Trời sẩm tối, kiệu nhỏ đón Trịnh Lệ Dung và người dì đã đến phủ Tư mã. Phu nhân đã sớm bảo người hầu quét dọn một gian phòng, chuẩn bị quần áo trang sức, lại còn sai vài người đến hầu hạ các nàng. Dùng cơm tối xong, Lệ Dung qua gặp Đinh Anh, vừa nhìn thấy nàng đã khóc, quỳ gối xuống.

Đinh Anh vội vàng đỡ nàng ấy dậy, cười nói: “Chúng ta coi như là chị em, không cần phải vậy?”

Thanh Liên nhanh nhẹn, nói: “Lệ Dung tiểu chủ, xin mời ngồi.” Lệ Dung ngồi xuống, đưa khăn lau nước mắt nói: “Tình cảm của tỷ dành cho em thật không biết lấy gì báo đáp.” Đinh Anh an ủi nàng: "Sau này cùng vào cung, chị em ta phải cố gắng giúp đỡ lẫn nhau, nên sau này đừng nói những lời này nữa."

Bóng đêm bao phủ, một mình Đinh Anh đưa Lệ Dung trở về phòng, ánh trăng như nước trút xuống, chiếu rọi hành lang. Nàng thành tâm nói với Lệ Dung: “Em ở đây cứ tự nhiên như ở nhà, có gì chưa quen, hoặc thiếu thốn gì cứ nói, chị sẽ bảo người mang tới. Với người hầu, có chuyện gì cứ sai bảo chúng, không cần phải ngại”. Lệ Dung xem chừng cảm động, bắt lấy tay nàng nói: “Em không biết tu gì kiếp trước mà được gặp chị, sau này vào cung, nếu có chuyện gì cần, chị cứ sai bảo, em xin hết lòng nghe theo.”

Lòng Đinh Anh nghe thấy chợt ấm áp, chân thành gọi: “Em gái ngoan.”

Một ngày trôi qua. Thái giám trong cung đến tuyên sắc phong, cả nhà Đinh Anh cùng Lệ Dung quỳ tiếp chỉ:

“Đinh Anh, 15 tuổi, con gái của Nhập nội tư mã Lê Liệt, ôn nhu hiền thục, hoàng thượng sắc phong là Dung hoa, ban hiệu chữ "Anh", 10 ngày sau tiến cung. Khâm thử.”

Tiếp đến là của Lệ Dung:

“Trịnh Lệ Dung, 15 tuổi, được tuyển vào cung, hầu hạ thánh giá, sắc phong Tài nhân, 10 ngày sau tiến cung. Khâm thử.”

Đinh Anh trong lòng vẫn rối bời, chỉ lẳng lặng tiếp chỉ tạ ơn. Còn có một bà cung nữ tầm trung tuổi, xinh đẹp nho nhã. Nàng biết đó là người của Lễ Nghi Viện đến dạy lễ nghi trong cung, nên khẽ cúi người làm lễ nói:

"Xin chào cô, mong được cô chỉ dạy".

Bà ta sửng sốt, vội vàng quỳ gối nói: “Nô tỳ là Phương Loan, xin ra mắt Dung hoa tiểu chủ.” Đinh Anh vội đưa tay ra đỡ rồi nói: "Cô đứng lên đi, không cần đa lễ". Bà ta quay sang Lệ Dung làm lễ nói: "Nô tỳ xin ra mắt Tài nhân. Lễ nghĩa trong cung đầu tiên quan trọng nhất là hiếu kính với bề trên, Tài nhân cũng nên làm lễ với Dung hoa tiểu chủ."

Lệ Dung có vẻ hơi bất ngờ, nhưng trong phút chốc cũng vội vàng làm lễ với Đinh Anh: "Xin thỉnh an Anh Dung hoa". Đinh Anh chợt nhớ ra chuyện, quay sang khẽ nhìn cha. Lê Liệt hiểu ý, quay sang bảo người hầu đứng cạnh đưa ra tiền và lễ vật tặng cho Thái giám truyền chỉ. Viên thái giám lập tức cười sung sướng nhận lấy, nói ngay thêm vài câu tốt đẹp: "Xin chúc mừng quan Tư mã, Anh Dung hoa tài mạo song toàn, hoàng thượng đặc biệt chú ý, không chừng sẽ sớm trở thành nương nương".

Đinh Anh hỏi thêm: "Không biết ngài đã đến tuyên sắc phong cho tiểu thư nhà quan An phủ sứ chưa?"

Viên thái giám trả lời: "Dạ, đã đến. Nguyễn tiểu thư được sắc phong Tiệp dư." Nàng nghe thế thất rất mừng.

Từ đó, sáng sớm mỗi ngày hai nàng được cô Phương Loan dạy lễ nghi trong cung, rảnh rỗi cũng được nghe kể chuyện về hậu cung.

Hoàng Thượng trước kia làm Thái tử đã có Thái tử phi họ Dương. Chẳng may khi Thái tử chưa đăng cơ thì Thái tử phi vì bệnh mà qua đời, hoàng thượng rất đau buồn, nên lúc lên ngôi đã truy phong làm Trang Thục Hoàng hậu, và lấy cô em phong làm Hoàng phi, quản lý Hậu cung. Hoàng phi tuy hơn Hoàng thượng 2 tuổi, nhưng cũng là bậc quốc sắc, với hoàng thượng cũng là có tình cảm vợ chồng sâu nặng. Chỉ là ngoài Hoàng phi ra, Hoàng thượng lại rất yêu chiều Nguyên phi Lê Ngọc Dao. Chưa nói đến vẻ đẹp sắc nước hương trời, cộng thêm tài ăn nói khiến hoàng đế vui, Nguyên phi lại còn là con gái của Đại tư đồ Lê Sát, đại thần nắm quyền cao nhất triều đình, nên đừng nói những người khác không dám tranh với nàng ta, ngay càng Hoàng phi cũng phải nhường nàng ta phần nhiều.

Hơn nữa, phi tần trong cung có rất nhiều. Hai nàng và kể cả Ngọc My mới nằm trong Lục chức, chỉ có thể xưng là tiểu chủ, không thể là chủ cung, viện, cũng không được tôn xưng là nương nương. Tuy rằng chưa thể gặp Ngọc My, nhưng tình cảm Đinh Anh và Lăng Dung ngày càng thân thiết. Mỗi ngày như hình với bóng, chị em rất hợp tính nhau.

Buổi tối trước ngày tiến cung, người nhà Đinh Anh đều vào đưa tiễn. Lần này đi, nàng sẽ phải sống trong thâm cung, muốn gặp mọi người cũng khó. Nàng nhìn em gái nhỏ Đinh Ngọc mới 7 tuổi, rất tinh nghịch, tình tình hoạt bát. Cha mẹ nói khi nàng còn bé cũng có bộ dạng gần giống như thế, sau này nhất định cũng là chim sa cá lặn. Bởi vậy, nàng rất yêu nó. Đinh Ngọc ôm lấy cổ nàng: “Em không muốn xa chị đâu.” Chúng nó còn nhỏ tuổi, không thể lo chuyện trong nhà, may là vẫn còn có huynh trưởng đã lớn, theo nghiệp võ của cha, cũng có thể coi là trụ cột bảo vệ gia đình.

Nàng chăm chú nhìn mẹ, trên nét mặt dù cố nén vẫn lộ vẻ buồn thương, sắc mặt tái nhợt thêm. Thỉnh thoảng phu nhân lấy khăn tay lau nước mắt. Lòng nàng đau đớn không thôi, rưng rưng ôm mẹ mà khuyên nhủ: “Mẹ, lần đi này con ở luôn trong cung, sẽ không có chuyện gì được. Ở nhà còn có anh cả đã trưởng thành, sau này thành gia lập thất, mẹ sẽ có con dâu và thêm các em lớn chăm sóc cha mẹ.” Mẹ ôm lấy nàng, khóc nức nở.

Mẹ nàng gạt nước mắt, dặn dò: "Ở trong hậu cung phải lưu ý, cái gì nhịn được thì nhịn, đừng tranh chấp nhau, nhất là Nguyên phi nhà quan Đại tư đồ. Cố gắng tự chăm sóc mình”

Nàng miễn cưỡng cười,nói: “ Mẹ yên tâm, con sẽ nhớ kỹ. Cha mẹ cũng tự chăm sóc bản thân.”

Nàng thấy cha đã trầm ngâm dường như có điều gì muốn nói, có thể là việc quan trọng, liền bảo: “Mẹ dẫn mọi người đi nghỉ trước đi, con còn có chuyện muốn nói với cha.”

Mọi người đi hết rồi, Đinh Anh mới hỏi: “Cha có chuyện gì muốn dặn con à?.”

Lê Liệt từ từ ngồi xuống nói: "Lần này còn vào cung, dẫn theo Xuân Bích, nên ta cũng có chuyện muốn nói thật cho con biết."

Đinh Anh thoáng ngạc nhiên, nhưng rồi trấn tĩnh ngồi nghe. Cha nàng nói tiếp: "Xuân Bích thực ra là con gái ta. Mẹ nó năm xưa là con gái của tướng giặc Ngô là Trần Trí bị bắt, ta thương tình nên cưu mang. Hồi đó, Tiên đế có nghiêm lệnh, không cho chứa chấp người Ngô, bắt phải trả hết về cho nhà Minh, nhưng ta với bà ấy nặng tình, cố che giấu, nào ngờ sự đời ngắn ngủi, sinh ra được Xuân Bích thì qua đời. Đây là chuyện bí mật, nếu để lộ ra ắt sẽ có kẻ tham tấu, tất cả nhà ta phải tội."

Nàng nghe xong đã hiểu, an ủi cha nói: "Cha cứ yên tâm, xưa nay con vẫn coi Xuân Bích như chị em. Nay đã biết chuyện này, dịp này vào cung, sau này con sẽ cố gắng tìm cho nó một gia đình tốt mà gả vào, ít nhất cũng là người có chút địa vị, để nó không phải tủi. Cả Thanh Liên cũng vậy."

- Con nói vậy thì ta cũng yên tâm. Còn một chuyện nữa, Lê Liệt chần chờ trong chốc lát, lấy trong tay áo một bức thư, vẫn giấy vẫn còn mùi mực thơm ngát, nàng vừa thấy là biết ngay ai viết. Lê Liệt mở miệng nói: “Ban đầu Nguyễn Khắc Phụ nhờ ta đưa cho con. Ta vốn định mắng nó, nhưng nghĩ năm xưa ta và cha nó có giao tình, nó cũng nặng tình với con, nên không nỡ?”

Nàng thản nhiên liếc mắt bức thư đó: “Cha nên khuyên bảo anh ấy, con và anh ấy giờ đã khác xa ngày xưa rồi.”

Lê Liệt khẽ gật đầu: “Nó cũng biết chuyện không thể trở lại như ban đầu. Chỉ muốn con hiểu được tâm ý của nó. Cha nhìn nó héo hắt vì nỗi sầu tương tư mà cũng thương cảm, nên không đành lòng ngắt đi tâm nguyện của nó.”

Nàng “ Dạ.” một tiếng, đặt thư ở trên bàn, giọng điệu hờ hững: “Cha nói giúp với anh ấy, đừng lo cho con, hãy tìm người khác mà yên bề gia thất.”

Cha nàng chỉ khẽ thở dài, không nói gì thêm. Cầm bức thư đưa lên ngọn nến,chẳng mấy chốc bị ngọn lửa nuốt không còn một mảnh, rồi đi ra ngoài.

Nàng còn lại một mình, trong lòng lại thấy bồi hồi. Vẫn còn nhớ như in trước ngày chọn đi tuyển nửa tháng, Khắc Phục đến thăm, tiện thể bắt mạch xem cho nàng khi nàng bị chút cảm nắng. Khắc Phục vốn là ngự y, khi ấy bắt mạch xong, trầm tư một lát rồi đột nhiên nói:“Anh nhi, nếu ta nói với cha, nàng đồng ý gả cho ta chứ?”

Đinh Anh nhất thời sửng sốt, nói: “Huynh đừng nói những lời như vậy.”

Khắc Phục hốt hoảng, nói: “Ta biết thế này là đường đột, nhưng ta chỉ hy vọng muội đừng đi tuyển tú nữ.”

Nàng kìm nén sự tức giận: “Em mệt rồi, anh về đi!” để đuổi ra ngoài.

Trước khi rời đi, chàng ta nhìn thẳng vào hai mắt nàng, tha thiết nói: “Ta tuy chẳng có gì nhiều, nhưng nếu muội đồng ý, thì suốt đời này ta sẽ hứa yêu thương, chăm sóc muội, không bao giờ sai lời.”

Đinh Anh xoay người quay đi, im lặng không nói. Sau cũng không nghĩ đến nữa. Khắc Phục không phải người nàng để ý đến. Nếu chọn sống bên người nàng không yêu như chàng ta, thì nàng thà tiến cung còn hơn.

Vĩnh Ninh cung, buổi sáng, các phi tần đều tề tựu đông đủ để thỉnh an Hoàng phi. Duy chỉ thiếu một người, Nguyên phi Lê Ngọc Dao. Hoàng phi sau khi trang điểm xong, bước ra ngồi xuống Phụng sàng chính điện, tất cả các phi tần đều quỳ xuống: "Cung chúc Hoàng phi vạn phúc".

Hoàng phi tươi cười bảo mọi người: "Mọi người đứng lên đi, cùng là chị em trong cung cả, hãy ngồi xuống rồi nói chuyện".

"Có người hôm nay lại đến muộn nữa rồi" - Minh phi là người đầu tiên cất tiếng nói, nhìn sang chỗ trống của Nguyên phi.

Tiệp dư Lý thị đỡ lời: "Hôm qua hoàng thượng nghỉ lại Thụy đức cung, có lẽ Nguyên phi phải đợi thánh giá đi khỏi mới có thể sang đây được"

Minh phi cười mát nói: "Mấy tháng nay đều vậy, chẳng nhẽ ngày nào cũng là do Hoàng thượng!"

Vừa dứt lời thì có tiếng Thái giám bên ngoài hô: "Nguyên phi nương nương đến"

Nguyên phi Lê thị bước vào, quả là bậc quốc sắc thiên hương, nhan sắc hơn người, mình vận áo lụa thêu phượng đỏ rực, trên người trang sức vàng ngọc nhìn qua cũng biết đều là thứ tinh xảo vô cùng, cực kỳ xa hoa. Theo sau là Thái giám tổng quản Thụy đức cung, Nguyễn Thuận, người cao lớn nhưng lại có tật ở chân, nên đi lại hơi không bình thường cùng tới 4 cung nữ theo hầu.

Tất cả nhìn thấy Nguyên phi, đều đứng lên cúi thấp người hành lễ: "Xin chào nương nương". Nguyên phi rướn đôi mày phượng, không nói gì bước tới chỉ khẽ cúi mình trước Hoàng phi phía trên cho có lệ, rồi ngồi vào chỗ của mình, đoạn bảo: "Đứng lên hết cả đi".

Mọi người vừa ngồi lại vào chỗ thì đã thấy Nguyên phi mở miệng, lời lẽ có phần pha chút mỉa mai: "Vừa đến đây thì đã phải nghe lời ong tiếng ve rồi. Sáng nay hoàng thượng nghỉ triều dậy trễ, ta phải ở bên cạnh hầu hạ nên đến muộn, mong là Hoàng phi không trách."

Hoàng phi mỉm cười nói: "Lễ nghi trong cung chỉ là để các chị em biết tôn ty trật tự, thêm yêu quý lẫn nhau mà cùng chăm sóc tốt hơn cho Hoàng thượng. Việc hầu hạ bệ hạ là quan trọng, làm sao mà ta trách muội được"

Nguyên phi dường như được thể, giọng nói có phần càng chua ngoa hơn: "Hoàng phi quả thực là biết phân rõ nặng nhẹ. Thảo nào mà Thái tử được dậy dỗ chu đáo, dù chưa thấy có tài năng gì xuất chúng, nhưng cũng rất hiểu biết, chứ nào phải như ai, bề ngoài đã kém, tư chất lại càng tệ, thảo nào mà hoàng thượng chẳng bao giờ màng đến."

Hai hoàng tử mà Nguyên phi đang nói ở đây là Thái tử Lê Nghi Dân, con của Hoàng phi, và hoàng tử thứ hai, Cung Vương Lê Khắc Xương, con của Minh phi. Xưa này hoàng đế vì nể Hoàng phi mà phong Nghi Dân làm Thái tử, nhưng vẫn chưa thực sự hài lòng,thường hay quở trách, còn với Cung Vương Khắc Xương lại càng tệ, vì Khắc Xương khi xưa bị sinh thiếu tháng, nên thể chất yếu đuối gầy gò, làm cho ngoại hình không vừa lòng vua, đã thế tư chất cũng không thông minh, học hành rất kém. Hoàng đế thường ngày chẳng mấy khi thèm để ý đến đến hoàng tử thứ hai, dường như quên hẳn người con này rồi.

Minh phi nghe con mình bị nói thế rất giận dữ: "Cô, cô...", dường như quên cả thân phận Nguyên phi rất lớn, lên tiếng nói mát trả lại ngay: "Dù có kém cỏi, nhưng cũng còn là có, còn hơn là chẳng có gì. Ngày mai sẽ có thêm nhiều người đẹp vào cung, liệu sủng ái của hoàng thượng có thể giữ được mãi."

Ý này nói đến Nguyên phi đến giờ vẫn chưa sinh con cho Hoàng đế, là điều tối kỵ ghét nhất của Nguyên phi khi nghe đến. Nguyên phi Ngọc Dao mặt mày sa sầm, đặt mạnh chén trà xuống bàn, trừng mắt nhìn Minh phi rồi đứng lên gằn giọng nói: "Sinh ra đứa con vô dụng như thế thì ta thà không sinh còn hơn. Bản cung còn có việc, Nguyễn Thuận, về cung".

Ra đến bên ngoài, Thái giám Nguyễn Thuận mới dám lại gần thưa: "Nương nương giữ gìn ngọc thể, không nên tức giận với hạng người đó làm gì".

Ngọc Dao vẫn còn bực tức nói: "Cô ta là cái thá gì? Sinh ra một tên vô dụng, chỉ làm hoàng thượng chán ghét thêm mà thôi. Chuyện đám nữ nhân sẽ vào cung ngày mai thế nào, có tin tức gì không?"

"Thưa nương nương, cũng không có chuyện gì lớn cả. Chỉ có nghe nói Cung nữ giảng dạy lễ nghi khi đến phủ quan Tư khấu Lưu Nhân Chú đã bị Tiệp dư Lưu thị quát nạt rất dữ, không xem ra gì".

Ngọc Dao nghe thấy thế, bĩu môi: "Nó thật là không biết điều, được vào cung đã ra vẻ rồi sao. Trên triều Lưu Nhân Chú cũng thường hay dám cãi lời cha ta, chờ đấy, ta sẽ dậy dổ ả."