Gió Nam Và Hoa Hồng

Chương 2-3: Người về trong đêm gió tuyết (3)

Sau khi ăn xong, Tạ Nghiêu Đình lại mời Trần Nhứ uống trà.

Trà La Hán quả tự pha với trần bì (*).

(*) Trần bì: vỏ quýt để lâu năm, một vị thuốc trong đông y.

Thả lá trà vào nước sôi để nó nở ra, sau đó nước chuyển từ nhạt sang đậm, hương thơm bay vào miệng sẽ có cảm giác mềm mại đầy ngọt ngào. Trần Nhứ cầm cốc, không nhịn được khen một câu: “Trà này, tại sao uống vào lại thơm như vậy.”

Anh cười: “Trẻ con đều thích uống đồ ngọt.”

Trần Nhứ phồng mặt lên, có chút mất hứng.

Anh rất am hiểu về việc chăm sóc sức khỏe: “Buổi tối uống cái này sẽ không sợ bị mất ngủ.”

Chẳng biết từ lúc nào ngoài cửa sổ đã có những bông tuyết bắt đầu rơi xuống.

Con đường vắng vẻ rất nhanh đã tích tụ thành một tầng màu trắng mỏng, khiến những ngọn đèn dầu trông càng tiêu điều hơn. Trần Nhứ đứng trước cửa sổ sát đất, nhìn về cây cầu ở phía xa, tình trạng giao thông hình như có chút hỗn loạn, có vẻ là đã gặp chuyện gì đó. Cô trẻ con dẩu môi lên.

Cả ban công được đóng chặt, dọn dẹp vô cùng ngăn nắp, trên kệ gỗ có trồng mấy chậu cây, hoa mọc sum suê đầy ban công trông rất đẹp đẽ và thanh tịnh.

Trần Nhứ giơ tay lên sờ vào một phiến lá sum suê xanh biếc.

“Đây là ngải cứu.” Tạ Nghiêu Đình dọn dẹp xong, đi tới phía sau cô nói.

Mùi rất dễ chịu, rất có cảm giác của đồng ruộng.

Trần Nhứ phục hồi lại tinh thần, thu lại ánh mắt của mình, ngượng ngùng nói một câu: “Tôi không nhận ra, còn tưởng đây là cần tây chứ. Nhưng mùi lại không giống lắm.”

Anh hỏi: “Cô thích ăn cần tây sao?”

Cô lắc đầu: “Không. Tôi thích ăn thịt, thịt bò, thịt gà, thịt cá sườn lợn các loại.”

Tạ Nghiêu Đình bật cười.

Gió đêm thổi rèm cửa sổ bay lên một góc.

Tạ Nghiêu Đình đi về phía trước hai bước, lấy tay che lại khe hở, động vào vết thương trên lưng, trong nháy mắt sắc mặt liền trở nên rất kém. Động tác bị nỗi đau kìm lại, anh không thể làm gì khác hơn là hơi đỡ khung cửa để mượn lực.

“Sao vậy?” Trần Nhứ đứng gần đó, theo bản năng đỡ lấy tay anh.

Dường như anh đau đến mức không nói nên lời, hai bên thái dương cũng có chút mồ hôi, lắc đầu một cái, qua một lúc lâu anh mới khẽ nói: “Không sao.”

Cô nhíu mày, oán trách: “Trên người anh có vết thương, đừng lộn xộn nữa, nhanh ngồi xuống đi.”

Tạ Nghiêu Đình cười gượng, bám lấy ghế sô pha khó khăn ngồi xuống, sau đó than thở: “Bị ghét bỏ rồi.” 

Trần Nhứ căng thẳng siết ngón tay, rất lo lắng.

Cô không đáp lại, đột nhiên nói: “Để tôi xem vết thương trên lưng anh đi.”

Đương nhiên anh không chịu, cười từ chối: “Có gì hay mà nhìn.”

Bộ dáng Trần Nhứ thuận theo thu lại ánh mắt, nằm cạnh anh ở ghế sô pha trên ban công, cằm gối lên khuỷu tay, nhẹ giọng nói: “ Mùng một năm đó, có một ngày trời mưa, mẹ tới đón tôi rất trễ. Khi đó tôi đang trong tuổi dậy thì, tính cách rất quái đản, một mình đội mưa men theo đường cái, không yên lòng trở về nhà. Ở góc rẽ thiếu chút nữa là bị một chiếc xe xích lô đâm phải, may mà có mẹ đẩy tôi ra.”

Cô còn nói: “Mẹ vì cứu tôi nên đã ngã gãy chân, nằm trên giường hơn hai tháng.”

“Anh cũng vì cứu tôi nên mới bị thương.”

Cô càng nói càng khổ sở, lông mi thật dài che lấp đôi mắt to, vành mắt hồng hồng, giống như một con thỏ nhỏ bị thương. Vẻ mặt lại cố ý bình tĩnh khiến người ta không khỏi thương xót.

Đại khái là càng khiến người ta phải rủ lòng từ bi.

Tạ Nghiêu Đình không đành lòng, giơ tay lên xoa đầu Trần Nhứ, nhẹ giọng an ủi cô: “Tôi bị thương nhưng cũng không có ý muốn trách cô. Đừng suy nghĩ linh tinh.”

Trên người anh có mùi thơm như cây cỏ trong rừng, rất nhẹ, giống như được trở về với thiên nhiên.

Mặt Trần Nhứ giống như bị phỏng. Để che giấu sự lúng túng, cô phải chủ động tìm chuyện để nói.

“Tại sao anh lại chọn ngành Đông Y?” Cô mở miệng hỏi.

“Khi còn bé thân thể tôi không tốt, là theo chân ông nội lớn lên. Ở dưới chân núi Thần Nông, một địa phương nhỏ bé, giao thông cũng bất tiện. Dân bản xứ bị đau đầu cũng tìm đến ông. Tôi ở bên cạnh nhìn, cũng đọc thêm mấy quyển sách lý thuyết về Đông y, dần dần biết được các loại thuốc, cách sắc thuốc và biết phân tích khảo chứng. Về sau trưởng thành, trở lại đi học, bị ảnh hưởng bởi ba tôi, cho nên liền lựa chọn ngành Đông Y.”

Trần Nhứ chớp mắt mấy cái, cảm thán một câu: “Nhạt nhẽo như vậy sao?”

Tạ Nghiêu Đình bị cô trêu chọc liền nói: “Chẳng lẽ còn phải có nguyên nhân tàn sát khốc liệt gì nữa sao? Tôi không giống cô đi đọc những tiểu thuyết võ hiệp đó, không có những cuộc gặp gỡ huyền thoại, cũng không phải là người giỏi bẩm sinh.”

Anh lại hỏi: “Lớn lên cô muốn làm gì?”

Trần Nhứ do dự một lúc, gương mặt đầy u mê và bướng bỉnh, nhấn mạnh: “Tôi cảm thấy tôi phải làm một nhân vật lớn.”

Tạ Nghiêu Đình dở khóc dở cười, quay đầu đi ho khan một tiếng: “Thật là trẻ con.”

Trần Nhứ: “Anh ngủ đi, tôi cũng đi đây.”

Tạ Nghiêu Đình quay đầu nhìn ngoài cửa sổ, có chút khó xử: “Tuyết rơi rồi.”

Cô nói: “Ừ, mùa xuân sắp đến rồi.”

Anh cười ngượng ngùng: “Xin lỗi. Hôm nay tôi thật sự không có cách nào lái xe. Một mình cô có thể về không?”

Trần Nhứ đã mặc xong áo khoác: “Tôi sẽ ngồi tàu điện ngầm.”

Cô nghịch ngợm quay về phía anh với tư thế chiến thắng: “Anh yên tâm, tôi không còn là trẻ con nữa đâu.”

Tuyết ban đêm. Những ngọn đèn đường yếu ớt phát ra ánh sáng màu quýt nhu hòa.

Bởi vì vết thương, chân mày khóe mắt hay thần sắc của Tạ Nghiêu Đình cũng đầy vẻ mệt mỏi, đường nét trên gò má rõ ràng nhưng tái nhợt, giọng điệu anh kiên nhẫn, ôn hòa. Nhìn thấy ánh mắt của một người mang theo đầy dịu dàng an ủi, đó là sự hưởng thụ ấm áp và quý trọng mà cô không bao giờ keo kiệt cho anh. Còn có giọng nói quen thuộc lúc bọn họ nói chuyện với nhau nữa.

Tất cả đều khiến cho người khác cảm động.

Gió tuyết cùng thổi tới.

Tạ Nghiêu Đình lấy khăn quàng cổ từ phòng ngủ ra ngoài, lông xù, hình kẻ caro quen thuộc.

Anh đưa cho cô: “Bên ngoài quá lạnh, đeo nó vào.”

Trần Nhứ vội vàng xua tay: “Không, không cần.”

Tạ Nghiêu Đình trực tiếp mở ra, tùy tiện buộc hai vòng quanh cổ cô, vây chặt lấy vành tai cô, buộc lại thành một nút. Sau đó thuận tiện lấy cái mũ lông đội lên đầu cô. Lập tức Trần Nhứ chỉ lộ ra hai con mắt sáng long lanh.

Anh thấy sắp tới giờ liền hôn nhẹ lên trán cô một cái, ngứa ngứa, mềm mềm.

Anh thấp giọng nói: “Về đến nhà thì gọi điện cho tôi.”

Trần Nhứ gật đầu một cái, lại dặn dò một câu: “Anh nghỉ ngơi cho tốt.”

Từ trạm xe lửa ra ngoài, mặt Trần Nhứ vẫn còn nóng, ửng hồng đến tận vành tai.

Điện thoại di động kết nối với tai nghe, luôn phát ra âm thanh vui vẻ.

Bài Người Về Trong Đêm Gió Tuyết kết hợp với giọng của Ba Hách rất xứng đôi, đàn dương cầm, hơi có vẻ nặng nề chồng chéo nhưng lại khiến cho người ta rất an tâm. Khúc nhạc uyển chuyển mà chậm rãi, vừa khống chế được nhịp điệu lại có thể cao vút lên tận trời.

“Làn điệu dân ca trữ tình trên dây đàn bị đứt”

Tương truyền một lần trong bữa tiệc trong cung, đàn dương cầm của Ba Hách bị người ta động tay động chân, tất cả những dây đàn để gảy đều bị đứt, ông liền diễn tấu ngẫu hứng trên dây đàn bị đứt một làn điệu dân ca, đó chính là bài hát này.

Câu chuyện xưa bên trên nói cho chúng ta biết rằng, cuộc sống là một ván cờ, không kể bạn có bắt được quân cờ nào, chỉ cần có thể đánh thắng người khác với một quân cờ kém mới được xưng tụng là thành công.

Trần Nhứ lặng lẽ cười.

Tàu điện ngầm đến trạm, những người đang đợi đều đi lại vội vàng.

Hợp với âm nhạc, giống như một đoạn phim được biên tập cắt ghép.

Một cậu con trai cao gầy khoanh tay lại, không ngừng đi qua đi lại, có vẻ như đã đợi khá lâu. Cô gái từ cầu thang ba bước cũng chạy thành hai bước, nhào vào trong ngực anh ta, hai người kéo tay nhau đi xa.

Tình cảm lúc còn trẻ, đơn thuần, sạch sẽ mà ngây ngô.

Trần Nhứ cũng đã từng như vậy, lúc nào cũng tin tưởng cho rằng cuộc đời của bọn họ mãi mãi đẹp đẽ như lúc ban đầu.

Trần Nhứ từ trong thang máy đi ra, mở cửa. Vừa mới vào nhà liền giật mình chấn động.

Bên trong nhà chỉ bật một chiếc đèn ở hành lang, trên ghế salon có một bóng người lờ mờ, là Trần Chi Nhận. Đập vào mặt là một mùi thuốc lá nồng đậm, dường như còn có mùi thơm của thức ăn. Trên khay trà có một chiếc hộp đã được mở ra, là thịt bò hầm củ cải của một tiệm ăn cũ trên đường Ngô Châu. Khi còn bé Trần Nhứ rất thích ăn ở đó.

Trần Nhứ vốn muốn nói con đã về, thế nhưng cô không hề lên tiếng mà ngồi xổm xuống đổi dép.

Trần Chi Nhận hỏi: “Con đi đâu vậy, trễ như vậy rồi mới về?”

Trần Nhứ không muốn giải thích nhiều: “Sắp có kỳ thi cuối kỳ. Trường bắt học thêm.”

Sẽ không có ai chú ý đến cô. Không có ai thực sự quan tâm cô rốt cuộc là đi đâu, làm gì, có nói dối hay không, tại sao lại khổ sở. Trần Chi Nhận cũng tuyệt đối sẽ không truy cứu.

Đúng như dự đoán, Trần Chi Nhận hoàn toàn không suy nghĩ gì, gật đầu một cái, lại lâm vào trầm lặng.

Trần Nhứ vào phòng bếp rửa cốc, rót một cốc nước từ bình giữ nhiệt ra cho ông uống.

Trần Chi Nhận cầm lấy, không uống. Vẻ mặt ông ngưng trọng mang theo chút lo lắng, thậm chí có vẻ đè nén.

Đại khái Trần Nhứ đã biết mục đích đến lần này của ba.

Trần Chi Nhận thở dài, khó khăn mở miệng: “Tiểu Nhứ, tình hình kinh tế ở công ty của ba có xảy ra chút vấn đề. Cần tiền để quy động vốn. Chỉ là quy động, ba đảm bảo, qua khoảng thời gian này, chờ tình hình chuyển biến tốt, ba...”

Ông không tiếp tục nói hết.

Ông lại đốt một điếu thuốc, hít một hơi thật sâu.

Trần Nhứ mím môi: “Tôi không có tiền.”

Phòng ở gần trường học, là một phòng nhỏ cao cấp. Tầng lầu, phương hướng, vị trí vô cùng lý tưởng. Là vì Trần Nhứ chuyển trường mới mua chỗ đó. Lúc ấy Trần Chi Nhận mới từ chức ở cơ quan, tiền để dành cũng để trả góp cho căn phòng này, lúc mới đầu dù có túng quẫn nhưng người một nhà vẫn vô cùng vui vẻ.

Khi đó Trần Chi Nhận tự tin lại phóng khoáng, so với bây giờ vừa tiêu cực lại ảm đạm tưởng như là hai người khác nhau.

Cuộc sống sẽ từ từ phá hủy một người đàn ông vốn có tâm chí mạnh mẽ cùng ý thức trách nhiệm.

Trần Chi Nhận: “Tiểu Nhứ, thành tích của con tốt như vậy, có muốn ra nước ngoài học không?”

Trần Nhứ từng lén lút đi hỏi luật sư. Nhà ở đứng tên con gái vị thành niên, khi người giám hộ muốn bán thì chỉ cần có thể cung cấp văn bản chứng minh những khoản tiền để dùng cho con gái đi học, chữa bệnh và những thứ liên quan đến lợi ích của bản thân là có thể bán căn nhà đó.

Trần Nhứ im lặng không lên tiếng, cả người cứng như khúc gỗ.

Lông mày Trần Chi Nhận nhíu thành một cục, tiếp tục khuyên nhủ: “Ba biết, con không muốn. Nếu ba có biện pháp khác thì cũng sẽ không để ý tới căn phòng này.”

Trần Nhứ: “Lúc ông rời nhà trốn đến ở cùng dì Ngụy, tôi tự nói với mình, dần dần quen rồi sẽ không khổ sở. Lúc mẹ qua đời, tôi tự nói với mình, dần dần quen rồi sẽ không đau khổ. Tôi lại chưa bao giờ nghĩ rằng, thì ra cuộc sống vẫn sẽ đau khổ như vậy.” 

Trần Chi Nhận: “Cuộc sống nào không khổ bao giờ.”

“Ba.”

Trần Chi Nhận ngẩn ra, ông phát hiện đã lâu rồi ông chưa được nghe con gái xưng hô với mình như vậy.

Trần Nhứ từ chối: “Con không muốn bán căn phòng này.”

Ra về chẳng hề vui vẻ.