“Theo bản tin dự báo thời tiết từ đài khí tượng, thời tiết nắng nóng những ngày gần đây sắp đạt đến một đỉnh điểm mới.

Các công dân thành phố hãy thực hiện công tác tránh nắng lúc ra ngoài đề phòng việc bị cảm nắng…”

“Nguyệt Nguyệt —” Lúc Tưởng Mạn và Hồ Viễn Hành đẩy cửa tiến vào, Hồ Điệp đang ngồi trên ghế sofa trùm chăn xem bản tin buổi chiều.

“Con dậy làm gì đó?” Tưởng Mạn xách bánh ngọt đi đến cạnh cô: “Hôm nay không còn khó chịu nữa sao?”

“Vâng… Ổn hơn nhiều rồi ạ.”

Tuần trước, Hồ Điệp vừa tắm xong, không biết là do ở trong không gian kín quá lâu hay vì lí do nào khác mà tự dưng cô có triệu chứng khó thở, vừa kịp gọi mẹ một tiếng đã ngất xỉu khiến Tưởng Mạn nghe tiếng chạy đến sợ hãi vô cùng.

Những ngày qua, bà không dám cho cô lộn xộn nữa.

Cả ngày cô cứ mơ mơ màng màng, thậm chí cũng không xuống được giường bệnh.

Nếu còn không đứng dậy hoạt động một tí thì xương cốt rã rời ra mất.

Hồ Điệp vén chăn, mang giày đi đến bàn ăn hỏi: “Hôm nay ba nấu món ngon gì thế ạ?”

“Hôm nay mẹ xuống bếp, làm món sườn non kho con thích ăn nhất, tôm hấp, và cả rau muống xào tỏi nữa.” Hồ Viễn Hành giơ tay nhéo nhẹ mũi cô: “Qua hôm nay là Nguyệt Nguyệt nhà ta tròn mười tám tuổi, là một cô gái trưởng thành rồi.”

Hồ Điệp ôm cánh tay Hồ Viễn Hành làm nũng: “Nhưng con vẫn mãi là con gái của ba mẹ.”

“Con sẽ mãi là công chúa nhỏ của ba mẹ.” Tưởng Mạn đặt bánh kem lên bàn ăn, sau đó lấy một cái phong thư cỡ lớn trong túi xách ra đưa cho Hồ Điệp: “Đây là quà sinh nhật mẹ với ba chuẩn bị cho con.”

Nom độ dày của phong thư, Hồ Điệp còn tưởng đây là chi phiếu gì đó các kiểu, nhưng cầm vào tay thì phát hiện không phải.

Cô quơ quơ hỏi: “Cái gì vậy ạ? Sao lại thần bí thế này.”

“Mở ra xem thử là biết ngay thôi.” Tưởng Mạn đi qua một bên rửa tay rồi cầm chén đũa quay lại.

Hồ Điệp xé giấy niêm phong phong thư ra, đến khi thấy rõ đồ bên trong thì kìm lòng chẳng đặng hét “A a a” lên.

Bên trong là mười hai tấm ảnh có chữ ký tay của một vận động viên trượt băng nghệ thuật Hồ Điệp thích nhất.

Đây không phải là thứ gì quá đáng tiền nhưng nếu bàn về giá trị đối với một fan hâm mộ thì nó chính là báu vật vô giá.

Hồ Viễn Hành cười nói: “Không phải con vẫn luôn bảo thích cô ấy sao, ba với mẹ nhờ quan hệ xin cô ấy vài tấm ảnh ký tay cho con đấy.”

“Cảm ơn ba!” Hồ Điệp cầm ảnh ký tay ôm Hồ Viễn Hành một cái, rồi lại chạy tới hôn cái chụt lên mặt Tưởng Mạn: “Cũng cảm ơn mẹ!”

Cô cầm tấm ảnh có chữ ký mà yêu thích không nỡ buông tay: “Cô ấy là vận động viên trượt băng nghệ thuật con thích nhất, đáng tiếc là về hưu quá sớm chứ không con có thể đến hội trường xem cô ấy thi rồi.”

“Cũng biết con thích cái này mà.” Tưởng Mạn cười bảo: “Mẹ có đặt cho con mười hai cái khung đựng trên mạng đấy, bao giờ giao con có thể cất mấy tấm ảnh này vào.”

“Được ạ.” Hồ Điệp xem từng tấm ảnh, giọng điệu kích động: “Con thích quá đi, cảm ơn ba mẹ.”

“Được rồi được rồi, lát nữa rồi xem tiếp, ăn cơm trước đã.” Tưởng Mạn đưa đũa cho cô, lại hỏi: “Rửa tay chưa? Đi rửa tay mau đi.”

“Ngay đây ạ!” Hồ Điệp lại cầm mấy tấm ảnh ký tay ngắm nghía cẩn thận một hồi rồi mới lưu luyến để xuống và đi rửa tay.

Đến khi cả nhà cùng ngồi vào bàn ăn, đây là lần hiếm hoi Hồ Viễn Hành bưng ly rượu lên: “Chúc công chúa nhỏ Nguyệt Nguyệt nhà ta sinh nhật vui vẻ, hy vọng con…”

Nói đến đây, ông bỗng khựng lại giây lát rồi nhanh chóng tiếp câu: “Hy vọng con sẽ luôn vui vẻ như vậy.”

Hồ Điệp không thể uống rượu nên thay thế bằng nước dừa.

Cô giả vờ không phát hiện ra điều gì, nâng ly chạm cốc với Tưởng Mạn và Hồ Viễn Hành một cái rồi cười đáp: “Cảm ơn ba mẹ.”

“Nào, ăn đi, nếm thử xem tay nghề của mẹ có giảm sút không.” Tưởng Mạn gắp một miếng sườn non nhỏ bỏ vào chén của Hồ Điệp.

Khi này bà chợt nhớ đến gì đó bèn hỏi: “Hôm nay con có ra ngoài không?”

Hồ Điệp cắn một miếng sườn, không kịp hiểu mô tê gì: “Đi đâu ạ?”

Tưởng Mạn cười cười: “Không phải lúc trước con nói với mẹ tối sinh nhật muốn ra ngoài chơi với Kinh Du hả.”

Nhắc đến Kinh Du, Hồ Điệp sửng sốt hai giây, sau đó cố tỏ vẻ tự nhiên đáp: “Không đi ạ.”

“Sao thế? Có phải cãi nhau không?” Tưởng Mạn nói: “Hai ngày trước mẹ thấy thằng bé đứng ở cổng bệnh viện một lúc lâu, mãi chẳng động đậy.”

Hồ Điệp lẩm bẩm: “Không có ạ, anh ấy khá bận rộn.”

“Thế hôm nay sinh nhật con, thằng bé có gửi tin nhắn cho con không?”

“Có gửi ạ…”

Lúc 0 giờ sáng, Kinh Du có gửi tin nhắn chúc mừng sinh nhật cô, chỉ là khi ấy cô đã ngủ từ lâu rồi nên phải đến ban ngày mới thấy, thành thử cũng bỏ lỡ mất cơ hội tán gẫu ngay thời điểm đó với anh.

“Mẹ thấy cậu ấy đối xử với con rất tốt.” Tưởng Mạn nhìn con gái mình: “Nếu con khiến người ta không vui thì cũng đừng giở tính khí nhỏ nhen cho người ta ăn bơ chứ.”

“Con đâu có làm anh ấy không vui.” Hồ Điệp cúi đầu, chơi với miếng sườn trong chén, tâm trạng hơi chùng xuống.

Hồ Viễn Hành thấy thế bèn trao đổi ánh mắt với vợ, lên tiếng xoa dịu không khí: “Được rồi được rồi, hôm nay là sinh nhật con mà, đừng nghĩ mấy chuyện này nữa, chúng ta ăn cơm đã.”

Tính tình cả ba người trong nhà đều ôn hòa dễ chịu nên bữa cơm diễn ra trong sự vui vẻ.

Sau khi ăn xong, Hồ Viễn Hành và Tưởng Mạn dọn dẹp bàn rồi lấy bánh kem ra.

Hồ Điệp ngồi yên lặng cạnh bàn, nhìn ngọn lửa lập lòe trên cây nến số “18” và bắt đầu nhắm mắt, chắp tay ước nguyện trong tiếng hát chúc mừng sinh nhật của ba mẹ.

Trong lòng cô thầm nói: “Điều ước thứ nhất, mong ba mẹ con sẽ luôn khỏe mạnh, sống lâu.”

Hồ Điệp biết Hồ Viễn Hành định nói gì trong mấy giây sững lại ấy, có lẽ ông cảm thấy nói ra những từ bình an khỏe mạnh chỉ thêm khổ đau nên đành chúc cô vui vẻ.

“Điều ước thứ hai, hy vọng họ sẽ không đau buồn quá lâu vì sự ra đi của tôi.

Mong tất cả các học sinh của ba mẹ luôn bình an, thuận lợi giành quán quân trên sân thi đấu.”

“Điều ước thứ ba…”

Hồ Điệp nhẩm đến đây, lặp lại cụm “Điều ước thứ ba” hai lần liền mới tiếp tục nhẩm trong lòng: “Hy vọng tên Kinh Du khốn khiếp kia nhanh chóng đến tìm tôi xin lỗi!”

Sau đó cô mở mắt ra và ghé đầu đến thổi tắt nến.

Tưởng Mạn vỗ tay, Hồ Viễn Hành cũng kết thúc đoạn video thu hình, sau đó để giá máy ảnh ở một vị trí xa.

Ông ôm vai vợ đi đến ghế sofa ngồi xuống, Hồ Điệp ôm lấy họ từ phía sau, cả gia đình chụp chung một tấm trong phòng bệnh.

Sau khi chụp xong, Hồ Điệp đứng thẳng người lại bảo: “Con đi xem ảnh chụp thế nào!”

Cô đi đến giá quay ba chân, nhìn thấy bức ảnh gia đình trong khung lấy cảnh của máy ảnh.

Phông nền của tấm hình là một mảng màu trắng và xanh rất lớn, gia đình ba người mỉm cười khuôn mặt y đúc nhau.

Có một khoảnh khắc, Hồ Điệp ước gì thời gian có thể dừng lại trong tích tắc này mãi mãi.

Đáng tiếc thay, tất cả thế sự đều không như ý nguyện.

Cô nén buồn trốn phía sau máy ảnh, nhìn ba mẹ mình thông qua ống kính rồi đột nhiên đề nghị: “Ba, con chụp giúp ba với mẹ một tấm nhé.”

“Được thôi.” Hồ Viễn Hành điều chỉnh tư thế ngồi, nhích gần đến Tưởng Mạn hơn.

Thông qua khung lấy cảnh, Hồ Điệp có thể thấy rõ những vết chân chim mới trên khóe mắt của ba mẹ.

Một năm qua vì chăm sóc cho cô mà Tưởng Mạn và Hồ Viễn Hành đều gầy đi trông thấy.

Tay bấm nút chụp của cô hơi run run, sau khi bấm chụp một tấm, cô lại cúi đầu bảo: “Hình như không được đẹp lắm, chúng ta chụp thêm một tấm nữa nhé.”

Hồ Viễn Hành và Tưởng Mạn không phát hiện sự khác thường của con gái, vô tư trêu cô có biết chụp hình không.

Hồ Điệp mím môi, cố tỏ vẻ thư thái đáp: “Dĩ nhiên con biết chứ.”

Chụp ảnh xong, Hồ Viễn Hành lướt xem một số tấm chụp đẹp trước đó.

Sau một hồi chọn tới chọn lui, ông đăng một tấm ảnh chụp cả gia đình lên vòng bạn bè.

Khi thấy trạng thái, Hồ Điệp nhanh chóng thả tim nhưng ngoài miệng thì vẫn chê: “Ba ơi, lần sau ba có thể đổi phần giới thiệu không? Đừng cứ mỗi năm chỉ đổi thời gian còn cái khác thì chẳng đả động gì như thế.”

Hồ Viễn Hành dừng một giây, sau đó cười hớn hở nói: “Được được được, sang năm ba đổi.”

“Cái này nghe còn được.”

Hồ Điệp cũng không ăn được bao nhiêu bánh kem, giải quyết xong một miếng nhỏ Tưởng Mạn cắt cho, cô gối đầu lên đùi bà, nằm trên ghế sofa xoa xoa bụng.

Hồi trước khi mới bắt đầu hóa trị, cô đã cạo hết tóc của mình, bình thường phần lớn thời gian ở trong phòng bệnh cô đều đội mũ len do Tưởng Mạn tự tay đan.

Hôm nay cô đội một chiếc mũ len màu xanh, thời gian có hơi dài rồi.

Tưởng Mạn lấy len xù trên mũ xuống và nói: “Xù lông cả rồi.”

“Đeo lâu rồi mà mẹ.” Hồ Điệp bảo: “Mẹ ơi, mẹ đan cho con hai cái nữa đi.”

“Được thôi, mai mẹ đi mua len đã, lần này vẫn là màu xanh ha?”

“Vâng, màu xanh nước sẽ làm trắng da hơn.”

Tưởng Mạn đụng vào mặt cô một cái: “Đã trắng thế này rồi mà.”

“Vậy màu đỏ ạ?” Hồ Điệp ngồi dậy: “Màu đỏ đi mẹ, màu đỏ vui tươi.”

Tưởng Mạn cười gật đầu: “Được thôi.”

Hồ Điệp có thói quen ngủ trưa, hôm nay cũng không ngoại lệ.

Cô trò chuyện với Tưởng Mạn chốc lát cho đến giờ uống thuốc, uống thuốc xong cũng quay về phòng.

Tưởng Mạn thấy cô ngủ rồi bèn giao nhiệm vụ cho Hồ Viễn Hành đi mua len.

Nhưng bà sợ ông không biết chọn nên lại nói: “Thôi bỏ đi, vẫn nên để em đi thì hơn, anh ở đây trông Nguyệt Nguyệt nhé.”

Hồ Viễn Hành không có ý định tranh giành gì, tiễn vợ đến cửa thang máy rồi quay về phòng bệnh.

Ông đi tới trước giường của hồ Điệp, kéo ghế đến ngồi lẳng lặng một bên.

Lát sau lại dịch dịch lại chăn giúp cô, lại qua một hồi, có lẽ vì sợ cô nóng nên ông chỉnh lại phần chăn vừa dịch ban nãy.

Hồ Điệp vốn ngủ giấc nông, thành thử bị làm phiền hai lần như thế cô cũng hết buồn ngủ luôn, nhắm hai mắt cười bảo: “Ba à, chăn con là nấm gai ạ, sao ba cứ động nó làm gì?”

Khi này Hồ Viễn Hành mới dừng lại, ngẫm lại cũng thấy hơi buồn cười: “Ba không làm ồn nữa, con ngủ đi.”

“Không ngủ được.” Hồ Điệp nghiêng người ta, nhìn về phía ba: “Ba ơi, ba với mẹ cãi nhau thì ai là người nói xin lỗi trước?”

“Ba với mẹ con không cãi nhau.”

“…”

Hồ Viễn Hành thấy cô nằm cuộn tròn, vẫn kìm lòng chẳng đậu dịch lại góc chăn, miệng thì hỏi: “Sao tự dưng lại hỏi ba cái này?”

“Không có gì ạ, con chỉ hỏi chút thôi, tò mò ạ.” Hồ Điệp hỏi lại: “Ba với mẹ thật sự chưa từng cãi nhau sao? Lớn tiếng một tí cũng không có ạ?”

“Rất ít khi, tính khí mẹ con tốt.” Hồ Viễn Hành quan sát con gái: “Có phải con với Kinh Du cãi nhau không?”

“Không có đâu.” Hồ Điệp suy tư giây lát mới tiếp lời: “Chủ ý của con là vì muốn tốt cho anh ấy, nhưng ảnh không biết ơn mà còn nói con này nọ.

Nhưng nếu con là ảnh thì chắc con cũng sẽ nổi giận y vậy…”

Thật ra Hồ Điệp có thể hiểu được Kinh Du tức giận vì điều gì, chỉ là ngại ngùng không cách nào đối mặt nên không biết phải nói thế nào.

“Như vậy thì thật ra hai đứa đều sai cả, không phải ai nói xin lỗi trước là thua.” Hồ Viễn Hành nói: “Chẳng phải Kinh Du đã nhắn tin cho con rồi sao, con trả lời thằng bé chưa?”

“Vẫn chưa ạ.”

“Thế bây giờ là con không đúng đấy, dù là bạn bè bình thường gửi lời chúc thì theo phép lịch sự con cũng phải đáp lại một câu cảm ơn.”

“Nhưng mà con…” Hồ Điệp nghĩ đến gì đó, bất chợt nói: “Con với Kinh Du cũng là bạn bè bình thường.”

“Vậy sao?”

“Vốn dĩ là vậy mà.” Hồ Điệp lẩm bẩm: “Nói không chừng còn chẳng bằng bạn bè bình thường cơ.”

Hồ Viễn Hành chỉ cười cười, không nói gì thêm nữa.

Hai ba câu nói của ông khuấy đảo làm Hồ Điệp có cảm giác khó tả, cô nằm trên giường cả buổi chiều.

Sau đó Tưởng Mạn mua len về, gọi Hồ Viễn Hành ra giúp mình cuộn lại.

Cô vẫn nằm bất động lắng nghe hai vợ chồng ở bên ngoài nói chuyện phiếm, vừa liên tục mở điện thoại nhìn tin nhắn Kinh Du gửi đến.

Cô nghĩ tới nghĩ lui, cuối cùng chỉ hồi âm một câu cảm ơn mà đợi mãi vẫn không thấy Kinh Du trả lời, cô không nhịn được thở dài một hơi.

Sẩm tối, Hồ Viễn Hành chuẩn bị về nhà làm cơm tối nên vào phòng hỏi Hồ Điệp muốn ăn gì.

Nom thấy dáng vẻ thẫn thờ buồn bã của cô, ông nói ẩn ý: “Muốn ra ngoài thì đi đi, đã lâu rồi còn không đi ngắm mặt trời lặn đó.”

“Không muốn nhúc nhích ạ.” Hồ Điệp nói: “Ăn cháo đi ạ, buổi tối con muốn ăn cháo.”

“Được, vậy ba về trước, còn muốn ăn gì nữa thì gọi cho ba.”

“Vầng…”

Hồ Điệp trở mình, mặt hướng về cửa sổ.

Thật ra từ vị trí phòng cô cũng có thể nhìn thấy một chút tàn ảnh của hoàng hôn.

Ban đầu cô không quá chú ý, ánh mắt vẫn tập trung vào bóng người đang nhảy nhẹ nhàng trên điện thoại và phân tích các bước nhảy, xoay tròn, điểm đáp và cả các điểm cộng thêm cho động tác của cô ấy.

Tiết mục biểu diễn trượt băng nghệ thuật tự do đơn của một thí sinh nữ nhóm người trưởng thành dài bốn phút.

Sau khi Hồ Điệp xem xong video bốn phút này, vừa ngẩng đầu lên thì phát hiện ngoài cửa sổ phòng bệnh có hơn năm quả bóng bay màu xanh.

Mới đầu cô tưởng đây là bóng của em nhỏ nào tầng dưới, nhưng đợi mấy phút mà năm quả bóng bay này vẫn không hề thay đổi vị trí cứ như được dính vào cửa sổ phòng cô vậy.

Hồ Điệp đặt iPad xuống, đứng dậy đi đến bên cửa sổ.

Qua lớp cửa kính có thể thấy dưới mỗi quả bóng đều treo một tấm thẻ.

Cô mở cửa sổ ra, luồng gió nóng đập thẳng vào mặt, năm quả bóng bay cũng theo gió nhẹ nhàng bay hướng vào trong.

Hồ Điệp lấy một quả trong đó và tháo tấm thẻ đính kèm xuống.

Mặt sau có vẽ một chú cá voi nhỏ, trên đầu chú ta lại vẽ một cái khung gỗ nhỏ viết vài chữ trong đó.

—– Anh thật sự không cố ý đâu.

Cô lấy hết các tấm thẻ gắn cùng các quả bóng khác xuống, mặt sau mỗi tấm thẻ đều có hình vẽ giống hệt nhau chỉ là chữ trong khung gỗ thì khác nhau hoàn toàn, sắp xếp theo thứ tự là —–

“Anh xin lỗi.”

“Anh sai rồi.”

“Anh thật sự không cố ý đâu.”

“Có thể tha thứ cho anh không?”

Ở tấm thẻ cuối cùng, trên đầu chú cá voi có một mã QR.

Hồ Điệp cầm điện thoại quét mã, tức khắc có một video hoạt hình dài 7 phút 23 giây xuất hiện.

Một chú cá voi sống dưới biển sâu, vào một lần tình cờ nọ, chú ta đã cứu một cô bướm nhỏ bị nước biển làm ướt cánh.

Cô bướm nhỏ đã lấy đóa hoa đẹp nhất trong bụi hoa tặng cá voi nhỏ thay cho lời cảm ơn.

Cá voi nhỏ muốn đáp lễ nên đã mang một đống đồ dưới đáy biển tặng cho cô bướm nhỏ, có vỏ sò, sao biển và còn cả trân châu lấp lánh nữa.

Họ trở thành bạn bè, cá voi nhỏ đưa cô bướm nhỏ đi ngao du biển khơi.

Mỗi ngày cô bướm nhỏ sẽ tặng cho cá voi nhỏ một đóa hoa xinh đẹp.

Rồi bỗng đến một ngày, cá voi nhỏ và cô bướm nhỏ xảy ra mâu thuẫn.

Thế là cô bướm nhỏ trốn mãi không bụi hoa không chịu ra, cá voi nhỏ thì vẫn quanh quẩn tại khu vực bờ biển và không ngừng phát ra tiếng kêu cá voi.

Chú ta bắt đầu thường xuyên mang đồ dưới đáy biển đặt lên bờ, tại nơi mà chú ta và cô bướm nhỏ hay gặp mặt.

Thời gian lâu dần, cuối cùng cô bướm nhỏ cũng bằng lòng bay ra gặp chú ta.

Cá voi nhỏ muốn làm cho cô bướm nhỏ vui vẻ nên bơi qua bơi lại trong biển liên tùng tục, rồi còn biểu diễn lăn mình, nhảy lên cho cô bướm nhỏ xem.

Chú ta nằm ngửa trên mặt biển để lộ ra cái bụng căng tròn của mình.

Rốt cuộc cô bướm nhỏ đã được dỗ dành cười vui ơi là vui, bắt đầu bay quanh chú ta lần nữa.

Xem đến đây, Hồ Điệp không nhịn được bật cười.

Cô đẩy hết bóng bay ra ngó xuống dưới lầu.

Trên con đường nhỏ cách tòa nằm bệnh viện không xa chẳng biết từ khi nào đã có một người mặc trang phục chú cá voi.

Trong tay anh cầm một tấm bảng, trên đó viết ba chữ “anh xin lỗi”, không chênh lệch bao nhiêu so với nét chữ trên tấm thẻ gắn với bóng bay.

Bộ đồ trên người có lẽ là được mượn từ khu vui chơi kế bên, trông thì xấu xí mà cũng đáng yêu.

Hồ Điệp dựa vào chiều cao đoán chắc người bên trong chính là Kinh Du.

Cô mỉm cười, hét lớn với bóng người ở dưới lầu kia: “Anh kinh Du, cách anh xin lỗi cổ lỗ sỉ quá đó.”

Chú cá voi không đáp lại, chỉ quơ quơ tấm bảng trong tay.

Hồ Điệp nhìn xuống dưới, thấy dưới mỗi quả bóng bây đều có buộc một cục đá nhỏ.

Thế là cô đưa tay kéo tất cả bóng vào phòng, rồi lại nhét các tấm thẻ vừa nãy vào túi.

Mới chạy ra tới cửa, cô sực nhớ đến gì đó, vội cởi mũ trên đầu xuống và đội tóc giả vào.

Tưởng Mạn thấy cô cuống cuồng lật đật như thế bèn hỏi: “Sao vậy con?”

“Kinh Du đến tìm con.” Hồ Điệp chạy ra ngoài, lại vọt ngược về bảo: “Đúng rồi mẹ ơi, có thể tối nay con về hơi muộn, mẹ bảo với ba một tiếng giúp con, chào để ngày mai con ăn.”

Dứt câu, cô không chờ Tưởng Mạn đáp lời mà chạy mất hút.

Bà chỉ cười lắc đầu rồi tiếp tục công việc của mình.

Lúc Hồ Điệp chạy xuống tới nơi, Kinh Du vẫn đứng bất động tại đó.

Dù hiện tại đã chiều tối nhưng nhiệt độ vẫn rất cao, cô chỉ chạy xuống lầu, một khoảng cách ngắn thôi mà sau lưng đã toát một lớp mồ hôi.

Cô đi đến cạnh chú cá voi: “Anh có nóng không?”

Chú cá voi ấy không lên tiếng, chỉ gật gật đầu rồi bất thình lình lắc lắc đầu.

“Đồ Kinh Du ngốc.” Hồ Điệp ghé đến gần, đưa tay muốn cởi cái mũ đội đầu của anh xuống.

Ban đầu anh còn tránh né, sau bị cô vỗ đầu mới ngoan ngoãn đứng im.

Cô lấy cái mũ đội xuống, thấy Kinh Du đổ đầy mồ hôi thì vừa buồn cười vừa đau lòng: “Ai dạy anh đây?”

Kinh Du mím môi đáp: “Không có.”

“Cởi ra trước đi, anh không nóng à?” Cái mũ này khá nặng, Hồ Điệp bèn đặt nó xuống đất.

“Vẫn ổn.” Kinh Du không cởi quần áo theo lời cô, mà đưa tấm bảng gỗ trong tay tới và nhẹ giọng nói: “Anh xin lỗi.”

Hồ Điệp không nhận, chỉ nhìn anh chăm chú.

Vóc dáng anh quá cao, bộ trang phục cá voi này còn không quá vừa người, bên trong lại bí hơi, cộng thêm nhiệt độ mùa hè cực cao khiến mặt anh toàn mồ hôi, tóc đen bết dính vào má, có mồ hôi lăn dài xuống theo gò má.

Khuôn mặt anh đỏ bừng, không biết có phải do nóng hay không.

Đôi mắt anh đen nhánh, khóe miệng hơi mím lại, có lẽ đang chờ đợi câu trả lời của cô nên cánh môi lại vô thức hé ra: “Anh…”

“Được rồi.” Hồ Điệp nhận lấy tấm bảng gỗ, dịu giọng bảo: “Thấy anh thành tâm thế này nên em tha thứ cho anh đó.”

“Thật sao?” Kinh Du chớp chớp mắt, có giọt mồ hôi rơi vào mắt, cảm giác đau nhói nhè nhẹ khiến anh không kìm lòng được muốn dụi dụi vài cái, chỉ là tay vẫn đang đeo găng đi kèm bộ trang phục nên vừa nhấc lên lại buông xuống.

“Em có lừa anh bao giờ đâu?” Khi nãy Hồ Điệp đi gấp quá nên trong túi không có khăn giấy.

Cô bỗng đến gần một bước, Kinh Du vẫn đứng im tại chỗ.

Hồ Điệp kéo ống tay áo của mình nhẹ nhàng chặm chặm hai cái lên mắt anh, rồi lại lau mồ hôi trên trán cho anh.

Khoảng cách giữa hai người rất gần.

Kinh Du cụp mắt, nhìn mặt cô chằm chằm vài giây mới bất thình lình nói khẽ một câu: “Sau này anh không như vậy nữa.”

“Gì cơ?” Hồ Điệp dừng tay, đối diện với ánh mắt anh.

Hơi nóng quanh người anh vẫn chưa tản đi, vào giờ khắc này, chúng như lan tràn vào đôi mắt, giọng nói của anh và cả trái tim đang đập nhanh của cô nữa.

“Sẽ không chọc em giận nữa.”