Hôm nay anh bắt taxi về đi, em ở nhà chờ anh.

Trần Gia Dư vừa kéo vali phi công rời khỏi sân bay để bắt taxi về khách sạn, vừa tán gẫu với Phương Hạo về pha hỗn loạn trên tần số Đài kiểm soát sân bay Phổ Đông trước lúc cất cánh hôm nay.

Phương Hạo trả lời: “Dạo này Phổ Đông rất bận rộn.

Em nghe chị Yên bảo là bên đây còn thiếu nhân lực hơn cả bên bọn em, thật sự là một người làm phần việc của hai người.

Chỉ có thể nói là may mà còn có khoảng cách giãn cách, may mà còn có khoảng cách giãn cách.”

“Đoán chừng lương tháng này của cậu cơ trưởng hãng Sơn Đông đó bay theo mây gió rồi.” Trần Gia Dư hỏi, “Có thể thử hỏi Túc Lê.”

“Lại là lỗi lặp lại đúng nhưng thoát ly sai.

Alpha-5 và Charlie-5 khác nhau như thế mà vẫn nhầm được, vụ này tổ lái phải gánh trách nhiệm rồi.” Phương Hạo chê trách.

“Ừm, không như hôm nay…” Trần Gia Dư nhớ lại: “8177 và 8718 nhỉ? Quá giống nhau.”

“Hầy, anh nhớ rõ ghê.

Đấy cũng là một ví dụ.

8718 còn cách mặt đất tận 20 hải lý, vội vội vàng vàng chuyển sang tần số Đài kiểm soát để làm cái gì không biết.

Có một số người lúc lặp lại huấn lệnh chẳng hề dùng đầu óc chút nào…” Phương Hạo thấy Trần Gia Dư nhớ rõ, bèn nói thêm mấy câu, “Còn có vụ kinh hồn hơn cơ.

Em từng gặp phải một lần ở sân bay Thủ Đô.

Ba chuyến của hãng Đông Phương với số hiệu 8564, 8565, 8575 cùng lúc xuất hiện trong vùng trời kiểm soát của em.

Chỉ huy xong ca đó em gần như tâm thần phân liệt, mỗi lần chuyển giao công việc đều phải nhắc nhở về tình huống này.”

“Kinh khủng như vậy sao?” Trần Gia Dư cũng rất ngạc nhiên.

“Ừm, đều là xác suất cả.

Tình huống có xác suất nhỏ tới đâu, dù là một trên mười nghìn thì nếu một giờ chỉ huy 500 chuyến bay, một ca là cả ngàn chuyến, một năm lên tới chục ngàn chuyến, chung quy rồi cũng sẽ gặp phải.” Phương Hạo khựng lại một chút, nói: “Phi công các anh… cũng vậy mà.

Hàng chục ngàn giờ bay, kiểu gì cũng gặp vài vấn đề nhỏ.”

Trần Gia Dư ậm ừ đáp.

Anh nhớ tới vụ việc hạ cánh khẩn cấp tại Hồng Kông, là ngày 11/12 của ba năm trước.

Hôm nay quả thực… đã vô cùng gần ngày kỷ niệm tròn ba năm vụ việc ấy rồi.

Trước đó anh chưa từng đề cập với Phương Hạo về chuyện tình huống hạ cánh khẩn cấp tại Hồng Kông được bổ sung vào bài huấn luyện trên giả lập cho các phi công mới, anh chỉ mới nói chuyện này của bố và Châu Kỳ Sâm.

Bề ngoài thì là vì Trần Gia Dư cảm thấy phi công sẽ thấu hiểu cho phi công hơn, nhưng nếu xét ở tầng sâu hơn, việc nhắc tới những tình huống “giả sử” này thật sự khiến anh cảm thấy vô cùng bấp bênh và hoài nghi về bản thân.

Trước giờ Trần Gia Dư luôn xây dựng hình tượng quả quyết quả cảm với mọi người, vậy nên anh theo bản năng trốn tránh việc thể hiện mặt bấp bênh này với Phương Hạo.

Phương Hạo dường như có thể cảm nhận được suy nghĩ của Trần Gia Dư qua đường dây điện thoại.

Anh do dự một lúc rồi cuối cùng vẫn lên tiếng: “Trần Gia Dư, dạo gần đây lâu rồi em không gặp anh,… anh vẫn ổn chứ?”

Trần Gia Dư cảm thấy không tiện để nói chuyện qua điện thoại, bèn bảo: “Anh rất ổn.

Sao thế?”

Phương Hạo thấy Trần Gia Dư không chủ động nhắc tới thì cũng có chút mất tự nhiên, nhưng rồi anh vẫn nhắc: “Thì là chuyện Hồng Kông, sắp tới ngày kỷ niệm rồi.” Phương Hạo cũng không phải không nhận ra, chẳng qua lúc thường thời điểm không thích hợp, bọn họ dạo gần đây cũng chẳng mấy khi gặp nhau nên chưa có cơ hội để đi sâu vào chủ đề này.

“Anh không có cảm xúc gì đặc biệt với ngày kỷ niệm này cả… Ngày kỷ niệm vụ tai nạn, chỉ có ý nghĩa với người ngoài mà thôi.” Trần Gia Dư khẽ nói, “Với anh và Thường Tân, mỗi ngày sau hôm đó đều là ngày kỷ niệm.

Mấy tháng đầu chẳng hôm nào là anh không nghĩ tới cả.”

“Anh… Nghiêm trọng vậy sao.” Giọng Phương Hạo có phần nghiêm túc.

Không phải trước đây Phương Hạo không biết mức độ ảnh hưởng của vụ việc tại Hồng Kông đối với Trần Gia Dư, anh ấy cũng đã từng thẳng thắn giãi bày tâm sự cùng anh.

Thế nhưng, khi ấy Trần Gia Dư chỉ thừa nhận với Phương Hạo rằng vụ việc hạ cánh khẩn cấp tại Hồng Kông khiến anh yêu cầu khắt khe hơn với bản thân cũng như các phi công cùng tổ lái, còn về ảnh hưởng ở mặt tâm lý thì anh ấy chưa từng nhắc tới.

Trần Gia Dư không chỉ một lần giật mình tỉnh giấc giữa đêm vì gặp ác mộng, Phương Hạo cũng đoán được đại khái là có liên quan tới chuyện này.

“Anh từng nghĩ tới việc tâm sự cùng ai chưa? Không phải người nhà của anh, không phải em, không phải bạn bè mà là chuyên gia ấy.”

“Bên hãng từng tìm người tới nói chuyện, anh cũng đã vượt qua bài đánh giá tâm lý rồi.

Chẳng qua không thể để anh bay.” Trần Gia Dư trả lời rất bình thản.

Phương Hạo đắn đo một lúc, cuối cùng bảo: “Anh có thể tìm người để nói chuyện một lần nữa.

Anh vẫn luôn đau đáu về chuyện này, mà nó cũng ảnh hưởng tới cuộc sống cũng như các chuyến bay của anh.”

Trần Gia Dư từ chối đề nghị này theo bản năng: “Ngừng bay sẽ gây ảnh hưởng không hay.”

Phương Hạo không thể chấp nhận câu trả lời này, nói với Trần Gia Dư: “Đã có vấn đề thì vẫn nên giải quyết.

Anh bận tâm chuyện ảnh hưởng như vậy làm gì?”

Trần Gia Dư cảm thấy Phương Hạo đã hiểu nhầm rồi.

Anh chủ yếu suy nghĩ về thời gian bay trong hai năm này, còn Phương Hạo lại hiểu thành vấn đề sĩ diện.

Trần Gia Dư thử giải thích: “Không phải ý đó.

Hai năm nay…” Anh đã định nói nhưng rồi lại ngừng lại.

Giọng điệu Phương Hạo khi nói chuyện với anh về chủ đề này rất đỗi quen thuộc, Trần Chính cũng từng nói chuyện với anh như vậy.

Tuy anh biết cậu ấy có ý tốt, hơn nữa Phương Hạo cũng không phải Trần Chính nhưng Trần Gia Dư vẫn cảm thấy có chút ngột ngạt.

Phương Hạo thấy Trần Gia Dư không nói gì thì có phần bất an.

Anh bèn chủ động hối thúc anh ấy, gọi tên anh ấy một cách thân mật: “Gia Dư, hôm nay anh bắt taxi về đi, em ở nhà chờ anh.”

Từ sân bay quốc tế Tân Hải – Thiên Tân tới Đại Hưng, nếu đi đường cao tốc vào thời điểm này thì mất tối đa là 1 tiếng 45 phút.

Phương Hạo nghĩ thấy đây là ý hay.

Hai người họ nói chuyện qua điện thoại không được suôn sẻ, vẫn nên gặp mặt nói chuyện thì hơn.

Thế nhưng Trần Gia Dư lại không đồng ý: “Hôm nay thì thôi.

Bay tám tiếng rồi nên anh hơi mệt, tối nay ngủ lại khách sạn.” Trần Gia Dư cũng không có vẻ gì là giận, nghe giọng nói ngược lại rất đỗi mệt mỏi.

Có lẽ vì chuyến bay cộng thêm việc phải chuyển hướng hạ cánh tới sân bay khác, cũng có lẽ vì đã động chạm tới chủ đề nhạy cảm này.

Phương Hạo thở dài, chỉ đành chúc anh ấy ngủ ngon rồi cúp máy.

Sau khi cúp mày, Phương Hạo bỗng mong rằng Trần Gia Dư sẽ lại đổi ý bất ngờ như hôm xem bộ phim chiến tranh gián điệp ấy, suy nghĩ thông suốt rồi vội vàng quay trở lại Bắc Kinh trong đêm.

Thật lòng mà nói, dạo gần đây anh ấy cũng đã nhiều lần như vậy.

Thế là, Phương Hạo vừa đọc sách vừa chờ đợi.

Anh chờ thêm một tiếng rưỡi nữa kể từ lúc cúp mày, cho đến khi không trụ nổi nữa mới đi ngủ.

Anh đã biết Trần Gia Dư không có ý định ấy, tối nay cũng sẽ không trở về.

Hôm sau Trần Gia Dư về thẳng căn hộ của mình bên Song Tỉnh.

Đường đi vất vả, buổi tối ngủ lại khách sạn tại Tân Hải – Thiên Tân anh cũng không yên giấc, không bằng được lúc ở nhà mình, càng không bằng ở nhà Phương Hạo.

Vì chuyện mưa dông lớn và chuyển hướng hạ cánh nên số giờ bay ngày hôm qua của Trần Gia Dư đã vượt quá giới hạn giờ bay của một ngày, vậy nên kế hoạch bay được sắp xếp cho ngày hôm nay bị hủy bỏ.

Đây chính là tình huống mà Vương Tường sợ nhất.

Thế nhưng, Trần Gia Dư cũng không thể kiểm soát tình hình thời tiết, anh chỉ có thể lo vấn đề vận hành tàu bay.

Điều chỉnh ca trực nói cho cùng thì cũng là công việc của Vương Tường, Trần Gia Dư ngược lại vui vẻ ở Lệ Cảnh ngủ bù giấc.

Nghĩ tới đây, Trần Gia Dư mở hòm thư ra xem thử lịch trực mới mà Vương Tường gửi cho anh.

Gần đây không chỉ mình Trần Gia Dư, Vương Tương cũng bị chuyện năm mới và chuẩn bị cho mùa cao điểm Tết hành cho quá đỗi, thậm chí còn thuê cả trợ lý.

Thế nhưng lịch trực của Trần Gia Dư thì vẫn do anh ta đích thân xử lý.

Trần Gia Dư không phải lãnh đạo nhưng cũng coi là người quen, Vương Tường với anh có quan hệ bạn bè ngoài công việc, nếu có thể giúp đỡ thì sẽ giúp đỡ.

Trần Gia Dư nghĩ thấy nên báo Phương Hạo về lịch làm việc mới của mình, sau đó hai người thu xếp lại thời gian.

Vừa nghĩ tới đây, Trần Gia Dư lại nhớ tới cuộc gọi đêm qua giữa mình và Phương Hạo, lập tức cảm thấy đau đầu.

Anh biết chủ đề này vẫn chưa kết thúc và hai người họ còn phải tiếp tục nói chuyện.

Gần như cùng lúc ấy, hai người họ như thể tâm linh tương thông, Phương Hạo gửi tin nhắn Wechat hỏi Trần Gia Dư khi nào về.

Cách Phương Hạo hỏi cũng rất uyển chuyển: “Anh không nấu cá vược nữa à?”

Thật ra từ sau tối hôm đó, Phương Hạo vẫn luôn cảm thấy có gì đó bất ổn.

Cách Trần Gia Dư khước từ đề nghị của anh, không muốn giải thích tâm trạng của anh ấy gợi cho Phương Hạo nhớ tới tối hôm xảy ra vụ việc đèn hạ cánh.

Phương Hạo sợ nếu ép anh ấy quá mức, Trần Gia Dư sẽ lại xa cách với anh.

Khi ấy bọn họ chỉ là bạn bè bình thường nhưng giờ đã khác, nếu bây giờ có xảy ra mâu thuẫn gì, anh sẽ mất đi rất nhiều.

Hơn nữa, Phương Hạo cũng thích có vấn đề gì thì nói chuyện trực tiếp, nhắn tin tranh luận không thể thảo luận rõ ràng, gọi điện cũng sẽ khuyết thiếu phần nào ý nghĩa.

Sau cùng, Trần Gia Dư hẹn Chủ Nhật sẽ qua, cũng chính là ngày 10, chỉ cách ngày 11 tháng 12 – ngày kỷ niệm tròn ba năm sự cố hạ cánh khẩn cấp tại Hồng Kông – một ngày.

Những gì anh nói với Phương Hạo khi ấy đều là lời thật lòng.

Anh không có kế hoạch gì đặc biệt cho ngày 11 cả, chỉ tính trải qua ngày đó như một ngày bình thường.

Nghĩ tới đây, Trần Gia Dư trả lời Phương Hạo: “Để đông mấy hôm cũng không sao.

Tối Chủ Nhật anh nấu cho em nhé?”

Phương Hạo suy nghĩ một lúc, cuối cùng tiết lộ với Trần Gia Dư: “Không cần đâu, Chủ Nhật em nấu cơm.

Còn về việc nấu món gì thì tạm thời vẫn giữ bí mật.”.