoài, gọi hầu gái đem cá mè đặt lên trên bàn tiệc: “Ba vị không đnahs không quen, lục gia cũng nên xin lỗi thuộc hạ của tôi, phạt một chén nào”.

“Tôi sớm biết đại thống lĩnh là một người che chở kẻ dưới, rượu này không uống thì không xong rồi”.

Tịch Tà bưng chén rượu lên chắp tay với Du Vân Dao và Úc Tri Thu, ngẩng đầu uống cạn.

Úc Tri Thu nói: “Không dám nhận! Võ công của công công hết sức tuyệt diệu, ngày đó đã để chúng tôi mở mang tầm mắt”.

Tịch Tà cười rằng: “Ngày đó liều mạng muốn khoe khoang đến nổi không thở được, làm các vị chê cười rồi”.

“Ôi!” Khương Phóng nói: “Lục gia đừng khinh họ còn trẻ, họ mắt sáng như đuốc, sao không biết cảnh giới võ công của lục gia đã đến mức nhập hóa?”.

“Chỉ sợ hai vị này còn lớn hơn tôi vài tuổi, sao tôi dám khinh họ còn trẻ được? Lời này của đại thống lĩnh sai rồi”.

Tịch Tà cười to: “Kiếm pháp của hai vị hơn người, sau này còn phải xin chỉ bảo đấy”.

Hắn sợ cửa cung khóa, rót rượu một lượt cho mọi người rồi thuận tiện cáo từ.

Du Vân Dao và Úc Tri Thu mới biết hắn là người khá cởi mở, lúc này hơi lưu luyến không rời nhưng cũng chỉ đành thôi.

Tịch Tà đi tới trước cửa vườn, Tê Hà chạy tới: “Lục gia phải đi rồi ư?”.

Rồi liếc mắt ra phía ngoài liếc và nói: “Ngoài cửa có người vẫn luôn chờ tự lúc lục gia đến đấy, lục gia hãy cẩn thận”.

Tịch Tà nhíu mày, quả nhiên lúc ra ngoài thì thấy Lý Sư tựa vào tường của con đường đối diện mà chờ.

“Anh giết Thẩm Phi Phi rồi à?”

“Không”.

Lý Sư cúi đầu với thái độ khác thường.

“Chẳng lẽ lời tôi nói không phải thực?”

Lý Sư theo Tịch Tà chậm rãi đi về phía trước, qua một lát mới nói: “Lời anh nói đều là thực”.

Tịch Tà quay đầu cười bảo: “Nếu anh đã không giết gã mà lại tìm đến tôi, chẳng lẽ là quyết định về Bạch Dương nên chào từ biệt với tôi à?”.

“Cũng không phải”.

Lý Sư giương con mắt trong veo lên: “Tôi cũng không biết có nên về không”.

“Ồ?” Tịch Tà nhìn biểu cảm do dự phức tạp của y một cách vô cùng thích thú.

Lý Sư nói: “Tôi nghe được rất nhiều chuyện của anh từ thầy.

Lúc anh bảy tám tuổi đã giao chiến với Hung Nô, chỉ nguyện từ nhỏ đã là đuổi sạch Hung Nô, bảo vệ nền thái bình của Trung Nguyên”.

“Tôi không giao chiến với Hung Nô, chỉ là trùng hợp ở đó thôi.

Cho dù bây giờ võ công của tôi cao tới đâu cũng không thể đã đi đánh giặc từ lúc bảy tám tuổi được.

Thế gian biến hóa nhanh chóng biết bao, chí nguyện của tôi đã khác trước từ lâu rồi”.

“Thầy sẽ không lừa tôi đâu! Thầy còn dặn đi dặn lại tôi không được kể cho người khác nghe”.

“Dù lời thầy là sự thật thì có liên quan gì đến anh?”

“Tôi là người chăn nuôi ở Bạch Dương, ở đó, lúc dê bò di chuyển sẽ uốn lượn vài dặm, anh chị em đua ngựa chạy như bay cũng không phi đến biên giới thảo nguyên.

Sau khi Hung Nô xuôi nam, thung lũng chăn thả của chúng tôi bị chúng chiếm mất, dê bò ngựa cũng bị chúng cướp vô số, mỗi ngày đều nguy hiểm đến tính mạng.

Tôi có kiếm nhưng cũng chẳng chống nổi chúng nhiều người, tôi vốn muốn cùng anh đánh đuổi những con lang sói cướp thức ăn này, để các anh chị em của tôi đoạt lại đất của mình, con cháu đời sau người Bạch Dương sẽ không buồn không lo”.

Tịch Tà cười: “Bạch Dương đã rất khá rồi, phía bắc Xuất Vân ngày ngày đều có người chết.

Quét sạch Hung Nô không phải là chuyện mà hai người chúng ta tùy tiện nói là có thể hoàn thành, đây là chuyện của triều đình và quân đội”.

“Tôi cũng từng muốn tòng quân”.

Lý Sư nói: “Nhưng thầy nói với tôi, nếu như theo anh sẽ mạnh hơn tòng quân gấp trăm lần.

Dù tôi có thể giết cả trăm người trên chiến trường cũng kém anh chỉ dùng một câu nói đã có thể đánh tan hơn vạn đại quân, cho nên tôi đã tìm đến anh.

Nhưng mà…”.

“Nhưng mà?”

“Thẩm Phi Phi nói trước đây khi gã mười sáu tuổi đã giết tổng cộng ba mươi bảy người.

Mặc dù gã biết mỗi người bọn họ đều đáng chết nhưng mỗi lần sau khi giết người đều hết sức khổ sở.

Ba mươi bảy người này đều có vợ con lớn bé, dù tất cả mọi người trên đời đều hận chúng nhưng cha mẹ họ vẫn sẽ đau lòng, con cái của chúng vẫn sẽ biến thành trẻ mồ côi.

Bọn họ không có chọc vào ai, tại sao phải chịu khổ như vậy? Bọn họ sẽ vô cớ báo thù với anh à? Giống như tôi vì người nhà của mình mà chiến đấu với Hung Nô, nói không chừng lý do giao chiến của chiến sĩ Hung Nô chết dưới kiếm tôi cũng giống tôi.

Anh chị em và con cái của họ thì không nên có nhiều đất đai hơn để chăn thả bò dê của họ ư?”.

Tịch Tà không ngờ lời như vậy lại được nói ra từ trong miệng một cậu chàng lỗ mãng dễ kích động, kinh ngạc nở nụ cười: “Anh trúng độc của Thẩm Phi Phi rồi”.

Lý Sư lại hỏi: “Chúng ta và Hung Nô giết tới giết lui như vậy là đúng hay sai? Rốt cuộc giết người báo thù giống Thẩm Phi Phi là đúng hay sai? Rốt cuộc giết một kẻ phạm tội để đền mạng là đúng hay sai? Tôi tòng quân giết địch sẽ có hơn trăm tên địch bị chết, nếu như tôi theo anh liệu có giết nhiều người hơn không? Từ trước đến giờ chỉ có thầy dạy lý lẽ cho tôi, giờ thầy không có ở bên nên chỉ có thể hỏi anh.

Nếu như tôi không suy nghĩ cẩn thận thì tôi sẽ không biết sau này phải làm gì”.

Tịch Tà cười lặng lẽ: “Thì ra anh còn là kẻ có phật tính.

Anh hỏi như vậy đúng là làm khó tôi.

Trước tiên tôi hỏi anh…” Hắn tùy ý chỉ một người qua đường nói: “Nếu như người này tiến lên giết tôi, anh có cản không?”.

“Có chứ”.

Lý Sư lớn tiếng nói.

“Tôi chưa bao giờ bắt nạt hắn, thậm chí không biết hắn, chỉ là hắn vừa ý tiền tài trong túi tôi nên muốn lấy tính mạng của tôi.

Trông thấy dao của hắn sắp đâm vào người tôi, anh không giết hắn thì tôi sẽ chết, anh sẽ làm sao?”.

Lý Sư suy nghĩ một lát mới nói: “Tôi sẽ giết hắn”.

“Nếu như người này là Thẩm Phi Phi thì sao?” Tịch Tà nhìn dáng vẻ vắt hết óc của Lý Sư mà khoái trá lạ thường.

Qua một lát, Lý Sư mới nói: “Tôi sẽ ngăn cản gã, nhưng tốt nhất là gã chỉ bị thương, không cần phải chết”.

Tịch Tà cất tiếng cười to: “Ở một khắc anh ra tay thì gã đã chết rồi.

Nhưng nếu kẻ này là anh em của anh thì sao?”.

Lý Sư nghẹn họng nhìn trân trân, trăm bề không lời giải, cuối cùng nói: “Tôi không biết”.

Tịch Tà thở dài: “Lại giả sử không phải anh em anh tham tiền tài của tôi mà là tôi giết hại cha mẹ anh thì anh sẽ làm thế nào?”.

Lý Sư không chút nghĩ ngợi: “Tôi sẽ không ngăn cản anh ấy”.

“Đúng rồi”.

Tịch Tà nói: “Chỉ cần giữ vững lập trường của mình thì mỗi một việc chúng ta làm đã không còn đúng sai gì nữa.

Nói ngay như vừa rồi, đổi lại là Minh Châu thì nàng sẽ không quan tâm có phải tôi có thù oán với anh em của anh hay không, chỉ cần muốn làm tổn thương tôi thì nàng tất sẽ trừ khử thay tôi.

Nếu con người thoát ly khỏi lập trường của mình để nhìn chúng sinh trôi giạt trên đời thì chẳng thà thành Phật cho rồi”.

Hắn nói xong không kiềm được cười khẩy: “Nếu như pháp lực Phật tổ thiên thần vô biên, vận mệnh nhân duyên của chúng sinh trên đời đều do họ sắp xếp, nếu họ thật sự đại từ đại bi thì cớ sao lại nhìn cõi trần giết chóc không ngừng, oan oan tương báo? Mặc dù từ đầu tới cuối tôi đều là một kẻ xấu, vậy Phật tổ Bồ Tát thì tốt bụng thế nào mà lại để tôi sống ở trên đời để hại người? Không nói đến người nữa, ngay như chúng sinh đều có sát tính, lang sói săn cáo thỏ, hổ báo ăn dê bò, chúng ta đành phải giết người thì có gì nghiêm trọng mà anh phải rầu rĩ tới vậy?”.

Lý Sư há miệng nhìn Tịch Tà chằm chằm, trong chốc lát nói không nên lời.

Tịch Tà bảo: “Anh hỏi tôi, tôi bèn trả lời anh như thế, đều vì tôi không phải kẻ thiện tâm.

Nếu anh đi theo tôi, chỉ e sau này không chỉ giết hơn vạn người.

Đại tướng trong triều ta, có ai không phải vung cờ chiến, thi hài đầy đất sa trường chứ? Kẻ tuân lệnh bên cạnh tôi đều là nhân vật cùng hung cực ác, tôi cũng chẳng có lòng tốt với họ, chỉ cần cần thiết thì đều sẽ để họ chịu chết.

Anh từng nghĩ tới cuộc sống như thế chưa? Nếu anh cảm thấy như vậy cũng không coi vào đâu thì tốt thôi, từ hôm nay trở đi tôi sẽ dạy anh võ công, để anh giết người phóng hỏa thay tôi, tay đầy máu tanh.

Ngày nào đó vì muốn bảo vệ tính mạng, chỉ coi anh là đồ bỏ đi, khiến anh chết không rõ ràng là anh vừa lòng như ý rồi nhỉ? Nhưng tôi nói cho anh biết, bây giờ anh phải trả lời tôi ngay, tôi không có thời gian tiêu khiển với anh mỗi ngày đâu”.

Hắn tiếp tục tiến lên, Lý Sư trầm mặc, vẫn theo sát phía sau hắn.

Mắt thấy phía trước sắp ra khỏi cổng chào ngõ Lan Đình, Lý Sư đột nhiên nói: “Trước kia anh không đồng ý với tôi, thì ra là vì vậy?”.

Tịch Tà nói mà không quay đầu lại: “Không sai”.

“Anh sợ tôi bị anh hại chết nên không đồng ý để tôi đi theo anh?”

Tịch Tà ngẩn ra, không khỏi xoay người lại, thấy ánh mắt Lý Sư ánh mắt lấp lánh mới nhận ra mình đã nói sai bèn lui về phía sau một bước, nói: “Gượm đã”.

Lý Sư mang theo vẻ mặt tươi cười bừng tỉnh, tiến tới gần và nói: “Anh không muốn lừa tôi, rõ ràng chính là người lương thiện.

Người như anh sao tính là cùng hung cực ác?”.

Cơ thể Tịch Tà đã tựa trên cột của cổng chào, hoàn toàn không ngờ lời nói vừa rồi của mình lại làm tên Lý Sư ngay thẳng này nghĩ ra kết luận như vậy, sau khi buồn nản thì cười khẩy nói: “Nào có ai phân thiện ác dứt khoát rõ ràng được như anh? Đầu óc anh không thay đổi sao? Không phải đen thì chính là trắng à?”

“Ha ha!” Lý Sư đã vứt hết nỗi hoang mang, cất tiếng cười to: “Cuối cùng tôi đã hiều rõ, bây giờ anh có muốn đuổi tôi đi cũng không được đâu”.

“Này này, giữa ban ngày ban mặt mà dám chặn đường ăn cướp ở ngõ Lan Đình!” Phần lớn du khách ở Ngõ Lan Đình đều mang ngàn vàng trong túi, nếu như không ai nắm giữ tình hình thì đã đại loạn từ lâu, nào có cảnh phồn hoa như bây giờ.

Lưu manh bảo kê ở ngõ Lan Đình thấy một người đàn ông vạm vỡ ăn mặc rách rưới siết chặt song quyền, thét to về phía thiếu niên gầy nhỏ ăn vận xa hoa, chỉ coi là giặc cướp bèn dẫn bốn năm người tiến lên cản lại.

Lý Sư cười to nói: “Giết người thì đã sao? Các anh cứ xem như là đụng phải tay Diêm vương đi”.

Vỏ kiếm bên hông vừa vang lên cành cạch đã rút kiếm ra.

Tịch Tà quả thật chỉ sợ Lý Sư nghe vào lời nói kia của mình, giết người bừa bãi gây rắc rối bèn bước lên phía trước đè lại, quát lên: “Anh bớt giả điên đi, nói cái gì anh cũng cho là thật.” Lời ấy ra khỏi miệng thì càng hối hận không thôi, chỉ cảm thấy hôm nay phong độ trấn tĩnh bình thường bị thanh niên ngay thẳng này quấy nhiễu đến mức rối như tơ vò bèn trút hết cơn giận không tên lên mấy tên lưu manh, tiến lên hét lớn: “Chuyện của gia mà cũng cần bọn bay xía vào à? Cút!”.

Tiếng rống to này đầy chân khí, ngay cả Lý Sư cũng thấy ngũ tạng chấn động, lắc lư mấy cái, càng không nói mấy tên lưu manh, chúng bị tiếng nói the thé đâm vào làm màng nhĩ đau nhức, máu tim cuồn cuộn, ôm đầu kêu đau.

Tịch Tà hừ một tiếng, lôi tay áo Lý Sư rảo bước đi mất, chạy tới nơi yên tĩnh thì đột nhiên thở dài nói trong tiếng cười rực rỡ như vàng của Lý Sư: “Ý trời!”.

[1] Bán nghệ không bán thân..