Nghe tiếng tĩnh mịch trong xe. Tĩnh mịch mênh mang như màn đêm không bờ không bến. Ngoài cửa là cánh đồng đen sẫm và ánh đèn lấp lánh như sao đêm rải rác. Tôi uống nước trong chai lớn. Không ăn gì. Nghe theo những đợt sóng chuyển động của tư duy. Mỗi một khoảnh khắc có thể trầm tư suy ngẫm hay liên tưởng đều khiến người ta thấy an ủi. Khó khăn biết bao. Trong đêm khuya, chúng tôi rời xa mọi ồn ào huyên náo của bụi trần. Nhưng con đường dưới chân vẫn đang tiếp tục.

Hồi nhỏ, lúc nghỉ hè về quê thăm ngoại, phải ngồi xe một mình gần tám tiếng đồng hồ. Cuộc hành trình của tôi đã bắt đầu ngay từ thơ ấu. Những cảnh vật lướt qua ngoài cửa sổ luôn khiến tâm trí tôi nôn nao. Hồi bé hơn, tôi một mình ra ngoại ô, thường lạc hướng do đi bộ. Tôi luôn có khát vọng được đi ra ngoài. Thứ đã ăn sâu vào máu của một con người thật khó khống chế. Giống như sự sống và cái chết vậy.          

Lần tôi đi tảo mộ với bố trong tiết Thanh Minh, đi thăm ông nội yêu thương của bố. Đó có lẽ là những kinh nghiệm hiếm hoi cùng đồng hành của chúng tôi. Tôi hỏi bố một câu. Người chết rồi, linh hồn có tồn tại hay không. Bố tin rằng sau khi người thân qua đời vẫn thường xuyên quay về bên cạnh người sống, chỉ có điều chúng ta không nhìn thấy được mà thôi. Sự quan tâm đó, tình yêu thương đó vẫn luôn tồn tại. Không bao giờ biến mất. Đó là câu trả lời của bố. Sau đó, ông cũng rời bỏ tôi.

Tôi hy vọng có một ngày cũng đưa được con mình đi thăm mộ bố trong tiết Thanh Minh. Nếu có tình yêu được di truyền lại, cũng chỉ như vậy mà thôi. Cũng có lúc, tôi lại nghĩ có lẽ chỉ sống một mình cả đời. Bố đã từng đi khắp Trung Quốc. Ông là người rất yêu công việc. Cũng là người có tình cảm khép kín. Có lúc, người không biết diễn đạt tình cảm chỉ có thể đi con đường rất dài, rất dài. Như vậy, ông mới không bị chết ngộp bởi tình cảm của mình. Vì thế tôi cũng đi rất xa như ông.          

Trên chuyến xe đêm, tôi nghĩ rằng cần có một người đàn ông yên tĩnh. Muốn anh ta có đôi mắt và bàn tay ấm áp. Nhưng khó tìm biết bao. Bạn có thể tìm được địa vị, mục tiêu, chỉ duy hơi ấm là khó kiếm. Nhưng tình yêu như nhiều năm trước, những người đó, giờ nhìn lại, thật ra đều là một chuyến đi không tự nhận ra.

Chỉ vì muốn tìm kiếm chút hơi ấm. Cứ giã biệt không ngừng như vậy. Cuối cùng không thể tìm nổi thứ tưởng tượng trong lòng. Họ như đám hành khách đáp chuyến xe đêm, cứ lên lên xuống xuống, tản mác ở những thôn xóm khi trời chưa kịp rạng.          

Nhưng cuộc hành trình của tôi vẫn còn tiếp diễn.

Đảo Tường Vy.           

Tháng sáu khi viết cuốn sách này, tôi có mấy đêm liên tục mất ngủ.          

Cái kiểu mất ngủ đó thật đáng sợ. Trong gần mười hai tiếng đồng hồ luôn rơi vào tình trạng vô cùng tỉnh táo, không tài nào chợp mắt được.           

Từ 7 giờ 10 phút tối tới 2 giờ 43 phút liên tục làm việc. Mắt khô và đau nhức do nhìn màn hình quá lâu. Tắt máy tính. Mở tủ lạnh trong bếp, lục nước đào mua từ siêu thị. Cún Ngoan bị tôi đánh thức, cũng chạy vào bếp ngó nghiêng. Ngồi ăn bên chiếc bàn ăn bằng gỗ. Ngắm tấm rèm vải sọc xanh nhỏ trong phòng ngủ đang phần phật bay. Gió lớn mát mẻ ùa vào phòng từng đám.

Ở Bắc Kinh, một năm chuyển nhà ba lần. Lần gần đây nhất chuyển tới một khu chung cư gần thôn Á Vận Hội.           

Một khu dân cư rất yên tĩnh. Tường gạch đỏ, chung cư cũ cổ kính. Có khuôn viên lớn nhiều hoa và cây xanh. Thảm cỏ dày đủ cho lũ chó và tụi con nít đùa giỡn. Dây hoè tạo thành một hành lang xanh rợp bóng, ánh nắng cố lách qua đám lá mơn mởn. Thạch lựu, đào, táo, cả những cây không biết tên nở những chùm hoa vàng bé xíu. Cây nào cây nấy đều ưỡn ngực khoẻ khoắn. Luôn có các cụ già trên những chiếc ghế nhỏ dưới gốc cây, ngồi tước đậu hoặc hóng gió.            

Giặt xong vỏ chăn cũng có thể mang ra đây phơi. Ánh nắng rải hương thơm lên chăn. Phảng phất như quay về những ngày thơ ấu trong khu nhà cũ. Mọi thứ sao trở nên thân thiết đến vậy.            

Căn phòng trọ có sàn gỗ sạch sẽ và căn bếp nhỏ ốp gạch hoa. Chỉ cần đẩy cửa sổ ra đã có thể ngửi thấy hương thơm của tường vy và lá cây trong gió.

Trong vườn trồng rất nhiều tường vy.            

Từng chùm hoa li ti màu đỏ, màu phấn trắng. Mỗi cây có thể ra gần năm chục bông. Nó làm tôi nhớ lại bờ tường trong khu nhà cũ ở quê, cứ vừa đến hè đã trổ ra từng khóm hoa. Có người trồng cả cây hoa hồng nữa. Cành cây mập mạp, từng bông nở ra to bằng cái bát. Đám hoa này nở xoè rực rỡ, hết đợt này tới đợt khác. Như một vở trình diễn đồ sộ.           

Tìm ra căn phòng này để sáng tác. Việc duy nhất không thay đổi trong cuộc sống chỉ là viết văn.           

Có lúc viết liên tục mười tiếng đồng hồ. Cũng có khi chỉ viết được năm phút đã tắt máy tính, ra khỏi cửa.

Những lần tôi đi ra khỏi nhà phần lớn đều không mục đích. Cứ một mình lang thang trên phố, không trò chuyện, cũng không làm việc gì. Đặt mình trong đám đông nhưng không hề có quan hệ với họ. Tôi thích cái trạng thái chuyển động nhưng xa cách. Những nơi công cộng như chặng đường du lịch, quán bar, nhà ga, xe khách đường dài, phòng chờ, giường nằm trên xe lửa... đều có thể giúp tôi thấy thoải mái. Nhưng chỉ cần xuất hiện ở các nơi tiếp đãi như tiệc tùng, tôi sẽ mụ mẫm và mất hết thần sắc.            

Cuộc sống như vậy, tôi đã trải qua rất lâu.

Rất thích căn bếp nhỏ sạch sẽ ốp gạch đầy hoa li ti, phòng khá dài, nhiều cửa sổ. Thường ngồi bên chiếc bàn gỗ nhỏ đọc sách trong lúc hầm canh hoặc xào nấu thức ăn. Đặt luôn cuốn ngữ pháp tiếng Anh ở đó, tiện tay lật vài trang ôn tập. Còn có sách của Xuân Thụ. "Con voi mất tích". Đó là một cuốn truyện ngán mà cô ưa thích nhất trong số sách đã có. Vì nhà ở hướng Tây nên lúc hoàng hôn, cả căn bếp ngập tràn ánh mặt trời rực rỡ.

Trên tủ lạnh đặt một chậu xương rồng, và một cái radio nhỏ cũ kỹ của một người bạn vứt đi không dùng. Thường ngày không dò nghe bất kỳ tiết mục phát thanh nào, không thích có người tạo nên những ngôn từ mạnh mẽ. Vả lại phần lớn đám người dẫn chương trình đều có kiến thức rất mỏng. Nhưng lúc rửa rau có thể bật kênh nhạc, nghe vài ca khúc êm tai. Âm thanh có phần lạc điệu, nhưng vẫn có thể nghe rõ ca từ và tiết tấu, hiếm hoi cũng hứng lên ca theo vài câu. Nó khiến tôi nhớ lại thời niên thiếu. Thập niên 80 nở rộ những ca khúc thịnh hành. Tôi kéo dài chiếc ăng ten của đài, gác lên cái lọ mật ong cắm đầy hoa khô.            

Lúc hơn 2 giờ sáng, ngồi trong bếp ăn bánh ngọt. Làm một tách trà nóng, cho cả hoa lài và hoa hồng vào. Khoảng lặng lúc đó khiến người ta thật vui sướng.            

Ăn xong, tiếp tục tìm thêm một số việc để làm. Cơn thèm ngủ đã hoàn toàn rời bỏ tôi. Tôi rất rõ điều đó.

Nhưng tôi không muốn gọi điện thoại cho người khác. Không có mong muốn tâm sự, cũng không tìm ra nổi người có thể gọi điện. Đã rất lâu rồi, tôi không gọi điện cho ai, ngoại trừ biên tập viên và nhà xuất bản vì công việc. Có độc giả tìm được số điện thoại của tôi qua người khác, rồi thử gọi cho tôi lúc canh khuya. Họ luôn làm tôi khó xử. Một mặt, tôi không muốn làm tổn thương lòng tự trọng của họ. Họ đều rất trẻ, cũng không có ác ý. Mặt khác, tôi thực sự không biết nói gì với họ, một câu cũng không có. Cũng không muốn giả tạo.           

Cuối cùng những cú điện thoại đó cũng thưa dần. Nhưng tôi đã bắt đầu tắt phụt những cú gọi mang số lạ. Có lúc điện thoại réo hết lần này tới lần khác, chẳng thèm nghe. Suốt một thời gian, tôi mắc chứng bệnh sợ điện thoại, luôn có cảm giác bất ổn mãnh liệt đối với việc gọi điện thoại.

Cứ như vậy có một thời kỳ rất dài, tôi chẳng trò chuyện. Có thể nói rằng tôi đã mất đi âm thanh. Như cô gái trong "Tạm biệt thời gian", những lời tâm tình của cô ấy đều chỉ thốt lên trong lòng. Dù cho một cô gái khác đang ở rất gần cô, dù cho họ yêu nhau cũng không thể tâm sự. Sự cô độc của con người. Chính là như vậy.           

Tôi còn nhớ một số chuyện. Chẳng hạn như hồi nhỏ, ngủ cùng bạn thân. Hồi đó chúng thích nhất là thay phiên đến ngủ ở nhà nhau. Tâm sự suốt đêm, kể lể đủ mọi đề tài. Mãi đến khi bố mẹ phải tới gõ cửa để bắt im miệng. Còn nhớ mấy năm trước từng yêu một chàng trai ở thành phố khác. Chúng tôi thường nấu cháo điện thoại giảm giá lúc canh khuya. Mỗi lần gọi mất bốn tiếng đồng hồ. Sao lại có nhiều lời để nói đến vậy. Sao lại thế nhỉ? Với một người đàn ông. Giọng nói trong điện thoại, gợi cảm tới mức có cảm giác tiếp xúc da thịt.             

Những chi tiết này giờ nghĩ lại phảng phất như chuyện xảy ra từ rất lâu, rất lâu rồi. Mọi thứ đã trôi qua.

Tôi kê một cái bàn gỗ to dài hai mét trong một căn phòng. Trên bàn vẫn còn vân gỗ thơm mới. Có đánh một lượt véc ni, sờ lên bóng loáng, chỉ hơi có cảm giác thô mịch. Một cái bàn đọc sách lớn bằng gỗ luôn là nguyện vọng của tôi. Có thể đặt máy tính lên đó cùng máy CD, loa, đèn bàn bằng sắt uốn có chụp vải màu đỏ rượu, rất nhiều khung ảnh gỗ, từng đống CD xếp chồng chất, sách và vở ghi chép. Có cả bút máy, thước, bút lông, tẩy, trà, gạt tàn, nước hoa, đế cắm nến, lư hương, đĩa sứ đựng hoa quả... Đủ mọi thứ thập cẩm. Còn cả hoa lan và xương rồng nữa.             

Trên tường treo mấy tấm tranh khung gỗ. Về thực vật. Nét vẽ thô vụng, màu sắc loè loẹt. Bên dưới ghi mấy dòng tiếng Anh, như một đoạn bút ký, ghi rõ nơi sinh trưởng và đặc tính của loài thực vật đó. Tôi sưu tầm tất cả những thứ mà mình thích, đặt hết ở đây.

Sách trên giá đã chật kín. Đành để cả xuống sàn. Trên tấm sa lông đệm bông mua ở IKEA phủ một tấm vải trắng thêu hoa. Lẽ ra dùng để phủ bàn, nhưng phủ lên ghế nom cũng đẹp như nhau. Nét thêu tinh xảo. Loại vải này xuất khẩu sang tận châu Âu, tôi tìm được ở chợ, chỉ tốn hai mươi đồng.            

Tôi luôn hứng thú với nhà cửa. Tôi sẽ mua một chiếc tủ quần áo bằng gỗ hồ đào đắt tiền chỉ vì thích cái màu nâu tối giả cổ và cái móc kéo bằng đồng cổ kính của nó. Cũng rất thích tới tiệm vải chọn vải hạ giá, những bông hoa vụn màu vàng trên nền đỏ sẫm, những sọc ca rô màu phớt đỏ, những cánh hoa và lá cây rụng lả tả trên nền phông xanh... Giặt sạch vải, phơi cho thấm hương thơm của mặt trời, rồi là phẳng, phủ lên bàn. Cũng không đến nỗi.

Một lần đi siêu thị, vô tình nhìn thấy bát Nhật Bản hạ giá, trên nền lá vàng rơi là từng đoá hoa lài trắng tinh khiết và từng chùm quả. Phía ngoài bát màu xanh lam, có đường vân chìm. Đẹp không chịu được. Đã hạ giá rồi nhưng vẫn rất đắt. Chỉ dám mua hai cái. Chỉ dùng để uống canh. Có lúc nấu cháo sen, soup đậu xanh hoặc chè khoai lang. Hầm xong, đồ ăn trở nên thi vị hơn.            

Ông chủ nhà tới lấy đồ, nhìn căn phòng, cười mà hỏi rằng, Cô làm thế nào mà nhiều đồ thế nhỉ? Ông đâu có biết, người con gái xa lạ từ Thượng Hải chuyển tới Bắc Kinh, thà vứt lại tất cả đồ dùng gia đình và đồ điện. Trong chiếc va ly nặng trịch chỉ chứa đầy những đồ cũ kỹ. Không có vật gì đáng giá. Nhưng cũng không nỡ vứt đi. Vì đã mất công tìm kiếm như vậy, nên giữ ở bên mình.            

Tôi biết. Có lúc chỉ vì cô đơn mà thôi.

Ngồi trên sa lông, phủ chân bằng tấm khăn choàng lông cừu rất thịnh hành của Nga. Không khí mát lạnh, gió lớn ùa vào. Cún Ngoan lại bắt đầu ngủ. Nó xoè hết tứ chi, nom như một em bé. Tôi đọc Kinh Thánh, tiện tay lật một trang, rồi đọc. Lật xem những tấm hình cũ trong album. Lại vùi đầu vào đống gấu bông trên sa lông, nhắm mắt lại.           

Lúc tôi sắp quay về Bắc Kinh, mẹ nói, Con cầu có một cái nhà, sinh con đẻ cái. Mẹ lo ngại tôi đơn độc nơi đất khách quê người, khốn khó, yếu đuối. Tôi cười, không cãi. Chúng ta cần phải có nguyện vọng cả đời đối với một người, khó khăn biết bao. Đàn ông ích kỷ quá nhiều, đàn ông ấm áp quá ít. Chúng ta không thể tìm được sự an toàn vĩnh hằng trong quan hệ với con người, từ lâu đã vậy. Thậm chí cả chuyện tình cảm trong giới nghệ sĩ cũng khỏi cần nói tới. Đó là lạc thú thời thanh xuân, không phải là cách nói của người trưởng thành. Trong khoảnh khắc đó, mới biết được lòng mình đã mệt mỏi tới đâu. Chỉ muốn yên tĩnh.

Trên bãi biển trong xanh ở Việt Nam, từng nhìn thấy mấy hòn đảo xanh rờn. San sát nhau, tuyệt đẹp. Những hòn đảo này không có đường ra, cũng không thể chèo tới được. Gia đình của chúng ta là một hòn đảo. Linh hồn của chúng ta trong thành phố cuối cùng cũng là một hòn đảo. Cô độc như vậy. Rực rỡ và mệt mỏi. 

Người đàn ông ấm áp và yên tĩnh, căn phòng sạch sẽ, có một chú chó con, có tấm rèm cửa sổ được gió thổi bay với cái ban công rợp mát bởi cây xanh. Như vậy, khi mất ngủ hoặc có thể ôm choàng lấy nhau. Và chúng ta có thể tạo thành nhóm. Nhưng đối với con người này, tôi đã không còn tí tưởng tượng nào. 

Anh là không khí trong suốt. Ở đó nhưng dường như lại không ở. Đối với cuộc sống của tôi, ý nghĩa của anh chỉ như vậy mà thôi. Chỉ là đảo tường vy trong ảo giác.

Tôi không nói với mẹ rằng chỉ có những người đàn bà và đàn ông kinh tế không độc lập hoặc khiếp sợ cô đơn mới có ý nghĩa lấy hôn nhân để thay đổi cuộc sống, giành lấy an toàn. Nhưng đối với tôi, đó không phải là điều quan trọng nhất. Tôi sống rất tốt vì biết mình muốn gì. Tôi yêu cuộc sống như biển cả. Có sóng lớn, có khoảng lặng nhưng rốt cuộc luôn luôn thay đổi. Nỗi cô đơn của biển không thể thốt nổi thành lời. 

Rất nhiều người từng yêu chúng ta. Chúng ta rời bỏ họ. Đó là cái giá chúng ta phải trả. Nghĩ ra cũng là cam tâm tình nguyện. Không ai có thể cùng một lúc chiếm được cả tự do và an toàn trong cuộc sống. Đó là điều không thể.

Lúc bốn giờ sáng, bầy quạ trong vườn bắt đầu rộ tiếng. Những âm thanh mỏng mảnh cứ nhấp nhô. Bầu trời như giăng một lớp màn xanh xám u buồn, rồi dần dần sáng rõ. Lúc đó rất giống như khi đi du lịch, dậy sớm để kịp ra xe, vẫn ngà ngật buồn ngủ, nghe thấy tiếng mọi người trò chuyện bên cạnh mà cứ ngỡ trong mơ. Nhưng cuộc hành trình một ngày mới đã mở ra trước mắt. 

Bước ra ban công nhìn xuống khu vườn tĩnh mịch bên dưới. Trên con đường nhựa xa xa có tiếng xe hơi vọng lại. Thành phố bắt đầu thức giấc. Trong đám cây, một chú cún trắng chậm rãi đi tới. Không biết chó của nhà ai. Đi dạo sớm như vậy. Cún Ngoan khẽ khàng bước tới bên tôi, quỳ xuống bên cạnh. Cún cũng vừa dậy. 

Trong thời gian khoảng bốn mươi phút, màu trời luôn biến đổi, như thể một cái đồ đựng phủ vải xanh. Tấm vải cứ bị bóc ra từng tí một, mãi cho tới khi sắc trời hoàn toàn sáng hẳn. Nhưng chân trời đã có màu hoa hồng đỏ mà mặt trời vẫn chưa chịu ló ra.

Lại là một ngày hè oi bức. 

Trời sáng rồi. Tôi cũng phải đi ngủ thôi.

Hoa dành dành.           

Tôi ở Thượng Hải, đón mẹ tới Bắc Kinh sống chung. Mẹ dẫn theo đứa em trai mười chín tuổi của tôi vừa nghỉ hè. Đó là hai người quan trọng nhất, là những gì còn sót lại trong cuộc đời tôi sau khi bố đi xa.           

Buổi chiều nóng nực. Chiếc xe khách đường dài mẹ đi vừa tới bến. Mẹ mặc một chiếc quần vải mềm mại in những bông hoa li ti, chiếc áo ngắn tay có móc trắng. Bên cạnh một đống hành lý. Em trai ca cẩm, Mua lắm đồ biển khô thế không biết, sợ chị ở Bắc Kinh không có mà ăn. Còn mang bao nhiêu đồ ăn vặt nữa chứ, cứ như đi du xuân vậy. Mẹ đứng bên, cười rất tươi.

Khi băng qua con đường xe cộ tuôn như thác chảy, tôi nắm chặt tay mẹ. Bàn tay mẹ ấm mềm và thô ráp, trên ngón tay vẫn đeo vài chiếc nhẫn. Hồi trẻ, mẹ vẫn thích áo dài Thượng Hải và đồ trang sức. Năm 50 tuổi vẫn thế. Mua vé tàu giường mềm lúc sáu giờ tối. Sau khi bố tôi qua đời, cơ thể mẹ bắt đần bất an, mất ngủ, chóng mặt, nước mắt chảy quá nhiều, đọc sách bắt đầu phải đeo kính và sợ ngồi máy bay.             

Hồi nhỏ, mẹ thường một mình dắt tôi đi xem phim ngoài rạp. Mẹ luôn yên tĩnh. Mẹ từng là cô gái có kiến thức phong phú. Hàm răng sáng tươi tắn, mớ tóc đen dày, vẻ cứng cỏi gần như tàn nhẫn. Những thứ đó sau này mẹ đều dành cho tôi. Tình cảm giữa bố và mẹ luôn nhàn nhạt. Họ giống như đa số các cặp vợ chồng Trung Quốc khác, cùng sống chung gần ba mươi năm trong trách nhiệm và thói quen dựa dẫm vào nhau. Mẹ tôi của ba mươi năm sau, khi bắt đầu chớm già, đột nhiên thấy cô độc.

Có lúc, mẹ thấy bố con vẫn còn sống. Không thể tin được ông ấy vứt mẹ lại như vậy. Mẹ khẽ nói. Tôi gật đầu. Trong đêm khuya một mình, mẹ nằm trong căn phòng trống trải đầy ắp hồi ức, luôn nghe thấy tiếng bố dùng chìa khoá mở cửa. Rất nhiều chuyện cũ chỉ thuộc về một mình mẹ. Những người bên cạnh có thể bầu bạn, nhưng không thể tìm được bất kỳ sự an ủi nào.           

Tôi có thể cảm nhận được nỗi cô độc đó. Nhưng không thể làm gì cho mẹ.           

Toa nằm rất sạch sẽ. Gia đình ba người chiếm gần hết giường. Mẹ tiện tay mang theo một đoá hoa dành dành màu trắng tinh khiết trong túi nhỏ, lá xanh mướt. Đó là loài hoa mà mẹ thích nhất. Nở rộ khi vào hè, có mùi thơm nồng u buồn. Trong vườn nhà bà ngoại ở quê có một gốc cây dành dành rất lớn. Mẹ súc sạch một cái chai nước khoáng, kêu tôi đi lấy nước, cắm hoa vào. Cánh hoa hơi úa vàng nhưng mùi thơm vẫn ngập tràn gian tàu chật hẹp.

Trong màn đêm trên chuyến tàu lắc lư, mẹ ngủ rất say. Em trai ở giường trên bật ti vi, đeo tai nghe lên xem phim. Tôi tựa vào gối nghe tiếng mẹ thở. Đó là thời khắc đoàn tụ rất hiếm hoi của cả nhà. Duy  nhất chỉ thiếu mỗi bố. Lòng ấm áp nhưng lặng lẽ.          

Trong bóng đêm, hoa dành dành vẫn toả hương thơm ngát.          

Mười sáu năm trước, mẹ đã từng tới Bắc Kinh. Lần này tới làm khách nhà con gái. Tôi đưa mẹ đi thăm Cố Cung, chụp ảnh cho mẹ. Nhìn mẹ qua ống kính, thấy những nét thanh tú đã có phần tiều tuỵ trên gương mặt mẹ. Cái dáng mẹ đứng, thân hình đã có phần cứng. Tôi đứng sau máy ảnh, mắt ngấn lệ nóng hổi.

Không thể giải thích nổi cảm giác đó. Phảng phất như mỗi thời khắc đều bị đẩy lùi. Giống như bố đứng ở sân bay chờ tôi đáp chuyến bay trễ. Tôi xách túi ra khỏi cửa, nhìn thấy nụ cười của bố. Những hồi ức như vậy khiến người ta lạnh giá với tất cả chuyện thế gian. Vì những gì tốt đẹp nhất đã trôi qua.          

Chúng tôi lại ngồi ở quảng trường xem lũ trẻ thả diều. Bầu trời nhuốm ráng vàng. Tôi khoác tay qua vai mẹ, đôi lúc khẽ vuốt ve. Mẹ cứ cười lặng lẽ, nhưng tôi biết có tôi và con trai bên cạnh, mẹ rất vui. Mẹ từng nói với tôi, Cứ nhớ tới bố, lòng mẹ lại đau nhói. Tôi không muốn kể cho mẹ về những đêm mất ngủ, nhớ tới gương mặt bố, ra nhà vệ sinh rửa mặt, lúc soi gương, nước mắt đầm đìa.

Tôi cứ luôn nghĩ, làm thế nào mới có thể đạt được hơi ấm vĩnh hằng. Thế là tôi bắt đầu khát khao có một đứa con. Từ sau khi bố đi, đêm khuya ngủ cùng mẹ trên chiếc giường lớn trong căn hộ ở Bắc Kinh. Ngắm thân hình đã bắt đầu mập lên của mẹ. Hồi trẻ, mẹ đã từng mảnh mai, rắn chắc. Thân hình đẹp đẽ đó đã sản sinh ra hai sinh mệnh. Đó là thứ tình cảm không sợ phải trả giả.           

Mỗi phụ nữ đều làm như vậy. Đó là niềm hạnh phúc và nỗi đau khổ mà họ cùng chung hưởng. Và tôi cũng chung nỗi khát khao đó.         

Thế gian cứ tĩnh lặng và dửng dưng như thế. Nhưng chúng ta cần phải giành được tình yêu sâu sắc.

Đưa mẹ tới điện Hải Đường làm lễ cầu thọ. Mẹ bắt đầu giống bà ngoại tin vào Ki tô giáo. Tôi thích mẹ có thể thuộc về một tôn giáo nào đó. Chúng tôi ngồi trên ghế gỗ nghe mục sư giảng đạo rồi cùng đứng lên hát Thánh ca. Ngoài cửa sổ là ánh nắng Bắc Kinh rực rỡ và khô ráp, tiếng chim lích chích trên những vòm cây xanh. Mẹ nói, Nếu Chủ nhật nào con cũng đi được với mẹ tới nhà thờ thì hay quá. Tôi đáp, Được ạ. Sau này, mẹ cứ ở với con, con sẽ chăm sóc mẹ, tới già.          

Đưa mẹ tới tiệm ăn ngon nhất. Nhưng dù tới đâu, mẹ cũng chỉ gọi rau xanh. Mẹ chỉ thích ăn những đồ ăn đơn giản, ít đạm. Lại đưa mẹ đi siêu thị, mua cho mẹ kem dưỡng da, đôi giầy thêu hoa và chiếc  váy đầm bằng tơ thật mà mẹ rất thích. Mẹ đều nhận hết. Khi về nhà, cứ nhất định dúi trả tôi hai nghìn tệ. Chúng tôi suýt nữa lại cãi nhau.

Cứ yêu nhau như vậy. Nhưng do tính cách quá giống nhau, chẳng hạn như không muốn làm phiền người khác, luôn không muốn mình nợ nần người khác, dù chỉ một chút xíu. Luôn kiên cường, luôn quá lo lắng cho người khác... Vì thế suốt một thời gian dài, chúng tôi luôn ở xa nhau.          

Vì em trai tôi phải vào học sớm nên chẳng mấy chốc họ phải về. Cuối cùng cũng thuyết phục được mẹ ngồi máy bay. Chỉ cần hai tiếng đồng hồ đã có thể về nhà. Trên đường ra sức khuyên mẹ rằng ngồi máy bay không đến nỗi đáng sợ như tưởng tượng. Khi mẹ đã đứng tuổi có lúc cũng ngây thơ và nhiều chuyện như con trẻ.          

Mẹ mặc chiếc váy đầm liền tấm hoa bằng tơ, khoác ví đầm, đeo hoa tai. Sau khi bước vào khu kiểm tra an ninh, mẹ cứ đứng trong đó nghển đầu tìm tấm biển chỉ dẫn cửa ra máy bay. Tôi bồn chồn đứng ngóng, thấy mẹ đi đúng hướng rất mới an tâm. Tới đoạn rẽ, mẹ ngoái đầu lại tìm tôi. Chúng tôi vẫy tay. Mẹ cười rồi bước đi.

Tôi quay về, băng qua đám người ồn ào huyên náo ở sân bay, rốt cuộc cũng buồn tới rớt nước mắt.         

Chúng tôi chỉ cùng ở bên nhau có bảy ngày. Khi mẹ về nhà, bố mất cũng vừa tròn hai tháng.