Ngày 5 tháng 6 năm 1893.

Không, không, cái này không được. “Hãy lấy cho ta cái màu xanh”,

Langford nói. Ông cởi nút chiếc áo gi-lê màu vang đỏ - cái thứ ba ông đã gạt đi - vứt lại cho tên hầu phòng.

Một người đàn ông trung tuổi cau có nhìn lại ông chằm chằm trong gương.

Ông chưa bao giờ thực sự đẹp trai, nhưng trong thời hoàng kim của mình, ông luôn luôn có điều gì đó hấp dẫn. Ông luôn chải chuốt và ăn vận hoàn hảo, và bên cạnh ông luôn có mặt đội quân những người đẹp đáng khao khát nhất ngả ngớn trong tay.

Mười lăm năm ở thôn quê và ông đã trở thành một tên đần thộn. Quần áo của ông đã lỗi mốt cả thập kỷ. Ông đã quên cách để bôi sáp lên tóc. Và ông khá chắc chắn rằng ông không còn nhớ làm thế nào để quyến rũ một người đàn bà.

Quyến rũ là một vấn đề của tư duy. Một người đàn ông chắc chắn một trăm phần trăm về mình sẽ dụ được đàn bà ăn trong tay mình. Một người đàn ông chắc chắn tám mươi phần trăm về mình chỉ có những con chim bồ câu ăn trong tay mình.

Và người đàn ông có tám mươi phần trăm chắc chắn này, vì những lý do chỉ được liệt kê trên danh sách của ma quỷ, đã mời bà Rowland đến uống trà - trà cơ đấy! - cứ như ông là mấy mụ già hay gây phiền não mong ngóng một vài mẩu bánh xốp và tin đồn nhảm.

Ồ, còn tệ hơn nữa, giống như ông là kẻ khù khờ đa cảm nào đó tìm cách quay đồng hồ ngược lại ba mươi năm trước.

Tên hầu phòng quay lại với chiếc áo gi-lê màu xanh lá cây sẫm, màu của một thung lũng cây cối rậm rạp. Langford khoác áo vào, quyết tâm đi tới cùng với lựa chọn đặc biệt này cho dù ông trông giống một hoàng tử hay một con cóc.

Ông chẳng giống thứ gì, chỉ là một tên đàn ông bối rối, xáo trộn, và hơi sợ hãi không biết chính xác nên xuôi theo hoàn cảnh hay tiếp tục đứng ngoài lề.

Phải làm thôi, ông nghĩ.

Cỗ xe của bà đến trước dinh thự ở Ludlow Court chính xác lúc năm giờ quá hai phút. Bên dưới chiếc dù ren, bà trông thanh nhã và nghiêm trang như đến uống trà với chính nữ hoàng. Trang phục bà chọn làm ông hài lòng - một chiếc váy buổi chiều màu ngọc trai và xanh nhạt. Ông thích sắc màu kem và xanh tùng lam vốn chiếm ưu thế trong tủ quần áo của bà, những màu sắc của một mùa xuân vĩnh cửu, mặc dù trước đây nếu có ai hỏi ông, thì ông đã tuyên bố rằng những màu sắc đó thật quá tẻ nhạt.

Ông đích thân ra đón bà, đưa bàn tay đeo găng đỡ bà xuống xe. Bà hài lòng xen với đôi chút bối rối - tốt, cả hai người họ đều như vậy.

“Tôi đã ghé thăm ngài vài tuần trước, thưa Đức ngài”, bà nói, nửa e dè nửa thách thức, “Nhưng ngài không ở nhà”.

Họ đều biết rằng ông ở nhà. Nhưng chỉ ông biết rằng ông đã quan sát bà từ cửa sổ của tầng trên, trong sự bực bội pha lẫn với thích thú, “Chúng ta uống trà nhé?”, ông nói và đưa cánh tay ra.

So với những tiêu chuẩn của công tước, Ludlow còn hơn cả khiêm tốn, nói đúng hơn là xoàng xĩnh. Cách đây rất lâu rồi lúc ông khoảng hai mươi tuổi, Langford đã được mời đến lâu đài Blenheim. Khi cỗ xe của ông tiếp cận công trình vĩ đại đó từ một khoảng cách, ông đã bị choáng ngợp bởi cảm giác không tương xứng mạnh mẽ. So sánh với dinh thự khổng lồ của dòng tộc Marlborough, nơi ở của ông dường như chỉ là ngôi nhà nhỏ của một cha xứ.

Tuy nhiên, vẻ hùng vĩ bề ngoài của lâu đài Blenheim nhanh chóng chứng minh rằng đó chỉ là vẻ bề ngoài, hoặc, chính xác hơn, một ảo ảnh. Vì khi cỗ xe của ông chạy đến gần ngôi nhà, vẻ ngoài đó hóa ra đang ở trong tình trạng không được tu sửa từ lâu. Bên trong tòa dinh thự, những tấm rèm đã mốc meo và lỗ chỗ, những bức tường đen sì bởi những ống khói ít được dọn dẹp, và trần nhà trong hầu hết những căn phòng đều lốm đốm những vệt nước - đấy là sau khi gia đình đã bán hết những đồ đạc quý báu của gia tộc Marlborough danh tiếng để trang trải cuộc sống. Vài năm sau chuyến đến thăm của ông, vị công tước thứ bảy đã phải đệ đơn xin Quốc hội cắt đứt chế độ thừa kế để có thể mang toàn bộ ngôi nhà ra bán đấu giá nhằm thanh toán những khoản nợ của gia đình.

Ngược lại, dinh thự ở Ludlow là một hòm châu báu, một hình ảnh nhỏ nhưng hoàn hảo của lối kiến trúc Palladis với những đường nét sắc sảo, sang trọng, cân xứng, và một không gian bên trong mà Langford có thể duy trì tương đối dễ dàng và thỉnh thoảng đổi mới.

Nhưng khi ông đi qua sảnh chờ và lối đi chính, khi bàn tay bà Rowland khẽ hạm vào cánh tay ông, ông băn khoăn không biết liệu bà nghĩ gì về nó. Nơi ở hiện nay của bà có thể chỉ lớn hơn căn nhà săn bắn một chút, nhưng ông biết rằng trước đây bà đã sống trong một nơi lớn hơn nhiều, một dinh thự rộng hơn dinh thự của ông và chắc là hiện đại hơn, nội thất sang trọng hơn, dựa vào tài sản của người chồng đã khuất của bà.

“Ông đã sửa chữa lại hàng hiên”, bà Rowland nói khi họ bước vào phòng khách phía nam. Một mặt của căn phòng nhìn ra đường dốc với hàng hiên ở phía sau ngôi nhà, dẫn xuống một khu vườn vuông vắn, gọn gàng và một cái hố nhỏ ở phía xa xa, “Nữ công tước vẫn thường băn khoăn về nó”.

“Vậy sao?”, lại là một điều khác ông không biết về mẹ mình.

“Đúng thế. Nhưng bà quyết định không sửa chữa để không làm phiền cha ngài trong tình trạng bệnh tật”, bà Rowland nói. “Đức bà là một người rất tốt”.

Ông đã nhận ra điều đó quá muộn. Trong những năm tuổi trẻ ngông nghênh của mình, ông thầm nghĩ mẹ ông quá thô kệch và quê mùa, không có vẻ gì là quý phái và vương giả tương xứng với cương vị vợ hoàng tử của một lãnh thổ.

Ông chịu đựng tình yêu lo âu của bà như thể nó là một hòn đá treo quanh cổ, chả mấy nghi ngại rằng ông sẽ trôi dạt nếu không có nó.

“Bà chưa bao giờ nói gì về nó với tôi. Và tôi e rằng tôi quá trì độn và bận rộn với chính mình nên không thể đoán ra. Tôi chỉ ra lệnh sửa chữa nó khi tôi bắt đầu tổ chức những bữa tiệc cuối tuần ở đây”.

“Nó rất đẹp”, bà nói, nhìn những bông hồng vàng tươi tốt nở rộ dọc những hàng rào ngoài cửa sổ. Trên chiếc mũ của bà cũng có những bông hồng, được kết từ những sợi ruy băng lụa màu xanh nhạt, “Bà ấy sẽ thích nó”.

“Bà có thích dùng trà trong hàng hiên hơn không?”, ông bốc đồng hỏi, “Hôm nay ngoài trời rất đẹp”.

“Có, tôi thích thế, cám ơn”, bà nói và hơi mỉm cười.

Ông ra lệnh chuẩn bị một bàn uống trà đặt dưới một mái hiên đã được cơi nới rất rộng, với một tấm khăn trải bàn trắng và một vài bông hồng bà vừa chiêm ngưỡng cắm trong một chiếc bình pha lê.

“Tôi nghĩ giờ là lúc tôi xin lỗi”, bà nói khi họ ngồi xuống trong hai chiếc ghế, xếp cạnh nhau thành một góc rộng để mỗi người đều có thể thưởng thức tầm nhìn không hạn chế ra khu vườn.

“Điều đấy không cần thiết. Tôi hoàn toàn thích thú với bữa tối, cảm thấy thức ăn và sự bầu bạn thật thú vị”.

“Tôi không nghi ngờ về điều đó”. Bà cười, phần nào là cố ý, “Với một kịch bản như thế ngài không thể làm tốt hơn. Nhưng tôi muốn xin lỗi vì toàn bộ kế hoạch của mình: Đầu tiên là tôi cho tất cả người hầu nghỉ và làm con mèo nhỏ mắc kẹt trên một cái cây để có thể yêu cầu ngài giúp đỡ”.

Ông mỉm cười, “Tôi chắc chắn với bà rằng tôi không tham dự vào kế hoạch của bà như một kẻ bị lừa bịp ngu ngơ. Tôi biết mình đang tham gia vào cái gì khi tôi đồng ý đóng vai người làm tạm thời của bà thay vì trở thành Ngài

Galahad (*) ngờ ngệch”.

_(*) Ngài Galahad: Một trong những hiệp sĩ bàn tròn của Vua Arthur, nổi tiếng bởi bản tính ga-lăng và đơn giản.

Bà đỏ mặt, “Tôi cũng đoán như thế từ những sự việc gần đây, tin tôi đi.

Nhưng tôi vẫn có nghĩa vụ phải xin lỗi vì sự lừa dối ban đầu của mình”.

Trà được đưa đến giữa lúc hai người vẫn còn tỏ ra kiểu cách và khách sáo.

Bà Rowland uống trà với đường và kem, ngón tay út của bàn tay phải chỉ hơi đưa ra một chút và uốn cong tinh tế như một cánh hoa cúc phương Đông.

“Tôi đồng ý với những lời thú nhận liên quan đến sự lừa dối ban đầu, nhưng tôi quan tâm đến những câu chuyện sau đó liên quan đến tôi hơn”, ông nói, không để ý đến tách trà của mình mà quan sát bà khuấy tách trà của mình với vẻ nhàn nhã duyên dáng, “Bà cũng xin lỗi vì những điều đó chứ?”

“Chỉ khi đó là một chuyện bịa đặt trắng trợn”.

Ông lơ đãng uống một ngụm trà. Ông vẫn không thích điều đó, “Bà đang có ý nói với tôi rằng đó không phải là một chuyện bịa đặt trắng trợn?”

Bà tiếp tục khuấy trà, “Sau khi suy nghĩ kỹ, tôi quyết định rằng tôi cũng không biết nữa”.

Ông nguyền rủa sự tò mò của mình. Và sự thiếu khéo léo của mình. Một người đàn ông thận trọng hơn sẽ không hỏi một câu hỏi mà không thể đương đầu với câu trả lời cởi mở của bà.

“Có lẽ ngài có thể giúp tôi quyết định”, bà nói, “Tôi muốn hiểu ngài nhiều hơn”.

Tôi không còn là một cô gái trẻ nữa. Vì vậy tôi quyết định đi ngược với mánh khóe của một cô gái và chọn cách tiếp cận trực tiếp hơn. Điều đấy, ít nhất, không phải là bịa đặt, “Bà muốn biết gì?”

“Rất nhiều chuyện. Nhưng đặc biệt là, tại sao và làm thế nào ông trở thành người như hiện nay? Tôi thấy điều này là một bí ẩn gây nhiều tò mò”.

Trái tim ông đập thình thịch, “Không hề bí ẩn. Tôi gần như đã chết”.

Nhưng bà không dễ thỏa mãn như thế, “Con gái tôi suýt chết vào năm mười sáu tuổi. Trải nghiệm đó chỉ làm củng cố thêm con người hiện tại của nó, không phải trở thành một con người khác hoàn toàn - giống như ngài, trên mọi phương diện”.

Bà nâng tách trà và để nó lơ lửng ngay dưới môi, cổ tay bà chắc chắn như đồng bảng Anh. “Bản năng mách bảo tôi rằng tôi không thể hiểu được ngài, cho đến khi tôi biết câu chuyện phía sau sự biến đổi của ngài. Và rằng câu chuyện của ngài còn phức tạp hơn cả chuyện một người đàn ông chạm đến cái chết. Tôi có đoán sai không?”

Ông cân nhắc rất nhiều câu trả lời rồi gạt bỏ chúng. Đã hưởng thụ đặc quyền được nói thẳng thừng trong cả cuộc đời, ông không quen với việc đột nhiên phải quanh co.

“Không”, ông nói.

Tách trà vẫn lơ lửng quanh cằm bà, gần giống một cái khiên, cũng như một vật che đậy, che giấu sự minh mẫn nguy hiểm của bà đằng sau một mẩu đồ sứ tráng men vẽ dây trường xuân và hoa hồng, “Có lẽ tôi hỏi quá thẳng thừng, có phải liên quan đến một người đàn bà không?”

Ông không cần phải trả lời câu hỏi của bà. Nhưng vậy thì, ông cũng không cần mời bà đến uống trà. Ông cũng không hiểu kế hoạch của mình giống như bà, có lẽ còn ít hơn nhiều.

“Phải, có một người đàn bà”, ông trả lời, “Và một người đàn ông”.

Mặt bà đông cứng lại vì cơn sốc bất ngờ. Thận trọng, bà đặt tách trà xuống.

Có thể thấy là sự chắc chắn của cổ tay bà không hề sánh được với sự thích thú của trí tưởng tượng khá thô tục của bà.

“Chúa lòng thành”, bà lẩm bẩm.

Ông hơi cười, với vẻ hối lỗi, “Đó là một câu chuyện xấu xa”.

“Ồ”, bà nói.

“Bà có thể đã nghe về tai nạn trong lúc săn bắn. Tôi đã từng bị bắn, máu chảy không cầm được, phải phẫu thuật trong sáu giờ, và may mắn sống sót”, ông nói, “Nhưng bà nói đúng. Nó làm thay đổi cuộc sống đối với tôi nhiều hơn là vết thương hoặc một ca khó tiêu tồi tệ”.

Một tuần sau khi Langford qua khỏi nguy hiểm, người bắn ông - Francis Elliot đã đến gặp ông. Elliot là bạn cùng lớp với ông ở trường Eton, có nhà ở làng bên cạnh mà Langford thường xuyên đến thăm khi ông ở nhà vào kỳ nghỉ.

Sau nhiều năm, tình bạn thân thiết của họ nhạt dần, và họ rất ít khi gặp nhau.

Trong khi Langford sống ăn chơi và an nhàn, thì Elliot ổn định cuộc sống, làm một địa chủ điềm đạm, trách nhiệm nhưng trì trệ theo hình mẫu của tổ tiên ông ta.

Buổi sáng đặc biệt đó, trong tâm trạng hết sức cáu kỉnh vì cơn đau và buồn chán, Langford đã chỉ trích tài săn bắn kém cỏi của Elliot và phỉ báng nhân cách của ông ta. Elliot không nói gì cho đến khi Langford tuôn ra hết những lời xấu xa - một kỳ công không hề dễ dàng, vì Langford được đào tạo để trở thành một nhà văn, sở hữu một vốn từ vựng không biên giới.

Sau đó, lần đầu tiên trong đời, Langford nghe thấy Elliot quát lên.

“Rõ ràng người đàn ông đó đã chủ tâm bắn tôi, mặc dù anh ta không có ý định giết tôi. Đó là kết quả của sự hồi hộp và nhắm bắn kém - bởi vì tôi đã quyến rũ vợ anh ta”.

Bà Rowland với tay định lấy một chiếc bánh sandwich kẹp dưa chuột.

Nhưng bà khựng lại. Ông đã làm bà sửng sốt ngay cả khi chưa đi đến phần tệ nhất của câu chuyện.

“Tôi không hiểu anh ta đang nói gì. Tôi nghĩ tôi chưa bao giờ gặp vợ anh ta, cho đến khi nhớ ra, rất mơ hồ là có một cuộc gặp gỡ ở một bữa tiệc hóa trang tổ chức bởi một người bạn khác của tôi sáu tháng trước. Đã có một phụ nữ, một người đàn bà trẻ với vẻ đau thương tràn ngập.

Thực ra đó chỉ là một sự xao nhãng của tôi trong một buổi tối, không gì hơn, nhưng đã gây ra một cuộc khủng hoảng cho người bạn của tôi. Anh ta yêu vợ mình. Họ đang trải qua một giai đoạn khó khăn, nhưng anh ta yêu cô ta, yêu sâu sắc, cuồng nhiệt, nếu không nói là kỳ lạ và vô lý”.

Lúc đầu, câu chuyện của Elliot không tác động gì đến Langford ngoài sự khinh rẻ. Ông không bao giờ coi một người đàn bà hay bất kỳ người đàn bà nào, quan trọng đối với ông bằng một nửa như vậy.

Tiếp đó, sau cơn bộc phát ban đầu của mình, Elliot làm một điều giật mình: anh ta xin lỗi. Qua hai hàm răng nghiến chặt, anh ta xin lỗi vì mọi chuyện - xin lỗi vì anh ta đã phán quyết sai lầm, đã đổ nỗi tuyệt vọng của mình lên Langford khi lỗi lầm bắt nguồn từ anh ta vì không làm cho vợ mình hạnh phúc.

Langford, vẫn còn cáu giận, chấp nhận những lời xin lỗi của anh ta mà không buồn khoác lên mình vẻ lịch sự giả tạo. Nhưng sau khi Elliot đi khỏi, ông không thể xua hình ảnh người đàn ông đó ra khỏi đầu, không thể không nhớ lại thái độ của Elliot khi anh ta xin lỗi, một thái độ chỉ chứa đựng vẻ tự-trách-mắng và một quyết tâm làm điều đúng bất chấp sự khinh miệt mà anh ta chắc chắn sẽ nhận được.

Với lời xin lỗi vô điều kiện này, bất chấp những hành động trước đó, Elliot đã chứng tỏ mình là một người đàn ông có lòng dũng cảm, có lương tâm và đứng đắn - tất cả mọi thứ mà Langford căm ghét và khinh bỉ vì nó quá tầm thường so với cái tôi cao quý của ông.

“Tôi không muốn phải thay đổi hay bị thay đổi”, Langford nói. “Tôi sống với nhiều lạc thú, rất dễ say mê. Tôi không muốn phải từ bỏ nó. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi. Tôi đang rúng động. Trong những ngày dưỡng bệnh tiếp theo, tôi bắt đầu đặt câu hỏi về mọi thứ tôi coi như là đặc quyền về những lựa chọn trong cuộc đời mình. Tôi đã gây tổn hại cho bao nhiêu người trong những lần săn đuổi lạc thú vô tâm của mình? Tôi đã làm được gì hữu ích với tài năng và gia tài khổng lồ của mình? Và người mẹ tội nghiệp đã nghĩ gì về tôi?”

Bà Rowland lắng nghe với sự tập trung tuyệt đối, không hề rời mắt khỏi ông, “Chuyện gì đã xảy ra với bạn ngài và vợ ông ta?”

Đó là một câu hỏi vẫn ám ảnh ông trong bóng tối. Từ những gì ông biết, họ dường như ổn cả, không hề có những tin đồn về những cuộc cãi cọ đáng xấu hổ hay những cuộc chè chén vô độ, “Tôi biết là họ đã có với nhau ba người con. Đứa lớn nhất ra đời một năm sau khi anh ta bắn tôi”.

“Tôi rất vui khi nghe thế”, bà nói.

“Nhưng điều đó không thực sự cho chúng ta biết điều gì thực chất xảy ra, đúng không?” Một cặp vợ chồng có thể thực hiện việc sinh đẻ trong sự kinh tởm lẫn nhau. Ông muốn vẽ lên hình ảnh một gia đình hòa thuận vì chính mình, nhưng trong đầu ông chỉ hiện lên hình ảnh những đứa trẻ sợ hãi, rón rén bước đi quanh cha mẹ, những người giam cầm nhau trong nỗi cay đắng đáng sợ. Nỗi cay đắng mà Langford gây nên.

“Hôn nhân là những điều kỳ lạ”, bà Rowland nói, “Rất nhiều cuộc hôn nhân cực kỳ dễ đổ vỡ. Nhưng cũng có những cuộc hôn nhân bền chặt một cách khác thường, có thể hồi phục từ những tổn thương trầm trọng nhất”.

Ông muốn tin bà. Nhưng những cuộc hôn nhân ông biết hầu hết là những cuộc hôn nhân hờ hững, “Tôi hy vọng bà rút ra từ kinh nghiệm của bản thân”.

“Đúng thế”, bà nói chắc chắn.

“Kể thêm với tôi đi”, ông nói, “Tôi đòi hỏi điều gì đó giật gân ít nhất bằng một nửa so với việc tiết lộ quá khứ không thể nói ra của chính mình”.

Bà cầm tách trà lên và sau đó, khá là cương quyết, đặt nó xuống lần nữa, “Chuyện này không hề giật gân. Điều giật gân nhất tôi từng làm trong cuộc đời mình là nói tuột ra rằng tôi muốn kết hôn với ngài. Nhưng lúc này xem ra nó không đáng ngạc nhiên chút nào khi tôi thực sự đã mong chờ được kết hôn với ngài, hơn ba mươi năm trước”.

Nghe bà nói một cách thành thật như thế ông vẫn ngạc nhiên.

“Tôi tin rằng tôi có phong thái được mẹ ngài chấp thuận. Trở ngại duy nhất là tuổi trẻ và sự miễn cưỡng hiển nhiên của ngài khi phải kết hôn với một cô gái do mẹ ngài lựa chọn. Nhưng tôi không hề coi điều đó là không thể vượt qua. Khi ngài học xong đại học, tôi vẫn còn trong độ tuổi kết hôn. Và trong thời gian đó tôi tự học hỏi những tác phẩm kinh điển, để làm mình khác biệt so với những cô gái khác đang ganh đua để nhận được lời cầu hôn của ngài. Không nghi ngờ gì là kế hoạch của tôi sẽ gây ấn tượng với ngài vì nó đầy tự tin và quyết tâm. Đúng thế. Nhưng tôi đã tuyệt đối tin tưởng vào nó. Về chuyện sau này, tôi có thể nhận ra rằng chúng ta đã cư xử với nhau thật khủng khiếp - tôi đã kinh hoàng bởi quá khứ phức tạp của ngài và ngược lại ngài cự tuyệt sự quấy rầy với vẻ tôn sùng của tôi, như con gái tôi đã gọi. Nhưng trong những ngày sôi nổi của năm 1862, ngài là sự hoàn hảo như huyền thoại và tôi thực sự lưu luyến ngài.

Không cần phải nói, khi ông Rowland bắt đầu theo đuổi tôi, tôi không hề rung động trước sự quan tâm của ông ấy. Tôi ham muốn địa vị và khinh rẻ tiền bạc được tạo ra bằng những cách bẩn thỉu, trong khi ông ấy không sở hữu cái gì ngoài nó. Tôi không hiểu tại sao cha tôi chào đón những cuộc viếng thăm của ông ấy, cho đến khi tôi cũng phải làm thế. Tin tôi đi, buộc phải kết hôn với ông ấy vì một chuyện tủi nhục là tình trạng tài chính đổ nát của gia đình không hề khiến ông ấy trở nên dễ mến với tôi.”.

Trong giọng bà lộ vẻ hối tiếc. Đột nhiên Langford nhận ra rằng niềm tiếc nuối đấy không phải dành cho ông mà dành cho ông Rowland đã mất từ lâu.

Ông cảm thấy một thoáng ghen tị kỳ lạ, “Bà định nói với tôi rằng cuộc hôn nhân của bà đã hồi phục lại từ điều tồi tệ đó?”

“Phải. Nhưng phải mất rất nhiều thời gian. Khi kết hôn với ông Rowland, tôi quyết định trở thành một người vợ đứng đắn. Trong khi tôi từ chối hạ thấp mình bằng cách tìm kiếm tin tức của ngài hay theo đuổi những cuộc tình, tôi cũng từ chối nhìn nhận ông ấy với bất kỳ tư cách nào khác ngoại trừ là một người mà tôi đã hy sinh những giấc mơ của mình vì lợi ích của gia đình. Thậm chí khi những suy nghĩ của tôi đã thay đổi, tôi cũng không biết phải làm gì. Cảm nhận điều gì đó khác ngoài nghĩa vụ và bổn phận đối với một người đàn ông mà tôi chỉ gọi là ông Rowland trong quá nhiều năm dường như là rất kỳ cục”.

Giọng bà bé dần. Cuối cùng bà đưa chiếc bánh sandwich kẹp dưa chuột lên môi lần nữa, “Chúng tôi đã có ba năm hạnh phúc trước khi ông ấy qua đời”.

Ông không biết nói gì. Ông luôn luôn coi hôn nhân hạnh phúc là câu chuyện thần thoại, giống như những con rồng thở ra lửa trong thời kỳ cơ khí hóa. Ông thấy mình không đủ tư cách để bình luận về mất mát của bà.

Bà ăn chiếc bánh trong im lặng với vẻ ngon lành. Khi ăn xong, bà lắc đầu và mỉm cười buồn bã, “Bây giờ tôi nhớ ra rằng tại sao xã hội văn minh không giao tiếp với nhau bằng sự thành thật. Như thế này thật kỳ quặc, đúng không?”

“Không nhiều như mọi người nghĩ”, ông trả lời. “Tôi không nghĩ mình có một cuộc nói chuyện thẳng thắn nào nữa trong toàn bộ cuộc đời mình, về những vấn đề quan trọng”.

“Và bây giờ chúng ta không còn gì để nói ngoại trừ vấn đề thời tiết”, bà gượng gạo nói.

“Cho phép tôi được đính chính quan điểm sai lầm của bà ở đây, thưa bà”, ông nói với vẻ tỉnh khô, “Tôi hiểu rằng bên dưới vẻ ngoài đầy nữ tính, bà là một nữ học giả đã được học hành đầy đủ để coi trọng kiến thức uyên thâm của tôi”.

“Ô kìa, hãy xem ngài ngạo mạn chưa kìa, thưa đức ngài”, bà nói, cười toe toét, “Ngài có thể thấy nó hoàn toàn khác đấy. Trong khi đêm đêm ngài ra ngoài chè chén no say, tôi đã đọc những điều được ghi lại trong suốt thời kỳ cổ đại”.

“Có thể là thế. Nhưng bà có ý tưởng cơ bản nào về nó không?”, ông thách thức.

Bà nghiêng người về trước một chút. Với sự thích thú, ông nhìn thấy tia sáng trong mắt bà, “Ngài sẽ có vài ngày để nghe chứ, thưa ngài?”