*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Chuyển ngữ: Andrew Pastel

45.

Sau khi Bạch Đoạn về nước, ca phẫu thuật đầu tiên của anh là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ và kết hợp gây tê ngoài màng cứng cho cột sống thắt lưng. Buổi phẫu thuật diễn ra vào sáng thứ tư, vừa lúc vài nghiên cứu sinh năm đầu chúng tôi đều rảnh, Lý Học Hữu háo hức mời chúng tôi đến tham gia. Tôi cảm thấy hơi khó xử, không thể chịu nổi ông già Lý Học Hữu cứ nhiệt tình với anh như vậy. Ông ta cứ đi khoe khắp nơi Bạch Đoạn là bác sĩ gây mê giỏi nhất mà ông ta dạy. Tôi nói anh học tiến sĩ từ nước ngoài, đâu liên quan gì đến ông, Lý Học Hữu vỗ mạnh lên đầu tôi, nói đồ sinh viên kém cỏi không biết cầu tiến! Nếu không học thêm vài chiêu từ Bạch Đoạn, coi chừng đến tốt nghiệp cũng không được đó.

Tuy hơi khó xử nhưng tôi vẫn đến, Bạch Đoạn đeo khẩu trang màu xanh nhạt lạnh lùng đứng trong phòng phẫu thuật, thấy tôi anh khẽ cong mắt, tôi tự hỏi có phải anh đang cười với tôi sau lớp khẩu trang không. Tôi còn chưa kịp phản ứng, vài sinh viên xung quanh đã lễ phép lần lượt chào Bạch Đoạn:

"Chào đàn anh."

Cái cách xưng hô này làm tôi hoảng hốt mất một lúc.

Tôi xem anh chuẩn bị tramadol để tránh cho bệnh nhân khỏi co giật khi mổ. Tôi đứng sau anh chậm rãi quan sát, nói nhỏ: "Anh đừng căng thẳng."

"Em biết anh đang căng thẳng à?" Anh liếc xéo tôi.

"Lúc trước anh từng xảy ra vấn đề với ca gây mê như thế này, anh thế nào sao em không biết." Tôi nhẹ giọng nói, không dám nhìn anh.

"Anh không căng thẳng." Anh liếc tôi một cái rồi đứng cầm kim "Qua đứng đằng kia đi. em đứng đây anh không tiện hạ kim."

"Ừm." Tôi miệng thì ừm, nhưng chân vẫn đứng tại chỗ, im lặng một hồi, "Buổi trưa anh có rảnh không? Mình đi ăn cơm nha."

"Ừ." Anh lại đi nhìn trocar được khử trùng thường xuyên bên cạnh.

"Tiểu Hạ, cậu làm sao vậy, quay lại đây." Lý Học Hữu không vui.

Tôi ngượng ngùng quay trở lại bên cạnh Lý Học Hữu; hình như tôi đang bị Bạch Đoạn ghẻ lạnh đúng không?

"Đây là phòng phẫu thuật, chuyện cá nhân thì ra ngoài giải quyết." Ông ta đặc biệt không vui liếc nhìn tôi một cái rồi hạ giọng. "Có bao nhiêu người đang xem, cậu có đang còn học trong khoa chính quy không vậy?"

"Biết rồi biết rồi." Tôi sốt ruột trả lời ông ta, Bạch Đoạn bên kia đã mở sẵn dịch truyền tĩnh mạch, xoay bệnh nhân sang tư thế nằm nghiêng, từng chút từng chút vuốt các khớp của bệnh nhân, vẻ mặt nghiêm túc. Anh quả thực khác hẳn so với trước khi ra nước ngoài, cả người đều toát ra một khí chất lạnh băng, nhất là khi trên bàn mổ.

Bạch Đoạn đâm kim trên L2, sạch sẽ và gọn gàng; đưa kim chọc thắt lưng 25G qua lỗ kim ngoài màng cứng, chọc thủng màng nhện đến khoang dưới nhện, chảy dịch não tủy ra ngoài, sau đó thong thả đều đều tốc độ tiêm vào hỗn hợp bupivacain và glucose rất khéo léo và thuần thục.

Mấy nghiên cứu sinh xung quanh tôi không ngừng tấm tắc trầm trồ, Lý Học Hữu cũng rất hài lòng.

Bạch Đoạn sau đó rút kim ở thắt lưng, đưa một ống dẫn từ lỗ kim chọc ngoài màng cứng đến đầu kim, cuối cùng mới từ từ đặt bệnh nhân nằm thẳng lại, thường xuyên theo dõi huyết áp, nhịp tim, độ bão hòa oxy động mạch, điện tâm đồ và gây mê mặt phẳng. Toàn bộ động tác của anh hoàn thành trong một lần, bệnh nhân nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Bác sĩ phẫu thuật lúc cầm con dao y tá dụng cụ đưa cho cũng dành cho anh một ánh mắt ngưỡng mộ. Nếu Lý Học Hữu có một cái đuôi dài chắc lúc này nó cũng chĩa thẳng lên trời rồi, ông già này không bao giờ che giấu sự thiên vị yêu thích của mình dành cho Bạch Đoạn.

Suốt quá trình theo dõi định kỳ sau đó, bệnh nhân không có biểu hiện gì bất thường; lúc bác sĩ phẫu thuật chỉ định mổ bụng, Bạch Đoạn đã tháo khẩu trang ra trước, quay sang đây hơi mỉm cười, không biết là cười với tôi hay Lý Học Hữu.

Mà dù có cười với ai đi chăng nữa thì nụ cười này cũng khiến tôi choáng váng.

Lúc này, cửa phòng mổ đột nhiên mở ra, phó ý tá trưởng khoa cấp cứu nhẹ nhàng bước vào gật đầu với tôi: "Khoa cấp cứu gọi cậu đi."

Tôi sửng sốt: "Hôm nay em không trực."

"Chủ nhiệm giảng dạy bộ môn gọi điện thoại cho cậu." Phó ý tá trưởng nhỏ giọng giải thích.

Tôi mở to mắt nhìn, không có gì để nói. Công tác giảng dạy sau đại học được chia thành hai phần: học tập chuyên môn và luân chuyển khoa, luân chuyển khoa là chính, chuyển tới khoa nào thì chủ nhiệm dạy học khoa đó sẽ trực tiếp quản lý. Ngoại trừ Lý Học Hữu thì chủ nhiệm giảng dạy khoa cấp cứu chính là cấp trên trực thuộc của tôi.

Tôi theo phó y tá trưởng ra ngoài, chị giục tôi nhanh lên, tôi hỏi chuyện gì đã xảy ra, chị đảo mắt nói sáng nay có một người đàn ông bị té lầu vừa chuyển đến. Phẫu thuật không thành công, đã tử vong rồi. Bây giờ thì người nhà đang làm loạn, sắp đánh nhau đến nơi mất.

Tôi nói té lầu chứ có phải bị cảm đâu, cứu được là may lắm rồi, tử vong là chuyện bình thường, cũng có phải bác sĩ xô ngã đâu, người nhà làm gì mà đến đây gây rối.

Phó y tá trưởng liếc nhìn tôi một cái, nói bệnh nhân rơi từ tầng 2 xuống, khi đưa đi vẫn chưa bất tỉnh, không nôn ói không đại tiểu tiện mất khống chế, vẫn còn cử động được chân tay, chỉ không thể ngồi dậy hay xoay người được. Lần đầu nói chuyện với người nhà bác sĩ không nói là nguy hiểm đến tính mạng, kết quả bệnh nhân tử vong do xuất huyết quá nhiều, gia đình cho rằng là do chúng ta không cứu giúp.

Tôi im lặng một lúc, có quá nhiều tranh chấp giữa bác sĩ và bệnh nhân trong khoa cấp cứu, nhiều đến mức tôi gần như chết lặng. Phàm là bệnh viện, những khuôn mặt tươi cười như hoa luôn được trao cho các bác sĩ khoa khác, mọi vấn đề cấp bách đầu sóng ngọn gió đều do khoa cấp cứu chịu trách nhiệm, chẳng trách chủ nhiệm chúng tôi ngày càng cáu gắt. Tôi hỏi chị y tá gọi tôi ra làm gì, chị nói lúc này có một vụ tai nạn giao thông, các nhân viên trong phòng cấp cứu đều đang tụ ở cửa đánh nhau, chủ nhiệm bảo cậu có thể xử lý được ca cấp cứu này.

Tôi nói cứu người thì cứu người, nhưng ông ấy không thấy phiền sao, tôi là nghiên cứu sinh, lại còn học gây mê, ông ấy có thể đừng dùng tôi như một bác sĩ phẫu thuật có được không?

Câu này cậu đi nói với chủ nhiệm đi chứ? Phó y tá trưởng đưa mắt nhìn tôi: Cả bệnh viện đều biết cậu dùng dao như tổ nghề nhập, ai bảo cậu đột nhiên chạy đi học gây mê, thật sự là đầu bị cửa kẹp.

Nhắc tới vấn đề này tôi lại thấy ngán ngẩm, sao cứ nhắc mãi vậy trời, sao chị cũng y chang như Tiếu Nhạn Bình thế này, tôi đã đi cứu người rồi còn chưa đủ hay sao?

Phó y tá trưởng vẫn vừa chạy theo sau tôi vừa huyên thuyên: Tôi thấy cậu sớm muộn gì cũng phải chuyển đến ngoại khoa chúng tôi thôi, cậu nhìn xem cậu học gây mê với Lý Học Hữu một ngày bị mắng bao nhiêu lần!

Tôi mặc kệ chị, phóng vài bước đến khoa cấp cứu, xuyên qua cuộc tranh chấp kịch liệt giữa bác sĩ và bệnh nhân ở hành lang, đi thẳng tới chỗ bệnh nhân bị thương trong vụ tai nạn giao thông.

Một phụ nữ, bị chấn thương liên hợp ngực bụng, ngoài hai mươi ba mươi tuổi, trông còn rất xinh xắn.

Tôi vừa ấn bụng bệnh nhân vừa gọi y tá kiểm tra dịch rửa ổ bụng, chờ kết quả CT bên giường bệnh rồi quyết định mở ổ bụng.

"Người nhà đâu?" Tôi thuận miệng hỏi y tá thiết bị.

"Đang ở bên ngoài, nhẹ nhàng lịch sự, nếu có chuyện hẳn là sẽ không gây rối đâu anh." Em gái y tá đáp lại tôi.

"Tốt hơn là đừng để xảy ra chuyện." Tôi liếc nhìn cô ấy, "Nội tạng bị vỡ, chuẩn bị mổ ổ bụng." Tôi lại liếc nhìn ra ngoài, "Chốc nữa cũng gọi những người khác vào đi, đem bệnh nhân ném hết cho bác sĩ trẻ còn mình thì đi đánh nhau vậy mà coi được đó."

Kết quả là khi sức chiến đấu của mấy người bên khoa cấp cứu với người nhà bệnh nhân té lầu cạn kiệt, tôi cũng đã đến giai đoạn đóng ổ bụng bệnh nhân. Lúc chủ nhiệm Diêm bước vào, tôi đang dùng kẹp cầm máu để buộc đầu sợi chỉ, ông nhìn mấy số liệu đo lường, cười khà khà nói: Ừm, tốt đấy, cậu nên đến khoa cấp cứu của chúng tôi đi, rất có triển vọng.

Tôi bảo, ông có bản lĩnh thì nói câu này cho Lý Học Hữu đi, nếu ông ấy biết ông muốn đào góc tường sau lưng ông ấy, chắc chắn sẽ không để ông yên đâu.

Chủ nhiệm Diêm nói, thôi cậu đừng nói bậy bạ, ông già Lý còn muốn đá cậu đi đến chết đi sống lại đây này, ngày nào cũng than hướng dẫn nghiên cứu sinh gần 30 năm chưa bao giờ gặp người nào không có một chút năng khiếu như cậu.

Lòng tôi chùng xuống, bảo ông ấy đừng nói bừa nữa.

"Tôi không nói bừa, cả bệnh viện đều biết cậu không thích hợp học gây mê, lúc đầu xem tôi còn tưởng cậu điền nhầm đơn luôn cơ đấy."

Tôi cảm thấy buồn bực trong lòng, mặc kệ ông ấy, ủ rũ ỉu xìu mà khâu xong cho bệnh nhân.

"Người nhà đang ở bên ngoài. Để tôi cho cậu cơ hội khoe khoang một chút." Chủ nhiệm Diêm chống cằm chỉ ra ngoài phòng cấp cứu, "Cậu ra ngoài nói chuyện đi."

Tôi tháo găng tay, bước ra ngoài: "Bên ngoài nhiều người như vậy, làm sao tôi biết là ai?"

"Người đàn ông cao lớn bên trái, mặc áo khoác ngắn màu đen." Chủ nhiệm Diêm vươn ngón tay chỉ chỉ cho tôi, "Nhìn đi đâu đấy? Ngay đó, mang ủng cao cổ. Đúng rồi đúng rồi ... quay đầu lại. Chính là người kia."

Tôi theo chỉ dẫn nhìn đến người đó, thấy người đó cũng đang nhìn tôi; gần 30 tuổi, áo khoác ngắn, quần jean và bốt cao cổ, vẻ cứng cáp nam tính từ trong ra ngoài. Ngũ quan sắc nét, đôi mắt trong veo, hai môi mỏng hơi nhợt nhạt khẽ mím, giữa hai chân mày cau lại thành một biểu cảm tôi vừa quen thuộc lại vừa lạ lẫm.

Khoảnh khắc ấy, trái tim tôi như bị bom nguyên tử dội xuống.

"Trương Nguyên...?" Tôi nghe thấy giọng mình lạc đi, máu trong toàn thân vừa như cô đặc lại vừa như rít gào dữ dội trong huyết quản; âm thanh giống như sông Tì Bà, như sông Nam Đinh, như sông Giận sông Trường Giang sông Lan Thương thi nhau cuồn cuộn mà dữ dội lao qua cánh cửa ký ức phủ đầy bụi bấy lâu nay của tôi.

Anh nhìn tôi, chậm rãi đi về phía này, sững sờ một lúc, vẻ mặt khó hiểu, nhưng lời nói vẫn rất lịch sự: "Bác sĩ, xin hỏi ca mổ kết thúc rồi sao?"

-

BTW thường thì trong một ca mổ mọi người chỉ quan tâm đến bác sĩ phẫu thuật, kiểu ra ngoài sân khấu ấy, còn bs gây mê sau cánh gà thì lại không ai quan tâm, chỉ khi nào phẫu thuật thất bại, có sự cố mới lôi bs gây mê ra điều tra thôi, trong khi khâu gây mê là khâu rất quan trọng quyết định thành bại của một cuộc phẫu thuật. Nếu mà Bạch Đoạn gây mê rồi Niệm Phi phẫu thuật là đúng chuẩn "phía sau một ngừ đàn ông thành công luôn có bóng dáng của ngừ đàn ông thành thụ" luôn á hmu hmu hmu.....

./.