Cô em họ, hoặc Dung Ấu Anh, hoặc Dung bàn tính Lily, hoặc Bàn tính đầu to, chết trên bàn đẻ.

Đã qua bao nhiêu năm, những người tận mắt chứng kiến nàng đẻ, nay cũng không còn, nhưng quá trình sinh nở vô cùng gian khổ giống như một cuộc chiến tranh khủng khiếp, trở thành truyền thuyết cho các thế hệ, truyền thuyết càng ngày càng được tinh luyện và trở nên kinh điển, giống như một câu thành ngữ. Khỏi phải nói, đấy là một lần sinh nở xé tim xé phổi, kêu gào thảm thiết kéo dài suốt hai ngày hai đêm, mùi tanh của máu đặc tràn khắp lối đi của bệnh viện, bay cả ra ngoài phố. Bác sĩ dùng mọi biện pháp tiên tiến của thời bấy giờ và cả những cách ngu xuẩn nhất, nhưng đầu đứa bé đen trũi vẫn lúc ẩn lúc hiện, hành lang trước phòng đẻ những người nhà họ Dung và họ Lâm cha của đứa bé, mỗi lúc một đông, về sau, mỗi lúc một ít đi, chỉ còn lại hai chị hầu gái. Vì những người kiên cường nhất cũng phải sợ hãi sự nguy hiểm sinh sản kéo dài, niềm vui sinh sản bị nỗi sợ hãi của cái chết bao phủ, giữa cái sống và cái chết bị thời gian đau khổ vô tình thay đổi. Cuối cùng thì ông J. Lily cũng xuất hiện nơi hành lang, mà cũng là người cuối cùng rời nơi này, trước khi rời, ông buông một câu:

“Đứa nhỏ này sinh ra không phải là đế vương thì cũng là ma quỷ!”

“Tám chín phần mười không sinh được.” Bác sĩ nói.

“Sinh được.”

“Không sinh được.”

“Anh không hiểu cô ta, cô ta là người không bình thường.”

“Nhưng những người phụ nữ mà tôi hiểu, sinh con ra đều là kì tích.”

“Cô ta vốn là người sáng tạo kì tích.”

Ồng J. Lily nói xong rồi bỏ đi.

Bác sĩ ngăn ông ta lại:

“Đây là bệnh viện, ông phải nghe theo tôi, nếu không sinh được thì thế nào?”

Ông Lily không nói gì. Bác sĩ tiến thêm một bước:

“Người mẹ và đứa bé thì giữ ai?”

Ông Lily nói rất kiên quyết:

“Tất nhiên là giữ người mẹ.”

Nhưng trước một sinh mệnh đang bị đe doạ, lời của ông J. Lily làm sao có thể bảo đảm? Trời sáng, sản phụ lại qua một đêm vật vã giãy giụa, yếu đến mức không còn sức, rơi vào hôn mê. Bác sĩ dùng nước đá làm cho sản phụ tỉnh lại, lại tiêm thuốc kích thích liều cao, chuẩn bị cho cố gắng cuối cùng. Bác sĩ bày tỏ rõ ràng, nếu lần này không được sẽ hi sinh đứa nhỏ để giữ người mẹ. Nhưng kết quả ngược lại ý muốn, bởi sản phụ trong tiếng kêu gào tuyệt vọng cuối cùng, lá gan bị vỡ. Vậy là vào lúc sự sống cửa đứa bé ngàn cân treo sợi tóc, bác sĩ phải mổ để cứu lấy nó.

Đứa bé giành được quyền ra đời bằng việc đánh đổi sinh mệnh của người mẹ, mọi người có thể thấy được sự bí mật ra đời đầy khó khăn của nó. Lúc nó ra đời, tất cả những người có mặt đều kinh ngạc, cái đầu nó còn lớn hơn cả vai. Để so sánh, đầu mẹ nó chỉ có thể rất bé, đầu nhỏ sinh đầu lớn, hơn nữa cái đầu nhỏ năm ấy đã ngoài bốn mươi. Nếu muốn sinh ra một đứa bé có đầu to như vậy, e rằng chỉ có một con đường chết. Có nhiều chuyện ở đời không sao hiểu nổi, một phụ nữ có thể đưa một khối sắt thép nặng hàng mấy tấn lên trời, nhưng lại bó tay trước một khối thịt của chính bản thân.

Đứa bé ra đời, tuy nhà họ Lâm đặt đủ thứ tên cho nó, tên thường gọi, tên khai sinh, tên hiệu, có mấy cái tên kèm chữ Lâm. Nhưng sau đấy mọi người nhận ra, tất cả những cái tên đều vô ích, vì cái đầu to của nó, lại thêm quá trình ra đời đầy khó khăn nguy hiểm, nên tự nó đã có biệt danh: Quỷ đầu to.

Quỷ đầu to!

Quỷ đầu to!

Gọi nó như thế thật sự đã đời.

Quỷ đầu to!

Quỷ đầu to!

Người quen người lạ đều gọi nó như thế.

Trăm người, ngàn người đều gọi nó như thế.

Điều làm mọi người khó tin là, Quỷ đầu to bị mọi người gọi, cuối cùng biến thành quỷ, con quỷ không chuyện ác nào không làm, con quỷ không nơi nào không đến. Nhà họ Lâm ở thành phố này thuộc loại giàu có nhất nhì, tài sản rải kín một con phố dài mười dặm. Nhưng từ ngày có Quỷ đầu to, con phố dài bắt đầu ngắn dần, tài sản cứ hao dần vì phải trả nợ cho quỷ. Nếu không có người đàn bà trăng hoa độc ác mượn dao giết chết Quỷ đầu to, sợ rằng nhà họ Lâm không còn nổi một mảnh đất trú chân. Nghe nói, Quỷ đầu to mười hai tuổi bước ra xã hội, chết năm hai mươi hai tuổi, trong mười năm ít nhất hơn chục lần can án, chơi đến hơn trăm cô gái, số tiền đánh bạc có thể chất cao như núi, rải thành đường. Con người vì nhân loại lập công ngàn thu, được người đời ngợi ca là tài nữ, cuối cùng để lại cho đời một đứa con gây nên biết bao nhiêu tội ác, không sao tưởng tượng nổi.

Quỷ đầu to ra ma ít lâu, nhà họ Lâm vừa được thở phào nhẹ nhõm, lại bị một người đàn bà bí ẩn quấy rối. Người đàn bà này từ một tỉnh khác đến, gặp mặt chủ nhân nhà họ Lâm, không nói năng gì cứ vậy quỳ thụp xuống, ngón tay chỉ vào cái bụng lùm lùm, khóc lóc kêu lên: đây là nòi giống nhà ông! Người nhà họ Lâm nghĩ bụng, số gái Quỷ đầu to chơi khi còn sống phải dùng mấy cái thuyền cũng không chở hết, nhưng cũng chưa thấy chị nào vác cái bụng đến nhà bắt vạ, hơn nữa, chị này lại là người tỉnh khác, càng đáng ngờ, khiến cả nhà tức lắm. Vậy là, ông chủ đá chị ta ra khỏi cửa. Chị này nghĩ rằng sẽ bị trụy thai, vậy lại hay, không ngờ toàn thân chị đau đớn, chỗ cần đau không thấy ra nước, chị ta đấm mạnh vào đấy mấy cái, nhưng vẫn không việc gì, chị ta tức giận ngồi giữa phố khóc lóc kêu gào. Người xem đứng vòng trong vòng ngoài, có người động lòng trắc ẩn, bảo chị ta đến Trường đại học N để xem có may mắn hơn không, ở đấy có người nhà của Quỷ đầu to. Vậy là chị này tỏ ra đau đớn lảo đảo đến Trường đại học N, quỳ trước mặt ông J. Lily. Suốt đời ông Lily đi tìm chân lí, kiên trì giáo dục con người, nhân tình đạo lí truyền thống và hiện tại đều có, đều đầy đủ, ông giữ người đàn bà này lại, chọn ngày và sai con là Dung Tiểu Lai - mọi người quen gọi là Lily con - lặng lẽ đưa về quê cũ là thị trấn Đồng.

Cơ ngơi nhà họ Dung chiếm đến một nửa thị trấn Đồng, tòa ngang dãy dọc, nhưng tường bong sơn tróc tỏ ra là một gia đình trên bước đường suy vi, chứng tỏ đang biến đổi theo thời gian. Với một ý nghĩa nào đó, kể từ ngày ông J. Lily mở trường trên tỉnh, con cháu nhà họ Dung tiếp tục vào trường học hành, cảnh tượng phồn vinh ở quê cũ nhất định phải suy giảm. Những người ra đi không còn ai về để thừa kế sự nghiệp của cha ông là một nguyên nhân, nguyên nhân khác là thời đại không còn, chính phủ thực hiện quản lí thống nhất nghề muối, coi như ngăn chặn con đường làm giàu của dòng họ Dung. Ngăn chặn thì ngăn chặn. Đấy là thái độ của ông J. Lily chủ soái của đa số người họ Dung, là bộ phận người họ Dung tôn sùng khoa học, đi tìm chân lí, không thích tiền bạc tài sản, không say mê với đời sống bá vương, không quan tâm đến sự hưng vong của tổ nghiệp, sự chìm nổi của dòng họ. Gần mười năm, dòng họ Dung suy vong không giảm, nguyên nhân không nói ra, nhưng sự thật lại được phơi bày ngay trước cửa. Đấy là tấm hoành phi có bốn chữ thếp vàng: Bắc phiệt hữu công. Đằng sau đấy là chuyện thế này: khi quân Bắc phiệt đánh đến thành phố C, ông J. Lily thấy đám học sinh trường mình tràn cả ra phố quyên góp cho quân Bắc phiệt, ông rất cảm động, ngay trong đêm về thị trấn Đồng, bán bến tàu và nửa con phố tổ tiên để lại, mua một thuyền vũ khí tặng quân Bắc phiệt. Sau đấy ông được thưởng tấm hoành phi kia. Bởi vậy, một thời gia đình họ Dung có thêm vinh dự là gia đình yêu nước cứu nước. Nhưng chỉ ít lâu sau, vị tướng quân nổi tiếng của quân Bắc phiệt đã từng múa bút viết tấm hoành phi kia, trở thành tên tội phạm, bị Chính phủ Quốc Dân yết thị bêu tên, không khỏi bao trùm lên tấm hoành phi một màu ảm đạm. Về sau, chính phủ làm hoành phi mới, cũng những chữ ấy, cũng thiếp vàng, có điều thay đổi thư pháp, yêu cầu gia đình họ Dung thay đổi, nhưng bị ông J. Lily từ chối. Từ đấy, dòng họ Dung và chính phủ không hợp nhau, buôn bán cầm chắc suy thoái. Suy thoái thì suy thoái, tấm hoành phi vẫn treo kia, thậm chí ông J. Lily còn nói, ông còn sống ngày nào, không ai được hạ tấm hoành phi xuống.

Suy thoái càng thêm suy thoái.

Vậy là, trong đại gia đình họ Dung trước kia, nam nữ đồng đường, già trẻ cùng nhau, chủ tớ đông đủ, nói cười vui vẻ, nay trở nên vắng bóng người, không còn ồn ào, hơn nữa, bóng người và giọng nói hiện có chỉ là của ông chủ, nữ nhiều, tớ đông hơn chủ, âm dương không điều hoà, rõ ràng đã xảy ra hiện tượng bất thường, âm dương không cân bằng, trời và người không hoà hợp. Người ít đi, nhất là những người thích ồn ào, trong khuôn viên tỏ ra trống trải, chim về làm tổ trên cành cây, nhện dăng mùng trước cửa, lối đi rêu phong cỏ mọc, khúc quanh hun hút, chim nhà đã bay đi, hòn giả sơn biến thành núi thật, vườn hoa biến thành bãi hoang, vườn sau biến thành mê cung. Nếu nói khuôn viên nhà họ Dung được bài trí khéo léo, rất khí thế, là một thiên tản văn đẹp, hình tan nhưng ý không tan, vậy thì ngày nay nó như là một bản thảo sơ sài, chỉ trừ một vài chỗ ngòi bút xuất thần như vốn có, phần lớn còn phải chờ được sửa sang, bởi quá rối rắm. Chắc chắn nơi này sẽ là một chỗ lí tưởng để đem giấu một cô gái hoang không tên, không thân phận.

Nhưng để bác trai và bác gái thu nhận, anh Lily con cũng phải động não suy nghĩ. Khi truyền nhân đời thứ bảy của dòng họ Dung qua đời, chỉ còn lại ông J. Lily nhưng lại ở trên tỉnh. Anh cả và chị dâu hiện tại là những chủ nhân rất xứng đáng của dòng họ Dung tại thị trấn Đồng. Nhưng anh cả tuổi đã cao, bị trúng phong, trở nên mất trí, suốt ngày nằm trên giường bệnh, giống như một cái đồ dùng biết nói, mọi quyền uy từ lâu đã chuyển vào tay bà vợ. Nếu nói cái bụng chị kia là nghiệp chướng do Quỷ đầu to gây nên, vậy hai bác của Lily con thực chất cũng là ông bà của cái nghiệp chướng kia. Nhưng nếu nói rõ ra, khác nào cởi áo cho người xem lưng, chỉ thêm xấu hổ. Nghĩ đến chuyện bác dâu sùng đạo Phật, anh Lily con chừng như trong bụng đã định sẵn. Anh đưa cô gái vào nơi bà bác niệm Phật, trong khói hương nghi ngút cùng với tiếng mõ đều đều, Lily con và bác gái một hỏi một trả lời:

“Cô ấy là ai?”

“Một người con gái không tên.”

“Có gì nói nhanh lên, để tôi còn tụng kinh.”

“Cô ấy mang bầu.”

“Tôi không phải là bà đỡ, đến tìm tôi làm gì?”

“Cô ấy rất sùng đạo Phật, từ nhỏ lớn lên nương nhờ cửa Phật, nay không lấy chồng, năm kia có đến núi Phổ Thiệt triều bái Phật kinh, lúc trở về bỗng có mang, bác có tin không?”

“Tin thì sao?”

“Tin thì nhận nuôi cô ấy.”

“Không tin thì sao?”

“Không tin cũng đừng đuổi cô ấy ra đường.”

Bà phải một đêm mất ngủ vì tin hay không tin, Đức Phật chưa giúp gì được bà, cho đến trưa khi Lily con giả vờ đuổi cô gái kia đi, bà mới uể oải nói:

“Giữ lại, A Di Đà Phật!”