Từ Trường Sinh nghe tôi hỏi cũng nhất thời bất đắc dĩ không nói gì được.

Mãi lâu sau, anh mới vỗ nhè nhẹ vai tôi, tránh né đi vấn đề này: “Anh đưa em về trước đã, đi vội vàng như thế có mang đủ đồ không?”

Tôi hơi bình tĩnh lại, bấy giờ cũng nhận ra câu hỏi của mình nghe rất buồn cười, vô nghĩa biết bao.

Tôi ngẩng đầu lên.

Mấy tháng không gặp Từ Trường Sinh, mặc dù anh đã cố gắng biểu hiện như trước kia nhưng cẩn thận nhìn lại thì vẫn thấy khác biệt.

Tôi và anh trở về căn nhà thuê của anh, hơi bừa bộn, có thể thấy đã lâu không ai dọn dẹp.

Từ Trường Sinh cũng chú ý đến ánh mắt của tôi, khựng lại bảo: “Gần đây anh không thường ở nhà, ngày mai sẽ dọn dẹp.”

Tôi cũng phải tỏ ra bình tĩnh và đáng tin cậy: “Khi nào anh phải đến bệnh viện? Em đi cùng anh.”

Trên đường đi, tôi đã tìm kiếm rất nhiều kiến thức liên quan đến căn bệnh ung thư này, khả năng chữa khỏi cực kỳ thấp.

Trong thực tế thì trước mắt không chỉ khó khăn về việc chữa khỏi.

Từ Trường Sinh lắc đầu, ngồi xuống bên cạnh tôi: “Gần đây không cần đến, chờ có kết quả hóa trị đã, anh cũng đã từ chức rồi.”

“Anh muốn ở nhà xem thử có công việc làm thêm gì không, vừa khéo có thể chờ kết quả thi nghiên cứu sinh với em.”

Thời điểm nói ra những lời này, giọng anh rất bình tĩnh, xem ra anh đã suy nghĩ xong từ lâu rồi.

Nhưng công việc trước đó của anh rất thuận lợi, anh là top 2 trong số những người đã tốt nghiệp, làm việc ở đâu cũng không cần lo về tương lai.

Thế mà lại bị căn bệnh này phá hủy hết thảy.

Tôi cũng chẳng biết mình muốn nói gì, chỉ đành lặp đi lặp lại câu “Không sao”, còn bảo “Sẽ tốt hơn thôi mà”.

Cả một đêm thao thức, sang hôm sau, tôi đi tìm việc làm ở khu vực gần đó.

Tôi không định giấu anh, đến tối về nhà, tôi cố tỏ ra ung dung: “Dù sao khoảng thời gian này em cũng không có gì làm, nên định tìm một công việc để rèn luyện chút.”

Anh nhìn tôi, hồi lâu sau mới nhẹ giọng nói: “Nghiên Nghiên, anh xin lỗi.”

Tôi suýt thì không chặn được tiếng nghẹn ngào.

Lúc trước anh đi làm mấy năm, cũng có chút ít tiền gửi ngân hàng, tôi thì không nóng lòng tìm việc làm gì.

Khi ấy chúng tôi những tưởng vẫn còn rất nhiều thời gian, tôi còn đùa bảo anh thi xong đi ra ngoài chơi đây chơi đó.

Nhưng khoản tiền ấy so với chi phí khám bệnh và hóa trị trên trời thì —– không khác gì muối bỏ biển cả.

Tôi ngồi đối diện anh, điều chỉnh cảm xúc xong mới lên tiếng: “Anh không có lỗi gì với em cả, chúng mình vốn phải chống đỡ cùng nhau chứ. Đúng rồi, bây giờ anh giúp em chỉnh sửa sơ yếu lý lịch được không?”

Từ Trường Sinh là một người rất tốt, rất rất tốt.

Anh luôn cố gắng làm việc, nghĩa khí với bạn bè và rất săn sóc quan tâm tôi, chúng tôi chỉ còn một bước tính đến chuyện cưới gả nữa thôi.

Đêm hôm ấy, tôi nấu cháo cho cả hai. Sau khi ăn xong, chúng tôi ra ngoài đi dạo.

Bọn tôi thấy rất nhiều đứa trẻ trong tiểu khu, chúng vừa tan học về, cũng thấy rất nhiều ông bà cụ đang nhảy múa ở quảng trường.

Sức khỏe anh đang yếu nên chưa đi được bao xa, chúng tôi đã phải dừng lại, ngồi xuống ghế đá xem mọi người nhảy múa.

Từ Trường Sinh nhìn một lúc, đột nhiên cất giọng: “Trước kia anh cảm thấy như vậy rất nhàm chán, lãng phí cuộc đời, bây giờ ngẫm lại thấy cũng tốt ra phết.”

Có thể sống đến bảy tám chục tuổi, có thể giữ được cơ thể khỏe mạnh để nhảy múa ở quảng trường này là một chuyện rất đỗi xa xỉ.

Cũng chẳng biết tôi nghĩ gì mà chợt kéo anh đứng lên, tiến về phía nhóm ông bà cụ kia.

Từ Trường Sinh biết tôi muốn làm gì, anh đứng bất động ở đó.

Tôi vẫn giữ thái độ như trước kia với anh: “Hâm mộ thế thì bây giờ đến làm theo đi, ở nhà mãi không thấy mệt mỏi à.”

Dứt lời, tôi cũng không ngại mất mặt là làm theo hai động tác trước.

Từ Trường Sinh vẫn không chịu làm, nhưng anh nhìn tôi cười, cười xong cũng nghe lời làm theo.

Sức khỏe kém quá nên anh chỉ làm theo vài động tác rồi ngừng lại, chỉ là trên môi hiển hiện nụ cười nhẹ nhõm.

Những người xung quanh đều cảm thấy bọn tôi rất kì lạ nhưng cũng không ai đến làm phiền.

Tôi thấy anh cười, vội quay đầu đi hít mũi mấy cái, không muốn khóc thành tiếng.

Mấy ngày nay thỉnh thoảng tôi sẽ rơi nước mắt, đi phỏng vấn lúc ngồi bên ngoài cũng có thể khóc. Đã là người lớn rồi đấy, trước kia tôi có thích khóc như vậy đâu.

*

Tìm việc làm rất suôn sẻ, bản sơ yếu lý lịch Từ Trường Sinh chỉnh sửa cho tôi giúp ích rất nhiều.

Khi tôi chính thức đi làm, Từ Trường Sinh cũng mày mò làm gì đó, mỗi ngày ở nhà làm những việc vụn vặt trong khả năng cho phép.

Tôi đã hoàn toàn tiếp thu sự thật rằng anh bị bệnh, cũng biết câu hỏi mình đặt ra ngày anh đón tôi khiến người ta khổ sở đến nhường nào.

Không ai muốn bị bệnh cả, Từ Trường Sinh trẻ tuổi như vậy chắc chắn anh cũng không muốn.

Tôi đi làm như bình thường, tối về lại tản bộ với anh, rồi còn tìm tòi tài liệu nấu canh bổ.

Tối ấy anh nhìn tôi loay hoay trong bếp, không ngăn cản mà chỉ cười bảo: “Xem ra tài năng nấu nướng của em lại tiến bộ rồi.”

Tôi tập trung toàn bộ tinh thần quan sát nồi canh, hết thêm đậu đỏ lại thêm đường đỏ vào bên trong.

“Không phải là vì anh sao, em khổ cực nấu nướng như vậy, anh phải uống hết đó nha.”

Từ Trường Sinh không cãi gì cả, chỉ gật đầu hứa hẹn: “Anh sẽ không để thừa giọt nào, không chia cho người khác dù chỉ một ngụm.”

Khoảng tối muộn hôm đó, anh nhắc nhở tôi phải báo cho người nhà biết một tiếng chuyện đã trở về Thành Đô.

Tôi hơi sửng sốt, sau đó gật đầu qua loa. Lần này tôi về vội vàng quá, chưa kịp báo với người nhà.

Giai đoạn hóa trị hai của Từ Trường Sinh sắp bắt đầu rồi nên anh cần nhập viện, tôi rất lo lắng cho anh.

Dù thế nào đi chăng nữa thì lần này cũng có thể ở bên anh, tuy chỉ được đưa cơm đến cho anh thôi cũng được, thế thôi tôi cũng cảm thấy vui rồi.

*

Từ lúc sinh ra đến giờ, số lần tôi phải vào bệnh viện không nhiều, Từ Trường Sinh cũng vậy.

Tám giờ sáng, chúng tôi đã đứng trong đại sảnh bệnh viện. Tôi lo lắng sợ anh mệt không thể đứng quá lâu, bèn tìm một cái ghế nhỏ để anh ngồi xuống.

Bên cạnh có một dì đang ngồi chơi mạt chược trên điện thoại, tôi và Từ Trường Sinh nói chuyện nhỏ với nhau.

Chờ không bao lâu, tôi đưa Từ Trường Sinh đến khu nhập viện. Anh còn quay đầu ung dung chào tạm biệt tôi.

Sau khi dõi mắt chờ anh đi mất, tôi chưa vội rời đi. Ngồi bên cạnh dì khi nãy một lúc tôi mới biết bà cũng là bệnh nhân bị bệnh ung thư, đã trải qua sáu kỳ hóa trị.

Bệnh ung thư, trị liệu hóa chất, liệu pháp trúng đích [1].

[1] Là một trong những phương pháp điều trị cơ bản quan trọng trong điều trị đa mô thức ung thư bằng cách nhắm vào sự phát triển, phân chia và lan rộng của tế bào ung thư. Liệu pháp nhắm trúng đích ung thư hoạt động bằng cách tấn công và ngăn chặn các gen hay protein chuyên biệt mà những gene và protein này được tìm thấy ở tế bào ung thư hoặc những tế bào có liên quan đến sự phát triển của khối u.

Những từ ngữ hiếm khi nghe thấy ở bên ngoài tựa như chỉ là tôm tép bình thường ở nơi này.

Tôi gửi tin nhắn cho Từ Trường Sinh, sau đó mới bắt xe về nhà, sửa soạn sơ qua để chiều còn đi làm.

Công việc bận rộn, tôi còn là người mới nên tăng ca, không có thời gian nghỉ ngơi cũng là chuyện bình thường.

Chiều ngày ấy, tôi nhận được điện thoại từ nhà, mẹ tôi hỏi tôi đang ở đâu.

Tôi nói với bà mình đang ở chỗ Từ Trường Sinh.

Sau một hồi trầm mặc, tôi tiếp câu: “Mẹ, con có chuyện muốn nói với mẹ.”

Chủ đề này rất khó, tôi biết chứ, chính tôi cũng luôn không biết cách nào để nói ra.

Nghe tôi nói đại khái mọi chuyện, mẹ tôi cũng thở dài bảo đáng tiếc, còn dặn dò tôi điều chỉnh cảm xúc, đừng quá đau buồn.

Mẹ con tôi trò chuyện rất lâu, cuối cùng bà cẩn thận hỏi tôi: “Vậy bạn trai con nói thế nào?”

“Anh ấy không nói thế nào cả, hiện tại con đang vừa đi làm vừa chăm sóc ảnh.”

Ngực tôi như nghẹn khí, tôi lạnh lùng thốt lên: “Mẹ với ba cũng có quan tâm con hơn gì đâu, trước kia không phải luôn giao con cho Từ Trường Sinh à, sao bây giờ lại nhớ mong con như thế?”

Hồi còn đi học, biết tin tôi và Từ Trường Sinh yêu đương, thật ra gia đình không hề phản đối.

Không có nguyên nhân nào khác cả, Từ Trường Sinh nằm trong top ba của khối bọn tôi, còn tôi thì vốn đang sa sút. Nhờ có anh mà tôi mới có thể tiến từng bước về phía trước.

Tôi muốn trở thành một người xứng với anh.

Muốn trở nên tốt hơn, làm một người có thể cùng anh đến Bắc Kinh học.

Hơn một nửa sự lựa chọn chính xác trong đời tôi đều do Từ Trường Sinh giúp tôi chọn, chứ không phải ba mẹ tôi.

Mẹ biết cảm xúc tôi đang mất khống chế nên cũng không nói gì nữa mà cúp máy.

Sau khi cãi vả xong, tôi lại thấy hơi hối hận.

Đứng ở góc độ của ba mẹ tôi, họ chỉ quan tâm  đến mình tôi là điều bình thường, tôi không thể nào cầu mong nhiều hơn.

*

Mặc dù bận tối mắt tối mũi nhưng tôi vẫn dành thời gian đến bệnh viện đưa cơm cho Từ Trường Sinh.

Từ Trường Sinh không chê tài nấu nướng của tôi, chỉ là việc trị hiệu hóa chất hành hạ khiến anh không ăn được mấy.

Lòng tôi có hơi gấp gáp, vội xuống lầu mua ít trái cây mang lên nhìn anh ăn.

Anh vẫn ăn không vào, tôi không hối thúc anh, cố gắng lựa chuyện tích cực để nói với anh.

Những chuyện tốt trong công việc, những cuộc trò chuyện tán gẫu với đồng nghiệp, còn có những chuyện lẻ tẻ vụn vặt.

Trước kia chưa từng nghĩ tôi có nhiều chuyện để nói đến vậy.

Từ Trường Sinh vừa nghe tôi nói vừa chậm rãi ăn nho, sau cùng vẫn ăn hết một chùm.

Tôi vô cùng vui vẻ.

Khoảng thời gian trước, bọn tôi cùng xem “Con tim rung động”, tôi bảo tình cảm của nhân vật chính trong truyện ngọt ngào quá.

Tôi còn nói: “Tôi rất vui vì người tôi gặp ở thời điểm sớm như thế chính là anh.”

Trịnh Nghiên năm 15 tuổi, ba mẹ dạy dỗ không nghiêm khắc, rảnh rỗi không có việc gì làm, thích trang điểm làm đẹp.

Từ Trường Sinh năm 15 tuổi, thành tích đứng trong top xuất sắc, đẹp trai quan hệ tốt, người crush anh xếp cả hàng dài.

Nhưng năm 16 tuổi, họ đã ở bên nhau.

*

Kỳ hóa trị hai của Từ Trường Sinh kết thúc, anh được xuất viện. Tôi đi nhờ giúp đỡ khắp nơi để thu thập tài liệu, tìm cách đến một bệnh viện tốt hơn khám cho anh.

Bị bệnh khổ thật.

Bệnh nhân khổ, người đưa bệnh nhân đi trị liệu khổ, phải gánh vác cả áp lực trong lòng và áp lực kinh tế.

Sau một phen vất vả, từ một người bệnh nhân khác tôi biết rằng có thể đến Hiệp Hòa thử, thế là tôi đã nuôi ý định đến đó khám bệnh.

Nhưng những chuyện có thể làm được quá ít, hẹn trước cần phải đợi, kết quả kiểm tra cũng cần phải đợi.

Dường như tôi không có việc gì khác để làm, chỉ có chờ đợi mà thôi.

Có vẻ Từ Trường Sinh cũng nhìn thấu sự gấp gáp của tôi. Anh không nói gì cả, chỉ bảo tôi cùng ra ngoài ăn cơm, đi dạo phố.

Chúng tôi đến công viên nhân dân, còn chèo thuyền nữa.

Từ Trường Sinh bảo tôi đã trở về lâu rồi, có thể gọi bạn bè đến nhà ăn bữa cơm.

Tôi không muốn khiến anh lo lắng cho mình, bận tâm  đến mình nữa nên giả vờ đồng ý.

Bạn bè đến rất đông, một số biết tình hình của chúng tôi, cũng có một số không biết gì.

May mắn thay họ không hề nhìn chúng tôi với ánh mắt thương hại mà thay vào đó là nhiệt tình vui vẻ vô cùng.

Căn nhà đã lâu không được rộn ràng như thế.

Tinh thần Từ Trường Sinh tốt hơn đôi chút, thậm chí anh còn vào bếp hỗ trợ. Cả đám bạn ba chân bốn cẳng làm ra một bàn đồ ăn.

Tối đó mọi người ăn uống đến khuya, cuối cùng tôi và Từ Trường Sinh cũng tiễn họ đi.

Tôi xuống lầu vội vội vàng vàng, Từ Trường Sinh thì chậm rãi đi phía sau, đội mũ và choàng khăn cho tôi.

Anh nhẹ giọng nhắc nhở tôi: “Chạy nhanh thế không sợ bị cảm sao? Sau này phải làm thế nào.”

Tôi có uống chút rượu nên hơi say say, cười hì hì định đáp lại anh câu “Chẳng phải còn có anh sao”.

Lời chưa thốt ra khỏi miệng tôi đã gấp gáp nuốt ngược về lại.

Từ Trường Sinh cũng ý thức được điều gì.

Anh trầm mặc đứng bên cạnh tôi một hồi. Vóc dáng vẫn cao ráo đẹp đẽ như vậy nhưng nom có phần cô đơn.

Từ Trường Sinh hỏi tôi: “Nghiên Nghiên, có phải gần đây em cãi nhau với người nhà không?”

Tôi hơi sửng sốt, mặc dù suy nghĩ đã bị cồn rượu nung nóng, song tôi vẫn biết trả lời: “Không có, chỉ là… Một số việc vặt thôi.”

Thật ra là cãi nhau, cãi nhau rất lớn.

Tôi không muốn để anh biết, cũng muốn trả lời qua loa cho xong chuyện bởi tôi biết những điều này không công bằng với anh.

Anh đối xử tốt với tôi nhiều năm như vậy nhưng anh chỉ mới bị bệnh chưa đến nửa năm ngắn ngủi mà tôi đã rời đi?

Từ Trường Sinh yên tĩnh một lúc, sau đó dịu dàng ôn hòa khuyên nhủ tôi: “Bác gái nói có lý, bà ấy chỉ muốn tốt cho em thôi Nghiên Nghiên à.”

“Chữa bệnh tốn rất nhiều tiền, cũng hao phí nhiều tinh lực. Đối với em thật sự rất vất vả, em lại còn là một cô gái.”

Nghe anh nói, tôi cố nén nước mắt, song vẫn quyết không mở miệng.

Giữa chúng tôi, Từ Trường Sinh luôn lý trí hơn tôi, tỉnh táo hơn tôi, cũng thông minh hơn tôi.

Vậy nên giờ phút này, anh rất bình tĩnh nói với tôi: “Nghiên Nghiên, chống đỡ không nổi nữa thì thôi vậy, chia tay rồi chúng ta vẫn có thể làm bạn.”

Chia tay làm bạn.

Anh không muốn tôi phải gánh vác những chuyện này, cũng không cần tôi chờ kết quả cùng anh.