Giống Rồng

Chương 20-2: Miếu thiêng thờ nữ vương

Giản Tâm nghe tin Tống Bình thất trận không những chẳng hề nao núng mà tỏ ra hết sức bình tâm. Giản Tâm cắt cử quân sĩ đi tới bờ bắc sông Cái để đón đường tháo chạy của quân triều đình hòng giảm bớt áp lực truy kích từ nghĩa quân người nam. Trong cơn hoạn nạn ấy, Hàn Ước gặp được Giản Tâm như thể vua Bố Cái gặp được Đỗ Anh Hàn, chỉ khác Ước quá nhu nhược trong lúc vận mệnh của bản thân gặp phải trắc trở. Thành ra việc Ước không sớm thì muộn cũng sẽ gặp họa sát thân rồi cũng phải đến.

Đoạn tới bờ sông Cái, đối ngạn là cửa Hát, Hàn Ước trông thấy một một con cá nhảy lên thuyền. Ước trông thấy vảy bạc lấp lánh, mắt ánh rạng ngời trong nắng xuân liền sai quân lính bắt lấy nó. Thú tao nhã thường ngày của Ước có dịp được thỏa, Ước cứ ngắm mãi con cá bơi trong thùng nước lớn mà quên đi ưu lo. 

Từng nhịp, từng nhịp con cá bơi trông như nhung như lụa, quyện vào làn nước mát lành múc từ dưới sông lên. Mắt cá trong nước ánh lên như một viên ngọc khác thường khiến cho Ước không khỏi mê đắm mà nhìn theo chăm chú. Miệng cá nhỏ xinh, đớp đớp những cọng rau nhỏ bằng đầu kim mà Ước nhằn ra thả vào trong chậu. 

Nắng trưa đứng bóng, ánh mặt trời hắt xuống chậu nước khiến mắt Ước bị chói lòa. Gió đông thổi lộng khiến thuyền chao đảo, Ước giật mình ngã ngửa ra phía sau. Mắt đờ đẫn, họ Hàn thất thểu thở chẳng ra hơi. Bấy giờ đám lính trú nắng ghé vào chiếc lầu nhỏ phía sau, đứa thì lấy bóng cờ xí để che nắng thấy Ước ngã cũng mặc cho Ước ngã, chắc chúng nghĩ số Ước cũng đã sắp tận rồi. Nhưng vẫn có hai tên ra xốc họ Hàn đứng dậy, kèm theo đó là lời xấc xược:

- Quan đô hộ mà lại ngồi phệt như thằng ăn mày. Trông ông có khác gì thằng tứ cố ở góc đông của La Thành hay không?

Ước giận mà cũng kệ, mặc cho bọn lính tráng nói gì thì nói. Họ Hàn lại cúi mình lom khom đi tìm con cá có vảy ánh bạc kia. Bọn lính biết Ước tìm cá nên có kẻ chòng ghẹo:

- Quan đô hộ phải chăng tìm con cá bạc?

Ước gằn giọng nhìn thấy một tên lính mặt dài như quả bầu, răng vẩu, môi dưới trề ra đang nắc nẻ cười, cầm con cá. Hàn Ước bước tới nói với tên lính đưa con cá cho Ước nhưng hắn không nghe. Vờn Ước một lượt, một tên lính khác mặt tròn như quả bí ngô, da đen sạm như cháy, răng đen hơn tóc nhận con cá rồi ném xuống sông.

Ước chạy ra bục thuyền nhìn xuống sông đắm đuối. Bỗng có hai con cá lớn cỡ nửa con thuyền, màu cam vàng rực bơi phía trước, con cá ánh bạc kia theo sát phía sau bơi về đằng đông cùng một đàn cá bạc theo sau rất lớn. Bọn lính tráng trông ra phía mặt nước í ới gọi nhau kết áo, kết quần cùng thừng với xích quăng xuống mặt sông hòng vớt được mẻ cá.

Hai con cá lỡn quẫy tung kéo mấy tên lính ngã tùm tùm xuống sông, Hàn Ước cố đứng vững trước sức kéo của hai con cá lớn rồi nhìn bọn lính, chống hai tay ngang hông, ngả lưng ra sau mà cười vang hết cỡ. Con cá bạc lao từ dưới nước lên trên cao một đường thẳng đứng, răng sắc như lưỡi cưa cắn đứt một bên dây kéo của đám lính. Bấy giờ bên chỉ huy thuyền mới bước ra khoang thám dò, ra lệnh cho bọn lính ngã xuống sông bơi vào trong bờ. Nhưng khổ nỗi, bọn này sức mọn, không tài nào thắng nổi do sức bơi của đàn cá kia quá sức bọn lính. Tên chỉ huy buộc phải sai bọn lính trên thuyền dùng mũi giáo, mũi kiếm cắt đứt dây chài, rồi cố kéo những tên lính rơi xuống sông lên thuyền.

Được phen hú hồn, đứa nào đứa nấy nhìn Ước với vẻ sợ hãi khi họ Hàn vẫn cứ ung dung thảnh thơi ngắm nhìn đàn cá. Một tên lính tiến tới vỗ vai Ước hỏi nhưng viên quan đô hộ thất thế ấy chẳng mở một lời mà chỉ cười nhếch mép.

Thuyền cập bờ, bọn lính bàn bạc rì rào như đám dân chợ búa, nắng xuân chiếu rọi hơi gắt so với tiết xuân hàng năm khiến bọn chúng thấy thấm mệt. Bàn tán một hồi, đứa nào cũng mệt lả chờ quân tăng viện tới mà nằm thiếp đi. Trong cơn mơ màng, bọn chúng đứa nào đứa nấy đều như cùng gặp một giấc mộng mà nghe thấy văng vẳng từ Hát Môn vọng lên lời ca đầy tự hào:

"Đùng đoàng hồi trống đất Mê Linh

Cờ xí tung bay mộng thái bình

Lưỡng tượng nữ vương vang tiếng sấm

Đông Nhung đơn mã ánh lân tinh

Nước nam giang cuộn cao căm phẫn

Núi đại ngàn gầm thét tử sinh

Hỡi giặc kia không mau cuốn khỏi!

Ngàn đau thương trút xuống sinh linh

***

Ôi ta nhớ ánh bình minh

Ngàn năm tăm tối tâm tình cùng ai!

Mong sao cho tới ngày mai

Dần xa khói lửa ương tai chốn này…"

Bấy giờ họ Hàn vẫn đứng trên thuyền nhìn đàn cá kia quần đảo khắp cửa sông Hát, gặp hết đàn cá này đến đàn cá khác đều hung dữ nhưng không thể làm cho đàn cá ấy tan tác hay lui bước. Ước nhìn lưng cá có vảy như những nét chữ mà Ước có gặp ở đâu đó trong La Thành. Ước nhớ lại Thi Nguyên ngày trước có đọc một bài thơ bằng chữ ấy trong phủ thành nói về việc thần tiên báo mộng Đỗ Sĩ Giao ở núi Tiên Du.

Ước nghĩ vậy thôi chứ giờ này nào có thể gặp được họ Thi ấy nữa để mà bàn về những mường tượng về con chữ của viên đô hộ. Một tên đội trưởng của đám lính bước tới bờ sông gọi Ước hỏi có nghe thấy lời ca vọng lên từ phía đối ngạn hay không, Ước nở một nụ cười, chắp tay trước ngực rồi nói:

- Hỏi rằng anh đội trưởng nghe thấy như những lời ta nghe thấy?

Tay đội trưởng kia nói:

- Có, ta nghe thấy có ai đọc thơ gì đó mà có nói đến đôi voi, nữ vương, Đông Nhung,… đại loại là như thế.

Hàn Ước ngẫm, rồi nghĩ, xong lại chép miệng, xua tay:

- Vậy ta không có nghe lầm rồi. Phải chăng đây là đất Mê Linh, nơi mà gần tám trăm năm trước Mã Viện diệt đội quân tóc dài, ỷ sức trai mà hà hiếp sức chống cự yếu ớt của đám tóc dài ấy? Thật nhục nhã thay!

Viên thủ từ phía trong miếu dựng cạnh bờ sông bước ra. Dáng người khấp khiểng, chân thấp chân cao, tay phải bị khòng khòng, miệng nhai miếng trầu đỏ, môi còn nguyên màu bã khô đứng trên bờ đê nói xuống dưới bụi tre mà đám lính đang nằm ngả nghiêng chờ tin quân:

- Phải chăng là quân từ Tống Bình đi tới?

Ước nheo mắt nhìn về tây bắc, thấy dáng người thấp nhỏ mà khinh khỉnh quay mặt đi thở dài. Có tên lính mau mồm mau miệng đáp lời lão thậm thọt kia:

- Bọn ta từ đâu tới thì có liên can gì? Ông là kẻ nào mà lại hỏi như vậy?

Lão cười đáp:

- Đã là kẻ thua trận lại còn dám lớn tiếng hỏi lời vô lễ.

- Thế lão là ai? Ở đây có một người, nghe xưng danh thôi chắc ông cũng chẳng bao giờ dám nghĩ sẽ được gặp.

Lão vẫn không thay đổi giọng điệu, nói lời hiên ngang:

- Dẫu có là Hoàng đế Đường triều thì tới đây cũng phải cúi đầu, chứ đừng nói đến dạng vô danh tiểu tốt như các anh.

Một tên lính không nín được lời nói cứng rắn của ông lão, lăm le cầm mã tấu xông lên bờ đất cao chỗ ông lão đứng. Được nghe xúi bẩy, tên lính càng tăng tốc lao tới chỗ ông lão. Chưa đến nơi, ông lão đã lẩn khuất sau gốc cây thị phía cạnh miếu, tóc xõa xuống, miệng cười khoái trá:

- Chỉ là một đám binh tàn, ấy vậy mà chẳng biết phép tắc. Đến cả Giản Tâm giỏi giang là vậy, một Thi Nguyên hổ báo cáo chồn cũng phải cúi đầu khi gặp lão. Ấy vậy mà bọn các ngươi lại còn làm ra cái điều xằng bậy, mất đi tôn ti của chốn này.

Dứt lời, một cành roi mây vút trúng gáy tên lính cầm chiếc mã tấu đuổi theo ông lão. Điếng người sau đòn roi mây, hắn ngắc ngắc nhìn lên trời, miệng méo xệch, mắt trắng dã trợn ngược. Bấy giờ ông lão mới hỏi:

- Thế nhà ngươi đã biết chưa?

Miệng méo xệch, hắn ú ớ nói:

- Xin lão tha cho con. Lão thần tiên chốn nào xin thứ tội cho kẻ trần mắt thịt.

Một chàng thanh niên khôi ngô tuấn tú, mặt tròn, da ngăm, miệng hình bán khuyên cong lên trông lúc nào cũng như đang mỉm cười túm gáy phía sau. Tay anh chàng ghì chặt cẳng tay khẳng khiu của tên lính gầy còm khiến hắn không thể cựa mình. Ông lão nói:

- Tha cho hắn đi Nhật Dụ.

Bọn lính lác cũng đuổi theo đến tận gốc cây thị trông thấy tận mắt ông lão và anh chàng kia xử trí tên lính hung hăng ấy mà khép nép rón rén bước theo. Lão xách tai tên đội trưởng rồi kéo tới phía sau ngôi miếu, nhìn về phía bắc có một chiến lũy phủ đầy tre tươi xung quanh. Quân lính đang thao luyện phía trong, tiếng hô hào đầy khí thế, đội hình, đội ngũ chỉnh tề không có chút chệch choạc. Đám lính kẻ nào, kẻ nấy há hốc mồm tỏ vẻ kinh ngạc.

Chàng trai trẻ nhảy lên vỗ đầu một tên lính mắt mở to nhất, miệng ô a nãy giờ:

- Thế ở Tống Bình các người không được thao binh như vậy hay sao mà các ngươi cứ như trên trời rơi xuống vậy.

Hàn Ước lững thững đi phía sau, ngồi dựa cột dựng miếu nãy giờ nghe thấy tiếng bàn tán của bọn lính thì cũng ló mặt ra rồi thở dài. Lão quay lại nói với Ước:

- Đại nhân sao lại thở dài?

Ước nuốt nước bọt mà cổ họng đau nghẹn, chân chống ngang ngực, tay vắt lên trán thấm mô hôi giữa trời nắng nhẹ mùa xuân mà nói lời rầu rĩ:

- Đặng Khả đấy à! Lão nói là lão chẳng sợ đương kim thánh thượng, không sợ Ước tôi chặt đầu hay sao?

- Khả tôi chết đi sống lại nhiều phen, thấy cái sự sống ở trên đời nó còn cực hơn cả chín tầng địa ngục. Đời quan đô hộ nào cũng có kẻ xách mé, ghen ghét với Khả này mà đầy ải ngục tù, hành hạ đến rã rời chân tay. Còn khúc nào trên cơ thế lão già này là vẹn nguyên hay không? Chết thì cũng đã chết rồi, đại nhân có giết thì cũng đã giết rồi. Chứ đâu phải đợi đến cái lúc này.

Hàn gục mặt vào giếng nước trước sân, tu ừng ực miếng nước ngọt mát, lại quay ra hỏi lão:

- Lão dẫn theo tên đó là kẻ nào thế? Hắn có đáng tin tưởng hay không? Nhìn hắn cũng sáng sủa khôi ngô đấy chứ? Mà từ khi nào lão là thủ từ ở đây thế?

Họ Đặng lại cười:

- Cái kiếp lão có mỗi thằng con trai lớn thì nó theo giặc họ Dương ngu dốt. Có mỗi họ Ngô ấy là kẻ bầu bạn suốt chục năm nay. Không tin nó thì tin ai? Lão nghe ngài yêu thương họ Trương mà gàn hết lời khuyên từ cháu Ngài nên biết sẽ có chuyện chẳng lành, chạy đến đây được mấy hôm nay rồi. Ở miếu này trước là một kẻ không phải người nam canh, nghe đám dân kể lại hắn hay trộm đồ lễ của dân nên bị báo ứng, cá sấu ăn thịt hôm rằm tháng trước. Dân chúng thấy sợ không ai dám canh miếu, lão tới đây thấy miếu rộng, mát mẻ nên hai thầy trò bảo nhau ở đây chờ tin trận. Ai ngờ, ngài ấy, cũng ngu muội bị họ Trương kia lừa gạt cho thân tàn ma dại thế này. Thật là đáng tiếc thay!

- Tiếc mà làm gì nữa. Bọn giặc người nam quả nhiên không phải những kẻ dễ chịu gì. Mấy tháng nay, có đêm nào ta an giấc đâu. Được Trương Tính hầu mà ta ngủ ngon được mấy tuần liền, ai ngờ đâu mắc mưu lũ giặc ấy. Con cái cũng nằm trong tay bọn chúng hết cả rồi. Giá như…

Khả bật cười:

- Nếu cuộc đời có được một lần giá như thì… Giá như cuộc đời này có một lần chữ nếu thành hiện thực thì… Chắc chẳng phải giá như hay nếu thì gì nữa!

Đặng Khả quay ra hỏi tiếp:

- Ngài sẽ định làm gì tiếp theo? Nghe nói phía bắc châu Bình Nguyên có một người họ Mã, chiêu dụ được nhiều những anh tài. Đại nhân có từng nghĩ đến việc cậy nhờ hắn.

Ước lắc đầu:

- Ta đâu có cái tài cán gì? Mà dưới trướng kẻ khác, cũng đâu phải chuyện dễ dàng gì? Mà họ Mã đó từ lâu ta cũng có nghi ngại. Chỉ e là cố nhân hữu oán.

Đặng Khả lẩm nhẩm một hồi rồi đột nhiên phát ra lời như xé tâm can Ước:

- Mã Thực, đúng rồi Mã Thực. Trước Khả tôi có nghe anh chàng đó sau khi dẹp được giặc ở Lục Châu, bị chính ngài tâu với triều đình. Hắn từ đó lặn mất biệt tăm. Có phải chăng chính là họ Mã thủ lĩnh đội áo đen ấy?

Ước lắc đầu, cười nhạt:

- Duyên số trời đã định. Có lẽ ta sẽ trở về quê cha, làm lão nông thôi, đành gây dựng lại từ đầu vậy. Triều đình rung chuyển mấy lần, các quan cũ đều bị bật bãi, chẳng còn kẻ nào có thể dung được ta nữa. Xong trận này, nếu thắng ta sẽ tâu với triều đình ban cho lão chức quan đô hộ, nếu thua ta cũng chẳng còn mặt mũi nào mà về Trường An nữa. Còn chuyện áo đen, ta chắc chắn đó là Mã Thực. Cách hành xử của đội quân ấy chẳng thể là của ai khác được, họ Mã chắc vẫn nhớ chuyện năm trước. Thôi đành vậy, ta quy về chốn thanh bình.

Từ đâu có tiếng sáo diều thổi vu vu trong gió lộng khiến Đặng Khả giật mình không khỏi ngạc nhiên:

- Thật là đáng khâm phục! Giữa chiến trận ác liệt như vậy mà vẫn có kẻ ngâm thơ trên sông, thả diều sáo. Thực sự thật là ngưỡng mộ.

Hàn Ước ngồi nhổm dậy, quay ra hỏi Đặng Khả:

- Vậy ra không phải Đặng Khả ông đọc những vần thơ khi nãy?

- Giọng lão chỉ hợp với cãi lộn trên điện phủ, chứ đâu có chất hào khí như vậy.

- Ta nghe nơi này xưa Mã Viện đánh nhau với đội quân tóc dài người nam?

- Phải rồi. Chính miếu này thờ hai vị nữ vương cùng các nữ tướng phò tá cho hai bà. Dân ở đây kể, cứ mỗi mồng năm, mười bốn, hai ba hàng tháng, hai bà cùng các tướng đi tuần quanh cửa sông Hát, hế thấy kẻ tham bắt hai con cá vàng lớn thì một đàn cá bạc xông ra phá lưới, đục thuyền. Còn thấy kẻ hiền, không bắt đám cá bạc, cá vàng thì thương cho kéo được mẻ cả lớn. Và có một lão ngư chài ở bên kia cửa Hát vẫn thường đọc thơ ca tụng công lao của hai vị nữ vương cùng các tướng. Nay ta nghe có Đông Nhung thì chắc ông ấy có ẩn ý là Thục nương, Đông Nhung Bát Nàn tướng quân Vũ Thị Thục, người dẫn lính tiên phong dẹp quân Tô Định.

Nói tới đây có trận phong tranh khiến cồn cát bụi cao lưng trời đổ ập vào miếu. Bọn lính tráng ôm lấy nhau tránh khỏi cơn lốc bất chợt giữa mùa xuân. Đặng Khả vội vào trong miếu thắp một nén nhang mà khấn lời tạ tội với các vong linh nữ vương cùng các tướng.

Thắp nén nhang xong, Nhật Dụ lấy chiếc chổi rơm nếp quét đi những cái bụi trên mặt sân đá nhẵn. Chỉ một lát sau, miếu lại rạng rỡ trong ánh nắng đầu xuân, giếng nước trong veo khi những hạt cát lắng xuống kéo chìm theo cả những bụi vẩn xuống dưới đáy.

Đặng Khả nhìn trời cao, mây rộng, gió trời lồng lộng, miếu thoang thoảng hương thơm từ cây thị phía bên phải mà mắt nhăn, miệng mở đọc hai câu thơ:

"Cồn cao gió cát phủ dày

Miếu thiêng ngói đỏ tháng ngày chẳng phai