Đừng Học Tiến Sĩ Sẽ Thoát Ế

Chương 3: Vận Mệnh Là Một Thi Sĩ Đùa Bỡn Lòng Người

"Cậu không muốn gặp lại người này dù online hay offline, cút xuống địa ngục đi!"

- ----------------------------------

Vào đêm trước khi quốc khánh kết thúc, Văn Địch đã hoàn thành tài liệu cho đơn ứng cử của người hướng dẫn, thu xếp xong cho lễ bảo vệ học bổng, sắp xếp lại thông tin của những sinh viên được đề cử và sửa xong bản thảo.

Cậu ngủ say như chết. Cái lễ quốc khánh chết tiệt này đã đánh bay nửa cái mạng của cậu. Mới nãy cậu cân thử thấy bản thân sụt mất ba cân.

Cậu lăn xuống giường, đi ra phòng khách ngồi phịch xuống ghế sofa, dựa người vào gối, mở điện thoại, không có tin nhắn mới. Thật đáng mừng.

Cậu chợt nhớ tới điều gì đó, hình như hàng xóm không có động tĩnh gì.

Sau khi gửi lời nguyền, cậu tưởng rằng đối phương sẽ nhanh chóng trả lời nhưng không ngờ người đấy yên lặng suốt kỳ nghỉ.

Buổi tối về nhà cũng không nghe thấy tiếng vĩ cầm giết người kia.

Chẳng lẽ Shakespeare hiển linh, lời nguyền có hiệu lực?

Không hổ là người thầy tâm linh của cậu.

Văn Địch càng nghĩ càng thấy sáu câu bút tích của thần kia cục súc nhưng không đê tiện, tinh vi mà đầy uy lực. Khí thế chửi xéo gió thét sấm rền, uy vũ có thừa.

Ngay cả lời nguyền cũng thanh nhã đến vậy thế mà thằng ngu hàng xóm ếch ngồi đáy giếng kia hiểu được cái gì?

Văn Địch đi đến tủ lạnh lấy chai nước trái cây, ngồi phịch xuống ghế sofa lần nữa, hài lòng uống một hớp, tận hưởng giây phút bình yên.

Một lúc sau, ngoài hành lang vang lên tiếng bước chân, Văn Địch liếc đồng hồ, chắc là Vu Tĩnh Di tan tầm về nhà.

Cô ấy dạy IELTS 1 – 1 ở một trung tâm du học, có kỳ nghỉ khác với người bình thường, quốc khánh là lúc bận nhất, thêm chuyện đang chuẩn bị thi công chức khiến cô bận rộn bất kể ngày đêm. Thấy Văn Địch híp mắt mơ màng, cô cực kỳ ghen tị, bỏ chìa khóa vào cái bát nhỏ ở cửa, đi vào phòng khách, ngồi xuống đối diện Văn Địch: "Còn sống không?"

Văn Địch gật đầu.

"Mấy nay không vô tình đụng trúng hàng xóm chứ?"

Văn Địch lại gật đầu. Cậu hèn, không dám đứng mắng trước mặt người ta. Mấy nay trước khi ra khỏi nhà cậu đều áp tai lên cửa, xác nhận hành lang không một tiếng động mới dám vặn chốt đi ra. Rõ ràng là nhà mình mà đi ra cửa lại phải thậm thụt như ăn trộm, nghĩ tới là tức.

Vu Tĩnh Di hỏi: "Hai ngày qua có nghỉ ngơi được không? Tính làm gì?"

Văn Địch tính ngày, ngồi thẳng dậy: "Hỏi bạn cấp ba về hình học phức, xem có hiểu thêm chút gì không, sau giờ học còn có cớ bắt chuyện."

Vu Tĩnh Di nhìn cậu như nhìn bệnh nhân tâm thần, lúc lâu sau mới thở dài: "Ông lại thế nữa rồi."

Văn Địch bất mãn: "Tôi thế nào?"

"Mỗi lần ông thích ai đấy, người kia còn chưa thể hiện thái độ ông đã hận không thể móc nguyên bộ lòng ra trao đối phương, cực kỳ có hiếu với trai." Vu Tĩnh Di nói, "cố mà sửa cái tật xấu khi yêu này đi."

"Đó là chuyện cấp ba và đại học, giờ tôi trưởng thành rồi." Văn Địch giơ hai ngón tay lên thề.

"Ông không mua cuốn "Nhập môn Hình học Phức"?"

"Sách cũ được giảm 30%."

"Ông không đi Tam Giáo dự thính?"

"Thầy ấy có hai lớp, tôi chỉ nghe một lớp thôi!" Văn Địch tự bào chữa, "Lớp còn lại là Hình học Đại số, là hướng nghiên cứu của thầy ấy, nhưng bạn của tôi lại nói Hình học Đại số khó quá."

"Thế ông hiểu Hình học Phức?"

"Hồi cấp ba tôi học mấy môn tự nhiên cũng ổn..."

Vu Tĩnh Di thở dài: "Nếu ông thích người ta đến thế thì mạnh dạn lên thử xem, thấy người ta thì tiến tới bắt chuyện liền. Đi đường vòng lớn vậy chẳng biết bao giờ mới làm quen được với người ta."

"Tôi cũng nghĩ như vậy!" Văn Địch vừa buồn vừa sầu: "Nhưng tôi không học Toán thì bắt chuyện kiểu gì? Lỡ đâu thầy ấy nhìn ra việc tôi muốn làm quen thì sao?"

Chưa chắc thầy đã là gay. Thái độ của mấy tên trai thẳng đại học T này rất vi diệu. Có người bình tĩnh chấp nhận, có người thờ ơ, có người né tránh ---- nếu không vì bạn cùng ký túc xá nghiên cứu sinh kỳ thị đồng tính, luôn lườm nguýt cậu thì Văn Địch cũng không chuyển ra. Ký túc xá rẻ mà.

Nếu thầy thuộc loại thứ ba, hấp tấp tấn công sẽ bị ánh mắt hình viên đạn của người ta đục vài lỗ vào tim, còn không phải ư?

Hỏi bài vẫn là một cái cớ tốt hơn nhiều.

"Được rồi," Vu Tĩnh Di nói, "Lần này mà thất tình thì đừng có như lần trước, giết địch tám mươi tự hại một nghìn."

Văn Địch đau đớn: "Đừng có rủa tôi chứ."

Vu Tĩnh Di lắc đầu thở dài rời đi, để Văn Địch ngồi đó, tận hưởng giây phút nghỉ ngơi, đáng tiếc khoảng thời gian vui vẻ đó chẳng kéo dài được nhiêu, đầu óc mới trống rỗng chưa lâu thì một tin nhắn mới nhảy ra. Lưu già nói: PPT của buổi tọa đàm ngày mai phải sửa nhiều chỗ, tôi gửi cậu ghi chú rồi đấy, sáng mai gửi lại cho tôi.

Rồi còn một cái nữa: Có vài bài luận văn phải xét duyệt, tôi gửi cậu, tuần tới gửi lại cho tôi.

Ngọn núi lửa ngủ say trong Văn Địch lập tức bùng nổ, cậu nhảy dựng lên hét "ĐỆT CỤ!"

Cậu còn chưa được nghỉ đủ hai tiếng, đến con la thồ hàng còn được nghỉ nhiều hơn cậu!

Văn Địch nghiến răng nghiến lợi hồi lâu mới vừa chửi vừa lấy máy tính ra.

Cóc, bọ, dơi.

Trường đại học tổ chức các buổi tọa đàm hàng tuần, mời các giảng viên trong và ngoài trường tới giới thiệu nghiên cứu, mở rộng tầm nhìn của sinh viên, Lưu già sẽ giảng về "Hoàn cảnh kịch nghệ thời đại Shakespeare và Thang Hiển Tổ", poster dán trong trường ba tuần rồi mà chẳng mấy ai đăng ký.

Văn Địch vừa đánh máy vừa thở dài, hóa ra chỉ là sửa nội dung, nhưng sau đó cậu thấy bố cục không hợp mắt nên điều chỉnh cỡ chữ, giảm số chữ trên mỗi trang, sau đó cậu thấy phông nền không đẹp, ảnh không nét sẽ khiến người xem khó chịu, lại đổi ảnh.

Làm đến nửa đêm, Văn Địch mơ màng thiếp đi với lòng căm thù người hướng dẫn.

Đến khi tỉnh giấc, Văn Địch kiểm tra tài liệu, gửi cho Lưu già, vốn tưởng rằng tra tấn sẽ kết thúc ở đây, nhưng ai ngờ đâu sắp tới giờ tọa đàm, Lưu già đột nhiên gửi mấy tin nhắn. Đại khái là ông ta bị kẹt xe, bảo cậu tới phòng học bật PPT lên. Phần đầu có một video giới thiệu về kịch thời trung cổ, bảo cậu phát video để câu giờ cho ông ta.

Văn Địch cực kỳ muốn bẻ đầu cha nội này. Hai năm gần đây đại học T luôn có nghiên cứu sinh nhảy lầu, uống thuốc tự tử, đúng là không có lửa làm sao có khói. Nếu không phải gia đình cậu có tư tưởng sống lạc quan, cậu lại có khả năng chịu áp lực lớn và một ý chí sắt đá thì sao có thể trụ tới bây giờ.

Cóc, bọ và dơi.

Nhìn đồng hồ, nhận ra buổi tọa đàm sắp bắt đầu, Văn Địch vừa chúc gia đình người hướng dẫn sớm ngày gặp nạn vừa bật dậy cầm balo lao ra khỏi nhà, chạy như điên tới phòng học, lấy USB ra, giải thích rằng giảng viên đang bị kẹt xe, chuẩn bị tải PPT lên.

Sau đó cậu phát hiện ra một thứ gì đấy.

Có một cái USB đang cắm trong máy tính, chắc là giảng viên trước đấy để quên.

Văn Địch rút USB ra, nhìn thấy tờ giấy ghi chú dán trên đấy ghi: Khoa Toán, Biên Thành.

Cậu ngẩn người, hạnh phúc ập tới như sóng thần.

Đây đúng là ý trời! Cậu đã làm việc quần quật một thời gian dài để nghiên cứu cách bắt chuyện đấy. Chẳng phải cơ hội đã tới rồi sao?

Sao Thủy nghịch hành lâu như vậy, cuối cùng ông trời cũng thương xót, quyết định bồi thường cho cậu!

Văn Địch dừng niệm "cóc, bọ và dơi" trong đầu.

Cậu mở PPT lên và bắt đầu phát video. Coi như Lưu già vẫn giữ được hình tượng diễn giả của ông ta, bước vào trước khi video kết thúc.

Văn Địch lấy chiến lợi phẩm, rút lui sau chiến thắng, tạm thời ---- tạm thời ---- biết ơn người hướng dẫn.

Về đến nhà, cậu lấy USB ra, ngắm nghía một hồi rồi vui vẻ mở máy tính, ngâm nga viết email:

Chào thầy Biên,

Thưa thầy, em là nghiên cứu sinh tiến sĩ khoa Ngoại ngữ. Em nhặt được một cái USB ở Tam Giáo, nhận ra đây là đồ thầy làm mất. Em tìm thấy địa chỉ email của thầy trên trang web chính thức của khoa Toán nên em gửi email này với mong muốn trả lại USB cho thầy. Không biết thầy rảnh khi nào ạ?

Cậu thấp thỏm nhấn nút gửi, tâm trạng hệt như lần đầu tiên gửi bài báo tới tạp chí C.

Cầm điện thoại, đung đưa chân, qua nửa tiếng có tiếng thông báo "bạn có email mới".

Nhanh thế!

Hòm thư của các giảng viên nhận được nhiều email khác nhau từ các biên tập viên tạp chí, sinh viên và các phòng ban mỗi ngày. Phản hồi này gần như là tốc độ ánh sáng rồi.

Văn Địch đứng dậy, cậu hưng phấn quá.

Mở email, trong đó chỉ viết vài câu, ngôn từ lịch sự và trang trọng.

Chào bạn học,

Cảm ơn vì đã liên lạc với tôi. Trong USB có nhiều tệp tin quan trọng, sau khi làm mất tôi đã rất lo, không ngờ có thể tìm lại nhanh đến vậy. Sáng mai tôi có tiết thứ tư, chúng ta có thể gặp nhau lúc 11 rưỡi ở cửa Tam Giáo, không biết cậu rảnh không? Hoặc cậu có thể gửi tôi giờ tiện cho cậu, chúng ta hẹn lại.

Văn Địch đọc từ đầu đến cuối ba lần, tự động thay thế thành giọng thầy trong tiết giảng.

Cậu đã quen với phong cách giao tiếp tự hỏi tự đáp của Lưu già, không ngờ trên thế giới này còn có giảng viên sẵn lòng thương lượng với sinh viên. Sau cú sốc cậu liền cảm thấy ghen tị --- nghiên cứu sinh được học Biên Thành may mắn quá đi mất!

Thầy ấy thông minh, tài hoa, lễ độ. Trần đời này có một người đàn ông phù hợp với hình mẫu lý tưởng của cậu đến thế vậy yêu mù quáng thì có sao!

Cậu lập tức trả lời lại, đồng ý thời gian và địa điểm mà đối phương đề nghị, gào rú trong lòng.

Kể từ nay, cậu đã được nâng cấp một cách vẻ vang từ một người qua đường vô danh thành "sinh viên trả lại ổ USB".

Cậu ngâm nga, mở bài luận văn Lưu già gửi. Các giảng viên thường là người đánh giá của các tạp chí. Sau khi các biên tập viên tạp chí nhận được bài luận văn, họ sẽ tiến hành đánh giá sơ bộ. Những bài vượt qua vòng sơ tuyển sẽ được gửi đến người đánh giá để họ viết ý kiến phản biện, mà thường người đánh giá sẽ chuyển nhiệm vụ này cho sinh viên của họ. Đánh giá bài luận văn cũng được coi là một trong những công việc hàng ngày. Văn Địch mở bài nghiên cứu liên quan đến Brecht này và bắt đầu đọc trong đau đớn.

Cậu vừa gạch chân vừa thầm chửi bới mọi khía cạnh của bài luận văn.

Phạm vi nghiên cứu quá rộng, không thể đi sâu.

Thiếu mạch lạc, liên kết giữa các luận điểm đâu?

Nguồn thứ cấp quá nhiều, quá chủ quan, nguồn sơ cấp và tài liệu lịch sử đâu?

Tài liệu tham khảo quá lỗi thời, không thể phản ánh sự hiểu biết và đánh giá của giới học thuật hiện nay về các tác phẩm của Brecht.

Sau khi chỉ trích, cậu vừa say mê viết nhận xét vừa suy nghĩ, đọc bài người khác thấy nó như rác, nhưng lúc bắt tay vào viết mới hiểu viết ra được rác này cũng không dễ dàng.

Gõ được hai dòng, Văn Địch có một linh cảm chẳng lành.

Nỗi lo lắng tiềm ẩn này trôi nổi trong ý thức cậu, không cô đặc thành một hình thù, khiến người ta nơm nớp lo sợ.

Rốt cuộc nó là gì?

Ngón tay nhấn phím Enter như nhấn phải nút phát nhạc, tiếng đàn vĩ cầm ở nhà bên cạnh đột nhiên vang lên.

Văn Địch chửi "Đệt", giơ tay bịt tai lại. Khổ lắm mới có mấy ngày yên tĩnh, bây giờ lại tới rồi! Xem ra lời nguyền này không linh lắm!

Cậu cầm điện thoại, tức giận gõ chữ: [Còn chưa xong chuyện hả? Chơi vĩ cầm giữa ban ngày vào thứ Tư, cậu thất nghiệp à? Cuộc sống không có chuyện gì ý nghĩa để làm à?]

Hàng xóm: [Thứ Tư ban ngày ở nhà, cậu cũng rảnh đấy.]

Văn Địch: [Cho xin, tôi còn không được nghỉ lễ quốc khánh này. Cuối cùng cũng được nghỉ ngơi thì lại bị cậu chọc điên. Đừng có tra tấn người khác bằng thứ âm nhạc kém cỏi của cậu]

Hàng xóm: [Phải là thiên tài mới được chơi nhạc à?]

Hàng xóm: [Học cái gì cũng cần có quá trình tiến bộ từng ngày, nào có ai cầm đàn lên đã biết chơi đâu?]

Văn Địch: [Còn muốn tôi đợi cậu tiến bộ từng ngày hả? Cậu đúng là cái đồ điếc nhạc lý, tôi đã stress thì chớ cậu cứ cưa gỗ bên tai tôi! Tôi nói cậu hay, những thứ này là tài năng thiên bẩm, không có thì từ bỏ càng sớm càng tốt, đừng hại bản thân và những người xung quanh]

Khi gõ dòng này, Văn Địch cảm thấy nhói đau trong lòng. Cậu luôn thấy bản thân không có tài năng trên phương diện học tập, giáo viên cũng có nhận xét tương tự, nhưng đã chọn con đường này rồi thì phải kiên trì cất bước. Vừa bất lực vừa hối hận.

Hàng xóm: [Chắc con đường học tập của cậu từ nhỏ tới lớn xuôi chèo mát mái lắm.]

Văn Địch: [Cậu nói xàm cái gì vậy?]

Hàng xóm: [Những người có trình độ học vấn cao liền trở nên kiêu ngạo, phủ nhận nỗ lực của người khác, hạng người này tôi thấy nhiều rồi, nhất là ở đại học T.]

Văn Địch nghẹn thở. Tên này không những miệt thị cậu mà còn tiện đà chửi luôn trường cậu!

Toàn thân bị bao bọc trong lửa giận, cậu nhanh chóng bấm vào góc trên cùng bên phải và chặn người ta bằng một cú nhấn. Cậu không muốn gặp lại người này dù online hay offline, cút xuống địa ngục đi!

Chặn tài khoản rồi vẫn chưa hết giận, Văn Địch đứng dậy đi đi lại lại trong phòng. Khi cậu sắp điên lên thì một thông báo nhảy ra đã giúp cậu bình tĩnh lại.

"Bạn có email", thầy trả lời: Được, mai gặp.

Ba chữ ngắn gọn này giống như dòng nước suối mát lạnh dưới ánh mặt trời thiêu đốt, gột rửa đi sự khó chịu trong lòng Văn Địch.

Cậu cầm điện thoại lên, cảm thán sự chênh lệch giữa người với người.

Nếu mọi người trên thế gian đều lịch sự và lễ độ thế này thì tốt biết bao.

~~~~

Tên chương được trích từ:

"There"s a divinity that shapes our ends,

Rough-hew them how we will—"

– William Shakespeare《Hamlet》

Tạm dịch:

"Có vị thần nhào nặn cái kết của chúng ta,

Đẽo gọt sao để ta sẽ—"

– Trích từ "Hamlet" của William Shakespeare.