2.

Lúc Lưu Triệu Thanh nói ra những lời này, tôi nhạy bén nhận thấy rằng mấy anh bên Quách Nhất Thần khựng người lại. Lúc đó còn quá nhỏ, tôi không biết “con hoang” có nghĩa là gì, chỉ đoán đại khái là lời mắng chửi thôi, vì thế tôi không yếu thế nhổ một bãi nước bọt vào hắn ta: “Con mẹ anh! Anh mới là đứa con hoang!”

Lưu Triệu Thanh lại đấm tôi một cái: “Mày chửi ai đó! Mẹ tao không phải cái loại mặt dày như mẹ mày!”

Từ “mặt dày” thì tôi hiểu, vì thế càng cảm thấy tổn thương: “Nói ai mặt dày?”

Lúc này Trương Nguyên đã chen được vào, đá văng Lưu Triệu Thanh ra: “Mày có ngon thì nói lại lần nữa!”

Lưu Triệu Thanh nằm sấp dưới đất, không đứng dậy nổi, nhưng miệng vẫn lì lợm gào lên: “Ba mày còn chẳng biết là ai, không phải con hoang thì là gì!”

Trương Nguyên nhấc chân muốn đá hắn lần nữa, thì một cước của Bạch Đoạn đã bay vào giữa bụng. Trương Nguyên suýt chút nữa quỳ trên mặt đất, anh gào lên với Bạch Đoạn: “Tụi mày khi dễ người khác đến vậy à?!”

Giọng Trương Nguyên quá lớn, làm các nhân viên cứu hộ ở bể bơi để ý, chạy lại can thiệp. Nhưng lúc người lớn lại, Lưu Triệu Thanh lập tức như cái loa chạy bằng ắc-quy, liên tục gào thét với nhân viên cứu hộ: “Hạ Niệm Phi là thằng con hoang! Nó không có ba! Mẹ nó không biết ngủ với ai đẻ ra nó! Mẹ nó là đàn bà hư hỏng!”

Lúc đó tôi ngây ngẩn cả người, lời Lưu Triệu Thanh chửi tôi thật sự không biết làm sao. Hơn năm năm qua tôi chưa bao giờ cảm thấy nhà chỉ có mình tôi và mẹ là có gì không đúng, mà hôm nay đột nhiên có người sỉ nhục tôi như thế, nói ra những lời ác ý như thế để nhục mạ mẹ tôi. Loáng thoáng những giây đó, tôi đã biết vì sao mẹ không thể nói chuyện với bất cứ ai trong khu nhà ngang, vì sao quần áo nhà tôi phơi bị người ta bôi phân, bôi nước tiểu, vì sao mẹ tôi lại phải khóc như thế. Tất cả làm tôi phẫn nộ đến mịt mờ, cũng chẳng biết mình đã chảy nước mắt giàn giụa. Sự việc sau đó tôi không có ấn tượng gì, chỉ biết Trương Nguyên với Bạch Đoạn mỗi khi nhắc lại chuyện này đều rất khâm phục. Bạch Đoạn nói lúc ấy người tôi toàn sát khí, còn Trương Nguyên thì bảo nếu không ai ngăn thì lúc ấy tôi đã thành tội phạm giết người khi mới năm tuổi rưỡi rồi.

Cuộc gây hấn này nháo nhào ra rất lớn, tất cả người ở bể bơi đều bị bọn tôi làm cho kinh hoàng. Lúc quản lý bể bơi gọi điện cho phụ huynh từng đứa lên, mẹ tôi cũng có mặt. Ai mắng mỏ chỉ trỏ gì bà vẫn luôn cúi đầu. Tôi cảm thấy tôi chẳng làm gì sai, nhưng lúc mẹ dẫn tôi về nhà, tôi thấy như tôi đang là một bị cáo; Cho dù năm đó tôi vừa nhỏ vừa chẳng hiểu chuyện, cũng cảm giác được mẹ đang bi thương rất nhiều. Ngày đó về đến nhà mẹ không mắng trách gì tôi câu nào, thậm chí cũng chẳng khóc.

Việc tôi đánh nhau với Lưu Triệu Thanh ở bể bơi đó đã trở thành một bước ngoặt cho rất nhiều thứ, trong đó quan trọng nhất là thái độ của mẹ. Đêm hôm đó bà thao thức suốt, chẳng hề ngủ. Ba ngày sau, bà đóng hành lý mang tôi về quê ở phương Bắc.

Lúc mẹ con tôi về đến quê, trời đã về chiều. Ông ngoại không muốn gặp, đóng chặt hai cánh cửa lớn sơn đen. Mẹ cầm tay tôi quỳ trước cổng, vẻ mặt rất quyết tâm. Khi đó tôi không ngoan ngoãn gì, giật tay mẹ mè nheo nói tôi đói. Mẹ tôi liếc đến tôi một cái, sau đó bà thò tay véo tôi một cái thật lực, đau đến mức tôi phải thét lên. Nhưng mẹ tôi vẫn chẳng hề buông tay, làm tôi tủi thân, ngoác mồm khóc rống một trận trước cổng cả đêm. Chòm xóm xung quanh bắt đầu mở cửa ra xem chuyện, thấy hai mẹ con tôi, ai cũng gạt lệ thở dài. Mẹ tôi ngẩng đầu, vẫn kiên định quỳ đến quá nửa đêm.

Lúc sao trời bắt đầu nhòe đi vì hừng đông, bà ngoại đã ra ngoài mở cánh cổng sơn đen to lớn, thấy hai mẹ con tôi thì òa khóc nức nở. Mẹ tôi khi đó hay khen tôi ngoan, vì lúc ấy vừa nhìn thấy bà ngoại, tôi đột nhiên nín khóc, cười tươi với bà. Có lẽ từ đấy mà cái vị trí Trưởng tôn nhà họ Hạ của tôi hơn hai mươi năm qua luôn kiên cố không gì đánh sập được.

Ông ngoại tôi ở quê cũng là một người danh dự và uy tín. Dựa vào mối quan hệ của mình, ông luôn tìm kiếm công việc tốt cho các con cháu. Vốn dĩ mẹ tôi sẽ được đưa vào cục Giao thông làm kế toán, nhưng năm đó mẹ chạy trốn, cơ hội này đã hoàn toàn không còn nữa. Mẹ tôi lúc ấy quay về, là để mượn tiền. Nghe bà ngoại kể lại, mẹ tôi hỏi mượn ông bà một ngàn tệ, con số cũng coi như là khá lớn những năm đó. Mẹ bảo mượn tiền dựng vốn về Phù Châu làm ăn, để tôi có một cuộc sống tốt hơn, không bị người ta xem thường. Mẹ nói mượn tiền xong mẹ sẽ đi ngay, sẽ không liên quan gì đến người nhà họ Hạ nữa. Mấy ngày đó nhà Hạ nháo nhào, mẹ và ông ngoại cãi nhau to mấy trận liền. Bà ngoại thì tự mình đi gom góp lung tung cũng được một ngàn tệ cho mẹ. Thế là mẹ lại một lần nữa mang tôi rời đi cái thành phố nơi bà sinh ra và lớn lên ấy.

Về lại Phù Châu mẹ và tôi vẫn ở lại nhà ngang, chỉ là cách quan hệ của bà với mọi người đã thay đổi rất nhiều. Bà bắt đầu thường xuyên mang tôi ra khỏi nhà, chào hỏi từng hộ hàng xóm, thậm chí còn xuống dưới lầu học đan áo len với bác gái ở đó. Mẹ tôi dùng tiền vay của ông bà mở một tiệm cơm nhỏ, thuê một đầu bếp và hai phục vụ, ngày nào cũng thức khuya dậy sớm quản lý quán ăn, từng chút từng chút tích tiền nuôi tôi ăn học.

Mùa thu năm ấy tôi bắt đầu học tiểu học, cùng trường với Bạch Đoạn và Trương nguyên. Khi đó Trương Nguyên với Bạch Đoạn đã xem nhau như người xa lạ, cũng lười đánh đấm, có hoạt động ngoại khóa thì mỗi người chiếm một cái phòng sinh hoạt riêng, nước sông không phạm nước giếng.

Tiệm cơm nhỏ của mẹ tôi kinh doanh được một hai năm sau thì có trào lưu Tây hóa. Thế là mẹ lên ý tưởng, lấy tiền lãi mua thêm vài đồ nội thất, biến tiệm cơm nhỏ thành một quán đồ ăn Tây. Bàn ăn phủ vải trắng viền ren, đặt một cái lọ nhỏ cắm hoa hồng nhựa, món chính luôn là khoai tây chiên và Bít tết. Giờ ngẫm lại, cái tổ hợp món ăn đó nhàm chán đến lạ nhưng chẳng hiểu sao lại rất được ưa chuộng, ngày lễ Tết tiệm của mẹ còn nhận những cuộc gọi đặt bàn trước nữa cơ. Việc kinh doanh ở mẹ tôi tốt lên từng ngày, đó là lúc mẹ mua được một căn nhà riêng ở Phù Châu, dẫn tôi rời khỏi khu nhà ngang xập xệ.

Lúc rời nhà ngang tôi cũng không buồn tiếc gì, chỉ có hưng phấn vì được dọn sang nhà mới. Lúc ấy Trương Nguyên và Bạch Đoạn đã lên cấp hai. Trương Nguyên ở lại ký túc xá trường, rất ít khi gặp anh ấy nữa. Ngày dọn đi Trương Nguyên buồn lắm, nước mắt nước mũi tèm lem, chẳng ngờ đâu mấy năm sau tôi lại vào cùng trường anh ấy học, trường cấp hai cách trường cấp ba có một dãy cây xanh. Thỉnh thoảng đến giờ tôi vẫn lôi chuyện này ra chọc.

Ngày rời nhà ngang tôi còn gặp Bạch Đoạn. Lúc ấy tôi đang đeo một cái cặp sách nhỏ trên lưng đứng trông chừng tủ quần áo lớn mẹ tôi vừa dời xuống, thấy Bạch Đoạn người đầy mồ hôi ôm một trái bóng rổ đi về nhà. Khi ấy Bạch Đoạn bắt đầu cao lên, cậu nhóc trắng trẻo mập mạp năm nào giờ đã trở nên cao gầy, nhưng khuôn mặt vì vẫn đáng yêu xinh đẹp như vậy. Anh lên cấp hai đánh nhau còn nhiều hơn, tiếng tăm lẫy lừng với cú đá bằng chân phải, hợp với Trương Nguyên thành cặp đôi hắc bạch song sát của trường. Mà tôi từ đó đến giờ luôn đứng về phe Trương Nguyên, nên thú thật thì lúc một mình gặp Bạch Đoạn ấy tôi có hơi chột dạ, định làm lơ, nhưng anh lại thấy được tôi.

Bạch Đoạn ngạc nhiên một lúc rồi tiến lại hỏi: “Em chuyển nhà à?”

“Dạ.” Tôi gật đầu, cố tình làm ra vẻ lạnh nhạt không liên quan.

“Chuyển đến đâu?” Anh lại hỏi tôi.

“Đường số hai khu xây dựng.” Tôi thành thật trả lời, tiện nhìn trộm anh một cái.

“Cũng xa chỗ này đó.” Anh nghĩ nghĩ, “Sau này chắc không gặp được em nữa nhỉ.”

Nếu là Trương Nguyên, anh ấy chắc chắn sẽ nói “Liên quan gì đến mày?”, nhưng mà tôi không phải Trương Nguyên, không gan như anh ấy, nên chỉ ngoan ngoãn “dạ” thêm một tiếng.

Lúc này mẹ tôi đã cùng mấy nhân viên vận chuyển nhà xuống lầu, thấy tôi đứng ngây ngốc cạnh Bạch Đoạn, bà vỗ vỗ tôi: “Sắp đi rồi, còn chưa từ biệt xong nữa à?”

Bạch Đoạn nghe vậy vỗ vai tôi: “Thôi, anh về nhà đây.”

Tôi lại “Dạ” một tiếng, nhìn anh rời đi rồi theo mẹ lên xe. Mẹ quay đầu nhìn Bạch Đoạn, hỏi: “Đứa nhỏ đó trông mặt trắng trẻo đẹp trai thế, sao mẹ chưa thấy con dẫn về nhà chơi bao giờ?”

Tôi trợn trắng mắt, “Anh ta là đối thủ một mất một còn của anh Trương Nguyên đó, anh ta không đánh con thì thôi còn mời về nhà chơi?”

“Sao mà vậy được, mẹ thấy đứa nhỏ rất nhẹ nhàng lịch sự mà.” Mẹ tôi nói.

“Mẹ nhìn nhầm rồi đó! Anh ta ở đại viện quân sự gần chỗ này, đánh nhau ghê gớm lắm, mấy năm trước còn lấy vỏ kiếm rượt Trương Nguyên chạy hai con phố….” Tôi kể chuyện cũ cho mẹ nghe, nhưng lại chẳng hiểu sao lại tự bật cười thành tiếng.

./.