Hồ sơ khám nghiệm tử thi được lưu tại một kho lớn ở Layton, New Jersey, không cách xa vùng ranh giới Pennsylvania lắm. Đặc vụ Nick Carlson đến một mình. Anh ta không ưa những chỗ lưu trữ như thế này cho lắm. Chúng làm anh có cảm giác sởn gai ốc. Mở hai mươi tư giờ một ngày, không bảo vệ, chỉ có một camera an ninh theo dõi ở lối ra vào... Chỉ có Chúa mới biết cái quái gì bị khóa trong cái nhà xi măng kia. Carlson biết thuốc phiện, thuốc, và hàng lậu thuế đủ thể loại được chứa trong đó. Việc này không làm anh ta bận tâm lắm. Nhưng anh ta nhớ một vài năm trước khi một ủy viên ban chấp hành ngành dầu bị bắt cóc và tống vào thùng trong một chỗ ở đây. Ông ủy viên này bị ngạt thở mà chết. Carlson có mặt ở đó khi họ tìm thấy ông ta. Kể từ đó, anh ta tưởng tượng những người đang sống cũng ở đây, ngay giây phút này, bị mất tích một cách bí ẩn, chỉ cách chỗ anh ta đứng vài mét, bị trói trong bóng tối, gắng sức mở miếng dán bịt mồm.

Người ta thường bảo đây là một thế giới bệnh hoạn. Họ không biết tí gì cả.

Timothy Harper, nhân viên khám định pháp y hạt bước ra từ một phòng giống như cái gara, cầm một phong bì nhựa lớn có dây buộc quanh. Ông ta đưa cho Carlson hồ sơ khám nghiệm tử thi có tên Elizabeth Beck trên đó.

“Anh phải ký vào mới mượn được,” Harper nói.

Carlson ký vào tờ đơn.

“Beck không bảo với ông tại sao anh ta muốn xem nó?” Carlson hỏi.

“Anh ta nói về một người chồng đau đớn khổ sở và điều gì đó về kết thúc, nhưng ngoài chuyện đó...” Harper nhún vai.

“Anh ta có hỏi ông điều gì khác về vụ án không?”

“Không có gì đặc biệt.”

“Thế còn những thứ không đặc biệt?”

Harper nghĩ một lát. “Anh ta hỏi tôi có nhớ ai nhận dạng thi thể không.”

“Ông có nhớ không?”

“Không, đầu tiên thì không.”

“Ai nhận dạng cô ấy?”

“Cha cô ấy. Rồi anh ta hỏi tôi mất bao lâu?”

“Cái gì mất bao lâu?”

“Nhận dạng.”

“Tôi không hiểu.”

“Nói thật là tôi cũng không. Anh ta muốn biết cha cô ấy có nhận dạng được ngay lập tức không hay phải mất một vài phút.”

“Tại sao anh ta lại muốn biết chuyện đó?”

“Tôi không biết.”

Carlson cố hiểu xem tại sao lại thế, nhưng không nghĩ ra được gì. “Ông trả lời anh ta thế nào?”

“Sự thật thôi. Tôi không nhớ. Tôi cho rằng ông ta nhận dạng trong một khoảng thời gian bình thường nếu không tôi đã nhớ rõ hơn rồi.”

“Còn gì nữa không?”

“Không, thực sự,” ông ta nói. “Nghe này, nếu chúng ta xong ở đây rồi, tôi còn hai đứa nhóc lao nát một chiếc Civic vào cột điện cao thế đang đợi tôi.”

Carlson nắm chặt hồ sơ trong tay mình. “Ừ,” anh ta nói. “Chúng ta xong rồi. Nhưng nếu tôi cần gặp ông?”

“Tôi ở văn phòng.”

Peter Flannery, luật sư hành nghề đang tôtô mấy chữ cái màu vàng phai lên lớp kính mờ trên cửa. Có một cái lỗ trên kính to bằng nắm đấm. Ai đó đã đắp lên đó một miếng băng dính màu xám. Miếng băng dính trông đã cũ.

Tôi kéo vành mũ thấp xuống. Người tôi đau đớn âm ỉ sau khi trải qua thử thách với tên châu Á bự con. Chúng tôi đã nghe thấy tên tôi trên đài phát thanh cho bạn đi vòng quanh thế giới trong vòng hai mươi hai phút. Tôi chính thức bị truy nã.

Khó mà che đậy được. Tôi đang gặp rắc rối cực lớn vậy mà tất cả những chuyện đó có vẻ xa xôi một cách kỳ lạ, như thể nó đang xảy ra với một ai đó mà tôi hầu như không hề quen biết. Tôi, tôi đây, cái thằng đứng ngay đây, không thèm quan tâm. Tôi chỉ có một mục tiêu duy nhất: tìm Elizabeth. Những thứ còn lại chỉ là phông nền thôi.

Tyrese đi cùng tôi. Chưa đến chục người rải rác ở phòng đợi. Hai đeo những chiếc vòng cổ tinh vi. Một với con chim trong lồng. Tôi không biết tại sao. Không ai buồn liếc lên nhìn chúng tôi, như thể họ cân nhắc nỗ lực ngước mắt lên nhìn chúng tôi xem có lợi ích gì không và quyết định, này, không đáng.

Cô lễ tân đội mái tóc giả gớm guốc nhìn chúng tôi như thể chúng tôi vừa chòi lên từ phía sau một con chó.

Tôi yêu cầu gặp Peter Flannery.

“Luật sư đang có khách hàng.” Cô ta không nhai kẹo cao su, nhưng gần như thế.

Tyrese bèn đến lo liệu. Như một pháp thuật gia với đôi tay khéo léo hết cỡ, anh ném ra một tập tiền mặt dày hơn cổ tay tôi. “Bảo với ông ta chúng tôi trả tiền thuê trước.” Rồi, cười toét, anh nói thêm, “Một cho cô nữa, nếu ngay bây giờ chúng tôi được vào gặp ông ta.”

Hai phút sau, chúng tôi được dẫn vào phòng riêng của Ngài Flannery. Căn phòng có mùi khói xì gà và Lemon Pledge. Đồ gỗ đóng thành bộ, loại bạn có thể tìm thấy ở Kmart hay Bradlees, sơn đen, giả gỗ sồi gỗ gụ đắt tiền vì thế tạo cảm giác chẳng khác gì một mớ tóc giả Las Vegas. Không có bằng tốt nghiệp nào trên tường, chỉ có thứ đồ dỏm ngớ ngẩn mà con người kê vào kia để gây ấn tượng với những kẻ dễ bị gây ấn tượng. Một bảng kỷ niệm tư cách hội viên của Flannery trong “Hiệp hội Thưởng rượu Thế giới”. Một bảng ghi chú hoa mỹ ông đã từng tham dự “Hội thảo về luật tại Long Island” năm 1996. Thành tựu lớn. Có những bức ảnh cũ mèm chụp Flannery khi còn trẻ cùng với cái mà tôi đoán hoặc là sao hoặc là chính trị gia địa phương, nhưng tôi không nhận ra ai cả. Một bức ảnh đấu golf của hai cặp chơi đặt trong khung-giống-gỗ chễm chệ oai nghiêm như một giải thưởng sau bàn làm việc.

“Rất hân hạnh,” Flannery nói với một cái vẫy tay vồn vã. “Xin mời ngồi, thưa các quý ông.”

Tôi ngồi xuống. Tyrese vẫn đứng, khoanh tay lại, và dựa vào bức tường phía sau.

“Vậy,” Flannery nói, kéo dài từ đó ra như đang nhai một miếng thuốc lá, “tôi có thể làm gì cho ông?”

Peter Flannery có vẻ bề ngoài của vận-động-viên-đã-thành-hạt-giống. Mái tóc từng một thời vàng óng của ông ta giờ đã mỏng và bỏ đi gần hết. Các nét trên khuôn mặt đã thay đổi. Ông ta mặc một bộ comlê gồm cả gilê bằng tơ nhân tạo - tôi đã không nhìn thấy một cái như thế từ lâu lắm rồi - và bộ quần áo thậm chí có một cái đồng hồ để túi được gắn vào sợi dây bằng vàng giả.

“Tôi cần hỏi ông về một vụ án cũ,” tôi nói.

Mắt ông ta vẫn mang màu xanh biếc của tuổi trẻ, và ông ta hướng chúng về phía tôi. Trên bàn, tôi nhìn thấy một tấm ảnh chụp Flannery và một phụ nữ béo ú cùng một đứa bé gái chừng khoảng mười bốn tuổi dứt khoát đang ở trong giai đoạn vật vã chuyển giao từ trẻ con thành người lớn. Họ đều mỉm cười, nhưng tôi thấy cả một cái cau mày ở đó nữa, như thể họ đang kết nối chuẩn bị chống lại một tai họa.

“Một vụ cũ?” ông ta nhắc lại.

“Vợ tôi đến gặp ông cách đây tám năm. Tôi cần biết gặp vì chuyện gì.”

Mắt Flannery liếc sang Tyrese. Tyrese vẫn đứng khoanh tay và cho ông ta thấy không gì khác hơn một cặp kính râm. “Tôi không hiểu. Đây có phải là một vụ ly dị không?”

“Không,” tôi nói.

“Vậy...?” Ông ta giơ hai tay lên và ném cho tôi cái nhún vai tôi-rất-muốn-giúp. “Bảo mật thông tin giữa luật sư-khách hàng. Tôi không biết làm thế nào tôi giúp ông được.”

“Tôi không nghĩ cô ấy là một khách hàng.”

“Ông làm tôi thấy khó hiểu, ông...” Ông ta đợi tôi điền vào chỗ trống.

“Beck,” tôi nói. “Và tôi là bác sĩ, không phải ông.”

Cái cằm đôi của ông ta trề ra khi nghe thấy tên tôi. Tôi tự hỏi có lẽ ông ta đã nghe các bản tin. Nhưng tôi không nghĩ là thế.

“Vợ tôi tên là Elizabeth.”

Flannery không nói gì.

“Ông nhớ cô ấy chứ?”

Một lần nữa ông ta lại liếc nhìn Tyrese.

“Cô ấy có phải là khách hàng không, ông Flannery?”

Ông ta hắng giọng. “Không,” ông ta nói. “Không, cô ấy không phải là khách hàng.”

“Nhưng ông nhớ đã gặp cô ấy?”

Flannery nhấp nhổm trong ghế. “Phải.”

“Hai người bàn luận chuyện gì?”

“Đã lâu lắm rồi, bác sĩ Beck.”

“Có phải ông đang nói là ông không nhớ?”

Ông ta không trả lời câu đó một cách trực tiếp. “Vợ ông,” ông ta nói. “Cô ấy bị giết, phải không? Tôi nhớ nhìn thấy chuyện gì đó như thế trên báo.”

Tôi cố tiếp tục chủ đề cũ. “Tại sao cô ấy lại đến đây, ông Flannery?”

“Tôi là một luật sư,” ông ta nói, và ông ta gần như hổn hển.

“Nhưng không phải của cô ấy.”

“Hơn nữa,” ông ta nói, cố gắng giành lấy chút ảnh hưởng, “tôi cần được bồi thường cho thời gian của tôi.” Ông ta ho vào nắm tay. “Ông đã đề cập một thứ gì đó về tiền đặt cọc trả trước.”

Tôi nhìn qua vai, nhưng Tyrese đang bước tới. Một xấp tiền được lôi ra và anh đang bóc ra những tập dollar. Anh ném ba tệp Ben Franklin lên bàn, ném cho Flannery một cái nhìn dữ dội qua cặp kính râm, rồi bước lại chỗ của mình.

Flannery nhìn số tiền nhưng không sờ vào chúng. Ông ta chắp đầu ngón tay với nhau rồi áp sát lòng bàn tay lại. “Giả sử tôi từ chối nói với ông.”

“Tôi không thấy vì sao ông sẽ làm thế,” tôi nói. “Liên lạc của ông với cô ấy đâu có bị rơi vào quyền cấm nói, phải không?”

“Tôi không nói đến chuyện đó,” Flannery nói. Mắt ông ta soi mói nhìn tôi và ông ta ngập ngừng. “Ông có yêu vợ không, bác sĩ Beck?”

“Rất nhiều.”

“Ông đã tái hôn chưa?”

“Chưa,” tôi nói. Rồi: “Chuyện đó thì có liên quan gì?”

Ông ta ngồi ngả ra sau. “Đi đi,” ông ta nói. “Cầm lấy tiền của ông và đi đi.”

“Chuyện này quan trọng, ông Flannery ạ.”

“Tôi không hình dung ra nổi. Cô ấy đã chết tám năm rồi. Kẻ giết cô ấy bây giờ sắp bị tử hình.”

“Ông sợ nói cho tôi biết điều gì?”

Flannery không trả lời ngay lập tức. Tyrese một lần nữa tách mình khỏi tường. Anh tiến lại gần bàn. Flannery nhìn dõi theo anh và làm tôi ngạc nhiên bằng một tiếng thở dài mệt mỏi. “Làm ơn cho tôi một việc,” ông ta nói với Tyrese. “Đừng làm điệu bộ, okay? Tôi đã đại diện cho những đứa thần kinh khiến anh trông giống như Mary Poppins.”

Tyrese trông như thể sẽ phản ứng lại, nhưng không ích gì. Tôi gọi anh. Anh nhìn tôi. Tôi lắc đầu. Tyrese lùi lại. Flannery đang kéo kéo môi dưới của ông ta. Tôi để ông ta làm thế. Tôi có thể đợi.

“Ông không muốn biết đâu,” ông ta nói với tôi sau một lúc.

“Có, tôi muốn.”

“Nó không thể đưa vợ ông quay lại.”

“Biết đâu nó có thể,” tôi nói.

Câu đó khiến ông ta chú ý. Ông ta cau mày nhìn tôi, nhưng rồi lại giãn ra.

“Làm ơn,” tôi nói.

Ông ta xoay ghế sang một bên rồi nghiêng lại, đăm đăm nhìn vào những cái rèm cửa sổ đã ngả sang màu vàng và xấu xí đi vào thời điểm nào đó trong suốt vụ Watergate. Ông ta chắp tay lại và để lên bụng. Tôi nhìn tay ông ta lên cao rồi xuống thấp khi ông ta thở.

“Khi đó tôi là một luật sư biện hộ cho công chúng,” ông ta bắt đầu. “Ông biết đó là gì chứ?”

“Ông bênh vực người nghèo,” tôi nói.

“Kiểu thế. Quyền Miranda - chúng đề cập đến quyền được xin ý kiến luật sư nếu anh có đủ tiền mà trả. Tôi là gã anh sẽ có được khi anh không có đủ tiền.”

Tôi gật đầu, nhưng ông ta vẫn nhìn cái rèm cửa.

“Tuy nhiên, tôi được giao cho một trong những phiên tòa xử vụ giết người đình đám nhất trong bang.”

Thứ gì đó lạnh ngắt chui vào bụng tôi.

“Của ai?” tôi hỏi.

“Brandon Scope. Con trai tỉ phú. Anh có nhớ vụ đó không?”

Tôi lạnh cứng, kinh hãi. Tôi gần như không thở nổi. Cái tên ít nhiều gây ngạc nhiên của Flannery nghe quen quen. Brandon Scope. Tôi suýt lắc đầu, không phải vì tôi không nhớ vụ đó, mà vì tôi muốn ông ta nói bất cứ điều gì ngoại trừ cái tên đó.

Để cho rõ ràng, tôi xin cung cấp vài thông tin cơ bản cho bạn: Brandon Scope, ba mươi ba tuổi, bị cướp và giết cách đây tám năm. Phải, tám năm trước. Có lẽ khoảng hai tháng trước khi Elizabeth bị giết. Anh ta bị bắn hai phát và xác bị quăng gần một công trường ở Harlem. Tiền bị mất. Báo chí véo von mãi về sự kiện này. Họ ca ngợi hết lời việc làm từ thiện của Brandon Scope. Họ kể anh ta giúp đỡ bọn trẻ đường phố như thế nào, anh ta thích làm việc với người nghèo hơn là điều hành tập đoàn đa quốc gia của bố anh ta như thế nào, ba cái trò kiểu đó. Đó là một trong những vụ giết người làm “rung chuyển cả đất nước” và dẫn đến hàng đống chỉ trỏ, siết tay. Một quỹ từ thiện đã được thành lập mang tên anh chàng họ Scope trẻ tuổi. Chị gái tôi, Linda, điều hành quỹ đó. Bạn sẽ không tin những việc tốt mà nó làm ở đó đâu.

“Tôi có nhớ,” tôi khẽ nói.

“Anh có nhớ đã bắt được một tên không?”

“Một thằng nhóc đường phố,” tôi nói. “Một trong những đứa anh ta giúp đỡ, phải không?”

“Phải. Họ bắt Helio Gonzalez, khi đó hai mươi hai tuổi. Một khách cư trú tại Barker House ở Harlem. Có một bảng kết án trọng tội đọc như tiểu sử sự nghiệp của một nhân vật trong Hội Danh nhân. Cướp có vũ khí, cố ý gây hỏa hoạn, hành hung, ánh dương chói lóa thực sự, Ngài Gonzalez của chúng ta.”

Miệng tôi khô ran. “Chẳng phải những lời buộc tội cuối cùng cũng bị bác bỏ là gì?” tôi hỏi.

“Phải. Thực ra họ không có nhiều chứng cớ lắm. Dấu vân tay của nó được tìm thấy tại hiện trường, nhưng cũng đầy dấu vân tay của những kẻ khác. Có vài cọng tóc của Scope và thậm chí cả một vết máu đúng là của Scope được tìm thấy chỗ Gonzalez sống. Nhưng Scope trước đó có đến khu nhà này. Chúng ta có thể dễ dàng chứng minh sự hiện diện của mấy cái thứ kia ở đó. Tuy nhiên, họ cũng có đủ bằng chứng để bắt giữ, và cảnh sát chắc chắn có thứ gì đó sẽ được phát hiện ra nữa.”

“Vậy chuyện gì đã xảy ra?” tôi hỏi.

Flannery vẫn không nhìn tôi. Tôi không thích điều đó. Flannery là loại người sống vì thế giới những đôi giày bóng loáng Willy Loman và giao tiếp bằng mắt. Tôi hiểu kiểu người đó. Tôi không muốn dính dáng gì tới họ, nhưng tôi hiểu họ.

“Cảnh sát biết được chính xác giờ chết,” ông ta nói tiếp. “Bác sĩ pháp y đưa ra một tờ tổng kết kết quả khám nghiệm hoàn hảo, tìm được nhiệt độ của gan. Scope bị giết lúc 11 giờ. Có thể đẩy đi sớm hoặc muộn hơn nửa giờ, nhưng là khoảng đó.”

“Tôi không hiểu,” tôi nói. “Chuyện này thì có liên quan gì đến vợ tôi?”

Ông ta lại chắp những đầu ngón tay. “Tôi biết vợ ông cũng làm việc với người nghèo,” ông ta nói. “Trên thực tế còn là cùng văn phòng với nạn nhân.”

Tôi không hiểu chuyện này sẽ dẫn tới đâu, nhưng tôi biết mình sẽ không thích. Trong một giây lướt qua, tôi tự hỏi liệu Flannery có đúng, liệu tôi có thực sự không muốn nghe điều mà ông ta phải nói, liệu tôi chỉ nên lôi mình đứng lên khỏi ghế và quên tất cả chuyện này đi. Nhưng tôi nói, “Thế thì sao?”

“Thật cao quý,” ông ta khẽ gật đầu nói. “Làm việc với những kẻ bị áp bức.”

“Rất mừng khi ông nghĩ thế.”

“Đó chính là lý do trước tiên tôi đi vào ngành luật. Để giúp người nghèo.”

Tôi nuốt mật xuống và ngồi thẳng lên một chút. “Ông cảm phiền nói cho tôi biết vợ tôi thì có liên quan gì đến những chuyện này?”

“Cô ấy cho nó tự do.”

“Ai?”

“Khách hàng của tôi. Helio Gonzalez. Vợ anh cho nó tự do.”

Tôi nhíu mày. “Như thế nào?”

“Cô ấy cho nó một chứng cớ ngoại phạm.”

Tim tôi ngừng lại. Phổi tôi cũng thế. Tôi gần như phải nện vào ngực để những bộ máy bên trong hoạt động trở lại.

“Làm thế nào?” tôi hỏi.

“Làm thế nào cô ấy cho nó một chứng cớ ngoại phạm?”

Tôi đờ đẫn gật đầu, nhưng ông ta vẫn không nhìn. Tôi rền rĩ thốt ra một tiếng phải.

“Đơn giản,” ông ta nói. “Cô ấy và Helio ở cùng nhau trong khoảng thời gian nghi vấn.”

Trí óc tôi bắt đầu phiêu bạt, trôi lênh đênh trên đại dương, không có phao cứu hộ nào để mà với nổi. “Tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều nào về chuyện này trên báo chí cả,” tôi nói.

“Nó được giữ kín.”

“Tại sao?”

“Trước hết, do vợ anh yêu cầu. Và văn phòng công tố viên không muốn lần bắt bớ sai lầm của họ được phổ biến rộng rãi. Vì vậy nó được giữ kín hết mức có thể. Thêm vào đó, à ừm, có vấn đề với lời khai của vợ anh.”

“Vấn đề gì?”

“Đại khái lúc đầu cô ấy nói dối.”

Càng phiêu bạt hơn. Chìm xuống dưới. Nổi lên trên. Phiêu bạt. “Ông đang nói cái gì thế?”

“Vợ anh khẳng định rằng cô ấy đang làm công việc tư vấn gì đó với Gonzalez tại văn phòng quỹ từ thiện vào thời điểm xảy ra vụ án mạng. Không ai thực sự tin chuyện đó.”

“Tại sao không?”

Ông ta nhướng mày nghi hoặc. “Tư vấn công việc vào lúc 11 giờ đêm?”

Tôi đờ đẫn gật đầu.

“Vì vậy với tư cách luật sư bào chữa cho ngài Gonzalez, tôi nhắc nhở vợ anh rằng cảnh sát sẽ điều tra chứng cớ ngoại phạm của cô ấy. Rằng, chẳng hạn, văn phòng tư vấn có camera quan sát và có băng quay người ra vào. Lúc đó cô ấy mới thẳng thắn.”

Ông ta dừng lại.

“Tiếp đi,” tôi nói.

“Rõ ràng rồi còn gì?”

“Nói rõ cho tôi.”

Flannery nhún vai. “Cô ấy muốn tránh cho chính cô ấy và ông, tôi đoán, sự nhục nhã. Đó là lý do vì sao cô ấy khăng khăng đòi giữ bí mật. Cô ấy ở chỗ của Gonzalez, bác sĩ Beck ạ. Họ đã ngủ với nhau được hai tháng rồi.”

Tôi không phản ứng. Không ai nói gì. Xa xa, tôi nghe tiếng một con chim quác quác. Chắc hẳn là con chim trong phòng đợi. Tôi đứng lên. Tyrese lùi lại một bước.

“Cám ơn ông đã dành thời gian,” tôi nói bằng giọng bình tĩnh nhất mà bạn từng được nghe.

Flannery gật đầu với cái rèm cửa sổ.

“Đó không phải là sự thật,” tôi nói với ông ta.

Ông ta không đáp lại. Nhưng rồi một lần nữa, tôi đã không hy vọng là ông ta sẽ đáp lại.