“Tùy trường hợp mà chúng ta linh hoạt nhé. Phụ nữ để phần cậu, người già và trẻ em cứ để tớ.”

Viêm Khải và Vivian đến công viên bách thảo gần khu biệt thự. Chủ Nhật nên rất đông đúc. Dù khu này khá vắng vẻ, nhưng ngày nghỉ cũng có rất nhiều người tìm đến tham quan, vui chơi.

Hai người vừa đến đã leo ngay lên đài quan sát.

Trên đài cũng có rất nhiều người. Mọi người phần lớn tụ tập quanh dàn ống nhòm tầm xa để quan sát cảnh đẹp xung quanh, view nhìn về phía khu biệt thự lại không đặt cái nào.

“Chắc lúc trước từng có ống nhòm đặt tại đây. Khu đó đẹp vậy mà, lại có mô phỏng kiến trúc cổ nữa.”

“Chắc người trong đó có ý kiến muốn bảo vệ sự riêng tư nên đã cưỡng chế dỡ đi. Dù sao cũng thật hên cho chúng ta.”

Họ sử dụng máy tính bảng cùng camera tầm xa. Camera này cho họ thu hình ảnh của ba góc cùng lúc. Nói cách khác là thay vì có ba cái camera thì họ chỉ cần một cái. Để một màn hình cố định chiếu cận cảnh biệt thự của Juliette Marceau, còn lại để quan sát cổng lớn khu biệt thự.

“Tệ thật. Có chỗ này là cao nhất nhưng đối tượng của chúng ta bị nhiều cây chắn quá.”

Vivian điều chỉnh thiết bị. Viêm Khải đứng ngay sau che chắn. Vivian nhỏ bé lọt thỏm trong bóng lưng cao lớn của Viêm Khải. Nhìn từ đằng sau như thể chỉ có một người đứng đó. Trong trường hợp cần thiết, Viêm Khải sẽ phải bất đắc dĩ trừng mắt đe dọa những ai định tới gần. Dù phía họ đứng không có ai nhưng chỗ này vẫn có rất nhiều người, vẫn phải cẩn thận hành động, không thể bị chú ý, càng không thể bị chụp ảnh lại.

Quan sát được một lúc, ra vào chiếc cổng lớn kia chỉ có một, hai chiếc xe thể thao bóng bẩy.

Vivian hơi sốt ruột, mắt nhìn chăm chú màn hình máy tính bảng, còn đang cảm giác hình như hôm nay mắt mau mỏi hơn bình thường thì chợt phát hiện cổng lớn khu biệt thự có hai người vừa ra khỏi. Dáng đi nghênh ngang thoải mái, không phải nhân viên, chắc là người sống trong đó.

Ghi nhớ đặc điểm ngoại hình và hướng đi của hai người lạ mặt, Viêm Khải và Vivian cất đồ nghề rồi chạy vội xuống công viên.

“Một phụ nữ mặc váy lụa, đeo nón rộng vành, không nhìn được mặt nên không rõ tuổi.” Vivian di di màn hình cảm ứng, quan sát các bức ảnh vừa chụp được.

Viêm Khải cũng chụm đầu xem, “Và một ông bác trung niên, có nét châu Á. Hửm? Là người Nhật.”

Vivian gật gù, “Chúng ta làm quen với ông bác người Nhật này đi. Chúng ta đang mặc đồ thể thao trông giống bác ấy, bác ấy sẽ dễ cởi mở hơn với chúng ta.” Vivian khẳng định chắc nịch.

Viêm Khải cười gật đầu. Phân tích của Vivian nghe có vẻ ngây thơ nhưng cũng rất có lý.

Khi hai người tìm đến, ông bác người Nhật đang đứng ngắm nghía mấy cây dẻ gai.

Vivian nhìn chằm chằm ông bác, có chút căng thẳng, tự nhiên lại không biết phải làm quen thế nào. Bình thường thì làm quen là một việc rất tự nhiên, nhưng bây giờ trong đầu họ lại chỉ lởn vởn những suy nghĩ về nhiệm vụ, người có thể giúp thì đã ở trước mặt rồi.

Viêm Khải ở bên cạnh chờ, cũng không giục. Trong đầu cậu đang tua lại kế hoạch hai người chuẩn bị cho nhiệm vụ. Cậu cũng không biết phải làm quen như thế nào.

Vậy nên hai người tiếp tục bám theo và quan sát ông bác người Nhật.

Vườn bách thảo rất đẹp, nếu không phải đang vướng bận nhiệm vụ thì hai người đã có một buổi tham quan sáng Chủ nhật tuyệt vời.

Ông bác cứ thảnh thơi đi bộ, chậm rãi ngắm nghía mọi thứ. Lang thang được một lúc, ông bác liền rẽ vào một cửa hàng nhỏ.

Viêm Khải và Vivian đứng ngoài, e dè ngó vào bên trong.

Vivian hỏi nhỏ, “Cậu nghĩ bác ấy vào trong mua bánh hay là để dùng nhà vệ sinh?”

“Tớ nghĩ cửa hàng này không có chỗ đi vệ sinh.”

Kế hoạch của Viêm Khải và Vivian chính là làm quen với ông bác người Nhật này để được bác mời làm khách, có thể vượt qua được cổng an ninh. Một kế hoạch khá bị động và trông nhiều vào vận may. Giờ hai người đã thấy một cơ hội, còn lại là tự phải cố gắng.

Viêm Khải ngó sang bên, trông Vivian vẫn còn rất đắn đo.

Viêm Khải tranh thủ nghĩ ngợi vẩn vơ. Để Vivian tiếp cận ông bác như vậy theo phần lớn định nghĩa, cũng không tính là lừa đảo. Người lớn tuổi một chút đều đặc biệt thích Vivian, để được như vậy cũng không phải có bí quyết gì đặc biệt. Vivian rất ái nhân. Sự chân thành thuần khiến của cậu ấy có thể được cảm nhận bởi người lớn và những người trẻ tinh tế. Tuy Vivian dễ dàng nổi khùng vì người khác gây phiền nhiễu, nhưng tuyệt nhiên sẽ không ghét bỏ nếu không phải trường hợp bán nước, hại dân, hại thân nhân và bằng hữu.

Hai người đợi một lúc lâu vẫn không thấy ông bác đi ra.

Vivian giật mình kéo tay áo Viêm Khải, “Cậu nghĩ xem, có phải bác ấy phát hiện ra chúng ta theo dõi. Rồi vào cửa hàng này là để cắt đuôi, sau đó thì rời đi bằng cửa sau?”

“Cậu lậm lắm phim quá rồi.” Vừa nói Viêm Khải vừa kéo Vivian vào cửa hàng.

Hai người bất ngờ, ông bác người Nhật đang đứng ngay ở quầy bánh, đang trao đổi sôi nổi với nhân viên đứng quầy. Có vẻ như đã nói chuyện được một lúc, nhưng dường như cô gái nhân viên không hiểu ông bác đang muốn nói cái gì.

Viêm Khải và Vivian nhận ra, ông bác này không sõi tiếng Pháp lắm.

“Cô hiểu không? Tôi muốn bánh cờ lê, bánh cờ lê!”

Chị gái bán bánh có vẻ chịu hết nổi, “Bác đang muốn nói đến cái gì? Ôi trời ơi! Bác có thể chỉ nó ở quầy không?”

“Bonjour!” Vivian lại gần, “Chị gái à, em nghĩ ý của bác ấy là sô cô la Tia Chớp đó.”

Bằng một vài suy đoán Vivian có kết luận như vậy, cũng thấy rất thông cảm cho ông bác. Ở châu Á thì một số dân tộc như Nhật Bản và Hàn Quốc học ngoại ngữ khác tương đối khó khăn phần phát âm, vì tiếng mẹ đẻ của họ vốn toàn những âm tròn trịa, rõ tiếng, chẳng có mấy âm gió, âm mũi thì hoàn toàn không.

“Sô cô la Tia Chớp?” Nữ nhân viên nhìn Vivian rồi lại nhìn ông bác, cảm thấy hơi nghi ngại. Sô cô la Tia Chớp là món rất phổ biến, lại không trang trí cầu kì nên không được bày ở quầy ngoài. Cô nhanh chóng vào bên trong và mang ra một khay đầy.

“Ôi, chính là nó. Ý tôi là nó đó. Đây có phải sô cô la cờ lê không?”

“Ôi không bác ơi, nó là sô cô la éclair. É-c-lai-r, không phải ê cờ lê.” Vivian vừa cười thân thiện vừa nói.

“Đúng vậy ạ. Còn clé… Đây mới là cờ lê!” Viêm Khải nhìn quanh, chỉ vào bức tranh vẽ một người công nhân mặc tạp dề đang cầm bánh mỳ baguette cười sảng khoái, trong chiếc túi bò đeo trước bụng đựng toàn dụng cụ sửa đồ, trong đó có cờ lê. Bức tranh vẽ rất ngộ nghĩnh, trông hơi buồn cười.

“Ôi trời ơi!” Ông bác người Nhật há to miệng, tay làm lại động tác vặn đinh ốc để chắc chắn một lần nữa, “Cờ lê. Cờ lê.” Rồi lại chỉ sang khay bánh, “Sô cô la éclair. Éclair! Merci beaucoup! Làm ơn cho tôi một chiếc này.”

Viêm Khải và Vivian vui vẻ vì giúp được ông bác. Chị gái đứng quầy cũng vui vẻ.

Viêm Khải liền nói, “Lấy cho chúng tôi hai chiếc luôn.”

Chị gái bán bánh lấy túi giấy thao tác thoăn thoắt. Vivian hỏi nhanh ông bác, “Bác là người Nhật phải không ạ?”

“Ô, đúng vậy. Tôi cũng để ý các cháu có nét Á Đông. Các cháu đến từ đâu vậy?”

Viêm Khải và Vivian cùng nói câu hân hạnh làm quen bằng tiếng Nhật và cúi chào ông bác theo kiểu Nhật. Ông bác cũng bối rối chào lại, rất bất ngờ vì hai người biết tiếng Nhật.

Ba bác cháu nói chuyện làm quen ở ghế công viên ven hồ, cùng ăn sô cô la Tia Chớp. Ông bác rất vui vẻ, cười ha hả suốt, có lẽ là vì được nói chuyện thoải mái bằng tiếng mẹ đẻ ở nước Pháp xa xôi này, dù là với hai người không cùng quốc tịch đi nữa. Viêm Khải và Vivian thực sự hưởng thụ cuộc trò chuyện, và họ dùng tên thật để tự giới thiệu với ông bác.

“Ế! Quê bác Nakamura ở tỉnh Gifu sao ạ? Chà, mọi người bảo đến Gifu thì nhất định phải qua chân núi Haku ghé thăm làng cổ ở đó.” Vivian bắt đầu mơ mộng.

Bác Nakamura nói bằng giọng tự hào, “Làng cổ Shirakawa, ngôi làng đã trở thành di sản thế giới vào năm 1995. Nó đã tồn tại hằng trăm năm nay rồi. Đối với bác, những ngôi nhà ở làng Shirakawa luôn là đẹp nhất. ”

Viêm Khải mỉm cười, cậu cũng biết ngôi làng này. Cậu từng đọc nó trong tạp chí của Vivian về tổ chức Yui được lập ra để phụ trách thay cỏ định kỳ cho mái nhà. Ấn tượng với thông tin này nên nhắc đến làng cổ ở Nhật Bản là cậu nhớ ngay đến nó.

“A đúng rồi. Nhà bác ở ngay gần đây thôi. Các cháu có muốn xem mô hình thu nhỏ của làng Shirakawa không?”

“Được không ạ?” Viêm Khải và Vivian hào hứng.

Bác Nakamura cười vui vẻ rồi dẫn hai người đi.

Đi được vài bước, Viêm Khải và Vivian chợt khựng lại. Họ vừa nhớ ra là phải đi làm nhiệm vụ và chỉ vừa mới nhận ra, hình như đã có thể qua được cửa ải khó nhất.