Chu Phỉ và Lý Thịnh một trước một sau đi tới sông Tẩy Mặc, hai người họ từ nhỏ lớn lên ở 48 trại, người nào cũng nghịch ngợm quậy phá, người nào cũng có cách của mình để tránh né người đi tuần núi.

Đôi lúc Chu Phỉ không rõ là mình không hòa đồng hay là được di truyền từ Lý Cẩn Dung tính cách không khiến người ta thích.

Nàng và Lý Thịnh xấp xỉ tuổi nhau, cùng nhau lớn lên, lại cùng nhau học võ dưới trướng Lý Cẩn Dung, tuy không thể là đôi trẻ vô tư, nhưng nói thế nào cũng dính chút chút với từ “thanh mai trúc mã”, thế mà Lý Thịnh ở bên ngoài rõ ràng khôn khéo, lung lạc lôi kéo đến từng đệ tử trên từng đỉnh núi của 48 trại, nhưng chỉ duy nhất với nàng là bát tự tương khắc nhìn nhau chán ghét.

Trừ đối chọi gay gắt, lời nói giấu kim mỉa mai ngầm thì hai người họ hình như không nói gì khác, ngay cả việc tỷ thí giữa đồng môn với nhau để hóa giải khúc mắc lúc luyện võ cũng không có___họ phá chiêu đều là ở trước mặt Lý Cẩn Dung, hai người mạnh ai nấy học, ai cũng không giao lưu với ai.

Trong lúc Chu Phỉ suy nghĩ vẩn vơ thì hai người đã tới bên sông Tẩy Mặc, bầu trời đêm âm u vừa mới bị gió đêm búng ra chút khe hở, lộ vầng trăng chưa tới nửa cái bát, rơi xuống sông Tẩy Mặc, trong nháy mắt tựa như màu vàng vụn vỡ rồi bồng bềnh trôi đi, người trên bờ nhìn xuống hơi choáng váng.

Chu Phỉ nghe tiếng sột soạt bên cạnh, quay đầu thì thấy Lý Thịnh gỡ một bọc hành lý bên hông, đầu tiên lấy từ bên trong ra một sợi dây thừng, rồi lại lấy ra một móng vuốt sắt để tiện leo lên leo xuống, hiển nhiên là có chuẩn bị mà đến.

Chu Phỉ tình cờ nhìn vào bọc hành lý thì chợt sững sờ, buột miệng hỏi:

- Sao ngươi còn mang theo y phục để thay?

Lý Thịnh hơi ngừng lại, tiếp theo đầu cũng không thèm ngẩng lên, quấn kỹ lại bọc hành lý, đeo lên người____trong bọc hành lý không lớn ấy của hắn không chỉ có y phục thông thường mà còn có lộ phí, thuốc trị thương và một quyển du ký sứt sẹo thiếu trang.

Chu Phỉ không ngu ngốc, lập tức phản ứng được, Lý Thịnh nhân lúc trời tối khiêu chiến sông Tẩy Mặc không phải là ăn no rửng mỡ kiếm trò mới mà là thực sự muốn rời khỏi 48 trại, hơn nữa đã có ý định này từ lâu. Nàng không khỏi đứng thẳng người, kinh ngạc nói:

- Ngươi muốn đi?

Chu Phỉ luôn cảm thấy Lý đại công tử mới là “hòn ngọc quý trên tay” 48 trại.

Lão trại chủ chết do ngụy triều ám hại, đại đương gia 17 tuổi đã một mình gánh cái đòn gánh là 48 trại, lúc đó ngoài có hổ lang rình rập, trong có 48 lão trại chủ mưu lợi vặt vãnh, tuổi còn trẻ mà một mình bà như cái nắp đậy lên cái nồi này, nồi hết sôi rồi lại sôi, lâu dần đã trui rèn cho bà sự sát phạt quyết đoán, không nể mặt mũi, lại thêm tính tình vốn đã nóng nảy khiến bà càng ngày càng không dễ chung sống. Không ít lão trại chủ bây giờ đến trước mặt bà vẫn không kiềm được sợ hãi.

Nếu trút ngược Lý Cẩn Dung xuống mà vắt thì đại khái có thể ép ra hai giọt dịu dàng kiên trì, một giọt cho Chu Dĩ Đường, giọt còn lại cho huynh muội họ Lý.

Lý Thịnh địa vị cao ngất trong 48 trại, lại rất biết làm người, đi đến đâu cũng tiền hô hậu ủng. Chu Phỉ ngờ rằng dù cho hắn biến thành một con rết bự, có 180 cái chân thối cũng không đủ cho đám người nịnh nọt tranh nhau nâng niu.

Vị thiếu gia này rốt cuộc là không hài lòng chỗ nào?

Lý Thịnh trầm mặc chốc lát mới “ừ” một tiếng.

- Kỳ quái, thứ con lượm ngoài nghĩa địa về như ta còn chưa muốn bỏ nhà ra đi mà ngươi đã chuẩn bị xong hết rồi.

Chu Phỉ hơi chế giễu:

- Ngươi xếp hàng à?

- Ta không giống ngươi.

Lý Thịnh không muốn nhiều lời với nàng, hắn tìm một chỗ kín đáo, tự cột chắc dây thừng rồi thả người xuống theo vách núi, phần cuối của dây thừng không hiện lên trong quầng sáng âm u của sông Tẩy Mặc, rất nhanh đã không thấy bóng dáng.

Theo Lý Thịnh thấy, Chu Phỉ là con ruột của Lý Cẩn Dung, bị đánh bị chửi thì vẫn là con ruột.

Lý Cẩn Dung đối xử với Chu Phỉ như đối xử với một gốc cây nhỏ cần tu sửa nghiêm khắc, hễ nàng có chút xíu nghiêng vẹo nào thì bà sẽ không tiếc dùng đao chặt đứt, là vì hi vọng có thể chặt cho nàng thành tài.

Còn hắn, bị vây hãm trong một khoảng trời đất của dãy núi non này, mỗi người gặp hắn đều gọi “Lý công tử”, các trưởng bối còn vẽ rắn thêm chân bổ sung một câu “có phong thái của tiên phụ”, cả người hắn đều mang dấu ấn của Lý nhị gia, là một thứ “di sản”, ăn nhờ ở đậu nơi này… có lẽ còn là một thứ di sản vô dụng “tư chất không tốt”.

“Tư chất không tốt cũng không sao, từ từ là được”, lời này nghe khoan dung đến gần như dịu dàng, nhưng Lý đại đương gia có từng khoan dung với ai? Rõ ràng chỉ là không ôm bất cứ kỳ vọng nào với hắn mà thôi.

Lý Thịnh cắn răng, cố định móng vuốt sắt trên cổ tay mình, không chút do dự dẫn đầu leo xuống vách đá.

- Ôi…

Lời nàng chưa dứt, một chân Lý Thịnh đã giẫm vào khoảng không.

Lần này đi mới biết họ đều xem thường vách núi hai bên sông Tẩy Mặc, đặc biệt là quãng đường phía trên đầu từng được mài qua, trơn nhẵn như phủ một tầng băng, hầu như không có chỗ để mượn lực, Lý Thịnh hụt chân, cả người va vào vách đá, đoản kiếm bên hông rơi xuống, vang lên tiếng kim loại va vào đá.

Tiếng động đột ngột ấy khiến hai người giật nảy mình, Chu Phỉ trên vách đá và Lý Thịnh treo lủng lẳng giữa không trung đồng thời túm chặt sợi dây thừng buông xuống.

Mấy bó đuốc tuần núi ban đêm lập tức sáng lên, Chu Phỉ thấy dây thừng này cũng xem như bền chắc liền buông lỏng tay, khom người tránh vào sau một tảng đá to, tuy nàng không lùn nhưng khung xương nhỏ nhắn, lúc cuộn người lại rất bé, lỗ chó cũng có thể nấp vào được.

Vận may của hai người không tệ, chọn chỗ cũng tốt, người tuần núi loanh quanh gần đó nhưng không phát hiện ra điều gì khác thường.

Hồi lâu sau, Chu Phỉ mới ló người ra khỏi chỗ ẩn thân, cúi đầu nhìn lại, Lý Thịnh đã theo sợi dây thừng rơi xuống mười mấy trượng, lung la lung lay trong cơn gió trên sông như một chiếc lá rơi mà lòng vẫn vấn vương sông núi.

Một mình Chu Phỉ kiên nhẫn đợi bên vách núi một lát, trong đầu có một lần nảy ra ý nghĩ muốn ra ngoài xem thử.

Trong 48 trại thường xuyên có người đến nương nhờ để tránh tai họa, họ đều kể lại chuyện bên ngoài, có chuyện chấn động tim gan, có chuyện thảm nghe không nổi, có chuyện triền miên đau khổ, cũng có chuyện đứt từng khúc ruột____bên ngoài là như thế nào đây?

Loại ý nghĩ như ngựa hoang này không có thì thôi, vào khoảnh khắc nó xuất hiện thì đã hoàn thành quá trình cắm rễ vào đất, nảy mầm phát triển. Chu Phỉ đứng dậy, chọc nhẹ sợi dây thừng treo Lý Thịnh, cảm giác bên dưới dây thừng trống không thì tiện tay rút ra một dây vải, cột tóc lại, một tay túm sợi dây thừng, nhanh nhẹn nhảy xuống.

Có vết xe đổ trước đó của Lý Thịnh, Chu Phỉ căn bản không chạm vào vách đá trơn nhẵn, nàng nhẹ hơn Lý Thịnh nhiều, động tác cực kỳ nhẹ nhàng tuột xuống theo sợi dây thừng, như một đóa hoa liễu bay trong gió.

Lúc xuống hơn một nửa, tiếng nước to đến mức dội vào tai, Lý Thịnh đứng trên một tảng đá chỉ đủ cho một người đứng bên vách núi, cau mày đánh giá nước sông cuồn cuộn trước mắt.

Chu Phỉ thả hết dây thừng, quấn lên cổ tay, nàng không có chỗ đặt chân, chỉ dựa vào một cánh tay treo mình ở trên sông, thầm nghĩ: chẳng lẽ phải bơi qua sao?

Trong lúc cuộc tỷ thí phân cao thấp giữa hai người biến thành lên kế hoạch bỏ nhà ra đi, Lý Cẩn Dung bước nhanh vào từ đường.

Trong từ đường, một ông lão râu tóc bạc trắng đang hai tay thắp hương, đứng dưới bài vị “Hiển khảo Lý công húy Bội Lâm” (1), Lý Cẩn Dung yên lặng đứng bên cạnh, chờ ông lão thắp hương xong mới bước lên chào:

- Sư thúc.

(1) Ông tổ họ Lý tên húy là Bội Lâm.

Ông lão khoát tay với bà ra hiệu miễn lễ, nhìn khắp chung quanh, lộ ra biểu cảm “kẽ răng dính rau mà sống chết không chịu gỡ”, bèn “soạt soạt soạt soạt” dọn dẹp các đệm trong từ đường bên này một cái bên kia một cái cho ngay ngắn chỉnh tề rồi lại xắn tay áo muốn đi thu dọn lớp tàn nhang đọng trên bàn.

Khóe mắt Lý Cẩn Dung nhảy lên mấy lần, bà vội tiến lên nói:

- Để con làm cho.

- Tránh ra, tránh ra.

Ông lão đẩy tay bà ra:

- Các con đều thích dơ bẩn lộn xộn, đừng thêm phiền phức cho ta.

Lý Cẩn Dung đành phải nắm tay đứng một bên, nhìn ông lão nhảy tới nhảy lui trên bàn thờ, chỉnh các bài vị cho đúng khoảng cách, vô cùng bận rộn, bà hỏi:

- Vết thương của sư thúc đã tốt hơn chưa?

- Không sao, lên bờ một lát không chết được.

Ông lão nói:

- Hôm nay là rằm tháng ba, ta tới thăm cha con.

Người này chính là vị “Ngư lão” được lưu truyền tới mức thần kỳ.

Ngư lão hờ hững nói:

- Ta thấy người trong trại qua lại có thứ có tự, mọi người ai làm việc nấy, đủ thấy con làm đại đương gia rất tốt.

- Vẫn còn áp chế được.

Vẻ mặt Lý Cẩn Dung không có chút gì là vui mừng:

- Sư thúc có nghe lời đồn bên ngoài chưa?

Ngư lão sắp xếp lại mọi thứ trong từ đường cho chỉnh tề rồi, cuối cùng mới thở ra một hơi, thò tay vào trong tay áo, quay đầu cười nói với Lý Cẩn Dung:

- Đã là lời đồn thì nghe làm gì?

Lý Cẩn Dung hạ giọng:

- Ai cũng đồn rằng Tào Trọng Côn bệnh nặng, e không qua khỏi.

- Tào Trọng Côn chết há chẳng tốt sao?

Ngư lão nói:

- Ta còn nhớ hồi con còn trẻ dẫn người phẫn nộ xông đánh Bắc đô, ba ngàn ngự lâm quân không ngăn nổi các con, suýt nữa làm thịt Tào tặc, dọa cho lão thất phu đó gần tè ra quần, nếu không có bảy con chó kia thì Tào tặc sớm đã là vong hồn dưới đao rồi. Sao bây giờ nghe nói hắn đánh rắm, con lại hoảng lên vậy hả?

Lý Cẩn Dung cười khổ:

- Xưa đâu phải nay, trước mắt chẳng qua chỉ là một tin đồn mà trong trại đã có người tâm không ổn định, tin tức này còn chưa chắc là thật, con sợ…

Ngư lão mở mắt nhìn bà:

- Sợ phiền phức?

Lý Cẩn Dung hơi dừng lại, không thừa nhận cũng không phủ nhận, chỉ hàm hồ cười nói:

- Có lẽ con già rồi.

Ngư lão không thích nghe chữ “già”, vô cùng bất mãn hừ một tiếng, ngay cả râu cũng vểnh lên, còn chưa kịp nói thì nghe bên ngoài có một đệ tử tuần núi kêu lên:

- Đại đương gia!

Lý Cẩn Dung quay đầu lại, chỉ thấy một “vật” ầm vang như pháo núi, đầu tóc bết lại lao vào lòng bà.

- A Nghiên?

Lý Cẩn Dung giật mình:

- Con thế này là sao?

Lý Nghiên ban đầu tưởng rằng Lý Thịnh chỉ khiêu khích ngoài miệng thôi, mà Chu Phỉ cũng không đồng ý, cho nên chuyện vượt sông Tẩy Mặc chắc chắn là bị hủy. Nào ngờ vào ngày 15, nàng mới phát hiện mình không thể nào hiểu được sự ăn ý ngầm kỳ lạ giữa đôi oan gia ngõ hẹp biểu tỷ và đại ca____nàng thấy Lý Thịnh thu dọn hành lý mới biết huynh ấy không chỉ muốn đi mà còn muốn nhân đó rời khỏi 48 trại!

Vì Lý Nghiên là một con nhóc lỳ lợm cứng đầu hay đi tố cáo nên để đề phòng bất trắc, Lý Thịnh trước khi đi đã bắt muội ấy trói lại trong phòng, dù sao khi trời sáng mà không thấy muội ấy, tự nhiên sẽ có người tới tìm.

Lý Thịnh dẫu sao cũng là ca ca ruột, sợ muội ấy vùng vẫy sẽ bị dây thừng làm trầy da nên dùng tới hai sợi dây___trước tiên dùng sợi mềm trói gô muội ấy lại, rồi lấy sợi hơi thô chút quấn lên trên sợi mềm, trói muội ấy vào chân giường.

Nhưng hắn đã đánh giá thấp lòng nhiệt tình tố cáo của Lý Nghiên cô nương cũng như mức độ mềm mại của thân thể bé gái.

Sau khi đại ca đáng ghét rời đi, Lý Nghiên liền bắt đầu vặn vẹo quẫy đạp dữ dội ngay tại chỗ, thoát ra khỏi lớp dây thừng ngoài, còn lớp dây trong và vải nhét trong miệng thì không làm gì được, thế là nàng duy trì hình tượng con nhộng bắt đầu nhảy ra ngoài, nhảy mệt liền dứt khoát nằm xuống đất mà lăn.

Đệ tử tuần đêm còn tưởng trước mặt có một con heo rừng lao tới, đều rút vũ khí ra, giơ kiếm định chém thì phát hiện “heo rừng” dừng lại dưới chân, lộ ra một đoạn vạt váy đỏ hồng.

Lý Nghiên mặt mày dơ dáy cuối cùng cũng gặp được người thân là Lý Cẩn Dung thì hít sâu một hơi tại chỗ, hô to tròn vành rõ chữ bài tố cáo đã nghẹn cả đêm:

- Lý Thịnh khốn kiếp xúi A Phỉ đến sông Tẩy Mặc rồi! Huynh ấy muốn bỏ nhà ra đi, con nói sẽ đi méc đại cô cô, huynh ấy liền trói con lại!

Lý Cẩn Dung có chút hồ đồ:

- Cái gì?

Lý Nghiên lau nước mắt:

- Ai cũng nói Ngư lão dưới sông kỳ thực là một con cá nheo tinh lớn ngàn năm, nếu bị nó bắt thì có phải bị đem đi nấu lẩu ăn không?

Ngư lão kéo ống tay áo, ở bên cạnh ho khan một tiếng.

Lý Nghiên lúc này mới phát hiện ở đây còn có người, ngẩng đầu nhìn thì thấy một ông lão vóc người nhỏ nhắn, nàng ngượng ngùng chui ra khỏi ngực Lý Cẩn Dung, chào vô cùng lễ phép:

- Chào lão công công, lão công công là ai nhỉ?

Lão công công cười đáng yêu trả lời:

- Cá nheo tinh lớn.

Lý Nghiên:

- …

Lý Cẩn Dung bị hai đứa trẻ xúi quẩy này chọc tức đến đau ngực thì nghe Ngư lão nghiêm nghị nói:

- Cẩn Dung, đừng vội tức giận, phái thêm vài người tìm hai đứa trẻ đó về, tối nay ta lên bờ, sông Tẩy Mặc không ai canh giữ, “dây trận” ở lòng sông đã mở.

Lý Cẩn Dung bỗng nhiên biến sắc, xoay người rời đi.