*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.Cuối cùng hai đứa vẫn không mua được khoai lang khô.
Trong chuyến trộm chuồn ra ngoài này, Hà Ngọc đã xem chuẩn thời cơ, địa điểm, phương tiện giao thông, nhưng thằng bé lại quên nhắc Khương Minh Trân mang tiền.
Hai đứa trăm cay ngàn đắng tới được chợ bán thức ăn, lại tay không ra về.
Nhưng căn bệnh nhớ thương khoai lang khô của cô chủ nhớn nhà họ Khương đã thuyên giảm nhờ chuyến ra ngoài lần này của chúng.
Con bé không còn thở dài nữa.
Hai đứa con nít cũng thuận lợi đón chào buổi khai giảng lớp vỡ lòng.
Chuyện mình sẽ bị người khác ghét mà Khương Minh Trân lo lắng hoàn toàn không xảy ra, ngược lại, con bé trở thành người rất được quý mến ở trong lớp.
Trong lớp chẳng có đứa nào là không biết, chỉ cần chơi chung với Khương Minh Trân thì sẽ được ăn đồ ngon, được chơi món hay.
Khương Minh Trân có nhiều đồ chơi nhất. Những món đồ chơi con bé mang tới lớp cũng không cần mang về nhà, đứa nào ưng món gì thì con bé cho đứa đó món đấy.
Thứ Sáu hàng tuần, mẹ Khương Minh Trân sẽ xách một ít đồ ăn thức uống lên lớp vỡ lòng của chúng nó.
Nói thì nói là mang đồ ăn cho con gái mình, nhưng chị luôn mua thêm. Phần “mua thêm” kia, còn đủ để chia cho các thầy cô và bạn bè cả lớp, mà vẫn còn dư.
Mỗi thứ Sáu, Khương Minh Trân sẽ trở thành công chúa nhỏ được cả lớp tung hứng.
Trên bàn học của con bé luôn có đủ loại đồ ăn mê người được bày biện chỉnh tề. Trong ánh mắt chờ mong của các bạn nhỏ, con bé sẽ bắt đầu phân phát chúng.
Ai chơi thân nhất với con bé, sẽ là người được Khương Minh Trân gọi tên đầu tiên, cũng được chia phần nhiều nhất.
“Khà Khọt, cậu muốn ăn bao nhiêu thì cứ lấy đi.” Người mà Khương Minh Trân gọi tên đầu tiên, không có ngoại lệ, luôn là thằng bé.
Mọi người đều biết quan hệ giữa Hà Ngọc và Khương Minh Trân không phải dạng vừa đâu.
Hai đứa cùng đến trường cùng về nhà, ngồi cũng chung một bàn, giờ ra chơi chúng cũng chơi cùng nhau.
Về phần nguyên nhân, bọn trẻ con cũng truyền tai nhau: Mẹ của Hà Ngọc là vú em nhà Khương Minh Trân. Những thứ mà mẹ Khương Minh Trân mang tới mỗi tuần đều là do bà vú kia xách đến.
“Hà Ngọc là thằng hầu nhà Khương Minh Trân” câu này coi như còn dễ nghe.
Cũng có đứa nói khó nghe hơn: “Hà Ngọc là con chó mà Khương Minh Trân nuôi trong nhà.”
Lớp bên cạnh có mấy đứa trẻ con quen Khương Minh Trân. Lần đầu tiên Hà Ngọc đến nhà Khương Minh Trân, con bé có gọi bọn chúng tới nhà con bé chơi. Hôm đấy, tụi nó có ấn tượng rất sâu đậm với Hà Ngọc.
Lúc Khương Minh Trân không có mặt, tụi nó đến tìm Hà Ngọc.
“Sao bây giờ cậu lại chơi thân với Khương Minh Trân thế?” Tụi nhóc tò mò.
“Có phải giống như bọn nó đồn không, cậu thật sự trở thành chó nhà nó rồi à?”
Hà Ngọc không trả lời được.
Thằng bé lên 6, dường như ít nói hơn hẳn những đứa trẻ 6 tuổi khác.
So với Khương Minh Trân được biết bao bạn bè vây quanh, Hà Ngọc không có thêm người bạn mới nào.
Bọn trẻ con cùng lớp bắt chước Khương Minh Trân, gọi thằng bé là “Khà Khọt”. Tất cả mọi người đều biết thằng bé từ quê lên đây, việc bắt chước khẩu âm của thằng bé là một trò chơi rất thú vị và buồn cười.
Khi Hà Ngọc thử phản kháng những kẻ trêu chọc thằng bé: “Các cậu đừng bắt trước kỉu nói của mìn được không?”
Những kẻ chọc ghẹo nó lại lè lưỡi bắt chước tiếp: “Đừn bắt trước kỉu nói của mìn đượt khôn!”
Lúc này Khương Minh Trân sẽ cười hùa theo mấy đứa. Đứa bắt chước kia nói giống lắm, chọc con bé bật cười khanh khách.
Con bé không thể nào biết được, sâu thẳm trong nội tâm, Hà Ngọc sẽ cảm thấy tự ti vì chuyện bị chê cười khẩu âm của mình. Dù gì thằng bé cũng chưa từng tâm sự với con bé bao giờ, khi mọi người cười chê thằng bé, thằng bé luôn mang vẻ mặt bình tĩnh.
Khương Minh Trân rất vui vì được học chung một lớp vỡ lòng với Hà Ngọc.
Con bé cảm thấy, ngày nào con bé cũng được chơi rất vui với Hà Ngọc ở đây.
Trong giờ ra chơi, thằng bé ngồi trên chỗ nó, ôm hộp bút dạ màu có lớp vỏ sắp tróc hết hình vì ma sát nhiều của nó. Con bé thấy vậy thì lập tức kéo thằng bé đứng dậy.
“Khà Khọt, đừng vẽ nữa, đi đá cầu với tớ đi.”
Vì thế, nhóm đá cầu toàn là các bạn nữ lại có thêm một Hà Ngọc.
Khương Minh Trân mới học đá cầu chưa được bao lâu, con bé mới đá một tí, cầu đã rơi xuống đất.
Nó khom lưng nhặt vài lần, gần như mệt bở hơi tai.
Lúc bất cẩn đá ra xa quá, con bé cầu cứu Hà Ngọc đứng cạnh mình: “Nhặt cầu giúp tớ được không?”
Thằng bé không nói hai lời, đi nhặt ngay.
Sai Hà Ngọc thật sự rất tiện, Khương Minh Trân bất giác bắt đầu ỷ lại vào thằng bé, cứ đá cầu ra xa là nó lại kêu thằng bé đi nhặt.
Dần dà, mấy bé gái khác cũng học theo Khương Minh Trân, cũng kêu Hà Ngọc nhặt cầu giúp.
Về sau hoạt động này phát triển, Hà Ngọc trở nên không thể thiếu trong những buổi đá cầu của các bé gái…… Thằng bé chuyên đến để nhặt cầu.
Không phải Hà Ngọc là chó Khương Minh Trân nuôi hay sao, dù bị người khác sai, nó cũng chẳng nghĩ đến chuyện phản bác đâu.
Con cún biết nhặt cầu cho chủ, Hà Ngọc biết nhặt cầu, Khương Minh Trân bảo gì nghe nấy, còn biết nghe lời hơn chó cún nhiều.
Vì có thân phận là con trai của người giúp việc, nên ở trong mắt mọi người, bao gồm dì Phạm, gia chủ nhà họ Khương, Khương Minh Trân, thậm chí cả Hà Ngọc, thằng bé dĩ nhiên là thấp kém hơn con bé.
Thân phận này được thả vào vườn trường đông người, càng bị phóng đại hơn nữa. Những người gia nhập vào vòng tuần hoàn khinh bỉ này gồm có bạn bè trong trường và các thầy cô.
Vòng tròn ấy đã chậm rãi mở rộng ra đến độ làm thằng bé thấy khó chịu tột cùng, Hà Ngọc cảm thấy có chỗ nào sai sai rồi.
“Khương Minh Trân chạy đi đâu rồi? Sao em không coi chừng nó? Mau gọi bạn về học đi.” Thầy cô nói với thằng bé như vậy.
Sau khi bị gọi là cún con, phản ứng im lặng của Hà Ngọc càng khiến những đứa bạn thích đùa chơi ác hơn. Bọn nó đặt biệt danh mới cho thằng bé, gọi nó là “Chó quê”.
Khương Minh Trân nghe vậy thì hỏi tại sao, tụi nó nói là vì Hà Ngọc là con chó quê đến nhà Khương Minh Trân.
“Các cậu cũng cảm thấy cậu ấy giống chú cún con à!” Con bé nói: “Tớ đã thấy giống lâu rồi! Đôi mắt cậu ấy tròn tròn như mắt cún, hơn nữa lúc nào cậu ấy cũng rất ngoan!”
Đúng là Hà Ngọc thích chơi với Khương Minh Trân, nhưng thằng bé đã từng bước một trở thành cái bóng theo sau Khương Minh Trân, mất đi cái tên và bản sắc của mình.
Sau khi bố qua đời, vì không muốn trở thành gánh nặng cho mẹ, Hà Ngọc cố gắng ngoan ngoãn nghe lời, không đi gây chuyện. Nếu thằng bé trời sinh đã có tính cách cam chịu nhẫn nhục, có lẽ thằng bé đã có thể chung sống hòa bình như không có chuyện gì với Khương Minh Trân, nhưng thằng bé không phải thế.
Nỗi buồn bực của Hà Ngọc đã được nhen nhóm lên vào buổi chiều một hôm thứ Bảy nọ.
Giáo viên trên trường giao bài tập về nhà vẽ tranh cho các bạn nhỏ, đề tài là “Người bạn của em”.
Khương Minh Trân chuẩn bị ngồi trước mặt Hà Ngọc để vẽ thằng bé. Khi đến phòng của vú em tìm thằng bé, con bé phát hiện cu cậu đã ra ngoài mua đồ với dì Phạm rồi.
Đúng lúc này, con bé nhìn thấy hộp bút dạ màu mà bình thường không rời người thằng bé bao giờ đang được đặt trên bàn máy may.
Con bé đang muốn vẽ tranh, mà bút dạ màu của nó thì lại ở trong cặp sách tít trên tầng hai. Khương Minh Trân lười chạy lên lầu lấy, thế là nó lấy bút dạ màu của Hà Ngọc dùng luôn.
Hà Ngọc trở về, nhìn thấy Khương Minh Trân đang vẽ tranh.
Con bé ngồi trong phòng khách, vừa xem TV, vừa tô màu bừa bãi lên tờ giấy, cười vui phởn phờ theo tiếng trong TV.
Có rất nhiều những tờ giấy vẽ hỏng bị vo thành cục vứt đầy trên mặt đất.
Mấy cái bút dạ màu đã tô hết mực quăng xung quanh đống giấy.
“Tại sao cậu lại dùng bút dạ màu của tớ?”
Hà Ngọc nhìn thấy những cây bút kia từ xa, bèn xông tới, cướp luôn chúng nó khỏi tay con bé.
Tay con bé phát đau vì bị thằng bé rút mất bút!
“Cậu làm gì thế?” Khương Minh Trân xoa tay, trừng mắt lườm thằng bé: “Tớ mượn của cậu dùng một tí cũng không được à?”
“Không được.”
Trước nay Khương Minh Trân chưa từng nghe thấy Hà Ngọc nói lớn tiếng thế này.
Thằng bé đậy nắp bút dạ màu lại, cho từng cái từng cái một vào hộp như cũ, trong lúc ấy, nó hoàn toàn không thèm nhìn con bé.
“Hừ, Khà Khọt là đồ quỷ hẹp hòi!” Khương Minh Trân nào đã bị Hà Ngọc đối đãi bằng thái độ như thế bao giờ, cái tính tiểu thư lặng sóng đã lâu nay lại trồi lên: “Bút dạ màu của cậu khó dùng chết lên được, có mấy cái vẽ mấy nét đã hết mực rồi, tớ thèm vào mà dùng.”
“Bị cậu phá hỏng rồi.”
Hà Ngọc nhặt một cây bút dạ màu bị ném trên mặt đất lên, thử vẽ một đường vào lòng bàn tay mình.
“Hết mực……”
Người thằng bé dường như đơ ra, nó không ngừng vẽ rồi lại vẽ, nhưng cây bút đã không còn vẽ ra được màu sắc nữa.
Khương Minh Trân thấy thằng bé rũ đầu, những giọt nước mắt to như hạt đậu rơi tí tách từ mắt nó.
Cậu ấy khóc mất rồi.
Vốn Khương Minh Trân đã tức đến độ chuẩn bị lật bàn, nhưng thấy thằng bé như thế, con bé bỗng nhiên chột dạ.
Đến mức này sao? Hà Ngọc từng bị con bé đánh tỉnh vô số lần, thi thoảng nó đánh mạnh tay lắm nhưng cu cậu cũng có khóc đâu. Những lúc bị con bé chửi rất ghê, còn khi bị con bé cướp đồ nữa, những chuyện ấy còn không nghiêm trọng bằng bút dạ màu của thằng bé ư? Thằng bé đều không khóc mà.
“Hết mực thì hết mực thôi, tớ đền cho cậu.” Khương Minh Trân khoan hồng độ lượng nói.
Nếu cu cậu đã khóc, thì con bé sẽ không nổi sùng nữa, lần này con bé chả so đo với thằng bé.
“Cái loại bút dạ màu này của cậu tớ có nhiều lắm. Tớ có loại 24 màu, 48 màu, 72 màu. Nếu cậu cảm thấy không đủ thì tớ có thể kêu bố mẹ tớ mua 10 hộp đền cho cậu.”
Hà Ngọc vẫn còn đang khóc.
“Cậu có nghe không đấy!” Con bé quát thằng bé: “Đừng khóc nữa được không!”
Thằng bé khóc đến mức mặt đỏ hết cả lên, miệng nó gấp gáp hít vào từng hơi, trông có vẻ như đang bị khó thở.
Khương Minh Trân cũng bị thằng bé làm cho phát khóc.
Con bé không thể khóc yên lặng như thằng bé được, nó khóc như động rồ.
Đám người lớn để ý thấy động tĩnh ngoài phòng khách, bèn vội vàng xuống lầu xem đã xảy ra chuyện gì.
Hai đứa con nít đều đang khóc, căn bản không thể hiểu đầu đuôi thế nào.
Dì Phạm đến gần nhìn kĩ vỏ ngoài của mấy cây bút dạ, thầm nghĩ, hỏng rồi.
“Đây là bút dạ màu mà bố Hà Ngọc tặng cho thằng bé.”
Nghe tiếng khóc của con trai, lòng dì cũng xót: “Bị cô chủ cầm đi dùng, hình như dùng hỏng mất một ít.”
“Tiểu Trân!”
Khương Nguyên và Từ Mỹ Nhân biết rõ rành rành chuyện đã xảy ra trong nhà dì Phạm, họ lập tức quay đầu lại mắng Khương Minh Trân.
“Sao con có thể dùng đồ của người khác linh tinh thế được?”
“Không phải chỉ là…… bút dạ màu hỏng thôi sao!”
Khương Minh Trân lại nằm ra đất, dụi mắt, đá chân, khóc đến độ hổn hà hổn hển: “Bố mẹ cũng mắng con!”
Con bé không hiểu, con bé thấy ấm ức, con bé hoàn toàn không biết gì về chuyện của bố Hà Ngọc.
Đám người lớn thở dài, không biết phải mắng con bé từ đâu.
Họ đành phải xin lỗi Hà Ngọc trước.
“Hà Ngọc à, chú dì mua bút dạ màu mới cho con được không? Con muốn kiểu gì chú dì cũng mua, còn mua nhiều nữa cơ. Con đừng khóc, tha thứ cho Khương Minh Trân được không? Con bé……”
Đó là câu nói ác độc nhất mà Hà Ngọc từng được nghe.
“Con bé thì, người không biết vô tội mà.”
Thằng bé mới 6 tuổi không hiểu hoàn chỉnh được câu nói này, nó chỉ hiểu được ý tương đối.
Bởi vì Khương Minh Trân không biết, cho nên chuyện mà con bé làm sai coi như chưa từng có, thằng bé phải tha thứ cho con bé.
Nhưng mà, bút dạ màu của thằng bé hỏng rồi, đã hỏng mất rồi, trên đời có đạo lý như thế sao?
Tất cả những chiếc bút dạ màu đắt nhất, tốt nhất, nhiều màu nhất thế giới, cộng tất cả chúng vào, cũng không thắng nổi bộ bút mà bố thằng bé mua cho nó.
“Tôi không cần bút dạ màu của các người!” Giọng thằng bé khàn đi, nó y như một con thú nhỏ dựng lông lên, để lộ gai nhọn trên cơ thể.
Khi Khương Minh Trân khóc mệt rồi, tiếng gào khóc hóa thành nức nở, thằng bé vẫn cứ khóc tiếp.
Tất cả tiếng động chung quanh đều biến mất trong tai nó, Hà Ngọc đắm chìm trong nỗi bi thương vô tận.
Còn nhỏ đã mất cha, phải đến chỗ ở mới, sống đời ăn nhờ ở đậu, những cơn ác mộng không thể trốn thoát được…… Những cảm xúc bị đè nén này đã bị những chiếc bút dạ màu hỏng hóc cắt một lỗ thủng. Thằng bé không dừng lại được nữa, tất cả những thứ trầm trọng trong suốt năm nay bao phủ lấy nó.
“A Ngọc, đừng khóc.” Dì Phạm đè vai Hà Ngọc lại, lau nước mắt cho thằng bé.
Mặc dù bình thường họ có khen thằng bé ngàn câu vạn câu “Con ngoan lắm”, nhưng nhà họ Khương cũng không phải là nơi thằng bé có thể nổi cáu, nó cũng không thể khóc tiếp được.