Bông hồng dù gọi tên nào

Thì hoa cũng vẫn ngạt ngào thơm hương

--- --------oOo---- -------

Phong cảnh nhìn từ pháo đài Fortezza cổ xưa rất ngoạn mục. Không chỉ vì tôi có thể nhìn thấy những mái nhà màu nâu đỏ của Siena bị nắng chiều hun nóng, mà còn vì những quả đồi cuồn cuộn, nhấp nhô quanh tôi giống như đại dương xanh lục và xanh lơ trải dài ít nhất hai chục dặm. Thình thoảng tôi ngước mắt khỏi thứ đang đọc, thu nhận phong cảnh bao quát, hy vọng đẩy hết không khí cũ ra khỏi phổi và rốt đầy mùa hè vào người. Cứ mỗi lần nhìn xuống và đọc tiếp nhật ký của danh họa Ambrogio, tôi lại chìm đắm vào những sự kiện đen tối của năm 1340.

Tôi mất cả buổi sáng ở quán cà phê của Malena ở quảng trường Postierla, giở qua các bản Romeo và Juliet xưa của Masuccio Salernitano năm 1476 và của Luigi Da Porto năm 1530. Thật thú vị khi thấy cốt truyện phát triển, Da Porto đã làm một cú huých trong văn chương với câu chuyện mà Salernitano khẳng định là dựa trên những sự kiện có thật.

Trong bản của Salernitano, Romeo và Juliet – hay đúng hơn, là Mariotto và Giannozza – sống ở Siena, nhưng cha mẹ họ không xung đột. Họ đã bí mật kết hôn sau khi mua chuộc một tu sĩ, nhưng kịch tính chỉ thực sự bát đầu khi Mariotto giết chết một công dân ưu tú và phải chịu cảnh lưu đầy. Trong khi đó, cha mẹ Giannozza – không hay biết con gái đã kết hôn – quyết định gả nàng cho người khác. Thất vọng, Giannozza nhờ tu sĩ chế một loại thuốc ngủ cực mạnh, tác dụng mạnh đến mức cha mẹ nàng ngỡ nàng đã chết và liền đem chôn. May thay, vị tu sĩ già tốt bụng đã cứu nàng khỏi hầm mộ, và Giannozza bí mật đi thuyền từ đó đến Alexandria, nơi Mariotto đang sống êm đềm. Song, người đưa tin có nhiệm vụ báo cho Mariotto về kế hoạch thuốc ngủ kia bị bọn cướp biển bắt giữ, nên khi nhận tin về cái chết của Giannozza, Mariotto lao về Siena để được chết bên nàng. Ở đây, chàng bị lính bắt và bị chém đầu. Còn Giannozza trải hết phần đời còn lại trong một nhà tu kín.

Tôi có thể thấy những yếu tố chủ chốt trong nguyên bản này là: cuộc kết hôn bí mật, Romeo bị trục xuất, kế hoạch uống thuốc ngủ liều lĩnh, người đưa tin bị lạc đường, Romeo chủ ý tự tử vì tưởng rằng Juliet đã chết thật.

Lẽ tất nhiên, những sự kiện quan trọng đều xảy ra ở Siena, và nếu Malena ở quanh quất đâu đây, tôi sẽ hỏi cô liệu đây có phải là kiến thức phổ cập không. Tôi rất ngờ là không.

Nửa thế kỳ sau, D Porto kể lại câu chuyện này rất hấp dẫn. Ông cũng hăm hở dựa vào các tình tiết có thật, tới mức gọi Romeo và Giulietta bằng tên thật của họ. Tuy vậy, ông tránh nêu địa danh, và chuyển toàn bộ câu chuyện đến Verona, thay đổi họ của các nhân vật, rất có thể để tránh sự báo thù của các thị tộc hùng mạnh liên quan đến vụ bê bối này.

Nhưng hãy chú ý đến các việc liên quan; theo cách hiểu của tôi, - có vài tách cà phê cappuccino trợ giúp, - Da Porto viết truyện thú vị hơn nhiều. Ông là người đưa ra ý tưởng về buổi vũ hội hóa trang và cảnh trên ban công, và tài năng thực sự của ông là đã nghĩ ra vụ tự tử kép. Điều duy nhất tôi không hiểu ngay là ông để Juliet chết bằng cách nín thở. Có lẽ D Porto cảm thấy khán giả không thích một cảnh đẫm máu…may mắn thay, Shakespeare không đắn đo quá ư thật trọng như thế.

Sau D Port, một người tên là Bandello cảm thấy buộc phải viết bản thứ ba và thêm thắt nhiều cuộc đối thoại sướt mướt mà không sửa đổi bản chất của cốt truyện. Nhưng từ đó, câu chuyện đã được người Ý hoàn tất, và nó đi lang thang, trước tiên đến Pháp, rồi đến Anh cuối cùng nằm trên bàn của Shakespeare và trở nên bất hủ.

Theo tôi hiểu, sự khác biệt lớn nhất giữa các nguyên bản đầy chất thơ này với nhật ký của danh họa Ambrogio là trong thực tế, có ba gia đình dính dáng chứ không phải hai. Dòng họ Tolomei và Salimbeni có mối thù truyền kiếp – được gọi là Capulets và Montagues – trong khi Romeo thực ra thuộc gia đình Marescotti và là người ngoài. Về mặt này, bản của Salernitano chính xác nhất, câu chuyện xảy ra ở Siena, và không hề nhắc tới mối cừu hận gia đình nào.

Sau đó, trên đường từ Forrtezza về, áp chặt cuốn nhật ký của Ambrogio vào ngực, tôi nhìn những con người vui vẻ quanh mình và một lần nữa cảm thấy bức tường vô hình giữa tôi và họ. Họ đi, chạy, ăn kem, không dừng lại tìm hiểu quá khứ, không như tôi, bị đè nặng cảm giác mình không hoàn toàn thuộc về thế giới này.

Buổi sáng hôm đó, tôi đứng trước tấm gương trong buồng tắm, đeo cái dây chuyền có cây thánh giá bạc trong hộp của mẹ, và quyến định từ nay sẽ đeo nó. Rốt cuộc, nó là đồ của mẹ tôi, và được để lại trong hộp, rõ ràng có ý dành cho tôi. Không hiểu vì sao, tôi tin nó sẽ che chắn cho tôi khỏi lời nguyền khiến bà từ giã cõi đời lúc còn quá trẻ.

Tôi mất trí chăng? Có lẽ thế. Nhưng, có nhiều loại mất trí khác nhau. Bà Rose luôn cho rằng cả thế giới này đang trong tình trạng điên rồ, không ngừng dao động thất thường, chứng loạn thần kinh chức năng không phải là một bệnh, nhưng là một thực tế của cuộc đời, như mụn nhọt vậy. người nhiều, người ít, nhưng đúng là chỉ những người khác thường mới không điên tí nào. Các triết lý thản nhiên này đã an ủi tôi nhiều lần trước đây và lúc này cũng vậy.

Lúc tôi về đến khách sạn, giám đốc Rossini đến thẳng chỗ tôi như một người đưa tin từ Marathon nóng lòng báo cho tôi biết:

- Cô Tolomei! Cô ở đâu thế? Cô phải đi ngay! Ngay bây giờ! Nữ bá tước Salimbeni đang đợi cô ở cung điện Pubblico! Đi đi, - ông xua tôi như người ta xua một con cún đang quanh quẩn tìm đồ ăn thừa, - cô không được để bà ấy đợi!

- Đợi ư? – Tôi chỉ vào hai vật nằm giữa sàn, đập ngay vào mắt. – Kia là vali của tôi!

- Vâng – vâng – vâng, chúng vừa được mang đến lúc nãy.

- Vậy tôi phải lên phòng và…

- Không! – giám đốc Rossini mở toang cửa trước và vỗ tay ra hiệu tôi chạy qua. – Cô phải đi ngay bây giờ!

- Tôi còn chưa biết nơi tôi sắp đến!

- Santa Caterina! – Mặc dù tôi biết ông thầm vui vì lại có dịp mở mang kiến thức cho tôi về Siena, giám đốc Rossini tròn mắt và vẫn giữ cửa. – Lại đây, tôi sẽ vẽ đường cho cô!

Vào Campo giống như bước vào một vỏ trai khổng lồ. Viền quanh mép là các khách sạn hiệu cà phê; đúng chỗ có viên ngọc, ở phần dưới cùng của một quảng trường dốc là cung Pubblico, được dùng làm tòa thị chính Siena từ thời Trung cổ. Tôi dừng lại một lát, thấm thía tiếng vang của nhiều giọng nói dưới vòm trời xanh lơ, những con bồ câu đập cánh khắp nơi, một đài bằng đá hoa trắng phun nước màu lam, cho đến lúc một đoàn du khách dồn đến sau tôi và cuối tôi đi, lao tới trước, kinh ngạc thích thú vì sự nguy nga, lộng lẫy của quảng trường khổng lồ.

Trong lúc viết hướng dẫn, giám đốc Rossini đoan chắc với tôi rằng Campo được coi la quảng trường đẹp nhất trong toàn cõi Italy, không chỉ dân Siena nghĩ thế. Thực ra, ông kể chi tiết vô số dịp các vị khách từ khắp nơi trên thế giới – kể cả từ Florence – đổ tới chỗ này và tán tụng vẻ duyên dáng của Campo. Lẽ tất nhiên, ông phản đối và chỉ ra nét huy hoàng của những nơi khác – chắc chắn là có ở mọi nơi, - nhưng dân chúng lắng nghe một cách miễn cưỡng, Họ khăng khăng cho rằng Siena là thành phố đẹp nhất, nguyên vẹn nhất trên Trái đất, và đứng trước niềm tin mãnh liệt như thế, lẽ nào giám đốc Rossini không cho rằng đúng là như vậy?

Tôi nhét tờ chỉ dẫn vào túi sách và khởi hành xuống cung Pubblico. Khó mà bỏ qua tòa tháp chuông Mangia cao vút, công trình mà Rossini đã miêu tả tỉ mỉ đến mức mất vài phút, tôi mới hiểu rằng nó không dựng đứng trước mặt ông mà ở khoảng nào đó cuối thời Trung cổ. Ông gọi nó là một bông huệ, một tượng đài kiêu hãnh tôn vinh sự thanh khiết của phụ nữ bằng một bông hoa đá trắng muốt trên cuống hoa màu đỏ. Và kỳ lạ thay, nó được xây dựng không có nền. Ông khẳng định tháp Mangia đã đứng đó hơn sáu trăm năm, vững vàng nhờ ân huệ của Chúa và niềm tin tuyệt đối.

Tôi giơ tay che nắng và ngắm ngọn tháp như vươn lên, chống đỡ bầu trời vô hạn. Tôi chưa từng thấy ở nơi nào khác, sự thanh thiết của phụ nữ được tôn vinh bằng một biểu tượng dương v*t xấp xỉ 110m. Nhưng có khi chỉ là tôi nghĩ thế.

Toàn bộ công trình – cung điện Publlico và tòa tháp – có sức nặng hoàn toàn theo nghĩa đen, vì dường như bản thân Campo bẹp rúm dưới trọng lượng của nó. Để Rossini nói rằng, nếu nghi ngờ, tôi cứ hình dung rằng có một quả bóng và đặt nó lên mặt đất. Dù tôi đứng ở đâu trên Campo, quả bóng cũng lăn tuột xuống tới lâu đài Pubblico. Hình ản này rất cuốn hút tôi. Có lẽ là ý nghĩ về một quả bóng nẩy trên hè đường gạch cổ xưa. Hay có khi chỉ vì cách ông phát âm từng từ, thì thào rất kịch tính, giống một thầy phù thủy nói chuyện với đứa trẻ lên bốn.

Lâu đài Pubblico giống như mọi chính thể, phát triển theo năm tháng. Khởi thủy, nó chỉ là một phòng họp dành cho chính nhà quản lý, nay là một cấu trúc lừng lẫy, và tôi bước vào sân trong với cảm giác đang bị theo dõi. Tôi tin là không hẳn bởi những người xung quanh mà bởi bóng dáng rơi rớt của các thế hệ quá khứ, những thế hệ đã dâng hiến sinh mạng cho thành phố này, vì mảnh đất nhỏ bé này là nơi các thành phố và cả vũ trụ đổ tới.

Eva Maria đợi tôi trong đại sảnh Peace. Bà ngồi trên chiếc ghế dài giữa phòng, ngước nhìn lên không trung, dường như đang lặng lẽ trò chuyện với Chúa. Nhưng tôi vừa bước qua cửa, bà quay phắt lại, và nụ cười vui thích nở rộng trên môi bà.

- Rốt cuộc cô đã tới!- Bà kêu lên, rồi đứng dậy và hôn lên hai má tôi. – Tôi bắt đầu thấy lo lắng.

- Xin lỗi vì để bà phải đợi. Tôi không biết là….

Nụ cười của bà xua tan tất cả những gì tôi có thể nói.

- Giờ thì cô ở đây rồi. Đấy mới là điều quan trọng. Nhìn này, - bà làm một cử chỉ bao quát vào các bích họa khổng lồ phủ kín các bức tường trong căn phòng. –Cô đã từng thấy thứ gì kỳ diệu như thế này chưa? Danh họa Ambrogio Lorenzetti vĩ đại của chúng tôi vẽ vào cuối những năm 1330. Chắc ông vẽ xong bức này, bên trên các cánh cửa, vào năm 1340. Bức đó tên là Quyền lực tối cao

Tôi quay nhìn bức bích họa nói trên. Nó phủ kín toàn bộ chiều dài bức tường, và muốn vẽ được nó, phải có nhiều cơ cấu phức tạp như thang, giàn giáo, có lẽ cả những bục treo từ trần xuống. Nửa bên trái miêu tả khung cảnh một thành phố thanh bình, với các cư dân hiền lành đang bận bịu công việc của họ; nửa bên phải là quang cảnh thoáng đãng của vùng thôn quê bên ngoài tường thành. Lúc đó, một ý nghĩ chợt lóe lên trong tôi, và tôi nói, lắp bắp:

- Bà nói là …danh họa Ambrogio ?

- Đúng thế, - Eva Maria gật đầu, không mảy may ngạc nhiên vì tôi có vẻ quen cái tên ấy. – Ông là một trong những danh họa vĩ đại nhất. Ông vẽ các cảnh này để ca ngợi sự chấm dứt hận thù giữa hai gia tộc Tolomei và Salimbeni. Cuối cùng, năm 1339, sự thể đã bình yên.

- Thật sao? – Tôi nghĩ đến cảnh Giulietta và tu sĩ Lorenzo chạy trốn bọn cướp Salimbeni trên đường cái bên ngoài Siena. – Tôi có cảm tưởng là năm 1340, tổ tiên chúng ta vẫn còn xung đột rất nhiều. Chắc là ở vùng thôn quê.

Eva Maria mỉm cười khó hiểu; hoặc bà hài lòng vì thấy tôi chịu khó nghiên cứu các truyền thuyết về gia tộc, hoặc bà phật ý vì tôi dám cãi lại bà. Nếu có mếch lòng, bà vẫn tỏ ra tao nhã để chấp nhận ý kiến của tôi, và nói:

- Cô nói đúng. Hòa bình có những hiệu ứng không lường trước được. Nó xảy ra ở bất cứ nơi nào bọn quan liêu lừng chừng, không giúp chúng ta. – Bà giơ cao hai tay. – Nếu dân chúng muốn đấu tranh, không thể ngăn họ được. Nếu ngăn chặn họ bên trong thành phố, họ sẽ chiến đấu ở vùng nông thôn, và ở đó, họ tha hồ tung hoành. Chí ít thì ở bên trong Siena, các cuộc bạo loạn thường bị dập tắt trước khi chúng vượt tầm kiểm soát. Vì sao?

Bà nhìn tôi, xem tôi có đoán ra không, nhưng lẽ tất nhiên, tôi không thể.

- Bởi vì, - bà nói tiếp, dứ ngón tay trước mũi tôi ra vẻ dạy dỗ. - ở Siena lúc nào chúng tôi cũng có quân đội. Muốn giữ gia tộc Salimbeni và Tolomei trong tầm kiểm soát, các công dân của Siena bị huy động và các đại đội của họ có thể tràn ra đường phố chỉ trong vòng vài phút. – Bà gật đầu khẳng định, tự tán thành. – Tôi tin rằng chính vì thế, ở đây truyền thống về lãnh dịa mới mạnh đến thế, kể cả hiện nay. Sự tận tụy của quân đội địa phương cũng có thể tạo nên nước cộng hòa Siena về cơ bản. Muốn kiểm soát những kẻ xấu, phải chắc chắn rằng người tốt đều được vũ trang.

Tôi mỉm cười vì kết luận của bà cố hết sức tỏ ra không hay biết gì. Giờ không phải lúc nói với Eva Maria rằng tôi không tin vào vũ khí vì theo kinh nghiệm của tôi, những người được gọi là tốt chẳng hơn gì kẻ xấu.

- Không đẹp sao? – Eva Maria tiếp tục và hất đầu về phía bức bích họa. – Một thành phố thanh bình với mọi cảnh tượng?

- Tuy vậy, tôi phải nói rằng trông dân chúng không mấy vui vẻ. Bà nhìn xem. – tôi nói, và chỉ vào một cô gái dường như bị kẹt giữa một tốp các thiếu nữ đang nhảy múa. – Hình như cô gái này ….đang suy nghĩ miên man.

- Có khi nàng nhìn thấy một đám cưới diễu qua? – Eva Maria gợi ý, hất đầu về ảnh vẽ một doàn người đi sau một hình vẽ trông giống cô dâu cưỡi ngựa. – Có khi nàng nhớ đến tình yêu đã mất chăng?

- Nàng nhìn vào cái trống. – Tôi nói và lại chỉ, - hoặc cái trống lục lạc. Còn những vũ công khác trông…thật độc ác. Nhìn cái kiểu họ dồn nàng kẹt trong điệu múa. Một người trong bọn họ đang nhìn chằm chặp vào vào bụng nàng. – Tôi liếc nhìn bà, nhưng khó mà dò đoán được vẻ mặt của bà. – Hoặc có lẽ tôi chỉ tưởng tượng ra thôi.

- Không, - bà nói khẽ, - rõ ràng danh hoạ Ambrogio muốn chúng ta chú ý đến này. Ông vẽ tốp phụ nữ đang nhảy múa này to hơn những người khác trong bức tranh. Nếu cô nhìn kỹ, sẽ thấy nàng là người duy nhất có tiara (CT: một thứ trang sức của phụ nữ hình lưỡi liềm, gắn châu báu, thường đội vào những dịp nghi lễ.) trên mái tóc

Tôi liếc nhìn và thấy bà nói đúng.

- Vậy, nàng là ai? Chúng ta có biết không?

Eva Maria nhún vai:

- Công khai thì không. Nhưng riêng cô với tôi thì, - bà ngả người về phía tôi và hạ thấp giọng, - tôi nghĩ nàng là tổ tiên của cô. Tên nàng là Giulietta Tolomei.

Tôi choáng váng nghe thấy bà gọi tên – tên của tôi – và nói rõ ràng, chính xác ý nghĩ tôi đã thổ lộ với Umberto qua điện thoại, đến mức giấy lát sau, tôi buột miệng hỏi một câu tự nhiên:

- Sao bà biết? ….Ý tôi nói là, nàng là tổ tiên của tôi?

Eva Maria suýt bật cười:

- Điều đó chẳng hiển nhiên lắm sao? Tại sao mẹ cô đặt tên cô theo tên nàng? Thực ra, chính bà đã kể với tôi rằng, cô là dòng dõi huyết thống trực hệ từ Giulietta và Giannozza Tolomei.

Tôi rùng mình khi nghe câu này – nói ra với sự đoán chắc như thế - và tôi không thể xử lý thông tin ngay lập tức.

- Tôi không biết bà quen mẹ tôi, - tôi nói, tự hỏi vì sao bà không kể điều này với tôi từ trước.

- Mẹ cô đã đến thăm tôi một lần. Cùng với cha cô. Trước khi họ cưới. – Eva Maria ngừng lời. – Bà còn rất trẻ. Trẻ hơn cô. Bữa tiệc đó có khoảng một trăm khách mời, chúng tôi dành suốt buổi tối hôm ấy trò chuyện về dah họa Ambrogio. Chính họ kể cho tôi những điều tôi nói với cô bây giờ. Họ rất am hiểu, rất quan tâm đến các gia tộc của chúng ta. Thật buồn khi sự việc lại ra nông nỗi này.

Chúng tôi đứng lặng một lát. Eva Maria nhìn tôi, gượng cười, dường như bà biết một câu hỏi đang cháy bỏng trên đầu lưỡi tôi, nhưng tôi không thể hỏi, đó là “Quan hệ của mẹ tôi – nếu có – với gã Luciano Salimbeni xấu xa ấy là gì, và bà biết gì về cái chết của cha mẹ tôi?”

- Cha cô tin rằng, - Eva Maria nói tiếp, không để tôi kịp hỏi, - danh họa Ambrogio ám chỉ một câu chuyện trong bức tranh này. Một thảm kịch xảy ra trong thời của ông ấy, và không thể bàn tán công khai. Nhìn này, - bà chỉ bức bích họa, - cô có nhìn thấy cái lồng chim xinh xắn ở cửa sổ tít trên kia không? Nếu tôi bảo cô rằng tòa nhà đó là lâu đài Salimbeni, và người đàn ông cô thấy ở bên trong chính là Salimbeni, được tôn vinh như một ông vua, trong khi những người kia cúi rạp bên chân ông ta để vay tiền?

Cảm thấy câu chuyện dù sao cũng làm bà đau đớn, tôi mỉm cười với Eva Maria, quyết không để quá khứ len vào giữa chúng tôi.

- Nghe chừng bà không tự hào vì ông ấy lắm.

Bà nhăn mặt:

-Ồ, ông ấy là một người vĩ đại. Nhưng danh họa Ambrogio không ưa ông ta. Cô không thấy sao? Nhìn xem…một đám cưới…một thiếu nữ buồn bã nhảy múa và, một con chim trong lồng. Cô nghĩ sao về những thứ đó?

Thấy tôi không trả lời ngay, bà nhìn ra ngoài cửa số.

- Cô biết không, khi tôi lấy Salimbeni, tôi mới hai mươi hai tuổi. Ông ta sáu mươi tư. Cô có nghĩ thế là già không?

Bà nhìn thẳng vào tôi, cố đọc ý nghĩ của tôi

- Không hẳn vậy, tôi nói. – Bà biết đấy, mẹ tôi….

- Phải, tôi biết, - Eva Maria ngắt lời tôi. – Tôi cho rằng ông ấy rất già và sẽ chết sớm. Nhưng ông ấy giàu có. Tôi có một ngôi nhà đẹp. Cô phải đến thăm nhà tôi, nhé.

Lời thú nhận thẳng thắn và lời mời của bà làm tôi lúng túng, tôi chỉ nói:

- Nhất định rồi, tôi thích thế.

- Tốt lắm! – Bà đặt bàn tay lên vai tôi. – Bây giờ cô phải tìm ra nhân vật nam chính trong bức bích họa!

Tôi suýt cười phá lên. Eva Maria Salimbeni là một bậc thầy đích thực trong nghệ thuật thay đổi chủ đề.

- Tìm đi, - bà nói, như cô giáo nói với một lớp toàn những học trò lười, - Người ấy đâu? Lúc nào cũng có một nhân vật chính. Hãy nhìn lên bức bích họa.

Tôi chăm chú ngước nhìn.

- Kia có thể là ai đó.

- Nhân vật nữ ở trong thành phố, - bà nói và chỉ, - trông rất buồn bã. Vậy nhân vật nam là…? Nhìn kia! Bên trái cô là cảnh sinh hoạt bên trong những bức tường thành. Rồi cô có Porta Romana, cổng thành phía Nam, cắt bức bích họa ra làm đôi. Còn bên tay phải là…

- Ồ, bây giờ tôi nhìn thấy rồi, - tôi nói, - anh chàng cưỡi ngựa, đang rời thành phố.

Eva Maria mỉm cười, không phải nói với tôi, mà với bức bích họa.

- Chàng điển trai không nào?

- Cực kỳ. Có gì trên mũ kia?

- Chàng là người đi săn. Nhìn chàng đi. Chàng có một con chim mồi và định thả nó ra, nhưng có cái gì đó giữ chàng lại. Còn một người đàn ông khác, ngăm ngăm đen hơn, đi bộ, xách hộp của họa sĩ, đang cố kể gì đó cho chàng, và nhân vật nam trẻ tuổi của chúng ta ngả người trên yên lắng nghe.

- Có lẽ người đi bộ kia muốn chàng ở lại trong thành phố? – Tôi gợi ý.

- Có lẽ. Nhưng liệu có xảy ra chuyện gì với chàng không, nếu chàng ở lại? Nhìn xem Ambrogio vẽ gì bên trên đầu chàng. Giá treo cổ. không phải là một lựa chọn dễ chịu, nhỉ? – Eva Maria mỉm cười. – Cô nghĩ chàng là ai nào?

Tôi không trả lời ngay. Nếu danh họa Ambrogio vẽ bức bích họa này với danh họa Ambrogio trong cuốn nhật ký tôi đang đọc là một, nếu người phụ nữ đang nhảy múa không vui vẻ, cài tiara trên tóc kia thực sự là tổ tiên của tôi, Giulietta Tolomei, thì người đàn ông cưỡi ngựa kia chỉ có thể là Romeo Marescotti. Nhưng tôi không muốn Eva Maria biết những phát hiện gần đây của tôi, cũng như nguồn gốc của chúng. Vả lại, bà là một Salimbeni. Vì thế, tôi chỉ nhún vai và nói:

- Tôi không biết.

- Nếu tôi bảo cô rằng, - Eva Maria nói, - đấy là Romeo trong vở Romeo và Juliet? Và tổ tiên của cô, Giulietta chính là nàng Juliet của Shakespeare

Tôi nín cười:

- Chuyện ấy chẳng bắt đầu ở Verona sao? Và Shakespeare đã sáng tác ra họ? Trong Shakespeare đang yêu…

Shakespeare đang yêu! Eva Maria nhìn tôi, dường như hiếm khi bà nghe thấy một điều kinh sợ đến thế. – Giulietta, - bà đặt tay lên má tôi, - hãy tin tôi khi tôi nói rằng câu chuyện ấy xảy ra ở đây, ở Siena này. Từ rất, rất lâu trước thời Shakespeare. Và họ ở đây, trên kia, trên bức tường này. Romeo bị lưu đầy, còn Juliet chuẩn bị kết hôn với một người nàng không yêu. – Bà mỉm cười vì vẻ mặt tôi, cuối cùng, bà buông tôi ra. – Cô đừng lo. Khi cô đến thăm tôi, chúng ta sẽ nói thêm về những chuyện buồn này. Cô định làm gì tối nay?

Tôi lùi lại một bước, mong che giấu sự sửng sốt vì quan hệ mật thiết của bà với gia đình tôi.

- Dọn dẹp ban công của tôi.

Eva Maria không bỏ lỡ thế chủ động

- Khi cô xong việc, tôi muốn cô cùng tôi nghe một buổi hòa nhạc rất hay. Đây…- Bà thọc tay vào xắc và rút ra tấm vé. – Đây là một chương trình tuyệt vời. Tôi đích thân chọn. Nhất định cô sẽ thích. Lúc bảy giờ. Sau đó, chúng ta đi ăn tối, và tôi sẽ kể cho cô nhiều hơn về tổ tiên cô.

Ngày hôm đó khi đến phòng hòa nhạc, tôi cảm thấy bứt rứt trong lòng. Đó là một tối đẹp trời, thành phố rộn rã vì những con người vui vẻ, nhưng tôi vẫn không thể chia sẻ niềm vui với họ. Rảo bước xuống phố, nhìn mà chẳng thấy gì ngoài vỉa hè trước mặt, dần dần tôi có thể xác định được nguyên nhân dẫn đến sự bực bội của mình.

Tôi đang bị lôi kéo.

Kể từ lúc đến Siena, mọi người đều thấp thỏm dặn tôi phải làm gì và nghĩ gì. Eva Maria là người hơn hết thảy. Hình như bà thấy thật tự nhiên khi những mong muốn và dự định kỳ quái của bà sai khiến được hành động của tôi – kể cả việc ăn mặc – và giờ đây, bà thao túng cả suy nghĩ của tôi. Giả sử tôi không muốn thỏa luận với bà về những sự kiện năm 1340 thì sao? Ờ không được, vì tôi không còn lựa chọn nào khác. Và thật lạ lùng, tôi vẫn mến bà. Tại sao lại thế nhỉ? Vì bà hoàn toàn trái ngược với bà Rose, là người luôn e sợ làm điều sai trái đến mức không bao giờ làm việc gì cho đúng ư? Hoặc tôi thích Eva Maria vì tôi không có bổn phận gì với bà? Biết tin này, chắc Umberto sẽ phát hoảng, và nhất định bảo tôi phải tránh cho xa bọn Salimbeni. Tôi đoán đây là tình trạng của Juliet. Phải, có lẽ đây là lúc cho Juliet có suy nghĩ lý trí. Theo chủ tịch Maconi, Salimbeni luôn là Salimbeni, và theo ông anh họ Peppo của tôi, thật tai họa cho bất cứ người nào thuộc họ Tolomei nếu cản trở chúng. Điều này không chỉ đúng với thời Trung cổ đầy sóng gió, mà ngay cả bây giờ, ở Siena hiện tại, bóng ma của kẻ giết người Luciano Salimbeni vẫn chưa rời bỏ nơi này. Nói khác đi, có lẽ đây là loại định kiến khiến mối thù truyền kiếp cổ xưa vẫn tiếp diễn qua bao thế hệ. Nhỡ gã Luciano Salimbeni khó hiểu kia chưa bao giờ đụng đến cha mẹ tôi, mà chỉ bị nghi ngờ do tên tuổi của gã? Không lạ gì nếu gã phải xa lánh người khác. Ở nơi bạn bị mọi người cho là kẻ có tội, đao phủ của bạn sẽ chẳng thích thú gì việc kiên nhẫn ngồi đợi hết phiên tòa.

Nói tóm lại, càng nghĩ về việc này, cán cân của tôi càng nghiêng về phía Eva Maria. Hơn nữa, hình như bà là người kiên quyết nhất chứng tỏ rằng, bất chấp mối hận thù của tổ tiên, chúng tôi vẫn có thể là bạn bè. Nếu thực như thế, tôi không muốn phá tung mọi sự.

Buổi hòa nhạc tối do Nhạc viện Chigiana đăng cai tổ chức tại lâu đài Chigi- Saracini, đối diện với hiệu uốn tóc của anh bạn Luigi. Tôi vào tòa nhà qua cái cổng mái, nổi bật trong một cái sân có hành lang ngoài bao quanh và một cái giếng cổ ở giữa. Tôi tự nhủ, các hiệp sĩ trong giáp phục sáng ngời từng kéo nước ở giếng này cho ngựa chiến của họ, và dưới đôi giầy cao gót của tôi là những tảng đá lát nền mòn nhẵn vì móng ngựa và bánh xe qua bao thế kỷ. Nơi này không quá lớn cũng không quá đường bệ, có một vẻ trang trọng lặng lẽ khiến tôi tự hỏi những sự việc diễn ra ngoài bức tường của cái sân không chịu ảnh hưởng của thời gian này liệu có ý nghĩa thực sự không.

Lúc tôi đứng đó, ngẩn người vì bức bích họa trên trần hành lang kín đáo, người dẫn chỗ đưa cho tôi một cuốn sách mỏng và chỉ cửa lên phòng hòa nhạc. Trong lúc trèo lên cầu thang, tôi liếc nhìn cuốn sách, tưởng là ghi chương trình. Nhưng đó là tóm tắt lịch sử của tòa nhà, bằng vài thứ tiếng khách nhau. Phần tiếng Anh bắt đầu bằng:

Lâu đài Chigi-Saracini, một trong những lâu đài đẹp nhất của Siena, ban đầu thuộc gia tộc Marescotti. Trung tâm của tòa lâu đài rất cổ, nhưng trong thời Trung cổ, gia tộc Marescotti đã hợp nhất với các tòa nhà lân cận, và giống như nhiều gia tộc hùng mạnh khác ở Siena, họ bắt đầu xây dựng một tòa tháp đồ sộ. Từ tòa tháp này, năm 1260 đã công bố chiến thắng ở Montaperti bằng âm thanh của trống và trống lục lạc.

Tôi đứng giữa cầu thang để đọc lại đoạn này. Nếu đây là sự thật, và nếu tôi không nhầm lẫn các tên tuổi trong nhật ký của danh họa Ambrogio, thì tòa nhà tôi đứng lúc này chính là lâu đài Marescotti, và đó chính là nhà của Romeo năm 1340.

Chỉ đến lúc nhiều người bực bội len qua tôi, tôi mới giũ bỏ sự ngạc nhiên và đi tiếp. Nếu đây là nhà Romeo thì sao? Chàng và tôi cách nhau gần bảy trăm năm, và nếu có trở lại thời ấy, chàng đã có Juliet. Bất chấp quần áo và đầu tóc mới mẻ, tôi vẫn chỉ là một cô gái cao, gầy, dáng đi vụng về, chẳng là gì so với sinh linh hoàn hảo thời đó.

Janice sẽ cười giễu những ý nghĩ mà nó cho là lãng mạn của tôi.

- Chúng tôi lại đến đây, - nó sẽ giễu cợt, - Julie đang mơ đến người đàn ông mà chị ấy không thể có. – Nó nói đúng. Nhưng thỉnh thoảng, đó là những ý nghĩ tốt đẹp nhất.

Nỗi ám ảnh kỳ lạ của tôi với những nhân vật trong lịch sử bắt đầu có từ khi tôi lên chín, với Tổng thống Jefferson. Trong lúc những người khách, kể cả Janice – dán đầy lên tường ảnh các ngôi sao nhạc pop phơi trần đến nửa người, phòng tôi là một điện thờ Người cha Sáng lập ưa thích của tôi. Tôi đã rất vất vả mới học được cách viết chữ Thomas bằng thư pháp, thậm chí tôi còn thêu một chữ T khổng lồ trên một cái gối để ôm mỗi tối, khi đi ngủ. Không may, Janice đã phát hiện ra cuốn sổ ghi chép bí mật của tôi và truyền khắp lớp, khiến cả lớp cười rú lên vì những bức tranh trưởng tượng, vẽ tôi đứng trước Monticello, mặc áo cưới, đeo mạng che mặt, tay trong tay với Tổng thống Jefferson rất vạm vỡ.

Sau đó, tất thảy đều gọi tôi là Jeff, kể cả các giáo viên dù họ không hiểu vì sao, và lạ thay, họ không bao giờ thấy tôi cau có, ngượng ngùng khi bị gọi như thế trong lớp. Rốt cuộc, tôi hoàn toàn không dám giơ tay phát biểu và luôn cúi gằm mặt ở hàng ghế sau, mong không ai chú ý đến mình.

Nhờ Umberto, hồi trung học tôi bắt đầu quan tâm đến thế giới cổ xưa. Trí tưởng tượng của tôi nhảy từ Leonidas của Sparta đến Spicio của La Mã, có thời gian cả Hoàng đế Augustus, cho đến khi tôi phát hiện ra khía cạnh ám muội của ông ta. Khi bước chân vào đại học, tôi thơ thẩn trở lại cái thời nhân vật của tôi là một người thượng cổ vô danh sống ở vùng thảo nguyên nước Nga, giết những con voi ma mút đầy lông lá và lủi thủi một mình dưới ánh trăng rằm, thổi những giai điệu của người thợ săn bằng cây sáo làm từ xương voi

Người duy nhất – tất nhiên là Janice – vạch ra rằng, tất cả những người trong mộng của tôi đều có chung một thứ. “Quá tệ”, nó đã nói vậy vào một đêm, lúc chúng tôi thử ngủ ở cái lều ngoài vườn và nó cố moi mọi bí mật của tôi, hết điều này đến điều khác, đổi lấy kẹo caramen vốn là của tôi, - “ vì tất cả bọn họ đều đã chết đứ đừ”

- Họ không chết! – Tôi phản đối, rất ân hận vì đã kể cho nó nghe những bí mật của mình. – Những người nổi tiếng sẽ sống mãi.

Nghe vậy, Janice chỉ khịt mũi:

- Có thể, nhưng ai mà muốn hôn một xác ướp kia chứ?

Tuy nhiên, phớt lờ những lời nói ấy, lúc này không chút tưởng tượng mà chỉ là một thói quen, tôi cảm thấy hơi ớn lạnh khi phát hiện ra mình đang lén theo bóng ma của Romeo trong nhà chàng. Với chúng tôi, thủ tục duy nhất để tiếp tục mối quan hệ đẹp đẽ này là chàng vẫn tiếp tục chết.

Eva Maria đang tiếp khách trong phòng hòa nhạc với một đám đàn ông mặc comple đen và đàn bà ăn vận lộng lẫy vây quanh. Căn phòng cao, trang trí màu trắng sữa và màu mật ong, hoàn tất bằng những nét chấm phá màu vàng. Khoảng hai trăm ghế dành cho khán giả, và theo số người đã tụ tập, chắc chắn là sẽ đầy khán phòng. Cuối phòng, các nhạc công đang lên dây đàn, một người phụ nữ to béo mặc đầm đỏ trông như bị ép phải hát. Phần lớn mọi chỗ ở Siena không hiện đại hơn nơi đây để làm nhức mắt thiên hạ, trừ bọn thanh thiếu niên bất trị đi dép lê và mặc quần xếp li.

Vừa thấy tôi bước vào, Eva Maria triệu tôi đến bằng cái vẫy tay vương giả. Lúc đến gần nhóm, tôi nghe thấy bà giới thiệu tôi bằng những lời phóng đại mà tôi không xứng, và trong giây lát tôi đã có những người bạn, một số là nhân vật tiếng tăm của nền văn hóa Siena, trong đó có chủ tịch nhà băng Monte dei Paschi ở lâu đài Salimbeni.

- Monte dei Paschi, - Eva Maria giải thích, - là quỹ bảo trợ lớn nhất cho các ngành nghệ thuật ở Siena, không thứ gì cô nhìn thấy quanh cô là không được Quỹ tài trợ.

Chủ tịch nhìn tôi, thoáng mỉm cười, vợ ông đứng sát bên cạnh, khoác tay ông cũng cười theo. Giống như Eva Maria, bà là một phụ nữ thanh lịch bất chấp tuổi tác, và mặc dù tôi ăn mặc chỉnh tề cho dịp này, cái nhìn của bà cho biết tôi vẫn còn phải học hỏi nhiều lắm. Bà còn thì thầm khá nhiều với chồng, hoặc có vẻ như thế.

- Vợ tôi nghĩ rằng cô không tin điều này, - chủ tịch nói, vẻ trêu chọc, giọng nói và ngữ điệu của ông như đang ngân nga lời một bài hát. – Có lẽ cô cho rằng chúng tôi quá…- ông tìm từ cho thích hợp, - kiêu ngạo chăng?

- Không phải đâu ạ, - tôi nói, má nóng bừng vì sự xét nét không ngừng của họ, - tôi chỉ thấy…ngược đời là tòa nhà của dòng họ Marescotti lại phụ thuộc vào thiện chí của dòng họ Salimbeni mới tồn tại được, vậy thôi.

Chủ tịch hiểu lập luận của tôi và khẽ gật đầu, dường như khẳng định sự phóng đại của Eva Maria là hợp lý.

- Phải, thật là một nghịch lý.

- Nhưng cuộc đời đầy những nghịch lý, - một giọng nói vang lên phía sau tôi.

- Allessandro! Chủ tịch gọi to, bất chợt vui vẻ và tinh quái, - anh phải đến đây và gặp signorina Tolomei. Cô ấy là người rất….nghiêm khắc với tất cả chúng ta. Nhất là với anh.

- Lẽ tất nhiên rồi. – Allessandro cầm tay tôi và hôn với vẻ chiều nịnh bông lơn. – Nếu cô ấy không thế, chúng ta sẽ không bao giờ tin cô ấy là một Tolomei.

Anh nhìn thẳng vào mắt tôi trước khi buông tay tolomei.

- Chúng ta sẽ thế nào đây, cô Jacobs?

Một khoảnh khắc kỳ quặc. Rõ ràng Allessandro không ngờ lại chạm trán tôi ở buổi hòa nhạc, và phản ứng của anh không ương ứng với cả hai chúng tôi. Nhưng tôi không trách Allessandro đã tra hỏi tôi; và lại, tôi chưa gọi lại cho anh lần nào sau khi anh ghé qua khách sạn tôi ba ngày trước. Suốt thời gian này, danh thiếp của anh vẫn ở trên bàn tôi như một điềm xấu trong cái bánh đoán số phận. Cuối cùng, sáng hôm nay tôi đã xé nó làm đôi và ném vào sọt rác, hình dung rằng nếu Allessandro thực sự muốn bắt giữ tôi thì đã làm rồi.

- Con không thấy, - Eva Maria nói, hiểu lầm sự căng thẳng của chúng tôi, - tối nay Giulietta trông rất đáng yêu sao, Allessandro?

Allessandro gượng cười:

- Đẹp mê hồn.

- Đúng, đúng, - chủ tịch xen vào, - nhưng anh ở đây thì ai canh giữ tiền của chúng tôi, hở?

- Các bóng ma của dòng họ Salimbeni, - Allessandro đáp, vẫn nhìn thẳng vào mắt tôi. – Một sức mạnh rất ghê gớm đấy.

- Hư nào! – Thầm hài lòng vì lời lẽ của cậu con nuôi, Eva Maria giả vờ cau mày và đập nhẹ lên vai anh ta bằng tờ chương trình cuộn tròn. – Chẳng mấy nỗi tất cả chúng ta sẽ là những bóng ma thôi. Tối nay, chúng ta tôn vinh cuộc sống.

Sau buổi hòa nhạc, Eva Maria khăng khăng mời đi ăn tối, chỉ có ba chúng tôi. Khi tôi bắt đầu phản đối, bà nói toạc ra là sinh nhật bà và nói đêm nay thật đặc biệt “vì tôi được giở trang nữa trong vở hài kịch tuyệt diệu và ai oán của cuộc đời”, mong muốn duy nhất của bà là đến nhà hàng với hai người bà yêu quý. Lạ thay Allessandro không hề phản đối. Hiển nhiên là ỏ Siena, người ta không cãi mẹ đỡ đầu trong ngày của bà.

Nhà hàng ưa thích của Eva Maria ở đường Campane, ngay rìa lãnh địa Đại bàng. Bàn ưa thích của bà nằm trên nền cao ngoài trời, nhìn ra một cửa hàng hoa đóng cửa vào ban đêm.

- Thế ra, - bà nói với tôi, sau khi gọi một chai Prosecco và một đĩa antipasto, - cô không thích nhạc kịch!

- Tôi thích chứ! – Tôi phản đối và ngồi xuống,lúng túng, chân tôi bắt chéo vừa khít dưới gầm bàn. - Tôi yêu nhạc kịch. Quản gia của bà bác tôi lúc nào cũng diễn nhạc kịch. Nhất là vở Aida. Có điều…Aida được coi là công chúa của Etiopia, là một vưu vật chỉ bằng một phần ba tuổi năm mươi của bà ấy. Tôi xin lỗi.

- Hãy làm như Sandro. Nhắm mắt lại đi.

Tôi liếc nhìn Allessandro. Trong buổi hòa nhạc, anh ta ngồi sau tôi và tôi cảm thấy anh ta cứ dán mắt vào tôi suốt.

- Sao ạ? Nàng vẫn đang hát mà.

- Nhưng tiếng hát xuất phát từ tâm hồn! – Eva Maria ngả về phía tôi, nói hộ anh ta. – Chỉ cần lắng nghe, cô sẽ thấy Aida đúng như nàng.

- Thật rộng lượng. Tôi nhìn Allessandro. – Lúc nào anh cũng rộng lượng thế sao?

Allessandro không đáp. Anh ta không phải đáp lại.

- Hào hiệp là đức tính cao quý nhất trong mọi đức tính, - Eva Maria nói, bà thử một ngụm Prosecco và cảm thấy nó rất đáng đồng tiền. – Hãy tránh xa những người keo kiệt. Họ bị kẹt trong tâm hồn ti tiện.

- Theo quản gia của bà bác tôi, - tôi nói, - nhan sắc mới là phẩm chất cao quý nhất. Nhưng ông ấy cũng nói sự hào hiệp có giá trị gần như vẻ đẹp.

- Sự thật là cái đẹp, - cuối cùng, Allessandro nói. – Sự chân thật đẹp đẽ. Theo Keat đấy. Cuộc sống rất thanh thản nếu cô sống chân thật

- Anh thì không ư?

- Tôi không phải là một cái bình.

Tôi bật cười, nhưng anh ta chẳng hề nhếch mép.

Mặc dù muốn chúng tôi trở thành bạn bè, Eva Maria cũng không thể để chúng tôi tiếp tục theo kiểu đó.

- Cô hãy kể thêm về bà bác của cô đi! – Bà giục tôi. – Tại sao cô nghĩ bà không bao giờ kể cô là ai?

Tôi nhìn từ người này sang người kia, cảm thấy họ đã thảo luận về trường hợp của tôi, và không nhất trí với nhau.

- Tôi không biết. Tôi nghĩ có khi bà ấy sợ rằng…-Tôi nhìn xuống. – Tôi không biết nữa.

- Ở Siena, - Allessandro nói, bận bịu với cốc đồ uống, - tên cô sẽ làm cho mọi thứ khác hẳn.

- Tên tuổi, tên tuổi, tên tuổi! – Eva Maria thở dài. – Tôi không hiểu vì sao trước kia bà bác cô – bà Rosa phải không? – chưa bao giờ đưa cô đến Siena.

- Có lẽ bà ấy sợ rằng, - tôi nói, lần này rành mạch hơn, - kẻ giết cha mẹ tôi sẽ giết tôi.

Eva Maria ngồi thẳng dậy, kinh hoàng:

- Ý nghĩ thật khủng khiếp!

- Chúc mừng sinh nhật! –tôi nhấp một ngụm Prosecco. – Cảm ơn vì tất cả. – Tôi trừng trừng nhìn Allessandro, buộc anh ta phải nhìn vào mắt tôi. – Anh đừng lo, tôi sẽ không ở lại lâu đâu.

- Không, - anh ta nói, gật đầu dù chỉ một lần. – Tôi tưởng nơi này quá bình yên so với sở thích của cô.

- Tôi thích sự bình yên

Lúc này, tôi nhận thấy một thoáng cảnh giác âm thầm trong mày xanh biếc của mắt anh ta. Một cái nhìn lo âu.

- Hiển nhiên rồi.

Quyết không đáp lại, tôi nghiến chặt răng và chú ý đến món khai vị. Thật không may, Eva Maria không bắt được sắc thái tế nhị hơn trong cảm xúc của tôi, bà chỉ thấy mặt tôi ửng hồng.

- Sandro, - bà nói, hùa theo thứ mà bà ngỡ là tán tỉnh, - sao con không đưa Giulietta đi một vòng thành phố và chỉ cho cô ây một số thứ đẹp đẽ? Cô ấy sẽ thích đi xem.

- Con chắc cô ấy sẽ thích. – Allessandro xiên một quả ô liu nhưng không ăn. – Thật không may, chúng ta không có pho tượng nàng tiên cá nào.

Đến lúc này, tôi biết chắc anh ta đã kiểu tra hồ sơ về tôi và chắc hẳn đã tìm ra mọi thứ cần biết về Julie Jacobs – Julie Jacobs đã biểu tình phản chiến, từ Rome trở về rồi đến Copenhagen phản đối Đan Mạch dính líu đến Iraq, bằng cách phá hoại bức tượng nàng tiên cá.

Buồn thay, hồ sơ không cho anh ta biết rằng mọi chuyện này là nhầm lẫn, rằng Julie Jacobs chỉ đến Đan Mạch để chứng tỏ cho cô em gái biết rằng mình dám đương đầu thôi.

Nuốt thứ pha trộn giận dữ và sợ hãi đến chóng mặt vào cổ họng, tôi dò dẫm với tay đến giỏ bánh mì, hy vọng không lộ quá rõ sự hoảng sợ.

- Không, nhưng chúng tôi có nhiều pho tượng đẹp đẽ khách sạn! Eva Maria nhìn tôi, rồi nhìn Allessandro, cố hiểu việc đang diễn ra. – Và nhiều đài phun nước. Con có thể đưa cô ấy đến Fonterbrand…

- Có lẽ cô Jacobs thích nhìn thấy phố Malconteni, - Allessandro gợi ý, ngắt lời bà Eva Maria, -Đấy là nơi người ta thường dẫn phạm nhân, để các nạn nhân có thể ném đủ thứ vào người bọn chúng trên đường đến giá treo cổ.

Tôi trả miếng cái nhìn trừng trừng đầy hiềm thù của anh ta, cảm thấy không cần che giấu nữa:

- Không ai nhận được sự khoan hồng sao?

- Có. Gọi là bị trục xuất. Những người đó phải rời Siena và không bao giờ được trở lại. Để đền bù, cuộc sống của họ thường khá giả.

- Ồ, tôi hiểu, - tôi đập lại, cáu kỉnh, - giống như dòng họ Salimbeni của anh vậy. – Tôi liếc trộm Eva Maria, bà thay đổi, chết lặng. – Tôi nhầm chăng?

Allessandro không trả lời ngay. Nhìn các cơ trên quai hàm anh, tôi biết anh ta rất muốn phản ứng lại bằng lối tương tự, nhưng hiểu rằng không thể làm thế trước mặt mẹ đỡ đầu.

- Gia tộc Salimbeni, - cuối cùng anh ta nói, giọng căng thẳng, bị chính quyền sung công năm 1419 và buộc phải rời nước Cộng hòa Siena.

- Vĩnh viễn ư

- Rõ ràng là không. Nhưng họ bị trục xuất một thời gian dài. – Cách anh ta nhìn tôi cho biết hiện giờ đang nói về tôi. – Và chắc họ đáng bị thế.

- Nếu….họ trở lại thì sao?

- Lúc đàn ông…-Allessandro ngừng để gây ấn tượng, và tôi bàng hoàng nhận thấy màu xanh trong mắt anh ta không phải là màu tán cây tự nhiên, mà lạnh lẽo, và kết tinh giống mảnh malaxit, hồi lớp bốn tôi đã tưởng là thứ quý hiếm, trước khi thầy giáo giảng giải rằng đấy là một khoáng sản chiết ra đồng, có hại cho môi trường, - ắt họ phải có lý do chính đáng.

- Đủ rồi! – Eva Maria giơ cốc lên. –Không còn trục xuất nữa. Không còn đánh nhau nữa. Bây giờ chúng ta là bạn.

Chúng tôi cố chuyện trò lịch sự khoảng mươi phút nữa. Sau đó, Eva Maria xin lỗi vào nhà vệ sinh, để mặc Allessandro và tôi tự xoay xở. Liếc nhìn, tôi thấy anh ta đưa mắt khắp người tôi, và trong khoảnh khắc ngắn ngủi nhất, tôi tin rằng mọi việc này chỉ là trò mèo vờn chuột, xem tôi có đủ hăng hái để làm bạn chơi trong một tuần không. Được, tôi tự nhủ, dù mèo có mưu mô gì đi nữa, rồi sẽ phải ngạc nhiên điếng người.

Tôi với một lát xúc xích.

- Anh có tin vào sự chuộc lỗi không?

- Tôi không quan tâm, - Allessandro nói, đẩy đĩa về phía tôi, - việc cô đã làm ở Rome. Hoặc ở bất cứ nơi nào khác. Nhưng tôi quan tâm đến Siena. Hay cho tôi biết, vì sao cô đến đây?

- Đây có phải là cuộc thẩm vấn không? – Tôi nói, miệng đầy thức ăn. – Tôi có nên gọi luật sư của tôi không?

Allessandro ngả người về phía tôi, hạ giọng:

- Tôi có thể tống cô vào tù như thế này này, - anh ta bật ngón tay đánh tách trước mũi tôi. – Đấy có phải là điều cô muốn không?

- Anh biết không, - tôi nói, xúc thêm thức ăn vào đĩa, và rất mong anh ta không chú ý đến bàn tay tôi đang run, những trò chơi quyền lực không bao giờ tác động tới tôi. Người ta có thể làm tổ tiên anh kinh ngạc, nhưng xin hãy nhớ lại, tổ tiên tôi chưa bao giờ có ấn tượng với thứ đó.

- Thôi được, - Allessandro dựa lưng vào ghế và thay đổi chiến thuật. – Thế này nhé: Tôi sẽ để mặc cô với một điều kiện. Cô hãy tránh xa Eva Maria.

- Sao anh không nói điều đó với bà ấy?

- Bà là một phụ nữ đặc biệt, và tôi không muốn bà đau khổ.

Tôi đặt dĩa xuỗng:

- Còn tôi thì sao? Anh nghĩ gì về tôi?

- Có thực cô muốn biết không? Allessandro lại nhìn tôi khắp lượt như tôi là một đồ tạo tác quá ư giá trị đem bán. – Thôi được. Tôi nghĩ cô xinh đẹp, thông minh….và là một diễn viên cừ khôi. – Thấy tôi bối rối, anh ta cau mày và nói tiếp, cứng rắn hơn, - tôi nghĩ có người trả cô nhiều tiền để cô tới đây và giả làm Giulietta Tolomei…

- Cái gì?

-…và một phần trong công việc của cô là tiếp cận Eva Maria. Nhưng đoán xem…tôi sẽ không để việc đó xảy ra.

Tôi không biết bắt đầu từ đâu. May thay, lời buộc tội của anh ta kỳ quái đến mức khiến tôi quá kinh ngạc nên không cảm thấy bị tổn thương. Cuối cùng, tôi nói:

- Vì sao anh không tin tôi là Giulietta Tolomei? Vì tôi không có đôi mắt xanh trẻ thơ ư?

- Cô muốn biết vì sao không? Tôi sẽ cho cô biết. – Anh ta nhoài tới trước, khuỷu tay chống lên bàn. – Vì Giulietta Tolomei đã chết.

- Vậy anh giải thích như thế nào việc tôi đang ngồi ngay tại đây? – Tôi vặn lại, cũng ngoài tới trước.

Anh ta nhìn tôi khá lâu để tìm kiếm gì đó trên mặt tôi song không thấy. Cuối cùng, Allessandro ngoảnh đi, môi mím chặt, và tôi biết vì lý do nào đó tôi không thuyết phục nổi anh ta, và chắc chẳng bao giờ thuyết phục nổi.

- Anh nên biết rằng, - tôi đẩy ghế và đứng dậy. – Tôi sẽ nhận lời anh và không bầu bạn với Eva Maria nữa. Nhờ anh cảm ơn bà ấy vì buổi hòa nhạc và bữa ăn và nói hộ là bà ấy có thể lấy lại quần áo bất cứ khi nào bà muốn. Tôi không cần tới chúng nữa rồi.

Tôi không đợi Allessandro trả lời, hiên ngang rời khỏi nhà hàng, không hề nhìn lại. Ngay khi rẽ góc phố đầu tiên và ra khỏi tầm nhìn, tôi cảm thấy những giọt nước mắt giận dữ dâng đầy, và không đếm xỉa đến đôi giầy, tôi bắt đầu chạy. Điều cuối cùng tôi muốn là Allessandro đuổi kịp và xin lỗi tôi vì sự thô lỗ của anh ta, lẽ ra anh ta nên cố là người như thế.

Đêm hôm ấy trên đường về, tôi bám vào những cái bóng và đường phố ít người qua lại. Lúc bước xuyên bóng tối, tôi hy vọng hơn là nhận thức được việc mình có đi đúng đường không, vì mải nghĩ đến cuộc tranh luận với Allessandro – và, cụ thể hơn, là những điều hay ho tôi có thể nói, nhưng đã không thốt nên lời – mất một lúc sau, tôi mới nhận ra mình bị bám đuôi.

Lúc đầu là một cảm giác kỳ quái vì bị theo dõi. Nhưng chẳng mấy chốc, tôi bắt đầu nhận ra những tiếng động yếu ớt của ai đó lén theo sau tôi. Mỗi khi tôi cố tiến nhanh về phía trước, tôi cảm nhận được tiếng sột soạt của quần áo và đế giầy mềm, nhưng nếu tôi đi chậm lại, tiếng sột soạt biến mất tôi chẳng nghe thấy gì ngoài sự yên lặng đáng lo ngại, càng ngày càng có vẻ nghiêm trọng hơn. Đột ngột rẽ xuống một đường phố hú họa, tôi có thể nhận ra chuyển động và bóng dáng một người đàn ông qua khóe mắt. Nếu tôi không nhầm, đó chính là gã đã theo tôi vài ngày trước, khi tôi rời nhà băng ở lâu đài và mang theo cái hộp của mẹ tôi. Rõ ràng với tôi, cuộc chạm trán trước đây là nguy hiểm, và lúc này, nhận ra hình thù và dáng đi ấy, cộng thêm tiếng còi báo động chói tai, gạt mọi ý nghĩ kiềm chế ra khỏi đầu, tôi tuột phắt đôi giầy và – lần thứ hai trong đêm ấy – tôi bắt đầu chạy.

Tim ta tới giờ yêu chưa nhỉ? Mắt ta ơi, hãy thề là chưa đi!

Vì ta chưa từng thấy nhan sắc thật sự nào cho đến đêm nay

--- --------oOo---- -------

Siena, 1340 Công Nguyên

Ban đêm khiến điều ác chín muồi.

Chẳng mấy chốc, Romeo và các anh em họ của chàng đã ra khỏi tầm nhìn của pháo đài Marescotti, họ lao vào một góc phố, nghẹn thở vì cười. Tối nay họ trốn khỏi nhà quá dễ dàng, vì lâu đài Marescotti đang rộn ràng khách khứa từ Bologna tới, và cha của Romeo, sĩ quan chỉ huy Marescotti bất đắc dĩ phải thết tiệc, có cả nhạc công tiêu khiển cho mọi người. Vả lại, Bologna đã khoản đãi họ, lẽ nào Siena không thể làm gấp mười?

Thừa biết là một lần nữa, họ lại vi phạm lệnh giới nghiêm của vị chỉ huy, Romeo và các anh em dừng lại, buộc dây mặt nạ hóa trang lòe loẹt mà họ thường đeo trong những cuộc phiêu lưu ban đêm. Lúc họ đứng đó, loay hoay buộc nút, thắt nơ, người bán thịt của gia đình đi qua, bưng một giỏ giăm bông cho bữa tiệc và một người giúp cầm đuốc, nhưng ông ta qua khôn ngoan, vờ như không nhận ra tốp thanh niên. Một ngày nào đó, Romeo sẽ là chủ nhân của lâu đài Marescotti và là người trả tiền cho những thứ ông ta cung cấp.

Khi đã đeo mặt nạ đâu vào đấy, tốp thanh niên đội lại mũ nhung, cố chỉnh làm sao cho khuôn mặt được che đi nhiều nhất. Cười rộng đến mang tai vì cảnh tượng của các bạn, một người trong bọn cầm cây đàn luýt mang theo và bật vài hợp âm vui vẻ: “Giu- hiu, hu, lietta” anh ta hát bằng giọng the thé, trêu đùa. “Ta sẽ là một con chi-i-i- của nàng, con chi - - im bé bỏng, tinh nghịch dâm đãng của nàng” – Anh ta nhảy vài bước lò cò như chim, khiến tất cả - trừ Romeo – nghẹn vì cười.

- Vui lắm đấy! –Romeo cáu kỉnh. – Cứ cười trên nỗi đau của ta, và ta sẽ cho các người biết tay!

- Đi thôi, - một người khác nói, hơi sốt ruột, - nếu chúng ta không nhanh lên, nàng sẽ đi nằm và bản dạ khúc của anh sẽ trở thành bài hát ru.

Nếu đàn ông bằng bước chân, cuộc hành trình tối nay của họ không dài, chỉ độ năm trăm sải. Nhưng nếu đàn ông bằng những thứ khác, thì đây là một cuộc phiêu lưu. Dù đã muộn, đường phố vẫn nhan nhản người – dân địa phương lẫn với người lạ, người mua kẻ bán, người hành hương với kẻ móc túi, - ở góc phố nào cũng có một nhà tiên tri đứng, tay cầm nến sáp, kết tội cõi trần gian nặng nhu cầu xác thịt, trong lúc hằm hè dán măt vào từng ả gái điếm đi qua vì phải kiềm chế, y hệt lũ chó thèm thuồng ngắm một dây dài xúc xích đung đưa. Họ phóng qua đường phố ngoằn nghèo, nhảy qua cái rãnh ở chỗ này, người ăn xin ở chỗ kia, chúi người tránh các quả bóng ném và các ghế kiệu, cuối cùng tốp thanh niên dừng lại biên rìa quảng trường Tolomei. Rướn người xem vì sao cả đám đông dứng im phăng phắc, Romeo thoáng thấy một thân hình ăn vận sặc sỡ đang nhấp nhô tới lui trong màn đêm tối tăm trên các bậc thềm nhà thờ San Cristoforo.

- Nhìn kìa! – Một người trong bọn nói. – Tolomei đã mời San Cristoforo đến ăn tối. Nhưng ông ta ăn vận chẳng bảnh bao gì lắm. Thật xấu hổ!

Cả bọn kinh sợ dõi theo đoàn người dưới ánh đuốc từ nhà thờ qua quảng trường tới lâu đài Tolomei, và Romeo chợt hiểu rằng đây là cơ hội cho chàng đàng hoàng bước thẳng vào tòa nhà bằng cửa trước, hơn là đứng loanh quanh một cách ngu ngốc dưới cửa sổ đoán chừng là của Giulietta. Một hàng dài những người tự cao tự đại theo sau các thầy tế cầm tượng thánh, tất thảy đều đeo mặt ná hóa trang. Thông thường, cứ vài tháng ngài Tolomei lại tổ chức vũ hội hóa trang để các bạn đồng minh bị trục xuất và những người nhà không coi trọng luật pháp lẻn vào nhà ngài. Nếu không làm thế, chắc chắn sàn nhảy sẽ không thể kín chỗ.

- Chúng tôi sẽ bị treo giò bằng các móng vuốt của số phận. – Romeo nói, lúc tập hợp đám anh em. – Hoặc là thế, hoặc số phận đang giúp chúng ta bằng cách dồn tất cả chúng ta vào chỉ trong khoảnh khắc và cười đắc thắng. Đi nào!

- Đợi đã! - Một người trong bọn nói. – Tôi sợ…

- Anh sợ quá sớm đấy! – Romeo cắt lời. – Nào, các quý ông cường tráng!

Sự lộn xộn trên các bậc thềm nhà thờ San Cristoforo chính là thứ Romeo cần, để lấy trộm một cây đuốc trên chòi canh và tìm bạn nhảy mà không bị ai nghi ngờ: một góa phụ trông có vẻ lớn tuổi hơn và không có bạn đi cùng lọt vào tầm ngắm.

- Xin mời, - chàng nói và giơ cánh tay. – Ngài Tolomei rất mong bảo đảm nguồn an ủi cho bà.

Người đàn bà hình như không hề phật ý với cánh tay cuồn cuộn cơ bắp đầy hứa hẹn của chàng và những nụ cười táo tợn của các bạn chàng.

- Đây là lần đầu tiên, - bà ta nói với vẻ trang trọng. – Nhưng tôi có thể nói, chắc ông ấy đang có nhiều sửa đổi.

Dường như là điều không thể với những người chưa nhìn thấy tận mắt, nhưng bước vào lâu đài của họ, Romeo phải kết luận rằng nhà Tolomei đã thực sự vượt xa sự lộng lẫy của nhà Marescotti. Mỗi bức tường là một câu chuyện về những chiến công lẫy lừng của Tolomei trong quá khứ và sự trung thành của Tolomei hiện tại, mà các mảng trần là những mạch chuyện tự phong là ngoan đạo. Nếu chỉ có một mình Romeo sẽ ngửa hẳn đầu lên và trố mắt ngắm nhìn vô vàn những sinh linh tuyệt đẹp khắp bầu trời riêng này. Nhưng không, đây còn có nhiều lính gác mặc chế phục, vũ trang đầy đủ đứng nghiêm dọc theo mỗi bức tường, và nỗi sợ bị phát hiện đủ để kìm hãm sự táo tợn của chàng, buộc chàng phải dành những lời ca ngợi cần thiết với góa phụ lúc họ xếp hàng để bắt đầu khiêu vũ.

Nếu như lúc trước, góa phụ có băn khoăn về thân phận thật của Romeo, thì bộ trang phục hảo hạng của chàng đã làm dịu phần nào thái độ hoài nghi của đám bạn bà, và đến lúc này, khi lấy tư thế để chuẩn bị khiêu vũ, phong thái của Romeo đã đoan chắc với bà dòng dõi quý tộc của chàng.

- Tối nay tôi thật may mắn, - bà ta lẩm bẩm, thận trọng để không ai nghe lỏm được, ngoài chàng. - - Nhưng hãy cho tôi biết, chàng tới đây với ý đồ đặc biệt gì trong đầu hay chỉ tới đây để …khiêu vũ?

- Xin thú thật, - Romeo nói trôi chảy, không hứa hẹn quá nhiều cũng không quá ít, - tôi mê khiêu vũ đến tội lỗi. Tôi xin thề có thể khiêu vũ nhiều giờ liền không nghỉ.

Người đàn bà cười dè dặt, thấy thỏa mãn ngay lập tức. Lúc bắt đầu khiêu vũ, bà ta có những cử chỉ tùy tiện quá mức chàng muốn, thỉnh thoảng bà lại lướt các ngón tay trên lớp áo nhung bên ngoài, tìm kiếm cái rắn chắc bên trong, nhưng Romeo đang mải nghĩ đến chuyện khác nên không né tránh bà. Tối nay, mối quan tâm duy nhất của chàng là tìm ra cô gái chàng đã cứu mạng, người có nét mặt đáng yêu được danh họa Ambrogio thể hiện trọn vẹn trên bức chân dung tuyệt diệu. Vị danh họa không cho chàng biết họ của nàng, nhưng không lâu sau, Romeo đã tự tìm ra. Cô gái tới chưa đầy một tuần lễ, tin đồn đã lan khắp thành phố rằng ngài Tolomei đưa một mĩ nhân lạ mặt có cặp mắt xanh thẳm như đại dương tên là Giulietta, đi lễ sáng Chủ nhật.

Nhìn quanh phòng lần nữa, - đầy những phụ nữ kiều diễm đang xoay tít trong những bộ váy áo rực rỡ, nam giới ở tư thế sẵn sàng đỡ lấy họ, - Romeo bối rối không hiểu vì sao không nhìn thấy cô gái đâu. Chắc chắn một bông hoa như thế sẽ truyền từ tay này sang tay khác, chẳng lúc nào rảnh rỗi mà ngồi; thử thách duy nhất là giải phóng nàng khỏi các chàng trai khác đang cầu khẩn sự chú ý của nàng. Trước đây Romeo đã gặp sự thách thức đó nhiều lần, và đó là một trò chơi mà chàng rất hứng thú. Kiên nhẫn luôn là nước cờ đầu tiên, giống như ông hoàng Hi Lạp trước bức tường thành Troy, kiên nhẫn và chịu đựng trong lúc các đối thủ khác lần lượt trở thành những kẻ lố bịch. Lúc đó sẽ là cuộc tiếp xúc đầu tiên, một nụ cười đượm vẻ trêu ghẹo, mưu mô cùng nàng chống lại cả bọn. Tiếp theo là một cái nhìn xuyên qua phòng, một cái nhìn đăm đăm, buồn rầu, nghiêm trang và ơn Chúa, cuối cùng, họ sẽ nắm tay trong một chuỗi các vũ điệu, trái tim nàng đập điên cuồng trong lồng ngực đến mức chàng có thể phát hiện ra những nhịp đập dồn trên cần cổ của nàng. Và ở đó, chính chỗ đó, sẽ là nơi chàng đặt nụ hôn đầu tiên….

Nhưng ngay cả sự kiên nhẫn theo phong cách Homere cũng không giúp ích được gì khi xung quanh hết vũ điệu này đến vũ điệu khác xoay mọi người tứ tung giống nhưng những mảnh thiên thạch trong vũ trụ, trừ chính người chàng hy vọng. Vì tất cả đều đeo mặt nạ nên chàng không thể khẳng định chắc chắn, nhưng nhìn mái tóc và nụ cười, chàng biết cô gái chàng theo đuổi không có trong số họ. Không gặp được nàng tối nay sẽ là một thảm họa, vì chẳng gì hơn buổi vũ hội hóa trang để chàng được bí mật lẻn vào lâu đài Tolomei, và chàng sẽ phải trở lại hát những bản dạ khúc dưới ban công của nàng - ở bất cứ chỗ nào có thể - bằng chất giọng mà tạo hóa không hề có ý định dùng để ca hát. Lẽ tất nhiên, có nguy cơ là tin đồn sai lạc, cô gái mắt xanh biếc ở buổi lễ kia là người khác. Nếu vậy, tối nay chàng vênh váo khắp sàn nhảy của ngài Tolomei té ra chỉ lãng phí thời gian, cô gái mà chàng cất công đến gặp rất có thể đang ngủ ngon lành ở một ngôi nhà nào đó trong thành phố. Romeo gần như bắt đầu thấy sợ khi bất chợt – giữa lúc cúi chào phong nhã trong vũ điệu – chàng cảm thấy như đang bị theo dõi.

Khi người ta đang giới thiệu một người quan trọng ở nơi chẳng có ai quan trọng, Romeo đưa mắt khắp phòng. Rốt cuộc, lúc này chàng đã thấy: một gương mặt, mạng che nửa chừng cài trên mái tóc, đang nhìn thẳng vào chàng dưới bóng của hành lang tầng trên. Nhưng ngay khi chàng nhận ra gương mặt trái xoan thì người phụ nữ đã thụt vào bóng tối, dường như sợ bị phát hiện. Chàng qyay mặt, hướng về người bạn nhảy, đỏ bừng vì phấn khích. Dẫu chỉ thoáng nhìn thấy người phụ nữ ở trên cao, nhưng thâm tâm chàng tin chắc hình dáng chàng nhìn thấy chính là nàng Giulietta đáng yêu. Nàng cũng nhìn thấy chàng, dường như nàng biết chàng là ai và vì sao chàng lại tới.

Một vũ điệu khác đưa chàng lượn quanh phòng, trang trọng, hài hòa, cuối cùng Romeo phát hiện ra một người anh họ trong đám đông và cố gọi anh ta lại bằng cái nhìn trừng trừng sắc bén.

- Anh đã ở đâu đấy? – Chàng rít lên. – Anh không thấy tôi sắp chết ở đây sao?

- Anh nợ tôi một lời cảm ơn, chứ không phải một lời nguyền rủa, - người kia đáp khẽ,vẫn khiêu vũ tiếp, - vì đây là một bữa tiệc vớ vẩn, rượu vang nhạt hoét và phụ nữ thì vô duyên, và…đợi đã!

Nhưng Romeo đã bỏ đi, bỏ ngoài tai những lời ca than và phớt lờ cái nhình trừng trừng, trách móc của người góa phụ. Chàng biết, trong một đêm như đêm nay, không cánh cửa nào ngăn cản nổi một người táo bạo. Tất thảy người hầu và lính gác đều tập trung ở tầng trệt, mọ thứ ở tầng trên với người đang yêu như một khu rừng mênh mông đối với người thợ săn: một lời hứa hẹn ngọt ngào cho lòng kiên nhẫn. Ở tầng trên, hương thơm chóng mặt của bữa tiệc bên dưới làm người già trẻ lại, người khôn ngoan trở thành ngốc nghếch, kẻ keo kiệt thành hào phóng, và lúc đi xuyên hành lang tầng trên, Romeo qua nhiều chỗ tối tăm đầy những tiếng lụa sột soạt và tiếng cười rúc rích cố nén. Lúc qua một góc đặc biệt dâm ô, chàng suýt dừng lại để nhìn chằm chằm, tò mò vì sự linh động vô biên của thân hình con người.

Tuy nhiên, càng xa cầu thang, các xó xỉnh càng yên lặng hơn, cuối cùng, lúc Romeo bước vào một hành lang nhìn xuống sàn nhảy, chẳng thấy tăm hơn người nào. Nơi Giulietta đã đứng, nấp sau cây cột đá hoa lúc này hoàn toàn trống rỗng, và cuối hành lang là một cánh cửa đóng chặt khiến chàng không dám mở.

Nỗi thất vọng của chàng dâng cao. Tại sao chàng không dứt khỏi cuộc khiêu vũ sớm hơn, như một ngôi sao băng thoát sự buồn chán bất diệt của bầu trời? Tại sao chàng lại tin chắc nàng vẫn còn ở đó, đợi chàng? Thật điên rồ. Chàng đã tự kể một câu chuyện, và lúc này chính là lúc cho đoạn kết thảm thương.

Lúc chàng xoay người định bỏ đi, cánh cửa cuối hành lang bật mở, và một thân hình mảnh dẻ, mái tóc sáng ngời lướt qua ngưỡng cửa, - y hệt một nữ thần rừng kịp lách mình qua một kẽ nứt, - rồi cửa đóng lại với tiếng thịch trống rỗng, Trong giây lát, không còn sự chuyển động hoặc âm thanh nào ngoài tiếng nhạc ở tầng dưới, song Romeo tưởng như có thể cảm thấy ai đó đang thở, ai đó giật mình khi thấy chàng đứng đấy, lù lù trong bóng tối và lúc này đang cố bắt kịp hơi thở của nàng.

Có lẽ chàng phải thốt một lời nhẹ nhõm, nhưng nỗi phấn khích của chàng quá lớn, không thể khuôn theo phép tắc lịch sự. Lẽ ra nên xin lỗi vì đã đột nhập, hay tốt hơn là tự xưng tên kẻ đột nhập, nhưng chàng chỉ rứt bỏ cái mặt nạ hóa trang và bước tới, háo hức, muốn kéo nàng khỏi bóng tối rồi cuối cùng, để lộ gương mặt thật của nàng. Nàng không lôi kéo chàng cũng không lẩn tránh, thay vào đó nàng tiến tới rìa ban công và nhìn xuống những người khiêu vũ. Như được cổ vũ, Romeo đi theo nàng và lúc nàng nhoài người trên hàng chấn song, chàng tha hồ ngắm nét mặt trông nghiêng của nàng, sinh động vì ánh sáng từ bên dưới. Trong khi danh họa Ambrogio phóng đại những đường nét cao quý của nhan sắc nàng, ông đã không công bằng với độ sáng của đôi mắt và sự bí ẩn trong nụ cười của nàng. Và chắc rằng, ông đã để phần cho Romeo khám phá sự mềm mại chín mọng trên đôi môi sống động của nàng.

- Chắc đây phải là một cuộc ve vãn nổi tiếng của kẻ hèn nhát nhát, - lúc này, cô gái cất lời.

Sửng sốt vì sự cay chua trong giọng nói của nàng, Romeo không biết trả lời ra sao.

- Còn ai khác ngoài kẻ mất cả buổi tối ngọt ngào với hình nộm trong lúc những tên sát nhân diễu khắp thành phố, khoe khoang những thành tích của chúng? Có người đàn ông đứng đắn nào lại chiêm ngưỡng một bữa tiệc như thế này, trong khi huynh đệ của họ …-Nàng không thể nói tiếp.

- Hầu hết mọi người, - Romeo nói, giọng chàng nghe lạ lẫm ngay với chính bản thân chàng, - đều coi ngài Tolomei là người can đảm.

- Thế thì hầu hết mọi người đều nhầm. – Nàng đáp lại, - Còn ngài, thưa signore, ngài đang phí thời giờ đấy. Tối nay tôi sẽ không khiêu vũ, lòng tôi đang trĩu nặng. Vậy, hãy trở lại với dì tôi và mải mê âu yếm bà, vì ngài sẽ không nhận được gì từ tôi đâu.

- Tôi không đến đây, - Romeo nói và liều lĩnh tiến đến gần hơn, - để khiêu vũ. Tôi ở đây….vì tôi không thể ở xa được. Nàng quyết không nhìn tôi sao?

Nàng ngập ngừng, cố không nhúc nhích.

- Tại sao tôi phải nhìn ngài? Vì tâm hồn ngài thua kém thân xác ngài chăng?

- Tôi không hiểu tâm hồn tôi, - Romeo nói, hạ giọng, - cho đến khi tôi nhìn thấy nó phản chiếu trong mắt nàng.

Nàng không trả lời ngay, nhưng khi cất tiếng, giọng nàng đanh sắc, đủ làm trầy xước sự can đảm của chàng:

- Ngài hạ nhục cặp mắt tôi bằng trí tưởng tượng của ngài từ bao giờ vậy? Với tôi, ngài chỉ là một hình dáng xa xa của một người khiêu vũ giỏi. Ma quỷ nào đã lấy trộm mắt tôi và đem cho ngài vậy?

- Giấc ngủ là thủ phạm, - Romeo nói, đăm đăm nhìn nét mặt trông nghiêng của nàng và hy vọng được nàng mỉm cười đáp lại. – Nó lấy chúng từ trên gối nàng và đem đến cho tôi. Ôi, giấc mơ ấy mới giày vò êm dịu làm sao!

- Giấc ngủ, - cô gái vặn lại, mái đầu nàng vẫn ương ngạnh quay đi – là cha của lừa dối!

- Nhưng là mẹ của hy vọng Giulietta.

- Có lẽ thế. Nhưng con đầu lòng của hy vọng là thảm kịch.

- Nàng nói với vẻ trì mến quen thuộc mà người ta chỉ nói với người thân thuộc.

- Ôi không! – nàng kêu lên, giọng the thé gay gắt. – Tôi không đủ can đảm để khoe những mối quan hệ trọng đại như thế. Khi nào chết, tôi sẽ chết trong một dáng vẻ trang nghiêm, mộ đạo, để các học giả tranh cãi về dòng dõi của tôi.

- Tôi không quan tâm đến dòng dõi của nàng, - Romeo nói, liều đưa tay chạm vào cổ nàng, - ngoài việc lần theo sự bí ẩn trên da nàng

Trong giây lát, sự đụng chạm của chàng khiến nàng im lặng. Khi nàng nói tiếp, những lời hổn hển của nàng làm cho sự cố tình xua đuổi không còn hiệu lực.

- Lúc đó tôi e rằng, - nàng nói, và ngoảnh lại, - rằng ngài sẽ thất vọng. Vì làn da tôi báo hiệu rằng sẽ không có một câu chuyện thú vị nào cả, mà sẽ chỉ có chuyện về tàn sát và báo thù.

Lúc này Romeo tỏ ra bạo dạn hơn vì nàng đã cho phép hành động liều lĩnh đầu tiên của chàng, Romeo đưa cả hai tay nắm lấy vai nàng và nhoài tới, nói qua mái tóc mềm như lụa của nàng.

- Tôi đã nghe nói về những mất mát của nàng. Không có trái tim nào ở Siena không cảm nhận được nỗi đau của nàng.

- Vâng, đúng thế! Nỗi đau ấy bắt nguồn từ lâu đài Salimbeni, nơi không hề có tình người! –Nàng gỡ đôi tay chàng. – Biết bao lần tôi ước giá mình là đàn ông!

- Sinh ra là đàn ông cũng không chống lại được nỗi buồn.

- Thực vậy ư? – Cuối cùng, nàng quay mặt về phía chàng, chế nhạo vẻ nghiêm trang của chàng. – Vậy thì, nỗi buồn của ngài là gì vậy, signore? – Cặp mắt nàng ngời sáng ngay cả trong bóng tối, nhìn chàng vẻ thích thú rồi dừng lại ở mặt chàng. – Không, tôi ngờ rằng ngài điển trai quá nên không có thời gian mà buồn. Đúng hơn, ngài có giọng nói và bộ mặt của một tên trộm.

Thấy chàng phẫn nộ, nàng cười lanh lảnh và nói tiếp:

- Phải, một tên trôm. Nhưng tên trộm này đem cho nhiều hơn lấy vì thế tự coi mình là hào phóng hơn tham lam, được sủng ái hơn bị ghét bỏ. Hãy cãi lại tôi đi, nếu có thể. Ngài là người luôn được ngưỡng mộ. Một người như thế buồn sao được?

Romeo đón nhận cái nhìn trêu chọc của nàng bằng vẻ tự tin:

- Không người đàn ông nào đi tìm mà không thấy. Trên đường đi, có người hành hương nào nỡ từ chối bữa ăn và chỗ ngủ? Xin đừng ghen tị với tôi vì độ dài cuộc hành trình của tôi. Không là lữ khách, tôi sẽ không bao giờ được đặt chân lên bờ bến của nàng.

- Nhưng sự dã man kỳ lạ nào mới giữ được chân một thủy thủy ở mãi trên bờ? Người hành hương nào chẳng có lúc chán ngán cái ghế giản dị và lại lên đường đến những nơi linh thiêng xa xôi hơn và chưa được khám phá?

- Lời lẽ của nàng không công bằng cho cả hai ta. Cầu xin nàng, xin đừng cho tôi là kẻ không bền lòng trước khi nàng biết tên tôi.

- Đây là bản tính man rợ của tôi.

- Tôi không nhìn thấy gì ngoài vẻ đẹp.

- Vậy ngài sẽ chẳng nhìn thấy gì ở tôi

Romeo nắm lấy tay nàng, mở lòng bàn tay nàng ra và áp lên má chàng:

- Tôi đã nhìn thấy nàng, nàng man rợ thân mến, trước khi nàng nhìn thấy tôi. Còn nàng đã nghe thấy tôi trước khi tôi nghe thấy nàng. Chúng tôi có thể sẽ vẫn sống như thế, bị chia cách bởi các giác quan còn thiếu, nếu như đêm nay nữ thần May mắn không ban cho nàng thêm đôi mắt, và ban cho tôi thêm đôi tai.

Cô gái cau mày:

- Những vần thơ của ngài thật khó hiểu. Ngài muốn tôi hiểu ngài, hay ngài hy vọng tôi nhầm tưởng sự đần độn của tôi là sự thông thái của ngài?

- Lạy Chúa tôi! –Romeo kêu lên. – Thần May mắn là một người hay chòng ghẹo! Bà ấy cho nàng đôi mắt, nhưng lại lấy đi đôi tai của nàng. Giulietta, nàng không nhận ra giọng nói chàng hiệp sĩ của nàng thật sao? – Chàng đưa tay chạm vào má nàng y hệt như chàng đã làm khi nàng nằm giả chết trong quan tài. – Nàng không nhận ra cái vuốt má này ư? – Chàng nói thêm, tiếng chàng chỉ hơn tiếng thì thầm một chút.

Trong khoảnh khắc ngắn ngủi, Giulietta trở nên mềm yếu và áp má gần hơn vào bàn tay chàng, tìm an ủi trong sự gần gũi. Nhưng Romeo tưởng nàng nhượng bộ mình nên thấy ngạc nhiên khi nàng nheo mắt lại. Lẽ ra nên mở cánh của trái tim cho chàng – cho đến nay, hình như nó vẫn khép hờ, - thì lúc này nàng lùi phắt lại, rời khỏi bàn tay chàng.

- Dối trá! –Ai cử ngài đến đây đùa giỡn tôi?

Chàng há hốc miệng, ngạc nhiên:

- Giulietta dịu dàng…

Nhưng nàng không nghe nữa, và chỉ đẩy chàng rời xa nàng.

- Đi đi! Hãy đi nơi khác mà cười nhạo tôi cùng các bè bạn của ngài

- Tôi thề với nàng! – Romeo vẫn đứng nguyên tại chỗ và định với lấy bàn tay nàng, nhưng nàng không chịu. Chàng nắm lấy vai nàng giữ nàng đứng yên, thất vọng vì nàng không nghe mình.

- Tôi là người đã cứu nàng và tu sĩ Lorenzo trên đường cái, - chàng nhấn mạnh, - và nàng đã vào thành phố này dưới sự che chở của tôi. Tôi đã nhìn thấy nàng nằm trong qua tài ở xưởng vẽ của nhà danh dọa…. – Nói xong, Romeo thấy mắt nàng mở to, nàng nhận ra chàng nói thật, nhưng thay vì cảm kích, khuôn mặt nàng lại tràn ngập lo âu

- Tôi biết, - nàng nói, giọng run run. – Và bây giờ, tôi cho rằng ngài đến để thu lượm quyền được hưởng của ngài?

Chỉ lúc đó, nhìn thấy nỗi lo sợ của nàng, Romeo mới thấy thoải mái hơn để nắm lấy bờ vai nàng và nắm chặt đến mức nàng băn khoăn về mục đích của chàng, Tự trách mình quá bốc đồng, chàng nhẹ nhàng buông nàng ra và lùi một bước, thầm mong nàng không bỏ chạy. Cuộc chạm trán này không giống chút nào với dự tính của chàng. Nhiều đêm nay, chàng đã mơ đến lúc Giulietta bước ra ban công vì nghe thấy bản dạ khúc của chàng, và xiết chặt lấy lồng ngực, ngưỡng mộ chính con người chứ không phải bài hát của chàng.

- Tôi đến đây, - Romeo nói, cái nhìn của chàng van lơn nàng tha thứ, - để được nghe giọng nói ngọt ngào của nàng gọi tên tôi. Vậy thôi.

Nhìn thấy sự chân thành của chàng, nàng đủ can đảm để mỉm cười

- Romeo. Romeo Marescotti, - Nàng thì thầm, -xin Chúa phù hộ chàng. Vậy, tôi còn nợ chàng gì không?

Chàng suýt bước tới lần nữa, nhưng cố kìm mình và giữ nguyên khoảng cách.

- Nàng không nợ tôi gì hết, nhưng tôi muốn có tất cả. Tôi đã tìm kiếm nàng khắp thành phố, từ khi biết nàng còn sống. Tôi biết là phải gặp nàng và…nói với nàng. Thậm chí, tôi còn cầu nguyện Chúa Trời…- chàng đột nhiên ngừng lại, ngượng ngùng.

Giulietta nhìn chàng rất lâu, cặp mắt xanh thăm thẳm của nàng mở to ngạc nhiên:

- Và Chúa đã cho chàng biết những gì?

Romeo không thể đợi được lâu hơn nữa, chàng chộp lấy bàn tay nàng và đưa lên môi.

- Người bảo tôi rằng tối nay nàng ở đây và đang đợi tôi.

- Nếu vậy thì, chắc chàng là lời giải đáp cho những lời cầu nguyện của tôi, - Nàng nhìn chàng, băn khoăn lúc chàng hôn tay nàng, lần nữa rồi lần nữa. – Mới sáng nay thôi, trong nhà thờ, tôi đã cầu nguyện mong có một người, một vị anh hùng có thể trả thù cho cái chết khủng khiếp của gia đình tôi. Giờ đây, tôi thấy mình nhầm khi cầu xin để có một người anh hùng khác. Vì chàng là người đã giết chết tên cướp trên đường cái và bảo vệ tôi đúng lúc tôi cần. Vâng, - nàng đưa bàn tay kia lên mặt chàng, - tôi tin chàng chính là vị anh hùng đó.

- Nàng làm tôi vinh dự quá, - Romeo nói, thẳng thắn, -Tôi không muốn gì hơn được làm hiệp sĩ của nàng.

- Hay quá, - Giulietta nói, - vậy là chàng đã dành cho tôi một thiện ý không nhỏ. Hãy tìm ra tên Salimbeni tàn nhẫn ấy, bắt hắn phải chịu đau khổ như hắn đã làm với gia đình tôi. Và khi đã xong việc, chàng hãy mang hộp đựng đầu hắn đến cho tôi, để hắn lang thang không đầu khắp các chốn tại nơi luyện ngục.

Romeo thấy rất khó khăn để chấp nhận, nhưng vẫn cố gật đầu.

- Mong muốn của nàng là mệnh lệnh đối với tôi, thiên thần yêu quý nhất ạ. Nàng cho phép tôi vài ngày để hoàn thành nhiệm vụ này, hay hắn phải bị trừng phạt ngay đêm nay?

- Xin tùy ý chàng, - Giulietta nói với vẻ khiêm nhường rất duyên dáng. – Chàng lão luyện trong việc giết bọn Salimbeni mà.

- Khi tôi làm xong, - Romeo nói và nắm lấy cả hai bàn tay nàng. – Nàng sẽ ban cho tôi một nụ hôn vì sự khó nhọc của tôi chứ?

- Khi chàng làm xong, - Giulietta đáp và quan sát chàng ép môi lên cổ tay nàng, cái thứ nhất, rồi cái tiếp theo, - tôi sẽ ban cho chàng mọi thứ chàng ao ước.

Nàng dựa vào gò má của màn đêm

Tựa viên ngọc quý lấp lánh nơi tai thiếu nữ Etiopi

--- --------oOo---- -------

Thành phố Siena đã ngủ say và không hề động lòng trắc ẩn. Những đường phố tôi chạy qua đêm ấy chỉ là những dòng suối im lặng đen ngòm và mỗi thứ tôi qua – xe máy, thùng rác, ô tô –đều bị ánh trăng mờ sương che phủ, dường như vẫn bị mê man trong tư thế xuất thần ấy từ một trăm năm nay. Mặt tiền các ngôi nhà quanh tôi đều như xua đuổi; các cửa ra vào không có quả đấm ở ngoài, từng cửa sổ đơn độc đóng chặt và có cánh chớp che ngoài. Bất cứ chuyện gì diễn ra trên các con đường về đêm ở thành phố cổ này, cư dân của nó đều không muốn biết.

Dừng lại một chút, tôi có thể nghe thấy – từ nơi nào đó trong bóng tối phía sau – tên côn đồ cũng bắt đầu chạy. Hắn không thèm che giấu việc đang đuổi theo tôi, bước chân của hắn nặng và không đều, đế giầy của hắn cào xước những tảng đá lát đường mấp mô, ngay cả khi đứng lại đánh hơi dấu vết của tôi, hắn thở vẫn nghe hổn hển như người không quen vận động. Dù vậy, tôi không thể vượt hắn, dù tôi có chuyển động nhẹ nhàng hoặc nhanh nhẹn đến đâu, hắn vẫn lần được ra và theo tôi tới từng góc phố, gần như hắn có thể đọc được ý nghĩ của tôi.

Bàn chân trần của tôi đau đớn vì đạp mạnh lên đá lạnh, tôi suýt ngã khi chạy qua một ngõ hẹp ở cuối phố hẻm, hy vọng có lối thoát ở đầu kia, tốt nhất là có vài lối. Nhưng chẳng có gì. Tôi rơi vào một ngõ cụt, mắc kẹt giữa những ngôi nhà cao ở mọi phía. Không có lấy một bức tường hoặc hàng rào để tôi trèo qua, không có thùng rác để tôi nấp đằng sau, và phương tiện tự vệ duy nhất của tôi là đôi giầy gót nhọn hoắt.

Đối mặt với định mệnh, tôi dồn hết sức cho cuộc chạm trán, Kẻ hạ lưu này muốn gì ở tôi? Ví tiền của tôi? Cây thánh giá trên cổ tôi? Hay là…tôi? Hay cũng như tôi, hắn muốn biết về kho báu của gia đình tôi, và trong tình hình này, tôi có thể bảo hắn rằng chẳng có gì quý giá hết. Không may, phần lớn bọn cướp – theo lời Umberto – không xử sự tử tế nếu thất vọng, vì thế tôi thọc nhanh tay vào xắc tay và lấy ví ra, hy vọng rằng các thẻ tín dụng của tôi trông rực rỡ đầy thuyết phục. không ai ngoài tôi biết rằng trong đó có khoảng hai chục ngàn đô la tiền nợ.

Lúc tôi đứng đó, đợi việc chắc chắn xảy ra, tim tôi đập thình thịch, chìm nghỉm trong tiếng một chiếc xe máy đang tới gần. Thay vì nhìn thấy tên côn đồ xuất hiện, đắc thắng ở lối vào ngõ cụt, tôi thấy một tia sáng kim loại lóe lên lúc chiếc xe máy vụt qua tôi và lao xuống đường khác. Nhưng thay vì chạy mất, nó bỗng dừng lại, lốp xe rít lên, tay lái rẽ ngoặt vài lần, vẫn không dừng ở bất cứ chỗ nào gần tôi. Đến lúc này, tôi mới nhận ra tiếng bước chân của kẻ đi giầy đế mềm đã vội rút lui bán sống bán chết xuống phố, thở hổn hển vì hốt hoảng, rồi biến mất ở một góc xa cùng mùi khói nồng nặc của chiếc xe máy lao theo vết hắn, giống như con mồi chạy trốn dã thú.

Sau đó là sự tịch mịch đột ngột.

Vài giây qua đi – có lẽ khoảng nửa phút – không thấy tên côn đồ cũng như chiếc xe máy trở lại. Cuối cùng, khi đủ can đảm thò ra khỏi phố hẻm, tôi không sao nhìn ra góc phố tiếp theo ở hướng nào. Tuy nhiên, lạc trong bóng tối rõ ràng đỡ tệ hại hơn việc xảy ra với tôi lúc nãy, và ngay khi tìm thấy bốt điện thoại công cộng, tôi gọi cho giám đốc Rossini hỏi lối về khách sạn. Không đếm xỉa gì đến việc tôi bị lạc và đang trong tình cảnh khốn khổ, lời đề nghị của tôi rõ ràng khiến ông hài lòng.

Lên một đường phố, tôi vừa đi được vài mét, một cái gì đó đập vào mắt tôi trong bóng tối đằng trước. Đó là chiếc xe máy và người lái xe, đỗ yên lặng giữa phố, đang nhìn thẳng vào tôi. Ánh trăng chiếu vào cái mũ bảo hiểm và các bộ phận bằng kim loại của chiếc xe, cho thấy hình ảnh một người đàn ông mặc đồ da màu đen, kính mũ bảo hiểm che kín mặt, ngồi đó rất kiên nhẫn đợi tôi xuất hiện.

Hoảng sợ là một phản ứng tự nhiên, nhưng tôi vẫn đứng đó, vụng về, tay xách giầy và cảm thấy vô cùng bối rối. người này là ai? Tại sao gã chỉ ngồi đó, nhìn tôi chằm chặp? Có phải chính gã đã cứu tôi khỏi tên côn đồ kia? Nếu thế, gã đợi tôi tới để cảm ơn chăng?

Nhưng sự biết ơn của tôi tắt ngóm ngay lúc gã bật đèn pha, chùm tia sáng chói lọi làm tôi quáng mắt. Lúc tôi giơ tay che mắt, gã khởi động xe, rú ga hai lần, rồi lao thẳng về phía tôi.

Quay ngoắt đi, tôi chạy xuống phố theo đường mà vẫn quáng mắt và tự rủa mình là đồ ngu. Dù gã là ai đi nữa, rõ ràng gã không phải là bạn bè. Rất có thể gã là một tay bất mãn ở địa phương, qua đêm bằng cái kiểu đáng buồn này, lái xe khắp nơi và hăm dọa những con người hiền lành. Dẫu tình cờ nạn nhân mới nhất của gã là tên lén theo tôi, điều đó cũng không thể làm chúng tôi trở thành bạn của nhau. Gã để tôi chạy một chút, thậm chí đợi cho đến lúc tôi rẽ ở góc phố đầu tiên, gã mới đuổi theo. Không phóng nhanh, hình như gã muốn tôi kiệt sức, chỉ đủ nhanh để tôi biết rằng tôi sẽ không thoát nổi.

Đó là lúc tôi nhìn thấy cánh cửa màu xanh lơ.

Tôi vừa rẽ thêm một góc phố nữa, và hiểu rằng tôi chỉ có chút ít cơ hội, trước khi ngọn đèn pha phát hiện ra tôi lần nữa, thì cánh cửa màu xanh lơ hiện ra ngay trước mặt tôi: cánh cửa xanh ở xưởng vẽ của người họa sĩ, khép hờ một cách kỳ diệu. Tôi không kịp dừng lại để cân nhắc liệu ở Siena có cánh cửa xanh lơ nào nữa không, hoặc đột nhập vào nhà người khác lúc đêm hôm khuya khoắt này có phải là ý hay không. Tôi chỉ kịp làm thế. Vừa lọt vào trong, tôi đóng sập cửa và dựa lưng vào đó, lo sợ lắng nghe tiếng xe máy chạy qua bên ngoài và cuối cùng tắt hẳn.

Phải thừa nhận rằng, khi chúng tôi gặp nhau trong vườn tu viện ngày hôm trước, tôi có ấn tượng rằng người họa sĩ tóc dài là một tay khá lập dị, nhưng khi bạn bị những kẻ hung ác săn đuổi qua những phố hẻm thời Trung cổ, bạn không thể chần chừ, kén cá chọn canh.

Xưởng vẽ của họa sĩ bậc thầy Lippi có phong cách rất lạ lùng. Trông nó như quả bom đã nổ của thần cảm hứng, và không chỉ nổ một lần. Trên cái nền nhà bình thường đặt rải rác những bức tranh pho tượng, sắp đặt kỳ quái ở khắp mọi nơi. Rõ ràng vị danh hoạ này là người có nhiều cách thức để truyền tải tài năng nghệ thuật của mình. Giống như một thiên tài về ngôn ngữ, ông nói bằng thứ tiếng phù hợp với tâm trạng, chọn dụng cụ và chất liệu với một kỹ năng tuyệt vời. Giữa mọi thứ ấy, một con chó đứng và đang sủa, trông như một sự hòa trộn ngộ nghĩnh của giống chó lông mịn với một con Doberman thuần giống.

- Chà! – Danh họa Lippi nói, nhô ra từ sau một giá vẽ ngay khi nghe tiếng chó sủa, - cô đấy à. Tôi đang tự hỏi bao giờ cô mới đến. – Rồi không nói thêm lời nào, ông biến mất. Lát sau, khi trở lại, ông xách theo một chai vang, hai cái ly và một ổ bánh mì. Thấy tôi không nhúc nhích, ông cười lúc cúc. – Cô phải tha lỗi cho Dante thôi. Nó luôn nghi ngờ đàn bà.

- Tên nó là Dante? – Tôi nhìn xuống con chó, nó đang tha tới cho tôi một chiếc dép lê cũ nhầy nhụa, như muốn xin lỗi theo cách của nó. – Kỳ quái thật, đấy là tên con chó của danh họa Ambrogio Lorenzo!

- Ờ, đây là xưởng vẽ của ông ấy mà. – Danh họa Lippi rót cho tôi ly vang đỏ. – Cô biết ông ấy ư?

- Ông định nói là ngài Ambrogio Lorenzo? Từ năm 1340.

- Tất nhiên rồi! – danh họa Lippi mỉm cười và nâng ly. – Mừng cô đã trở lại. Chúng ta hãy uống, chúc mừng những cuộc trở về may mắn. Chúng ta hãy uống vì Diana!

Tôi suýt nghẹn. Ông ta biết mẹ tôi ư?

Không để tôi kịp lắp bắp, nhà danh họa ngả người gần về phía tôi hơn, vẻ bí ẩn:

- Có một huyền thoại và dòng sông Diana, sâu, sâu thẳm trong lòng đất. Chúng ta không bao giờ tìm thấy nó, nhưng tương truyền, thỉnh thoảng lúc đêm hôm khuya khoắt, người ta tỉnh dậy giữa cơn mơ và có thể cảm nhận được nó. Cô có biết thời cổ đại, ở Campo có một ngôi đền thờ Diana. Người La Mã thi điền kinh, săn bò đực và quyết đấu ở đấy. Hiện giờ, chúng tôi có Palio thờ Đức Mẹ Đồng Trinh Maria. Bà là người mẹ ban cho chúng ta nguồn nước để chúng ta có thể vươn lên như những cây nho, thoát khỏi tăm tối.

Trong giây lát, chúng tôi chỉ đứng, nhìn nhau chằm chặp, và tôi có một cảm giác lạ lùng rằng nếu muốn, danh họa Lippo có thể kể cho tôi nghe nhiều điều bí mật về tôi, về số phận của tôi, về tương lai của mọi sự việc, những bí mật mà tôi phải mất nhiều cuộc đời mới tự khám phá nổi. Nhưng ý nghĩ ấy vừa hình thành đã tan ngay vì nụ cười say khướt của nhà danh họa lúc ông giật ly vang khỏi tay tôi và để xuống bàn.

-Đi nào! Tôi có một thứ muốn cho cô xem. Có nhớ tôi đã nói với cô rồi không?

Ông dẫn tôi vào một phòng khác, có thể nói căn phòng này còn nhồi nhét nhiều tác phẩm nghệ thuật hơn trong xưởng vẽ. Một phòng phía trong, không cửa sổ, rõ ràng dùng để làm kho.

- Đợi một chút, - danh họa Lippi đi thẳng qua đống lộn xộn đó và cẩn thận gỡ mảnh lụa che một bức tranh nhỏ treo trên tường phía xa. – Cô nhìn xem!

Tôi bước đến gần hơn đẻ nhìn cho rõ, nhưng khi thấy tôi đến quá gần, ông liền ngăn tôi lại.

- Cẩn thận. Tranh đã quá cũ rồi. Đừng thở vào nó.

Đó là bức chân dung một cô gái, một cô gái đẹp, cặp mắt to xanh biếc nhìn mơ màng về phía sau tôi. Hình như nàng buồn, nhưng đồng thời lại đầy hy vọng, bàn tay nàng cầm một bông hồng năm cánh.

- Tôi thấy nàng trông giống cô, - danh họa Lippi nói, hết nhìn nàng lại nhìn tôi, rồi lại nhìn bức tranh, - hoặc có lẽ cô giống nàng. Không chỉ đôi mắt, mái tóc, mà…còn một thứ khác. Tôi không rõ. Cô thấy sao?

- Tôi nghĩ đó là một lời khen mà tôi không xứng đáng. Ai vẽ bức tranh này vậy?

Nhà danh họa nghiên người về phía tôi, cười thích thú:

- Tôi tìm thấy nó khi tiếp nhận xưởng vẽ. Trong một cái hộp kim loại, giấu bên trong tường. Có cả một cuốn sách nữa. Một cuốn nhật ký. Tôi cho rằng…- Danh họa Lippi chưa kịp nói hêt, tóc gáy tôi đã dựng đứng và tôi biết chính xác những lời ông sẽ nói. - …Không, thực ra, tôi tin chắc chính Ambrogio Lorenzo đã giấu cái hộp. Nhật ký là của ông ấy. Và tôi nghĩ ông chính là người vẽ bức tranh này. Tên nàng giống hệt tên cô, Giulietta Tolomei. Ông đã viết cái tên đó đằng sau bức tranh.

Tôi trân trân nhìn bức tranh, không thể tin nổi đây chính là bức chân dung tôi đã đọc về nó. Từng li từng tí một đều mê hoặc như tôi hình dung.

- Ông vẫn còn giữ cuốn nhật ký ấy chứ?

- Không. Tôi bán rồi. Tôi nói chuyện đó với một người bạn, người đó lại nói với người bạn khác, rồi bỗng nhiên có một người đàn ông tới muốn mua nó. Tên ông ta là giáo sư…giáo sư Tolomei. – Danh họa Lippi nhìn tôi, nhếch lông mày. – Cô cũng là một Tolomei. Cô có biết ông ta không? Ông ấy rất già.

Tôi ngồi sụp xuống cái ghế gần nhất. Thực ra không phải là ghế nhưng tôi không quan tâm.

- Ông ấy là cha tôi. Ông đã dịch cuốn nhật ký sang tiếng Anh. Hiện nay tôi đang đọc. Cả cuốn nhật ký chỉ viết về nàng, - tôi hất đầu về phía bức tranh. – Giulietta Tolomei. Chắc chắn nàng là tổ tiên của tôi. Trong nhật ký, ông ấy đã miêu tả cặp mắt nàng….và chúng ở kia.

- Tôi biết mà! – Danh họa Lippi quay ngắt đi, đối diện với bức tranh, vẻ bối rối, hài lòng. – Nàng là tổ tiên của cô!- Ông cười vang và quay lại, nắm chặt vai tôi. – Tôi rất mừng là cô đến gặp tôi.

- Tôi không hiểu vì sao danh họa Ambrogio phải giấu các thứ này trong trường. Hay có khi không phải ông ấy, mà là một người khác…

- Đừng nghĩ ngợi nhiều thế! – Danh họa Lippi đe. – Nó sẽ làm mặt cô nhăn nheo đấy. –Ông dừng lại, sửng sốt vì cảm hứng bất ngờ ập đến, - Lần sau cô đến đây, tôi sẽ vẽ cô. Khi nào cô trở lại? Mai nhé?

- Thưa ông…- Tôi biết phải chộp lấy lúc này, khi ông còn đủ tỉnh táo chạm được tới thực tế. – Tôi không biết liệu tôi có thể ở đây thêm chút nữa hay không? Tối nay.

Ông tò mò nhìn tôi, dường như chính tôi chứ không phải ông đang biểu hiện nhiều dấu hiệu điên rồ.

Tôi cảm thấy phải giải thích:

- Có một người ở ngoài kia…tôi không biết sẽ xảy ra chuyện gì nữa. Gã này…- tôi lắc đầu. – Tôi biết nghe có vẻ dở hơi, nhưng tôi đang bị săn đuổi, và tôi không hiểu vì sao.

- Ôi chao, - danh họa Lippi nói. Rất cẩn thận, ông phủ mạnh lụa lên bức chân dung Giulietta Tolomei và đưa tôi trở lại xưởng vẽ. Ông mời tôi ngồi xuống ghế và đưa tôi ly vang, rồi ông cũng ngồi đối diện với tôi như thể ngồi trước mặt một đứa trẻ đang đòi kể chuyện. – Tôi nghĩ đúng là cô bị theo dõi. Hãy kể cho tôi nghe vì sao hắn đuổi theo cô.

Suốt nửa giờ sau đó, tôi kể hết mọi chuyện cho ông nghe. Lúc đầu tôi không định làm thế, nhưng khi đã bắt đầu, tôi không sao dừng nổi. Vị danh họa này có một điều gì đó và cách ông nhìn tôi – mắt ông lấp lánh phấn khích, thỉnh thoảng lại gật gù – làm tôi cảm thấy ông có thể giúp tôi tìm ra sự thật bị che giấu dưới những sự việc này. Nếu thật có người như vậy. Thế là tôi kể về cha mẹ tôi và những vụ tai nạn đã giết chết họ, bóng gió rằng có người tên là Luciano Allessandro có thể nhúng tay vào cả hai vụ. Sau đó, tôi miêu tả cái hộp đựng giấy tờ của mẹ tôi và nhật ký của danh họa Ambrogio, cũng như lời ám chỉ của ông anh họ Peppo về một kho báu chưa xác định tên là Mắt Juliet.

- Ông có nghe đến việc này bao giờ chưa? – Tôi hỏi, khi thấy danh họa Lippi cau mày.

Thay vì trả lời, ông đứng dậy, nghiêng đầu trong không khí một lúc, dường như đang lắng nghe một tiếng gọi xa xăm. Lúc ông dợm bước, tôi hiểu là phải theo ông, và chúng tôi đi vào một phòng khác ở tầng trên, qua một thư viện dài, hẹp, có nhiều giá sách võng xuống từ sàn tới trần. Ở đây, tôi có thể quan sát nhà danh họa đi tới đi lui nhiều lần, - tôi nhận ra – ông đang cố tìm một cuốn sách đặc biệt mà không mấy hy vọng tìm thấy. Cuối cùng, khi thành công, ông giật nó khỏi giá và giơ lên, đắc thắng.

- Tôi biết là đã trông thấy nó ở đâu đó mà!

Té ra là một cuốn bách khoa về những người vô cùng tàn bạo và kho báu huyền thoại – rõ ràng, hai thứ này luôn song hành với nhau và không thể tách rời. Khi nhà danh họa giở qua cuốn sách, tôi nhác thấy vài tranh minh họa chẳng khác gì các cuốn truyện cổ tích đã theo tôi cho đến bây giờ.

- Đây! – Ông gõ ngón tay vào một đoạn. – Cô nói cái này là gì? Không thể đợi đến lúc chúng tôi trở lại tầng dưới, ông bật ngọn đèn cầy lung lay, và đọc to đoạn đó lên, sôi nổi trộn lẫn tiếng Ý và tiếng Anh.

Chuyện kể rằng Mắt Juliet là một đôi ngọc bích lớn dị thường của Ethiopia, khởi đầu gọi là Cặp sinh đôi Ethiopia, do ngài Salimbeni ở Siena mua năm 1340 làm quà đính hôn cho cô dâu tương lai là nàng Giulietta Tolomei. Sau cái chết thê thảm của Giulietta, những viên ngọc này được khảm làm mắt một pho tượng vàng đặt trên mộ nàng.

- Nghe này! – Danh họa Lippi lướt ngón tay xuống cuối trang – Shakespeare cũng biết về pho tượng này! – Rồi ông đọc to những dòng sau ở đoạn cuối vở Romeo và Juliet, trong cuốn bách khoa trích bằng cả hai thứ tiếng Ý và Anh:

Tôi sẽ dựng tượng nàng bằng vàng ròng

Khi đó, thành Verona sẽ nổi tiếng vì tên nàng

Sẽ không bao giờ có pho tượng vào sánh được

Vì đó là sự chân thành và chung thủy của Juliet

Cuối cùng, khi đọc xong, danh họa Lippi chỉ vào bức tranh minh họa, và tôi nhận ra ngay. Đó là pho tượng một nam một nữ, người nam quỳ gối bế người nữ trên tay. Ngoại trừ vài chi tiết khác biệt, đó chính là pho tượng mà mẹ tôi ghi lại ít nhất hai chục lần trong cuốn sổ tay tôi tìm thấy trong hộp của bà.

- Trời ơi! – Tôi cúi nhìn bức tranh minh họa. –Nó nói lên điều gì về địa chỉ chính xác mộ của nàng?

- Mộ ai?

- Của Juliet, hoặc tôi nên gọi là Giulietta, - Tôi chỉ vào đoạn ông vừa đọc. – Trong sách nói rằng đó là pho tượng bằng vàng đặt trên mộ nàng…nhưng không nói thực ra ngôi mộ ấy ở đâu.

Danh họa Lippi gập cuốn sách và nhét hú họa vào một cái giá.

- Tại sao cô muốn tìm ra mộ nàng? – Ông hỏi, giọng ông bất đồ gây gổ. – Cô có thể lấy mắt nàng đi sao? Nếu không có mắt, làm sao nàng nhận ra Romeo khi chàng đánh thức nàng?

- Tôi không định lấy đi đôi mắt nàng! –Tôi phản đối. – Tôi chỉ muốn…nhìn thấy chúng thôi.

- Ờ, - vị danh họa nói, tắt ngọn đèn cây, - tôi nghĩ cô phải nói chuyện với Romeo. Tôi không biết còn ai khác có thể tìm ra nơi đó. Nhưng hãy cẩn thận đấy. Chốn này nhiều ma quỷ, và chúng không thân thiện như tôi đâu. – Ông cúi gần tôi hơn trong bóng tối, thích thú một cách ngớ ngẩn trong việc dọa dẫm tôi, và rít lên. Một tai họa! Tai họa cho cả hai gia đình các người!

- Điều đó thực sự nghiêm trọng, - tôi nói, - Cảm ơn ông.

Ông cười thân mật và vỗ đầu gối.

- Kìa! Đừng ngơ ngác như gà con thế! Tôi chỉ trêu cô thôi!

Xuống dưới nhà, sau vài ly vang, cuối cùng tôi cố hướng câu chuyện về Mắt Juliet

- Ý ông đúng ra là gì, - tôi hỏi, - khi ông nói Romeo biết ngôi mộ ấy ở đâu?

- Cậu ta ư? – Lúc này, trông ông rất lúng túng. – Tôi không chắc lắm. Nhưng tôi nghĩ cô nên hỏi cậu ta. Romeo biết nhiều hơn tôi. Cậu ấy trẻ trung. Còn tôi, hiện giờ tôi quên nhiều thứ lắm rồi.

Tôi cố mỉm cười:

- Ông nói như thể chàng vẫn còn sống vậy.

Vị danh họa nhún vai:

- Cậu ấy đến rồi đi. Lúc nào cũng vào đêm khuya…cậu ấy đến đây và ngồi ngắm nàng. – Ông hất đầu về phía căn phòng có bức vẽ Giulietta. – Tôi cho rằng cậu ấy vẫn yêu nàng, Chính vì thế tôi để ngỏ cửa.

- Thật sự thì, - tôi nói và nắm tay ông, - Romeo không tồn tại. không còn sống nữa. Đúng không ạ?

Danh họa trừng trừng nhìn tôi, gần như bực mình

- Cô đang tồn tại! Vậy tại sao cậu ấy lại không? - Ông cau mày. – Sao, hả? Cô cũng tưởng cậu ấy là một hồn ma ư? Hừ. Tất nhiên là cô chưa hề biết, nhưng tôi không nghĩ thế. Tôi cho rằng cậu ấy có thật. – Ông dừng lại giây lát, cân nhắc các lý lẽ thuận và chống, rồi nói, chắc nịch. – Cậu ấy uống vang. Hồn ma không uống vang. Phải tập, mà hồn ma không thích tập. Cô thật buồn cười. Đây, - ông rót đầy ly cho tôi thêm lần nữa, - uống thêm chút nữa đi.

- Thế, - tôi nói, ngoan ngoãn uống thêm một ngụm, - nếu tôi muốn hỏi chàng Romeo này vài câu…thì làm thế nào? Tôi có thể tìm anh ta ở đâu?

- Ờ - vị danh họa nói, nghiền ngẫm câu hỏi, tôi e rằng cô phải đợi cho đến khi cậu ấy tìm thấy cô. – Nhìn thấy sự thất vọng của tôi, ông nhoài qua bàn, chăm chú ngắm nhìn khuôn mặt tôi rất kỹ. – Nhưng này, - ông nói thêm, - tôi nghĩ có khi cậu ấy đã tìm thấy cô rồi. Phải. Tôi nghĩ là thế. Tôi có thể nhìn thấy điều đó trong mắt cô.

Nhờ đôi cánh bay bổng của tình yêu tôi vượt qua những bức tường này.

Bởi tường đá sao có thể ngăn nổi tình yêu

--- --------oOo---- -------

Siena, 1340 Công nguyên

Romeo lướt hòn đá mài trên lưỡi kiếm, động tác của chàng dài và cẩn thận. Lâu rồi chàng mới có dịp sử dụng thanh kiếm, cần mài sạch những vết gỉ lốm đốm trước khi bôi dầu. Thông thường, chàng thích dùng dao găm cho những việc như thế này, nhưng con dao găm mắc ở lưng tên cướp đường, và trong một lúc đãng trí bất thường, chàng đã quên lấy lại sau khi sử dụng. Ngoài ra, Salimbeni không phải là người để đâm vào lưng như một tội phạm thông thường, không, sẽ phải có một cuộc quyết đấu.

Với Romeo, dồn hết tâm trí vào một người phụ nữ là điều hoàn toàn mới mẻ. Nhưng trước kia, chưa người phụ nữ nào đề nghị chàng giết người. Chàng nhớ lại cuộc nói chuyện với danh họa Ambrogio trong cái đêm định mệnh hai tuần trước, khi chàng nói với họa sĩ rằng chàng rất thính mũi, vì đàn bà không đòi hỏi gì hơn những thứ chàng sẵn sang chiều, rằng chàng – khác với các bạn – không phải là kẻ than vãn và lỉnh đi như một con chó khi nghe lời thỉnh cầu đầu tiên của một phụ nữ. Điều đó có thật không nhỉ? Chàng thực sự chuẩn bị đến gần Salimbeni, kiếm lăm lăm trong tay, và bất cứ lúc nào cũng có thể chết trước khi được nhận phần thưởng của mình, thậm chí còn không kịp nhìn vào cặp mắt thiên thần của Giulietta lần nữa?

Thở dài, chàng lật thanh kiếm và bắt đầu mài mặt còn lại. Các anh em họ chắc đang muốn biết chàng ở đâu, tại sao không ra ngoài chơi đùa, còn cha chàng, sĩ quan chỉ huy Marescotti đã kiểm tra chàng ít nhất hai lần, không hỏi han gì, ngoài việc mời chàng tập bắn bia. Lúc này, lại một đêm mất ngủ nữa qua đi, mặt trăng đáng yêu một lần nữa bị mặt trời tàn nhẫn xua đuổi, Còn Romeo ngồi bên bàn, im lìm tự hỏi liệu có phải là một ngày nữa không đây.

Đúng lúc đó, Romeo nghe thấy tiếng ồn ở cầu thang bên ngoài, tiếp theo là tiếng gõ cửa nghe có vẻ bồn chồn.

- Không, cảm ơn! –Chàng càu nhàu như những lần trước. –Ta không đói!

- Thưa cậu Romeo. Cậu có khách ạ!

Cuối cùng, Romeo đứng dậy, các bắp thịt đau nhức vì đã nhiều giờ không cử động hoặc không ngủ.

- Ai thế?

Có tiếng lầm bầm vắn tắt bên kia cánh cửa.

-Tu sĩ Lorenzo và tu sĩ Bernardo. Họ nói có tin quan trọng và xin gặp riêng cậu ạ.

Nhắc đến tu sĩ Lorenzo – bạn đồng hành với Giulietta, nếu chàng không nhầm – khiến chàng mở cửa ngay tức khắc. Bên ngoài, một người hầu và hai tu sĩ mặc áo choàng, mũ trùm kín mít đứng trong hành lang, phía sau họ ở sân bên dưới, vài người hầu khác đang rướn người xem rốt cuộc, ai là người có thể thuyết phục cậu chủ trẻ tuổi mở cửa.

- Vào nhanh lên! –Chàng dẫn hai tu sĩ vào trong. – Stefano, - chàng xoáy cái nhìn nghiêm khắc vào người hầu, - không được nói gì với cha ta đấy.

Hai tu sĩ bước vào phòng, vẻ dè dặt. Những tia nắng sớm lọt vào qua cửa ban công mở rộng, chiếu lên chiếc giường phẳng phiu của Romeo, một đĩa cá rán chưa hề động đến trên bàn, cạnh thanh kiếm.

- Xin tha lỗi cho chúng tôi, - tu sĩ Lorenzo vừa nói vừa liếc nhìn ra cửa để biết chắc nó đã đóng chặt, - vì đến bừa vào giờ này. Nhưng chúng tôi không thể đợi…..

Thầy không nói thêm, người cùng đi đã tiến lên, lật cái mũ áo choàng, để lộ mái tóc rối bù nhất hạng. Sáng nay, không phải là thầy tu đi cùng tu sĩ Lorenzo đến lâu đài Marescotti, mà chính là Giulietta, bất chấp hóa trang, vẫn xinh đẹp hơn bao giờ hết, má nàng ửng hồng, náo nức.

- Xin hãy cho biết, - nàng nói, - chàng đã …. Đã làm việc ấy chưa?

Dẫu vô cùng xúc động và kinh ngạc khi nhìn thấy nàng, lúc này Romeo ngoảnh đi, lúng túng:

- Tôi chưa làm.

- Ôi, đội ơn Chúa! – Nàng chắp hai tay, nhẹ nhõm. – Tôi phải đến xin lỗi và cầu xin chàng đừng nhớ đến lời tôi đề nghị chàng làm một việc khủng khiếp như thế.

Romeo giật mình, cảm thấy hết hy vọng:

- Nàng không muốn hắn chết ư?

Giulietta:

- Tôi muốn hắn chết với từng nhịp đập của trái tim tôi, Nhưng không phải trả giá bằng sinh mạng chàng. Tôi rất sai lầm và ích kỷ khi giữ chàng làm con tin cho nỗi đau của mình. Chàng có thể tha thứ cho tôi không? – Nàng ngước nhìn sâu vào mắt chàng, và khi chàng không trả lời ngay, môi nàng hơi run run. Hãy tha thứ cho tôi. Tôi van chàng.

Lần đầu tiên trong nhiều ngày, Romeo mỉm cười:

- Không.

- Không ư? – Cặp mắt xanh thăm thẳm của nàng tối sầm, như thể một cơn giông tố sắp kéo đến và nàng lùi lại một bước. – Như thế là tàn nhẫn!

- Không đâu, - Romeo nói tiếp, trêu chọc, - tôi sẽ không tha thứ cho nàng, vì nàng đã ban cho tôi một phần thưởng lớn, nhưng bây giờ nàng định nuốt lời.

Giulietta thở hổn hển:

- Không phải thế! Tôi chỉ muốn cứu mạng chàng!

- Chao ôi! Và nàng cũng xúc phạm đến tôi nữa! – Romeo ép chặt nắm tay vào trái tim mình. – Giả sử tôi không sống nổi trong cuộc quyết đấu này! Nàng đùa giỡn với danh dự của tôi như mèo vờn chuột! Cắn đi cắn lại và vui vẻ nhìn chuột khập khiễng chạy trốn!

- Kìa chàng! Mắt Giulietta nheo lại, hoài nghi.- Chàng mới là người đang đùa giỡn tôi! Chàng thừa hiểu tôi không nói chàng sẽ chết vì tay Salimbeni, nhưng tôi tin rằng bọn chúng sẽ không để chàng thoát tội sát nhân. Nếu vậy thì…- Nàng ngoảnh đi, vẫn lo lắng cho chàng, - tôi sẽ rất ân hận.

Romeo chăm chú quan sát nét mặt nhìn nghiêng đầy vẻ băn khoăn của Giulietta. Khi thấy nàng tỏ ra cứng cỏi, chàng quay sang tu sĩ Lorenzo.

- Tôi có thể xin thầy để chúng tôi lại một lát được không?

Tu sĩ Lorenzo không muốn chấp nhận yêu cầu này, nhưng vì Giulietta không phản đối nên thầy khó lòng từ chối. Thầy gật đầu và rút ra ban công, quay lưng lại với vẻ rất nghiêm túc.

- Vì sao, - Romeo nói khẽ đến mức Giulietta chỉ có thể hình dung lời nói, - nếu tôi chết, nàng lại ân hận như vậy?

Nàng hít một hơi sâu nhưng giận dữ:

- Chàng đã cứu mạng tôi.

- Và để đáp lại, tôi chỉ xin được làm hiệp sĩ của nàng.

- Một hiệp sĩ không đầu thì có tốt lành gì đâu?

Romeo mỉm cười và tiến đến gần hơn.

- Tôi cam đoan với nàng, miễn là nàng ở gần tôi sẽ không có lý do gì cho những nỗi sợ như thế.

- Chàng hứa với tôi nhé? – Giulietta nhìn thẳng vào mắt chàng. – Hãy hứa rằng chàng sẽ không cố giao chiến với Salimbeni nữa nhé?

- Hình như, - Romeo nhận xét, rất thích thú với cuộc trao đổi này, - bây giờ nàng đang đề nghị tôi một ân huệ thứ hai…và lần này còn khó thực hiện hơn lần trước. Nhưng tôi sẽ hào phóng nói với người rằng giá của tôi vẫn y nguyên.

Hàm Giulietta trễ xuống:

- Giá của chàng ư?

- Hoặc phần thưởng của tôi, hay bất cứ từ gì tùy nàng chọn. Nó không hề thay đổi.

- Chàng thật vô lại! – Giulietta rít lên, cố nén cười. – Tôi đến đây để giải thoát chàng khỏi một lời hứa hẹn chết người, vậy mà chàng vẫn quyết chiếm đoạt sự trong trắng của tôi?

Romeo cười toét miệng:

- Một nụ hôn chắc không ảnh hưởng gì đến sự trong trắng của nàng.

Nàng so vai, cưỡng lại sự mê hoặc của chàng.

- Còn tùy thuộc ai hôn tôi. Tôi ngờ rằng một nụ hôn của chàng sẽ dứt bỏ ngay lập tức mười sáu năm gìn giữ của tôi.

- Gìn giữ có tốt gì đâu nếu nàng không sử dụng? – Đúng lúc Romeo tưởng chắc chắn đã gài bẫy được nàng, một tiếng ho lớn từ ban công khiến Giulietta giật nảy người.

- Hãy kiên nhẫn, Lorenzo! – Nàng nói, nghiêm nghị. – Chúng ta sẽ lên đường ngay đây.

- Bác gái cô chắc bắt đầu lo lắng vì lễ xưng tội kéo dài lâu đến thế, - tu sĩ nhận xét.

- Một lát thôi! – Giulietta quay sang Romeo, cặp mắt nàng tràn ngập nỗi thất vọng. – Tôi phải đi thôi.

- Hãy xưng tội với tôi, - Romeo thì thầm và cầm tay nàng, - và tôi sẽ tặng nàng một lời cầu phúc không bao giờ hết hiệu lực.

- Vành ly của chàng, Giulietta đáp, cho phép chàng kéo nàng vào lòng, - dính mật ong. Em không biết liệu nó có chứa chất độc của người không?

- Nếu có chất độc, nó sẽ giết chết cả hai chúng ta.

- Ôi anh yêu…nếu anh yêu em thực lòng, thà anh chết cùng em còn hơn sống với người phụ nữ khác.

- Anh tin là anh sẽ làm thế. – Chàng khép vòng tay quanh người nàng, - Hôn anh đi, nếu không anh sẽ chết mất.

- Lại chết nữa ư? Là người hai lần bị kết tội, anh sẽ sống rất lâu!

Từ ban công vọng lại một tiếng động nữa nhưng lần này Giulietta đứng yên tại chỗ.

- Hãy kiên nhẫn nào, Lorenzo! Con van thầy!

- Có lẽ chất độc của anh, - Romeo nói, xoay đầu nàng về phía mình và không buông ra nữa, - đã mất hiệu lực

- Em phải…

Như con chim sà xuống con mồi và quắp lấy con vật bất hạnh lao vút lên bầu trời, Romeo chiếm lấy đôi môi nàng trước khi chúng lẩn trốn lần nữa. Lơ lửng giữa đầu trẻ ngây thơ và ác quỷ, con mồi của chàng ngừng chống cự, và chàng dang rộng đôi cánh, để mặc làn gió nâng họ bay trên bầu trời, cho đến khi chính kẻ lợi dụng là chàng mất hết hy vọng về nhà.

Trong cái ôm đó, Romeo nhận thức được cảm giác chắc chắn mà chàng không nghĩ sẽ có với bất kỳ ai, ngay cả với người đức hạnh nhất. Dù những ý định trước kia là gì đi nữa sau khi biết cô gái trong quan tài còn sống – dù lúc đó vẫn còn bị che giấu, - lúc này chàng hiểu rằng lời chàng nói với danh họa Ambrogio là tiên tri: ôm Giulietta trong tay, mọi người phụ nữ khác – trong qua khứ, hiện tại và tương lai – hoàn toàn không tồn tại.

Khi Giulietta trở về lâu đài Tolomei vào cuối buổi sáng hôm đó, nàng phải nhận rất nhiều câu căn vặn và buộc tội cùng những lời bình phẩm tới tấp về cung cách quê mùa của mình.

- Có lẽ đây là thói quen của nông dân – bác gái nàng nhạo báng, - ở thành phố này, con gái chưa chồng được dạy dỗ chu đáo không chuồn đi xưng tội đến mấy giờ đồng hồ sau mới về, mắt thì lấp lánh và…- Phu nhân Antonia giận dữ nhìn Giulietta để moi móc những dấu hiệu – tóc tai thì rối bù! Từ nay trở đi không được ra ngoài như thế nữa, nếu cháu muốn chuyện trò với tu sĩ Lorenzo quý hóa của cháu, thì cứ vui lòng nói chuyện ở nhà. Không được phép lang thang ở bên ngoài, phó mặc cho những chuyện ngồi lê đôi mách và những kẻ hãm hiếp trong thành phố.

- Thầy Lorenzo ơi! –Giulietta khóc, khi tu sĩ đến thăm nàng trong nhà tù mạ vàng ấy, - con không được phép ra ngoài nữa! Chắc con sắp phát điên mất thôi! Ôi! –Nàng đi đi lại lại trong phòng riêng, vò đầu bứt tai. – Chàng sẽ nghĩ gì về con đây? Con đã nói sẽ gặp chàng, con đã hứa rồi!

- Suỵt, con ạ, - tu sĩ Lorenzo nói, cố bắt nàng ngồi xuống ghế, - hãy bình tĩnh. Quý ông mà con nói tới ấy sẽ hiểu nỗi khổ của con, và dù chuyện gì xảy ra cũng chỉ làm cho tình yêu của chàng đằm thắm hơn mà thôi. Chàng đã nhờ ta nói với con rằng…

- Thầy đã nói chuyện với chàng ư? - Giulietta nắm lấy vai tu sĩ. – Ôi chao, thầy Lorenzo phúc đức, phúc đức quá chừng! Chàng nói gì ạ? Thầy kể cho con đi, nhanh lên thầy!

- Chàng nhờ ta đưa cho con bức thư này, - tu sĩ luồn tay xuống dưới áo choàng và rút ra một cuộn giấy da được niêm phong bằng sáp ong. – Đây, cầm lấy. Thư gửi con đấy.

Giulietta cung kính nhận phong thư, cầm trong giây lát rồi mới đập niêm phong. Mắt mở to, nàng mở bức thư và nhìn hình vẽ dày đặc bằng mực nâu.

- Đẹp quá! Con chưa bao giờ nhìn thấy thứ gì tao nhã như thế này trong đời. – Nàng đứng quay lưng lại tu sĩ Lorenzo một lát, mê mải ngắm vật báu, - Chàng là một nhà thơ! Chàng viết mới đẹp làm sao! Đẹp quá, thật hoàn hảo. Chắc chàng phải cặm cụi suốt đêm.

- Ta tin rằng chàng đã cặm cụi vài đêm, - tu sĩ Lorenzo nói, trong giọng nói pha chút giễu cợt. – Ta cam đoan rằng bức thư này tốn khá nhiều giấy da và bút lông ngỗng.

- Nhưng con không hiểu chỗ này, - Giulietta quay phắt lại, chỉ vào một đoạn trong thư. – Tại sao chàng lại nói mắt con không thuộc về đầu con, mà ở bầu trời đêm? Con có thể hiểu đấy là một lời khen, chắc là chỉ cần nói mắt con có màu trời là đủ. Con không thể hiểu kịp lý lẽ này.

- Đây không phải là lý lẽ, - tu sĩ Lorenzo chỉ bảo, và cầm bức thư. Đây là thơ nên sẽ có chút phi lý. Mục đích của nó không phải để thuyết phục, mà làm đẹp lòng. Ta tin rằng con vui lòng?

Nàng thở hổn hển:

- Lẽ tất nhiên ạ!

- Vậy bức thư này, - tu sĩ nghiêm nghị nói, - đã đáp ứng được mục đích. Giờ ta đề nghị chúng ta hãy quên nó đi.

- Khoan đã! Giulietta vồ lấy bức thư khỏi tay thầy trước khi nó bị đối xử quá khích. – Con phải viết trả lời.

- Thật rắc rối vì con chẳng có cả giấy lẫn bút, mực. – Vị tu sĩ nói thẳng

- Vâng, - Giulietta nói, không mảy may nản lòng, - nhưng thầy sẽ kiếm các thứ ấy cho con viết thư cho em gái tội nghiệp của con…

Nàng háo hức nhìn tu sĩ Lorenzo, mong thầy chú ý, và sốt sắng thực hiện lời yêu cầu của nàng. Khi thấy thầy cau mày không tán thành, nàng giơ tay lên. – Có gì sai ạ?

- Ta không ủng hộ việc này, - thầy lầm bầm và lắc đầu. – Một phụ nữ chưa chồng không nên giấu giếm trả lời một bức thư. Nhất là…

- Nhưng người có chồng thì có thể ư?

-…nhất là phải cân nhắc đến người gửi. Là một người bạn lâu năm và đáng tin cậy, ta phải cảnh báo rằng con nên cưỡng lại những người như Romeo Marescotti và …đợi đã! – Tu sĩ Lorenzo giơ bàn lên, ngăn Giulietta định ngắt lời thầy. – Được, ta đồng ý. Chàng có sức quyến rũ nhất định, nhưng ta chắc rằng trong mắt Chúa, chàng là một kẻ gớm ghiếc.

Giulietta thở dài.

- Chàng không phải là kẻ gớm ghiếc. Chỉ vì thầy ghen thôi.

- Ghen ư? – Vị thầy tu khịt mũi. – Ta không quan tâm đến diện mạo, vì chúng chỉ là phần xác thịt, tồn tại từ lúc ở trong bụng mẹ cho đến khi chết. Ý ta muốn nói là linh hồn chàng gớm ghiếc.

- Sao thầy có thể nói như thế về người đã cứu mạng chúng ta! – Giulietta vặn lại. – Một người trước lúc đó, thầy chưa từng gặp mặt. Một người mà thầy chẳng hay biết gì hết.

Tu sĩ Lorenzo giơ một ngón tay, tỏ ý đe nẹt.

- Ta đủ hiểu biết để đoán trước số phận bất hạnh của chàng. Trên cõi đời này, có một số cây cỏ và sinh linh chẳng có mục đích gì ngoài việc gây đau đớn và khổ sở cho mọi thứ mà chúng có quan hệ. Con hãy nhìn con xem! Con đang khổ sở vì mối quan hệ này.

- Con chắc là, - Giulietta ngừng lại để giọng nàng trở nên vững vàng, - những hành động tử tế của chàng với chúng tôi có thẻ xóa bỏ mọi thói thật trước kia của chàng? – Thấy vị thầy tu vẫn giữ thái độ thù địch, nàng nói thêm rất bình tĩnh. – Chắc Chúa Trời sẽ không chọn Romeo làm công cụ giải thoát chúng ta, nếu bản thân Chúa không chấp nhận sự chuộc lỗi của chàng.

Tu sĩ Lorenzo giơ ngón tay cảnh cáo:

- Chúa là thần thánh, mà thần thánh không có ham muốn.

- Vâng, nhưng con thì có. Con thèm muốn hạnh phúc. – Giulietta áp chặt bức thư vào ngực. – Con biết thầy đang nghĩ gì. Là bạn cũ và một người bạn tin cậy, thầy muốn che chở con. Thầy cho rằng Romeo sẽ làm con đau đớn. Xin thầy tin rằng tình yêu lớn đã mang sẵn mầm mống nỗi buồn lớn. Vâng, có lẽ thầy đúng. Có lẽ một người biết từ chối khôn ngoan sẽ an toàn, nhưng con thà chọn có đôi mắt bị cháy rừng rực trong hốc mắt còn hơn sinh ra mà không có mắt.

Nhiều tuần lễ trôi qua và nhiều bức thư qua lại, trước khi Giulietta và Romeo gặp lại nhau. Trong thời gian đó, vị tu sĩ Lorenzo cố hết sức làm dịu sự ủy mị, nhưng giọng điệu trao đổi giữa hai người vẫn ngày càng thắm thiết, và đã lên đến tột bậc khi họ cùng hẹn ước về tình yêu vĩnh cửu.

Còn một người nữa chia sẻ tình cảm bí mật của Giulietta là Giannozza, cô em gái song sinh và là người ruột thịt duy nhất của Giulietta còn lại sau khi Salimbeni tấn công gia đình nàng. Giannozza lấy chồng từ một năm trước, và chuyển đến ở nhà chồng tận miền Nam, nhưng hai chị em vẫn thân thiết và trao đổi thư từ thường xuyên. Đọc và viết là những kỹ năng đặc biệt của họ, nhưng người cha vốn khác thường, ông ghét sổ sách kế toán, nên rất vui vẻ trút những việc nhà như thế cho vợ và các con gái, vì thấy họ ít có việc để làm.

Tuy họ không ngừng viết cho nhau, nhưng thư của Giannozza đến rất thất thường, và Giulietta ngờ rằng thư riêng của nàng chắc cũng đến muộn như thế. Thực ra, sau khi đến Siena, nàng chỉ nhận được vẻn vẹn một bức thư của Giannozza, dù nàng đã gửi vài bản tường thuật vụ tấn công khủng khiếp vào gia đình nàng, cuộc trốn tránh bất hạnh của nàng, và gần đây nàng bị cầm tù trong lâu đài Tolomei, nhà của ông bác.

Dù tin rằng tu sĩ Lorenzo sẽ đưa thư của nàng an toàn và bí mật ra khỏi nhà, Giulietta vẫn biết thầy không thể kiểm soát được số phận của họ trong tay những người họ hàng xa lạ. Không có tiền trả cho việc đưa thư, người chỉ biết dựa vào lòng tốt và sự siêng năng của những người tiện đường xuống chỗ em người. Giờ đây, nàng đang bị giam trong phòng, nên tu sĩ Lorenzo sẽ luôn có nguy cơ bị ai đó chặn lại giữa đường và bị bắt dốc túi ra để kiểm tra.

Nhận thức được mối nguy hiểm, nàng bắt đầu giấu các bức thư gửi cho Giannozza thay vì gửi đi ngay lập tức. Nàng thấy, đề nghị tu sĩ Lorenzo chuyển những bức thư tình của nàng cho Romeo là đủ, chứ bắt thầy mang thêm nhiều bản tin về các hoạt động trơ tráo của nàng thì thật tàn nhẫn. Thế là tất cả đều được giấu dưới ván sàn. – những truyện tưởng tượng về các cuộc gặp gỡ say đắm với Romeo – đợi đến ngày nàng có thể trả tiền cho một người đưa thư chuyển tất cả đi cùng một lúc. Hoặc đến ngày nàng có thể ném cả mớ vào lửa.

Còn những lá thư gửi cho Romeo, nàng nhận được câu trả lời nồng nàn của từng bức một. Khi nàng nói hàng trăm chàng đáp lại hàng ngàn, khi nàng nói nàng thích, chàng nói chàng yêu. Nàng bạo dạn gọi chàng là lửa, chàng liều hơn, gọi người là mặt trời; nàng dám nghĩ đến việc họ cùng nhau lướt trên sàn nhảy, còn chàng chỉ mong ngóng được ở một mình với nàng.

Họ tuyên bố rằng, tình yêu nồng cháy này chỉ biết hai con đường: một dẫn đến thỏa mãn, một dẫn đến thất vọng. Lưng chừng là không thể. Thế là một sáng Chủ nhật, khi Giulietta và các anh chị họ được phép đến San Cristofo xưng tội trước buổi lễ chung, nàng bước vào phòng xưng tội mới phát hiện ra bên kia vách ngăn không phải là linh mục.

- Hãy tha thứ cho con, thưa cha, con là kẻ có tội, - nàng bắt đầu rất nghiêm tức, và đợi linh mục khích lệ.

Thay vào đó là một giọng nói lạ, thì thầm:

- Có lẽ nào yêu lại là tội lỗi? Nếu Chúa không muốn chúng tôi yêu nhau, tại sao Người lại tạo ra một nhan sắc như nàng?

Giulietta há miệng vì ngạc nhiên và sợ hãi.

- Romeo đấy ư? – nàng quỳ gối để thẩm tra nỗi ngờ vực qua tấm màn kim loại, và thực sự, nàng nhìn thấy đường nét một nụ cười chẳng có gì hợp với một thầy tu. – Sao chàng dám đến đây? Bác em ở cách đây có vài mét!

- Trong giọng nói du dương của nàng, dối trá còn nguy hiểm hơn hai chục bà bác như thế. Ta van nàng, hãy nói lại đi và làm cho sự hủy hoại của ta được trọn vẹn. –Chàng ép bàn tay vào lưới sắt, muốn Giulietta làm theo. Nàng làm thế, và bàn tay họ không chạm vào nhau, nàng vẫn cảm thấy hơi ấm của chàng lan vào lòng bàn tay mình.

- Em ước giá chúng ta là những người nông phu hèn mọn, - nàng thì thầm, - để được thoải mái gặp nhau ở bất cứ nơi nào ta chọn.

- Và nếu là những người nông phu hèn mọn, chúng ta sẽ làm gì khi gặp nhau? –Romeo hỏi.

Giulietta thầm biết ơn là chàng không thể nhìn thấy nàng đỏ dừ mặt mũi.

- Sẽ không có tấm lưới giữa hai ta.

- Ta cho rằng sẽ có thứ mới mẻ nào đó, - Romeo nói,

- Chắc là chàng sẽ đọc những vần thơ như cánh đàn ông thường làm khi cám dỗ các trinh nữ khó bảo. Nàng nào càng khó bảo, thơ càng hay hơn.

Romeo cố lắm mới nhịn được cười.

- Thứ nhất ta chưa bao giờ nghe thấy một nông dân hèn mọn nói bằng thơ. Thứ hai, ta tự hỏi thực ra thơ của ta phải hay đến chừng nào. Với một trinh nữ, chắc chẳng cần hay lắm

Nàng thở hổn hển:

- Chàng thật bất lương! Em sẽ phải chứng minh rằng chàng lầm bằng cách ra vẻ đoan trang và từ chối những nụ hôn của chàng.

- Nói với một vách ngăn giữa hai ta thì dễ lắm, - chàng cười tự mãn. Họ đứng im trong giây lát, cố cảm nhận nhau qua những tấm ván bằng gỗ.

- Ôi, Romeo, - Giulietta thở dài, giọng nàng bỗng buồn hẳn, - tình yêu của chúng ta phải như thế này ư? Giấu giếm trong căn phòng tăm tối, trong khi cõi đời vẫn rộn ràng ở ngoài kia?

- Không lâu nữa đâu, nếu ta có thể nói thế. – Romeo nhắm mắt lại, giả vờ vách ngăn là vầng trán của Giulietta áp vào trán chàng. – Hôm nay, ta muốn gặp nàng để nói rằng, ta sắp xin cha ta chấp nhận cuộc hôn nhân của chúng mình và gặp bác nàng để cầu hôn, càng sớm càng tốt.

- Chàng muốn…cưới em ư? – Nàng không dám tin là mình hiểu đúng ý chàng. Chàng không đặt ra một câu hỏi, mà coi là một thực tế. Nhưng có lẽ đó là cung cách ở Siena

- Sẽ chẳng làm điều gì khác, - chàng rên rỉ. – Ta phải có nàng, hoàn toàn, ở bên bàn ăn và trên giường, hoặc ta sẽ ốm yếu gầy mòn như một tù nhân đang chết đói. Nàng phải biết thế; hãy tha thứ cho ta vì thiếu chất thơ.

Trong giây lát, bên kai vách ngăn lặng như tờ, Romeo bắt đầu lo sợ chàng đã làm nàng khó chịu. Khi chàng bắt đầu tự rủa tính bộc trực của mình, thì Giulietta lại cát tiếng, xua tan nỗi sợ nhỏ bé, xao xuyến ấy.

- Nếu đây là người vợ chàng tìm kiếm, chàng cần thuyết phục ngài Tolomei.

- Ta rất kính trọng bác nàng, - Romeo nhận xét, - song ta hy vọng được bế nàng vào phòng ngủ của ta, chứ không phải bế ông ấy.

Cuối cùng, nàng bật cười khúc khích, nhưng niềm vui không kéo dài lâu.

- Ông ấy là người có tham vọng lớn. Chắc rằng cha chàng sẽ phải mang một cây phả hệ thật dài khi đến.

Romeo kinh ngạc vì lời sỉ nhục ấy.

- Gia đình ta đội mũ cắm lông chim và dọn bàn ăn cho các hoàng đế, trong khi ông bác Tolomei của nàng mặc áo da gấu và dọn cháo lúa mạch cho đàn lợn của ông ta! – Nhận ra mình thật trẻ con, Romeo nói tiếp, bình tĩnh hơn. – Ngài Tolomei sẽ không từ chối cha ta. Giữa hai gia đình chúng ta luôn yên ổn.

- Chỉ có một dòng suối máu chảy đều thôi! Giulietta thở dài. – Chàng không thấy sao? Nếu gia đình chúng ta đã yên ổn, sẽ càng yên ổn thêm vì sự hợp nhất của chúng ta chăng?

Chàng không hiểu ý nàng.

- Cha mẹ nào chẳng mong muốn con cái mình may mắn.

- Vì thế họ mới bắt chúng ta uống thuốc đắng ngắt và khiến chúng ta phải khóc.

- Ta đã mười tám tuổi. Cha ta luôn đối xử với ta như một người đàn ông trưởng thành.

- Vậy thì hay rồi. Vậy sao chàng chưa lấy vợ? Hay chàng đã chọn cô dâu thời thơ ấu của mình rồi?

- Cha ta không tin vào những người mẹ miệng còn hơi sữa.

Có thể nhìn thấy rõ nụ cười bẽn lẽn của nàng, hài lòng sau bao dằn vặt.

- Nhưng chàng tin vào các cô gái già chứ?

- Nàng chưa đầy mười sáu mà.

- Vừa tròn. Nhưng ai lại đếm cánh hoa của một bông hồng đang héo?

- Khi chúng ta kết hôn, - Romeo vừa thì thầm vừa hôn lấy hôn để những đầu ngón tay của nàng, - ta sẽ tắm cho nàng, đặt nàng lên giường và đếm mọi thứ.

Nàng cố cau mày:

- Còn những cái gai thì sao? Có khi e sẽ chích vào chàng và làm hỏng niềm vui của chàng.

- Nàng tin ta đi, niềm vui sẽ xóa nhòa nỗi đau.

Họ cứ thế, vừa lo lắng vừa trêu trọc nhau, cho đến khi có người sốt ruột gõ vào vách ngăn phòng xưng tội.

- Giulietta! –Phu nhân Antonia rít lên, làm cô cháu gái giật nảy mình vì hoảng sợ. – Cháu không thể xưng tội lâu đến thế. Nhanh lên, chúng ta sắp đi đây!

Họ vội từ biệt nhau, ngắn ngủi nhưng đầy thi vị, Romeo nhắc lại kế hoạch cưới nàng, còn Giulietta không dám tin chàng. Đã chứng kiến cô em gái Giannozza bị gả bán cho một người cập kề miệng lỗ, Giulietta thừa hiểu rằng hôn nhân không phải là thứ dành cho mong muốn của những người trẻ tuổi yêu nhau. Trước hết và trên hết, hôn nhân là vì chính trị và tài sản thừa kế, không hề theo mong muốn của cô dâu và chú rể, mà tuân theo tham vọng của cha mẹ đôi bên. Theo những lá thư đầu tiên của Giannozza sau khi lấy chồng đã làm Giulietta bật khóc, tình yêu lúc nào cũng đến muộn và với một người khác.

Rất hiếm khi sĩ quan chỉ huy Marescotti hài lòng với cậu con trưởng. Gần như lúc nào – ngay cả khi điên tiết nhất, - ông cũng phải tự nhắc mình rằng không có thuốc chữa cho tuổi trẻ ngoài thời gian. Hoặc là người bị giám hộ chết, hoặc những nỗi ưu phiền nguội dần, không còn hiệu lực cho một người khôn ngoan bám lấy, ngoài lòng nhẫn nại. Than ôi, ngài Marescotti không đặc biệt phong lưu về mặt tiền nong, kết quả là trái tim làm cha của ông dần biến thành một con thú dữ nhiều đầu canh gác hang động chứa đầy nỗi giận dữ và lo âu, luôn cảnh giác nhưng hầu như không thành công.

Lúc này cũng không phải là ngoại lệ.

- Romeo! – Sáng hôm ấy, ông nói và hạ thấp cây cung sau một buổi thi bắn tệ hại nhất, - ta không muốn nghe nữa. Ta là Marescotti. Nhiều năm nay, Siena được điều hành từ chính ngôi nhà này. Các cuộc chiến được xếp đặt từ chính cánh cửa này. Chiến thắng ở Montaperti được công bố từ chính ngọn tháp này! Các bức tường này tự nói lên tất cả!

Vị chỉ huy Marescotti đứng đường bệ trong sân nhà mình hệt như đang đứng trước hàng quân, ông nhìn chằm chặp vào bức bích họa mới và danh họa Ambrogio, người sáng tạo luôn bận rộn, hăng hái, song không ai có thể đánh giá hết tài năng của ông ta. Chắc chắn rằng quang cảnh chiến đấu đầy màu sắc đã bổ sung chút hơi ấm cho không gian của tu viện, và gia tộc Marescotti xuất hiện ở tư thế đàng hoàng và đầy sức thuyết phục. Nhưng tại sao bức tranh lâu hoàn thành thế?

- Nhưng thưa cha…

- Không nói nữa! – Lần này, sĩ quan Marescotti cao giọng. – Ta sẽ không kết giao với loại người đó! Con không hiểu rõ giá trị của thực tế là chúng ta sống yên ổn nhiều năm nay, trong lúc những kẻ tham lam mới đến đó, bọn Tolomei, Salimbeni và Malavolti chém giết nhau trên đường phố à? Con muốn bọn xấu xa ấy chui vào nhà này sao?

Con muốn anh em, họ hàng con bị giết ngay trên giường ư?

Ở phía cuối sân, danh họa Ambrogio không thể làm gì ngoài việc nhìn viên chỉ huy, ông ta hiếm khi bộc lộ cảm xúc. Vẫn cao hơn con trai - do thế đứng của ông, - cha của Romeo là một trong những người đàn ông đáng phục nhất mà danh họa từng vẽ. Nét mặt và thân hình ông không hề có dấu hiệu nào của sự thái quá; đây là con người chỉ ăn đủ nuôi dưỡng cơ thể và chỉ ngủ đủ mức cần nghỉ ngơi. Ngược lại, con trai Romeo của ông ăn uống vô tội vạ, thích gì làm nấy, sung sướng biến đêm thành ngày bằng các cuộc phiêu lưu và biến ngày thành đêm vì những giấc ngủ bừa bãi.

Dù vậy, càng nhìn càng cảm thấy hai cha con họ giống nhau – cả hai đều cường tráng và kiên quyết – và dẫu Romeo có thói quen phá vỡ phép tắc của gia đình, song rất hiếm khi có cảnh hai người đấu khẩu với nhau như thế này, họ thường nhỏ nhẹ trình bày ý kiến của mình.

- Nhưng thưa cha, - Romeo lại nói, lần nữa và lần nữa song đều bị phớt lờ.

- Cái gì, hở? Vì một người đàn bà ư! – Chỉ huy Marescotti đảo mắt, vì ông cần ngắm đích. Lần này, mũi tên xuyên thẳng qua tim con bù nhìn rơm. – Vì một ả đàn bà, một ả đàn bà hú họa, trong khi ngoài kia có cả một thành phố đàn bà. Cứ làm như con không biết ấy!

- Nàng không phải là một ả hú họa, - Romeo nói, bình tĩnh phản bác lại cha. – Nàng là người của con.

Một lát im lặng, trong lúc một mũi tên nữa vút trúng mục tiêu, làm con bù nhìn rơm nhảy múa vui vẻ trên sợi dây như một người bị treo cổ. Cuối cùng, ngài Marescotti hít một hơi thật sau và lại nói, lúc này giọng ông bình tĩnh hơn, nhưng không thay đổi lập trường.

- Có thể, nhưng người của con là cháu gái một thằng hề.

- Một thằng hề đầy uy quyền.

- Vì là một thằng hề nên các trò lèo lái và nịnh bợ chắc chắn đã giúp bọn chúng thăng tiến.

- Con nghe nói ông rất hào phóng với gia đình.

- Còn gì nữa?

Romeo cười, thừa biết cha chàng sẽ không bao giờ ngạc nhiên khi nghe điều này. -Có chứ, thưa cha. Trong suốt hai năm nay, thành phố đã được yên bình, - chàng nói.

- Con gọi thế là yên bình ư? - Ngài Marescotti luôn lường trước được mọi sự, và những lời hứa hẹn hão huyền làm ông mệt nhọc hơn cả những lời nói dối rành rành. – Khi cái bọn Salimbeni cùng một giuộc trở lại cướp phá lâu đài Tolomei và giết chết một thầy tu ngay trên đường cái, con hãy chú ý đến lời ta đây, ngay cả sự yên bình này cũng đang kéo theo một kết cục bi đát khác.

- Vậy sao lúc này ta không liên minh với nhà Tolomei? – Romeo cố nài.

- Và trở thành kẻ thù của Salimbeni ư? –Sĩ quan chỉ huy Marescotti nhìn con trai, mắt ông nheo lại. – Nếu con nắm được mạng lưới tình báo khắp thành phố này như con có rượu vang và đàn bà, con sẽ hiểu rằng gia tộc Salimbeni đang vận động, con trai của ta ạ. Mục tiêu của chúng không chỉ đè đầu cưỡi cổ nhà Tolomei, thống trị tất cả những nhà băng trong thành phố, mà còn bao vây cả thành phố này từ thành trì nhà hắn và nếu ta không nhầm, là muốn khống chế toàn bộ nước cộng hòa của chúng ta.

Viên sĩ quan cau mày và bắt đầu đi đi lại lại.

-Ta hiểu con người này, Romeo ạ, ta đã nhìn thấu tâm can hắn và ta chọn cách bưng kín tai và cài chặt cửa với tham vọng của hắn. Ta không biết là đồng minh hay là kẻ thù của hắn thì khốn nạn hơn, vì thế Marescotti này đã thề không là gì hết. Một ngày nào đó, có lẽ là sắp thôi, Salimbeni sẽ tấn công dữ dội, đạp đổ luật pháp và cống rãnh của chúng ta sẽ tràn trề máu. Binh lính nước ngoài sẽ được đưa tới, đàn ông sẽ ngồi trong pháo đài đợi tiếng gõ cửa, ân hận vì đã lập nên các liên minh. Ta sẽ không là người trong số đó.

- Ai bảo mọi nỗi đau khổ này không thể ngăn chặn? – Romeo hối thúc. – Nếu chúng ta hợp nhất lực lượng với nhà Tolomei, các gia đình quý tộc khác sẽ đi theo ngọn cờ Đại bàng và chẳng mấy chốc, Salimbeni sẽ bị mất đất. Chúng ta sẽ cùng lùng bắt những tên cướp và làm cho đường phố an toàn trở lại, dùng tiền của hắn và phẩm giá của cha, những công trình vĩ đại sẽ được xây dựng. Một pháo đài mới ở Campo có thể làm xong trong nhiều tháng. Một giáo đường mới có thể xây dựng trong nhiều năm. Và Thượng đế phù hộ cho Marescotti sẽ thành lời cầu nguyện của tất cả mọi người.

- Con người nên ở ngoài mọi lời cầu nguyện, - sĩ quan Marescotti nói, ông đứng lại và giương cung, - cho đến khi chết. Mũi tên xuyên qua đầu con bù nhìn và rơi xuống chậu hương thảo. – Lúc đàn ông, anh ta mới có thể muốn gì làm nấy. Sống, nên đeo đuổi vinh quang thực sự ở giữa con và Chúa. Sự xu nịnh là thức ăn của kẻ tầm thường. Nói riêng nhé, con có thể hân hoan vì đã cứu mạng cô gái đó, nhưng đừng tìm kiếm sự công nhận hoặc đền ơn của người khác. Danh tiếng hão không hợp với một nhà quý tộc đâu.

- Con không muốn đền ơn, - Romeo nói, bộ mặt trai tráng của chàng nhường chỗ cho cái nheo mắt bướng bỉnh rất trẻ con, - con chỉ muốn có nàng. Con ít xúc động với những điều người ta hiểu hoặc nghĩ. Nếu cha không ban phúc cho ý định kết hôn với nàng của con thì…

Sĩ quan Marescotti giơ bàn tay đeo găng lên ngăn con trai, coi như không nghe thấy những lời vừa nói:

- Đừng dọa ta theo kiểu đàn ông, sẽ chỉ làm con tổn thương nhiều hơn ta đấy. Đừng để ta thấy con hành động theo kiểu trẻ con như thế này, nếu không, ta sẽ không cho phép con đua ngựa ở Palio. Kể cả những cuộc thi đấu khác của nam giới – nhất là những cuộc thi đấu – đòi hỏi sự đúng mực của đàn ông. Với hôn nhân cũng vậy. Cha không bao giờ cho con hứa hôn với bất cứ…

- Nếu thế con chỉ được yêu mình cha thôi ư?

- …vì cha đã biết những nét tính cách chính của con từ hồi ấu tơ. Ta có thể là một kẻ độc ác với kẻ thù đáng bị trừng phạt, ta có thể ăn trộm đứa con gái duy nhất của hắn và cho phép con làm cho nó phĩnh bụng ra. Nhưng ta phải không là người như thế. Ta bền lòng đợi con tháo gỡ cái tôi không kiên định của mình và hài lòng với mục đích theo đuổi một thời.

Trông Romeo tiu nghỉu. Nhưng chất độc của tình yêu vẫn ngọt như mật trên lưỡi chàng và nụ cười không thể nén được lâu. Niềm vui của chàng tung tẩy như con ngựa non thoát khỏi người điều khiển và phi nước đại qua mặt người đó, trên những cặp vó lạc lõng.

- Nhưng thưa cha, kiên định là bản tính thật của con! – Chàng đáp lại, vẻ chống đối. – Cho đến hết đời, con sẽ không bao giờ nhìn ngó bất cứ người phụ nữ nào khác, hoặc đúng hơn, con sẽ nhìn họ như những cái bàn, cái ghế. Lẽ tất nhiên con không có ý định ngồi hoặc ăn cách xa họ, nhưng sẽ với cảm giác họ như là một thứ đồ đạc. Hoặc có lẽ con nên nói rằng so với nàng, họ như mặt trăng so với mặt trời…

- Đừng so sánh cô ả với mặt trời, - sĩ quan Marescotti đe, và tiến tới chỗ con bù nhìn rơm để thu lại mũi tên. – Con thích bầu bạn với mặt trăng hơn kia mà.

- Vì con đang sống trong đêm trường vĩnh viễn! Chắc chắn rằng mặt trăng có quyền uy tối thượng với kẻ bất hạnh chưa bao giờ nhìn thấy mặt trời. Nhưng thưa cha, buổi sáng đã xua tan màn che trướng rủ màu vàng và đỏ của hôn nhân, và đây là rạng đông của tâm hồn con!

- Nhưng đêm nào mặt trời cũng rút lui, - sĩ quan Marescotti lập luận.

- Và con cũng sẽ rút lui! – Romeo ghì chặt một nắm tên vào ngực mình, - Để lại bóng tối cho loài cú và những con sơn ca. Con sẽ chăm chỉ nắm lấy những giờ phút rực rỡ, không còn bị giấc ngủ ngon lành giày vò nữa.

- Đừng đưa ra hứa hẹn về những giờ tối tăm, - sĩ quan Marescotti nói và cuối cùng, ông đặt bàn tay lên vai con trai. – Nếu vợ con bằng một nửa những gì con nói về cô ta, cũng đủ ám ảnh và mất ngủ lắm rồi.