Thời tiết chớm lạnh, cuối cùng tôi với A Độ cũng đã tìm được cơ hội lẻn ra ngoài chơi.

Không ngờ ở ngoài đường vẫn là vui nhất, người qua người lại, ngựa xe như nước chảy, náo nhiệt phồn hoa. Chúng tôi lại đến quán trà nghe thuyết thư, cái vị tiên sinh giảng thuyết thư hồi trước không hiểu đi đâu mất rồi, lại đổi sang vị tiên sinh thuyết thư này, cũng chẳng giảng về Tiên Kiếm nữa, mà chuyển sang giảng chuyện tây chinh mười mấy năm trước của triều đình.

“Lần bại trận đấy của Tây Lương, từ đó về sau bị đại của quân thiên triều làm cho khiếp sợ như cỏ rạp dưới gió, phải cúi đầu thần phục. Tuyên hoàng đế nhân hậu, hẹn ước cùng Tây Lương kết mối lương duyên nhiều đời, đồng thời ban hôn công chúa thiên triều là Minh Viễn cho Khả Hãn của Tây Lương. Hai nước hòa thuận đã mười mấy năm nay, chẳng ngờ Khả Hãn già nua của Tây Lương vừa qua đời, tân Khả Hãn lại ngông cuồng tự xưng thành Thiên Khả Hãn, liền tuyên chiến với triều đình ta, khi đại quân của triều đình áp sát biên giới 2 nước, tân Khả Hãn thấy được uy thế của thiên triều, hối hận không kịp, bèn cung kính dâng con gái của mình ra để cầu thân, mới đổi lại được sự khoan dung của thiên triều….”

Hết thảy người ngồi trong quá trà đều ồ cười, A Độ bật dậy đập cái cốc, bình thường nàng ấy luôn can ngăn tôi đánh nhau, lần này lại đến phiên tôi sợ nàng ấy không dằn được mà xuống tay đánh trọng thương người ta, bèn lôi nàng ấy ra khỏi quà trà.

Bên ngoài nắng rạng rỡ, tôi nhớ tới công chúa Minh Viễn, tỷ ấy là một nữ nhân xinh đẹp, trang phục lẫn phấn son tuy không giống nữ tử Tây Lương chỗ chúng tôi, nhưng lúc tỷ ấy bạo bệnh qua đời, cha tôi cũng đau lòng lắm.

Cha tôi đối xử với tỷ ấy rất tốt, cha nói, đối đãi với tỷ ấy tốt, cũng bằng như đối với Trung Nguyên tốt.

Người Tây Lương chúng tôi, cứ ngỡ tưởng mình đối với người khác tốt, thì người ta tự nhiên cũng sẽ đối tốt lại với mình. Nào có giống như người Thượng Kinh, trong lòng lúc nào cũng tính toán lươn lẹo, trước mặt nói 1 kiểu, sau lưng làm một lẻo.

Nếu như là 3 năm trước đây, tôi nhất định sẽ đánh dẹp hết tất thảy bọn người đó ngay giữa quán trà, thế nhưng bây giờ trong lòng đã nguội lạnh lắm rồi.

Tôi và A Độ ngồi nghỉ chân bên cầu, những cánh buồm căng gió lướt trên sông, người chèo đò cầm que sào dài ngoằng ngoẵng, chốc lát đã cắm sâu xuống lòng sông, rồi cứ lùi dần về phía sau. Nhớ hồi mới đến Thượng Kinh, thấy thuyền bè tôi còn ngạc nhiên vô cùng, xe mà cũng đi được trên sông à? Thấy cầu tôi còn sửng sốt hơn, tưởng chừng đó như cầu vồng, là ai đã xếp đá thành cầu vồng thế này? Ở Tây Lương của chúng tôi, mặc dù có sông đấy, nhưng nước sông nông mà trong lắm, như một dải sa màu bạc phủ lên thảo nguyên, nước sông “róc rách” chảy, ngồi trên ngựa là cũng lội được qua, nơi ấy không có thuyền, cũng chẳng có cầu.

Từ lúc đến Thượng Kinh, tôi được chứng kiến biết bao sự vật trước nay chưa từng được thấy, nhưng tôi chẳng vui vẻ chút nào cả.

Đúng lúc tôi đang ngẩn ngơ, đột nhiên có tiếng “ùm” vang lên cách đó không xa, rồi lại tiếng người gào lớn: “Có ai không! Đại ca cháu rơi xuống sông rồi! Có ai đến cứu với!”

Tôi ngước lên nhìn, thấy xa xa có 1 bé gái chừng 7-8 tuổi đang đứng kêu khóc: “Mau cứu ca ca của cháu với! Huynh ấy rớt xuống sông rồi!”

Tôi thấy có một cái đầu nhỏ đang dập dềnh trên mặt nước, lúc chìm lúc nổi, tôi không do dự gì đã nhảy bổ xuống nước, căn bản cũng quên béng mất việc mình không biết bơi. Đến khi túm được cánh tay thằng bé, chính tôi cũng sặc không biết bao nhiêu là nước, trộm nghĩ lần này xong rồi, đã không cứu được người ta, mình lại thành ra chết đuối. Tôi chết đuối rồi thì không sao, nhưng tôi chết rồi thì ai chăm sóc A Độ đây, nàng ấy một thân một mình, chẳng hiểu có biết đường mà tìm về Tây Lương hay không nữa…. Tôi uống liên tục một đống nước, dần dà cả người cứ chìm ngỉm, lúc A Độ vớt tôi từ dưới nước lên, tôi đang mấp mé bờ bất tỉnh nhân sự. A Độ đặt tôi nằm lên một phiến đá lớn bên bờ sông, tôi cứ thể òng ọc khạc ra bao nhiêu là nước, nhớ tới năm đó lần đầu tiên thấy vại thủy tinh trong Đông Cung có nuôi cá vàng, tôi cảm giác hiếm lạ vô cùng, sao nó lại có thể to đến thế nhỉ, cái bụng tròn lẳn đáng yêu đến thế nhỉ, mà lúc nào cũng nhả bong bóng trong hờ hững nữa chứ? Bây giờ thì tôi đã hiểu, hóa ra trong bụng nó toàn là nước cả đấy.

A Độ ướt sạch từ đầu đến chân, nàng ấy khụy gối ngồi cạnh tôi, nước trên y phục vẫn còn nhỏ giọt. Thần sắc lo lắng nhìm chăm chú ở tôi, tôi biết tôi mà không tỉnh lại được thì nha đầu ngốc nghếch ấy thể nào cũng khóc lóc quýnh quáng.

“A Độ…..” tôi trong cơn mê man mà vẫn liên tục ói ra nước, “Đứa trẻ kia đâu….”

A Độ xách đứa nhé vừa mới rơi xuống nước kia lên cho tôi xem, toàn thân nó cũng ướt sũng tí tách nhỏ thành giọt, đôi mắt đen lay láy chỉ lo nhìn tôi.

Tôi mơ màng bò dậy, xung quanh đã có rất nhiều người vây chặt, chắc là thấy ầm ì thì đổ đến. Cả ngày tôi ở ngoài đường tìm vui, chẳng ngờ lần này cũng bị người khác đến ngắm nghía một thôi một hồi. Đúng lúc tôi và A Độ đang vắt nước trên quần áo, có người gào khóc, chân nam đá chân chiêu len vào giữa đám người đang vây tròn: “Con tôi! Con tôi đâu!”

Xem dáng vẻ đoán chừng là 1 đôi phu thê, bọn họ ôm lấy đứa trẻ rơi xuống nước ban nãy rồi bật khóc rất to, con bé mới rồi cũng đứng bên dụi mắt.

Cả nhà sum vầy, tôi cũng mừng, ngày qua ngày lê la ở quá trà nghe thuyết thư giảng anh hùng nghĩa hiệp, chẳng ngờ hôm nay tôi cũng anh hùng được 1 phen. Ai dè còn chưa kịp nghĩ xong, thằng nhóc ban nãy chợt bật khóc: “Cha ơi, là cái người xấu xa này đã đẩy con xuống sông!” Nói rồi nó đã chìa tay ngay lập tức chỉ thẳng vào tôi.

Tôi nghẹn họng nhìn trân trối, không hiểu chuyện gì thế này.

“Con cũng thấy, chính hắn đã đẩy đại ca xuống sông đấy ạ!” đứa con gái giọng còn non nớt, mà tôi nghe bên tai như thể tiếng sấm rền.

“Lòng dạ con người ta bây giờ sao lại độc địa đến thế!”

“Đứa nhỏ này có làm gì hắn đâu cơ chứ?”

“Quà là nhìn không ra, bề ngoài thì nhã nhặn là thế, lại có thể làm ra những chuyện cầm thú như vậy!”

“Cái loại nhã nhặn cặn bã! Cầm thú đội lốt người!”

“Không thể bỏ qua cho kẻ này được!”

“Đúng thế!”

“Không thể tha cho bọn chúng được!”

Người từ bốn bề xộc lên, ba chân bốn cẳng đã xô đẩy chúng tôi. A Độ hiển nhiên cũng không hiểu chuyện gì đang xảy ra, chỉ nhìn tôi. Gân xanh 2 bên huyệt thái dương tôi giật liên hồi, chẳng ngờ làm ơn phải tội, thật khiến con người ta phải phẫn nộ!”

“Đưa đứa nhỏ đến y quán để đại phu xem xem!”

“Cái này phải bồi thường chứ! Vô duyên vô cớ mà đẩy con nhà người ta xuống sông, đền tiền đi!”

Tôi nói: ‘Rõ ràng là bọn ta cứu đứa nhỏ này mà, sao lại có thể lật trắng thay đen, đổ vạ chúng ta đẩy nó được!”

“Không phải ngươi đẩy thì ngươi cứu cái gì?”

Tôi thiếu điều phọt ra cả một miệng máu tươi, cái này….là…kiểu ngụy biện gì thế này?

“Con trai ta bị ngươi làm cho kinh sợ rồi, phải đi mời đại phu!”

“Đúng, trước tiên phải mời đại phu đến xem đã, xem có bị thương không!”

“Đứa trẻ này đang yên lành thế, nào có bị thương đâu? Vả lại rõ ràng là ta vừa cứu nó…”

“Đã xấu xa lại còn cãi bướng! Không đền tiền mời thầy thuốc cũng được, bọn ta lên quan phủ!”

Đám người xung quanh lại hò: “Dẫn chúng lên nha môn đi!”

Thế rồi chỉ nghe thấy tiếng la hét ẫm ĩ: “Lên nha môn!”

Tôi bực lắm, lên nha môn thì lên chứ sao, cây ngay không sợ chết đứng, không làm gì thì sao phải sợ.

Một đám người chúng tôi cứ thế cãi nhau ầm ĩ trên đường vốn dĩ cũng thu hút ánh nhìn của người xung quanh, lại thêm cha mẹ bọn ranh con kia, ôm chúng vừa đi vừa khóc lóc lại vừa gào rú: “Mau đến mà xem này….chẳng còn công lý gì cả….xô con nhà người ta xuống sông rồi lại còn già mồm nói mình cứu chúng. Trẻ con nào có biết nói dối đâu cơ chứ….”

Thế là tôi và A Độ chẳng khác nào chuột tạt qua đường ở ven sông, quầy rau thì ném vỏ rau vào người chúng tôi, kẻ nhàn rỗi qua đường cũng hung hăng khạc ngay 1 bãi nước bọt. May mà A Độ có thân thủ nhanh nhẹn, đống rau thối không cái nào đáp trúng người chúng tôi, nhưng càng như thế, tôi lại càng bực không để đâu hết.

Bước vào đến nha môn Vạn Niên, lửa giận trong tôi mới dịu đi một tẹo, dù sao vẫn có nơi để mà nói rõ lí lẽ. Vả lại đây là lần đầu tiên tôi được đến chỗ này, nhìn có vẻ khá đấy. Kinh triệu doãn quản hạt bên dưới có Tràng An và Vạn Niên, mang ý nghĩa an bình trường tồn muôn đời, Tràng An và Vạn Niên cũng bởi vậy mà được mệnh danh là hai huyện đứng đầu thiên hạ. Lúc thăng đường, khí thế bừng bừng, vốn là nha dịch dài giọng hô to chữ “UY”, sau đó huyện lệnh Vạn Niên mới sải bước xuất hiện, thong thả ung dung ngồi vào chỗ, bắt đầu tra hỏi tên tuổi của nguyên cáo lẫn bị cáo.

Đến tận lúc này đây, tôi mới biết đôi phu thê kia họ Giả, sống ở ven sông, mưu sinh bằng nghề bán cá. Lúc hỏi đến tôi, tôi cũng tự nhiên bịa ra 1 cái tên giả, tự xưng là “Lương Tây”, lúc bình thường lang thang ở bên ngoài, tôi đều dùng cái tên này. Chỉ là huyện lệnh huyện Vạn Niên hỏi tôi hành nghề gì, tôi líu lưỡi không đáp lại được, sư gia ở bên cạnh thấy dáng vẻ tôi, không nhịn được mà nói xen vào: “Vậy chính là lang thang nay đây mai đó đúng không?”

Thì cũng gần như thế, lang thang nay đây mai đó, tôi liền gật đầu.

Huyện lệnh đại nhân nghe đôi phu thê kia nói hươu nói vượn 1 hồi, lại hỏi đến 2 đứa trẻ, 2 đứa trả lời đồng thanh như một, nói là tôi đẩy thằng anh xuống. Huyện lệnh đại nhân không truy cứu bọn nó nữa mà chuyển sang tôi: “Ngươi biết bơi không?”

“Không biết.”

Huyện lệnh Vạn Niên gật gù, phán rằng: “Ngươi vô cứ đẩy người ta xuống sông, suýt nữa gây ra án mạng, còn gì để biện bạch nữa không?”

Tôi tức tối giậm chân: “Rõ ràng thảo dân thấy nó rơi xuống nước mới nhảy xuống cứu cơ mà. Làm sao thảo dân lại đẩy nó xuống được, đẩy nó để làm gì chứ?”

Huyện lệnh lại phán: “Ngươi không biết bơi mà đi cứu nó, nếu như không phải người đẩy thằng bé xuống, hà tất phải liều mình cứu nó?”

Tôi nói: “Cứu người là trên hết, nào có cần nghĩ ngợi gì! Thảo dân thấy thằng bé rơi xuống sông, liền lanh trí nhảy xuống cứu, đâu có bận tâm mình không biết bơi!”

Huyện lệnh nói: “Đủ thấy người đang ăn nói xằng bậy! Con người vốn ích kỷ, ham sống sợ chết, ngươi và đứa trẻ xưa nay không quen biết, lại cũng không biết bơi, thế mà vẫn đi cứu nó, không phải vì chột dạ thì là vì cái gì? Ví như không phải người đẩy, hà cớ gì phải có tật giật mình, đã là có tật giật mình, vậy chuyện ngươi đẩy là không còn nghi ngờ gì nữa!”

Tôi liếc nhìn bốn chữ “gương sáng treo cao” sau lưng lão, gân xanh 2 bên huyệt thái dương lại bắt đầu giật giật. Mỗi một cái giật là lại khiến tôi muốn xắn tay áo lên, lao đến đánh nhau một trận ra trò.

Huyện lệnh Vạn Niên thấy tôi không còn gì để nói, liền ra phán quyết: “Người vô duyên vô cớ đẩy người ta xuống sông, hại con nhà người ta bị kinh hãi không nhỏ, giờ bản quan phạt người đền cho nhà họ Giả 10 xâu tiên để an ủi cả nhà họ.”

Tôi tức đến nỗi bật cười: “Thì ra đại nhân xử án như thế này sao?”

Huyện lệnh Vạn Niên chậm rãi nói: “Ngươi cảm thấy bản quan xử cho người bất công sao?”

“Đương nhiên là bất công rồi! Rõ ràng như ban ngày là thảo dân cứu người, ngài lại chỉ nghe từ một bên, chứ quyết không tin thảo dân.”

“Ngươi mở miệng ra là nói đứa trẻ không phải do ngươi đẩy, ngươi có nhân chứng vật chứng gì không?”

Tôi nhìn sang A Độ, bảo: “Đây là A Độ, cô nương này chứng kiến thảo nhân cứu người, sau đó cũng chính nàng ấy đã vớt thảo dân và đứa trẻ kia lên.”

Huyện lệnh đại nhân ra lệnh: “Vậy gọi kẻ đó tiến lên để ta chất vấn.”

Tôi nén giận, nói: “Cô nương ấy không biết nói chuyện.”

Huyện lệnh huyện Vạn Niên bật cười ha hả: “Thì ra là một kẻ câm!” lão vừa cười tôi đã biết sắp loạn rồi, quả nhiên A Độ “soạt” một tiếng đã tuốt thanh Kim Thác Đao ra, nếu không phải tôi nhanh tay lẹ mắt giữ nàng ấy lại. Không chừng nàng ta đã cắt phăng đôi tai của gã huyện lệnh kia. A Độ đứng ở đó, trợn mắt nhìn gã quan huyện, nha dịch xung quanh lại vùng lên quát tháo: “Trên công đường không được mang theo đao!”

Thân hình A Độ vừa lay động, mà cũng chẳng vùng khỏi tay tôi, chỉ có mũi đao như bông tuyết toán loạn vút theo ánh sáng, rồi lại xoay chuyển trở về trong lòng bàn tay. Nàng ấy ra tay nhanh như chớp, người bình thường còn chưa kịp phản ứng, hộp thăm đỏ trên án của huyện lệnh đại nhân chợt vang lên một tiếng “bang” rồi nứt toác, thăm đỏ trong hộp rơi tá lả xuống đất, mỗi một que thăm đều đã bị chẻ dọc. Cắm trong ống thăm có ít nhất là 10 que thăm, chỉ trong khoảng thời gian chớp nhoáng, toàn bộ đều bị lưỡi đao của A Độ bổ làm đôi, mà mỗi que còn bị chẻ chính giữa, không lệch không nghiêng chút nào. Những người có mặt trên công đường đều giương mắt đờ đẫn, dân chúng đứng ngoài cửa nha môn chứng kiến cảnh tượng náo nhiệt đồng loạt ồ lên: “Xiếc tài quá!”

Sai dịch trong nha môn lại hiểu rằng, nào có phải ‘xiếc hay’, mà là đao pháp. Huyện lệnh Vạn Niên bị dọa đến nỗi mặt vàng khè, vẫn gắng gượng điềm tĩnh: “Người…người đâu! Trên công đường, sao lại có thể giở trò binh khí!”

Ngay lập tức có vài gã nha dịch đánh bạo tiến lên toan đoạt chuôi đao trên tay A Độ, tôi nói ngay: “Các người nếu như ai dám tiến lên, nàng ta mà có muốn cắt tai mấy người, ta cũng không cản nổi đâu.”

Quan huyện quát lớn: “Nơi đây đường đường là nha môn Vạn Niên, các ngươi chẳng lẽ muốn tạo phản ư?”

Tôi nói: ‘Đại nhân à, ngài vu oan cho thảo dân rồi.”

Huyện lệnh nói: “Không muốn tạo phản thì mau giao nộp thanh đao ra…” Lời lão chưa nói dứt, A Độ đã lườm 1 cái, lão lập tức đổi giọng ngay: “Mau thu đao lại!”

A Độ dắt Kim Thác Đao vào thắt lưng, tôi nghĩ hôm nay chúng tôi gây họa lớn rồi, không biết kết cục rồi sẽ thế nào đây.

Huyện lệnh Vạn Niên thấy A Độ đã thu đao lại, dường như cũng an tâm hơn, đưa mắt ra hiệu cho sư gia, vị sư gia liền bước xuống, nhẹ nhàng hỏi tôi: “Thân thủ hai vị anh hùng quả là đột phá, không hiểu là thuộc hạ của vị đại nhân ở phủ nào?”

Tôi nghe chẳng hiểu gì, trợn mắt với hắn: “Nói rõ hơn đi!”

Sư gia nhẫn nại, thấp giọng: “Ý của đại nhân chúng tôi là, hai vị thân thủ vừa nhìn đã biết là phi phàm, không biết hai vị đang phục vụ cho vị đại nhân nào ạ?”

Tôi mừng rơn, té ra lão huyện lệnh này cũng là loại mềm nắn rắn buông, chúng tôi vừa đại náo như thế, lão lại tưởng chúng tôi có chỗ dựa lớn, 8 phần đoán chúng tôi là hiệp khách của phủ quyền quý nào đó rồi. Tôi cân nhắc 1 lúc, nếu mà kêu tên Lí Thừa Ngân ra, e lão huyện thừa này chắc chắn sẽ không tin. Tôi bỗng nảy ra một ý tưởng, có đây rồi!

Tôi khẽ khàng nói với ông ta: “Đại nhân nhà chúng tôi, là Kim ngô tướng quân Bùi Chiếu.”

Sắc mặt sư gia như tỉnh ngộ, thậm chí còn khom lưng, ngầm chắp tay với tôi, khẽ thưa: “Thì ra là thuộc hạ Lâm vũ lang của Bùi đại nhân, chẳng trách phi thường là thế.”

Cái lũ Lâm vũ lang khốn kiếp ấy, tôi mà thèm nhập bọn với chúng à! Nhưng mà những lời này không thể nói ra được, Trung Nguyên có câu rất hay: Người khôn ngoan không chịu thiệt rõ ràng.