Edit: OhHarry

***

Giang Mộ mang quà cưới đến trường quay tặng các nhân viên trong đoàn. Mặt trên nắp hộp quà hình vuông in tên viết tắt của anh ta và Dung Như Ngọc, trong hộp đựng ảnh chụp, sô-cô-la và móc khóa do một thương hiệu nổi tiếng tài trợ, mọi thứ được đóng gói rất chỉn chu và đẹp mắt. Mới lễ đính hôn thôi mà đã đầu tư thế này rồi thì không biết lễ cưới sẽ còn trang trọng đến mức nào.

Tôi đã quan sát thái độ của Tịch Tông Hạc khi trợ lý của Giang Mộ đi phát quà, khuôn mặt sầm sì ấy khiến tôi nghĩ rằng anh sẽ vứt luôn hộp quà xuống đất và giẫm bẹp nó ngay tức thì. Thế nhưng, giờ đây anh ấy lại cư xử nhũn nhặn một cách lạ thường, anh chỉ ném hộp quà cho Phương Hiểu Mẫn rồi mặc kệ nó.

“Ôi, cái móc khóa này dễ thương quá đi mất, bán ngoài thị trường chắc ít nhất cũng phải một, hai nghìn tệ đó anh, cả thanh sô-cô-la nữa, trông ngon quá trời luôn!” Văn Văn ao ước nhìn hộp quà cưới tôi đang cầm.

“Đây, cho em đấy.” Tôi đậy nắp hộp lại rồi dúi nó cho Văn Văn, “Không thích tấm ảnh thì đốt đi nhé.”

Hai con người đó chỉ chất nặng lên tôi nỗi ngán ngẩm vô biên.

Văn Văn mừng rỡ nhận lấy hộp quà rồi đáp lại tôi bằng một giọng ngọt xớt: “Dạ!”

Cảnh quay hôm nay của tôi là phân đoạn vô cùng quan trọng của bộ phim – Cái chết của Khổng Hoành.

Quân phản loạn do Mục Hĩ chỉ huy đã bao vây kinh thành, Khổng Hoành dẫn người đi bảo vệ bức thành trì cuối cùng của hoàng cung. Thế nhưng, “sẩy đàn tai nghé”, liệu rằng tình thế ngàn cân treo sợi tóc này có thể được cứu vãn chỉ bằng sức của một người không? “Một cây làm chẳng nên non”, cuối cùng, Khổng Hoành kiệt sức, y bị bắn chết ngay ngoài cổng thành bởi một mũi tên, cho đến khi trút hơi thở cuối đời, y vẫn một lòng nghĩ cho sự an nguy của Khánh Lê.

(*) Sẩy đàn tai nghé: sự chia lìa, tan nát của một gia đình hay tập thể khi không có người đứng đầu.

Khi đọc kịch bản, đứng dưới góc độ của người xem, tôi chỉ thấy kết cục mà Khổng Hoành phải hứng chịu là do chính y “gieo gió gặt bão”, nhưng đến khi diễn, tôi không thể nhập vào cảm xúc như vậy được. Y chính là tôi, mà tôi cũng là chính y, nếu tôi không tỏ tường suy nghĩ của y thì làm sao có thể lôi kéo được cảm xúc của khán giả?

Trước khi cảnh quay bắt đầu, tôi đã suy nghĩ rất lâu những vẫn chưa nắm bắt được cảm xúc chủ đạo của nhân vật. Khổng Hoành nghĩ gì khi đang hấp hối? Liệu y sẽ thấy hối hận chứ? Y sẽ hổ thẹn chứ? Y sẽ căm phẫn chứ?

Tôi có thể lột tả những cảm xúc khác của nhân vật bằng cách vận dụng trải nghiệm của bản thân, nhưng tôi không biết phải diễn giải cái khoảnh khắc gần đất xa trời mà mình chưa hề trải qua như thế nào đây.

Nếu là lúc bình thường, tôi sẽ tới gặp Tịch Tông Hạc để xin lời khuyên, nhưng kể từ hôm bị anh đâm chọc, xúc phạm, và bị tổn thương ấy, tôi thực sự chẳng thể nói chuyện với anh ấy một cách bình tĩnh được nữa.

Chẳng còn lựa chọn nào khác, tôi đành rút lui và tới thỉnh vấn Lạc Liên.

Mặc dù chưa gặt hái được thành tích quá xuất sắc trong sự nghiệp nhưng quả thực cô ấy là một diễn viên giỏi hiếm có.

“Diễn thế nào ư…” Nghe xong câu hỏi của tôi, Lạc Liên trầm ngâm một lúc, “Chị không biết phải khuyên em thế nào, nhưng đây là vai diễn của em, em cần đặt mình vào cảm xúc của nhân vật.”

Tôi hơi hụt hẫng, vừa định đứng dậy thì cô ấy cất tiếng: “Nhưng em có thể thay thế tình cảm mà Khổng Hoành dành cho Khánh Lê bằng tình yêu mà em dành cho nửa kia của mình.”

Tôi nhướn mày, cảm thấy khó hiểu vì lời khuyên của cô ấy.

Lạc Liên bật cười: “Chính em nói thế mà, Khổng Hoành yêu Khánh Lê, thật ra hai trạng thái yêu này khá tương đồng với nhau, em có thể không hiểu được tình yêu giữa tín đồ và thần linh họ sùng kính, nhưng chắc cũng hiểu được tình cảm mà một người đàn ông dành cho người phụ nữ họ luôn trân quý chứ.”

Tình yêu đàn ông dành cho phụ nữ ư?

Tôi suy tư. Tôi yêu mẹ tôi, chị Mỹ Phương và Cố Nghê, nhưng đây là tình cảm dành cho người thân trong gia đình, không mãnh liệt như tình yêu mà Lạc Liên đang đề cập đến.

“… Hoặc là tình yêu giữa hai người đàn ông với nhau?”

Nghe vậy, tôi ngẩng phắt đầu lên, nhìn về phía Lạc Liên. Dù không có gương nhưng tôi đoán chắc mặt mày mình bây giờ chẳng được sáng sủa gì cho cam.

Lạc Liên tỏ ra lúng túng, có thể vì cô không ngờ được rằng thái độ của tôi lại gay gắt tới vậy, cô vội bịt miệng: “Chị đùa thôi.”

Tôi cười khan: “Để em tự ngẫm nghĩ xem sao.”

Tôi trở về chỗ ngồi của mình, nhưng vừa đi được nửa đường đã bị Tịch Tông Hạc gọi giật lại.

Anh ấy đang nằm chợp mắt trên ghế với một cuốn kịch bản che kín gương mặt, tôi không biết anh đã chú ý đến mình từ bao giờ, nhưng anh đã căn chuẩn thời gian để gọi tôi lại.

Tôi ngưng bước, thử nghe xem anh muốn nói gì.

Anh ngồi dậy, nhìn tôi, nhãn tuyến rơi trên tập kịch bản tôi cầm trên tay: “Biết diễn thế nào không?”

Tôi cúi xuống nhìn cuốn kịch bản rồi thong dong trả lời: “Không biết.”

Anh cười xòa một tiếng: “Thế sao anh không hỏi tôi?”

Tôi riết chặt năm ngón tay, đáp lại cậu hỏi của anh: “Em lo anh sẽ ói ra mất.” Không đợi anh mở miệng, tôi đã thẳng thừng trở về chỗ ngồi của mình.

Bản edit này chỉ có ở wordpress của Hải Đường Lê Hoa.

Khói lửa mịt mùng bao vây tứ phía, khắp nơi là cảnh quân sĩ chém giết nhau. Thứ máu nóng rực bắn lên trên người, trên mặt Khổng Hoành, nhưng y không quan tâm, giờ đây y chỉ biết rằng những kẻ địch kia sẽ không bao giờ dừng lại, chúng ập đến, tiến như vũ bão, chỉ một chốc nữa thôi, cổng thành sẽ bị công phá.

Không! Không thể để chúng sấn tới ngai rồng dù chỉ nửa bước!

“Đại nhân, quân ta không cầm cự được nữa!”

Một tướng sĩ gào lên rồi gục ngã, chỉ trong vài giây ngắn ngủi, toán quân đảo chính đã tràn đến.

Khổng Hoành nắm chặt thanh kiếm trong tay, y nhìn cảnh tượng hỗn loạn xung quanh bằng ánh mắt vô hồn. Giang sơn gấm vóc của y, xã tắc no ấm của y, giờ đây đã bị chà đạp, giày xéo không thương tiếc.

Rõ ràng y đã giết ả đàn bà kia, cớ sao đất nước vẫn rơi vào cảnh diệt vong?

Trong tình thế khốn đốn này, y vẫn nghĩ cho bậc quân vương của mình.

Người đang cần y, y phải đến bên bảo vệ cho Người.

Y từ từ rút thanh trường kiếm đang găm trên người một kẻ phản loạn ra rồi xoay mình đi về phía hoàng cung. Cứ mỗi bước chân, y lại tăng thêm một phần tốc lực, y gắng gượng, cố sức sải bước thật nhanh.

Y đã sai rồi ư? Y đã sai khi giết một người đáng phải chết ư?

Không, đáng ra y phải giết luôn cả Mục Hĩ mới phải.

Mục Nhạc đáng chết vì đã mê hoặc Người, nhưng Mục Hĩ còn đáng chết hơn khi bày kế hòng chiếm lấy lòng tin của Người!

Người sai là bè lũ bọn chúng!

Khổng Hoành siết chặt chuôi kiếm, hét lên thật lớn: “Mục Hĩ, hãy nộp mạng đi!”

Gân xanh nổi lên khiến biểu cảm trên mặt cũng trở nên méo mó theo, nỗi hận thù khỏa lấp từng lỗ chân lông trên người y, rần rật và cuồn cuộn sôi trào trong dòng huyết quản y.

Y phải đi tìm Khánh Lê, y phải hộ giá cho đức vua của mình.

Đột nhiên, tứ bề trở nên lặng ngắt, đầu mũi kim loại găm sâu vào da thịt y từ phía sau.

Y lê chân về đằng trước vài bước rồi kiệt sức, ngã khuỵu xuống. Máu tuôn ra trên lưng, một mũi tên nhọn đã ghim xuyên vào tim y, đuôi mũi tên rung lên để nhấn mạnh sự tồn tại của nó.

Khổng Hoành hộc máu, y run rẩy vươn tay về phía trước như đang cố gắng chộp lấy thứ gì trong khoảng không.

Nỗi chưa bưa phả lòa trong ánh mắt y, y cố lết mình về đằng trước, hít vào một hơi dài nhưng không thở ra.

(*) Bưa: thỏa lòng, cam tâm, hả hê.

Y đã không còn liên quan gì đến đất nước này, y cũng không bảo vệ được cho đức vua của mình. Lính tráng hai phe vẫn lao vào chém giết lẫn nhau, Khổng Hoành trợn trừng đôi mắt phẫn uất, y đã trút hơi thở cuối cùng.

Tôi lập tức bò dậy ngay khi đạo diễn Mã ra hiệu “ok”.

Tôi chẳng buồn nghĩ đến việc lau sạch huyết tương trên người mình, chỉ nhận lấy chai nước khoáng và khăn giấy ướt từ Văn Văn rồi bước ra ngoài.

Phân cảnh này khiến tâm trạng tôi trở nên căng thẳng quá mức, tôi cần một khoảng thời gian để bình tĩnh lại.

Tôi ngồi xổm trong góc, uống nước, súc miệng và lau sạch vết máu giả bám trên tay và mặt, sau đó từ từ nhắm mắt lại dưỡng thần.

Một lát sau, tôi chợt nghe thấy tiếng bước chân vang lên, vừa mở mắt ra, tôi đã thấy Tịch Tông Hạc đứng trước mặt mình.

Tôi ngước mắt nhìn anh rồi bất động, một nỗi buồn man mác không tên dâng lên, phủ trọn lấy cõi lòng tôi.

“Anh ổn chứ?”

Dường như anh đã quên mất chuyện không vui xảy ra giữa chúng tôi, hoặc có lẽ, vì tôi quá nhỏ nhen nên mới nhớ dai như vậy.

Mồm mép có độc địa đến mấy, tính tình có tệ hại đến mấy đi chăng nữa thì việc anh chủ động ngỏ lời hỏi thăm cũng đủ để xua tan cơn giận trong lòng tôi rồi.

Tôi lắc đầu, không còn đủ tỉnh táo để phân biệt mình đang là Khổng Hoành hay Cố Đường, cũng không còn tỉnh táo để thuần túy coi anh là Tịch Tông Hạc.

“Anh có hận em không?” Tôi chộp lấy bàn tay đang buông thõng của anh và áp lên trán mình, “Tất cả đều là lỗi của em, đáng ra em phải… chăm sóc cho anh thật tốt.”

Hàng mi rủ trên đôi mắt tôi khẽ run, anh giật giật bàn tay như thể bị tôi làm ngứa.

“Tất cả đều là lỗi của em…”

Bàn tay anh ấm nóng xiết bao, hoặc cũng có thể là do tôi vừa rửa tay bằng nước lạnh, thân nhiệt của hai chúng tôi có sự chênh lệch đáng kể khiến tôi càng tha thiết với bầu ấm áp của anh hơn.

“Người Khánh Lê hận là Khổng Hoành, anh không phải Khổng Hoành, mà tôi cũng chẳng phải Khánh Lê. Anh không làm gì có lỗi với tôi thì sao tôi hận anh được?” Anh nói một cách bình tĩnh và rõ ràng, “Cố Đường, anh phải giải thoát bản thân khỏi nhân vật.”

Tôi cười tủm tỉm: “Lúc quay phim cùng Giang Mộ anh có phân chia rạch ròi như vậy không? Anh ta hiểu lầm anh, muốn giết anh, anh không buồn chút nào sao?”

Tịch Tông Hạc lặng thinh một hồi rồi kéo tôi dậy khỏi mặt đất.

“Người buồn là Khánh Lê, sau khi cảnh quay kết thúc, tôi chỉ là Tịch Tông Hạc mà thôi, anh đừng để vai diễn ảnh hưởng đến cảm xúc thực của mình.”

Tôi như vừa bừng tình: “Ừ, phim là phim, hiện thực là hiện thực, không được nhầm lẫn với nhau.”

“Hôm nay anh diễn tốt lắm.” Anh buông tay tôi ra, “Vào trong đi, ngoài này lạnh quá.”

Nói rồi, anh quay người bước đi, tôi ngóng vọng theo bóng lưng vững chãi ấy, thầm bẽ bàng. Anh ấy luôn là diễn viên xuất sắc, nhập vai nhanh, diễn xuất cũng rất tự nhiên. Nhưng một diễn viên tệ hại như tôi lại chẳng thể xử trí theo ý bản thân.

Chỉ có mình tôi vùi sâu trong cảm xúc nhân vật, chỉ có mình tôi lăn lộn đến mất ngủ, giãy dụa một cách khốn khổ vì nỗi yêu hận của nhân vật.