Edit: Quanh

Beta: Nhược Vy

Hàn Chập khẽ nhếch môi, dời mắt đi, đứng dậy để lại sách vào giá, thuận miệng hỏi, "Buổi tối hôm đó có sợ không?"

"Có một chút." Lệnh Dung không dám giấu diếm sự nhát gan của mình, "Lúc ấy ta vừa lo vừa sợ, thầm nghĩ muốn bảo toàn mạng cho tốt, nhưng khi về phủ nghỉ ngơi, lúc tỉnh dậy, lại cảm thấy tay chân run rẩy. Đã lớn như vậy rồi, nhưng đây là lần đầu tiên gặp phải chuyện này, mấy ngày qua đều gặp ác mộng, trong mơ đều thấy mình rơi xuống sông, thỉnh thoảng nghĩ lại mà kinh hãi. Nếu người kia bắn lén trúng ta, chỉ sợ ta sẽ chết."

Dù đã qua vài ngày, nhưng nhớ tới cảm giác mũi tên lạnh lẽo lướt qua chóp mũi, vẫn khiến nàng kinh hồn táng đảm, khiến nàng không khỏi nhớ tới mũi tên bắn vào trán nàng ở kiếp trước.

Hàn Chập đã nhìn chết chóc nhiều thành quen, không nghĩ tới nàng lại sợ như vậy, giọng hơi trầm xuống, có chút áy náy, "Đêm đó là ta sơ xuất, liên lụy tới nàng.

"Nhưng phu quân cũng cứu mạng ta." Lệnh Dung nghiêng mặt, mỉm cười.

Hàn Chập liếc mắt nhìn nàng, dung mạo vẫn diễm lệ như trước, đôi mắt ngập nước có thần nhưng hơi run rẩy, kẻ cả nụ cười kia cũng có chút miễn cưỡng, lại trải qua mấy đêm ác mộng, chưa nghỉ ngơi cho tốt.

Hắn lấy một quyển sách khác, "Mấy ngày qua chắc nàng rất bận?"

"Cũng không hẳn."

Hàn Chập "Ồ" một tiếng.

Sau khi tỉnh dậy, hắn cũng không còn hôn mê nữa, người ngoài vào đây thăm, hắn đều nhận ra. Nếu không tính người ngoài, mỗi ngày Hàn Dao và Dương thị đều tới đây, Đường Giải Ưu cũng mượn danh nghĩa thái phu nhân mà tới đây, ngay cả chi thứ hai, cách một ngày lại tới một lần, tuy rất nhiều người bị chặn ngoài cửa, nhưng cũng coi như là có tới.

Duy chỉ có Lệnh Dung, nàng chỉ phái Khương cô cô mang đồ ăn sáng tới đây, mặt mũi tuyệt nhiên không lộ.

Quả nhiên là trốn tránh hắn.

Loại đãi ngộ này cũng không tính là mới, Hàn gia quyền thế lừng lẫy, hắn đứng đầu Cẩm Y Vệ, có người nịnh nọt, cũng có người sợ hãi thanh danh của hắn, chỉ sợ tránh không kịp. Lúc trước Lệnh Dung sợ hãi tránh né, hắn cũng không cảm thấy kỳ lạ, hiện giờ trọng thương, một mình một phòng, lại cảm thấy có phần bức bối, cảm giác có gì đó không đúng.

Dù sao lúc trước hắn chưa bị thương, hai người nằm chung một giường.

Lúc hắn trọng thương, nàng còn...

Hàn Chập lật trang sách, dư quang liếc qua Lệnh Dung, im lặng không nói.

Lệnh Dung phát hiện có điểm không đúng, nhỏ giọng nói: "Thật ra ta cũng bận chút chuyện. Khương cô cô mang đồ ăn tới đây, tất cả đều do ta mở sách ra đọc, chọn những món bổ máu. Phu quân có thấy ngon không?"

"Tạm được."

"Vậy là tốt rồi, thân thể phu quân cần được chăm sóc, mỗi ngày ta sẽ phái người mang đồ ăn tới."

"Cũng được." Hàn Chập để sách lên hộp đựng thức ăn, "Chọn ra mấy món trong này, mấy ngày tới nhớ làm thử."

Lệnh Dung mở sách ra, không ngờ là sách dạy nấu ăn, vội cầm lấy, tiện tay xách theo hộp thức ăn, "Nếu phu quân không còn chuyện gì nữa, ta về trước nhé? Hồng Lăng đang muốn nấu cá, ta qua nhìn xem."

Hiển nhiên đây chỉ là lấy cớ, ý đồ rất rõ ràng.

Hắn làm nàng sợ tới nỗi tránh không kịp?

Hàn Chập nhíu mày nhín nàng, tới khi Lệnh Dung ra cửa rồi, hắn mới gọi lại.

"Đêm nay ta về Ngân Quang viện." Hắn chậm rãi nói.

Lệnh Dung ngây ngốc chớp mắt, biết đây không phải hỏi ý nàng, chỉ có thể đáp ứng, cầm hộp thức ăn đi ra ngoài.

Gió xuân nhẹ đưa, không còn lạnh lẽo như trước. Nàng nắm chặt áo khoác, cảm thấy may mắn vì Hàn Chập không đề cập tới chuyện hôn môi...có thể lúc đó hắn rất đau, lại trúng phải độc, chắc mơ màng quên mất.

Như vậy là tốt nhất, không ai phải ngượng ngùng.

Quả nhiên đêm đó Hàn Chập trở về, bởi vì bị thương nên hắn không phải lên triều, thời gian dư dả, sớm tối đều có lang trung tới thay dược, Lệnh Dung không phải động tay, bớt được chút việc.

Có lẽ không phải ngủ một mình, từ khi Hàn Chập quay về, Lệnh Dung rất ít khi gặp ác mộng. Thỉnh thoảng bị cảnh máu tươi nhuộm đỏ dòng sông đêm đó làm cho hoảng sợ, nhưng khi tỉnh dậy thấy có Hàn Chập bên cạnh, nàng cũng đỡ sợ hơn. Có một đêm nàng ngủ không sâu, trong lúc mơ màng cảm giác hắn với tay vào trong chăn, cầm lấy tay nàng, nàng cảm giác có phần an tâm.

Nhưng dù sao cũng sợ đụng tới miệng vết thương của hắn, Lệnh Dung ngủ ngay ngắn hơn nhiều. Sáng sớm tỉnh lại, tuy cả người quấn lại như con nhộng, nhưng vẫn nằm sát ở bên trong.

Chuyện đêm đó không ai nhắc lại, hai người ở dưới một mái nhà, an ổn sống qua ngày.

Mặc dù Hàn Chập không còn lạnh lùng như trước, nhưng vẫn nghiêm khắc làm việc. Trong lúc dưỡng thương, hắn đọc binh pháp, văn sử điển tịch, thậm chí sách ghi chú mấy điều lặt vặt hắn cũng đọc qua, lúc thì nhíu mày, khi thì gõ tay lên mặt bàn, không biết đang tính toán cái gì.

Lệnh Dung xem sách dạy nấu ăn của hắn, mỗi ngày đều bảo Hồng Lăng làm theo, thỉnh thoảng còn được Hàn Chập khen ngợi.

Lúc rảnh rỗi, thừa dịp cảnh xuân rực rỡ, nàng lại cùng Dương thị và Hàn Dao ra ngoài đạp thanh. Ngoài kinh thành có rất nhiều nơi sơn thủy hữu tình, còn có thể hái chút hoa tươi, đem về làm điểm tâm hoặc ủ rượu.

Cảnh xuân tươi đẹp, cây đào hồng trong viện nở bừng cả một vùng, ngay cả Nhĩ Đóa cũng hoạt bát hẳn lên.

Lệnh Dung mang theo Hồng Lăng và Sơn Trà ra ngắm hoa, Hàn Chập ngồi ở hành lang, nhìn các nàng chơi đùa.

Y phục mỏng manh, dáng người yểu điệu dần dần lộ ra, giống như đóa hoa e ấp mới nở, hơn nữa dung mạo nàng kiều diễm, lúc ngoái đầu lại sẽ cười, đôi mắt lấp lánh khiến người khác lưu luyến, cảnh đẹp ý vui, muốn ngừng mà không được.

Trước khi tiến vào hang hổ, được vài ngày nhàn nhã như này, tính ra cũng không tệ lắm.

. . .

Ngày xuân thái phu nhân nhiễm phong hàn, bệnh tình vô cùng nghiêm trọng, hôm đó mọi người tới Khánh Viễn Đường vấn an, Dương thị và Lưu thị ở lại bàn bạc, ai cũng lo lắng. Hàn gia địa vị cao, thái phu nhân lại có tước vị cáo mệnh, vậy nên có thể mời thái y tới xem, nhưng dùng nhiều thuốc rồi mà vẫn không khỏi, chỉ có thể nghĩ cách khác.

Nhị phu nhân Lưu thị nhiều năm lễ Phật, đề nghị đi dâng hương bái Phật, cầu cho thái phu nhân bình an, Dương thị liền đồng ý.

Đường Giải Ưu ở bên cạnh nghe thấy vậy, dịu dàng nói: "Cữu mẫu muốn đi dâng hương, không thì chúng ta cùng nhau chép kinh thư dâng Phật, vậy càng thêm thành tâm. Ở chỗ ngoại tổ mẫu có Phật đường, mỗi ngày chúng ta tới cúng bái lễ Phật. Vãn bối có lòng, chắc chắn bệnh tình của ngoại tổ mẫu có thể chuyển biến. Đây chỉ là ý kiến của ngoại sinh nữ, không biết cữu mẫu thấy sao?"

Từ sau khi bị quỳ ở từ đường ngày mùng một Tết, nàng ta phá lệ an tĩnh, cả ngày đóng cửa, cử chỉ cũng trở nên cẩn thận hơn rất nhiều.

Lưu thị vuốt cằm khen ngợi, "Ý này không tồi."

Đây là vãn bối báo hiếu, Dương thị không thể từ chối, cũng chỉ có thể vuốt cằm, "Như vậy cũng tốt, chúng ta đều tự sao chép kinh thư, một phần mang tới Phật đường, một phần mang lên Từ Ân Tự, cầu phúc khí cho cả nhà."

Mọi chuyện cứ vậy được định ra.

Dương thị, Lưu thị, Hàn Dao, Đường Giải Ưu và hai tôn tức phụ, mỗi người tự chép hai bản kinh Phật.

Sau khi gả vào Hàn phủ, Lệnh Dung trở nên nhàn rỗi, mặc dù có thể vào gian bếp của Hàn Chập làm chút mỹ thực cho đỡ nghiền, nhưng đôi lúc vẫn cảm thấy nhàm chán, chỉ có thể thỉnh thoảng ngồi luyện chữ. Sau khi mọi người định ra chuyện này, mỗi ngày nàng đều ngồi chép hai bản kinh Phật, chép xong rồi, còn mấy ngày nữa mới đi Từ Ân Tự, nàng liền chép thêm mấy bản, coi như cầu phúc cho phụ mẫu, Phó Ích và cữu cữu.

Đến tháng ba, Dương thị, Lưu thị dẫn đầu, mang theo Mai thị, Lệnh Dung, Hàn Dao, Đường Giải Ưu tới Từ Ân Tự dâng hương.

Từ Ân Tự ở nội thành, cũng rất gần Hàn phủ, lúc tới dâng hương, canh giờ vẫn còn sớm.

Bởi vì kỳ thi mùa xuân sắp được tổ chức, mấy ngày nay Tống Kiến Xuân lại phải vào kinh báo cáo công tác, Lệnh Dung liền bẩm báo với Dương thị, muốn đi thăm Phó Ích.

Dương thị đồng ý, bảo Tống cô cô chăm sóc nàng.

Lệnh Dung từ biệt mọi người, đi tới chỗ Phó Ích ở, vì gần con phố bán sách vở, nàng liền thuận đường mua mấy chiếc bút lông, muốn tặng cho Phó Ích.

Cứ ba năm một lần lại tổ chức kỳ thi mùa xuân, thư sinh khắp nơi đều tụ về kinh thành, phố bán sách vở cũng trở nên náo nhiệt hơn rất nhiều.

Lệnh Dung ngẫm nghĩ, lấy mũ có rèm che ra, đội lên trên đầu, cùng Tống cô cô và Sơn Trà đi vào, chậm rãi chọn bút, nàng cũng muốn mua thêm nghiên mực cho mình, thấy cạnh đó có hàng bán tranh chữ, nàng thuận đường qua xem. Người bán tranh chữ là người đương thời, không quý trọng bằng tranh chữ của những vị danh nhân thời trước, nhưng giang sơn này luôn có tài tử, cho dù chưa có danh tiếng, nhưng tranh chữ cũng rất đẹp.

Phó Cẩm Nguyên rất thích tranh chữ, nhưng Kim Châu không thể so với kinh thành, vậy nên cơ hội gặp gỡ anh tài có chút hữu hạn.

Lệnh Dung đã tới đây, tính mua hai cuộn tranh tặng Phó Cẩm Nguyên. Nàng chọn một bức vẽ thạch trông rất lạ, tuy không phải kỳ nghệ gì, nhưng bức tranh trông rất thú vị, thỉnh thoảng mở ra xem cũng cảm thấy vui vẻ. Lúc ngẩng đầu lên, nàng lập tức bị thu hút bởi một bức tranh vẽ thác nước.

Núi cao rừng xanh, vách đá nguy nga, nước từ thác đổ xuống, tựa như cầu vồng lấp lánh. Dưới vách đá là dòng suối, chỉ mới nhìn mà cảm giác như châu như ngọc, hơi nước ẩm ướt bốc lên.

Nơi này trông rất quen mắt, nàng đứng nghĩ một lát, mới nhớ ra cách Kim Châu bốn mươi dặm có thác nước tương tự, năm ngoái Phó Cẩm Nguyên còn dẫn nàng đi du ngoạn. Tuy bức tranh này vẽ không hoàn toàn giống, nhưng vách đá đồ sộ, từng lớp đất đá lại họa giống y hệt.

Ngoài sở thích nghe khúc, Phó Cẩm Nguyên cũng rất thích du ngoạn, nếu nhìn thấy bức họa này, chắc chắn rất thích!

Có thể đoán giá bức họa này không thấp, tiểu nhị không dám làm chủ, vội thỉnh chưởng quầy tới.

Lệnh Dung vẫn đứng trước bức tranh, đợi một lát, liền thấy Sơn Trà nói chưởng quầy tới đây, ngẩng đầu nhìn, chỉ thấy một vị chưởng quầy khoảng năm mươi tuổi, tươi cười đầy mặt, chậm rãi đi tới, bên cạnh ông ta là một thiếu niên, không phải Cao Tu Viễn thì là ai?

Cách một lớp mũ có rèm che, Cao Tu Viễn cũng nhận ra nàng.

"Phu nhân muốn bức họa này?"

Thấy vẻ mặt kinh ngạc của hắn, Lệnh Dung cũng đoán ra, "Công tử vẽ bức họa này sao?" Khó trách vừa rồi nhìn qua, ngoại trừ cảnh trí, nàng cảm giác có chút quen mắt, giờ mới nhận ra... nét vẽ này, cùng với bức họa Cao Tu Viễn vẽ trên đố đèn, có phần tương đồng.

Quả nhiên, Cao Tu Viễn mỉm cười, "Đúng là tại hạ."

"Hóa ra hai vị quen nhau, thật trùng hợp!" Chưởng quầy cũng cảm thấy bất ngờ, nhìn tiểu nương tử yểu điệu, rồi lại nhìn sang Cao Tu Viễn, liền chắp tay với Lệnh Dung, "Nếu đã quen biết, lão hủ cũng không quấy rầy, để Cao công tử làm chủ. Nếu cô nương thích bức tranh nào khác, lão hủ sẽ qua tiếp."

Lần đầu tiên Lệnh Dung gặp một vị chưởng quầy tùy ý như vậy, có chút ngạc nhiên.

Dường như Cao Tu Viễn đoán được tâm tư nàng, cười nói, "Tất cả tranh của tại hạ đều treo bán ở đây, Hách chưởng quầy cũng là người phong nhã, luôn tôn trọng chủ nhân bức họa, nếu có thể bán được, đương nhiên là chuyện tốt, nếu không có duyên sẽ không ép buộc. Bức họa này... thiếu phu nhân thích sao?"

"Công tử tài cao, khiến người khác bội phục." Lệnh Dung nhìn giá tiền gắn dưới bức họa, "Nếu bức họa này bán với giá bốn mươi hai lạng bạc, cũng thật đáng tiếc."

Cao Tu Viễn tự mình lấy bức họa xuống, "Tại hạ tặng bức họa này cho thiếu phu nhân, lễ vật vô giá, không cần quan tâm tới tiền bạc."

Lệnh Dung vội cười, "Ý ta không phải như vậy."

"Tại hạ thật lòng muốn tặng cho phu nhân." Cao Tu Viễn cầm cuộn tranh, từ từ cuộn nó lên, "Lúc trước tại hạ đi Kim Châu du ngoạn, có vẽ bức tranh này, sau đó tới nơi khác, mới xảy ra tranh chấp với đường huynh của thiếu phu nhân. Thiếu phu nhân đã cứu tại hạ, lại vì vậy mà gặp phải chuyện phiền toái, trong lòng Cao mỗ vô cùng áy náy. Nếu bức họa này đã lọt vào mắt xanh của thiếu phu nhân, Cao mỗ thật lòng muốn tặng, mong thiếu phu nhân đừng ghét bỏ."

"Nhưng..." Lệnh Dung ngập ngừng, "Công tử sống một mình ở kinh thành, kiếm sống khó khăn. Huống hồ không công hưởng lộc thì không ổn."

"Tại hạ đang tính rời kinh."

"Rời đi?" Lệnh Dung kinh ngạc, "Công tử là người tài hoa, nếu ở kinh thành, có thể phô bày tất cả tài năng."

"Kinh thành..." Cao Tu Viễn cười tự giễu, mơ màng nói: "Rời kinh đi du ngoạn, nhìn ngắm cảnh sông nước rồi vẽ tranh, đối với tại hạ là chuyện tốt. Sau này núi cao sông dài, không biết còn có thể gặp lại không, Cao mỗ thẹn với thiếu phu nhân, nếu thiếu phu nhân thích bức họa này, sao có thể dám lấy bạc?"

Dứt lời, hắn cuộc bức tranh lại, đặt trong hộp gấm, đưa cho Lệnh Dung.

Hắn đã nói tới mức này, Lệnh Dung cũng không muốn tranh cãi gì thêm, liền tạ ơn nhận lấy, nói vài câu chúc phúc, sau đó trả tiền bút lông và bức tranh đầu tiên, đi ra cửa.

Cao Tu Viễn nghỉ chân bên cửa sổ, nhìn xe ngựa đi xa dần mới nói với chưởng quầy bên cạnh, "Bá phụ bảo trọng, chất tử cáo từ."

"Nếu lệnh tôn có thể giải oan cũng là chuyện đáng mừng. Dù sao quê quán của con cũng xa xôi, không bằng ở lại kinh thành, có rất nhiều danh gia có thể hướng dẫn cho con, lão hủ khuyên con ở đây thêm hai năm, đối với con chỉ có lợi." Hách chưởng quầy luyến tiếc.

"Ý tốt của bá phụ, chất tử xin nhận. Nhưng trong lòng chất tử có điều khó nói, chỉ sợ phải du ngoạn mới có thể gỡ bỏ."

Cao Tu Viễn cười, khom lưng cáo từ, lúc đi trên đường, quay người nhìn hoàng thành nguy nga, vẻ mặt mờ mịt.

Năm đó hắn mang theo uất ức, muốn vào kinh giải oan cho phụ thân, lại bị Kinh Triệu Doãn dùng gậy gộc đuổi ra, mặc dù sau này Điền Bảo nhận hắn làm chất tử, nhưng không hề đả động tới chuyện giải oan. Từ một kẻ nhỏ bé dần được mọi người kính trọng, hắn đã nhìn qua quan lớn hoành hành kiêu ngạo, thấy Điều Bảo lộng quyền, bị nha môn ba bốn lần khước từ, hắn mới dần hiểu được, quân quyền dần trở nên vô nghĩa, cái gọi là công chính liêm minh, ở nơi nhỏ bé có thể áp dụng được, dưới chân thiên tử lại chỉ là đống đổ nát.

Hắn cảm giác được, với sức lực của mình hắn, sợ là khó có thể giải oan cho phụ thân.

Ai ngờ bỗng có người tới tìm hắn, nói là Hoàng Đế triệu hắn vào cung, muốn hắn họa lại thác nước ở Thượng Lâm Uyển.

Cứ thế hắn ngơ ngác tiến cung, phụng chỉ vẽ tranh, được Hoàng Đế khích lệ vài câu. Không ngờ hắn có thể nhìn thấy long nhan, Hoàng Đế hỏi chuyện nhà hắn, hắn liền bẩm báo án oan của phụ thân, Điền Bảo và vị Quý phi kia ở bên thổi gió, Hoàng Đế ra lệnh tra lại trọng án.

Mấy ngày sau, Điền Bảo phái người truyền lời tới, nói phụ thân hắn đã được giải oan, có thể khôi phục chức vị.

Lúc đó trong lòng hắn mừng như điên, tuy không thích cách làm người của Điền Bảo, nhưng vẫn chuẩn bị hậu lễ, tới tạ ơn Điền Bảo đã bênh vực lẽ phải.

Ai ngờ Điền Bảo lại nói như vậy...

"Con không phải cảm tạ ta, tính ra con còn phải cảm tạ Quý phi. Nếu không có án tử của con, Chân hoàng hậu sẽ không bị lão tặc Trữ Quốc công kia làm liên lụy, Quý phi cũng không lấy được quyền chấp chưởng hậu cung. Yên tâm, có biểu thúc ở đây, cho dù phụ thân con tội ác ngập trời, ta cũng có thể để ông ta bình an vô sự thoát ra. Con nhớ kĩ, sau này đừng có bất hòa với ta, ta còn hữu dụng hơn so với mấy quyển kinh thư của con."

Cao Tu Viễn vẫn còn nhớ vẻ mặt của Điền Bảo, khuôn mặt hung ác, hai mắt híp lại, giống như vừa thương hại vừa trào phúng.

Thương hại hắn không biết, trào phúng hắn ngu ngốc.

Cũng là lúc đó, Cao Tu Viễn mới hiểu được, muốn giải oan cho phụ thân, không phải nhờ công lý, mà là để cho người khác lợi dụng.

Những đạo lý trước kia phụ thân dạy cho hắn trở nên vô dụng, hắn cần tìm nơi thanh tĩnh, suy nghĩ lại cho kĩ.

. . .

Lệnh Dung mang bút lông tới tìm Phó Ích, hắn đang ở trong viện uống trà cùng Tống Kiến Xuân, tuy kỳ thi mùa xuân sắp tới gần, nhưng hắn vẫn rất ung dung.

Đã lâu Tống Kiến Xuân chưa gặp nàng, từ ngày lễ Đoan Ngọ năm trước, đảo mắt đã tròn một năm. Bởi vì hung danh của Hàn Chập, cho dù Tống thị đã khuyên can Tống Kiến Xuân, nhưng ông vẫn lo lắng cho Lệnh Dung, sau hỏi lại, mặc dù ông vẫn không ưa Hàn Chập, nhưng bà mẫu tiểu cô đều là người tốt, ông mới thoáng yên tâm.

Nhưng dù gì cũng không được gặp chất nữ mình yêu thương nhất, Tống Kiến Xuân vẫn cảm thấy tiếc nuối.

Lệnh Dung cũng nhân tiện hỏi tình hình của Tống Trọng Quang, rồi làm nũng với ca ca một lúc, qua hai chén trà, thế mà mặt trời đã ngả về tây.

Tống Kiến Xuân là người có tài, vậy nên lúc hồi kinh báo cáo công tác, ông được Lại bộ trọng thưởng rất nhiều. Bởi vì quan phụ trách khu vực Đàm Châu bị điều sang nơi khác, ông được tiếp nhận chức quan ở đây, nếu không có gì bất ngờ, bốn, năm năm sau, ông sẽ lên làm Thứ sử Đàm Châu... Khi đó sẽ là quan tam phẩm, vùng vẫy một phương.

Sợ Lệnh Dung ở Hàn gia chịu oan ức, Tống Kiến Xuân chuẩn bị rất nhiều ngân phiếu cho nàng, còn tiễn nàng về Hàn gia, sau đó tới bái kiến Hàn Mặc đang ở Quốc Tử Giám.

Lệnh Dung thỉnh an Dương thị xong, lúc quay về Ngân Quang viện, phát hiện Hàn Chập không ở đây.

Nàng dùng cơm chiều xong, nhàm rỗi không có gì làm, vừa chơi đùa với Nhĩ Đóa, vừa mở bức tranh Cao Tu Viễn vẽ ra, sau đó ra lệnh cho Tống cô cô, phái người mang tranh về Kim Châu.

Mới dặn dò xong, chợt thấy Hàn Chập trở về, nàng ra nghênh đón, "Phu quân đã về."

Hàn Chập đứng cạnh bàn, tùy ý để Lệnh Dung cởi áo khoác cho hắn, thấy bức tranh kia, thuận miệng hỏi: "Đi mua tranh?"

"Phụ thân ta rất thích tranh vẽ thác nước, vốn muốn mua tặng ông một bức, ai ngờ một người bằng hữu lại tặng tranh, ta định đưa cho phụ thân."

Mặc dù Phó gia xuống dốc, nhưng vẫn kiếm được lời lãi từ mấy cửa hàng buôn bán, Phó Cẩm Nguyên có quan hệ tốt với đám thư sinh, chuyện này cũng không có gì kỳ quái. Hàn Chập nhớ ra ở trong thư phòng có hai bức tranh, liền gọi Khương cô cô, "Trong phòng ta có hai bức tranh thác nước do Vương Tư Huấn vẽ, bảo Thẩm cô cô mang ra đây."

Khương cô cô tuân mệnh rời đi, Lệnh Dung mỉm cười, "Phu quân cũng có sở thích ngắm tranh?"

"Xem có thích không, chọn xong thì mang qua cho phụ thân nàng."

Lệnh Dung kinh ngạc, vội treo áo khoác lên giá gỗ, khuyên hắn, "Vương Tư Huấn là danh sĩ, mỗi bức họa đều vô giá, phu quân lại muốn tặng cả hai bức, e là quá mức quý giá, chắc chắn phụ thân sẽ không nhận. Phu quân vẫn nên giữ lại, nếu phụ thân tới kinh thành chơi, để ông ngắm một chút là tốt rồi."

Hàn Chập không đáp, đi tới bàn trà, nhìn chữ kí dưới bức tranh, bàn tay đang cầm chén trà ngừng lại.

"Bằng hữa của nàng chính là Cao Tu Viễn?"

Hắn nhìn sang Lệnh Dung, đôi mắt có phần kinh ngạc.