Quyển 1: Họ Trương ở Hà Đông
Chương 17: Gặp mặt thân cận
Dịch : Tử Lăng
Nguồn: Tàng Thư Viện
Buổi chiều hôm đó, Trương Hoán liền tìm gặp Lâm nhị thúc, nói cho ông biết chuyện đã thành công, và bảo ông dắt ông chủ Cầu tới gặp mình. Đại ca đã dặn dò chuyện này, lại có lợi với Trương Huyên, nên Trương Nhược Phong không làm khó Trương Hoán, xử lý hết sức nhanh chóng. Buổi tối đã giao nhận xong xuôi, Trương Huyên đã lấy được nhà. Tuy không chịu hạ mình tới nhà Trương Hoán cảm tạ, nhưng hắn vẫn nhờ Trương Xán gửi một bình rượu đến, coi như kết thúc ân oán quá khứ.
Những buổi cuối thu, bầu trời bao giờ cũng thăm thẳm như vậy. Gió mát phe phẩy khuôn mặt, không trung xanh biếc không có chút gợn mây trắng nào. Trên mặt đất, màu đỏ và màu vàng óng đã thành sắc thái chính của vụ mùa này. Thậm chí cả khuôn mặt của mọi người cũng trở nên tươi rói rạng ngời nhờ được mùa.
Sau vụ gặt hái tốt đẹp, chính là lúc bàn bạc chuyện cưới xin, khuôn mặt của các nam nữ thiếu niên càng đỏ rực. Các chàng trai thì vì hưng phấn và kích động, mà trên mặt các cô gái thì xuất hiện nhiều vẻ thẹn thùng hơn.
Nhưng đối với Lâm gia, đây lại là mùa thu cuối cùng bọn họ sống ở Thái Nguyên. Qua mùa thu này, bọn họ phải về quê nhà. Trước khi về quê, vẫn còn rất nhiều việc cần giải quyết, Lâm Đức Long không tiếp nhận thêm những người bệnh chữa trị phải tốn thời gian nữa, còn phải điều trị hết những người bệnh cũ; nhị thúc Lâm Đức Lợi thì cần thu về những khoản cho nợ, cũng phải bán nốt những vị thuốc cũ đã tồn đọng nhiều năm.
Còn sư mẫu Dương Ngọc Nương thì phải cân nhắc các mối quan hệ, sống ở đây đã mười mấy năm, giao thiệp tình nghĩa với khá nhiều người. Vậy còn nợ ân tình chưa trả cho nhà người ta hay không, nếu còn, phải tranh thủ thời gian tìm cớ trả cho xong.
Dương Ngọc Nương ở trong phòng lật xem sổ sách cũ trọn một buổi sáng. Sau bữa cơm trưa, bà kéo chồng vào phòng, chăm chú nhìn đôi mắt ông, đoạn nghiêm túc nói:"Đại lang, ông còn nhớ Kiều Hậu Căn, Kiều lão tiên sinh không?"
"Sao lại không nhớ, ông là thầy của Tri Ngu và Tri Binh, cả Bình Bình cũng đi học mấy năm ở chỗ ông mà! Đầu năm không phải chúng ta còn đi mừng thọ cho ông sao?"
Lâm Đức Long thấy vợ hết sức trịnh trọng, không khỏi gãi gáy nghi hoặc hỏi:"Thế nào? Kiều lão tiên sinh có gì không bình thường ư?"
"Ông này!" Dương Ngọc Nương oán trách chồng:"Ông đã quên sao? Đầu năm khi chúng ta tới mừng thọ, ông cụ rất thích Bình Bình, lúc ấy đã nói gì?"
Lâm Đức Long ngẫm nghĩ giây lát, chợt giật mình hiểu ra, "bà muốn nói chuyện của Bình Bình và Kiều công tử đó."
Kiều Hậu Căn thuộc dòng dõi thế gia hiếu học, về Kinh học có thể xưng là Thái Sơn Bắc Đẩu đầy oai vọng. Hồi trẻ, Kiều lão tiên sinh là Hàn Lâm cung phụng (1) của Huyền Tông hoàng đế, nhiều lần thi sảnh thời kỳ Khai Nguyên (2) đều do ông ra đề. Sau loạn An Sử, ông hồi hương ở ẩn, mở một học đường dạy dỗ con cháu. Hai con trai Lâm Tri Ngu và Lâm Tri Binh của Lâm Đức Long chính là học trò của Kiều Hậu Căn.
Đầu năm nay, Kiều lão tiên sinh mừng đại thọ tám mươi, phu phụ Lâm Đức Long dắt Bình Bình đến chúc thọ cho ông. Ông rất thích Bình Bình, giữa bữa tiệc liền tỏ ý muốn hứa hôn Lâm Bình Bình cho cháu trai Kiều Ngọc Thư của mình. Lâm Đức Long nể tình cảm bèn đáp ứng, sau đó Lâm Đức Long cũng quên chuyện này. Hôm nay Dương Ngọc Nương lật xem những vật cũ phát hiện tờ ngày sinh của Kiều Ngọc Thư, giờ mới nhớ lại chuyện này.
Nhưng Lâm Đức Long lại phản đối. Ông đã gặp Kiều Ngọc Thư, từ sáng đến tối chỉ biết đọc sách viết chữ, hết sức hủ lậu, ông không thích. Ông thấy vợ rất lo lắng, liền cười an ủi bà:"Đã hơn nửa năm không nhắc đến chuyện này, chắc hẳn Kiều gia đã quên rồi. Đây không tính là ơn nghĩa gì cả, đừng nên để bụng!"
Nói đoạn, ông quay người định đi. Dương Ngọc Nương sốt ruột, giữ ông lại nói:"Đại lang, ông thật là hồ đồ! Chuyện này không phải để báo đáp ơn nghĩa. Bình Bình năm nay đã mười tám tuổi, ông vẫn cho rằng nó là tiểu nha đầu hỉ mũi chưa sạch ư? Nó phải xuất giá rồi, ông hiểu chưa?"
Lâm Đức Long sững sờ, rồi lập tức cười khà khà nói:"Nó năm nay đã mười tám tuổi rồi cơ à? Sao tôi cảm giác nó vẫn là cô bé tám tuổi."
"Đây không phải cần trách ông sao? Lâu nay cứ mặc tính nết của nó, hung hăng hùng hổ, giống đứa ngớ ngẩn vậy. Ông biết mọi người gọi nó là gì không? Chảo! Ông nghe coi, đó còn là tên của con gái à?"
Dương Ngọc Nương càng nói càng chán nản, tới cuối cùng chỉ đành thở dài nói:"Vốn Thập bát lang và nó là đôi bạn thanh mai trúc mã, mẫu thân nó cũng rất thích Bình Bình, hai đứa kết hợp là đẹp nhất. Nhưng tôi cũng nhìn ra, Thập bát lang chỉ coi Bình Bình như muội muội, hoàn toàn không có mong muốn đó, không thể gượng ép người ta."
Sắc mặt Lâm Đức Long trở nên u ám, "nó phải mong muốn cái gì. Hai người thành thân sinh con, sống bình thường qua ngày là được, cần gì thích hay không. Hiện giờ là muội muội, bái đường xong thì phải gọi là nương tử!"
Dương Ngọc Nương lắc đầu, "tuy nói như vậy, nhưng chúng ta phải đi trong nay mai, bao giờ mới có thể gặp lại đây? Ba năm, năm năm, Bình Bình cũng không thể lần lữa đợi mãi vậy! Huống chi người ta phải vào kinh thi cử, hiện giờ ông cũng không tiện nhắc chuyện này. Theo tôi thấy, Kiều gia là dòng dõi hiếu học, gả Bình Bình sang đó, cũng không thiệt thòi cho nó. Chúng ta có thể thử tìm hiểu xem sao."
Lâm Đức Long cân nhắc giây lát, đoạn nói với giọng điệu không cho phép thương lượng:"Vậy phải cần Bình Bình thích nó mới được. Thế này đi, bà bảo Tri Ngu đi mời tiểu tử của Kiều gia ấy sang ăn bữa cơm, để Bình Bình và nó gặp mặt một lần. Nếu Bình Bình bằng lòng, tôi cũng không ý kiến."
...
Buổi chiều, Dương Ngọc Nương sai con trai tới Kiều gia. Kiều gia cũng hiểu rõ trong lòng. Tuy thân phận hai nhà không cân xứng, nhưng Kiều lão gia tử chân thành yêu mến Bình Bình, bèn đáp ứng ngay, rồi chọn ngày lành, vừa khéo là ngày mai, để Kiều Ngọc Thư tới Lâm gia ăn bữa cơm trưa.
Dương Ngọc Nương vô cùng mừng rỡ, lập tức gọi con gái lớn tới, góp ý giúp bà, lại thêm con dâu nữa, ba nữ nhân vừa vặn có thể bàn bạc một phen. Còn về Bình Bình, lúc này vẫn chưa thể nói cho nàng, nếu không sẽ hỏng việc.
Buổi sáng hôm sau, Dương Ngọc Nương và Xảo Xảo gọi Lâm Bình Bình vào phòng, khuyên răn nàng tỉ mỉ, giảng giải cho nàng mối quan hệ giữa tuổi tác và xuất giá của nữ nhân, lại nêu cho nàng rất nhiều ví dụ, rằng nữ nhân già rồi không lấy được chồng, số phận bi thảm thế này thế nọ. Tóm lại là một câu, con đã không còn nhỏ, nên xuất giá rồi.
Lâm Bình Bình đáp ứng mẫu thân mọi chuyện, nhưng vừa ra khỏi cửa lớn, nhìn thấy bầu trời xanh biếc tựa biển cả, lòng dạ nàng không khỏi biến thành một đám mây trắng, hòa tan vào giữa biển cả mênh mông không bờ bến. Lúc này, hôn nhân đại sự trở nên nhỏ bé không đáng kể trong mắt nàng, nàng thấy, thế gian chẳng có chuyện nào quan trọng hơn hạnh phúc và tự do.
Gần giờ ngọ, Kiều Ngọc Thư có gia phong nghiêm cẩn đã tới Lâm gia đúng giờ. Y năm nay hai mươi mốt tuổi, là cháu út của Kiều lão tiên sinh, nghe nói học sâu chân truyền của tổ tiên, học thức phong phú uyên bác, nhưng nhìn vóc người gầy yếu của y, lại khiến người ta hoài nghi điều này.
Khuôn mặt y gầy trơ xương và trắng bợt, nguyên nhân là quanh năm ở trong phòng đọc sách, không thấy ánh mặt trời. Hôm nay y đội mũ vải vấn đầu, mặc quần và áo ngắn bằng lụa trắng, bên ngoài lại khoác thêm một chiếc áo dài xanh, quả thực chẳng hề có vẻ ốm yếu.
Vì là tới chào, trong tay cũng xách điểm tâm nhiều màu sắc, y hào hứng mau chóng xuống xe ngựa. Chỉ thấy ở cửa lớn của Lâm gia đông nghịt, người tới khám bệnh ngồi chật kín bậc thềm, đang ăn lương khô uống nước mà bản thân mang theo.
Lông mày Kiều Ngọc Thư xoắn tít, kẹp mũi cẩn thận dè dặt băng qua giữa những người bệnh, chỉ sợ bị cọ sượt một chút, là sẽ mang thứ dịch bệnh không biết tên nào đó về nhà.
Đúng lúc Lâm Đức Long đưa bệnh nhân ra, liếc mắt thấy Kiều Ngọc Thư như đi trên băng mỏng, mặt ông liền trở nên khó chịu. Con rể được nuông chiều trong nhung lụa như vậy e là ông không chịu nổi.
Kiều Ngọc Thư vất vả đi lên bậc thềm. Y vừa ngẩng đầu thì nhìn thấy Lâm Đức Long, vội vàng sửa sang mũ áo, chắp tay vái dài nói:"Thế thúc trên cao, cháu Ngọc Thư xin lễ phép chào!"
"À! Cậu đã tới, vào trong ngồi đi!" Lâm Đức Long rất gượng gạo nặn ra chút vẻ vui mừng, gọi y vào đại sảnh.
Đúng lúc này, con cả Lâm Tri Ngu của Lâm Đức Long đi ra. Lâm Tri Ngu và Kiều Ngọc Thư là bạn thân đồng môn ngày xưa, quan hệ rất gần gũi. Hai người vừa gặp mặt, liền trở nên đặc biệt thân thiết, khom người hành lễ lẫn nhau, không ngừng nói 'chi hồ giả dã' (3). Lâm Đức Long nghe mà bực bội trong lòng, hừ một tiếng, đoạn đi vào ăn cơm trước.
Tại bàn ăn, Lâm Đức Long không nói câu nào, cứ cúi đầu ăn ngấu nghiến. Còn Dương Ngọc Nương thì nhiệt tình khác thường với Kiều Ngọc Thư, luôn tay chan canh gắp thức ăn cho y, mời món này món kia, chỉ lo y bị đói. Ai ngờ Kiều Ngọc Thư lại nghĩ Lâm Xảo Xảo xinh đẹp thùy mị là Bình Bình, thỉnh thoảng lén nhìn Xảo Xảo, trong mắt lộ vẻ say mê.
Lâm Xảo Xảo đỏ bừng mặt, nàng không dám ngồi lại nữa, liền đặt đĩa thức ăn lên bàn, thấp giọng nói, "con còn có chút việc!" rồi chạy vào phòng trong. Kiều Ngọc Thư nhìn bóng lưng nàng biến mất, ngây ngất với tiếng nói dịu dàng của nàng, tâm thần hoàn toàn say đắm.
Lâm Tri Ngu thấy y không hiểu những chuyện thông tục, chẳng ngờ không nhìn ra kiểu tóc chải của muội mình tỏ ý đã xuất giá, bèn nhịn cười nói:"Vừa rồi là đại muội Xảo Xảo của ta, đã xuất giá rồi. Hôm nay Ngọc Thư phải gặp là nhị muội Bình Bình, lần trước lão gia tử mừng thọ bên nhà, không rõ huynh đã gặp hay chưa?"
"Sính Sính (4) ư?" Kiều Ngọc Thư nghĩ hồi lâu cũng không nhớ nổi tình cảnh buổi mừng thọ của gia gia. Có điều, Đại Kiều (5) đã xinh đẹp dịu dàng như vậy, Tiểu Kiều (5) hẳn phải đẹp hơn tỷ tỷ mới đúng. Nghĩ tới đây, y vui mừng hớn hở, tuy đang là cuối thu, nhưng nếu có một chiếc quạt lông, y sẵn sàng quạt một cái.
Kiều Ngọc Thư nhìn bốn phía xung quanh một vòng, không thấy bóng dáng yêu kiều của giai nhân, liền mỉm cười hỏi Dương Ngọc Nương:"Xin hỏi Lâm mẫu đại nhân, tiểu thư Sính Sính hiện giờ đang ở đâu? Phải chăng đang trang điểm trong khuê phòng?"
Y vừa dứt lời, chỉ nghe Lâm Đức Long nấc nghẹn, rồi lập tức ho dữ dội, bụm miệng định đi. Dương Ngọc Nương kéo chồng lại, giận dữ nguýt ông, trong lòng vừa nôn nóng vừa hối hận bởi Bình Bình lề mề mãi không về, sớm biết như vậy thì phải nói rõ ràng cho nó rồi.
Lúc này, bà nghe thấy bên ngoài có tiếng bước chân dồn dập, giống như có người chạy tới đằng này, liền chìa tay kéo mở cánh cửa hông, chuẩn bị bắt con gái vào.
Bên ngoài cửa hông chính là con hẻm bên cạnh Lâm Chi đường, nối liền mảnh đất trống phía sau và đường lớn, bình thường rất ít người tới. Chỉ nghe tiếng bước chân càng lúc càng gần, người đó chạy tới cửa, Dương Ngọc Nương mới phát hiện không phải Lâm Bình Bình, mà là một cậu bé khoảng mười một, mười hai tuổi. Nó vác một cây Thanh Long Yển Nguyệt đao bằng gỗ, mồ hôi rướm đầy đầu, đang hoảng hốt trốn chạy. Dương Ngọc Nương vô cùng thất vọng. Đang sắp đóng cửa, bà chợt nghe thấy tiếng của Lâm Bình Bình, khối đá trong lòng rốt cuộc đã được trút bỏ, ngoảnh đầu cười nói với Kiều Ngọc Thư:"Bình Bình đi học thêu thùa, vừa trở về."
Kiều Ngọc Thư hiểu ra, nét mong mỏi trong mắt càng thêm mãnh liệt. Đúng lúc này, bên ngoài vọng vào một loạt tiếng bước chân lộn xộn, dường như không chỉ có một người, chỉ nghe Bình Bình kẹp cổ họng nói ồm ồm:"Quan Vân Trường kia đã chạy tới đâu? Từ Công Minh, bản tướng hạn ngươi trong một canh giờ phải bắt hắn tới đây!"
"Tuân mệnh!"
Lập tức, chỉ thấy một cậu bé mặt mũi đỏ rực xông qua cửa, trên vai nó khiêng một chiếc búa Tuyên Hoa lớn bằng gỗ. Mọi người ngơ ngác nhìn nhau, Dương Ngọc Nương thầm kêu không hay trong lòng. Nhưng bà không kịp đóng cửa, chỉ nghe cậu bé ấy xúc động la lớn:"Thừa tướng, mạt tướng đã bắt được Quan Vân Trường!"
"Tốt! Ghi công đầu cho ngươi."
Cuối cùng, Lâm Bình Bình khiến người ta mong đợi biết bao xách chiếc trảo xuất hiện. Nàng dắt một nhóm đông tiểu tử xông vù vù vào cửa. Vừa ngoảnh đầu, nàng nhìn thấy toàn bộ người trong nhà đang giương mắt nhìn mình trân trối, liền vội vàng dừng bước chân, ngượng ngùng gãi gãi gáy nói:"Mẹ! Chúng ta sắp phải đi rồi. Đây là lần cuối con chơi cùng bọn chúng."
Kiều Ngọc Thư chớp chớp mắt, nghẹn họng líu lưỡi hỏi:"Xin, xin hỏi Lâm mẫu đại nhân, mọi người có ba cô con gái đúng không?"
Lâm Đức Long cười lớn ha hả, trỏ Lâm Bình Bình nói:"Kiều công tử, đây chính là tiểu nữ Bình Bình, cậu vừa ý chứ?"
...
Chú thích:
Tác giả chú: Tam quốc diễn nghĩa tuy là tác phẩm của La Quán Trung, nhưng câu chuyện Tam quốc đã lưu truyền từ lâu trong dân gian.
(1): Chức quan phụ trách sáng tác thơ văn theo lệnh của vua.
(2): Niên hiệu của vua Đường Huyền Tông - Lý Long Cơ (713-741).
(3): Những trợ từ trong Hán văn cổ. Câu 'chi hồ giả dã' còn được dùng để châm biếm những người nói chuyện thích tỉa tót câu chữ, không bàn điều thực tế.
(4): Sính Sính nghĩa là duyên dáng thướt tha.
(5): Đại Kiều, Tiểu Kiều là hai chị em xinh đẹp tuyệt trần trong câu chuyện Tam quốc.
Danh Môn
Tác giả: Cao Nguyệt