Tả Quý tức giận chửi mắng suốt từ huyện nha về tới khách sạn, sau đó đi tìm Kiều Quan nhờ hắn tra xem có đúng là Bành huyện úy đi công cán hay không?

Kiều Quan nhanh chóng lấy được tin tức, tối hôm qua Bành huyện úy có công vụ khẩn cấp rời thành, đi đâu không rõ, đại khái phải mười ngày mới về. Mà theo quy củ, án dân sự thì huyện lệnh, huyện thừa không thẩm lý, bọn họ có mặt cũng vô ích. Không khó đoán đây là kế mài dao, Bành huyện úy không dám đổi trắng thay đen, nên đành làm hao mòn quyết tâm cũng như tiền bạc của Tả gia, để họ chủ động cầu hòa.

Tới mức này Tả Quý không giận nữa, việc cần làm ông đã làm rồi, tin rằng qua ngày hôm nay không ai không biết Vu gia bội ước hối hôn nữa, bình tĩnh đợi huyện úy về, nhưng đừng nghĩ quyết tâm của ông đã suy giảm mà nhầm, Bành huyện úy không thể trốn cả đời. Vu đại phu lại tới khóc lóc cầu xin thảm thiết, Tả Quý cứ ung dung uống trà, chẳng mảy may động lòng, cũng không nghe lọt vào tai lời nào hết, với ông, toàn bộ lời Vu gia lúc này nói là dối trá.

Ngày ngày Đinh Tiểu Tam chạy tới nha môn hỏi tin tức, cho tận ngày mười một Bành huyện úy mới về, Tả Quý thay chiếc áo trang trọng nhất, đủng đỉnh tới nha môn, lần này Bành huyện úy vô cùng chu đáo mời Tả Quý vào hoa sảnh nói chuyện, kiên nhẫn nghe Tả Quý thuật lại bất công gặp phải ở kinh thành, lấy hôn thư ra. Bành huyện úy hết sức đồng tình, lời lẽ chính nghĩa đường hoàng chửi mắng những kẻ bội tín bất nghĩa, làm Tả Quý lòng ấm áp.

Dưới chân thiên tử mà, vương pháp vẫn còn.

Bành huyện úy sau đó ngay lập tức phái bộ khoái tới Vu gia truyền lệnh, trong vòng ba ngày phải tới nha môn trả lời, sau đó mời Tả Quý về nhà đợi tin.

Tả Quý về tới khách sạn lòng vô cùng khoan khoái, Kiều Quan quá hiểu mánh mung quan trường, không nói ra, tránh làm ông thất vọng.

Ba ngày sau, không thấy có tin gì, Tả Quý suốt ruột tới nha môn cầu kiến Bành huyện úy, Bành huyện úy thở dài nói, gia trưởng Vu gia là Vu lão thái y, vì chuyện hối hôn này hổ thẹn, sinh bệnh, ông ta đích thân tới nhà, nhưng Vu lão tuổi cao bệnh nặng không thể lên công đường trả lời.

Đại Đường tuổi thọ rất thấp, ba mươi đã xưng lão phu, năm mươi như Tả Quý là đại thọ, còn nếu bảy mươi tuổi thì được miễn rất nhiều tội trạng, Vũ lão thái y tuy chưa tới 70 nhưng đã ở độ tuổi pháp luật khó đụng chạm rồi, nếu chẳng may lên công đường mà có gì không lành, Bành huyện úy không gánh nổi trách nhiệm, chưa nói ông ta còn lão thái y, quan tới ngũ phẩm, đành phải đợi ông ta khỏe lại.

Tả Quý yêu cầu Vu đại phu tới chất vấn, Bành huyện úy nói như vậy cần viết lại cáo trạng, tới khi về viết lại cáo trạng nộp lên thì lại hay tin, sắp tới vụ thu hoạch, Bành huyện uy tới các thôn đôn đốc lý chính rồi, có thể nửa tháng mới về.

Cù lão thái gia nhiều lần tới Vu gia lý luận, Vu gia chỉ khóc lóc bồi tội, mong Tả gia tha thứ, nhà bọn họ vô cùng khó sống, bây giờ hiệu thuốc phải đóng cửa, người Vu gia ra đường bị người ta phỉ nhổ quay mặt đi, ngay cả thân hữu cũng dần dần xa lánh, ai cũng sợ có liên quan tới Vu gia thì mang tiếng, bao năm hành y tích đức tiêu tan trong sớm tối. Vu tiểu thư thắt cổ tự tử, may cứu được, nhưng giờ cả ngày ngơ ngơ ngẩn ngẩn, cầu xin Cù lão thái gia nể tình giao hảo mấy chục năm, khuyên Tả gia bỏ qua cho.

Nhìn bạn già nằm trên giường, Vu tiểu thư mắt đẫm lệ, Cù lão thái gia cũng mủi lòng, muốn kiếm cơ hội để Tả Quý cùng Vu gia ngồi lại nói chuyện, nhưng mỗi lần gặp Tả Quý lại không mở miệng nổi, nhiệt tình với vụ án này ngày càng giảm, thậm chí né tránh không tới khách sạn Bằng Lai nữa.

Tả Quý thì không chịu thua, nhớ tới Chân gia.

Chân Lập Ngôn với Vu thái y là đồng hành, từ bối phận mà nói còn cao hơn Vu lão thái y, chỉ cần họ chịu giúp, hẳn là có hiệu quả. Kết quả Kiều Quan đi về trả lời, Chân Lập Ngôn nói đây là chuyện huyện nha Trường An, ông ta không tiện hỏi tới.

Rốt cuộc chỉ có thể đợi.

Thời gian đã tới cuối thu, lúc lên đường không ngờ rằng sẽ ở lại lâu như vậy, cho nên không theo áo mùa đông, từng cơn gió lạnh đã bắt đầu lướt qua vùng đất Quan Trung, lá cây Trường An đã phủ một màu vàng xác xơ tiêu điều, nhưng Tả Quý thì chẳng hề nguôi ngoai, quyết tâm ở lại kiện tới cùng, liền bỏ tiền mua vải để Bạch Chỉ Hàn làm áo.

Ánh nắng héo hắt của ngày cuối thu chiếu xuyên qua cánh cửa chỉ mở một nửa, không cho ánh sáng chiếu tới đầu giường. Một cô gái mặc váy vải màu trắng đơn giản, ngồi bên giường may vá, tạo thành bức tranh tĩnh lặng, nàng không son phấn, cũng không có món đồ trang sức nào, song bất kể ai nhìn nàng cũng phải cảm thán, khuynh quốc khuynh thành, cũng chỉ tới nước này là cùng, không hơn được.

Cô gái đó là Bạch Chỉ Hàn, nàng vừa thong thả làm nữ công, thi thoảng đưa ánh mắt dịu dàng nhìn về phía cái chăn.

Mặt trời đã lên tới ba cây sào người trong chăn mới cựa quậy, thò đầu ra ngoài, chói mắt lại chui vào chăn, sau đó chỉ thấy cái chăn nhúc nhích như có con sâu lớn bò dưới đó, rồi đầu người lại thò ra, nhưng lần này xuất hiện bên đùi Bạch Chỉ Hàn, mặt hướng về phía bụng nàng, hít sâu một hơi:

- Thơm quá.

Bạch Chỉ Hàn mặt đỏ lựng, khẽ đẩy cái đầu kia ra, nhưng nó lại dính vào như có nam chân hút, nàng đành chịu thua, đặt cái áo may dở xuống, vươn tay rót cốc nước trà cho cái đầu kia ngửa lên uống, sau đó lại kề cái hũ sứ cho y nhổ nước xúc miệng vào đó, tay tiếp tục lấy lược ra chải đầu cho y, hiển nhiên nàng phải tác nghiệp trong điều kiện khó khăn thế này đã thành quen rồi.

Tả Thiếu Dương hỏng thật rồi, giờ y không chỉ dậy muộn, mà quá trình rời giường của y còn vô cùng gian nan, ngủ dậy tới cái áo cũng không biết mặc nữa, y bị Bạch Chỉ Hàn hại tới thảm, biết thế nhưng y vẫn tình nguyện để nàng hãm hại, đó là cái nhà tù êm ái giam cầm y.

Kinh thành đã đi chơi sạch rồi, muốn đi chơi nữa cũng không được, tiền có hạn mà, điều tra thị trường cũng kết thúc, chẳng còn việc gì để làm, ra ngoài người khách sạn cứ nhìn với ánh mắt quai quái, Tả Thiếu Dương không chịu rời chăn ấm, thường xuyên ngủ nướng.

Mãi mới rời giường được, rửa ráy xong liền ngồi luyện bút lông, tính Tả Thiếu Dương là thế, không làm chuyện gì lừng chừng, y đã kiên trì luyện tập được năm tháng rồi, không luyện chữ Lệ nữa, mà dùng tự thiếp của cha mình, y thích chữ của cha, từng nét thẳng thắn cứng rắn. Tả Quý cũng dốc lòng chỉ điểm, kiểu viết này khá hợp với Tả Thiếu Dương, tuy không được liệt vào bất kỳ kiểu thư pháp nào, nhưng có thể nói từng chữ từng nét rõ ràng, vuông vức dễ đọc.

Hôm nay đang ngồi luyện chữ thì nghe ngoài hành lang có giọng giận hờn của Kiều Xảo Nhi:

- Bao lâu rồi mới tới thăm người ta, ngồi một chút đã đi, hừm còn nói gì là khuê hữu.

- Ài, tỷ cũng hết cách, cha tỷ lo tỷ không gả đi được, ngày ngày tìm bà mai đưa đi tương thân, hôm nay lại gặp một nhà, đi sớm về sớm rồi lại tìm muội chơi.

Tả Thiếu Dương nghe giọng có vẻ quen quen, hình như gặp ở đâu rồi, đặt bút lông xuống rón rén ra cửa nhìn, thấy Kiều Xảo Nhi chống nạng, được Hà Tử đỡ đang tiễn một nữ tử xuống lầu.

Nhìn kỹ thì thấy nữ tử này vóc dáng cao rao quyến rũ, mang đặc trưng người phương bắc, tuy không thấy mặt nhưng vóc dáng ấn tượng này Tả Thiếu Dương không nhầm, là tằng tôn nữ của Chân lão thần y.

Chẳng biết thế nào mà bị nha đầu tinh quái kia phát hiện ra, đang đi bỗng ngả người ra, ghé mắt vào khe cửa làm Tả Thiếu Dương giật mình, cười hi hi nói:

- Ca ca, muốn nhìn ra đây nhỉn cho thoải mái, không cần nhìn trộm.

Tả Thiếu Dương xấu hổ lắm, song vẫn đường hoàng kéo cửa đi ra.

Kiều Xảo Nhi giới thiệu:

- Đây chính là ca ca y thuật như thần mà muội kể đấy, ca ca, đây là Chân Dao tỷ tỷ, hảo hữu của muội.

Tả Thiếu Dương chắp tay chào:

- Chân cô nương.