BẠN ĐỌC CẦN ĐI VÒNC QUA HẢO VỌNG GIÁC

Chắc bạn đọc rất ngạc nhiên thấy chúng tôi mời hãy quá bộ vượt ngàn dặm trùng dương tới doanh trại quân đội ở Bundlegunge, thuộc khu Madras tại Ấn Độ, nơi những người bạn anh dũng của chúng ta trong trung đoàn...đóng quân, dưới quyền chỉ huy của trung tá Michael O’Dowd dũng cảm. Đối với viên sĩ quan to béo này, thời gian không ảnh hưởng mấy, cũng như đối với những người có con tì con vị hảo hạng lại vô tư lự, đầu óc không phải làm việc vất vả mấy khi. Ngài trung tá sử dụng con dao, cái dĩa rất thạo, bữa trưa cũng như bữa tối. Sau bữa ăn, thế nào ngài cũng phải hút một tẩu thuốc hookah (), phu nhân có rầy la cũng mặc, ngài cứ thản nhiên thở khói, y như ngài đã bình tĩnh hút thuốc dưới làn mưa đạn của quân Pháp trong trận Waterloo vậy. Tuổi tác cũng như khí hậu nóng bức không hề làm giảm sút sự hoạt động và tài hùng biện của người đàn bà thuộc dòng dõi hai họ Malony và Molloys. Sống ở Madras, phu nhân, tức là người bạn cũ của chúng ta cảm thấy cũng thoải mái y như ở Brussels... dầu phải chui rúc trong lều vải hay được sống trong nhà dân cũng vậy. Khi nào trung đoàn hành quân ta thấy bà đi đầu, cưỡi trên lưng một con voi đồ sộ trông bệ vệ ra phết. Bà ta cũng đã cưỡi voi chiến với chúa sơn lâm trong rừng thẳm. Bà cùng cô Glorvina đã được phó vương các địa phương tiếp đón trong những hậu cung bí mật đầy tỳ thiếp của họ, lại được họ tặng vô số khăn san và đồ trang sức, nhưng bà không muốn nhận. Đi đến đâu, bà cũng được lính gác bồng súng chào và bao giờ bà cũng trịnh trọng giơ tay lên mũ đáp lại. O’Dowd phu nhân là một trong số các mệnh phụ tiếng tăm nhất tại phủ Tổng trấn Madras.

Tại đây có người vẫn còn nhớ câu chuyện xích mích giữa bà và Smith phu nhân, vợ ngài Minos Smith phụ thẩm tại toà án. Bà đã xỉa xói vào mặt vợ ông quan toà mà bảo rằng bà không việc gì phải lép vế đối với vợ một tên dân thường. Hai mươi lăm năm trời trôi qua rồi, thế mà bây giờ nghĩ lại, vẫn chưa ai quên được chuyện O’Dowd phu nhân nhảy điệu Jig liên tục với hai viên sĩ quan tuỳ tùng; một viên thiếu tá thuộc đội kỵ binh Madras và hai nhân viên thuộc Cục hành chính dân sự; mấy vị này mệt phờ râu. Thiếu tá Dobbin chỉ huy phó trung đoàn phải can mãi bà mới chịu lên buồng trên gác cho, lassata nondum satiata recessit().

Bà Peggy O’Dowd quả thật vẫn như xưa... bụng bảo dạ vẫn tốt, tính tình vẫn sôi nổi mãnh liệt, vẫn thích chỉ huy người khác và vẫn là một bạo chúa đối với ông Michael. Bà là một con rồng giữa đám các bà vợ sĩ quan trong trung đoàn là một người mẹ đối với những chàng trẻ tuổi; bà săn sóc họ khi ốm đau, giúp đỡ họ khi gặp khó khăn, nên được họ rất mến. Nhưng bà bị mấy bà vợ các sĩ quan dưới quyền a tòng nhau chống lại. Họ gièm pha rằng có cô Glorvina làm bộ làm tịch lắm, rằng bà O’Dowd hống hách quá, không chịu được Bà Kirk có tổ chức một nhóm giảng đạo nhỏ, đang thuyết giáo cho mấy người đàn ông trẻ tuổi nghe thì bị bà Peggy xông vào giễu cợt làm cho bọn này bỏ về cả. Bà bảo rằng vợ lính không cần phải làm mục sư cũng được, rằng bà Kirk về mà vá áo cho chồng thì có ích hơn, rằng nếu trung đoàn cần thuyết giáo thì bà sẵn có những bài giảng đạo của ông chú làm chánh xứ, là những bài giảng đạo hay nhất thế giới. Bà cắt đứt một cách không thương tiếc câu chuyện chim chuột mới chớm giữa trung uý Stubble và vợ viên sĩ quan thầy thuốc; bà doạ nếu viên trung uý không lập tức cắt đứt mọi quan hệ và xin nghỉ phép đi dưỡng bệnh ở Hảo Vọng giác thì bà sẽ đòi nợ ngay (chả là cu cậu vẫn còn quen thói “bốc trời”). Một đêm bà Posky bị ông chồng nốc hai chai rượu , say khướt đuổi đánh, phải chạy trốn ra khỏi nhà. Bà cho trú nhờ và che chở.

Bà còn săn sóc cho ông Posky qua cơn bệnh tửu cuồng, rồi giúp ông bỏ hẳn được tật rượu chè, tức là cái bệnh cố hữu nó bám nhằng nhằng lấy ông ta như những thói tật xấu xa vẫn bấu chặt với người đời vậy. Tóm lại, khi ta gặp hoạn nạn thì bà là người bạn an ủi tốt nhất, nhưng khi ta gặp may mắn thì bà cũng làm phiền ta nhiều nhất. Vì bao giờ bà cũng tự cho mình là con người hoàn hảo và khăng khăng hành động theo sở thích.

Bà còn rắp tâm gả kỳ được cô Glorvina cho Dobbin mới nghe.

Bà O’Dowd hiểu rõ mối tình u uẩn của thiếu tá. Bà cũng khen ngợi anh ta là người có nhiều đức tính và tính cách cao thượng của anh ta khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Theo ý bà, hình như trời sinh ra cô Glorvina - một cô thiếu nữ rất xinh đẹp, da dẻ tươi tắn, tóc đen nhánh, mắt xanh biếc, biết cưỡi ngựa, lại chơi nhạc bài sonata hay không kém bất cứ cô gái nào trong quận Cork - là để đem lại hạnh phúc cho Dobbin... chứ không phải là cái cô Amelia yếu ớt đáng thương mà anh ta vẫn luôn mồm nhắc đến kia. Bà thường bảo: “Cứ nhìn cách Glorvina bước vào phòng khách mà xem, rồi so sánh với bà Osborne, mới thấy bà ta chỉ là một con ngỗng, thiếu tá ạ; ông lấy cô đó thì vừa lứa đẹp đôi quá đi mất... tính ông nhút nhát phải có người biết ăn nói đỡ đần câu chuyện hộ mới xong; tuy cô nó không thuộc dòng dõi con nhà nòi như họ Malony hay họ Molloys, nhưng tôi xin nói để ông rõ, cô nó cũng sinh trong một gia đình nề nếp mà bất cứ người danh giá nào thông gia với gia đình cô nó cũng đáng lấy làm hãnh diện”.

Nhưng trước khi cô Glorvina quyết định chinh phục thiếu tá Dobbin thì phải thú nhận rằng chính cô đã đem khả năng của mình ra thử thách tại nhiều nơi khác rồi. Có lần cô đã đi Dublin chơi và đố ai biết rõ cô đã đi Cork, Killarney và Mallow bao nhiêu bận đấy. Cô ta chim tất cả các sĩ quan và các nhà quý tộc trẻ tuổi chưa vợ trong quận; cô đã đính hôn độ mươi lần ở Ailen, không kể chuyện gắn bó với một mục sư ở Bath khiến cho về sau cô rất đau khổ. Ở Madras cô đã ra mặt “chài” một viên đại uý bạn thân của phó vương Ramchunder. Cô lại đã cùng ông O’Dowd và bà chị đến chơi mấy tháng tại thủ phủ khu Madras.

Trong thời gian này, viên thiếu tá tạm lĩnh quyền chỉ huy trung đoàn đóng ở Bundlegunge. Tại đây ai cũng phải lòng cô, ai cũng nhảy với cô, nhưng không ai muốn lấy cô làm vợ. Cũng có vài viên thiếu uý trẻ măng và vài viên chức mặt non choẹt chết mê chết mệt vì cô đấy, nhưng cô cho là họ chơi trèo. Thành ra nhiều cô gái ít tuổi hơn lại lấy chồng trước cô. Thế mới biết ở đời vẫn còn nhiều cô thiếu nữ - mà lại là những thiếu nữ xinh đẹp cơ chứ - cũng lâm vào cái “vận mệnh” như vậy đấy. Họ phải lòng thiên hạ một cách hết sức rộng lượng, họ cưỡi ngựa và đi bộ rong chơi với đến nửa số sĩ quan có tên trong danh sách quân đội; thế rồi cho đến khi xuân xanh đã xấp xỉ tứ tuần, cô O’Grady nhà ta vẫn cứ còn là cô O’Grady! Cô Glorvina vẫn yên trí rằng, giá như bà O’Dowd không cãi nhau với vợ ông quan toà thì nhất định cô đã lấy được chồng ở Madras rồi; hồi ấy ông Chutney, người đã đứng tuổi, công chức cao cấp tòng sự tại Cục dân sự suýt nữa thì hỏi cô làm vợ (sau này, ông lấy cô Dolby, một cô học sinh mới mười ba tuổi vừa từ Âu châu sang).

Thế là O’Dowd phu nhân và cô Glovina ngày nào cũng cãi nhau mà cãi nhau về bất cứ chuyện gì - ví phỏng ông Mick O’Dowd không hiền như bụt thì đến phát điên lên từ lâu vì điếc tai rồi.

Nhưng hai chị em đều nhất trí ở điểm cô Glorvina phải lấy Dobbin và không thể để cho anh ta ăn ngon ngủ yên nếu anh ta chưa chịu đính ước. Không chút sờn lòng vì bốn năm chục cuộc thất tình vừa qua, cô Glorvina bắt đầu vây hãm thành trì. Cô rả rích hát vào tai Dobbin những khúc tình ca Ailen. Gặp anh ta ở đâu, cô cũng lấy giọng thiết tha hỏi xem có muốn cùng mình vào rừng chơi không.

Thử hỏi con người có tình nào mà cưỡng lại cho được? Cô không ngớt lời hỏi thăm xem hồi còn nhỏ Dobbin có bao giờ bị nỗi sầu muộn dày vò không; cô sẵn sằng lắng nghe anh ta kể lại những cảnh trận mạc, những nỗi hiểm nguy để khóc thút thít y như Desdemona () ngày xưa vậy. Anh bạn của chúng ta có thói quen ngồi buồn một mình hay thổi sáo cho khuây khoả. Cô Glorvina nhất định đòi hoà nhạc với anh ta, cô chơi dương cầm, Dobbin thổi sáo. Những lúc này bà O’Dowd thường có ý tứ lảng ra một nơi khác.

Sáng nào cô Glorvina cũng bắt Dobbin phải cùng cưỡi ngựa đi chơi với mình. Lúc ra đi cũng như lúc về, khắp trại lính ai cũng biết. Cô gửi thư đến chỗ Dobbin ở luôn luôn; cô mượn sách của anh ta để đọc, rồi gạch những nét bút chì thật đậm dưới những đoạn văn tình tứ hoặc hài hước mà cô thích. Rồi cô mượn đầy tớ của anh chàng, mượn cả thìa, mượn cả cáng... chả trách được ai cũng đồn hai người đã đính ước với nhau, và mấy cô em ở nước Anh mới đinh ninh rằng họ sắp có chị dâu.

Thế mà anh chàng Dobbin, mặc dầu bị kẻ địch vây hãm gay go là thế mà vẫn cứ lờ đi như không mới đáng ghét chứ. Nghe anh em trong trung đoàn bỡn cợt về chuyện được cô Glorvina có bụng thương yêu, anh ta chỉ cười xoà: “Dào ôi! Cô ấy cũng đùa cho vui đấy thôi. Chẳng qua cô ấy thử tớ cũng như thử cây dương cầm của bà Tozer, vì đấy là cây đàn dễ chơi nhất trong trại lính. Tớ già quá rồi, cô Glorvina trẻ đẹp thế lấy nhau chả xứng”. Nhưng anh ta vẫn sóng ngựa đi chơi với cô ta như cũ, vẫn chép hộ cả nhạc và thơ vào sổ tay, lại chịu khó ngồi đánh cờ với cô ta nữa. Ở Ấn Độ một số sĩ quan có thói quen tiêu thì giờ rỗi rãi bằng những thú chơi hiền lành ấy trong khỉ nhiều người khác hoạt động hơn, ưa săn lợn rừng, săn chim, đánh bạc, hoặc hút xì gà và uống rượu. Ông Michael O’Dowd bị cả bà vợ và cô em gái thúc giục đi tìm viên thiếu tá đòi xác định thái độ, không chịu để anh ta làm khổ mãi người con gái vô tội một cách đáng xấu hổ như thế, nhưng ông ta từ chối dứt khoát không chịu dính dáng vào cuộc âm mưu này. Ông nói: “Lạy Chúa, ông thiếu tá cũng lớn khôn rồi, đủ tư cách chọn vợ lấy; ông ấy muốn cô, tự khắc ông ấy tìm đến cô”. Những lúc khác thì lại xoay câu chuyện ra hướng hài hước, bảo: “Dobbin còn trẻ quá, chưa nên lập gia đình, còn phải viết thư về nước xin phép mẹ đã”. Ông còn đi xa hơn, kín đáo báo động riêng với viên thiếu tá rằng: “Này Dop, cẩn thận nhé; bọn đàn bà nhà tôi là gớm lắm đấy!... Bà nó nhà tôi vừa gửi mua bên Âu châu hàng tá áo mới, có cả một tấm áo sa tanh hồng cho Glorvina. Phen này có khi cậu chết vì đàn bà và áo sa tanh đấy. Thật ra sắc đẹp cũng như sa tanh, chả có thứ nào chinh phục nổi Dobbin! Anh bạn thực thà của chúng ta chỉ tâm tâm niệm niệm tưởng tới một người đàn bà; mà người ấy thì khác hoàn toàn cái cô Glorvina O’Dowd mặc áo sa tanh hồng. Một người đàn bà nhỏ nhắn dịu dàng, mặc áo đen, có đôi mắt to và mái tóc màu nâu, suốt ngày lặng lẽ trừ phi có ai hỏi thì mới nói, và giọng nói thì hoàn toàn khác cô Glorvina...một người thiếu phụ còn trẻ âu yếm săn sóc đứa con nhỏ, mỉm cười vẫy tay gọi viên thiếu tá lại gần... một thằng bé có đôi má hồng hào vừa hát vừa chạy vào phòng ở khu phố Russell hoặc đánh đu trên tay George Osborne...đó tức là những hình ảnh duy nhất ngày đêm xâm chiếm tâm trí tưởng tượng của viên thiếu tá không hề giống Amelia trong thực tế.

Hai cô em gái Dobbin ở Luân đôn có một cuốn sách quảng cáo các kiểu y phục trong đó có một bức tranh đàn bà; Dobbin giấu hai em, xé nó đem theo sang Ấn Độ dán lên nắp hòm, tưởng tượng rằng người đàn bà trong tranh có nét mặt phảng phất giống Amelia... Thật ra đó chỉ là hình một tấm áo kiểu mới nhất trên có một cái đầu búp bê mỉm cười đờ đẫn... Có lẽ hình ảnh cô Amelia đa cảm trong tâm tưởng anh chàng Dobbin cũng như cô gái trong tranh đều không giống người thực ngoài cuộc đời chút nào hết. Nhưng trong chúng ta có ai đang yêu mà sáng suốt hơn?... Vả chăng liệu khi được mở mắt ra nhìn sự thật và biết là mình lầm thì người ta có sung sướng hơn không. Dobbin đang ở trong tình trạng ngây ngất như vậy. Anh ta không hề đem chuyện riêng ra làm phiền bè bạn và công chúng nhiều quá, cũng không hề vì vậy mà kém hoạt động hoặc ăn mất ngon so với lệ thường. Hồi này, tóc anh ta có hơi ngả mình lác đác một vài sợi bạc lẫn trong mớ tóc mềm mại màu nâu, nhưng tình cảm của anh ta vẫn tươi tắn như trước không hề thay đổi; mối tình của anh vẫn tươi mát như những kỷ niệm tuổi thơ.

Chúng ta đã rõ hai chị em cô Dobbin cũng như Amelia vẫn thường viết thư gửi cho anh ta từ nước Anh. Amelia bằng những lời lẽ rất thẳng thắn và thân mật, tỏ ý mừng Dobbin sắp thành hôn với cô O’Dowd. Amelia viết: “Em gái anh vừa đến thăm tôi, quý hoá quá. Cô ấy báo cho tôi một tin rất lý thú, tôi xin có lời hết sức chân thành mừng anh. Tôi hy vọng rằng người thiếu nữ anh sắp cưới làm vợ về mọi phương diện sẽ xứng đáng với anh, con người vô cùng rộng lượng và đáng quý. Kẻ goá bụa đáng thương này chỉ biết mong ước và cầu Chúa ban cho anh hạnh phúc tốt lành! Georgy cũng gửi lời thăm người cha đỡ đầu thân yêu của nó, và hy vọng rằng anh sẽ không quên nó. Tôi có bảo cháu rằng anh sắp có những mối dây ràng buộc khác gắn bó với anh với một người chắc chắn xứng đáng với tâm tình của anh. Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng, dù những mối dây ràng buộc ấy mạnh mẽ nhất, thiêng liêng nhất, đó là điều dĩ nhiên, và có thể cho mọi sự ràng buộc khác, nhưng trong trái tim anh, chắc vẫn còn dành ngột góc nhỏ cho hình ảnh hai mẹ con người đàn bà goá bụa này, những kẻ vẫn được anh thương yêu, che chở”. Đại khái lời lẽ trong thư từ đầu đến cuối đều như thế, chứng tỏ người viết hết sức hài lòng.

Bức thư gửi từ Luân đôn sang cùng một chuyến tàu với hộp áo của bà O’Dowd (chắc chắn trước khi mở xem các thứ quà khác gửi cho mình, Dobbin phải bóc ngay thư xem đã) gây ra một sự biến chuyển trong tâm trạng Dobbin, khiến cho anh ta thấy cô Glorvina cùng tấm áo sa tanh hồng và hết thảy mọi thứ liên quan đến cô đều thành ra bỉ ổi tất. Anh chàng thiếu tá nguyền rủa cái thói ngồi lê đôi mách của đàn bà và nguyền rủa cái giống đàn bà nữa. Hôm ấy, chuyện gì cũng làm cho anh ta bực mình... Trời sao nóng quá, mà cuộc diễu binh thì nhạt nhẽo không chịu nổi. Trời đất ơi! Con người thông minh sao lại chọn cái nghề ngày ngày tiêu phí đời mình vào việc kiểm tra mấy cái thắt lưng da và dạy dỗ mấy tên lính ngu ngốc tập trận? Câu chuyện bàn tán vô nghĩa của bọn trai trẻ trong quán ăn nhà binh nghe lại càng nhức đầu hơn bao giờ hết. Hỏi rằng con người xấp xỉ bốn mươi tuổi đầu như anh ta thì có liên quan gì đến chuyện trung uý Smith vừa bắn được bao nhiêu con chim dẽ... hoặc viên sĩ quan cầm cờ Brown cưỡi ngựa giỏi như thế nào chứ? Những chuyện bông đùa quanh bàn ăn lắm lúc làm Dobbin phát ngượng; anh ta đã quá tuổi thưởng thức những trò giễu cợt của viên sĩ quan thầy thuốc và những tiếng lóng của bọn sĩ quan trẻ tuổi, trong khi ấy thì ông già O’Dowd với bộ mặt đỏ ửng và cái trán hói, vẫn cứ có thể lăn ra mà cười một cách dễ dàng. Ba mươi năm nay, ông ta vẫn nghe quen những chuyện bỡn cợt ấy... Chính Dobbin cũng đã phải nghe mười lăm năm nay. Sau những trò ồn ào ngu xuẩn quanh bàn ăn, lại còn những chuyện cãi cọ, gièm pha lẫn nhau giữa các bà trong trung đoàn nữa cơ chứ? Thật không sao chịu nổi. Thật đáng hổ thẹn! Dobbin nghĩ thầm: “Amelia ơi! Bao giờ tôi cũng trung thành với em. Em trách tôi nhưng chính vì em vô tình nên tôi mọi đành kéo lê mãi cuộc sống tẻ ngắt này. Vậy mà để đền lại công lao bao năm trời tôi đeo đuổi, em nỡ chúc mừng tôi sống hạnh phúc với vợ là con bé hợm hĩnh người Ai len kia sao! William cảm thấy buồn rầu đến phát ốm lên, chưa bao giờ anh ta thấy mình cô đơn, đau khổ đến thế. Anh ta muốn giã từ phăng cõi đời, với tất cả mọi sự vô nghĩa của nó... vì anh ta thấy cuộc chiến đấu sao mà vô vọng, tương lai sao mà đen tối bi đát! Suốt đêm ấy Dobbin không ngủ, chỉ muốn trở về nước. Lá thư của Amelia làm cho anh ta chưng hửng. Thì ra không có sự trung thành nào, không có tấm tình chân thành nồng nàn nào còn khiến được trái tim Amelia ấm lại. Cô ta không muốn thấy Dobbin yêu mình. Nằm trằn trọc trên giường, Dobbin và với hình ảnh Amelia. “Trời ơi! Em Amelia, em không biết rằng trong đời tôi chỉ yêu có em sao... Đối với tôi lòng em vẫn trơ như đá. Tôi đã săn sóc em hàng tháng ròng rã trong cơn sầu muộn yếu đau, vậy mà em nỡ từ biệt tôi với một nụ cười, và cánh cửa chưa khép kín giữa đôi ta, em đã vội quên rồi?”

Mấy thằng hầu người Ấn Độ nằm ngoài hành lang cứ trố mắt ra mà nhìn ông thiếu tá ngày thường vẫn lạnh lẽo, ít nói, sao bây giờ có vẻ bị xúc động mãnh liệt và rầu rĩ đến thế. Giá được chứng kiến cảnh tượng này không biết Amelia có thương anh chàng không? Dobbin đem những bức thư của Amelia ra đọc một lượt…toàn những thư nói về chuyện sử dụng cái di sản bé nhỏ cô ta tin là được chồng để lại cho mình, hoặc những mẩu giấy mời lời lẽ ngắn ngủi... Anh ta đọc lại tất cả mọi thứ giấy mà Amelia đã gửi cho mình, thấy chúng sao mà lạnh lùng nhạt nhẽo, ích kỷ đến thế.

Giả sử ngay lúc ấy có một người đàn bà dịu dàng, trìu mến nào hiểu thấu và cảm thông được với con tim lặng lẽ và độ lượng ấy thì biết đâu Amelia chẳng sẽ thôi không còn là bà chúa của trái tim anh chàng, và dòng tình cảm của Dobbin có thể đã hướng về nẻo khác êm ái hơn? Nhưng ở đây chỉ có cô Glorvina với những búp tóc xoăn đen nhánh màu huyền mà anh ta đã quá quen thuộc tính tình; người đàn bà trẻ tuổi sấn sổ này đâu có ý định yêu viên thiếu tá; cô ta chỉ muốn anh chàng mê mình... Cái trò mới phù phiếm, vô ích làm sao; ít nhất thì những phương tiện cô gái đáng thương này đem sử dụng cũng cho ta thấy rõ như vậy. Cô hết uốn lại tóc, lại mặc áo hở vai cho Dobbin nhìn, như thể muốn hỏi anh chàng rằng: “Anh đã bao giờ được thấy những búp tóc huyền và một làn ra nõn nà như thế này chưa?” Cô cười nhăn nhở, cốt cho anh chàng biết rõ toàn bộ răng của cô có cái nào cũng nguyên vẹn không sâu không hà... Kỳ thực có bao giờ Dobbin để ý đến sắc đẹp của cô ta đâu. Sau ngày nhận được hộp áo không lâu, O’Dowd phu nhân cùng các bà trong trung đoàn tổ chức một buổi dạ hội mời khắp mặt các sĩ quan trong đơn vị và các cơ quan hành chính địa phương ý hẳn muốn khoe áo mới thì phải. Cô Glorvina “lên” bộ áo sa tanh hồng đẹp mê hồn; anh chàng thiếu tá tuy đến dự, nhưng cứ bực bội đi quanh quẩn trong các phòng tiệc, cũng chẳng buồn nhìn đến tấm áo hồng nữa.

Cô Glorvina giận lắm, bèn nhảy với hết thảy các thiếu uý trẻ tuổi trong đơn vị. Cố ý lướt qua trước mặt anh chàng. Nhưng nào Dobbin có buồn ghen tuông, áo đẹp, vai xinh, những thứ ấy đâu đủ mãnh lực rung động nổi trái tim Dobbin, nhưng Glorvina chỉ có chừng ấy thứ.

Cặp trai gái này, mỗi người cũng đủ tiêu biểu cho sự phù phiếm của cuộc đời ta đang sống, vì hai bên cùng khát khao điều mình không đạt tới được. Cô Glorvina chài Dobbin mãi không ăn thua gì, phát khóc lên vì giận. Cô nức nở mà tự thú với mình rằng xưa nay mình “chưa hề yêu ai bằng Dobbin”. Những lúc chị em vui vẻ với nhau, cô thường bảo O’Dowd thế này: “Chị Peggy ơi, anh ấy làm cho cõi lòng em tan nát; thế nào rồi cũng phải khâu lại hết cả áo sống của em cho hẹp bớt, vì mỗi ngày em một thêm mình hạc xác ve, không khéo đến thành bộ xương mất thôi”. Cô gầy hay béo, cưỡi ngựa hay ngồi đánh đàn, vui cười hay buồn ngủ, anh chàng thiếu tá cũng không cần biết. Còn ông trung tá thì vừa nghe em gái than thở vừa ra sức rít cái tẩu, đoạn góp ý kiến rằng lần sau gửi mua áo ở Luân đôn, cô Glorvina nên đặt thêm vài tấm áo màu đen, ông lại kể một câu chuyện kỳ dị xảy ra ở Ai len: có một thiếu nữ chưa hề lấy chồng bao giờ, nhưng lại chết vì đau đớn bởi nỗi mất chồng.

Đang khi viên thiếu tá tiếp tục hành hạ cô gái như vậy, nghĩa là không hỏi làm vợ, cũng không có ý muốn phải lòng, thì có một chuyến tàu mới từ châu Âu sang, đem theo nhiều thư tín; Dobbin cũng nhận được vài bức. Xem dấu bưu điện thì những lá thư này gửi trước những phong thư vừa nhận được; Dobbin nhìn ngay ra nét chữ của em gái; cô em vẫn hay gạch xoá nhằng nhịt khi viết thư cho anh, lại ưa nhặt nhạnh đủ các thứ chuyện nhăng nhít đâu đâu kể lại, rồi còn rầy la anh, giảng đạo lý cho anh một cách không cần dè dặt, khiến cho mỗi khi đọc hết câu: “Anh William thân mến nhất đời của em” chấm dứt mỗi bức thư của em gái, thì Dobbin khổ sở ít nhất là một ngày chưa nguôi. Cho nên “anh William thân mến nhất đời” mới không buồn vội vàng mở phong thư của cô Dobbin ra đọc vội; anh ta muốn đợi đến một ngày khác thích hợp hơn và khi tâm hồn thư thái hơn mới xem. Khoảng nửa tháng trước, Dobbin có viết thư mắng em gái bịa toàn những tin vô lý với bà Osborne: lại viết một bức thư khác trả lời Amelia, cho biết rằng tin đồn về việc mình lập gia đình là bịa đặt, quả quyết rằng mình “không hề có ý định thay đổi cảnh sống hiện tại”.

Nhận thư của em gái được độ hai ba hôm, một buổi tối viên thiếu tá đến chơi nhà bà O’Dowd, coi bộ rất vui; cô Glorvina có cảm tưởng anh chàng chú ý lắng nghe mình hát hơn mọi làm cô hát bài “Cuộc hội ngộ của những cơn giông tố”, bài “Chú bé ca công” và một vài bài hát khác cốt để làm vui lòng anh chàng (thực ra Dobbin chẳng buồn để ý đến tiếng cô hát cũng như chẳng buồn để ý đến tiếng những con lang tru dưới ánh trăng ngoài rừng; chẳng qua cô gái vẫn quen có ảo tưởng như mọi khi). Dobbin đánh một ván cờ với Glorvina, trong khi viên sĩ quan thầy thuốc chơi bài với bà O’Dowd; một thú chơi buổi tối mà bà ta rất ham; đúng giờ như mọi bận, anh ta từ biệt mọi người về nhà.

Lá thư của cô em vẫn nằm trên mặt bàn như có ý trách móc.

Anh ta cầm lên, hơi ngượng vì thấy mình quá vô tình và chuẩn bị chịu đựng một giờ khổ sở với cô em bất trị. Lúc ấy vào khoảng một tiếng đồng hồ sau khi viên thiếu tá ra về...ông Michael đang đánh một giấc thật ngon lành. Như mọi lần, cô Glorvina đã đính vô khối cặp tóc bằng giấy lên mớ tóc đen nhánh để giữ cho quăn. O’Dowd phu nhân cũng đã xuống phòng ngủ ở tầng dưới; tấm màn đã buông phủ xuống thân hình xinh xắn của bà. Bỗng nhiên người lính gác cổng nhìn thấy dưới ánh trăng viên thiếu tá chạy xồng xộc lại, dáng điệu hớt hơ hớt hải. Anh ta chạy đến bên cửa sổ phòng của viên trung tá, hét rầm lên:

- O’Dowd! Thưa trung tá?

- Cái gì thế, cậu Dob?

Viên trung tá yên trí trong tỉnh có đám cháy, hoặc Bộ tư lệnh vừa cho lệnh cấp tốc hành quân.

Dobbin đáp:

- Tôi... tôi phải xin phép nghỉ một thời gian. Tôi cần về Anh...có việc riêng rất cấp bách.

Cô Glorvina lo lắng run rẩy làm rung cả mấy cái cặp tóc:

- Trời đất ơi! Không biết có chuyện gì thế!

Dobbin tiếp:

- Tôi cần phải đi ngay... đi ngay đêm nay.

Viên trung tá dậy, bước ra nói chuyện với Dobbin một lúc.

Thì ra nguyên nhân là đoạn tái bút trong lá thư của cô Dobbin:

Hôm qua, em đánh xe ngựa đến thăm “cố nhân” của anh là bà Osborne. Từ hồi bị phá sản, gia đình chị ấy sống ở một nơi tồi tàn quá. Đọc cái biển đồng treo ngoài cửa túp lều của ông cụ (cái biển nom khá hơn túp lều đôi chút, mới rõ ông Sedley bây giờ buôn than. Thằng con đỡ đầu của anh kháu khỉnh, bạo dạn quá, nhưng xem chừng cái thói ngỗ nghịch bướng bỉnh. Vâng lời anh, chúng em đã chú ý săn sóc nó, và đã giới thiệu nó gặp cô nó là chị Osborne; chị ấy có ý cũng mến cháu. Có lẽ ông nội nó là ông Osborne ở khu phố Russell cũng đang nghĩ lại mà thương đứa con bạn anh đấy; bạn anh cũng là một đứa con lang thang bướng bỉnh. Amelia cũng có ý thuận cho con về ở với ông nội. Người vợ goá đã nguôi nỗi nhớ thương rồi sắp sửa lấy chồng là ông Binny một vị mục sư ở Brompton. Cùng cảnh ngộ “rổ rá cạp lại” cả; vả chăng chị Osborne cũng “đang toan về già”... Em thấy chị ấy có khối tóc sâu rồi đấy..., hồi này chị ấy vui vẻ hơn trước, thằng bé đến chơi nhà ta ăn nhiều quá suýt bội thực. Má cũng gửi lời thăm anh...

Ann Dobbin.