Câu chuyện này nửa vui, nửa buồn. Vui ấy là tìm lại được cuốn sổ tay, buồn ấy là Kim Trân mất tích. Tất cả và tất cả giống như Kim Trân nói, thần linh đưa lại niềm vui cho chúng ta nhưng cũng đưa lại khổ đau, thần linh đang hiển thị tất cả.

Trong cái đêm mưa dai dẳng, Kim Trân đi mất tích. Không ai biết anh đi vào lúc nào, đi trước lúc nửa đêm hay sau nửa đêm? Đi lúc mưa hay khi mưa đã tạnh? Nhưng ai cũng biết từ đấy không thấy Kim Trân về, giống như một con chim bay khỏi tổ, lại như ngôi sao sa vĩnh viễn rời khỏi quĩ đạo.

Kim Trân mất tích khiến vụ án thêm phức tạp, giống như đêm tối trước bình minh. Có người chỉ ra rằng, phải chăng Kim Trân mất tích là sự việc tiếp theo của cuốn sổ tay, là hai bước của một hành động? Nếu vậy, thân phận tên kẻ cắp càng thêm bí hiểm và là thù địch. Nhưng phần đông đều tin rằng, Kim Trân mất tích là bởi anh quá tuyệt vọng, không thể chịu đựng nổi đau khổ. Ai cũng biết, mật mã là sinh mệnh của Kim Trân, cuốn sổ tay là sinh mệnh của sinh mệnh Kim Trân, lúc này hi vọng tìm lại được cuốn sổ tay càng ngày càng ít dần, dù tìm lại được thì nước mưa cũng làm nhoè không còn đọc được nữa, anh không nghĩ ra, có thể lao đi tìm, đấy là điều không phải không có khả năng.

Chuyện sau đấy đã chứng thực sự nghi ngờ của mọi người. Một buổi chiều, có người nhặt được một chiếc giày da ở bờ sông (gần nhà máy lọc dầu) cách thành phố B hơn chục cây số về phía đông. Vasili nhận ra ngay đấy là chiếc giày của Kim Trân, đấy là chiếc giày há mõm, Kim Trân đi mỏi chân, trong lúc bôn ba anh đá tung nó đi.

Vasili càng tin rằng, anh đang đối mặt với khả năng chẳng được việc gì, với tâm trạng lo buồn, anh cảm nhận có thể không tìm thấy cuốn sổ tay, nhưng rất có thể tìm thấy thi thể Kim Trân, thi thể có thể nổi trên dòng sông nước đục ngầu. Nếu thật như thế, Vasili nghĩ, thà rằng lúc ấy đưa Kim Trân về, sự việc trong đầu óc Kim Trân chỉ có thể là không bình thường.

“Chúng ta theo đuổi mục đích chó má!”

Anh ném chiếc giày thật xa, giống như ném đi những năm tháng không ra gì.

Đây là sự việc xảy ra trong ngày thứ chín của vụ án, cuốn sổ tay vẫn bặt vô âm tín khiến mọi người mất hết lòng tin, bóng tối tuyệt vọng bắt đầu bám lấy trái tim mọi người và nó đang sâu sắc thêm. Vì thế Tổng cục quyết định mở rộng điều tra ra công khai - trước đấy điều tra bí mật.

Hôm sau, “Nhật báo thành phố B” đăng ngay trên trang nhất tin “Tìm đồ vật bị thất lạc”. Tin nói dối, một người nghiên cứu khoa học, mất cuốn sổ tay có liên quan đến một phát minh kĩ thuật có tầm cỡ quốc gia.

Phải nói rằng, đây là hành động mạo hiểm, vì tên kẻ cắp có thể giấu hoặc huỷ cuốn sổ tay, theo đó công tác trinh sát rơi vào tuyệt vọng. Điều khiến mọi người khó tin là, mười giờ ba phút tối hôm đó, chuông điện thoại đường dây nóng của Tổ chuyên án bỗng reo lên, Vasili với sự nhạy cảm của mình, một tay chộp ngay điện thoại, nói:

“A lô, Tổ chuyên án đây, có gì nói đi.”

“A lô, a lô, ở đâu đấy, có gì nói đi.”

Tút tút tút...

Điện thoại bị ngắt.

Vasili đặt máy xuống, cảm thấy như đụng phải một cái bóng.

Một phút sau chuông điện thoại lại réo.

Vasili lại cầm máy, vừa lên tiếng thì trong máy có tiếng nói run run vội vã:

“Cuốn, cuốn sổ tay... ở trong thùng thư...”

“Thùng thư nào, a lô, thùng thư nào?”

Tút tút tút...

Điện thoại lại bị ngắt.

Tên kẻ cắp, tên kẻ cắp đáng giận lại đáng yêu, có thể vì quá hoảng sợ nên không kịp nói hòm thư nào rồi vội bỏ máy xuống. Nhưng như vậy cũng đủ, rất đủ. Thành phố B có mấy chục thậm chí cả trăm thùng thư, như vậy có là gì? Hơn nữa, vận may tìm đến liên tục, Vasili bất ngờ mở thùng thư thứ nhất thì phát hiện ngay cuốn sổ tay.

Dưới ánh sao đêm, cuốn sổ tay toả ánh xanh, nó lặng lẽ đến ghê rợn, nhưng là sự lặng lẽ hoàn mĩ, vui mừng, tưởng như đấy là một đại dương thu nhỏ, lại giống như một mảnh đá quý màu xanh.

Cuốn sổ tay vẫn nguyên, chỉ bị xé mất hai trang cuối. Một vị lãnh đạo Tổng cục nói vui trong máy điện thoại: “Có thể tên ăn cắp dùng để chùi cái đít bẩn của nó!”

Một vị lãnh đạo khác của Tổng cục nghe tin, ông vui mừng nói: “Nếu tìm được cái thằng ăn cắp kia, các cậu cho nó một ít giấy bản, đơn vị 701 các cậu có nhiều giấy lắm.”

Nhưng không ai đi tìm tên kẻ cắp.

Vì hắn không phải tên bán nước.

Vì vẫn chưa tìm được Kim Trân.

Hôm sau, “Nhật báo thành phố B” lại đăng tin tìm người, tìm Kim Trân, tin đăng báo thế này:

Dung Kim Trân, nam, 37 tuổi, cao 1,65 mét, người gầy nhỏ, da trắng, đeo kính cận thị nặng màu trà, mặc đồ Tôn Trung Sơn màu xanh, quần màu ghi nhạt, trên túi áo ngực cài cây bút máy nhập khẩu, tay đeo đồng hồ nhãn hiệu Chung Sơn, biết nói tiếng phổ thông và tiếng Anh, cử chỉ chậm chạp, có thể đi chân trần.

Hôm sau vẫn không có hồi âm.

Ngày thứ hai vẫn không có hồi âm.

Ngày thứ ba, “Nhật báo tỉnh G” cũng đăng tin tìm Kim Trân, ngay trong ngày hôm ấy không có hồi âm gì.

Có thể, theo Vasili, không có hồi âm là chuyện bình thường, vì đòi một thi thể có hồi âm là chuyện khó khăn. Anh ta có dự cảm sâu sắc rằng, việc đưa Kim Trân còn sống về đơn vị 701 - đấy là nhiệm vụ của anh ta - là vô cùng khó khăn.

Nhưng trưa ngày hôm sau, Tổ chuyên án thông báo cho Vasili biết, ở huyện M vừa điện cho biết, ở đây có một người giống với Dung Kim Trân, mời người của Tổ chuyên án về nhận mặt.

Giống Dung Kim Trân? Vasili lập tức nghĩ dự cảm của mình là đúng, vì chỉ có thi thể thì mới có hồi âm như thế. Chưa lên đường, Vasili vốn được coi là con người kiên cường, mạnh mẽ chưa chi đã nhoè nước mắt yếu đuối.

Huyện M cách thành phố B chừng một trăm cây số, làm sao mà Kim Trân đến đấy để tìm sổ tay, chuyện thật bí ẩn và kì lạ. Dọc đường, Vasili với con mắt của người trong mộng nhìn lại những tai hoạ đã qua và khổ đau sắp tới, lòng những kinh hoàng, buồn thương. Đến huyện M, Vasili chưa đi tìm người gọi điện thoại, anh đi qua cổng nhà máy sản xuất giấy, chợt để ý đến một người ngồi trước đống giấy phế liệu. Con người này thật đáng chú ý, trông không bình thường, người đầy bùn đất, đi chân trần, rét thâm tím bàn chân, hai bàn tay đỏ ửng, giống như móng vuốt đang cào bới, lật giở đống giấy, tìm từng cuốn vở phế bỏ, xem kĩ từng cuốn, ánh mắt mê mẩn, miệng lẩm bẩm, dáng vẻ thành kính của kẻ gặp nạn, như vị trụ trì gặp nạn đang thành khẩn, buồn đau tìm kiếm kinh bổn nơi cửa chùa.

Đó là một buổi chiều mùa đông có nắng, nắng chiếu trên con người đáng thương, chiếu trên bàn tay đỏ máu.

Chiếu trên đầu gối đang quỳ.

Chiếu trên tấm lưng lom khom.

Chiếu trên khuôn mặt biến dạng.

Chiếu trên miệng, trên mũi, trên cặp kính, trên ánh mắt...

Vasili nhìn đôi tay như móng vuốt dang rộng, vươn dài, đi tới gần con người kia, cuối cùng nhận ra đấy là Kim Trân.

Kim Trân đây rồi!

Đấy là ngày thứ mười sáu của vụ án, bốn giờ chiều ngày mười ba tháng giêng năm 1970.

Buổi chiều muộn của ngày mười bốn tháng giêng năm 1970, Vasili đưa Kim Trân với vết thương thể xác và linh hồn cùng những bí mật vĩnh viễn, về đến sân đơn vị 701 cao cổng kín tường, từ đấy câu chuyện cũng kết thúc.