Ngày 3 tháng 3 năm 2009

Bốn mươi tám tiếng sau khi phẫu thuật tôi " canh gác" cạnh thầy Lâm, mắt cũng không dám chớp. Ngoài cau mày, thầy chẳng ho he gì, tôi chỉ có thể đoán tình trạng của ông qua hàng mi run run cho đến tận khi ông nhéo tay tôi, rên rỉ: " Đau".

Chắc thuốc mê đã hết tác dụng, tôi bình tĩnh lại, hôn lên trán ông: " Ba phải ngoan nhé, sẽ hết đau nhanh thôi".

Thầy Lâm nhà chúng tôi rất may mắn.

Trước kia, khi còn ở trụ sở quân khu, dù ba mẹ bận rộn nhưng sinh hoạt hàng ngày có lính cần vụ lo nên thầy tôi có một tuổi thơ nhàn hạ.

Rời nhà đi học, cũng được coi là hotboy làm mưa làm gió, việc giặt giũ ga giường, vỏ chăn cuối tuần đã có các bạn nữ " hành động hiền lương mang lòng hổ sói" tranh nhau giúp đỡ. Cho đến giờ khi nhắc tới lịch sử hào hùng ấy, thầy rất đỗi tự hào.

Rồi tốt nghiệp, làm việc trong đơn vị, thầy được phân vào kí túc xá một phòng hai mươi mét vuông ( cho một người đã lập gia đình hoặc hai người còn độc thân). Trong kí túc xá kiểu ấy không bao giờ vắng bóng những bà chị rảnh rỗi, tuy lắm chuyện nhưng rất biết cách chăm sóc cuộc sống của các thanh niên trẻ. Bạn cùng phòng ông là người địa phương, thỉnh thoảng được mẹ đến thăm, cụ nhà tính tình hiền lành, thấy thầy Lâm gầy như que củi nên rủ lòng thương xót, tiện đường vỗ béo luôn thể.

Về sau, yêu mẹ tôi – vừa hay lại là một người bạn gái ưa sạch (thuộc loại một tuần ít nhất phải giặt rèm một lần), thế là ngay cả quần áo vỏ chăn các thứ ông cũng chẳng cần động tay vào – bà ngại thầy tôi giặt bẩn.

Đến lúc kết hôn, mua nhà, chọn cùng một khu với ông bà ngoại, được một thời gian thì bà ngoại về hưu, thấy vợ chồng son làm ăn vất vả nên nhận lo bữa trưa, bữa tối, ba mẹ tôi chỉ cần chuẩn bị ăn sáng là xong.

Và rồi khi có tôi, dưới sự đào tạo "tự túc là hạnh phúc" và tôn sùng thầy Lâm một cách mù quáng của mẹ, tôi nhận nhiệm vụ làm bữa sáng, chọn quần áo, thậm chí là rót nước bưng trà cho ba đại nhân. Từ đó, thầy Lâm quẳng đi gánh lo cuối cùng, cứ thế vui vẻ sống hơn hai mươi năm qua.

Dài dòng như vậy chỉ để chứng minh một luận điểm: Thầy Lâm đã bị nhà tôi chiều hư, mà chúng tôi cũng đã chiều mãi thành quen mất rồi...

Lần này phẫu thuật, từ chuyện lớn là đi lại, đến chuyện nhỏ là mặc quần áo, súc miệng, đánh răng, hai mẹ con tôi lo từ A đến Z.

Lần đầu tiên chính thức gặp Bác sĩ là buổi tối thứ ba sau khi phẫu thuật, khi tôi đang dỗ thầy Lâm ngủ. Lúc đó tôi nửa ngồi trên giường, lấy khuỷu tay phải làm điểm tựa, nâng cổ và bả vai để đầu thầy tựa vào cánh tay, tay trái khe khẽ vỗ lưng ba đại nhân ru ngủ. Không khác gì Phù Dung tỷ tỷ phiên bản đặt biệt *. Trước đó thầy Lâm được bỏ ống dẫn oxy, trên người chỉ còn bốn ống (ống dạ dày, ống tiếp thức ăn, ống dẫn tiểu và ống dẫn lưu), có thể xoay người được, nhưng vết mổ đau và bụng trướng hành hạ ông ngủ không nổi mà thức cũng chẳng xong. Trong trạng thái nửa tỉnh nửa mơ ấy, khi tôi vừa thò tay đỡ cổ để mát xa, thầy đã lăn trọn vào lòng tôi một cách vô cùng chuẩn xác rồi há miệng ngáy o o... Tôi vừa xấu hổ, vừa yên tâm, chấp nhận số phận.

Khi đang vặn vẹo với tư thế không-được-tao-nhã-cho-lắm ấy, cửa mở ra. Trong vòng ba ngày sau khi phẫu thuật, cứ hai tiếng lại có người đến kiểm tra phòng bệnh một lần, Bác sĩ trực đêm tay cầm đèn pin bước vào. Rõ ràng, khi đèn pin chiếu đến tư thế của tôi, anh sững sờ một lúc. Tôi thấy cần phải giải thích gì đó nên thì thào: "Vết mổ đau, ông ấy không ngủ được".

Bác sĩ mỉm cười: "Cô có cần giúp đỡ không?"

"Không cần, cảm ơn."

Anh gật đầu rồi đi.

Khi ấy ánh sáng mờ mờ ảo ảo, lại dành hết sự chú ý cho thầy Lâm, ấn tượng đầu tiên về Bác sĩ trong tôi không có gì hơn ngoài một bóng lưng cao gầy.

__________________________________

Bác sĩ: Mới sai bảo người ta xong, quay đi quay lại đã quên rồi!

*Phù Dung tỷ tỷ: rất nổi tiếng trên Internet, đặc biệt là khi xuất hiện trở lại năm 2011 sau khi giảm cân, có nghi án "đụng dao kéo", còn được biết đến về những điệu nhảy khó tả và kiểu pose ảnh chữ S của mình.