D anny dành mấy ngày tiếp theo để ổn định cuộc sống tại The Boltons, mặc dù anh không hề nghĩ đến lúc nào đó có thể cảm thấy thực sự như đang ở nhà tại khu Kensington. Cho tới khi anh gặp Molly.

Molly vốn là người từ County Cork tới, và phải mất một thời gian Danny mới có thể hiểu bà nói gì. Người phụ nữ này thấp hơn Danny đến ba mươi phân, và gầy đến mức anh tự hỏi không biết bà có đủ sức làm việc nhiều hơn hai tiếng mỗi ngày không. Anh chịu không đoán ra được tuổi bà, mặc dù có vẻ như bà còn trẻ hơn mẹ anh và tất nhiên là lớn tuổi hơn Beth nhiều. Những lời đầu tiên bà nói với anh là, “Tôi lấy năm bảng mỗi giờ, tiền mặt. Tôi không định đóng thuế cho đám người Anh chết dẫm,” bà tuyên bố thêm với giọng chắc nịch sau khi biết Sir Nicholas cũng có xuất xứ từ phía bắc biên giới, “và nếu ông nghĩ tôi không xứng đáng với cái giá đó, tôi sẽ đi ngay cuối tuần này.”

Danny luôn để mắt theo dõi Molly trong vài ngày đầu, nhưng chẳng bao lâu sau anh đã có thể thấy bà cũng sở hữu những phẩm chất tương tự như mẹ anh. Đến cuối tuần đó, anh đã có thể ngồi nghỉ ngơi ở bất cứ chỗ nào trong ngôi nhà mà không cảm thấy dù chỉ một hạt bụi, bước vào một bồn tắm sạch bong không còn dấu ngấn nước, và thoải mái mở tủ lạnh vớ lấy thứ gì đó mà không hề phải lo bị ngộ độc.

Khi tuần thứ hai trôi qua, Molly đã bắt đầu nấu bữa tối cho anh, cũng như đảm nhiệm việc giặt giũ, là ủi quần áo của anh. Sau tuần thứ ba, anh bắt đầu tự hỏi làm sao mình có thể sống thiếu bà.

Sự có mặt của Molly cho phép Danny tập trung vào những mối bận tâm khác. Ông Munro đã viết thư cho anh hay ông đã gửi đơn kháng cáo chống lại chú anh. Luật sư của Hugo đã để cho toàn bộ hai mươi mốt ngày trôi qua trước khi chấp nhận.

Ông Munro cảnh báo Sir Nicholas rằng Galbraith nổi tiếng là một người không bao giờ hấp tấp, nhưng cũng đảm bảo với anh ông sẽ liên tục ra đòn với ông ta bất cứ khi nào có cơ hội. Danny tự hỏi liệu những cú ra đòn này sẽ tốn bao nhiêu. Anh tìm thấy câu trả lời khi lật sang trang sau. Kẹp vào lá thư của Munro là một hóa đơn bốn nghìn bảng, là chi phí cho tất cả những gì ông đã làm kể từ đám tang, bao gồm cả việc đưa kháng cáo.

Danny kiểm tra lại bản thông báo tài chính của anh, mới được ngân hàng gửi tới cùng thẻ tín dụng trong lượt giao thư buổi sáng. Bốn nghìn bảng sẽ gây ra sụt giảm nghiêm trọng con số tổng kết ở hàng cuối cùng, và Danny tự hỏi anh có thể cầm cự được bao lâu trước khi phải chịu giương cờ trắng; có thể hình ảnh ví von này thực sự quá nhàm, nhưng nó làm anh nhớ lại những ngày tháng hạnh phúc hơn ở Bow.

Trong tuần lễ trước đó, Danny đã mua một chiếc laptop và một chiếc máy in, một khung ảnh bằng bạc, vài cặp tài liệu, bút đánh dấu, bút chì và tẩy, cũng như một ram giấy. Anh đã thực sự bắt tay vào xây dựng một cơ sở dữ liệu về ba người chịu trách nhiệm về cái chết của Bernie, và anh đã dành ra phần lớn thời gian trong tháng đầu tiên để nhập vào máy tính tất cả những gì biết được về Spencer Craig, Gerald Payne và Lawrence Davenport. Cũng không nhiều lắm, nhưng Nick đã dạy anh sẽ dễ qua được kỳ thi hơn nếu chịu khó nghiên cứu tìm hiểu. Anh đang định khởi đầu quá trình tìm hiểu đó khi nhận được hóa đơn của ông Munro, tờ hóa đơn đã nhắc nhở anh hiện ngân quỹ của anh đang teo lại nhanh chóng đến thế nào. Rồi anh chợt nhớ tới chiếc phong bì. Đã đến lúc tìm kiếm một ý kiến đánh giá thứ hai.

Anh cầm tờ The Times - mà Molly mang tới mỗi sáng - và giở đến chỗ một bài viết anh đã nhìn thấy trong phần các trang Nghệ thuật. Một nhà sưu tập người Mỹ đã mua một Klimt với giá năm mươi mốt triệu bảng trong một cuộc đấu giá ở một nơi nào đó có tên gọi Sotheby’s.

Danny bật laptop lên, gõ từ Klimt vào Google và biết được đó là một họa sĩ Trừu tượng người Áo, sinh năm 1862, mất năm 1918. Sau đó, anh chuyển sự quan tâm sang Sotheby’s, đây hóa ra là một nhà bán đấu giá chuyên về tác phẩm nghệ thuật, đồ cổ, sách, đồ trang sức và những hiện vật sưu tập khác. Sau vài cú nhấp chuột, anh phát hiện ra những hiện vật được xếp vào diện sưu tập bao gồm cả những con tem. Những ai muốn được tư vấn có thể gọi tới Sotheby’s hoăc ghé qua văn phòng của họ ở phố New Bond.

Danny nghĩ anh sẽ dành cho họ một bất ngờ, nhưng không phải hôm nay, vì anh cần tới nhà hát, và không phải để theo dõi vở diễn. Vở diễn không phải là điều anh quan tâm.

***

Trước đây Danny chưa bao giờ đến một nhà hát ở khu West End, nếu không tính đến lần xem vở Những người khốn khổ tại Palace Theatre nhân dịp sinh nhật thứ hai mươi mốt của Beth. Anh cũng không thích vở diễn lắm, và không nghĩ sẽ lại bận tâm đến xem một vở nhạc kịch khác.

Ngày hôm trước, anh đã gọi điện tới Garrick đặt một chỗ cho suất diễn buổi sáng của vở Tầm quan trọng của sự chân thật. Họ đề nghị anh tới quầy vé lấy vé mười lăm phút trước giờ công diễn. Danny tới sớm hơn một chút, nhà hát vẫn còn vắng tanh. Anh lấy vé, mua một tờ chương trình, được một nhân viên nhà hát giúp dẫn tới khán phòng và tìm ra chỗ ngồi của mình ở cuối dãy ghế H. Chỉ có lác đác dăm người ngồi rải rác xung quanh.

Anh mở tờ chương trình và lần đầu tiên tìm hiểu về vở kịch của Oscar Wilde, từng là một thành công rực rỡ ngay từ lần công diễn đầu tiên năm 1895 tại nhà hát St James ở London. Anh liên tục phải đứng dậy để nhường đường cho những người khác vào chỗ của của họ dọc dãy ghế H khi một dòng khán giả đều đặn bước vào khán phòng.

Khi đèn tắt, khán phòng của Garrick hầu như đã chật kín, và đa số khán giả đều là các cô gái trẻ. Khi màn được kéo lên, Lawrence Davenport không hề có mặt trên sân khấu, nhưng Danny không phải đợi lâu, vì chỉ một lát sau gã đã xuất hiện trên sàn diễn. Một khuôn mặt anh không bao giờ có thể quên. Một vài khán giả lập tức vỗ tay. Davenport ngừng lại một chút trước khi bắt đầu câu thoại đầu tiên của mình, như thể gã luôn chờ đợi được chào đón như vậy.

Danny những muốn lao thẳng lên sân khấu, nói cho cả đám đông khán giả có mặt biết Davenport thực ra là loại người nào, và những gì đã xảy ra ở Dunlop Arms vào buổi tối thần tượng của bọn họ đứng nhìn Spencer Craig đâm người bạn thân nhất của anh đến chết. Người đàn ông bảnh bao đầy tự tin mà gã đang trình diễn lúc này thật khác xa với những gì gã từng thể hiện trong con hẻm lúc đó. Khi đó gã đã diễn vai của một tên hèn nhát đạt hơn nhiều.

Giống như các nữ khán giả trẻ tuổi, hai mắt Danny luôn theo sát Davenport. Khi vở kịch dần trôi qua, dường như đã rõ bất cứ chỗ nào có một chiếc gương để ngắm nhìn mình trong đó, Davenport chắc chắn sẽ tìm thấy nó. Khi rèm sân khấu buông xuống trong khoảng nghỉ, Danny cảm thấy anh đã thấy đủ nhiều về Lawrence Davenport để biết gã sẽ ưa thích một buổi chiều trong tù đến thế nào. Danny lẽ ra đã quay về The Boltons để cập nhật cho hồ sơ của mình nếu anh không thấy thích vở kịch đến thế, một phát hiện khiến anh phải ngạc nhiên về chính mình.

Anh đi theo đám đông khán giả tới chỗ quầy bar chật ních người, đứng vào một hàng dài những người đang chờ đợi, trong khi một người phục vụ quầy đang gồng hết sức bình sinh để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Cuối cùng Danny đành bỏ cuộc, quyết định dành thời gian nghỉ vào việc đọc qua tờ chương trình và tìm hiểu thêm về Oscar Wilde, một nhân vật anh ước gì được đưa vào chương trình học của kỳ thi A - level. Cuộc trò chuyện rôm rả của hai cô gái trẻ đứng ở góc quầy bar chợt khiến anh chú ý.

“Cậu nghĩ sao về Larry?” một cô hỏi.

“Anh chàng thật tuyệt,” cô kia đáp. “Chán nỗi anh ta lại gay.”

“Nhưng cậu thích vở kịch chứ?”

“Ồ, có chứ. Buổi tối hạ màn tớ sẽ lại đến.”

“Làm thế nào cậu xoay được vé?”

“Một người trong đám phục vụ sân khấu sống cùng phố với tụi mình.”

“Nghĩa là cậu sẽ đi dự bữa tiệc diễn ra sau đó?”

“Với điều kiện tớ chịu đi cùng hắn ta tối đó.”

“Cậu có nghĩ sẽ được gặp Larry không?”

“Đó là lý do duy nhất khiến tớ đồng ý hẹn hò với hắn.”

Tiếng chuông vang lên ba lần, một vài khách hàng vội vã uống nốt món đồ uống của mình trước khi quay lại chỗ ngồi trong khán phòng. Danny quay lại theo sau họ.

Khi màn được kéo lên, Danny dần trở nên chăm chú vào diễn biến vở kịch đến mức gần như quên mất mục đích thực sự khiến anh tới nhà hát. Trong khi các cô gái vẫn chăm chăm hướng sự chú ý vào bác sĩ Beresford, Danny ngả người ra sau chờ đợi giây phút biết được ai trong số hai người đàn ông thực sự là người Chân thật.

Khi vở kịch kết thúc và các diễn viên ra trước sân khấu cúi chào, đám đông khán giả đứng cả dậy hò hét lớn tiếng, cũng như Beth đã từng thét lên vào tối hôm đó, nhưng vì một nguyên do khác hẳn. Tiếng reo hò của đám người hâm mộ chỉ càng khiến Danny thêm quyết tâm cho họ thấy bộ mặt thật của kẻ họ thần tượng.

Sau khi màn che đã khép lại lần cuối, đám đông khán giả chuyện trò rôm rả từ nhà hát ùa ra phố. Vài người đi thẳng lên phía sân khấu, nhưng Danny lại tìm tới quầy vé.

Người phụ trách quầy vé mỉm cười.”Ông thích vở diễn chứ?”

“Rất tuyệt, cảm ơn ông. Không biết ông còn vé nào cho đêm diễn hạ màn không?”

“Tôi e là không, thưa ông. Vé đã bán hết rồi.”

“Chỉ một vé thôi không được sao?” Danny dò hỏi, “Tôi không quan tâm mình sẽ ngồi chỗ nào.”

Người phụ trách quầy vé kiểm tra trên màn hình, xem lại sơ đồ chỗ ngồi của đêm hạ màn. “Đúng là chúng tôi còn một ghế ở hàng W.”

“Tôi sẽ lấy chỗ đó,”Danny vừa nói vừa đưa thẻ tín dụng cho anh ta. “Như thế tôi sẽ được phép dự bữa tiệc diễn ra sau buổi diễn chứ?”

“Tôi e là không,” người phụ trách quầy vé mỉm cười đáp. “Bữa tiệc chỉ dành riêng cho khách mời.” Anh ta cầm lấy chiếc thẻ của Danny, “Sir Nicholas Moncrieff,” anh ta đọc, rồi ngước nhìn người chủ chiếc thẻ chăm chú hơn.

“Đúng vậy,” Danny nói.

Người phụ trách quầy vé in ra một chiếc vé, lấy một phong bì từ dưới quầy ra rồi nhét chiếc vé vào trong.

Danny tiếp tục đọc bản chương trình trên chuyến tàu điện ngầm quay trở lại South Kensington cho tới khi đã đọc hết mọi từ trong đó viết về Oscar Wilde cũng như các vở kịch ông từng viết, sau đó anh mở phong bì ra kiểm tra vé. C9. Hẳn có nhầm lẫn nào đó. Anh nhìn vào trong phong bì và lấy ra một tấm thiếp mời có ghi:

Nhà hát Garrick

kính mời ông tới dự bữa tiệc hạ màn của vở kịch

Tầm quan trọng của sự chân thật

tại nhà hàng Dorchester

Thứ bảy, ngày 14 tháng 9 năm 2002

Chỉ được vào cửa khi mang theo vé

Từ 11 giờ đêm trở đi

Danny chợt nhận ra tầm quan trọng của việc trở thành Sir Nicholas.