Mùa hè tốt nghiệp cấp Hai năm ấy đã ghi lại biến động lớn nhất trong vài chục năm cuộc đời của Hoàng Kỳ. Cô từ một trường cấp hai bình thường ở quê lên trường cấp Ba Nhất Trung tốt nhất toàn thành phố Lan Lăng học, cả nhà chuyển từ thị trấn nhỏ vùng nông thôn vào thành phố sống, chim sẻ thành phượng hoàng, ai nấy đều hết lời tán tụng.

Nhưng cảm giác hưng phấn mới mẻ ngắn ngủi qua đi, không ít lần cô đã nhớ tới Tiểu Anh. Tiểu Anh cũng trải qua biến cố khủng khiếp nhất đời, cậu rơi từ trên tầng mây cao xuống đáy vực thẳm.

Cô cũng biết tiếng trường nghề số Ba, cái tên ấy xưa nay đều liên quan đến những chuyện như gây lộn đánh nhau, cướp bóc, đầu gấu, sảy thai... Nghe nói tỉ lệ lên lớp của khối trung học phổ thông ở trường nghề số Ba còn có thể ngang bằng với một vài trường cấp Ba có trình độ dạy học khá ổn trong thành phố là vì có lượng lớn học sinh thành tích kém không tốt nghiệp được rồi bị đuổi học. Cô không thể tưởng tượng nổi một người trầm lặng hướng nội như Tiểu Anh sẽ tồn tại kiểu gì trong ngôi trường như thế, xưa nay cậu chưa bao giờ đánh nhau với nam sinh khác, dù chỉ là đùa nghịch cũng không.

Có đôi lúc cô thậm chí mong mình có thể hoán đổi vị trí với Tiểu Anh. Cô là Hoàng thành chủ võ nghệ cao cường, còn học được tuyệt kỹ gia truyền là tấn công vào các huyệt điểm yếu từ ông nội, cho tới giờ vẫn duy trì thành tích bất bại lấy một đánh năm. Cô là cô gái có ngoại hình không xấu cũng chẳng đẹp, sẽ bớt đi rất nhiều phiền phức; từ nhỏ cô đã hay chơi với đám trẻ đầu đường xó chợ, ắt nắm rõ tâm lý của bọn chúng. Cô tin mình có thể thích ứng với môi trường ở trường nghề số Ba.

Nhưng Tiểu Anh chẳng có gì cả. Cậu ấy trời sinh nên ngồi học trong phòng học sáng sủa khang trang của lớp chọn, được học với những thầy cô tâm huyết mẫu mực, các bạn học chăm chỉ, trường học có quy củ nghiêm chỉnh, các mối quan hệ đều đơn thuần, sinh hoạt trong một nhà trường trong sạch tựa tháp lưu ly giống như trường Nhất Trung.

Mỗi khi làm bài tập mệt quá, ngẩng lên cho mắt hoạt động, cô đều chẳng kìm lòng được mà ngoảnh đầu nhìn về chỗ ngồi phía sau bên phải – nơi trước kia Tiểu Anh vẫn ngồi. Cô tưởng tượng trong từng hàng bạn học đang chăm chú cắm cúi viết lách kia hẳn có một người là Tiểu Anh, tưởng tượng cậu cũng cảm nhận được ánh mắt cô mà ngẩng đầu lên, gửi cho cô một nụ cười giống như khi trước.

Cô muốn viết thư cho cậu nhưng không biết cậu học lớp nào. Sau khi vào học, có một buổi chiều trường tổ chức khám sức khỏe được về sớm, cô lên xe buýt đi qua nửa vòng thành phố đến trường nghề số Ba tìm cậu, đúng lúc gặp phải hai nhóm đầu gấu đang kéo bè phái đánh nhau ở cổng trường, trên đất đầy mảnh thủy tinh vỡ nát và vết máu, thậm chí còn có cả cảnh sát và xe cứu thương. Hoàng Kỳ tận mắt trông thấy bác sĩ và y tá đưa một cậu trai bị đánh vỡ đầu, mình đầy máu me lên xe cấp cứu.

Toàn bộ sân trường bị phong tỏa, cô đương nhiên không gặp được Tiểu Anh. Cuối tuần cô lại đi thì trong trường chẳng có ai, chỉ có một ông bảo vệ già hỏi gì cũng không biết.

Cô rất nhớ Tiểu Anh. Đã mấy tháng trời cô không gặp cậu, từ nhỏ đến giờ họ chưa từng xa nhau lâu như thế.

Ngày nghỉ cô thường xuyên về nhà thăm ông bà với bố mẹ. Những năm chín mươi đầu thế ký hai mươi mốt là khoảng thời gian vùng nông thôn Giang Nam có nhiều thay đổi nhất. Mỗi lần trở về, Hoàng Kỳ đều có thể thấy khung cảnh dọc đường khác lần về trước. Con đường lớn mới làm chạy qua thị trấn Hoàng Sa, từ nội thành lái xe về không mất đến một giờ; những căn nhà ngói khi xưa giờ còn rất ít, được thay thế bởi những ngôi nhà cao tầng mới tinh; trong những thị trấn lân cận, những người trồng hoa màu, cây công nghiệp và cây lương thực cũng ngày càng ít, ngồi trên ô tô đang nhìn ra ngoài cửa sổ chỉ thấy một màu xanh um tươi tốt vụt qua; về đến nhà, bà sẽ kéo tay cô nói chuyện trên trời dưới bể, hỏi cô ở nhà mới có quen không, nói thành phố thì có gì hay ho, những thứ có ở thành phố giờ ở đây cũng có đủ cả; trường Hoàng Sa được lên trường trọng điểm, nghe nói sắp có mấy trường trung học ở các thị trấn lân cận sát nhập vào; đại học bắt đầu mở rộng tuyển sinh, tỉ lệ trúng tuyển trường Nhất Trung ở Lan Lăng năm ngoái đạt tới chín mươi phần trăm, học đại học đã chẳng còn là chuyện gì lạ lẫm...

Hàng loạt tin tức làm vui lòng người, ai nấy đều sống ngày một tốt hơn. Chỉ có một mình Tiểu Anh phải chịu đựng những gian khó khổ cực mà cậu không đáng phải chịu. Không biết hai bác của cậu có đối xử với cậu tốt không? Không biết sinh hoạt của cậu ở trường nghề số Ba thế nào? Có bị bắt nạt không? Có bị đánh không? Nếu bị đánh thì phải làm sao? Không có Hoàng thành chủ ở cạnh bảo vệ cậu thì làm thế nào bây giờ?

Cô từng nói sẽ bảo vệ cậu, thế nhưng vào lúc cậu cô đơn bất lực nhất, cô lại không ở bên cạnh cậu.

Sau khi chuyển nhà xong xuôi, Hoàng Kỳ gọi điện cho Sa Sa như đã hẹn, biết tin bà ngoại cậu đã qua đời sau cơn suy tim không thể cứu chữa. Dù hơn chục năm nay bà không tha thứ cho cô Chu, nhưng đối xử với Tiểu Anh rất tốt, nghỉ hè và nghỉ đông năm nào cũng gọi cậu lên thành phố ở rất lâu.

Khi nói tin này với cô, Sa Sa liên tục cam đoan đợi khi nào anh Tiểu Anh lo xong xuôi tang sự của bà ngoại trở về nhất định sẽ an ủi, không để anh quá đau lòng, bảo cô đừng lo lắng. Hoàng Kỳ được khích lệ rất nhiều, may mà còn có cô em họ hiểu chuyện ngoan ngoãn như Sa Sa, may mà Tiểu Anh vẫn còn một người thân lo lắng quan tâm, cho cậu hơi ấm.

Trải qua năm lớp Chín vất vả, lên lớp Mười còn bận rộn hơn, áp lực ở trường cấp Ba trọng điểm vượt trội hơn hẳn so với ở trường Hoàng Sa. Các học sinh ở Nhất Trung đến từ mọi nơi trong toàn thành phố, chủ yếu là nội thành. Nhất là lớp chọn của Hoàng Kỳ có hơn nửa số bạn học là học sinh từ các trường danh tiếng trong nội thành như trường cấp Hai Nhất Trung, Nhị Trung* hay trung học thực nghiệm thi lên, hầu hết đều biết nhau nên khó tránh khỏi có sự phân chia bè phái. Dù là người hào sảng như Hoàng thành chủ thì khi từ quê lên thành phố cũng có chút dè dặt sợ sệt, qua một hai tháng đã dần thân quen với bạn học, nhưng vẫn thu mình hơn nhiều so với khoảng thời gian phóng khoáng thoải mái trước kia.

(*Nhị Trung: Trường trung học số Hai trong địa bàn tỉnh, thành phố tại Trung Quốc.)

Trong trường Hoàng Sa chỉ có Hoàng Kỳ và Lý Minh Chí thi đỗ Nhất Trung, Lý Minh Chí ở một lớp thường khác. Từ khi mẹ cậu ta tìm cô phụ trách gây sự đòi đổi chỗ ngồi, Hoàng Kỳ hầu như không phản ứng khi gặp Lý Minh Chí nữa. Có lúc gặp nhau trên đường, ánh mắt Lý Minh Chí nhìn cô cũng không mấy thiện cảm, cả hai thậm chí chẳng buồn chào hỏi nhau.

Tin tốt là Dư Vy Vy thi cũng khá, nộp thêm một ít tiền tài trợ là vào được hệ thực nghiệm của Nhất Trung, khu đó ở ngay cạnh hệ chính quy của trường, giờ Thể dục còn dùng chung sân tập thể thao nên hai người cũng thường xuyên gặp mặt.

"Nói là một hệ khác nhưng tớ thấy kém xa hệ chính quy các cậu, lập ra chỉ để moi tiền!" Lần nào đến gặp Hoàng Kỳ Dư Vy Vy cũng phàn nàn, "Thầy cô không phải giáo viên hệ chính quy của Nhất Trung, thầy Vật lý chẳng biết dạy gì, thua xa thầy Hoàng! Một lớp bảy, tám mươi người, mỗi thầy cô dạy đến bốn năm lớp, làm sao lo hết được, có chỗ nào không hiểu cũng chẳng biết hỏi ai."

Hoàng Kỳ nói: "Vậy cậu cứ tìm tớ, dù tớ không giúp được thì cũng có thể đi hỏi thầy cô giúp cậu, thầy cô tớ kiên nhẫn lắm."

"Rõ rồi, cậu học lớp nào cơ chứ? Trong top một trăm học sinh đứng đầu toàn thành phố phải có đến một nửa là học sinh lớp cậu, các giáo viên giỏi nhất của Nhất Trung đều được xếp dạy lớp đó, học sinh nào cũng được định hướng vào đại học hàng đầu cả nước trong tương lai." Dư Vy Vy bĩu môi, ngồi lên lan can sân tập thể thao, "Biết thế này tớ thà đi học trường cấp Ba bình thường còn hơn, môi trường vẫn thế mà bớt được mấy chục nghìn tệ. Học sinh hệ tớ toàn là con nhà giàu, lối sống cũng không tốt lắm, suốt ngày đua đòi nhau xem quần áo giày dép của ai đắt hơn, bố mẹ ai có chức vị cao, xe sang, nhà rộng. Con gái thì biết yêu đương rồi, còn bắt đầu uốn tóc trang điểm, thầy cô cũng chẳng dám cản! Con trai thì tụ tập uống rượu chơi game hút thuốc, không thì đi cua gái! Đầu óc chẳng nghĩ đến việc học thì làm sao học tốt được. Tớ suốt ngày phải ở gần những người bạn như vậy! Giáo viên thì dạy chán, hai môn Toán Lý tớ càng học càng không hiểu, chắc sang năm phân ban tớ chọn ban Xã hội thôi, nhưng học thuộc lòng Chính trị đau đầu ghê đấy..."

Hoàng Kỳ nghe Dư Vy Vy lải nhải liên miên về những phiền não của cô nàng. Thật ra cô cũng có điều phiền muộn, chẳng hạn như sự ganh đua so sánh giữa các học sinh trong lớp chọn cũng rất nặng nề, có người còn chơi xấu trước mặt thầy cô, học sinh từ vùng nông thôn lên hơi bị xa lánh, ngoài học còn phải thi đua hết thứ này đến thứ khác, trước kia cô không quen nên rất vất vả, giáo viên chủ nhiệm còn làm một bảng xếp hạng lên xuống dựa vào thành tích khiến mọi người đều rất áp lực rất căng thẳng...

Nhưng đó đều chỉ là chút phiền não thanh xuân mà học sinh trung học nào cũng có, ít nhất họ không phải lo bước ra ngoài sẽ bị ai đó đánh vỡ đầu, sang năm liệu có đóng được học phí không, không có bố mẹ thì phải tồn tại ra sao trên thế giới này...

Một người mạnh mẽ dũng cảm như Hoàng thành chủ cũng chẳng dám tưởng tượng nếu bỗng dưng không có bố mẹ và ông bà bên cạnh thì một mình cô sẽ sống thế nào. Huống hồ là Tiểu Anh, từ nhỏ cô Chu đã chăm sóc cậu vô cùng cẩn thận, ông chủ Sa lại cho cậu cuộc sống sung túc. Cậu tựa bông hoa trong nhà kính, nhưng nhà kính đột ngột sụp đổ, bỗng dưng cậu phải phơi mình trong mưa to gió lớn, làm sao có thể gánh chịu?

Về sau, từ cấp Ba lên đến đại học rồi học nghiên cứu sinh, đi làm, Hoàng Kỳ cũng gặp phải rất nhiều áp lực và trở ngại, từng có rất nhiều chuyện phiền lòng. Nhưng chỉ cần nhớ tới Tiểu Anh, cô luôn cảm thấy những chuyện kia đều chẳng đáng gì, tất cả đều có thể vượt qua.

Cô vì Tiểu Anh mà thêm kiên cường. So với những vất vả khó khăn trong cuộc sống của cậu, hết thảy những muộn phiền kia đều không đáng nhắc tới.

Ba tháng sau khi vào học, có một chuyện khiến đám học sinh lâu ngày quanh quẩn ở lớp cắm cúi học hành vui đến độ nhảy cẫng hoan hô. Giáo viên phụ trách tuyên bố học sinh mới lên lớp Mười được nghỉ học ba tuần, đến trại huấn luyện quân sự Hoa Sơn để học quân sự.

Mấy năm nay trên thế giới liên tiếp xảy ra những vụ tấn công khủng bố, quan hệ quốc tế hết sức căng thẳng. Thành phố Lan Lăng ở gần một quân khu nào đó có đến mấy căn cứ quân sự ở vùng núi phía tây. Cục trưởng cục Giáo dục cảm thấy đây là cơ hội tốt để tiến hành giáo dục chủ nghĩa yêu nước, vậy là yêu cầu học sinh mới lên lớp Mười trong toàn thành phố đều phải đến căn cứ quân sự để tập huấn khép kín.

Trại huấn luyện quân sự Hoa Sơn có sức chứa đủ cho số học sinh của hai, ba trường, theo dự tính nhân số, trường Nhất Trung và trường nghề số Ba được phân đến cùng một khu vực.

Nghe tin này, có không ít phụ huynh học sinh phản đối, nói các học sinh xuất sắc của trường Nhất Trung không thể bị xếp chung chỗ với ngôi trường tệ nạn như trường nghề số Ba, tập khép kín ba tuần, không bị bắt nạt thì cũng bị làm hư, thậm chí có phụ huynh học sinh nữ không đồng ý cho con gái tham gia tập quân sự vì lý do này.

Phản đối thì phản đối, cục Giáo dục đã sắp xếp xong sẽ không dễ gì mà thay đổi phương án. Ngoài chủ nhiệm khóa và chủ nhiệm các lớp, trường còn sắp xếp thêm vài giáo viên thể dục rắn rỏi khỏe mạnh dẫn đoàn để đề phòng có sự cố.

Dư Vy Vy sợ nhất là giờ Thể dục, vừa nghe tin phải đi tập quân sự thì kêu ca không ngừng. Hoàng Kỳ đương nhiên không sợ tập quân sự, càng không sợ đám con trai trường nghề số Ba sẽ làm gì bậy bạ. Cô thậm chí chỉ hận không thể chuyển trường nghề số Ba đến sát cạnh Nhất Trung, vì cuối cùng cô cũng có thể gặp lại Tiểu Anh rồi.