Hiệp Khách Hành

Chương 17: Thạch Phá Thiên Hỏi Kế Nô Tỳ

Chàng thiếu niên được trời phú cho tư chất thông tuệ khác thường lại may ở chỗ suốt đời ở chốn thâm sơn không biết gì đến việc thế tục, vì vậy mà tính tình không chất cũng phải chất phác, bởi vì chàng không đụng chạm với ai. Ðó là một tư cách căn bản rất thích hợp để tu luyện môn La Hán Phục Ma thần công.

Cái may thứ hai là lúc chàng được người ta nhậm lầm là bang chúa bang Trường Lạc thì phát hiện ra ngay yếu quyết về môn thần công này. Vào địa vị một người làm bang chúa đã lâu thì tai mắt tất bị tiêm nhiễm những thanh sắc chung quanh quyến rũ rồi đưa đến những hành động sát phạt để tranh giành danh vọng hoặc quyền lợi. Bản tính con người đã mất chất thuần phát mới đem mười tám pho tượng La Hán này ra mà luyện thần công thì chẳng những vô ích mà còn có hại ghê gớm nữa là khác.

Ta nên biết rằng vị cao tăng lúc sáng lập môn La Hán Phục Ma thần công đã nghĩ ngay đến người đời hiếm có nhân tài đủ cả hai mặt thông minh và chất phác nên bên ngoài tượng La hán đắp thêm một lớp đất thoa phấn và vẽ cơ cấu cách luyện nội công nhập môn chính phái của phái Thiếu Lâm để người đời sau khi nhìn thấy những pho tượng La Hán bên trong. Vị cao tăng đó e rằng những người không tự lượng sức mình cứ thấy võ công là luyện tập bừa bãi để đến nỗi mất mạng.

Ðảo chúa đảo Bạch Kình là Ðại Bi lão nhân biết rằng mười tám hình nhân này là vật chí bảo của phái Thiếu Lâm, lão phải tốn bao nhiêu tâm huyết mới lấy được. Hình nhân vào tay rồi mà lão chẳng biết nó quý báu chỗ nào, tuy lão đã mất bao nhiêu năm tháng để nghiên cứu mà vẫn không tìm ra được chút manh mối nào.

Nên biết rằng Ðại Bi lão nhân đã biết đây là một thứ dị bảo thì dĩ nhiên lão giữ rất cẩn thận không dám suy suyễn chút nào. Nhưng lớp bột sơn phấn bên ngoài không vỡ nát thì tượng La Hán bằng gỗ bên trong lại không lộ ra. Thế là Ðại Bi lão nhân cho đến lúc chết vẫn chưa rõ chỗ huyền bí ảo diệu của pho tượng này.

Thực ra chẳng những một mình Ðại Bi lão nhân mà thôi, cả mười hai người khác từ thần tăng phái Thiếu Lâm trở xuống cũng đã qua tay. Ai nấy đều một mực gia công gìn giữ rất cẩn thận, rồi rút cục mười hai người này cũng ôm mối hoài nghi đem xuống tuyền đài.

Chàng thiếu niên trong người đã âm dương hòa hợp, thủy hỏa giao thông và nội lực cực kỳ thâm hậu. Bây giờ chàng đem nội lực vận theo những đường đã định thành ra bao nhiêu những chỗ ngưng trệ đều được đã thông hết. Chàng vận dụng theo đúng đường lối vẽ trên tượng La Hán ba lượt rồi nhắm mắt lại không cần nhìn vào tượng gỗ mà vận chuyển rất đúng đường. Chàng cảm thấy trong mình cực kỳ khoan khoái cởi mở.

Chàng thiếu niên luyện xong một pho rồi lại luyện sang pho khác. Lúc chàng luyện nội công để hết tâm ý vào đó.

Những sự vật bên ngoài chàng không nghe và không nhìn thấy gì nữa.

Chàng thiếu niên liên tiếp luyện hết pho này đến pho khác từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối, lại từ tối cho đến sáng hôm sau.

Thị Kiếm rất băn khoăn trong dạ. Ả luôn ngồi coi sóc ở trước giường.

Bối Hải Thạch thì ở ngoài phòng thỉnh thoảng lại ngấp nghé nhòm trộm vào mấy lần. Y thấy đỉnh đầu bang chúa bốc lên một luồng bạch khí thì biết rằng bang chúa đang luyện công tới chỗ khẩn yếu tối hậu. Y liền ra lệnh cho thuộc hạ phải nghiêm gia canh phòng bên ngoài. Bất luận là ai nhất thiết không được vào quấy nhiễu.

Mọi người chờ cho chàng thiếu niên luyện hoàn toàn xong môn Phục Ma La Hán thần công vẽ trên mười tám tượng La Hán thì đã sang ngày thứ ba vào lúc bình minh.

Chàng thiếu niên thở phào một cái lấy làm khoan khoái. Chàng xếp mười tám pho tượng vào hộp rồi đậy nắp lại. Bây giờ chàng thấy tinh thần thanh sảng, nội lực tràn trề, vận chuyển được tùy theo ý mình. Chàng chợt nhìn thấy Thị Kiếm nằm phục xuống cạnh giường mà ngủ li bì. Chàng thiếu niên từ từ bước xuống giường.

Hiện giờ đã qua tiết Trung thu vào hạ tuần tháng tám, khí trời hơi lạnh. Chàng thiếu niên thấy Thị Kiếm chỉ phong phanh một manh áo mỏng, liền lấy chiếc chăn đơn trên giường khẽ đắp lên mình ả.

Thị Kiếm đã hai đêm không nhắm mắt. Bây giờ ả không tài nào chống nổi liền ngủ thiếp đi. Chàng thiếu niên đi tới cửa sổ để hút làn khí thanh tân. Cửa sổ trông ra vườn hoa hương thơm cảnh đẹp tưới vào mặt chàng.

Bỗng chàng nghe Thị Kiếm lẩm bẩm:

-Thiếu gia ! Thiếu gia ! Thiếu gia đừng giết người.

Chàng thiếu niên quay đầu nhìn lại hỏi:

-Sao Thị Kiếm tỷ nương cứ kêu ta bằng thiếu gia hoài ? Lại bảo ta đừng giết người là nghĩa làm sao ?

Thị Kiếm tuy đang ngủ say nhưng trong lòng ả lúc nào cũng phập phồng lo sợ. Ả nghe chàng thiếu niên nói lập tức giật mình tỉnh dậy. Ả vỗ ngực mấy cái lẩm bẩm:

-Mình sợ quá !

Ả nhìn trên giường không thấy thiếu gia đâu liền quay đầu ra. Ả thấy chàng thiếu niên đứng bên cửa sổ thì vừa kinh hãi vừa vui mừng liền cười hỏi:

-Thiếu gia ! Thiếu gia dậy rồi ư ? Thiếu gia coi ... thấy tiểu tỳ hãy còn ngủ ...

Ả đứng dậy. Chiếc chăn đơn đắp trên vai ả tụt xuống thì cả kinh thất sắc, nghĩ ngay đến trong lúc ả ngủ say đã bị chủ nhân dở trò khinh bạc làm ô uế tấm thân của ả. Nhưng ả trông lại xiêm áo thì thấy hãy còn y nguyên. Trong lúc thảng thốt ả vừa kinh hãi vừa nghi ngờ, run run hỏi:

-Thiếu gia ! thiếu gia !

Chàng thiếu niên cười hỏi:

-Vừa rồi tỷ nương ngủ mơ đã bảo ta đừng giết người. Chẳng lẽ tỷ nương nằm mơ thấy ta giết người hay sao ?

Thị Kiếm nghe chàng thiếu niên nói một cách bình tỉnh đã hơi yên dạ. Ả lại thấy trong mình không có gì khác lạ liền tự hỏi:

-Chẳng lẽ mình hiểu lầm mà trách oan y chăng ?

Ả liền đáp:

-Chính thế ! Tiểu tỳ vừa nằm mơ thấy thiếu gia hai tay đều cầm đao giết người thây chết ngổn ngang. Người nào cũng không ... không ...

Ả nói tới đây thì đỏ mặt lên không nói nữa.

Nguyên ả lúc ban ngày đã thấy cái gì thì đêm nằm mơ thấy cái đó. Suốt một ngày một đêm ả thấy chàng thiếu niên đặt trên giường mười tám pho tương gỗ khỏa thân, nên lúc ngủ mơ ả lại thấy chàng thiếu niên giết chết toàn đàn ông mình trần trùng trục, không có lấy một manh quần áo.

Chàng thiếu niên không hiểu liền hỏi lại:

-Tỷ nương bảo cũng không ... làm sao ?

Thị Kiếm lại đỏ mặt lên nhưng lái câu trả lời ra đằng khác:

-Ðều không phải là người hư đốn.

Chàng thiếu niên lại hỏi:

-Thị Kiếm tỷ nương ! Trong lòng ta có nhiều điều chưa hiểu tỷ nương có cho ta biết được không ?

Thị Kiếm tủm tỉm cười đáp:

-Trời ơi ! Thiếu gia mới bị một phen lâm trọng bệnh mà tính tình đều đã biến đổi hết là nghĩa làm sao ? Thiếu gia nói với bọn nô tỳ sao cứ kêu tỷ tỷ muội muội hoài ?

Chàng thiếu niên nói:

-Ta không hiểu tại sao tỷ nương cứ kêu ta bằng thiếu gia mà tự xưng mình là nô tỳ gì gì đó. Rồi vị lão bá kia (tức Bối Hải Thạch) lại kêu ta là bang chúa. Còn Triển đại ca lại bảo là cướp vợ y. Những chuyện này là thế nào ?

Thị Kiếm ngưng thần nhìn chàng thiếu niên hồi lâu thì thấy vẻ mặt chàng rất thành thực tuyệt không có ý gì đùa giỡn. Ả liền nói sang chuyện khác:

-Thiếu gia đã qua một ngày một đêm chưa ăn gì. Ngoài kia đã nấu cháo nhân sâm, để nô tỳ lấy một bát cho thiếu gia ăn.

Chàng thiếu niên nghe Thị Kiếm nhắc tới chuyện ăn uống thì phát giác ra mình đói quá rồi, liền bảo:

-Tỷ nương để ta làm lấy cũng được, há dám nhọc lòng tỷ nương ? Cháo để ở đâu?

Chàng đánh hơi một cái rồi cười nói:

-Thôi ta biết rồi !

Chàng nói xong bước lẹ ra phòng ngoài. Bên ngoài phòng ngủ là một gian phòng rất rộng. Góc bên tả là hỏa lò. Nồi cháo đang sôi sành sạch.

Chàng thiếu niên đưa mắt nhìn Thị Kiếm. Ả đỏ mặt la lên:

-Trời ơi ! Cháo đun lâu khê nặc lên mất rồi.

Chàng thiếu niên cười nói:

-Khê ăn cũng ngon, sợ gì ? Chàng mở vung nồi ra, mùi khê xông vào mũi nồng nặc. Nửa nồi cháo đã đóng lại thành vừng cháy.

Thị Kiếm nói:

-Thiếu gia ! Thiếu gia hãy tạm dùng một chút điểm tâm. Nô tỳ lập tức nấu cháo khác. Hỏng bét, thật là hỏng bét ! Nô tỳ ngủ say như chết chẳng còn biết gì nữa !

Chàng thiếu niên ở chốn thâm sơn, cơm cháy cháo khê ăn đã quen rồi. Chàng liền lấy chiếc thìa múc một thìa đổ vào miệng nuốt. Thứ cháo nhân sâm này có vị cay đắng, đã chưa bỏ đường mà lại khê nặc nên càng đắng hơn.

Chàng thiếu niên si sụp nuốt thìa cháo nóng rồi nhăn mặt thè lưỡi ra nói:

-Ðắng quá ! Ðắng quá !

Chàng lại múc một thìa nữa lên vừa thổi vừa đổ vào miệng nuốt, rồi nhăn mặt nói:

-Ðắng quá !

Thị Kiếm giơ tay toan đoạt lấy muỗng cháo ở trong tay chàng thiếu niên. Ả đỏ mặt lên hỏi:

-Cháo khê thế này mà thiếu gia ăn vào ư ?

Ngón tay ả chạm vào ngón tay chàng thiếu niên, nhưng chàng không chịu buông thìa. Da tay chàng tự nhiên có luồng kình lực hất ngược lại.

Thị Kiếm thấy ngón tay rung lên như bị điện giật. Ả vội rụt tay về.

Chàng thiếu niên không biết chi hết, chàng lại ăn một thìa cháo khê đắng ngòm nữa.

Thị Kiếm nghếch mắt lên nhìn, thấy chàng ăn lấy ăn để món cháo vừa khê vừa đắng lại vừa lạt lẽo. Ả không thể nhịn được, toét miệng ra cười nói:

-Mấy bữa nay thiếu gia đói quá, không trách ăn được cả cháo khê.

Chàng thiếu niên ăn hết thìa này lại múc thìa khác kỳ cho đến hết không còn một hột dính nồi.

Thứ cháo nhân sâm này tuy nhão nhẹt khê nặc, nhưng nấu bằng thứ sâm đã già rất nhiều chất bổ.

Chàng thiếu niên nuốt cháo vào họng, chẳng mấy chốc tinh thần tỉnh táo, mắt sáng ngời.

Thị Kiếm thấy má chàng đỏ hồng liền cười hỏi:

-Thiếu gia ! Thiếu gia mới luyện đó là thứ công phu gì mà ghê thế ? Ngón tay nô tỳ vừa đụng vào tay thiếu gia mà đã bị một luồng kình lực hất ngược lại là tại làm sao ? Nét mặt cũng tươi hẳn lên trông đẹp lắm !

Chàng thiếu niên đáp:

-Ta cũng chẳng biết là công phu gì nữa, chỉ chiếu theo những nét vẽ trên hình nhân bằng cây đó mà luyện. Thị Kiếm tỷ nương ! Ta ... ta là ai vậy ?

Thị Kiếm chẳng hiểu chàng quên thật hay chàng giả vờ. Ả cười nói:

-Thiếu gia không nhớ thật hay là thiếu gia hỏi giỡn chơi ?

Chàng thiếu niên vò đầu bức tai, đột nhiên hỏi:

-Tỷ nương có thấy má má ta không ?

Thị Kiếm đáp:

-Tiểu tỳ không thấy đâu ! Thiếu gia ! Từ trước tới nay tiểu tỳ chưa từng nghe thấy ai nói đến thiếu gia còn lão thái thái cả.

Ả ngừng lại một chút rồi dường như nghĩ ra điều gì liền nói tiếp:

-À phải rồi ! Chắc là thiếu gia được lão thái thái chỉ bảo nhiều, nên bây giờ đã sữa đổi hết tính tình.

Chàng thiếu niên đáp:

-Má má đã bảo điều gì dĩ nhiên ta phải nghe lời.

Chàng thở dài nói tiếp:

-Ðáng tiếc là má má đi đâu, ta không thấy nữa.

Thị Kiếm nói:

-Tạ ơn trời phật! Trên thế gian này may lại còn có người cai quản được thiếu gia...

Giữa lúc ấy ngoài cửa có tiếng người hỏi:

-Bang chúa đã tỉnh chưa? Thuộc hạ có việc xin vào bẩm báo.

Chàng thiếu niên ngạc nhiên, không biết nên trả lời thế nào. Có lẽ chàng cũng không hiểu là người ngoài cửa hỏi ai.

Chàng liền cúi xuống khẽ hỏi Thị Kiếm:

-Có phải y hỏi ta không?

Thị Kiếm đáp:

-Dĩ nhiên là y hỏi thiếu gia. Y nói là có việc gấp cần vào trình thiếu gia đó.

Chàng thiếu niên vội nói:

-Tỷ nương bảo y hãy chờ một chút. Bây giờ tỷ nương hãy chỉ giáo cho ta đã.

Thị Kiếm đưa mắt nhìn chàng rồi lớn tiếng hỏi vọng ra:

-Vị nào ở ngoài đó?

Người kia đáp:

-Thuộc hạ là Trần xung Chi ở Sư oai đường.

Thị Kiếm lại nói:

-Bang chúa có lệnh: Trần hương chủ hãy chờ một chút, hiện giờ lão gia chưa tiếp ngay được. Trần xung Chi ở ngoài cửa đáp vọng vào:

-Xin tuân lệnh Bang chúa.

Chàng thiếu niên nhìn Thị Kiếm vẫy tay rồi trở về phòng khẽ hỏi:

-Ta chính là ai?

Thị Kiếm nhíu cặp lông mày ra chiều lo lắng, ả đáp:

-Thiếu gia là Bang chúa bang Trường Lạc. Họ Thạch tên gọi Phá Thiên.

Chàng thiếu niên lẩm nhẩm:

-Thạch Phá Thiên... Thạch Phá Thiên!... Té ra mình là Thạch Phá Thiên. Sao lại không phải là Cẩu tạp Chủng?...

Thị Kiếm thấy nét mặt chàng thiếu niên có vẻ bần thần lo lắng, liền tìm lời an ủi chàng.

Ả nói:

-Thiếu gia! Thiếu gia bất tất phiền não làm chi? Xem chừng thiếu gia bệnh trạng khá nhiều rồi. Tiểu tỳ chắc rằng chẳng bao lâu nữa trí nhớ của thiếu gia sẽ phục hồi như cũ.

Chàng thiếu niên bây giờ đã có tên là Thạch Phá Thiên. Vậy từ đây trở đi, trong sách này tạm dùng ba chữ Thạch phá Thiên để trỏ chàng cho tiện. (Lời tác giả).

Thạch phá Thiên khẽ hỏi Thị Kiếm:

-Bang Trường Lạc là cái gì? Bang chúa thì làm việc gì?

Thị Kiếm nghĩ bụng:

-Trường Lạc bang chúa là cái gì thiệt khó mà giải thích cho rõ được.

Ả trầm ngâm một lúc rồi đáp:

-Bang Trường Lạc có nhiều người lắm. Tỉ như Bối tiên sinh, như Trần hương chủ chẳng hạn đều là người bang Trường Lạc.

Mọi người trong bang đều có bản lãnh cao cường. Thiếu gia làm Bang chúa thì hết thảy mọi người đều phải nghe mệnh lệnh của thiếu gia.

Thạch phá Thiên hỏi:

-Bây giờ ta nói với họ thế nào cho phải?

Thị Kiếm nghe Thạch Phá Thiên hỏi câu này ả không biết mình nên cười hay là nên khóc, nhưng vẫn thành thực đáp:

-Nô tỳ là một kẻ hầu hạ thiếu gia thì hiểu thế nào được? Thiếu gia! Nếu thiếu gia chưa có quyết định gì thì thử thăm dò Bối tiên sinh coi. Tiên sinh là quân sư bản bang mà lại là người rất thông minh lanh lợi lắm mưu nhiều trí.

Thạch Phá Thiên nói:

-Bối tiên sinh hiện giờ không có ở đây. Thị Kiếm tỷ nương ! Tỷ nương có biết vị Trần hương chủ kia sẽ hỏi gì ta không? Bất cứ y hỏi ta điều gì, nhất định ta cũng không biết đường mà trả lời. Tỷ nương... bảo y quay về đi thôi.

Thị Kiếm nói:

-Bảo y quay về e rằng không được. Bây giờ thiếu gia ra sảnh đường gặp y, tiểu tỷ có kế này tạm dùng được. Bất luận y nói gì, thiếu gia chỉ biết nghe mà đừng nói gì cả. Nếu y hỏi thì thiếu gia không cần trả lời mà chỉ gật đầu rồi sau sẽ bàn tính cũng chưa muộn.

Thạch Phá Thiên vui mừng nói:

-Thế thì hay lắm. Cái đó chẳng khó gì, ta có thể làm được.

Thị Kiếm liền đi trước dẫn Thạch Phá Thiên ra một gian phòng khách.

Trong sảnh đường, một hán tử thân hình cao lớn đang ngồi ghế vội đứng lên khom lưng thi lễ nói:

-Bang chúa mạnh giỏi đấy a! Thuộc hạ là Trần xung Chi xin có lời vấn an Bang chúa.

Thạch Phá Thiên cũng nghiêng mình thi lễ nói:

-Trần... Trần hương chủ bình yên đấy ư, ta cũng có lời vấn an hương chủ.

Trần xung Chi thấy vậy cả kinh thất sắc lùi lại hai bước. Gã vốn biết Bang chúa là người kiêu ngạo vô lễ, tàn nhẫn hiếu sắc. Bây giờ gã đến thi lễ vấn an, thấy Bang chúa hành lễ vấn an trả lại thì chắc rằng đối phương đã động lòng hiếu sát, sắp hạ độc thủ giết gã.

Trần xung Chi tuy trong lòng cực kỳ kinh hãi nhưng gã bản lãnh cao cường, lại là một tay hào kiệt ngang tàn, có tính ngạo mạn cương cường. Khi nào gã bó tay chịu chết. Gã liền ngấm ngầm vận công lực vào hai bàn tay dằn giọng hỏi:

-Chẳng hiểu thuộc hạ đã phạm điều luật nào trong ban qui? Nếu bang chúa muốn trị tội thì hãy mở rộng hương đường kêu bang chúng đến tuyên cáo rồi hãy thi hành hình phạt cho nghiêm luật pháp.

Thạch Phá Thiên chẳng hiểu gì cả kinh ngạc hỏi:

-Trị tội ư? Trị tội cái gì? Trần hương chủ bảo ta trị tội ai?

Trần Xung Chi khi tức xông lên tận cổ hằn học nói:

-Trần xung Chi này đối với Bang chúa cùng bản bang vẫn một dạ trung thành, không hề nhị tâm lại không phạm pháp. Sao bang chúa nỡ dùng những lời lẽ chua cay để mạt sát thuộc hạ. Thạch Phá Thiên chợt nghĩ đến Thị Kiếm đã dặn nếu găp điều gì không hiểu thì cứ gật đầu tràn để rồi sau sẽ hỏi lại Bối hải Thạch cũng chưa muộn.

Nghĩ vậy chàng liền gật đầu lia lịa nói:

-Trần hương chủ hãy ngồi xuống đi! Bất tất phải khách khí như vậy.

Trần Xung Chi nói:

-Trước mặt bang chúa. Có lý đâu kẻ thuộc hạ dám ngồi.

Thạch Phá Thiên nói:

-Phải, phải!

Hai người cứ đứng đối diện nhau trơ ra như phỗng chẳng ai nói câu gì và chỉ nhìn nhau không chớp.

Trần xung Chi vẫn ngấm ngầm đề phòng, nét mặt lộ vẻ khiếp sợ.

Còn Thạch Phá Thiên thì lơ mơ chẳng hiểu gì vẻ mặt vừa nghi ngờ nhưng vẫn ôn hoà và niềm nở.

Theo luật lệ của bang Trường Lạc thì khi thuộc hạ trình việc cơ mật lên Bang chúa, không ai được đứng bên nghe ngóng, nên Thị Kiếm đã rút lui khỏi nhà khách sảnh. Giả tỷ ả có mặt tại đây thì đã giải thích mấy câu cho Trần xung Chi nghe rồi. Ả chỉ nói là Bang chúa mới bị trọng bệnh vừa khỏi, tinh thần hãy còn hồ đồ chưa được sáng suốt thì Trần xung Chi sẽ bớt được mối lo âu ngay.

Thạch Phá Thiên thấy trên kỷ trà đặt hai chén nước, chàng liền tự mình cầm lấy một chén còn chén kia đưa mời Trần xung Chi.

Trần xung Chi vừa sợ trong nước trà có thuốc độc, lại sợ Thạch phá Thiên thừa cơ động thủ. Gã không dám dơ tay ra đón lấy chén trà, chân bước lui lại.

Choang một tiếng! Chén trà bằng sứ rớt xuống nền nhà vỡ tan.

Thạch phá Thiên la lên một tiếng:

-Úi chao!

Rồi chàng lại mỉm cười nói:

-Xin lỗi hương chủ! Xin lỗi hương chủ!