Sau khi nghe Diệp Tri Hoà trả lời, Diệp Thư khẽ gật đầu rồi im lặng nhắm mắt lại.
Bỗng nhiên, Diệp Tri Hoà cảm thấy hơi mềm lòng, cậu chẳng biết có nên hỏi tiếp không.
Nhìn ba có vẻ mệt mỏi lắm rồi, nếu đã không muốn trả lời thì thôi quên đi cũng được, chuyện trước kia vốn cũng chẳng quan trọng bằng hiện thực…
“Cô Trình nói con nhận ra em ấy rồi”.
Diệp Thư mở mắt, “Chẳng trách được, trông con rất giống em ấy”.
Nhất thời Diệp Tri Hoà không biết phải làm sao, cậu không nghĩ Diệp Thư sẽ chủ động đề cập đến việc này.
“Em ấy khuyên ba nên nói chuyện rõ ràng với con, nhưng có cái gì hay ho đâu mà nói”.
Diệp Thư chậm rãi nói, “Đều đã qua rồi”.
Tim Diệp Tri Hoà bỗng nhói lên, chẳng rõ vì sao.
Diệp Thư nói tất cả đã là quá khứ, ông đã thôi chẳng vấn vương gì nữa rồi, tựa như mùi rượu đã thôi không còn bám trên người ông nữa.
Nhưng mà có thực sự là không còn vấn vương gì nữa không?
“Ba là người sinh ra con, vậy một người cha khác của con là ai?”.
Diệp Tri Hoà hỏi.
Ánh mắt Diệp Thư sáng rực lên trong chốc lát, ông ngồi thẳng dậy, dịu dàng gật đầu, “Nếu con đã hỏi thì để ba nói, nói ra được cũng tốt hơn”.
Diệp Tri Hoà mím môi, cậu rất bất mãn với thái độ qua loa có lệ của Diệp Thư, cổ họng như mắc nghẹn lại.
Dù rằng Diệp Thư có giấu giếm, phớt lờ hay cố tình bỏ qua chuyện này đi chăng nữa, thì cũng không làm cậu tổn thương bằng việc ông xem nó như chuyện chẳng quan trọng gì.
Cậu tự hỏi lòng rằng liệu có phải mình đoán sai rồi hay không, rằng thực ra Diệp Thư vốn chẳng coi trọng việc này chút nào, nên cũng chẳng buồn nói với cậu.
Diệp Thư bình tĩnh nhìn cậu, “Một người cha khác của con là anh trai cô Trình”.
Diệp Tri Hoà thầm nghĩ, quả nhiên là vậy.
Diệp Thư rủ mắt, say đến nỗi mặt đỏ bừng bừng, sắc đỏ lan tràn đến cả đuôi mắt của ông.
“Ba bắt đầu thích cha con năm ba 16 tuổi, đơn phương cha con suốt sáu năm, để có thể học chung một nơi với cha con mà ba đã chọn thi vào ngành khoa học tự nhiên, ngành mà ba chẳng am hiểu chút nào.
Mãi sau này khi tốt nghiệp đại học ba mới biết anh ấy cũng thích ba, nhưng cha mẹ anh ấy lại không đồng ý cho ba và cha con ở bên nhau.
Cha con là Alpha, anh ấy phải kết hôn với một Omega môn đăng hộ đối với mình mới đúng.
Ông bà ngoại của con cũng không đồng ý, ông bà cho rằng ba là một Beta nam, vốn nên kết hôn với một Beta nữ mới là hợp lẽ thường.
Bọn họ muốn tách chúng ta ra, họ nghĩ rằng phải làm vậy thì ba và cha con mới có thể có được cuộc sống bình thường như bao người khác, mới có thể kết hôn, sinh con”.
Diệp Thư quay lại nhìn Diệp Tri Hoà, như đang nhớ về quá khứ, “Ba mẹ của cha con quyết liệt hơn ông bà ngoại con rất nhiều, họ giấu hết giấy tờ cá nhân của cha con nên chúng ta không thể đăng kí kết hôn được.
Vốn chúng ta định đợi vài năm cho mọi chuyện lắng xuống một chút rồi mới tính tiếp, nhưng không ngờ chỉ có thể ở bên nhau được hai năm”.
Diệp Tri Hoà vừa định mở miệng hỏi gì đó thì Diệp Thư lại nhanh chóng tiếp lời: “Lần đầu tiên ba nhìn thấy cô Trình thì em ấy cũng bằng tuổi con bây giờ, mới 16 tuổi, vẫn còn là một cô bé.
Mọi người ai cũng phản đối chúng ta ở bên nhau, chỉ có duy nhất em ấy là ngược lại”.
Diệp Thư nói tới đây thì mỉm cười, nhẹ giọng nói: “Ba đã hứa rồi”.
“Chúng ta không nghĩ đến việc ba có thể mang thai, càng chưa từng muốn sinh con đẻ cái”.
Diệp Thư lần thứ hai nhắm mắt lại, “Con là do ngoài ý muốn”.
Diệp Tri Hoà không hiểu lắm.
Bỗng nhiên Diệp Thư nói: “Mắt con giống anh ấy, mũi với miệng con thì giống ba”.
Dường như Diệp Tri Hoà cảm nhận được gì đó, cậu gọi: “Ba à…”.
“Ngay từ ban đầu khi kiểm tra được là có con, chúng ta đã muốn phá thai, bởi với Beta thì việc sinh nở là quá khó khăn.
Mặc dù có thể sinh con, nhưng khả năng cao là đứa trẻ đó sẽ bị dị tật bẩm sinh hoặc thiểu năng trí tuệ”.
Diệp Thư nói, “Hai ta đều muốn phá thai”.
Diệp Tri Hoà bình tĩnh lại, cảm xúc của cậu lúc này trở nên thật mờ mịt, Diệp Thư nói thẳng ra thế này càng khiến cậu khó mà chấp nhận nổi sự thật.
“Vậy nên ông ấy…”.
“Cha con chết trong một vụ tai nạn giao thông”.
Diệp Thư nói ra thật dễ dàng.
Ông đã phải lặp đi lặp lại những lời này bao nhiêu lần? Mỗi khi có người hỏi, ông đều như chết lặng mà đáp lại bằng câu nói đó.
Trong những đêm dài trằn trọc vì mất ngủ, ông cảm thấy dường như cuộc sống này chẳng còn ý nghĩa gì với mình nữa rồi.
Vợ chồng họ Ngô không yên tâm để ông sống một mình, suốt thời gian đó đã chuyển đến ở cùng để có thể chăm sóc ông.
Hoàn cảnh của bọn họ cũng tương tự như ông, chú Ngô là Alpha còn dì Ngô là Beta.
“Đó là một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, có rất nhiều người chết nhưng cũng có rất nhiều người may mắn sống sót”.
Diệp Thư dựa vào chiếc gối mềm mại, nghiêng đầu nhìn Diệp Tri Hoà.
Ông của năm 24 tuổi nghe được tin đó đã hoàn toàn sụp đổ mà gào khóc, nhưng ông của năm 40 tuổi bây giờ chỉ bình tĩnh kể lại, “Nhưng cha con lại không được may mắn như vậy”.
Cổ họng Diệp Tri Hoà như nghẹn lại, “Vậy cái hộp sắt kia…”.
“Trong đó toàn là đồ của cha con.
Là những bức thư cha con viết cho ba, là ảnh chụp chung của chúng ta, là chiếc đồng hồ khi ấy cha con đã đeo… Khi con còn nhỏ, ba không biết phải làm sao để nói với con chuyện ba là người đã sinh ra con, lúc đó ba nghĩ – thôi thì, cho con xem những di vật mà cha con để lại cũng được”.
Khi Diệp Tri Hoà được sinh ra, Diệp Thư vẫn còn rất trẻ, chỉ vừa tròn 24 tuổi – cái tuổi mà đến cả bản thân mình còn chưa thể chăm lo cho chu toàn thì đã phải mang theo một đứa trẻ sơ sinh còn nhăn nhúm đỏ hỏn, chỉ cần đứa bé khóc lên một lúc thôi cũng đủ doạ cho ông chết khiếp rồi.
Cô Trình từng không quản đường xá xa xôi chạy đến để được gặp mặt đứa trẻ, nhưng Diệp Thư đã lạnh nhạt từ chối.
“Sau khi cha con mất, ba quyết định sẽ sinh con ra”.
Diệp Thư giơ tay lên vuốt ve khoé mắt đã đỏ bừng của Diệp Tri Hoà.
Diệp Tri Hoà vốn không định khóc, nhưng hành động của Diệp Thư lại làm cậu không kiềm được nước mắt, “Ba cần gì đó để bấu víu vào.
Nếu không có con, cả quãng đời còn lại ba không biết phải dựa mình vào đâu để sống tiếp”.
Diệp Tri Hoà chớp mắt, hàng mi đẫm lệ.
“Con không được sinh ra dưới sự mong đợi của chúng ta, nhưng con là nơi ba gửi gắm tất cả”.
Diệp Tri Hoà lắc đầu, muốn phủ nhận chuyện này.
“Trước khi sinh con ra, ba vốn dĩ không thương con.
Lúc con sinh ra rồi ba càng cảm thấy mất mát”.
Diệp Thư vạch ra hiện thực tàn nhẫn đến đẫm máu, đột nhiên Diệp Tri Hoà hiểu được lý do vì sao ông vẫn luôn giấu giếm chuyện này – bởi lẽ, sự thật này dù là đối với bất kì ai thì cũng đều là nỗi thống khổ tột cùng.
“Là lỗi của ba”.
Diệp Thư nói, “Ba không phải là một người cha tốt”.
Diệp Tri Hoà vẫn lắc đầu.
Diệp Thư xoa đầu cậu.
Bỗng nhiên cậu cảm thấy khổ sở vô cùng, tiếng khóc bật ra trong vô thức biến thành những âm thanh nức nở.
Diệp Thư nói: “Con yếu đuối như vậy thì sau này sẽ khổ lắm”.
Diệp Tri Hoà mờ mịt ngẩng đầu, Diệp Thư lại nói: “Nín đi, tất cả đều đã qua rồi”.
Đến tận khuya hôm đó Diệp Tri Hoà mới có thể đi vào giấc ngủ.
Thứ bảy tuần thứ hai của mỗi tháng là ngày nghỉ, nên 10 giờ sáng hôm sau, cậu thức dậy với đôi mắt sưng đỏ.
Lúc này trên bàn có bánh bao mà Diệp Thư mua, còn người thì đã đi mất.
Diệp Tri Hoà cầm bánh bao còn ấm nóng trên tay, không kiềm được cảm xúc mà khóc nấc lên.
Cậu vừa khóc vừa gặm bánh bao, mãi tới khi chuông điện thoại reo.
Ở đầu dây bên kia, cô Trình nói: “A lô, Miêu Miêu hở con, nếu con rảnh thì mình đi ăn đi”.
Diệp Tri Hoà thút tha thút thít trả lời: “Nhưng con mới ăn rồi ạ”.
Cô Trình hơi hoảng: “Con khóc à? Thôi ngoan, nín đi, có gì từ từ nói… Hầy, ba con đã nói gì với con rồi đúng không? Cô bảo này, con đừng có nghe ba con nói lung tung, đợi gặp cô rồi cô kể cho con nghe”.
Địa điểm gặp mặt là quán kem ở gần nhà Diệp Tri Hoà.
Vì đang là mùa đông nên lượng khách tới quán ít đến thảm thương.
Diệp Tri Hoà ăn mặc phong phanh, chỉ khoác một cái áo lạnh mỏng tang chạy đến quán.
Lỗ tai và mũi cậu đỏ bừng vì lạnh, trông hơi giống vành mắt hồng hồng, nom buồn cười đến lạ.
Cô Trình gọi ca cao nóng cho cậu, hai người chọn một bàn ở trong góc quán.
Diệp Tri Hoà mở miệng nói: “Cô ơi…”.
Trong nháy máy trái tim cô Trình cũng mềm nhũn theo tiếng gọi, mắt cô đỏ lên, khẽ nói: “Không sao, đừng buồn nữa con, ba con toàn nói linh tinh”.
Sau khi uống một ngụm ca cao nóng, tâm trạng Diệp Tri Hòa cũng bình tĩnh hơn một chút.
Cậu kể lại đại khái chuyện tối qua, cuối cùng hỏii: “Nhưng ông ấy vẫn rất quan tâm con mà, đúng không cô?”.
Cậu không rõ lắm, chăm chú nhìn cô Trình, sợ cô cũng lừa cậu.
Cô Trình xoa đầu cậu, “Đúng rồi, ba con thương con lắm”.
Diệp Tri Hoà không từ chối sự đụng chạm của cô.
Cô Trình có quan hệ huyết thống với cậu, kể từ lần đầu tiên gặp mặt Diệp Tri Hoà đã cảm nhận được “người dưng” này thân thuộc vô cùng.
“Nhiều năm đến thế rồi mà cái tật xấu nghĩ một đằng nói một nẻo của ba con vẫn còn y nguyên, chẳng chịu thay đổi gì cả”.
Cô Trình chê trách.
“Điểm này con đừng có học theo ba con đó, thật luôn, con mà học theo là ba con sớm đi đoàn tụ với cha con luôn”.
“Hai người họ học chung cấp ba, rồi lại học chung đại học.
Lúc nào anh cô cũng nhắc đến ba con.
Vậy mà suốt sáu năm trời không ai chịu mở miệng thừa nhận tình cảm của mình, thời gian bọn họ thực sự được ở bên nhau còn không dài bằng thời gian hai người đơn phương nhau… Chẳng giấu gì con, đúng thật là lúc trước bọn họ không muốn giữ con lại, do anh cô sợ ba con xảy ra chuyện ngoài ý muốn khi sinh con.
Việc sinh nở của Beta thực sự quá nguy hiểm.
Bọn họ giấu chuyện này rất kĩ, nhà cô với nhà ngoại con đều không biết gì cả”.
“Mãi đến nửa năm sau tai nạn của anh cô, sự tồn tại của con mới bị phát hiện, ba con bất đắc dĩ phải thừa nhận rằng anh ấy đang mang thai con.
Ông bà ngoại của con không muốn ba con sinh con ra, rồi ba mẹ cô muốn nhận nuôi con sau khi con được sinh ra… Nhưng mà sau đó ba con bỏ trốn”.
Diệp Tri Hoà sửng sốt.
“Thành phố này là nơi họ đã học đại học”.
Cô Trình nhìn cậu, “Ba con lúc ấy rất nhạy cảm, anh ấy chẳng muốn gặp ai ngoài chị Ngô.
Anh ấy quá sợ hãi việc mất đi con, bởi lẽ con là tất cả chút hồi ức ít ỏi cuối cùng của anh ấy về anh cô.
Lúc con mới sinh ra, cô đã lén chạy đến, nhưng ba con không cho cô gặp con.
Mãi đến khi cô thề rằng sẽ không bao giờ nói cho cha mẹ cô biết thì anh ấy mới chịu cho cô nhìn con một chút, cô nhìn con còn chưa được mười giây đã bị đuổi đi rồi”.
“Có lẽ mục đích ban đầu của ba con khi sinh con ra không quá thuần khiết, nhưng sự thực là từ khi con có mặt trên đời thì anh ấy đã bắt đầu cố gắng sống tốt hơn… Cô không biết cô nói vậy có đủ rõ ràng chưa, nhưng thực ra là ba con quan tâm con và thương con vô cùng.
Sau khi anh cô chết, ba con đã đau khổ rất nhiều, chính con đã vực anh ấy dậy, cho ba con cơ hội được sống lại một lần nữa”.
Cô Trình nói tới đây thì khoé mắt đã ướt nhoè, “Vài năm sau đó ba con không chịu gặp bất kì người quen nào, không liên hệ với bất kì ai, anh ấy cứ như vậy, luôn canh giữ ở bên cạnh con.
Mãi cho đến khi con học mẫu giáo, ba con mới chịu cho cô hay một ít tin tức vụn vặt của con.
Nhưng anh ấy vẫn không chịu cho cô xem ảnh chụp của con, vẫn đề phòng cô vô cùng, đến tận sau này mới từ từ đỡ hơn.
Lần thứ hai cô gặp con là lúc con mới 4 hay 5 tuổi gì đó.
Lúc ấy cô chuẩn bị ra nước ngoài, miễn cưỡng lắm ba con mới cho cô nhìn con một lần, anh ấy nhẫn tâm quá phải không? Nhưng mà, con biết không, ba con còn tàn nhẫn với chính bản thân mình hơn thế”.
“Lúc còn nhỏ con ốm yếu lắm, ba con lúc nào cũng thức trắng đêm để canh chừng con, sợ con buổi tối phát bệnh mà không ai hay biết.
Con đi nhà trẻ, đôi khi ba con tự dưng nói với mọi người là trời đang nổi bão, còn đi xin bùa bình an đặt dưới gối đầu con.
Ba con không nói mấy chuyện đó cho con nghe, sợ con cảm thấy anh ấy quá ngây thơ, cư xử không ra dáng người làm cha…”.
Trong lúc cô Trình còn đang nói, Diệp Tri Hoà lại nghĩ về chiếc hộp sắt nọ.
Chiếc hộp sắt lạnh băng, hoen gỉ ấy, trông mà lại chứa đựng toàn bộ dấu vết về sự tồn tại của một con người.
Diệp Thư thật sự không quan tâm ư, ông không đau lòng sao? Hoàn toàn ngược lại mới đúng, chính vì ông quá để ý, quá đau lòng đến nỗi không thể sống một mình nên ông mới phải mạo hiểm cả tính mạng để sinh ra Diệp Tri Hoà.
Rồi sau đó, ông gói ghém tất cả những yêu thương còn sót lại trong cuộc đời này của mình để dành trao trọn cho đứa con máu mủ ruột thịt.
“Trời nổi bão có nghĩa là… ông ấy đang rất buồn”.
Khuôn mặt Diệp Tri Hoà ướt nhoè nước mắt, nhớ lại lúc Diệp Thư dạy một ám hiệu cho cậu lúc ông đang kể chuyện cổ tích – thời tiết có thể dùng để diễn tả tâm trạng con người.
Lúc Diệp Thư về đến nhà, Diệp Tri Hòa vẫn chưa có mặt.
Ông do dự một lúc, rồi mới nhấc máy gọi cho cậu.
“Con đi chơi à?”.
“Con sắp về tới nhà rồi ạ”.
Diệp Tri Hoà trả lời.
“… Ừ”.
Ông bèn về phòng.
Hơn 10 phút sau, Diệp Tri Hoà về đến nhà, cậu vội vàng chạy đến gõ cửa phòng Diệp Thư.
Diệp Tri Hoà nói: “Con có chuyện muốn hỏi ba”.
Diệp Thư nói: “Hôm qua ba nói còn chưa rõ ràng à?”.
Diệp Tri Hoà không lùi bước, kiên định đứng trước cửa phòng, nói: “Từ lúc lên cấp hai con chẳng thấy cái hộp sắt đó đâu nữa, tới khi chuyển nhà mới tìm lại được…”.
Trong phòng ngủ không có tiếng trả lời, rồi Diệp Thư mở cửa.
Diệp Tri Hoà nhìn thẳng vào mắt ông.
Diệp Thư nói: “Con mặc phong phanh vậy mà ra ngoài à?”.
“Dạ… Con không lạnh lắm”.
Diệp Tri Hoà ngẩng đầu, “Không sao đâu, con không bị bệnh đâu mà”.
Diệp Thư có vẻ không đồng tình, nhăn mày lại.
“Ba giấu nó đi rồi ạ?”.
Diệp Tri Hoà hỏi.
Vẻ mặt Diệp Thư hơi mất tự nhiên.
Diệp Tri Hoà nói: “Ba vẫn đau lòng lắm đúng không? Lúc ấy con không biết đó là đồ của cha nên không mấy quý trọng, vậy là ba cất nó đi luôn.
Sau khi chuyển nhà thì chiếc hộp đâu mất rồi, ở trong phòng ba ạ?”.
Diệp Thư nhìn cậu, do dự nói: “Để ở ngoài ba sợ lạc mất”.
Diệp Tri Hoà cong mắt, cười nói: “Thật ra phản ứng bình thản của ba lúc con hỏi ba về pheromone làm con buồn lắm”.
Hôm nay cậu đã khóc rất nhiều lần, nom dáng vẻ thì chắc định khóc thêm lần nữa.
Diệp Thư sửng sốt: “Ba không phải…”.
“Ba không có ý đó”.
Diệp Tri Hoà khóc.
“Vì con hay bị bệnh mà lần nào cũng đều rất nặng.
Chỉ mỗi việc có thể lớn lên khoẻ mạnh thôi cũng đã chẳng dễ dàng gì, vốn chẳng thể hy vọng xa vời…”.
“Ba xin lỗi”.
Lần này Diệp Thư lại cúi đầu, nhỏ giọng giải thích.
Lúc ông cúi đầu vẻ mặt rất dịu dàng, tựa như năm đó, “Con rất mong chờ mà hỏi ba, ba không dám nói với con là có khả năng cả đời này con cũng sẽ không cảm nhận được pheromone, tại ba mà con không thể giống như mọi người bình thường khác”.
Diệp Tri Hoà chỉ biết lắc đầu.
Diệp Thư nói: “Đừng khóc”.
“Con không khóc”.
Bỗng nhiên, Diệp Tri Hoà vươn tay ôm lấy Diệp Thư, “Nếu ba không nói được thì để con nói cho”.
Cả người Diệp Thư cứng đờ.
“Con rất yêu ba, cảm ơn ba đã sinh ra con”.
Tính cách của Diệp Tri Hoà không giống ông lắm, Diệp Thư trộm nghĩ.
Đôi mắt của Diệp Tri Hoà giống với người kia, tính cách cũng tương tự, vừa xốc nổi lại vừa thẳng thắn, chút xíu nhút nhát hẳn là di truyền từ ông, còn phần dũng cảm còn lại là cũng từ người nọ.
Cuộc sống thường ngày đã mài mòn sự sắc bén của ông, biến ông thành một người đàn ông trung niên hết sức bình thường.
Lúc Diệp Tri Hoà lên tiểu học ông đã bôn ba làm việc khắp nơi, nên lúc nào cũng trong trạng thái mỏi mệt.
Tới khi ý thức được thì Diệp Tri Hoà đã không còn cùng ông chia sẻ mọi việc trong cuộc sống nữa rồi.
Diệp Thư rất buồn, đã vậy đồng nghiệp còn nói với ông rằng khi trẻ con lớn lên sẽ không thích người lớn trong nhà quản thúc nữa.
Diệp Thư không muốn mình trở thành một ông bố phiền phức trong mắt con nên ông cho Diệp Tri Hoà đủ sự tự do, nhưng lại quên hỏi cậu rằng liệu cậu có cảm thấy cô đơn không.
Diệp Thư chậm rãi ôm chặt lấy cậu bé trong lòng, một lúc lâu sau mới nói: “Muốn yêu đương thì cứ yêu đương đi, đi chơi cũng không cần phải lén lút, có điều là nói chuyện điện thoại thì đừng có lớn tiếng như vậy, ba sẽ không nhịn được mà nghe lén một chút đó”.
Diệp Tri Hoà: “…”.
Diệp Tri Hoà quật cường mà lau nước mắt, “Dạ thưa ba”..