Tôi đã nhặt được anh bên cạnh thùng rác.

Lúc ấy, anh đang ngồi giữa một đống rác, vẻ mặt hoang mang. Trang phục cổ quái, lại thêm bụi bẩn, khiến không còn nhận ra màu sắc của trang phục nữa. Mặt mày lem nhem. Đầu đội mũ da, phía sau tết tóc đuôi sam dài.

Ôi, đóng phim thời Thanh sao? Đấy là phản ứng đầu tiên của tôi. “Này, anh vẫn ổn chứ?” Tôi hỏi.

Anh hoang mang nhìn tôi, cúi đầu, không nói gì.

Tôi vò vò tóc, gặp phải một người câm sao?

“Anh ngồi trong đó làm gì vậy?” Tôi không từ bỏ tiếp tục hỏi.

Anh vẫn không có bất kì phản ứng nào.

Tôi bĩu bĩu môi, nếu không phải vừa rồi lão đạo sĩ nói với tôi rằng người đầu tiên tôi gặp khi vừa bước ra khỏi cửa chính là cứu tinh hóa giải tai nạn cho tôi, tôi cũng chẳng buồn bận tâm.

“Anh đứng dậy xem nào!” Tôi tốt bụng kéo anh, anh hất tay tôi ra, tức giận trừng mắt lườm tôi một cái.

Hình như không phải bị câm, mà là bị mất trí, tôi tức tối nghĩ. Đạo sĩ kia không phải đang trêu mình đấy chứ. Tôi bắt đầu dao động.

Lúc này, tôi nghe thấy “ục” một tiếng, hình như là bụng “ai đó” đang kêu réo. Tôi vừa ăn cơm, vậy âm thanh ấy hiển nhiên không phải là từ bụng tôi phát ra.

Vậy là…..là anh? Tôi liếc nhìn anh một cái, thấy anh đang chăm chú quan sát mình.

Ánh mắt lạnh lùng, khiến toàn thân tôi run lên, vô thức đứng thẳng lưng, còn tỏ vẻ hoàn toàn không quan tâm nữa.

“Hừ!” Cuối cùng anh cũng đã chịu mở miệng. “Con gái mà ăn mặc thế này, đồi phong bại tục!”

Tôi bị anh nói xém chút nữa thì bắt đầu nghi ngờ khả năng thẩm mĩ của mình, cúi đầu nhìn lại mình một lượt.

Một chiếc áo len bó sát người, cổ trễ, vì để tránh cảm lạnh còn quàng một chiếc khăn rất dày, váy ngắn quần tất, khoác thêm áo choàng dài, phối với đôi giầy cao gót mũi nhọn.

Xì, có chỗ nào là không đoan trang đâu? “Đây là mốt của năm nay, anh thì biết gì chứ?” Tôi nổi cáu.

Anh không nhìn tôi nữa, chỉ điềm đạm nói: “Cô có gì ăn không?”

“Có!” Tôi trả lời rất tự nhiên, đồng thời lấy từ trong túi ra một thanh sôcôla Dove đưa cho anh, sau đó mới ngẩn người, tại sao tôi lại phải nghe lời, anh là cái gì mà dám cao giọng kiêu căng, ăn nói như đang sai phái kẻ hầu dưới chân mình thế!

Anh khó khăn bóc vỏ thanh kẹo, cắn một miếng, chau mày, “Ngọt quá!”

“…” Tôi nhịn.

“Khó ăn lại không đỡ đói.” Sau khi nếm thêm miếng nữa, anh mới từ từ thở ra lời đánh giá.

“Vậy sao anh còn ăn?” Tôi không thể nào nhịn hơn được nữa.

Anh mỉm cười, “Tôi không bao giờ lãng phí.”

Tôi: “…”

Anh nhanh chóng ăn nốt phần còn lại, có thể thấy anh đói tới mức nào, nhưng động tác lại vẫn rất nho nhã. Anh đưa trả tôi vỏ kẹo, “Còn nữa không?”

“Hết rồi!” Tôi cảm thấy mình đã bị điên, tự nhiên lại đứng trong gió rét để tiến hành “hỏi đáp” với một người mắc bệnh thần kinh.

“Ồ!” Anh nói, lại ngồi xuống.

Nhớ tới những lời của lão đạo sĩ, tôi đập đập trán, cố gắng mấy lần mới lên tiếng, “Tôi đưa anh đi ăn cơm.”

Đợi rất lâu, anh mới khe khẽ “ờ” một tiếng, vẻ mặt lãnh đạm, như thể đang nể mặt tôi lắm vậy.

Khóe miệng tôi giật giật, cố gắng kìm nén hành động trợn mắt lườm.

Anh đi trước, tôi để ý thấy anh mặc một chiếc trường bào màu xanh thẫm, giầy màu đen, hai tay chắp sau lưng, bước chân vững chắc mạnh mẽ.

Thấy tôi ngẩn ra, anh quay đầu, nhướn mày, “Đi trước dẫn đường.”

Tôi khóc không được cười chẳng xong, anh còn sai khiến tôi như nha đầu của mình nữa.

Bực bội thì bực bội, nhưng tôi cũng không dám đắc tội với anh. Vị đạo sĩ đã nói, người có thể hóa giải được tai nạn đổ máu của tôi chỉ có thể là người lạ đầu tiên mà tôi gặp khi ra khỏi cửa, mà bây giờ, vận mệnh nửa cuộc đời còn lại của tôi lại phụ thuộc vào anh, tôi có thể không lo được không?

“Anh… muốn ăn gì?” Tôi tốt bụng hỏi.

Anh ra vẻ suy tư, tôi bắt đầu hối hận vì mình đã lắm lời, thật sợ nếu anh buột miệng nói ra những từ đại loại như “chân gấu”, “Gan phượng”, …

“Lẩu đi!” Sau khi suy nghĩ nghiêm túc, anh nói.

Tôi thở phào nhẹ nhõm, ông trời vẫn còn thương tôi.

Tôi đưa anh đến quán lẩu Tiểu Phì Dương[1], nhưng bị nhân viên phục vụ chặn lại ở ngay cửa.

[1] Chuỗi cửa hàng lẩu dê lớn nhất Trung Quốc.

Đúng như dự liệu, tôi đã nghĩ ra đối sách.

“Tiểu thư, vị này trang phục không chỉnh tề, sợ sẽ ảnh hưởng tới việc dùng bữa của những vị khách khác, hai vị nên đến chỗ khác đi.”

Tôi cười hi hi rồi nói, “Mã nhân viên của anh là bao nhiêu?”

Anh ta sững lại: “Tiểu thư, cô đừng làm khó tôi, tôi cũng chỉ đi làm thuê thôi.”

“Tôi không làm khó anh, chúng tôi sẽ đi ngay, chỉ là tôi sẽ nhớ mã nhân viên của anh, cứ cách vài ngày sẽ kiện một lần, anh khiến tôi không vui, tôi cũng sẽ không cho anh được thoải mái.” Tôi điềm đạm nói, khóe miệng cong lên cười.

Nhân viên phục vụ do dự một lát, rồi nói với giọng không cam tâm tình nguyện: “Mời hai vị vào.”

Suốt quãng thời gian đó, người kia không nói không rằng, chỉ đến khi ngồi vào ghế, mới liếc tôi một cái đầy ẩn ý và cười.

Tôi liên tục thở dài trong lòng, anh chàng phục vụ đáng thương, tôi không định đấu với anh ta, anh ta chỉ nói người này “trang phục không chỉnh tề” cũng là đã nể mặt tôi lắm rồi.

“Anh gọi món đi!” Tôi đẩy cuốn thực đơn tới trước mặt anh.

Anh liếc mắt nhìn vài giây, nhíu mày lại, đẩy trả tôi: “Cô gọi đi!”

Cũng được, như thế tôi sẽ kiểm soát được túi tiền của mình. Không phải tôi keo kiệt, nhưng tôi đã ăn no rồi mới ra ngoài, vô duyên vô cớ mời một người không quen biết đi ăn, huống hồ, tiết kiệm là truyền thống tốt đẹp của cả dân tộc, tôi phải kế thừa.

Tôi cười hắc hắc, liền cố gắng khoanh vùng tìm những món ăn có giá tương đối rẻ, thịt dê thịt bò gọi cho có lệ thôi.

Sau khi đồ ăn được mang lên, anh cũng chẳng phàn nàn gì.

Đầu tiên cầm cốc bia trên bát uống ực một hớp rồi chau mày nhổ ra: “Mùi vị của thứ nước này thật kì quái.”

Các vị khách ở những bàn xung quanh đều quay sang nhìn anh như nhìn quái vật.

Tôi vội nói: “Vậy anh uống trà đi!”

Anh nho nhã gắp thức ăn, rồi ngửa cổ, uống một hớp trà nhài loại rẻ tiền.

“Mùi vị thế nào?” Tôi hỏi.

“Chẳng ra sao cả” Anh vẫn cầm đũa trên tay.

Tôi khẽ cười: “Tôi thấy anh ăn rất hào hứng.”

“Miễn cưỡng thôi.”

Rõ ràng là được lợi còn tỏ vẻ, tôi dở khóc dở cười.

Tôi nhìn bộ trang phục kì dị trên người anh, trề môi: “Anh thích Cosplay?”

“Cái gì?” Anh hỏi lại vẻ không hiểu, xem ra không giống giả vờ.

Tôi cũng không giải thích gì thêm.

“Ăn no chưa?”

“Ừm!”

Tôi gọi phục vụ tới thanh toán, vẻ mặt anh ta rõ ràng là nhẹ hẳn đi.

Ra khỏi quán lẩu, tôi bắt đầu suy nghĩ.

Vị đạo sĩ xem cho tôi chỉ đưa ra lời khuyên, song lại không nói cho tôi biết tiếp theo phải làm gì? Không thể bắt tôi một ngày hai mươi tư tiếng đồng hồ đi theo anh được.

Đang đau đầu, anh nặng nề đẩy tôi một cái: “Cẩn thận!”

Một chậu hoa rất to từ trên trời rơi xuống, “hạ cánh” ngay chỗ tôi vừa đứng.

Tôi trợn mắt há mồm, anh quả nhiên là cứu tinh của tôi.

“Không sao chứ?” Anh điềm đạm hỏi.

Tôi không nói được gì, túm chặt lấy tay áo anh, thở dốc sợ hãi.

Anh thản nhiên hất tay tôi ra, “Đa tạ sự khoản đãi của cô nương, tôi cũng phải đi rồi.”

Tôi cuống lên: “Anh định đi đâu?”

Anh quay hẳn người lại nhìn tôi: “Về nơi mà tôi nên về.”

Tôi bóp trán, định đánh đố tôi, không biết bổn cô nương đây dốt nhất là môn ấy sao? Tôi vừa nghĩ đối sách vừa thăm dò hỏi: “Vậy tối nay anh ở đâu?”

Anh im lặng.

Nhân cơ hội đó, tôi nói tiếp: “Hay là tạm thời ở lại chỗ tôi đi, lúc nào muốn, anh có thể đi, tôi không cản.”

“Cô nam quả nữ, thế còn ra thể thống gì!” Anh nghiêm khắc đáp.

Tôi há miệng mắc quai, gặp phải ông già khốt ta bít rồi, tôi lại không phải là đối thủ.

Anh chầm chậm đi về phía trước.

Tôi trầm mặc theo sau.

Khả năng nhớ đường của anh rất khá, trước đó tôi đưa anh đi qua hết đường to ngõ nhỏ, rẽ bảy tám con phố mới đến quán lẩu dê, ngay cả tôi còn thấy đầu óc quay cuồng, vậy mà bây giờ anh dễ dàng đưa tôi quay về chỗ thùng rác ban đầu.

Anh thản nhiên vén áo ngồi xuống.

Tôi không muốn dây bẩn, nên cứ đứng nghệt ra một bên, cắn chặt môi dưới.

Rất lâu sau, khi kết thúc cảnh mắt bé mắt lớn nhìn nhau, anh đột nhiên hỏi: “Quý tính của cô nương?”

Tôi kinh ngạc, nhưng vẫn trả lời: “Tôi họ Niên”

“Ồ!” Anh thốt lên rồi im lặng không nói gì nữa.

Tôi tò mò hỏi: “Anh vẫn ở đây à?”

“Đúng thế, dù ban ngày đi đâu chăng nữa, tối nào tôi cũng phải quay về đây.” Đây dường như là câu dài nhất mà anh nói.

“Đây là nơi mà anh nên quay về ư?” Tôi nói như không thể tin được.

“Tôi đi ra từ đây, có lẽ cũng có thể quay về được từ đây.” Anh cúi đầu trầm ngâm.

Tôi lắc đầu, rồi lại gật đầu, không hiểu lắm những gì anh nói, nhưng lại không muốn để anh biết.

Không biết vì sao, rõ ràng quần áo anh bẩn thỉu rách rưới, bộ dạng nhếch nhác chán nản, nhưng lại gây cho tôi cảm giác rất căng thẳng.

Muốn thuyết phục một người như thế này, e rằng không dễ.

Đúng lúc tôi đang lung túng không biết bắt đầu từ đâu, thì anh nói: “Nếu tôi theo cô về, cô có thể tìm cho tôi một công việc không?”

Hai mắt tôi sáng lên, tôi vội nói: “Không vấn đề.”

“Vậy đi thôi!” Anh đột nhiên thay đổi thái độ, khiến tôi có chút không thích ứng kịp.

“Hối hận rồi?” Anh nhướn mày nhìn tôi.

“Đương nhiên là không.” Nếu nói ban đầu tôi còn có chút nghi ngờ lời của vị đạo sĩ kia, sau sự việc cái chậu hoa, tôi đã hoàn toàn tin tưởng lời ông ta. Vì nghĩ cho cái mạng này, tôi không thể không đưa anh về.

Lên taxi, tôi đọc địa chỉ, rồi ngồi ôm túi suy nghĩ về hành động điên khùng của mình.

Nếu để mẫu thân đại nhân biết tôi đưa một người đàn ông về nhà, hơn nữa lại còn là một người đàn ông lạ vừa mới quen chưa được hai tiếng đồng hồ, có lẽ bà sẽ lập tức lao đến mà ăn tươi nuốt sống tôi.

Vô tình nghiêng đầu, thấy anh đang ngẩn người nhìn ra ngoài cửa xe.

Lúc này xe đi ngang qua quảng trường Nhân Dân, xe cộ đi lại như mắc cửi, ồn ào tấp nập, đèn đuốc sáng trưng, đèn neon nhấp nháy, náo nhiệt khác thường.

Nghĩ chắc anh từ quê ra, chưa từng thấy cảnh này bao giờ, tôi buồn cười hỏi: “Quê anh ở đâu?”

Anh do dự: “Rất xa”

Tôi cười cười, không định hỏi tiếp, ai chẳng có bí mật nhỏ của riêng mình chứ.

Tôi mua một căn hộ chung cư gần chùa Tĩnh An, nhỏ nhưng đầy đủ, hoàn toàn do tôi trang trí, yên tĩnh và ấm áp.

“Anh thay giày đi” Vứt cho anh đôi dép lê, tôi bảo anh thay vào.

Tôi khá sạch sẽ, nhà bao giờ cũng sạch như lau như ly, bên ngoài thế nào tôi mặc kệ, nhưng trong địa bàn của tôi, tôi có quyền yêu cầu anh phải tuân thủ nguyên tắc do tôi đặt ra.

Anh từ từ cởi giầy, đặt ngay ngắn sang một bên.

Tôi vào phòng ngủ lật tìm bộ quần áo ngủ của đàn ông, rồi lấy thêm một chiếc khăn mặt mới, dẩu dẩu môi: “Nhà tắm ở kia, anh mau đi tắm đi.”

Anh khẽ nói: “Được.”

Sau khi anh vào tắm, tôi không yên tâm thò đầu hỏi: “Biết dùng không?”

“Chắc… không sao.”

Tôi thở dài, nhẫn nại giảng giải các công năng của bình nóng lạnh và cách tắt mở một lần: “Anh rõ rồi chứ?”

Anh gật đầu, tôi giúp anh đóng cửa.

Nghe bên trong “cạch” một tiếng khóa cửa, khóe miệng tôi bất giác co giật, người gì thế này, lẽ nào còn sợ tôi nhìn trộm?

Tẩy trang xong, tôi thoải mái thả mình lên ghế sô pha, lấy điện thoại từ trong túi ra gọi cho cô bạn thân Tang Duyệt.

“Alô!” Giọng nói lười biếng của cô bạn vọng lại từ đầu dây bên kia.

“Đang làm gì đấy?” Cuối cùng tôi cũng tìm được điều khiển trên ghế sô pha, tiện tay mở điều hòa.

“Tắm!” Tang Duyệt ngừng lại, rồi hỏi: “Còn cậu?”

Tôi mím môi: “Vừa về nhà”

“Phải rồi, hôm nay cậu đi xem bói, thế đạo sĩ nói thế nào? Hẹn ba tháng rồi mới đến lượt cậu xem, cậu có bám lấy ông ta, đòi ông ta phải xem cho kiếp trước, kiếp này, kiếp sau của cậu không?” Tang Duyệt trêu trọc, tôi có thể tưởng tượng ra cảnh cô ấy đang cười rất sung sướng.

“Cút đi!” Tôi cáu.

“Người ta quan tâm đến cậu mà, nói đi nói đi!”

Mỗi lần Tang Duyệt nài nỉ, là tôi đều không chịu được, da gà nổi khắp nơi, vội vàng xin tha: “Bà cô của tôi ơi, xin cậu lần sau đừng dùng cái giọng ấy nói chuyện với mình.”

“Được.” Cô ấy đổi giọng nghiêm túc: “Nói mau!”

“Thực ra cũng chẳng có gì.” Tôi chậm rãi kể: “Không phải không có cách giải, hơn nữa những gì xảy ra sau đó mình cũng đã được kiểm chứng rồi.”

Đột nhiên Tang Duyệt hứng thú, “Ồ? Nói rõ xem nào.”

Tôi kể lại một lượt những gì xảy ra cho cô ấy nghe, nghe xong, rất lâu sau không thấy nói gì, tôi biết cô ấy cũng giống tôi đang chìm vào suy nghĩ.

Sự việc phải nói bắt đầu từ nửa năm trước.

Tôi, Tang Duyệt, Thôi Hoài Ngọc là fan trung thành của Ung Chính Hoàng đế, tục còn gọi là Tứ gia đảng.

Nói ra thì… lớn thế này rồi, còn hâm mộ một nhân vật lịch sử nghe cũng không được hay cho lắm. Vì vậy tôi rất ít khi nhắc đến chuyện này trước mặt người nhà và bạn bè.

Quen Tang Duyệt và Thôi Hoài Ngọc trên mạng hai năm trước, sự yêu thích lịch sử Thanh triều và sự sùng bái vô hạn dành cho Ung Chính Hoàng đế khiến chúng tôi từ những người bạn online trở thành những người bạn tốt của nhau ngoài đời thật. Tôi và Tang Duyệt ở cùng một thành phố, bình thường gặp nhau nhiều, còn Hoài Ngọc ở Vô Tích, nhưng mỗi tháng cũng đến Thượng Hải một lần để tụ tập cùng chúng tôi. Đề tài được nói nhiều nhất trong các cuộc gặp mặt đương nhiên là đoạn sử mà ai cũng biết ấy; mỗi lần túm được tin đồn nào, chúng tôi lại bàn tán cả một ngày.

Tết Lao động năm nay, ba đứa hẹn nhau cùng đi du lịch ở Bắc Kinh. Điểm đến là Ung Hòa Cung, Dưỡng Tâm Điện, Viên Minh Viên và Thanh Tây Lăng ở huyện Dịch tỉnh Hà Bắc.

Tất nhiên những điểm tham quan này đều liên quan tới Tứ Gia.

Ung Hòa Cung là nơi Tứ Gia ở vào những năm còn là hoàng tử, nên được xắp xếp là nơi tham quan đầu tiên trong cuộc hành trình.

Sau khi lên ngôi, Tứ Gia dùng Dưỡng Tâm Điện làm tẩm cung của mình, triệu kiến quần thần, xử lý công việc, sao có thể không đến thăm?

Còn về Viên Minh Viên, Tứ Gia đã bỏ ra nhiều công sức để tu bổ nơi này, một quãng thời gian dài trước và sau khi lên ngôi chàng đều sống ở đây, chúng tôi đến để truy tìm tông tích của Tứ gia nên đương nhiên cũng không thể bỏ qua.

Điểm đến cuối cùng là quần thể mộ Thanh Tây Lăng. Tứ Gia đã yên giấc ngàn thu trong Thái Lăng thuộc quần thể này.

Xuất phát từ sự ngưỡng mộ dành cho người đi trước, chúng tôi thận trọng trong mọi hành động và lời ăn tiếng nói. Ở ba điểm đến trước không xảy ra bất cứ chuyện gì, nhưng khi đến Thái Lăng, Tang Duyệt đề nghị đào một ít đất ở gần đấy mang về thờ, giống như thờ Tứ gia vậy.

Tôi và Hoài Ngọc đồng ý, như bị ma xui quỷ khiến.

Thế là ba chúng tôi len lén đào một ít đất, cho vào cái túi nhỏ, sau khi mang về khách sạn chia thành ba phần.

Vận xui bắt đầu đến từ ngày chúng tôi mang chỗ đất ấy về nhà.

Tang Duyệt thì chẳng qua chỉ mất ví tiền, mất chìa khóa mà thôi.

Thôi Hoài Ngọc cũng chỉ là đi taxi trả bằng thẻ không được hoặc giữa đường bị bán sang xe khác.

Còn tôi, nếu không phải là những thiết bị điện trong nhà tự nhiên hỏng, thì cũng là đang đi đường bị ai đó dội nước từ trên xuống ướt như chuột lột, đáng ghét hơn cả là không tìm được kẻ gây án.

Còn nữa, cửa hàng hoa mà tôi mở càng ngày càng ế ẩm, đứng trước nguy cơ phải đóng cửa, hợp đồng của công ty do tôi phụ trách đột nhiên bị đối phương hủy bỏ… Những chuyện đại loại như vậy, nhiều không đếm hết.

Gần đây có xu hướng càng ngày càng tồi tệ hơn, ra khỏi nhà xém chút nữa thì bị xe đâm chết, đi trên phần đường dành cho người đi bộ thì cũng có xe vi phạm đâm ngang đâm dọc lao tới, lần khủng bố nhất là một chiếc xe đó đã phanh gấp mà chỉ dừng lại cách tôi đúng một milimet, khiến tôi mồ hôi tuôn như tắm vì sợ.

Nếu nói tới những việc khác thì còn có thể chịu đựng, nhưng giờ đã uy hiếp tới tính mạng của mình, tôi không thể không tự kiểm điểm lại xem vấn đề là do đâu.

Sau khi thảo luận với Tang Duyệt và Hoài Ngọc, ba chúng tôi đều nhất trí cho rằng nguyên nhân chính là ở chỗ đất đó.

Tôi thăm dò khắp nơi, biết được một đạo sĩ già trong một con hẻm gần đường Hoài Hải, đạo hành cao thâm, chuyên trừ tà giải hạn cho người khác, nhân khí cao siêu, muốn gặp ông ấy, phải hẹn trước hai tháng.

Vì chuyện của tôi nghiêm trọng nhất trong nhóm, nên hai kẻ vô lương tâm kia đẩy tôi đến đó làm vật thí nghiệm.

Thế là mới có chuyện xảy ra ngày hôm nay.

“Cậu cứ thế đưa anh ta về nhà?” Trầm mặc hồi lâu, Tang Duyệt cuối cùng cũng hỏi.

Tôi nheo nheo mắt: “Vậy mình phải làm thế nào?”

Tang Duyệt không còn trầm mặc nữa, mà khôi phục lại vẻ hoạt bát thường ngày: “Ha ha, đẹp trai không?”

Tôi không biết phải nói thế nào: “Ngoài đẹp trai ra cậu còn cái gì khác để theo đuổi không?”

“Có.” Tang Duyệt trả lời ngây thơ, “Còn có Tứ Gia nhà mình.”

“Xì, Tứ Gia đâu thích cậu.” Tôi thích nhất là nói câu này, bởi vì nó tuyệt đối sẽ khiến cô ấy ngượng quá hóa giận.

“Xí, người mà Tứ gia không thích nhất chính là Hoài Ngọc” Mỗi lần tôi châm chích cô ấy, cô ấy sẽ hướng mũi dùi về phía Hoài Ngọc.

Tôi khẽ cười: “Hy vọng bắt đầu từ bây giờ, tất cả sẽ dần tốt lên”

“Cậu thật sự tin người kia sẽ mang lại vận may cho cậu?” Tang Duyệt tỏ thái độ hoài nghi.

Tôi gật đầu, “Có chết cũng phải chạy chữa chứ!”

“Cậu không sợ dẫn sói về nhà à?”

Tôi hỏi lại: “Cậu thấy thế nào?”

“Cũng đúng.” Tang Duyệt lẩm bẩm, “Cao thủ Taekwondo, ba đến năm tên đàn ông lực lưỡng cũng không phải là đối thủ của cậu.”

Tôi cười gật đầu.

“Vậy chúc cậu may mắn!”

Tôi đổi tư thế ngồi thoải mái hơn: “Này, mình cúp máy đây, ngày mai vẫn gặp nhau ở chỗ cũ nhé.”

“Được, bye bye!”

Tôi mở tivi, vào giờ này nếu không phải là phát những bộ phim truyền hình về vợ lớn vợ bé cãi cọ đánh ghen nơi chung cư biệt thự thì cũng là những bộ phim tình cảm đau khổ thời Thanh. Tôi chán nản ngồi đổi kênh, khóe mắt thỉnh thoảng lại liếc về phía cửa nhà tắm.

Nghe tiếng mở cửa, tôi vờ như hờ hững hỏi: “Tắm xong rồi?”

“Ừm” Anh vẫn điềm đạm đáp lại.

Sau khi tắm rửa sạch sẽ, anh để lộ ra khuôn mặt vô cùng trẻ trung.

Không hẳn là anh tuấn, nhưng từng đường nét góc cạnh rõ nét như tượng điêu khắc.

Người hơi gầy, đôi mắt sáng, làn môi mỏng mím chặt, khẽ kéo lên tạo thành một đường cong đẹp.

Anh có một đôi mắt cong cong, tôi đoán nếu cười chắc chắn trông sẽ rất tuyệt.

Đáng tiếc, lúc này khuôn mặt ấy, như chất chứa rất nhiều tâm tư, cho dù có cười thì ý cười cũng không lan được tới mắt.

Ánh mắt lạnh lùng và rất sắc, dường như muốn nhìn thấu mọi vật, khi nhìn sẽ khiến người ta có cảm giác bị áp bức. Tôi chỉ bị anh quét mắt nhìn một cái mà toàn thân bỗng run rẩy.

Anh ho khẽ, còn tôi lại đỏ mặt, thu ánh mắt về.

Tôi tắm rửa xong đi ra, thấy anh đang chăm chú nhìn màn hình tivi, xem rất tập trung.

Tôi cầm khăn tắm lau tóc, đảo mắt về phía chiếc tivi, hình như đang chiếu bộ phim Vương triều Ung Chính của đạo diễn Đường Quốc Cường.

Bộ phim này tôi xem đi xem lại không dưới mười lần, còn đặc biệt mua đĩa về để ủng hộ.

“Chưa từng xem bao giờ à?” Tôi tiện miệng hỏi.

“Ừm!”

“Phim này rất hay, dù có vài chi tiết lịch sử sai sót.”

Anh nhìn tôi, không nói gì.

“À phải rồi, anh tên là gì?” Tôi tìm chuyện để nói.

Anh bỗng trầm ngâm: “Tôi không có tên.”

“…” Chắc là có chỗ khó nói đây, tôi nghĩ. “Vậy tôi đặt cho anh một cái tên nhé?”

“Được.”

Tôi nửa đùa nữa thật: “Hay gọi là Vượng Tài nhé?”

Ánh mắt lạnh lùng của anh phóng tới, tôi lập tức phân trần: “Tôi thấy không khí chăng thẳng qúa, đùa thôi mà.”

Anh khẽ hừ một tiếng.

Tôi lau mồ hôi, thận trọng hỏi: “Hay, gọi anh là Ân Chân?”

Anh ngẩng phắt đầu lên, nhìn tôi chăm chăm hồi lâu: “Tại sao?”

Tôi thấy lần này anh không giận, bèn cười: “Tôi là fan ruột của Hoàng đế Ung Chính”

Tôi thấy anh lẩm bẩm ra miệng bốn chữ “Hoàng đế Ung Chính.”

Có một câu mà tôi không nói cho anh biết, giờ anh ở nhà tôi, thỉnh thoảng lại được gọi Ân Chân, Ân Chân, nghe ….hấp dẫn biết bao.

Anh cười: “Cô chẳng qua cũng chỉ là dùng sự thành bại để luận anh hùng, nếu cuối cùng Tứ A Ca không có được ngôi báu, cô có còn nghĩ như thế không?”

Dám khinh miệt tôi, tôi cảm thấy hơi giận rồi đấy.

“Nếu thắng lợi cuối cùng thuộc về Thập Tứ A Ca, chắc cô sẽ lại nghiêng về phía anh ta nhỉ?”

Tôi cười nhạt mấy tiếng, “Thập Tứ A Ca? Trong mắt tôi, người đó hoàn toàn không tồn tại.”

“Ồ? Tại sao lại nói thế?” Mặt anh chẳng để lộ điều gì, nhưng giọng đã có khởi sắc.

“Tôi coi thường anh ta.” Tôi nói ngắn gọn.

Anh quan sát tôi: “Cô và anh ta có thù sâu oán nặng?”

“Ha ha!” Tôi cười khan: “Người này là em ruột cùng mẹ cùng cha với Tứ A Ca, không giúp anh mình thì cũng thôi, còn làm anh ấy vướng chân, đi lại với Bát Gia Đảng gì đấy, loại người như thế chẳng phải đầu óc có vấn đề hay sao?”

Anh mím mím môi, như không biết phải nói gì.

“Về điểm này, Thập Tứ Gia không bằng Thập Tam Gia. Vừa có con mắt lại vừa nhìn xa trông rộng.” Tôi chưa bao giờ nói những lời như vậy trước mặt người lạ, nhưng hôm nay không biết tại sao, lại có mong muốn được thổ lộ.

“Thập Tam Đệ…” Anh khẽ lẩm bẩm.

“Anh vừa nói gì?” Tôi nghe không rõ.

Dường như anh giật mình bừng tỉnh, khẽ đáp: “Không có gì!”

“Ồ…” Tôi búng tay tách một cái, đắc ý nói: “Vậy gọi anh tên đó đi, anh không phản đối chứ?”

Anh mím môi: “Tùy cô!”

Lúc này, di động đổ chuông, tôi không buồn nhìn xem là ai liền bấm máy nghe ngay.

“Em gái!”

“Ôi, người bận rộn như anh sao hôm nay lại có thời gian rảnh rang mà gọi điện thoại cho em thế?”

Huynh trưởng đại nhân cười lớn, rất gian: “Ngày mai anh đến Thượng Hải, định ở nhờ nhà em mấy ngày.”

“Được!” Tôi vừa buông lời đồng ý chắc nịch, nhưng lập tức nhận ra vấn đề, vội lật lọng từ chối: “Không được, anh ở khách sạn đi.”

“Lần nào đi công tác anh cũng ở chỗ em mà?” Anh tôi ngập ngừng, lẩm bẩm: “Hay là… em đang dấu diếm cái gì hả?” Nói xong, anh tôi liền phá lên cười ha hả.

Tôi đang định nói “giấu em gái anh ấy”, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, em gái anh chẳng phải là tôi sao, nói vòng vo quanh co lại thành ra chửi chính mình, đành đổi thành: “Giấu cái đầu anh ấy!”

“Thế sao tự nhiên lại thần bí như vậy?” Anh trai tôi là kiểu người như thế, một khi đã có chuyện tò mò thì nhất định phải tìm mọi cách để khám phá tới cùng.

Ân Chân chăm chú nhìn tôi, chỉ vào di động của tôi, bộ dạng kinh ngạc vạn phần, tôi bĩu bĩu môi, đồ nhà quê.

“Em đang có bạn ở nhờ, anh tự nghĩ cách đi.”

“Nam hay nữ?”

Được lắm, thoáng cái đã hỏi đúng vào trọng tâm của vấn đề, tôi hùng hổ trả lời ngay: “Đương nhiên là nữ rồi.”

“Ồ, vậy thì lúc nào đó anh phải đến đột xuất để kiểm tra mới được.”

Tội cạo cạo móng tay, thản nhiên đáp: “Được, hoan nghênh anh ghé chơi.” Không ai hiểu anh trai bằng tôi, tôi càng tỏ ra điềm đạm, anh ấy càng không để ý, ngược lại nếu tôi ấp úng vòng vo, anh ấy nhất định sẽ mò tới dù là nửa đêm, nếu thế thì hỏng hết.

Quả nhiên anh trai tôi không còn hào hứng nữa, nói thêm vài câu liền cúp máy.

Ân Chân nhìn tôi, nụ cười có chút quái dị.

Tôi biết vừa rồi mình nói dối đã bị anh nghe thấy, chắc anh đang cười thầm tôi trong lòng. Nhưng tôi nói dối chẳng phải là vì anh hay sao?

Tôi có dễ dàng gì không?

Mặc kệ anh, tôi lấy một tờ giấy trắng trên bàn uống nước, liệt kê những thứ cần phải mua.

Quần áo, giầy, áo khoác ngoài, áo len, vân vân.

Ngoài bộ quần áo ngủ mà anh trai để lại từ lần trước ra, những thứ khác đều phải mua mới.

Phá sản để trừ tai họa, tôi chỉ có thể tự an ủi mình như thế mà thôi.

Anh xán lại nhìn, cười nhạo: “Chữ cô xấu thật đấy!”

Tôi tức tối đáp: “Vậy anh viết đi!”

Thật ngoài dự đoán của tôi, anh thản nhiên cầm bút. “Viết gì?” Anh hỏi.

Tôi đọc một lượt.

Tư thế cầm bút của anh mặc dù hơi lạ, chữ phồn thể do anh viết ra có vài chữ tôi không biết, nhưng không thể phủ nhận, so với kiểu chữ loằng ngoằng như giun của tôi, thì chữ anh đẹp hơn rất nhiều.

Dù ngoài miệng tôi quyết không thừa nhận, nhưng trong lòng thì phục vô cùng.

Ngay sau đó nỗi thắc mắc dâng lên, người này viết đẹp như thế, rõ ràng được học hành tử tế, vậy thì chắc chắn không phải là loại người không ra gì như tôi đã nghĩ. Giờ anh thành ra thế này, rốt cuộc là vì sao?

“Ân Chân…” Chưa nghĩ xong tôi đã buột miệng.

Anh nhìn tôi một cái.

“Anh, biết làm gì? Ý tôi là, giúp anh tìm một công việc như thế nào?”

Anh chau mày suy nghĩ: “Cô tự quyết định đi.”

Trả lời thế này có khác gì không trả lời đâu.

Tôi vò vò tóc, hay là đưa anh tới cửa hàng hoa của tôi làm việc, một là có thể quản lý chặt anh để anh ta nghiêm túc làm thần bảo hộ cho tôi, hai là về lương lậu, chẳng phải tôi cũng dễ quyết hơn hay sao?

Tôi cười gian tà, quyết định vậy đi.

Tôi ôm ra cái chăn bông dày, ném lên ghế sô pha.

“Tối nay anh ngủ ở đây đã, ngày mai tôi dọn dẹp qua phòng cất đồ, thì anh có thể dùng.”

Đây là căn hộ chung cư một phòng ngủ một phòng khách, nhưng khi trang trí tôi đã ngăn thêm một phòng nhỏ nữa, dùng để chứa sách và vài thứ thùng giấy linh tinh.

“Được.” Anh điềm đạm đáp, hình như chẳng buồn quan tâm.

Tôi quay đầu, đột nhiên cười thành tiếng. Tóc anh ướt rườn rượt đang thả trên vai, hoàn toàn tương phản với phần trán bóng loáng trống trơn, buồn cười chết mất.

Anh nhìn bộ dạng của mình trong gương, bật cười.

“Ngày mai tôi đưa anh đi cắt tóc.” Tôi nói rồi vào phòng ngủ tìm gối. Lúc đi ra, suýt nữa thì nhảy bắn cả lên.

Anh đang cầm kéo so so mái tóc, định làm gì vậy?

Có lẽ là sợ, mà có lẽ cũng là vì lưu luyến, nhưng cuối cùng anh vẫn xuống tay.

Tôi lao đến cướp cái kéo, thở phào nhẹ nhõm. Để đề phòng, tôi dấu cái kéo vào trong bếp, và khóa cửa lại. Tôi không lo anh có chuyện, mà tôi lo một thi thể hai mạng người, bây giờ cái mạng nhỏ của tôi cũng còn đang phụ thuộc vào anh mà.