Cuối cùng đã gặt hết lúa năm nay, Triệu Cương ăn uống no say ở nhà chị gái, chén chú chén anh với anh rể mới ra về.

Liên tục bận rộn mấy ngày, Chu Quốc Cường và Triệu Ngọc Trân chưa được nghỉ ngơi. Kế tiếp, đập lúa, phơi thóc đủ thứ chuyện. Nhưng mấy chuyện này có thể làm từ từ, không cần làm gấp như gặt lúa.

Sau khi tính sổ, tiền lời từ bán thịt lợn rất khá. Chu Quốc Cường cười không ngừng, cùng với vợ tính đi tính lại có thể mua thêm hai con lợn nuôi trong nhà.

Chu Tiểu Vân, Đại Bảo khi đến trường mỗi người xách một giỏ lúa. Có lẽ, Hiệu trưởng Kiều mang đi bán, cải thiện điều kiện sống cho giáo viên.

Cuộc sống tuần tự theo quỹ đạo tiến về phía trước, một tháng trôi qua trong chớp mắt. Rất nhanh đã đến quốc tế thiếu nhi.

Hàng năm, thời điểm này luôn là quãng thời gian sầu khổ của Hiệu trưởng Kiều: Sở Giáo dục huyện mỗi năm chỉ tổ chức một hội diễn văn nghệ. Ở nông thôn thì học sinh có sở trường gì mà mang đi thi đây? Năm kia, tìm được một em hát ca khúc cách mạng, coi như tàm tạm. Năm ngoái, miễn cưỡng thi múa, trường còn bỏ tiền ra mua quần áo cho học sinh. Tiếc là so với các tiết mục của trường trong thị trấn kém quá xa. Năm nay làm thế nào bây giờ?

Khi Phương Văn Siêu chủ động đến tìm Hiệu trưởng Kiều chuẩn bị để Chu Tiểu Vân đi tham gia văn nghệ, thầy Hiệu trưởng vui quá, vỗ đùi đánh đét một tiếng. Đầu tiên, bày tỏ cảnh khó khăn của trường, sau đó thao thao bất tuyệt khen ngợi thầy Phương tuổi còn trẻ đã có con mắt tinh đời, nhận ra nhân tài, “Danh sư xuất cao đồ” gì gì đó. Liên tiếp những lời hay ý đẹp đổ xuống đầu Phương Văn Siêu.

Vừa mới tốt nghiệp gần hai năm, Phương Văn Siêu chưa bao giờ gặp tình cảnh này, sớm bị Hiệu trưởng Kiều “Đa mưu túc trí”, “Cáo già” làm cho hoa mắt chóng mặt. Lập tức vỗ ngực cam đoan tự mình dẫn Chu Tiểu Vân lên thị trấn tham gia hội diễn đồng thời nhất định có giải thưởng mang về.

Người trẻ tuổi tràn trề nhiệt huyết, Hiệu trưởng Kiều nhìn theo bóng lưng Phương Văn Siêu nói nhiều quá mỏi quai hàm. Lúc nãy dùng sức vỗ đùi mạnh quá, ai u!! Mấy khớp xương già sắp nứt ra rồi, thầm trách mình quá kích động, có lẽ còn in dấu năm đầu ngón tay.

Đến khi ra khỏi phòng làm việc của hiệu trưởng, Phương Văn Siêu mới tỉnh táo lại, mơ hồ nhớ tới hình như mình đã cam đoan một việc rất khó thực hiện.

Nhất định có giải thưởng của hội diễn văn nghệ cấp tiểu học trong toàn huyện? Việc này sao chắc chắn được.

Cả huyện ít nhất có đến hai, ba mươi trường tiểu học. Mỗi trường học ít nhất có một tiết mục tham gia dự thi. Tuy cũng chia thành các giải nhất nhì ba, nhưng chỉ được một nửa đoạt giải thôi. Giải nhất và giải nhì thường bị các trường trong thị trấn đoạt mất, đến giải ba còn khó được nữa là.

Phương Văn Siêu tất nhiên cảm thấy Chu Tiểu Vân rất khá, nếu không sẽ không tự đề cử cô đi thi. Nhưng anh mới tốt nghiệp không lâu, vẫn còn là một tay amater (nghiệp dư, người mới), chưa gặp chuyện này bao giờ. Vì thế, không biết rõ tiết mục của các trường khác như thế nào. Nếu Chu Tiểu Vân đi thi không mang được giải về thì làm sao đối mặt với lòng mong mỏi hiệu trưởng đây!

Nghĩ đi nghĩ lại nửa ngày trời, thầy quyết định gọi Chu Tiểu Vân tới, nói với cô ba ngày nữa sẽ đi thi trên huyện nhất định phải lấy được một giải mang về. Dù sao đi nữa, việc đã đến nước này, chỉ có thể cố gắng hết sức tiến về phía trước, không được lùi lại.

Chu Tiểu Vân trợn tròn mắt nghe những lời thầy dặn dò. Cô không ngờ chuyện này quan trọng đến thế

Kiếp trước cô chưa từng tham gia một hoạt động văn nghệ nào của trường nên không có kinh nghiệm gì để tham khảo. Cô tập thổi kèn ác-mô-ni-ca hơn nửa năm, tự thấy mình thổi không quá tệ, nhưng nếu đạt mục tiêu “chắc chắn có giải” thì quá khó. Nếu không biểu hiện tốt, chẳng phải phụ công dạy dỗ của thầy Phương và sự mong chờ của Hiệu trưởng Kiều sao?

Chu Tiểu Vân vốn không quá coi trọng việc này bắt đầu thấy luống cuống: “Thầy Phương, em không dám chắc chắn sẽ có giải. Các trường trên huyện thể nào cũng có tiết mục xuất sắc, em…”

Trong lòng không chắc nhưng ở trước mặt trò, Phương Văn Siêu tỏ vẻ rất tự tin, phải cổ vũ tinh thần em ấy:

“Yên tâm đi, Chu Tiểu Vân, em khổ công tập luyện như vậy, phải tự tin hơn với bản thân mình mới đúng. Thầy nói thật cho em biết, em có thiên phú học nhạc cụ hơn cả thầy. Năm mười tuổi, thầy bắt đầu học thổi kèn ác-mô-ni-ca, học hai năm mới ngang bằng trình độ của em bây giờ. Chúng ta không so được với các trường trong thị trấn nhưng nhiều trường khác ở nông thân chưa chắc đã mạnh hơn trường ta. Thầy tin rằng lúc đó em sẽ toả sáng. Dũng cảm lên, thầy tin ở em.”

Nói xong, Phương Văn Siêu cũng bắt đầu bình tâm lại. Dù Chu Tiểu Vân thông minh đến mấy, giờ con bé mới bảy tuổi, lúc này mình thể hiện sự tin tưởng. Nếu mình đi đầu đã rối loạn, Chu Tiểu Vân sẽ càng mất tinh thần.

Nghe thấy những lời khích lệ của thầy, cô hơi yên lòng, nghĩ thầm khổ luyện lâu như thế là lừa hay là ngựa phải thử một lần mới biết được. Có gì phải sợ, mình đã sống một đời người, còn sợ “chuyện nhỏ” như vậy sao?

Sau khi hạ quyết tâm, Chu Tiểu Vân được Phương Văn Siêu chỉ điểm luyện tập một lúc lâu, đến khi trời nhá nhem tối mới để cho cô về nhà.

Lúc gần đi, Phương Văn Siêu chợt nhớ ra một chuyện, dặn cô hôm đi thi ăn mặc đẹp một chút. Anh không muốn nói thẳng Chu Tiểu Vân suốt ngày mặc mấy bộ quần áo cũ, trang phục như thế không ổn lắm .

Chu Tiểu Vân lập tức hiểu rõ, liếc mắt nhìn áo khoác hoa và quần đen trên người mình. Bộ quần áo này có thể mặc đi học, nếu lên sân khấu thì không được. Ít nhất phải mặc bộ quần áo mới thật đẹp!

Xem ra hôm nay về nhà phải nói với mẹ một tiếng, Chu Tiểu Vân vừa đi vừa nghĩ nên nói những gì.