Đào Kỳ kể lại tỉ mỉ ngày chàng cùng sư tỷ ra đi theo Nghiêm Sơn ra Bắc.
Đến bến đò sông Hồng-hà thì gặp Nguyễn Tam-Trinh giả làm người lái đò,
tấu nhạc cho nghe, rồi dìm thuyền bắt sống Nghiêm Sơn ra sao. Chàng kết
luận:
– Nguyễn sư-bá với Nghiêm đại-ca là hai người anh hùng. Phàm đã là anh
hùng, họ nhìn nhau, nghe nhau nói, là hiểu nhau liền. Sư bá Nguyễn
Tam-Trinh biết đại-ca cầm quyền khuynh quốc, tước Lĩnh-nam công, nếu thả đại-ca ra mà đại ca thù hận, chỉ một ngày sau đất Mai-động sẽ thành
bình địa. Thế mà sư bá vẫn tha. Còn Nghiêm đại-ca trở về, mấy hôm sau
lại đem đủ lễ, nào trâu, nào bò, nào hoa quả, theo tục lệ Âu Lạc để thế
mạng. Nghiêm đại-ca còn nói:
Dù đấu văn, đấu võ, đấu môn nào thua thì cũng là thua. Nghiêm đại-ca
nhận thua sư bá Tam-Trinh. Sư-bá phục quá, hai người kết bạn với nhau.
Sư-bá còn đứng ra làm lễ cưới tam sư-tỷ của tôi với Nghiêm đại-ca nữa.
Bỗng trên trời có tiếng Thần-ưng kêu lên the thé. Phương-Dung ngửa mặt
nhìn lên, thấy đôi Thần-ưng đang bay trên đầu mình. Nàng huýt sáo một
tiếng, đôi Thần-ưng đáp xuống trước ngựa. Nàng mở ống tre dưới chân
chúng ra, lấy một mẩu giấy đọc:
" Đêm hôm qua Chinh-tây đại tướng quân Phùng Dị, Võ-oai tướng quân Lưu
Thương lấy ngựa trốn về Hán. Vi Đại-Khê chỉ huy đội Ngao-thần canh phòng đuổi theo bị đánh trọng thương. Ba Ngao-thần bị giết. Sún Rỗ chỉ huy
đội Thần-ưng tuần tiễu bị chúng bắt đi mất. Ta đấu chưởng với Phùng Dị
bị thương nhẹ. Chúng chạy về hướng Trường-an báo cho tiểu sư-đệ biết mà
liệu việc.
Dưới thư vẽ bông cúc vàng. Đào Kỳ biết đó là biểu hiệu của Hoàng Thiều-Hoa. Đào Kỳ hỏi Phương-Dung:
– Nếu Phùng Dị, Lưu Thương chạy thoát về Trường-an, thế nào cũng theo
con đường chúng ta đi, e chúng ta không dùng binh phù của Nghiêm đại-ca
được nữa.
Phương-Dung cười:
– Khi Phùng Dị, Lưu Thương đầu hàng em biết chúng không thực tâm, dặn
Lục Sún cho Thần-ưng tuần phòng trên trời. Dù chúng chạy đâu cũng không
thoát con mắt Thần-ưng. Nếu chúng về Trường-an, thế nào cũng theo con
đường chúng ta đi. Chúng ta cứ thủng thẳng sẽ gặp chúng. Thần-ưng sẽ báo cho chúng ta biết.
Phương-Dung viết thư trả lời Hoàng Thiều-Hoa, rồi tung Thần-ưng lên trời. Chúng lượn một vòng rồi bay về hướng Nam.
Mọi người lại lên đường. Được mấy dặm, cặp Thần-ưng đưa thư lại lộn trở
lại bay tà tà trên đầu. Chúng kêu lên những tiếng khẩn cấp như giục giã, như cầu cứu.
Phương-Dung hiểu ý nói:
– Có lẽ Sún Rỗ bị Phùng Dị bắt mang theo, đang ở gần đâu đây. Chúng thấy chủ tướng bị nạn đến báo cho chúng ta biết.
Năm người phi ngựa ngược trở lại hướng Nam. Đôi Thần-ưng bay lượn trên
đầu dẫn đường. Chúng dẫn năm người tới một ngọn đồi cây cối um tùm. Trên trời một đoàn Thần-ưng từng năm con một lao xuống tấn công địch rồi lại bay lên. Chúng lên xuống từng đợt rất nhịp nhàng.
Năm người phi ngựa đến chân đồi, buộc ngựa vào gốc cây, hướng chỗ
Thần-ưng đang tấn công lần tới. Xa xa họ nghe tiếng Sún Rỗ nói:
– Đ.M thằng Phùng Dị, mày thân làm Chinh-tây đại tướng-quân cho thằng
Quang-Vũ, mà không sao bắt được ông, thì về nhà chui đầu vào quần vợ
chết đi cho rồi.
Phùng Dị nghe chửi tức quá. Y đến gốc cây nhìn lên, thấy Sún Rỗ ngồi vắt vẻo trên cây, lấy ngón tay để vào mũi ngạo y. Y rút kiếm chặt cây. Công lực y cao thâm chỉ mười nhát, cây đã kêu răng rắc mấy tiếng rồi đổ
xuống. Phùng Dị cười ha hả tiến lại bắt Sún Rỗ. Sún Rổ hú một tiếng,
toán Thần-ưng trên trời đâm bổ xuống tấn công Phùng Dị. Phùng Dị, Lưu
Thương cùng tấn công Thần-ưng. Nhưng Thần-ưng đã bay lên cao. Phùng Dị
quay lại định bắt Sún Rỗ. Nó đã thoăn thoắt leo lên một ngọn cây khác.
Lưu Thương bàn:
– Chúng ta mau rời khỏi nơi đây, nếu không quân Thục đuổi theo thì nguy. Nhất là Đào Kỳ, Phương-Dung đuổi kịp tính mệnh khó toàn.
Có tiếng nói khoan thai đâu đó:
– Đào Kỳ, Phương-Dung đã đến từ lâu rồi.
Từ bụi cây năm người tiến ra. Đi đầu là Phương-Dung, rồi đến Đào Kỳ, Đô Dương, Khất đại-phu, Giao-Chi.
Phùng Dị không nói không rằng vung chưởng tấn công Phương-Dung.
Phương-Dung nhún mình một cái nhảy lui lại. Ở trên không nàng đã rút
kiếm, ánh kiếm lóe lên. Nàng phóng ra một chiêu, biến thành 36 rồi 72.
Phùng Dị hoảng kinh lăn mình dưới đất tránh khỏi. Y vọt mình một cái
đứng dậy, Phương-Dung không đuổi theo. Trước đây nàng là quân sư, chỉ
huy y quen. Bây giờ phải ra tay với y, nàng không nỡ. Khất đại-phu cũng
giúp y chống Thục nhiều lần, chỉ đứng nhìn y. Đào Kỳ tính đôn hậu, chàng đã gặp Phùng Dị trong lần hội quân ở Quế-lâm. Hai người đàm luận binh
pháp rất tương đắc. Chàng thấy trong các tướng Hán, người có tài dùng
binh nhất là Nghiêm Sơn, sau đó tới Đặng Vũ, Ngô Hán, Phùng Dị, Mã Viện
và Sầm Bành. Chính sáu người này đã xây dựng nên nhà Đông-Hán. Bây giờ
bảo chàng giết Phùng Dị thì không nỡ. Chàng ngẩn người ra suy nghĩ không biết giải quyết sao. Nếu giết y thì uổng một đại tướng tài, một cao thủ võ lâm.
Trong năm người thì Đô Dương là đại tướng Hán lâu năm, thống lĩnh hàng
mấy trăm vạn binh, đánh đư trăm trận. Chàng là người trí dũng song toàn, linh mẫn. Quyết đoán ngang với Trưng Trắc, Trưng Nhị, Nghiêm Sơn, chàng nhận ra ngay hoàn cảnh hiện tại. Chàng nói với Phùng Dị:
– Chinh-tây đại tướng-quân, chúng ta chỉ giữ ngươi ở đây 15 ngày nữa,
sau khi chiếm được Kinh-châu, Lĩnh Nam, ta thả ngươi. Đạo Hán-trung tới
đây coi như ra mặt đối phó rồi, không cần giữ bí mật nữa. Ta đối xử tử
tế với ngươi vì nhớ lại trước đây, chúng ta cùng chiến đấu dưới quyền
Nghiêm đại-ca. Bây giờ, ngươi vì Hán, ta vì Lĩnh Nam, mà phải ở thế đối
nghịch nhau. Ta lấy làm buồn lắm.
Sún Rỗ nhảy xuống dưới đất, nó nhìn Phùng Dị thè lưỡi ra trêu y. Mặt Phùng Dị xám như tro nói:
– Đô thái-thú, thôi tôi đành tuân lời ngươi vậy, chứ biết làm sao.
Sún Rỗ nói với Khất đại-phu:
– Ông nội ơi! Ông nội cho cháu đi Trường-an với nghe?
Nguyên Lục Sún là bọn trẻ con. Khất đại-phu là người nhiều tuổi. Tính
trẻ, già thường dễ thân nhau. Chúng bắt chước Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa gọi
người là ông đã quen.
Khất đại-phu lắc đầu:
– Con phải về ngay, nếu không Hoàng Thiều-Hoa phải lo sợ cho con mà thành mệt trí.
Hoàng Thiều-Hoa là người ôn nhu nhẹ nhàng, nàng thích trẻ con. Đối với
Lục Sún, nàng săn sóc như con đẻ. Vì vậy Lục Sún luôn ở cạnh nàng. Nghe
nhắc đến Thiều-Hoa, nó chợt tỉnh ngộ nói:
– Ông nội dạy đúng, con về với Hoàng sư tỷ đây.
Nó nhảy lên ngựa của Lưu Thương cầm tù-và thổi một hơi. Đàn Thần-ưng bay theo ngựa của nó.
Phùng Dị thở dài:
– Đào tướng-quân, tôi nói thực. Nếu Hoàng-thượng hỏi ý kiến tôi có nên
cho Lĩnh Nam phục hồi hay không. Tôi khuyên người không cho. Lĩnh-nam
nhân tài như lá rừng. Đến Lục Sún chưa quá 18 tuổi, mà còn cương quyết,
tài giỏi là dường này. Thì nếu cho Lĩnh Nam phục hồi, chỉ cần năm năm
sau. Các vị kéo lên Trung-nguyên quyết chiến một trận là nhà Hán sụp đổ
ngay.
Đô Dương cười ha hả:
– Cám ơn Phùng tướng-quân quá khen ngợi. Phùng tướng-quân là tri kỷ của
anh hùng Lĩnh Nam chúng tôi. Đại phàm trên đời có hai loại tri kỷ: Một
loại biết ta, khuyến khích ta, giúp đỡ ta. Còn một loại tri kỷ nữa biết
tài ta muốn kéo ta về với họ. Kéo không được phải tìm cách giết đi, để
trừ hậu hoạ. Phùng tướng-quân là loại tri kỷ thứ nhì vậy.Vừa rồi thái
sư-thúc, Đào sư-đệ, Phương-Dung đều không muốn giết Phùng tướng-quân,
cũng vì biết tướng-quân là người tài vậy. Ở đây còn Chu Bá sư-thúc,
Giao-Chi với tôi có thể kiềm chế các vị. Nhưng nghĩ cho kỹ, các vị chống Lĩnh-nam chẳng qua ai cũng vì giang sơn người ấy, chứ có thù oán gì
nhau.
Giao-Chi trói Phùng Dị, Lưu Thương. Để hai người chung một ngựa, rồi lên đường.
Đoàn người phi ngựa nhanh như gió trong đêm. Dù phi ngựa song họ có võ
công cao, câu chuyện không bị đứt đoạn. Bỗng có tiếng tiêu nhu hòa văng
vẳng trong đêm. Đào Kỳ nhận ra đó là khúc Cổ loa di hận chàng đã được
nghe tại Mai-động. Chàng quay lại nhìn thì người tấu là Giao-Chi. Tuyệt ở chỗ ngựa phi như bay mà nàng tấu khúc nhạc, tiếng tiêu liên miên bất
tuyệt. Tiếng tiêu ngân vang, đầy sầu thảm trong đêm khuya, khiến những
người hùng tâm như Đào Kỳ, quảng đại như Khất đại-phu cũng phải thổn
thức trong lòng.
Tiếng tiêu vừa dứt. Đô Dương ra hiệu cho mọi người dừng lại. Chàng chỉ về phía trước:
– Đằng trước là Tam-lâm, quẹo xuống Nam mấy dặm nữa là thành Trường-an.
Đêm khuya, lại nhân có Hán-đế ở đó, nên thành đóng cửa. Chúng ta ngừng
tại đây chờ sáng hãy vào thành.
Đô Dương hỏi Giao-Chi:
– Sư-muội! Khúc nhạc sư-muội vừa tấu tên gì? Ngu-huynh hủ lậu quá không biết.
Giao-Chi đáp:
– Đại-ca chưa nghe qua là phải. Khúc nhạc này do bố em sáng tác mới đây. Tên là Cổ-loa di hận khóc cho người Việt vong quốc.
Đô Dương bàn:
– Nếu sư muội biết soạn nhạc, phải soạn ra khúc Xuân dạ Việt-nữ chiến
Hàm-dương mới đúng hoàn cảnh của chúng ta. Giao-Chi gật đầu:
– Đa tạ đại-ca chỉ dạy.
Đào Kỳ nhận thấy ở Đô Dương tính tình hào sảng, lỗi lạc, có thể nói Đô Dương là một Nghiêm Sơn thứ nhì. Chàng nghĩ:
– Nếu Nghiêm đại-ca có bề gì, thì Đô đại-ca cũng sẽ là một đại tướng cầm quân chống Hán như Nghiêm đại-ca được.
Qua kinh nghiệm một thời gian cầm quân. Chàng nhớ đến lời giảng của Lục
Mạnh-Tân hồi còn ở Thái-hà trang: Khi dùng tướng chia làm bốn loại. Phàm người có sức khỏe dùng vào việc xung phong, hãm trận, là dũng tướng ví
như Phàn Khoái. Loại người có sức mạnh, biết điều khiển quân sĩ, đánh
thành, hãm trận, đánh trên núi, đánh ở đồng bằng, ủy cho điều khiển một
đạo quân, giao cho một nhiệm vụ. Đó là Chiến-tướng vậy. Loại không sức
khỏe biết dùng binh, biết mình, biết người, trên thông thiên-văn, dưới
hiểu địa lý, thì dùng làm Quân-sư như Trương Lương, Tiêu Hà. Còn loại
trí dũng tuyệt vời, văn mô vũ lược, biết trông rộng, nhìn xa, nhìn giặc, nhìn mình, ngồi trong trướng mà quyết thắng ngoài nghìn dặm là đại
tướng như Khương Thượng, Tôn Vũ, Ngô Khởi, Hàn Tín. Còn loại tối cao có
chí lớn, ôm trời đất trong lòng, nhã lượng, cao trí, hùng tài, đại lược
có đức Nhân như Vũ-Vương, Cao-Tổ, đó là loại Đế vương vậy.
Chàng nhẩm ước tính những người của mình, thì thấy: Khất đại-phu, Nguyễn Phan, Nguyễn Trát, Phan Đông-Bảng, Trương Thủy-Hà, Cao Cảnh-Minh, Đặng
Thi-Kế, Nguyễn Thành-Công, đại sư-huynh Trần Dương-Đức, hai anh
Nghi-Sơn, Biện-Sơn cho tới Thần-nỏ Âu-lạc, Mai-động ngũ kiệt, Cối-giang
tứ hùng đều chỉ là những người có sức khỏe xung phong hãm trận mà thôi.
Phật-Nguyệt, Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa lại khác.
Chàng suy nghĩ một lúc rồi nói thầm:
– Trội hơn hết có Nghiêm đại-ca, Trưng Trắc, Trưng Nhị, Đặng Thi-Sách,
bố ta, chú ta, cậu ta, bây giờ thêm Đô Dương là có tài đế-vương.
Chàng tự đặt câu hỏi:
– Thế thì những ai làm đại tướng được?
Rồi tự trả lời một mình:
– Dĩ nhiên bố ta đứng đầu. Võ công người cao, lại có tính quyết đoán,
giải quyết mọi việc mau mắn. Về xung phong hãm trận, người giỏi đã đành, ước tính biết mình, biết người thật chính xác. Cứ xét như trận đánh
cảng Bắc. Chỉ một nhóm đệ tử, tráng đinh chưa quá 500 người, thế mà
người chống lại mấy vạn hùng binh của Thái-thú Nhâm Diên. Đốt cháy phủ
Thái-thú, đánh Đô-úy trọng thương, giết vợ con Nhâm Diên. Những người
tài như bố mình không thiếu. Đầu tiên là chú Đào Thế-Hùng, cậu Đinh Đại, Lê Đạo-Sinh và đệ tử Thái-hà trang cũng đều có tài đại tướng. Sư thúc
Lương Hồng-Châu, Lại Thế-Cường, Đinh Công-Thắng, Triệu Anh-Vũ, tám vị
Thái-bảo Sài-sơn, Lê Chân, Hồ Đề, Đàm Ngọc-Nga và Hoàng sư-tỷ. Ừ nhỉ!
Lĩnh Nam mình nhiều nhân tài quá, do hoàn cảnh đất nước tạo nên.
Chàng lại tự đặt câu hỏi:
– Thế còn mình, mình thuộc loại nào đây? Sư-bá Nam-hải nói mình có tài
đại-tướng. Nghiêm đại-ca dĩ nhiên tin là mình có tài đại-tướng mới giao
ấn Chinh-viễn đại tướng-quân cho mình. Mình thống lĩnh cả sư-thúc Triệu
Anh-Vũ, Lương Hồng-Châu, Đinh Công-Thắng và Hoàng sư-tỷ. Nghiêm đại-ca
còn bảo mình là chiến tướng được. Điều này đúng, vì cái ông chiến tướng
đó đại-ca dạy mình. Võ công mình cao, dĩ nhiên rồi. Nghiêm đại-ca tự
biết tài điều quân, ước tính tình hình không bằng Phương-Dung, nên để
Phương-Dung làm quân-sư. Đại-ca thực là người có tài đế vương, nên dù
Phương-Dung nhỏ tuổi lại là gái, đại-ca cũng vẫn trọng dụng và tự nhận
thua nàng. Chính cái biết dùng người và bỏ tự ái đó, đại-ca mới làm
Lĩnh-nam vương. Đại-ca còn bảo mình có tài quân-sư, nên không cần
quân-sư. Như vậy mình hơn Đặng Vũ, Ngô Hán, Sầm Bành, Phùng Dị sao?
Chàng chợt nhớ lời sư bá Nam-hải phê bình chàng:
– Cháu đủ tài, nhưng cháu thiếu đức biết người, tin người và để tình cảm át mất linh mẫn. Nếu như cháu biết người, tin người như Nghiêm Sơn, chỉ cần sai Vương Phúc, Trần Quốc đi thám thính Mỹ-cơ là đủ rồi. Việc gì
cháu phải đem thân đại-tướng đi làm việc đó, bị Trần Thanh-Nhiên bắt
suýt mất mạng. Đến việc vào Thành-đô cùng với Vương Nguyên cũng vậy. Cứ
sai Vương Nguyên đi với Lương Hồng-Châu cũng được, việc gì phải thân
chinh đi. Mình là đại-tướng, thống lĩnh ba quân, mạo hiểm như vậy đâu
phải là người trí? Sư bá còn chê mình không bỏ được tình cảm riêng tư,
người mới để cậu Đinh Đại thống lĩnh đạo Lĩnh-nam thay mình. Vậy mình
phải sửa đổi mới được.
Đô Dương chỉ vào một xóm ven đường:
– Chúng ta vào dưỡng thần chờ trời sáng.
Đô Dương quen với địa thế ở đây. Chàng xuống ngựa dẫn mọi người đến ngôi đền gần đường. Ngôi đền khá lớn, phía trước có mấy cây cổ thụ, tấm bảng trước đền đề ba chữ lớn Tam-hoàng miếu. Mọi người cùng cột ngựa sau
miếu. Giao-Chi đi trước, nàng đưa tay gõ cửa. Không có tiếng trả lời,
nàng dùng tay đẩy mạnh. Cánh cửa bật tung, nàng định bước vào trong. Thì nhanh như chớp, Đô Dương chụp lấy dây lưng nàng, nhấc bổng lên kéo lại
sau. Rồi chàng cầm cái túi trên lưng ném vào trong. Lập tức phía sau
cánh cửa, một thanh kiếm chém vào cái túi của chàng. Cái túi văng vào
góc. Chàng vẫn giữ nguyên Giao-Chi, nhảy lui lại lên tiếng:
– Chúng tôi là khách qua đường vào đây trú lạnh, chờ trời sáng nhập thành. Vì vậy làm phiền tôn-giá, xin tôn-giá miễn chấp.
Bây giờ chàng mới bỏ Giao-Chi xuống. Giao-Chi tỉnh ngộ:
– Mình đáng chết thực. Rõ ràng mình thiếu kinh nghiệm, không có Đô đại-ca thì mình lãnh nhát kiếm kia rồi.
Bên trong không có tiếng trả lời. Đô Dương rút kiếm cầm tay lao mình vào bên trong cánh cửa. Chàng chém luôn một lúc bốn chiêu vào mỗi bên,
nhưng không thấy đối thủ phản ứng. Chàng đánh lửa lên nhìn khắp cả, thấy một người mặc quần áo kiểu binh Hán ngồi gục đầu vào hai chân. Dường
như y bị thương. Tay cầm kiếm run run cất lên không nổi.
Khất đại-phu giàu lòng nhân đạo. Ông chạy đến đỡ y đưa lên trước bệ thờ thần, cầm mạch rồi nói:
– Không hề gì! Y chỉ vì đói và mệt quá, chứ không sao cả.
Phương-Dung lấy gói lương khô đưa cho Khất đại-phu. Ông đem cơm nắm,
muối vừng đút cho y ăn. Y cố gắng nhai đập đạp rồi nuốt vào bụng. Chỉ
lát sau y nhai hết nắm cơm lớn. Y cầm bình nước uống mấy hơi, rồi buông
tiếng thở dài não ruột.
Đào Kỳ lấy cây nến châm lửa đưa đến gần mặt y. Chàng giật mình kêu lên:
– Ôi! Thì ra ngươi! Ngươi chưa chết sao.
Chu Bá cũng kêu lên:
– Trương Minh-Đức đấy hả? Tại sao mi ở đây?
Thì ra tên quân Hán là Trương Minh-Đức, con rể Chu Bá. Y là con trai
huyện-lệnh Đăng-châu. Khi huyện-lệnh Đăng-châu làm phản. Nghiêm Sơn
phong Đào Kỳ làm tướng mang quân đánh. Sau trận đánh, chàng và Phùng
Vĩnh-Hoa cố gắng tìm hắn và Chu Tường-Quy, nhưng không thấy. Chàng cho
rằng hai người chết chìm. Không ngờ nay lại gặp y ở đây.
Khất đại-phu ra dấu bảo mọi người để y im lặng. Vì y nhịn đói đã lâu
ngày, mới được ăn, cần có thì giờ tiêu hóa thực vật, mới nói được. Đô
Dương cầm đuốc dẫn Giao-Chi đi quanh đền tra xét một lượt, thấy góc đền
còn xác chết một con ngựa nữa. Còn tuyệt không dấu vết gì khác. Từ lúc
gặp Đô Dương đến giờ. Mọi người thấy ở chàng có một cái gì khác thường
giống Nghiêm Sơn: Hào hiệp, thông minh, nhất là quyết đoán mọi việc
nhanh chóng. Trải qua biến cố vừa rồi. Họ còn thấy ở chàng một người
lịch duyệt võ lâm nữa. Người phục nhất là Phương-Dung và Đào Kỳ. Hai
người thấy Đô Dương có bóng dáng của người võ hiệp, cái oai của tướng
cầm quân, lại có cái ôn nhu văn nhã của người đọc sách.
Từ trước đến nay Đào Kỳ vẫn có thiện cảm với Chu Bá, vì chàng yêu
Tường-Quy. Mối tình của chàng với Tường-Quy càng cay đắng khổ sở, hai
người càng yêu nhau thắm thiết hơn lên. Tường-Quy là con nhà danh gia
được giáo dục kỹ lưỡng về luân lý Khổng-Mạnh. Còn Đào Kỳ con một lạc-hầu yêu nước, chưởng môn phái Cửu-chân, lừng danh thiên hạ về võ đạo, về
lòng yêu nước phục quốc. Thế mà hai người không giữ được bản thân, đã sa ngã chỉ vì ông ngoại nàng là Lê Đạo-Sinh dùng nàng như một món hàng.
Lần thứ nhất trên đường về thăm ông ngoại trước khi lấy chồng. Nàng bị
ông gài vào một hoàn cảnh gặp gỡ Đào Kỳ, rồi yêu nhau. Mục đích của Lê
Đạo-Sinh muốn dùng cháu ngoại bắt Đào Thế-Kiệt. Vì bấy giờ y nghĩ những
hành động bí mật của Đào Kỳ là do Đào Thế-Kiệt chủ động. Lần thứ nhì
nàng đã lấy chồng rồi. Ông ngoại gọi về thăm nhà, rồi dùng nàng bắt Đào
Kỳ hầu uy hiếp Đào Thế-Kiệt. Lê Đạo-Sinh không ngại ngùng gì mà giam
nàng với Đào Kỳ vào trong một khoang thuyền. Tất cả những việc làm của
Lê do Tô Định giật dây. Tô Định nguyên là cháu gọi Mã thái-hậu bằng cô
họ. Mã thái-hậu thấy Nghiêm Sơn được phong Lĩnh-nam công. Sợ chàng nhân
đó mà áp chế triều Hán. Bà áp lực ép Tam-công ban chiếu chỉ phong Tô
Định làm thái-thú Giao-chỉ, hầu để con mắt dò xét Nghiêm Sơn. Theo luật
lệ nhà Hán, Nghiêm được phong Lĩnh-nam công, chàng có quyền đề cử tất cả các thứ-sử, thái-thú, tướng-quân trong vùng. Nghĩa là chàng giống như
một ông vua, có toàn quyền quyết định. Nhưng Nghiêm Sơn không muốn vì
mình mà Mã thái-hậu, Quang-Vũ bất hòa. Tô Định được gửi sang, phong làm
Thái-thú, chàng cũng nhận. Tô Định cậy là người Thái-hậu, khích Lê
Đạo-Sinh chống Nghiêm. Nếu Lê hại được Nghiêm Sơn, y sẽ trực thuộc triều Hán. Y mặc sức vùng vẫy biên thùy một cõi. Còn Lê bại, thì Lê chết. Lê
cũng khôn khéo, đẩy cho đệ tử là Phùng Chính-Hòa đem quân làm phản, vây
Nghiêm Sơn ngoài đảo. Phùng bại, bị giết, Lê Đạo-Sinh phủi tay. Y đẩy
Phong-châu song-quái phản Nghiêm Sơn. Việc không thành, Phong-châu
song-quái bị bắt. Y chối không biết. Y tưởng lập công như vậy sau này Tô Định làm Thứ-sử Lĩnh Nam, ít ra y cũng được phong Thái-thú Giao-chỉ.
Sau vụ Thái-hà trang bị đổ bể vì giam cầm bắt cóc con trai Tô Định. Lê
Đạo-Sinh biết rằng những mưu đồ bấy lâu hóa ra một trường mộng ảo. Y tụ
tập đệ tử sang Trung-nguyên. May mắn gặp Công-tôn Thi, con thứ Công-tôn
Thuật. Y giúp Thi xuất đạo kỳ binh đánh úp Dương-bình quan. Theo sự tính toán của y. Chiếm được Dương-bình quan, đạo quân Hán-trung mất đường
về. Phía sau Công-tôn Tư sẽ phản công. Công-tôn Thi ở trước sẽ đổ ra
chiếm Hán-trung, đánh về Trường-an. Khi Hán-trung, Trường-an trong tay,
Công-tôn Thi quay lại áp chế Công-tôn Tư, cướp ngôi thái-tử. Thi lên làm vua, Lê Đạo-Sinh ít ra cũng được phong vương. Nhân đó y xuất đạo quân
tiến về Lĩnh Nam mưu đồ việc lớn. Không ngờ cơ mưu của y chỉ thành công
một nửa. Thời không đến với y. Quang-Vũ bạc đãi Nghiêm Sơn, anh hùng
Lĩnh Nam phản Hán, âm mưu phế trưởng lập thứ của y thất bại.
Lê Đạo-Sinh bỏ Thục, dẫn đệ tử đến Lạc-dương. Y được tin Mã thái-hậu
tuyển nhiều cao thủ, khống chế quần thần, sau sẽ áp chế hoàng-thân
quốc-thích nhà Hán. Không gặp người tiến cử với Mã thái-hậu. Y nghĩ ra
một cách: Mở võ đài ở Lạc-dương thách anh hùng thiên hạ đấu võ. Trong
suốt một tháng mở võ đài. Anh hùng thiên hạ không ai đấu lại đệ tử của
y. Một võ quan cao cấp trong đám thị-vệ là Việt-kỵ hiệu-úy Trương Linh
lên đài đấu võ với Hoàng Đức. Linh chịu được 12 chưởng thì thua. Giữa
lúc đó Mã thái-hậu đang lo lắng việc bà hại Hàn Tú-Anh, mẹ đẻ Quang-Vũ
bại lộ. Bà cần nhiều cao thủ chung quanh khuynh đảo triều Hán. Bà nghe
vụ võ đài, cho người bí mật mời Lê Đạo-Sinh vào tiếp kiến. Sau mấy câu
chuyện. Bà biết rõ ý định của Lê, liền hứa cho Lê làm Thứ-sử chứ không
phải Thái-thú Giao-chỉ. Bà còn hứa phong cho y tước hầu và chức
Chinh-thảo tướng-quân. Các đệ tử đều được phong làm Thái-thú, Đô-úy,
Đô-sát...Thế là Lê Đạo-Sinh đặt các đệ tử dưới quyền sai phái của Mã
thái-hậu. Mã thái-hậu cho Chu Bá làm chức hiệu-úy trong cấm quân, cho
Trương Minh-Đức làm cấm quân hầu hạ. Bà cho Lê Thị-Hảo, Chu Tường-Quy ra vào cung cấm như những cung nga người Hán.
Tuy được trọng dụng nhưng Chu Bá là người yêu nước. Thân phụ ông trước
đây vì chống nhau với quân Hán mà bị giết. Bây giờ ông theo Lê Đạo-Sinh
giúp Quang-Vũ đã là mối hận ghê gớm rồi. Ông bị đưa sang Hán, đặt dưới
quyền một người đàn bà đanh ác, xảo quyệt như Mã thái-hậu. Ông cảm thấy
nhục nhã hơn.
Mã thái-hậu thường sai ông dẫn các võ sĩ đi ám sát các đại-thần, nếu họ
không chịu theo đường lối của bà. Chu Bá thấy mình đem tấm thân văn võ
kiêm toàn chỉ để làm những chuyện như thế, thực là tủi hổ. Một hôm vô
tình nghe Mã thái-hậu và Trương Linh bàn với nhau: Sau khi thành công
mọi chuyện, sẽ tìm cách đổ hết tội lên đầu Lê Đạo-Sinh, sai đem ra pháp
trường xử trảm.
Chu Bá thất kinh hồn vía, ông thấy nếu có nói ra Lê Đạo-Sinh cũng không
tin nào. Ông đành để tâm chờ thời gian thuận tiện là ra đi. Trước khi đi Phù-phong với Mao Bạch. Ông viết sẵn phong thư giao cho người nữ tỳ
thân tín dặn, nếu trong 10 ngày không thấy ông về, thì đưa cho Lê
Thị-Hảo. Vì ông nghĩ trong dịp đi này, ông sẽ tìm đám anh hùng Lĩnh Nam
về với đất nước.
Bây giờ trong đêm, gặp con rể ở giữa chỗ hoang vắng, trong hoàn cảnh sắp chết đói. Ông hoang mang không hiểu những gì đã xảy ra cho vợ con ông ở Lạc-dương.
Đào Kỳ tinh ý vẫy mọi người lui ra xa cho Chu Bá hỏi chuyện Trương
Minh-Đức. Trương Minh-Đức nhờ được ăn cơm nắm, một lúc sau đã tỉnh táo,
khỏe mạnh. Y ngồi nhìn Chu Bá rồi òa lên khóc.
Chu Bá hỏi:
– Có gì, ngươi cứ nói ra, tại sao phải khóc?
Trương Minh-Đức kể rằng: Một hôm cùng Tường-Quy vào cung hầu Mã
thái-hậu, chẳng may gặp Quang-Vũ. Trương Minh-Đức với vợ vội quỳ xuống
tung hô vạn tuế. Quang-Vũ thấy nàng đẹp ủy mị, đẹp não nùng, đẹp mơn
mởn, không cầm được lòng, đứng ngây người ra nhìn rồi lên tiếng hỏi:
– Cô nương. Cô nương tên họ là gì, quê quán ở đâu? Con cháu vị đạÏi thần nào ở trong triều?
Tường-Quy tâu:
– Thiếp là con gái Chu Bá và Lê Thị-Hảo. Thân phụ thiếp người đất Lĩnh
Nam. Hiện giữ chức hiệu-úy trong cung cấm, chưa có chức tước.
Quang-Vũ hỏi hết chuyện nọ đến chuyện kia, rồi truyền giữ Tường-Quy
trong cung. Trương Minh-Đức tuyệt không biết vợ ở đâu, hiện ra sao. Một
hôm Mã thái-hậu gọi y đến hầu, truyền lệnh bắt trói đem chém đầu về tội
liên lạc với phản tặc Thục. Y kêu oan. Nhưng chỉ là một tên lính thì kêu với ai bây giờ? Trong khi bị đưa ra pháp trường. Y được Khúc-giang ngũ
hiệp xuất hiện, đánh đuổi đám võ sĩ cứu y, cho con ngựa chạy trốn. Ngũ
hiệp nói với y:
– Cháu nhớ nghe đây : vợ cháu lọt mắt xanh Quang-Vũ, bị bắt vào cung làm phi-tần rồi. Vì vậy Mã thái-hậu phải giết cháu để bịt miệng. Vậy cháu
mau trốn khỏi nơi này, nếu không muốn tan xương nát thịt.
Trương Minh-Đức trốn đến đây thì ngựa chết. Y bị bệnh, tiền không có, đành nằm chờ chết thì gặp lại Chu Bá.
Chu Bá để Khất đại-phu cứu chữa cho Trương Minh-Đức. Ông lại bên cạnh Phương-Dung hỏi:
– Này cháu Phương-Dung, cháu bảo chúng ta phải làm sao?
Phương-Dung thở dài:
– Chỉ tội nghiệp cho Trương Minh-Đức mà thôi. Chắc y không chết đâu,
người yếu vì vừa đói lại vừa bệnh. Bây giờ chúng ta cần an ủi y.
Phương-Dung bảo Đào Kỳ:
– Ngày nọ Trương Minh-Đức đã thấy đại ca tình tứ với Tường-Quy. Vậy đại
ca tránh ra ngoài, cho y khỏi nhớ chuyện cũ sinh phẫn hận.
Đào Kỳ nghe Phương-Dung nói. Chàng nhìn vợ, thoáng thấy cười mà không phải cười. Chàng bước ra khỏi đền Nữ Oa.
Đô Dương từ trước đến giờ kính trọng Quang-Vũ vô cùng. Không ngờ bây giờ mới được thấy một khía cạnh hủ nát của y đến chỗ cực kỳ tàn tệ.
Đào Kỳ hỏi Khất đại-phu:
– Thái sư-thúc, Trương Minh-Đức nhắc đến Khúc-giang ngũ hiệp. Vậy họ là ai thuộc môn phái nào?
Khất đại-phu nói:
– Khúc-giang ngũ hiệp hay gọi Trần-gia ngũ kiệt. Năm người là anh em
ruột. Họ có tên theo thứ tự Trần Nhất-Gia cho đến Trần Ngũ-Gia, thuộc
phái Khúc-giang ở Nam-hải. Trước đây Đồ Thư mang quân sang chiếm ba quận Nam-hải, Tượng-quận và Quế-lâm. Các anh hùng người Việt bỏ ba quận này
đi xuống Giao-chỉ. Riêng Trần-gia không chịu giữ vững Khúc-giang chống
Đồ Thư. Triệu Đà cai trị ba quận nhiều lần mang quân đánh Khúc-giang mà
không được. Y đành để Khúc-giang như một vùng tự trị. Khi Triệu Đà bị
Hán tiêu diệt, Hán đem quân đánh Khúc-giang. Trần-gia đành quy phục. Một chi chạy xuống Giao-chỉ. Đó là ông nội của ta.
Đô Dương hỏi:
– Sư-thúc, vậy sư-thúc với Nam-hải nữ-hiệp là thế nào?
Khất đại-phu cười:
– Thì Trần Thị Phương-Châu tức Nam-hải nữ-hiệp. Trần Thị Phương-Chi tức
Tiên-yên nữ-hiệp, Nam-thành vương Trần Công-Minh, Thiên-trường đại-hiệp
Trần Quốc-Hương đều là cháu gọi ta bằng chú. So vai vế thì Khúc-giang
ngũ hiệp dưới ta một vai. Chúng ta là anh em họ xa. Khúc-giang nhất hiệp với ta rất thân thiết. Võ công y cao hơn ta một chút. Tuổi nhỏ hơn ta,
đâu khoảng 60 hơn gì đó. Năm anh em này cùng có chí hướng như Đào-hầu,
Đinh-hầu vùng Cửu-chân. Uy tín của họ ở Nam-hải rất lớn.
Bỗng từ ngoài miếu vọng vào tiếng nhạc du dương. Điệu nhạc như nắng mới
đầu xuân. Người nghe như cảm thấy bị giam trong vòng u tối, bây giờ mới
được thấy ánh sáng. Phút chốc điệu sáo lại đổi sang nóng nực. Trong cái
tức tưởi nóng nực, có cái mát mẻ như trận gió trưa hè. Một lát lại đổi
như phượng gáy véo von trên trời. Khiến người nghe cảm thấy như hùng tâm tráng khí, muốn vung chân múa tay, rồi từ từ hạ xuống.
Đô Dương hỏi Chu Bá:
– Chu tiên sinh, khúc nhạc này tiên sinh được nghe bao giờ chưa nhỉ? Hậu sinh chưa từng biết qua, nên không rõ tên nó là gì? Dường như khúc này
trái ngược với khúc Cổ loa di hận thì phải.
Chu Bá thấy Đô Dương là người tài kiêm văn võ, mà lại rất thích âm nhạc, ông trêu:
– Khúc này tác giả là Đô Nguyễn.
Đô Dương giật mình:
– Nếu vậy thì ra tác giả là người cùng họ với tiểu sinh đấy.
Chu Bá nhìn Đô Dương cười:
– Tác giả là hai người, một người họ Đô, một người họ Nguyễn. Đô thì
xuất thân hiệp sĩ. Còn Nguyễn là một kiều nữ đất Mai-động. Họ cùng hợp
nhau sáng tác trong lần đến Trường-an.
Mọi người cười ầm lên, Đô Dương chợt hiểu:
– Thì ra hồi nãy tiểu sinh đề nghị sư muội Giao-Chi sáng tác khúc Xuân
dạ Việt nữ chiến Trường-an. Không ngờ sư muội Giao-Chi sáng tác nhanh
như vậy.
Chàng gọi Giao-Chi:
– Sư muội tấu lại một lần nữa cho Thái sư-thúc và bọn ta thưởng thức tài nghệ Trương Chi tái sinh được chăng?
Giao-Chi cầm ống tiêu đưa lên môi, tiếng tiêu réo rắt. Nhưng âm thanh
nặng nề. Người nghe có cảm tưởng như mình đang bị giam hãm trong hầm
tối, nóng nực ngộp thở, khó chịu vô cùng. Dứt đoạn, Giao-Chi ngừng lại,
nhìn mọi người cười tủm tỉm. Mắt của nàng là mắt bồ câu, lại thêm cái
răng nanh khểnh ra ngoài, nàng cười nheo mắt với Đô Dương:
– Đoạn này để tặng Đô đại-ca.
Đô Dương cảm động nói:
– Đa tạ sư-muội. Đoạn này sư-muội tả cảnh dân Việt bị người Hán đô hộ, ta cảm thấy như bị trói, bị quăng xuống hầm tối.
Giao-Chi lại cầm tiêu thổi đoạn thứ nhì. Tiếng tiêu nhẹ nhàng, vang đi rất xa.
Đô Dương bàn:
– Tuyệt! Chỗ này sư muội muốn diễn tả lời kêu gọi dân Lĩnh Nam đứng dậy
phục quốc. Tiếng tiêu tha thiết như tiếng mẹ dạy con, nhu hòa như tiếng
vợ dặn chồng, lại pha lẫn những giọng buồn, hùng tráng, để diễn tả người người ra đi phục quốc.
Giao-Chi cầm tiêu thổi nốt đoạn cuối, rồi mỉm cười không nói gì. Đô Dương phê bình:
– Đoạn này như tiếng sắt, tiếng vàng chạm nhau, như muôn ngàn quân reo,
lửa dậy. Cuối cùng là tiếng nhu hòa như đang bay trên mây. Vậy chắc sư
muội muốn diễn tả chúng ta nổi dậy đánh thành, chiếm đất.
Giao-Chi ngước mắt nhìn Đô Dương tình tứ:
– Đa tạ Đô đại-ca! Đô đại-ca quả là tri kỷ của em.
Chu Bá thấy giữa Đô Dương với Giao-Chi như nước, như tình ngập ngừng
chưa dám nói ra, song ý đã lộ. Ông là người lớn tuổi, kinh nghiệm nhiều, ông nghĩ:
– Đô Dương là người đại tài, trí dũng hơn đời. Giao-Chi là con gái yêu
của Nguyễn Tam-Trinh, Mai-động-hầu thuộc phái Sài-sơn. Võ công, âm nhạc, nhan sắc vẹn toàn. Ta nhân đây ghép họ lại với nhau, chả là việc tốt
đẹp ư?
Ông nghĩ vậy lên tiếng:
– Cháu Giao-Chi! Ta muốn đặt tên cho khúc tiêu này được không?
Giao-Chi chắp tay:
– Đa tạ sư bá đặt tên cho.
Chu Bá cười:
– Ban nãy Đô huynh có đề nghị cháu sáng tác khúc Xuân dạ Việt nữ chiến
Trường-an cháu nhân đó sáng tác ra khúc này. Cháu là Việt nữ. Trên đường đánh Trường-an do Đô dẫn đầu, ta đề nghị đặt tên khúc hát này là Dương
Chi tình khúc có phải hay hơn không?
Mọi người cười ầm lên. Giao-Chi là con nhà võ, theo quân sang
Trung-nguyên đánh đư trăm trận. Nhưng nàng vẫn không mất nét nhu mì, e
thẹn của một thiếu nữ. Nghe Chu Bá nói vậy nàng cúi đầu xuống, mặt đỏ
lên. Còn Đô Dương võ công kinh người, tài trí song toàn, tước phong tới
Hầu, quan tới thái-thú, chúa tể một vùng, tiền rừng bạc biển, chàng vẫn
chưa lấy vợ chính thức. Vì chàng không muốn lấy vợ như các bạn đồng liêu khác, chỉ lấy vợ để có người hầu hạ. Chàng muốn có một cô vợ hiểu mình
sống với nhau như đôi bạn. Làm quan trên đất Hán, chàng gặp toàn gái
người Hán. Họ cũng xinh đẹp nhu mì, nhưng chàng thấy thiếu một cái gì
khó diễn tả. Ngay trong buổi sơ giao, chàng gặp Giao-Chi, một cô gái
xinh đẹp, nhu mì, âm nhạc, võ công đều vào hạng hiếm có. Chàng thấy động tâm nhưng chưa có một ý niệm gì. Bây giờ nghe Chu Bá ghép lại chàng cảm thấy hơi ngượng ngùng, liếc mắt nhìn Giao-Chi. Thế rồi chàng ngồi im
không nói được câu nào.
Phương-Dung muốn phá tan bầu không khí yên tĩnh, nói:
– Thôi bây giờ chúng ta đi nghỉ, để mai còn lên đường vào Trường-an. Tất cả ngủ trong miếu này. Duy có Đô đại-ca, Giao-Chi ra trước miếu mắc
võng canh phòng.
Phương-Dung liếc nhìn hai người, mỉm cười. Nàng nghĩ lại thưở ban đầu,
giữa nàng với Đào Kỳ gặp nhau. Tình tứ như nước sông Hồng-hà, chảy không bao giờ hết. Bây giờ nàng cho hai người ra trước ngủ canh gác, nhưng sự thực để họ có thời giờ tâm tình với nhau.
Mọi người đang cười nói. Bỗng Khất đại-phu chỉ lên bàn thờ:
– Cháu Đô Dương! Cháu là trai chưa vợ. Thân thể sạch sẽ. Cháu lau bụi
bặm trên tượng Quốc-tổ, Tổ-cô. Chu Bá lau bàn thờ. Đào tiểu-hữu lau các
câu đối. Giao-Chi, Phương-Dung quét dọn đền thờ thật sạch sẽ.
Phương-Dung thắc mắc:
– Khất đại-phu! Chúng ta vốn người Việt, giòng giống Tiên-Rồng. Ta chỉ
tôn kính Quốc-tổ, Quốc-mẫu Lĩnh Nam thôi. Việc gì phải tôn kính Quốc-tổ, Tổ-cô Trung-Nguyên? Cháu thấy có một điều lạ lùng. Người Việt mình bị
Hán cai trị lâu quá. Rồi cái gì của Hán cũng hay đẹp cả. Mực thì phải
mực Tàu, bút thì phải bút Thái-sơn. Bên Trung-nguyên người ta thờ
Phục-Hy, Thần Nông... thờ cả bà Nữ Oa mình cũng bắt chước.
Khất đại-phu hừ một tiếng:
– Con bé Phương-Dung lầm rồi. Nhận xét của cháu chỉ đúng có một nửa.
Phần đúng, vì con người có tính ưa của lạ. Điều này không đáng trách.
Bởi cái gì hiếm cũng quý. Vì vậy dân chúng thích mực Tàu, bút Thái-sơn.
Cũng như bên Trung-nguyên họ thích trà Tượng-quận, cam Nam-hải, nhãn
Giao-chỉ, rươi Cửu-chân, nước mắm Nhật-nam.
Đến đây cử chỉ Khất đại-phu tỏ vẻ cung kính:
– Còn người Việt mình thờ Phục-Hy, Thần Nông... đều là tổ tiên của mình
cả. Cháu không thấy các môn phái Lĩnh Nam đều thờ Phục Hy, Thần Nông,
Hùng-Vương trong tổ đình đó sao?
Phương-Dung kính phục Khất đại-phu bác học. Nàng nói:
– Đại-phu, điều đó cháu không biết, thành ra cứ tưởng vua Phục Hy, Thần Nông không phải là tổ mình, bậy quá.
Giao-Chi xen vào:
– A cháu nhớ ra rồi. Hằng năm cứ đến ngày giỗ tổ Phù-Đổng thiên-vương.
Bọn cháu được bố dẫn lên tổ đình của núi Sài-sơn. Đúng rồi trên bàn thờ
có tượng Phục Hy, Thần Nông và Nữ Oa. Cháu cứ tưởng các vị là người
Trung-nguyên. Xin đại-phu đừng tiếc công chỉ dạy cho bọn cháu.
Khất đại-phu chỉ lên bàn thờ:
– Trên bàn có ba ngôi tượng đặt ngồi ngang nhau. Con bé Dung đoán xem những tượng đó là ai?
Phương-Dung đáp:
– Cháu nhắm mắt cũng biết vị ngồi bên trái, lưng quấn miếng da, tay cầm
bó cỏ, tay cầm cái cuốc là vua Thần Nông (1). Vua Thần Nông tìm ra
phương pháp trồng trọt, ngài là tổ nghề nông, nghề thuốc. Vị ngồi giữa
dáng người thanh nhã. Tay cầm bảng Bát-quái là vua Phục Hy. Vua Phục Hy
tìm ra Tiên-thiên bát quái đồ. Ngài phát minh ra học thuyết Âm-dương
ngũ-hành cùng bát-quái. Còn vị ngồi bên phải đầu hơi giống hình rồng là
Kinh-Dương vương, quốc-tổ Lĩnh Nam.
Ghi chú
(1) THẦN NÔNG
Tên một vị vua thời tối cổ. Ngài là quốc-tổ của Việt-nam, Cao-ly,
Nhật-bản, Trung-quốc. Nhiều sử gia Trung-quốc cho rằng ngài chỉ là một
vị vua trong huyền sử, truyền tụng mà thôi. Bộ Sử-ký của Tư-mã Thiên
không thấy chép thời đại Phục Hy, Thần Nông. Ông khởi chép từ vua
Hoàng-Đế trong quyển 1 là Hoàng-đế bản kỷ.
Tương truyền ngàii sinh ở đất Khương-thủy lấy chữ Khương làm họ. Ngài là người đầu tiên chế nông cụ, dạy dân trồng ngũ cốc, vì vậy dân chúng tôn ngài làm Thần Nông. Ngài lấy lửa làm biểu hiệu. Vì vậy ngài mới có danh hiệu Viêm-Đế. Ngài khởi nghiệp ở Liệt-sơn, nên đôi khi có sách gọi ngài Liệt-sơn thị. Đóng đô ở đất Trần sau đổi về đất Lỗ.
Tuy trong chính sử không công nhận ngài. Song trong y học, nhất là
phương diện tôn giáo, dân chúng vẫn thờ Phục Hy, Thần Nông. Người sau
khám phá ra Tiên thiên bát quái cùng Học thuyết Âm-dương, Ngũ-hành, rồi
nói rằng thuật do vua Phục Hy tìm ra và được tổ tiên truyền lại.
Chúng tôi được xem tượng thờ ngài ở Bắc-việt, Quảng-đông, Sơn-đông. Thấy đầu ngài có sừng như trâu, thân hình như người. Trên thân không có quần áo. Chỉ quàng miếng da. Tay cầm cái cuốc. Một tay cầm bó lúa (có nơi
tạc bó cỏ). Tương truyền ngài để lại cuốn Thần Nông bản thảo gồm ba
cuốn.
Xét nội dung Thần Nông bản thảo. Lời văn là lời văn đời Tần, đời Hán tức khoảng trước Tây-lịch 200 năm đến nay sau Tây-lịch 100. Trong ba cuốn,
khảo cứu về 365 loại cây cỏ khác nhau, dùng để làm thuốc. Người sau căn
cứ vào đó nghiên cứu rộng ra. Cho đến nay (1976) số vị thuốc lên tới
5680. Trong bộ ANH HÙNG TIÊU SƠN, chúng tôi chép về Tổ-sư y học Việt-nam là Nguyễn Minh-Không, sẽ trình bày diễn tiến hình thành các vị thuốc
trong nền y học Hoa-Việt.
Khất đại-phu cười:
– Sai rồi cháu ơi! Cháu thử nhìn lên bàn thờ xem. Đây thuộc Trung-nguyên. Đời nào người Hán lại thờ Quốc-tổ Kinh-Dương vương.
Phương-Dung mở to mắt nhìn lên bàn thờ. Bên trái là tượng Thần Nông. Ở
giữa là tượng Phục Hy. Còn bên phải không phải là tượng Kinh-Dương vương như nàng thường thấy ở Giao-chỉ mà là tượng Hoàng-Đế. Nàng xấu hổ nói:
– A thì ra là thế. Bên mình thờ Phục Hy, Thần Nông, Kinh-Dương vương.
Còn bên Trung-nguyên, người ta thờ Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế.
Đại-phu! Cháu đọc sử Lĩnh Nam thấy nói rằng:
Lĩnh-nam lập quốc từ năm Nhâm Tuất (2879 trước Tây lịch). Khởi đầu từ
Kinh-Dương vương. Tên nước là Xích-quỷ. Đến đời Hùng-Vương đổi tên là
Văn-lang. Đóng đô ở Phong-châu.
Chứ chưa từng nghe Quốc-tổ là Phục Hy, Thần Nông.
Khất đại-phu nhìn Đào Kỳ cười:
– Đào tiểu hữu! Ngươi nổi tiếng là thông thạo lịch sử Hán, Việt. Ngươi giải nghĩa cho vợ nghe đi chứ.
Đào Kỳ được Đào-hầu dạy rất kỹ về lịch sử Lĩnh Nam. Chàng lại được thừa
hưởng di sản văn hóa Trung-quốc từ Lục Mạnh-Tân. Về sử học, chàng hiểu
biết rất rộng bỏ xa Phương-Dung. Chàng khẽ đập tay lên vai vợ:
– Để anh nói cho em nghe. Em phải phân biệt lập-quốc với tổ-tiên. Khi
theo quân từ Giao-chỉ sang Quế-lâm. Hẳn em có qua Cấm-sơn, đọc bia của
Trung-tín hầu Vũ Bảo-Trung chứ?
– Có! Em đọc một lượt thuộc làu. Trong đó nói Đế Minh cháu ba đời Thần
Nông, đi tuần thú phương Nam. Đến núi Ngũ-lĩnh, gặp nàng tiên kết hôn
với nhau, sinh ra Thái-tử Lộc Tục. Ngài lập đàn tế cáo trời đất. Phong
cho con trưởng làm vua phương Bắc tức vua Đế Nghi. Thái-tử Lộc Tục làm
vua phương Nam tức Kinh-Dương vương. Ừ nhỉ... thì ra Lĩnh Nam với
Trung-nguyên cùng gốc ở một ông tổ.
– Quốc-tổ Kinh-Dương vương lập quốc năm Nhâm-Tuất. Lấy năm ấy là năm
đầu. Sử gọi ông là vua Hồng-Bàng thứ nhất. Phương Bắc năm ấy là niên
hiệu vua Đế Nghi thứ 10.
Đô Dương ngắt lời Đào Kỳ:
– Như vậy khi vua Kinh-Dương lên ngôi, thì vua Đế Nghi đã băng hà. Đế
Nghi làm vua được 10 năm. Không biết lúc bấy giờ Kinh-Dương vương bao
nhiêu tuổi?
Đào Kỳ đáp ngay:
– Sử không chép. Song các môn phái Lĩnh Nam đều chép rằng: Khi vua Đế
Minh lập đàn, tế cáo trời đất, ấn định lấy núi Ngũ-lĩnh làm cương giới
phân chia Trung-nguyên với Lĩnh Nam là năm Nhâm-Tý (2889 trước Tây
lịch). Sau đó truyền ngôi cho con trưởng, là vua phương Bắc tức vua Đế
Nghi. Lấy năm đó làm năm đầu. Bấy giờ Thái-tử Lộc-Tục mới ra đời. Vậy có thể kết luận Kinh-Dương vương lên làm vua lúc 10 tuổi.
Phương-Dung hỏi:
– Thế khi vua Kinh-Dương lên ngôi triều đại Thần Nông đã được bao nhiêu năm? Vua Phục Hy trước hay sau vua Thần Nông?
– Kể từ năm Thần Nông thứ nhất đến Hồng Bàng năm đầu gần 239 năm. Như
vậy triều đại Thần Nông đến khi vua Kinh-Dương vương lên ngôi thì chia
làm hai. Bắc do vua Đế Nghi, Nam do Kinh-Dương Vương. Bắc sau thành
Trung-nguyên, Nam thành Lĩnh Nam. Đến đời Lạc Long Quân, Lĩnh Nam đổi
quốc hiệu là Văn Lang. Đời An-Dương vương đổi thành Âu Lạc. Tuy vậy
trong dân gian cứ dùng danh hiệu Lĩnh Nam. Sử Trung-nguyên chỉ ghi chép
từ vua Thần Nông. Vua Phục Hy trước vua Thần Nông. Em gái của ngài là Nữ Oa. Người Trung-nguyên cứ cho Phục Hy, Nữ Oa là không có thật, vì họ
không còn dấu vết gì. Ngược lại Lĩnh Nam mình còn đủ chứng tích, sử chép đầy đủ.
Khất đại-phu cười:
– Con bé Dung thấy chưa, Trung-nguyên, Lĩnh Nam cùng một nguồn gốc từ
Thần Nông. Tuy sử Trung-nguyên không ghi chép vua Phục Hy, bà Nữ Oa vì
không còn di tích. Thế nhưng truuyền tụng dân gian vẫn còn. Vì vậy họ
mới thờ kính.
Đào Kỳ tiếp:
– Kết lại, nguồn gốc Lĩnh Nam phải kể từ vua Phục Hy, kế tiếp tới vua
Thần Nông, Kinh Dương Vương. Vì vậy người Việt có tam Hoàng. Người Hán
cũng có tam Hoàng. Tam Hoàng của Hán là Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế.
Tam Hoàng của Việt là Phục Hy, Thần Nông, Kinh Dương (2).
Ghi chú
(2) TAM HOÀNG
Nói về Tam Hoàng, giữa hai quốc gia Trung-quốc, Việt-nam không thống
nhất. Ngay tại nội địa Việt-nam, nội địa Trung-quốc cũng không đồng
nhất.
1. TẠI TRUNG QUỐC,
1.1. bộ sách đầu tiên nói đến Tam Hoàng là Chu Lễ chương Thiên ngoại quan sử chép:
Chưởng Tam Hoàng Ngũ Đế chi thư.
(Giữ sách của Tam Hoàng Ngũ Đế)
1.2. Các sử gia Trung-quốc không thống nhất về Tam Hoàng.
a) Sách Hà đồ Tam Ngũ lịch, Tam Hoàng là Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Nhân Hoàng.
b) Sách Thượng-thư Đại Truyện, Tam Hoàng là Toại Nhân, Phục Hy, Thần Nông.
c) Sách Bạch Hổ Thông, Tam Hoàng là Phục Hy, Thần Nông, Toại Nhân.
d) Khổng An-Quốc trong bài tựa sách Thượng Thư và Hoàng-phủ Mật trong Đế vương thế-kỷ thì tam Hoàng là Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế.
Về phương diện tôn giáo, người Trung-quốc thờ Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế làm Quốc-tổ.
Năm 1976, thuật giả có viếng cố đô Trường-an, Hàm-dương, (nay thuộc tỉnh Thiểm-tây huyện Tây-an), nhân đó viếng đền thờ Tam Hoàng ở về phía Tây
Trường-an khoảng 70 cây số. Trong đền thờ Phục Hy, Thần Nông và Nữ Oa.
Một đền khác thuộc vùng Phù-phong lại thờ Phục Hy, Thần Nông và Hoàng
Đế.
2. TẠI VIỆT NAM,
Nói về tam Hoàng càng khác nhau:
a) Có nơi ảnh hưởng của Trung-quốc, thờ Phục Hy, Thần Nông và Hoàng Đế. Đến đời Lý thì bỏ.
b) Có nơi thờ Phục Hy, Thần Nông, Kinh-Dương làm Tam Hoàng.
c) Có nơi thờ vua An-Dương, Kinh-Dương, Trưng-Vương làm Tam Hoàng.
d) Có nơi thờ Phục Hy, Thần Nông, Hùng-Vương làm Tam Hoàng.
e) Có nơi thờ chung Phục Hy, Thần Nông, An-Dương, Trưng-Vương.
Nhiều người Việt yêu nước quá khích, đến độ những gì có liên hệ với
Trung-quốc đều gạt ra. Họ chỉ chấp nhận Quốc-tổ là An-Dương Vương. Song
trải qua các triều đại Việt-nam đều chấp nhận Tam Hoàng là Phục Hy, Thần Nông, Kinh Dương. Triều Nguyễn (1802-1945) các vua vẫn tế Phục Hy, Thần Nông, Kinh Dương, An Dương.
Độc giả muốn tìm hiểu về nguồn gốc dân tộc Việt, xin đọc các sách của
giáo sư Lương Kim-Định do An-việt Houston, Hoa-kỳ xuất bản. Giáo sư
Lương Kim-Định căn cứ vào khảo cổ, hình tượng, triết học, văn hóa thời
bình minh lịch sử, đã chứng minh rằng nguồn gốc chúng ta là con cháu vua Thần Nông, vào thời kỳ ngài còn làm giáo sư đại học Văn-khoa Sài-gòn
(trước 1975). Lúc đầu nhiều người thiển cận cho rằng giáo sư suy luận
trong chiều hướng yêu nước quá độ.
Tôi là con ếch ngồi đáy giếng. Suốt từ 1945-1975 chỉ cắm cúi với đống
sách chữ Hán, mà không đọc sách Việt. Nên mãi năm 1986 mới được đọc sách của giáo sư Kim-Định. Nước mắt dàn dụa, vì vô tình ngài với tôi đi một
đường. Ngài khởi đầu bằng triết học. Tôi khởi đầu bằng sử học. Ngài tốn
biết bao tâm não, còn tôi thì chỉ tốn... tiền. Chúng tôi cùng tìm thấy
sự thực lịch sử.
Một tỷ dụ: Độc giả biết đọc chữ Hán có thể tìm bộ TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI PHỤC SỨC NGHIÊN CỬU của Thẩm Tùng-Văn, do Thương vụ ấn thư quán, Hương-cảng
xuất bản 1981. Những cuộc khai quật ở Vân-nam, Quảng-đông, Quảng-tây,
Hồ-nam cho thấy, y phục một thế kỷ sau Tây-lịch về trước đều giống nhau. Trở lại với khảo cổ Việt-nam, các cuộc khai quật ở vùng Thanh-hóa,
Nghệ-an, Sơn-tây, Bắc-ninh cho thấy y phục thời gian một thế kỷ sau
Tây-lịch về trước cũng giống với cuộc khai quật nói trên của Trung-quốc. Vì vậy có thể kết luận: Vùng Thanh-Nghệ đến phía Nam sông Dương-tử từ
tiền cổ đến 100 năm sau Tây-lịch có cùng một văn hóa: Mồ mả, y phục,
xương sọ. Tức cùng một nước: Nước Lĩnh Nam.
Sau cuộc hành trình dài mọi người đặt mình xuống là ngủ ngay. Phía trước miếu Giao-Chi mắc võng vào hai cây, lấy chăn trùm lên người nằm ngủ. Đô Dương cũng mắc võng cạnh đó. Võng hai người cách nhau hơn trượng.
Giao-Chi nhìn trăng tháng giêng chiếu xuống một vùng mờ mờ xa xa hỏi Đô
Dương rằng:
– Đô đại ca, không biết trong thành Trường-an có nhiều cao thủ không?
Đô Dương suy nghĩ rồi đáp:
– Trước đây Lưu Huyền dấy binh tại Quang-trung, anh hùng đất Tần theo
rất đông, cao thủ như rừng như biển. Sau khi diệt Vương Mãng chết mất
khá nhiều. Người trấn thủ Trường-an hiện giờ là Lưu Nghi tước phong
Tần-vương. Y khoảng năm mươi tuổi, võ công không thua gì Nghiêm đại-ca
với tôi. Mưu trí và tài dùng binh tuyệt vời. Y là người hoàng-tộc, học
võ với phái Kỳ-sơn. Hiện Quang-Vũ đến Trường-an, thì Hoài-nam vương, đệ
nhất danh gia kiếm thuật đất Hán cũng đến. Các cao thủ trong đoàn nội
thị hiệu-úy thế nào cũng tới. Tôi nghe Khất đại-phu, Phật-Nguyệt, Trưng
Nhị có đến Trường-an đấu với cao thủ người Hán. Trưng Nhị thắng Trương
Linh, Phật-Nguyệt thắng Hoài-nam vương, chắc đã làm cho chúng nhụt bớt
nhuệ khí.
Giao-Chi hỏi:
– Đại-ca có thuộc đường lối trong thành không?
Đô Dương gật đầu:
– Thuộc chứ! Trường-an là kinh đô đời Tần và Tây-Hán, thành cao, hào
sâu, rộng vô cùng. Ngoài là thành, trong có một thành nhỏ nữa gọi là
Hoàng-thành, cố cung của các vua đời trước. Khi chiếm Trường-an lại từ
Vương Mãng, tôi cùng với Nghiêm đại-ca đi ngắm tất cả các cung điện đời
trước để lại, thuộc rất kỹ. Vả lại đất Phù-phong của tôi thuộc quyền Lưu Nghi. Mỗi tháng chúng tôi phải về họp một lần. Mồi lần như thế lại có
dịp ngao du ngắm cung điện. Vì vậy tôi nhớ nằm lòng.
Chợt nhớ ra điều gì Đô Dương hỏi:
– Giao-Chi sư muội này! Sư muội có thể kể tôi nghe vì sao Nghiêm đại-ca
gặp Hoàng sư-tỷ không? Tôi nghe đồn mối tình hai người làm rung động đất Lĩnh Nam, đến nỗi bên Trung-nguyên, Quang-Vũ cũng biết.
Giao-Chi đáp :
– Đúng đấy! Vì khi khởi sự người ta cứ tưởng Nghiêm đại ca là người Hán. Như đại-ca biết, chúng ta mất nước do âm mưu của Triệu Đà, nhưng cũng
do Mỵ-Châu nhẹ dạ dẫn đường cho giặc. Vì vậy các phụ huynh Lĩnh Nam thù
con gái Việt lấy chồng Hán. Hoàng sư-tỷ là đệ-tử của Đào-hầu vùng
Cửu-chân. Đào-hầu là chưởng môn phái Cửu-chân. Từ mấy trăm năm nay phái
Cửu-chân lúc nào cũng chủ trương phục hồi Lĩnh Nam. Cho nên cuộc tình
duyên hai người gây chấn động Lĩnh-Nam là thế.
Đô Dương không chịu:
– Tôi nghe Đào-hầu trí dũng song toàn, yêu đệ tử như con, lại khoáng đạt tất phân biệt Nghiêm đại-ca là người thế nào chứ. Tôi nghĩ, phàm xét
con người, phải phán xét hành động hơn là phán xét theo lối vơ đũa cả
nắm.
Giao-Chi đáp:
– Nguyên khi Nghiêm đại-ca mới sang, đúng lúc Đào-hầu định khởi sự đánh
đuổi người Hán. Lê Đạo-Sinh là người có tham vọng muốn làm Thái-thú
Giao-chỉ. Nghiêm đại-ca có ý muốn mời Đào-hầu ra làm việc. Đạo-Sinh sợ
Đào-hầu được tin dùng mới cho đệ tử vào làm việc cho tế tác, báo cáo
rằng Đào-hầu là đầu trộm đuôi cướp. Vùng Đào-hầu cai quản dân chúng khổ
sở vô cùng. Thái-thú Cửu-chân Nhâm Diên cũng báo cáo về Nghiêm đại-ca
như vậy. Chính Nghiêm đại-ca mang quân đánh Đào-hầu. Chỉ một trận
Đinh-hầu, Đào-hầu bỏ trang ấp trốn ra hải đảo. Khi Nghiêm đại-ca biết
mình lầm lẫn đã muộn. Thành ra giữa Nghiêm đại-ca với Đào-hầu có mối thù khủng khiếp. Mà giữa trận đánh hai bên, Hoàng sư-tỷ gặp Nghiêm đại-ca.
Đô Dương nói:
– Năm trước đây Quang-Vũ định gả công-chúa Vĩnh-Hòa cho Nghiêm đại-ca.
Sau hỏi lại được biết Nghiêm đại-ca đã cưới Hoàng sư-tỷ rồi mới thôi đấy chứ.
Giao-Chi cười:
– Đại-ca có biết Công-chúa Vĩnh-Hòa không? Y thị là người thế nào với Quang-Vũ?
Đô Dương đáp:
– Vĩnh-Hòa công-chúa là con Cảnh-Thủy hoàng-đế. Nguyên trước đây
Trường-sa Định-vương có hai người con, người con lớn tên Huyền, tài kiêm văn võ. Ông say mê một kỹ nữ. Định-vương giận lắm, bắt Thế-tử nhận một
trong hai điều: Một chọn ngôi Thế-tử, hai chọn kỹ nữ. Thế-tử chọn giải
pháp thứ hai cùng người yêu ra ngoài thành sống hạnh phúc bên nhau.
Người con thứ nhì được Định-vương truyền ngôi. Sau khi Vương Mãng cướp
ngôi nhà Hán, Trường-sa Định-vương bị giết. Lưu Huyền trốn đến vùng
Quang-Trung khởi binh xưng hoàng-đế, lấy niên hiệu là Cảnh-Thủy.
Công-chúa Vĩnh-Hòa là con duy nhất của hoàng-đế Cảnh-Thủy. Hoàng-đế có
ba người em kết nghĩa là Lý Điệt, Chu Huy và Phan Sùng. Ngài phong Lý
Điệt làm Tấn-công, Chu Huy làm Ngụy-công và Phan Sùng làm Tề-công. Ngài
trao chức Tam-công là Tư-không, Tư-đồ, Tư-mã cho các em. Phan Sùng một
lần thấy hoàng-hậu của Cảnh-Thủy hồn phách y bay phơi phới. Y giết
Cảnh-Thủy và hai sư huynh, cướp ngôi vua và định cướp cả hoàng-hậu.
Hoàng-hậu xuất thân là kỹ nữ, nhưng trung thành với vua, tự tử chết
theo. Khi Cảnh-Thủy hoàng-đế bị giết, Lưu Diễn anh Lưu Tú, tức con
Trường-sa Định-vương, gọi Cảnh-Thủy bằng bác ruột mới khởi binh, nối
tiếp sự nghiệp. Lưu Diễn chết, Nghiêm đại-ca với chúng tôi mới khuông
phò Lưu Tú lên làm vua, hiệu là Quang-Vũ.
Giao-Chi hỏi:
– Tại sao người ta gọi Phan Sùng là Xích Mi?
Đô Dương đáp:
– Phan Sùng xuất thân là chưởng môn phái Trường-bạch. Võ công y rất cao. Y có hai lằn mi đỏ, nhân đó người ta gọi y là Xích Mi. Đi đâu y cũng
mang theo một số con em đệ tử, chúng rất tàn ác, người ta gọi chúng là
giặc Xích Mi.
Giao-Chi hỏi:
– Sao có thuyết nói rằng Quang-Vũ trước ở dưới quyền Cảnh-Thủy, được Cảnh-Thủy giao cho binh quyền, y cướp sự nghiệp của ngài.
Đô Dương gật đầu:
– Gần đúng như thế. Bởi Cảnh-Thủy không có tính quyết đoán, tướng sĩ
không phục, nhất là Nghiêm đại-ca, Phùng Dị, Ngô Hán, Đặng Vũ, Sầm Bành
và cả tôi nữa.
Ngừng một lát Đô Dương tiếp:
– Cảnh-Thủy chỉ có một công-chúa Vĩnh-Hòa, Tấn-công Lý Điệt chỉ có một
quận-chúa Lý Lan-Anh và Ngụy-công Chu Huy chỉ có một quận-chúa Chu
Thúy-Phượng. Quang-Vũ ban cho ba nàng, mỗi nàng một thanh Thượng-phương
bảo kiếm, được quyền Thượng trảm hôn quân, hạ trảm gian thần. Ba nàng
hiện lưu lạc ở Nam-hải cùng với Khúc-giang ngũ hiệp Trần-gia. Năm trước
đây, trong lần về Trường-an giỗ Cảnh-Thủy hoàng-đế, tôi đã được thấy
công-chúa Vĩnh-Hòa. Chà! Nàng đẹp như hoa xuân mới nở, tư thái phiêu hốt như một tiên nữ. Nàng rất giỏi về âm nhạc. Tôi e rằng trên thế gian
không ai sánh được với nàng.
Giao-Chi hỏi:
– Kể ra Quang-Vũ cũng tử tế với Nghiêm đại-ca đấy chứ. Y định đem chị
con ông bác gả cho Nghiêm đại-ca. Quả y đã ưu đãi Nghiêm đại-ca quá rồi
còn gì nữa.
Đô Dương lắc đầu:
– Sư muội lầm rồi. Bấy giờ có tin Nghiêm đại-ca muốn phục hồi Lĩnh Nam. Y lo sợ cuống cuồng, vì vậy mới định gả công-chúa Vĩnh-Hòa cho Nghiêm
đại-ca.
Giao-Chi à lên một tiếng:
– Quang-Vũ muốn mai phục một việc ngày xưa như Hán-đế dùng An-quốc Thiếu-Quý thôn tính đất Nam-Việt của con cháu Triệu Đà.
Nguyên Tần Thủy-Hoàng sai Đồ Thư mang 500.000 quân sang đánh Âu Lạc,
chiếm các quận Nam-hải, Quế-lâm, Tượng-quận, giao cho một viên Quận-úy
là Triệu Đà trông coi, rồi tiếp tục đánh xuống miền Nam. An-Dương vương
dùng du kích chiến, cuối cùng đánh một trận giết Đồ Thư, nhưng không đòi lại được ba quận trên. Khi Tần Thủy-Hoàng chết. Anh hùng Trung-nguyên
nổi dậy như ong. Triệu Đà xưng Nam-Việt vương giữ vững cai trị như một
quốc-gia. Sau khi dùng mưu chiếm được nước Âu Lạc, An-Dương vương tự tử. Lãnh thổ Nam-việt trở thành rộng lớn. Triệu Đà xưng đế, cha truyền con
nối. Có lần Đà mang quân đánh Trường-sa. Đến đời Hán-Văn đế cho người
thuyết phục, dọa đào mồ cuốc mã tổ tiên họ Triệu, Đà mới chịu thần phục, hàng năm tiến cống. Truyền đến đời cháu Đà, Hán-đế bắt cho Thái-tử sang làm con tin. Thái-tử Anh-Tề sang Hán làm con tin, lấy người vợ tên
Cù-Thị. Thái-tử Anh-Tề trở về nối ngôi vua được ít lâu thì chết. Hán-đế
sai tình nhân cũ sang dụ Cù-Thị với con hàng Hán. Cù-Thị gặp tình nhân
cũ, nhớ nước muốn về Trung-nguyên, thị khuyên con trai đầu hàng. Lữ Gia
là Tể-tướng nước Nam-việt đứng lên giết Cù-Thị, sứ giả, lập vua khác.
Đô Dương hỏi:
– So sánh giữa Phương-Dung với Hoàng sư-tỷ ai đẹp hơn ai?
Giao-Chi đáp:
– Thực khó nói rằng hoa Lan hay hoa Thủy-tiên đẹp. Vì mỗi người mỗi vẻ.
Phương-Dung thì đẹp sắc sảo chói chang, nhìn vào như một hoa Lan giữa
buổi bình minh. Còn Hoàng sư-tỷ đẹp nhu mì, mỗi khi nhìn sư tỷ, dường
như người nhìn bị hút mất năng lực. Võ công sư tỷ cực cao. Trong bốn nữ
lưu Lĩnh Nam là Trưng Trắc, Trưng Nhị, Thiều-Hoa và Trần Năng thì trước
đây Trần Năng, Thiều-Hoa kém xa hai sư tỷ kia. Nhưng nay vì Trần Năng
được sư phụ là Thái-sơn bắc-đẩu Lĩnh Nam truyền dạy, tiến xa hơn nhiều.
Còn Hoàng sư tỷ gốc học ở Đào-hầu, sau được sư đệ Đào Kỳ truyền dạy, mà
trở thành bản lĩnh kinh nhân. Trước bản lĩnh Hoàng sư-tỷ ngang với
Nghiêm đại-ca. Hiện nay bản lĩnh sư-tỷ cao hơn Nghiêm đại-ca một bậc.
Đô Dương thắc mắc:
– Ta nghe khi thất lạc Đào-hầu, Hoàng sư-tỷ nuôi Đào Kỳ như nuôi con, vậy sao võ công Đào Kỳ lại cao hơn sư-tỷ được?
Giao-Chi đem hết chuyện Đào Kỳ từ lúc rời Cửu-chân cho đến lúc chàng gặp bộ Văn-lang võ học kỳ thư, mà trở thành vô địch, nàng thuật lại một
lượt cho Đô Dương nghe.
Lúc Đô Dương được Giao-Chi thuyết phục trở về Lĩnh-nam. Chàng vẫn cho
rằng bản lĩnh Nghiêm Sơn là đệ nhất. Chàng có thua Nghiêm Sơn đôi chút,
thì ít ra cũng vào bậc nhì. Bây giờ chàng mới biết Lĩnh Nam có không
biết bao nhiêu nhân tài mà kể.
Hai người im lặng rồi ngủ đi lúc nào không rõ. Trong lúc mơ mơ tỉnh
tỉnh, Đô Dương nghe tiếng ngựa phi lộp bộp ở xa. Chàng lắng nghe, có
nhiều tiếng chân ngựa chứ không phải một tiếng. Tiếng chân ngựa mỗi lúc
một gần. Chàng cúi xuống cầm viên sỏi nhỏ bắn sang võng Giao-Chi để đánh thức nàng, thì không thấy nàng đâu nữa. Chàng đảo mắt nhìn quanh, thì
thấy nàng ngồi trên ngọn cây nhìn về phía tiếng ngựa phi. Một lát tiếng
ngựa lại gần. Chàng định vào miếu báo cho mọi người biết, có tiếng
Phương-Dung nói sẽ:
– Chúng tôi dấu hết ngựa rồi. Còn hai vị ẩn thân ở ngoài. Nếu thấy kẻ lạ vào đừng có lên tiếng, chúng tôi khắc có cách đối phó.
Giao-Chi cùng Đô Dương nhảy xuống thu võng, rồi ẩn thân vào bụi cây gần
đó. Tiếng ngựa mỗi lúc một gần. Giao-Chi đếm: một, hai, ba... mười ba
con ngựa. Toán thứ nhất chạy đến trước miếu, ngừng lại. Có tiếng một
người nói:
– Đây có cái miếu, chúng ta ngừng lại nghỉ chân. Chứ chạy nữa, ngựa mệt quá rồi.
Họ nói tiếng Việt, Giao-Chi nhận ra tiếng nói rất quen thuộc, nhưng không biết là tiếng của ai.
Mười ba người xuống ngựa, tiến vào miếu. Giao-Chi nhìn kỹ xem họ là ai.
Trong bóng đêm nàng phân biệt rõ trong 13 người, có 1 nữ, còn 12 nam.
Trong 12 nam có 3 người đeo cung tên. Dường như họ đều mỏi mệt và có vài người bị thương nhẹ.
Người cầm đầu chỉ vào miếu nói:
– Chúng ta ẩn trong miếu này chống lại chúng. Cố gắng cầm cự, vận khí
điều công phục hồi chân khí, rồi quyết chiến một trận. Từ đây đến chỗ
đóng quân của chúng ta không xa cho lắm.
Giao-Chi nghe tiếng nói giật bắn người lên. Nàng nhận ra tiếng của đệ
nhị sư bá Trần Công-Minh. Trần Công-Minh là Lạc-hầu ở Ký-hợp. Từ lâu ông không phục tùng người Hán, tách hẳn với chính quyền Giao-chỉ. Ông chiếm lĩnh một vùng tự xưng là Nam-thành vương, dưới tay ông có 2.000 quân và mấy trăm tráng sĩ. Ông là sư phụ của Đàm Ngọc-Nga, thủ lĩnh 36 động
Thanh-hoa với trên 1000 tráng sĩ. Ông còn là sư phụ, cậu ruột Nguyễn
Thánh-Thiên. Người thiếu nữ mà Đào Kỳ gặp ở Cổ-loa, rồi nàng bị Lê
Đạo-Sinh bắt dâng cho Tô Định, được Nguyễn Trát, Đào Kỳ cứu thoát.
Trần Công-Minh bảo người đeo tên:
– Cảnh-Sơn hiền đệ cùng hai cháu chia nhau ra núp ba nơi. Cố bắn cản
không cho giặc vào miếu. Chúng ta ở trong miếu ăn uống vận công. Sau một giờ công lực phục hồi, chưa chắc ai ăn ai.
Giao-Chi nói vào tai Đô Dương:
– Người đeo cung tên này tên Cao Cảnh-Sơn, chưởng môn phái Hoa-lư. Còn
hai người đi theo kia chắc là Cao Cảnh-Khê và Cao Cảnh-Nham. Vậy cả 13
người đều là người Lĩnh Nam. Không biết họ sang đây làm gì? Vì tất cả
những người này không tùng chinh sang Trung-nguyên.
Cao Cảnh-Sơn chỉ cho Cao Cảnh-Khê sang một ụ đất có cây um tùm bên kia
đường ẩn nấp. Cao Cảnh-Nham núp ngay phía trái đền. Còn ông, ông leo lên ngọn cây. Thế là ba cha con chia nhau làm ba góc, trấn giữ trước ngôi
đền.
Vừa lúc đó toán đuổi theo đến. Họ đông khoảng trên trăm người. Giao-Chi
nhìn thấy suýt kêu lên. Vì người cầm đầu là Mã Viện, đi theo có bọn võ
tướng Kinh-châu mà nàng đã thấy trong lần hội lớn ở Quế-lâm.
Giao-Chi bảo nhỏ Đô Dương:
– Không biết đạo Kinh-châu, sư tỷ Trưng Nhị đã tiến tới đâu rồi. Tại sao Mã Viện lại có mặt ở đây. Y là phó tướng đạo Kinh-châu. Đây đâu phải là đất của y.
Bọn Mã Viện tới trước đền, gò cương ngựa lại nói:
– Bọn phản tặc hiện ở trong đền, vì ta thấy các vết chân ngựa tiến vào đó. Vậy chúng ta phải bao vây, bắt hết, nộp cho Thái-hậu.
Vèo ba mũi tên từ trên cây, do Cao Cảnh-Sơn bắn ra, hướng vào Mã Viện,
Viện kinh hoảng rút kiếm gạt đánh choảng một tiếng, trong đêm tối tên,
kiếm đụng nhau tóe lửa. Kiếm của Mã Viện bật văng khỏi tay, hổ khẩu y tê dại.
Y vội vọt khỏi mình ngựa, chụp lấy kiếm, lộn một vòng đáp xuống đất.
Nhưng Cao Cảnh-Sơn bắn một lúc ba mũi tên. Hai mũi còn lại hướng hai tỳ
tướng bên cạnh Mã. Hai người định tránh né, nhưng không kịp. Mũi tên
xuyên thủng lồng ngực bay ra sau. Vì Cao Cảnh-Sơn bắn từ trên cao, nên
mũi tên đi xéo xuống đất. Dư lực mũi tên sau khi xuyên lồng ngực hai tỳ
tướng, còn dư sức trúng vào đùi hai tướng khác, ghim đùi họ vào mình
ngựa.
Mã Viện quát lên một tiếng, tất cả đám tùy tùng đều nhảy xuống đất núp
vào ụ đất bên đường, nhìn về phía Cao Cảnh-Sơn. Hai tỳ tướng bị tên ghim vào mình ngựa. Ngựa đau quá ngã vật xuống, kéo theo hai tướng.
Tương-dương nhị hùng đưa một nhát kiếm cắt hai mũi tên, gỡ hai tướng ra
khỏi xác ngựa. Mã Viện chỉ vào trong đền nói:
– Chúng ta chia làm ba mũi: Tương-dương nhị, tam, tứ hùng bọc phía trái
đền tiến vào. Mũi thứ nhì Tương-dương ngũ, lục, thất, cửu hùng vòng theo phía trái. Còn ta với các tướng tấn công chính diện. Phải cẩn thận, nếu không sẽ bị chúng bắn tên.
Cảnh Yểm cùng Mã Vũ vượt qua đường núp vào mô đất quan sát, vèo một
tiếng tên của Cao Cảnh-Khê bắn từ bên kia đường qua. Sáu người rút kiếm
ra gạt choang, choang, choang ba mũi tên bị gạt đi. Nhưng bọn Cảnh Yểm
thấy cánh tay bị tê dại, không cử động được. Kiếm suýt bay mất. Ba người hoảng hốt vội nằm rạp xuống đất.
Bọn Tang Cung, Lưu Hân, Phùng Tuấn định tiến theo cánh trái vào, liên
tiếp sáu tiếng, sáu mũi tên. Họ kinh hoàng khi thấy tên lần này lại ở
phương vị khác bắn tới. Đó là tên của Cao Cảnh-Nham. Bọn Cảnh Yểm đã có
kinh nghiệm, chúng lăn tròn đưới đất tránh tên. Thế là cả bọn Mã Viện bị cầm chân.
Bỗng cả ba phía tên cùng vèo, vèo bắn ra một loạt. Nhưng tên không bắn
vào người mà bắn vào ngựa. Tiếng ngựa rú lên kinh khủng thê thảm trong
đêm. Chỉ lát sau, gần một trăm con ngựa bị bắn chết hết.
Nguyên sau khi rời bản dinh ở đất Thục, Mã Viện bị Trưng Nhị lừa, y cùng các tướng lên đường về Trường-an yết kiến Quang-Vũ, nhậm chức trấn thủ
Lương-châu. Vì đường xá xa xôi, gập ghềnh hiểm trở, cho nên mãi hôm qua
mới đến Tân-phong. Trong khi nghỉ ở Tân-phong y gặp một đoàn lữ khách 12 người. Mã Viện biết họ là người Lĩnh Nam vì họ nói tiếng Việt. Sở dĩ y
biết tiếng Việt, do những ngày y làm việc bên cạnh Trưng Nhị, y học ít
câu. Đoàn người cùng vào một quán ăn uống, rồi lên đường. Vừa lúc đó có
một người Hán, chạy đến trước mặt Mã Viện thi lễ, hỏi:
– Tiểu nhân thực vô lễ, dám hỏi đại nhân có phải Phục-ba tướng quân Mã quốc-cữu không?
Mã Viện gật đầu:
– Chính thị là ta.
Người đó nói sẽ:
– Tiểu nhân có điều cơ mật muốn trình với Quốc-cữu.
Mã Viện ra hiệu cho các tướng lui lại. Người đó móc trong bọc đưa cho Mã Viện một phong thư. Mã Viện mở ra thấy vỏn vẹn có mấy dòng:
Nay phái Vũ-vệ hiệu-úy Hầu Nhân-Đăng đi kinh-lý các vùng Trường-an,
Đồng-quan, Lâm-đồng cho tới Tây-lương, Quang-trung. Phàm các tướng dĩ,
bá quan văn võ, từ cấp Thứ-sử trở xuống đều phải tuân lệnh điều động của Hầu Vũ-vệ.
Bên dưới đóng ấn của Mã thái-hậu. Mã Viện nhìn rõ chữ cô ruột. Biết rằng đây là mật lệnh quan trọng, bà mới viết như vậy.
Y hỏi:
– Hiệu-úy định nhờ ta việc gì? Ta là cháu Thái-hậu. Việc của Thái-hậu ta phải hết tâm.
Hầu Nhân-Đăng chỉ bọn 13 người Việt đi trước:
– Thái-hậu truyền tiểu nhân cùng một số Vũ-vệ tuần hành quanh Trường-an
trong những ngày hoàng-thượng tuần-du, bắt tất cả những người nào nói
tiếng Việt đem về để Thái-hậu phát lạc.
Hơn ai hết, Mã Viện biết cô mình không phải là mẹ của Quang-Vũ. Mẹ ruột
của Quang-Vũ hiện đang ở Lĩnh Nam. Vì vậy bà bắt người nói tiếng Việt
tất có liên quan đến vụ này.
Y nói với Hầu Nhân-Đăng:
– Được! Ta sẽ cho vây bắt họ lập tức. Bây giờ chúng ta đuổi theo ngay mới kịp.
Y đứng lên nói với các tướng sĩ:
– Các ngươi đã thấy 13 tên Việt đi qua. Chúng là bọn phản tặc, có mật
chỉ phải bắt chúng. Vậy các tướng hãy cố gắng ra sức, Thái-hậu sẽ trọng
thưởng.
Các tướng sĩ đều biết Phục-ba tướng quân là cháu Thái-hậu. Cho nên khi
thấy người lạ đưa trình cho Mã bao thư, rồi bàn luận với Mã. Họ biết
rằng có việc cơ mật. Họ không ngờ việc cơ mật đó do Thái-hậu ban ra.
Kinh nghiệm cho họ biết, xung phong hãm trận, vào sinh ra tử khó mà được thăng cấp mau. Còn làm những công tác mật như thế này, rất dễ mau thăng quan tiến chức. Cho nên khi nghe Mã nói, họ cùng lên ngựa đuổi theo rất gấp.
Các tướng theo Mã là Tương-dương cửu-hùng. Trước gồm Sầm Bành, Cảnh Yểm, Mã Vũ, Tế Tuân, Tang Cung, Lưu Hân, Phùng Tuấn, Đoàn Chí, Lưu Long. Sầm Bành, Tế Tuân đã bị giết chết. Họ đều là người theo Quang-Vũ khởi binh
từ Nam-dương. Về công trạng, võ công, tài dùng binh, họ bỏ xa Mã Viện.
Đạo Kinh-châu do Đại tư-mã Đặng Vũ chỉ huy, Mã Viện trấn thủ Kinh-châu
cùng với Sầm Bành. Mỗi khi Đặng Vũ tiến chiếm được vùng nào, Mã Viện,
Sầm Bành theo trấn giữ hậu quân. Vì vậy khi Đặng Vũ tiến tới Đồng-nam,
Quảng-an thì Mã Vũ, Sầm Bành cũng theo tiếp nhận.