– Từ một đến hai tuổi [tính theo tuổi mụ], ta luôn suy nghĩ một vấn đề là: Tại sao phải sống lại ở cổ đại –

Ta không cho rằng trường hợp của ta là xuyên không, bởi vì thân thể của ta ở thế kỷ 21 đã chết, mà đến thời không xa lạ này cũng là từ trong bụng mẹ chui ra, cho nên ta đưa ra một kết luận là trước khi đầu thai không có uống canh Mạnh Bà mà thôi.

Vì sao không uống? Ta không biết. Kiếp trước của ta — một nữ thanh niên vĩ đại sống hai mươi chín năm nhưng chưa một lần trải qua chuyện yêu đương người vì bệnh mà qua đời [ha ha, rốt cục ta cũng thực hiện được lời hứa: kết thúc trạng thái độc thân trước tuổi ba mươi]. Ta đến nơi này, trở thành con gái thứ hai của lễ bộ thượng thư đương triều Tống Dật ở Lăng Quốc — Tống Thư Phàm.

Nói thật, ta không sợ hãi trở về thế giới cổ đại. Ở thế kỷ 21, ta thường tưởng tượng, vì sao ta không được sinh sớm mấy trăm năm để được làm một nữ tử cổ đại, không có áp lực thi cử — nữ tử không tài mới là đức, không có áp lực nghề nghiệp — đó là chuyện của nam nhân, không có áp lực tình yêu – chuyện đó đã có cha mẹ sắp xếp. Nhưng mang theo trí nhớ của hơn hai mươi năm kiếp trước, đột nhiên đi vào một cái thời không nam tôn nữ ti, hoàng quyền tối thượng*, một chút ý tưởng cũng không có là không thể được.

*Nam tôn nữ ti, hoàng quyền tối thượng: Nam được coi trọng, nữ bị kinh rẻ, quyền lực của hoàng đế là tối cao.

Vì thế, ta vượt qua thời thơ ấu bằng việc tự hỏi bản thân mình.

Ở Tống phủ, mọi người có thể thường xuyên nhìn thấy một đứa nhỏ đứng ngẩn người, ngồi ngẩn người, nằm ngẩn người, mọi người trong phủ lúc đó đều truyền lời đồn đại rằng Nhị tiểu thư của Tống phủ là một đứa ngốc [Biết cái gì! Chuyện đó cùng lắm cũng chỉ có thể được coi là tự bế!].

Kỳ thật ta vô cùng bất đắc dĩ, dù sao linh hồn của ta đã hơn ba mươi [tăng thêm hai tuổi], muốn ta giả bộ ngây thơ không biết chuyện thật đúng là một nhiệm vụ khó khắn gian khổ, nhưng muốn ta diễn vai một nhi đồng thiên tài gây sóng tạo gió trong phủ này cũng không phải điều ta mong muốn. Người trái đất đều biết câu nói “Người sợ nổi danh, heo sợ béo, heo béo sẽ nhanh chóng bị lên thớt”. Cho nên, ta chỉ có thể dùng biểu hiện trầm mặc để thể hiện vẻ ngây thơ chất phác của ta. Lời đồn đại nhiều khi cũng tốt, không có người tới quấy rầy ta, ta có thể tiếp tục ngẩn người, à không, là tiếp tục tự hỏi.

Một tuổi đến hai tuổi [tính theo tuổi mụ, như trên], ta tự hỏi vấn đề là: Vì sao ta sống lại ở cổ đại?

Kết luận là: Văn bá vương xem nhiều rồi.

Cho nên, các đồng chí thân mến xem văn nhất định phải lưu dấu, cũng không cần sợ là ném gạch lung tung, ném gạch đi đôi khi cũng có thể dẫn ngọc lại. Đương nhiên điều này chỉ đúng khi bản thân ngươi rơi vào trường hợp xuyên không. Có điều cũng may từng xem qua rất nhiều tiểu thuyết xuyên không, xây dựng cho ta một tâm lý nhất định.

Hai tuổi đến ba tuổi, ta tự hỏi vấn đề là: Vì sao lại xuyên về một thời kỳ không có trong lịch sử?

Kết luận là: Vì xã hội ổn định.

Bởi vì ta cũng giống những người khác, đều không biết bánh xe lịch sử sẽ đi con đường nào, nên sẽ không lo lắng cho mỗi tiếng nói cử động của mình có thể thay đổi lịch sử. Có điều giống như Mẫn Mẫn từng nói: Điểm tốt chính là có thể tùy tiện mượn trộm Đường Thi Tống Từ (thơ Đường kịch Tống), điểm có hại là dù sao nó cũng là tri thức lịch sử của trên dưới năm ngàn năm [mời xem “xuyên qua cùng phản xuyên qua” để biết rõ hơn].

Ba tuổi đến bốn tuổi, ta tự hỏi vấn đề là: Vì sao là con thiếp? [Đã quên nói cho mọi người, mẹ ta chính là tiểu thiếp, hơn nữa còn là người không được sủng ái.]

Kết luận là: Tiến có thể công, lui có thể thủ.

Là con thiếp, so với con chính thê đãi ngộ tuy rằng kém một chút, nhưng áp lực cũng nhỏ hơn, biểu hiện dù không tốt cũng là chuyện đương nhiên, ha ha, nếu biểu hiện tốt, chính là cái kiểu không lên tiếng thì thôi, nếu lên tiếng bỗng nhiên nổi tiếng, hiệu quả rất tốt.

Bốn tuổi đến năm tuổi, ta tự hỏi vấn đề là: Làm người cổ đại hay là quay trở về làm người hiện đại?

Kết luận là: Làm một người cổ đại có tinh thần hiện đại.

Nếu là đầu thai chuyển thế, lại không có cơ hội trở về [nếu trở về thời đại kia nhất định sẽ bị coi là xác chết sống dậy], vậy an tâm làm một người cổ đại đi. Nhưng nếu là thời không này, ta không cần lo lắng đến chuyện có thể bẻ cong sự thật lịch sử, cho nên cần gì phải bỏ đi hơn hai mươi năm trí tuệ cùng tinh thần hiện đại? Lấy thừa bù thiếu mới là chính đạo.

Năm tuổi đến sáu tuổi, ta tự hỏi vấn đề là: Lớn lên sẽ trở thành người như thế nào?

Kết luận là: Làm một con sâu gạo khoái hoạt.

Kiếp trước hoa tàn ít bướm[gái già ế], tiền đồ ảm đạm cho nên ta rút ra một cái kết luận, đời người phải sớm đặt ra mục tiêu to lớn cho mình. Mà nay, trong thế giới này, rốt cục cũng có đủ thời gian cùng trí tuệ nên không thể giẫm lên vết xe đổ. Căn cứ vào hứng thú cùng sở trường của ta [xác định phương hướng phát triển, hai thứ này không thể thiếu một cái nào] – sở trường suy nghĩ sâu xa [thật ra chính là ngẩn người], yêu thích dĩ dật đãi lao* [thực chất là lười biếng], lý tưởng sự nghiệp của ta là — sâu gạo.

*Dĩ dật đãi lao: lấy nghỉ ngơi đối phó với mệt nhọc.

Ta đã tính toán kỹ càng, đến độ tuổi nữ tử cập kê – mười lăm tuổi, còn thời gian chín năm chuẩn bị. Oa, cũng không sớm! Ba năm học văn hóa — thi từ ca phú; ba năm học kỹ thuật — cầm kỳ thư họa; ba năm luyện tuyệt chiêu – thêu thùa nấu nướng. Trời ạ! Thật giống như đang bồi dưỡng hoa khôi, cũng không phù hợp với tư tưởng dĩ dật đãi lao yêu thích của ta. Nhưng thôi, vì tiền đồ rộng mở, ta nhịn!

Khi sáu tuổi, trải qua sáu năm nung nấu suy nghĩ trường kỳ, ta phác thảo ra được bản đồ kế hoạch xây dựng cuộc sống ở cổ đại, ta nhìn thấy tương lai tốt đẹp – vàng bạc, nhà lớn, cửa hàng, hài tử, mỹ nam! Cả năm thứ đó, càng nhiều càng tốt [đa đa ích thiện]!

Đắm chìm ở trong mộng tưởng tươi đẹp, ta như được hồi xuân, trở nên ngây thơ đúng tinh thần của một đứa trẻ sáu tuổi. Cho nên ta quên mất một chuyện, đời người có bao giờ bằng phẳng.