"Cha, con đường phía trước phải rẽ trái, qua đường Thủy Nham. Cha, chúng ta rẽ trái rồi, cha phải theo sát nhé.

Cha, đây là thôn Nghiễm Ứng ở gần chùa Tây Như. Cha, chùa Tây Như là do mẹ chọn đấy.

Mẹ nói trong chùa không khí thanh tịnh, ngày ngày lại có pháp sư niệm kinh phật, cha nhất định sẽ rất yên bình.

Cha, 20 năm nay mẹ rất khổ cực, tự lực nuôi nấng con và em trai. Cha, xin cha yên tâm, con với em vẫn luôn hiếu thuận với mẹ. Cha, con đường này không thẳng mà hơi cong cong. Cha nhất định phải theo sát nhé. Cha, cha nhất định phải theo sát nhé. Cha, cha nhất định phải theo sát nhé."

Cha qua đời năm 39 tuổi, lúc đó mẹ mới chỉ 38.

Còn tôi 14 tuổi, học cấp hai, em trai chỉ mới 10 tuổi, học lớp bốn.

Theo lý thuyết, ba người chúng ta nên sống nương tựa lẫn nhau, nhưng suốt hai năm sau khi cha qua đời, tôi với mẹ luôn sống giữa bầu không khí chiến tranh lạnh, ngay cả một tiếng "mẹ" tôi cũng chẳng gọi bao giờ.

Có lẽ bởi mẹ luôn thiên vị em trai, lại luôn trách mắng tôi, thậm chí đánh tôi, khiến tôi bất mãn.

Có lẽ vì tôi trách mẹ không kiên trì để cha ở lại trong viện, đánh cược với cơ hội mờ mịt kia.

Có lẽ bởi tôi không được thấy mặt cha lần cuối, không hiểu sao lại giận cá chém thớt lên mẹ.

Có lẽ bởi tôi đang tuổi nổi loạn...

Nói chung, hôm đưa tang cha, khi mẹ không phản bác câu nói bất hiếu của người thân, tôi không ngờ lại bắt đầu oán hận mẹ.

Cha qua đời được một năm hai tháng, tôi cũng tốt nghiệp trung học, tham kỳ thi vào trường cấp ba Cao Hùng.

Đi xe bus đến Cao Hùng phải mất hơn một tiếng, nhưng học sinh ở quê tôi đa số đều chọn đi đi xe bus đến trường.

"Con không muốn đi xe bus." Tôi nói. "Con muốn thuê phòng ở Cao Hùng."

"Đi xe được rồi." Mẹ nói. "Hầu hết những người khác đều đi xe bus cả mà."

"Mỗi ngày đi xe bus đều mất hơn hai tiếng, còn cả thời gian chờ xe nữa." Tôi ngắt lời mẹ.

"Mẹ có biết thời gian đó con có thể đọc được bao nhiêu sách không? Mẹ có biết không?"

Mẹ không thèm nhắc lại, lặng lẽ tiếp nhận sự thật là tôi muốn ở lại Cao Hùng.

Khi thuê phòng ở Cao Hùng, lúc nghỉ tôi rất ít khi về nhà, ngoại trừ khi phải về nhận phí sinh hoạt.

Nhưng tôi rất không muốn về nhà, rất không muốn thấy mẹ.

Thậm chí tôi đã từng tan học bắt xe về nhà lấy phí sinh hoạt rồi lại lập tức quay người đi luôn.

Cơm cũng chẳng ăn, đừng nói tới ở lại nhà qua đêm.

Mỗi khi tôi đột nhiên về nhà, mẹ thường không nói gì, chỉ lấy từ trong ví ra chút tiền đưa cho tôi.

Có hôm tôi tan học xong bèn trực tiếp tới trạm bắt xe, định về nhà lấy tiền nộp tiền thuê nhà.

Vừa về nhà, thấy mẹ đang trong bếp nấu cơm.

Tôi đi tới sau lưng mẹ, định mở miệng đòi tiền, sau đó cầm tiền đi luôn.

Nhưng lại phát hiện mẹ thái rau vài cái xong không ngờ lại đờ người ra.

Mẹ đờ người ra một lúc, sau đó lại tiếp tục thái rau, thái vài cái xong lại đờ người ra lần thứ hai.

Cứ cắt rau rồi lại đờ người ra như vậy, cuối cùng mẹ cắt vào tay.

"Á!" Tôi hoảng sợ hét lên.

Mẹ nghe thấy tiếng tôi hét bèn quay đầu lại nhìn, ánh mắt có vẻ mê man.

"Mẹ cắt vào tay rồi." Tôi chỉ vào ngón cái bên tay trái đang chảy máu của mẹ.

"À." Mẹ cúi đầu xem xét. "Không sao."

"Chảy máu rồi đấy..."

"Rửa một chút là được." Mẹ quay người về phía vòi nước, xả nước lên ngón tay cái. "Đi rửa mặt, nghỉ ngơi một lát. Đợi chút nữa là ăn cơm được rồi."

Tôi rời phòng bếp, bước vào phòng khách, ngồi trên ghế, nhớ tới khuôn mặt và ánh mắt lúc vừa rồi của mẹ.

Trái tim bỗng đau ê ẩm, không khỏi cúi đầu, che mặt, len lén khóc.

Trước đây, chi tiêu trong nhà luôn dựa vào tiền luơng của cha để chống đỡ, mẹ thì chuyên tâm vào việc gia đình.

Sau khi cha qua đời, mẹ mượn chút tiền, mở một cửa hàng, ban ngày buôn bán nhỏ; tối thì sửa quần áo giúp người ta, kiếm chút tiền công nhỏ nhoi.

Không bao lâu sau bắt đầu có người tới cửa, khuyên mẹ tái giá, nhưng mẹ không hề để ý đến.

Có lần thậm chí mẹ còn cầm chổi đuổi thẳng bà mối ra khỏi cửa, từ đó về sau không có bà mối nào dám bước vào trong nhà nữa.

Mẹ chỉ là một người phụ nữ bình thường mà thôi, lại hạ quyết tâm, muốn tự lực nuôi nấng tôi và em trai.

Nhưng cha qua đời mới hai năm, mẹ lại như già đi mười tuổi.

Khuôn mặt mẹ như nhiều lần trải qua đau thương, ánh mắt trống rỗng, khi thái rau tâm thần cũng mơ hồ.

Có lẽ mẹ đột nhiên nhớ tới cha, có lẽ phiền não về cuộc sống trong tương lai.

Có lẽ phiền não về việc làm sao nuôi nấng tôi và em trai trưởng thành, có lẽ phiền não vì nợ nần trong gia đình...

Sau khi phải chịu nỗi đau thương lớn, mẹ chẳng những không có thời gian chữa thương mà còn phải càng thêm kiên cường.

Mẹ đã kiên cường như vậy, mà tôi lại oán hận mẹ tới hai năm, tôi thật xấu hổ vô cùng.

Khi nước mắt chảy tới bên môi, tôi đột nhiêm cảm thấy mình trưởng thành hơn, hơn nữa, tôi cũng phải lớn lên.

Tôi không biết thời nổi loạn ấy bắt đầu từ lúc nào, nhưng tôi rất chắc chắn nó kết thúc khi tôi 16 tuổi.

Tôi đã 16 tuổi, đúng ra nên giúp mẹ gánh vác trọng trách trong gia đình.

"Mấy ngày nữa con sẽ về nhà." Ăn cơm xong, tôi nói: "Sau này con sẽ đi xe bus tới trường."

"Đi xe bus phải mất hơn hai tiếng, chẳng phải con bảo sẽ làm mất thời gian học bài sao?" Mẹ nói.

"Con có thể học luôn trên xe."

"Nhưng nói vậy, sau này con sẽ phải dậy rất sớm."

"Không sao." Tôi nói: "Dậy sớm tốt cho sức khỏe."

Mẹ không nói thêm lời nào, chỉ dặn dò tôi cơm nước xong nên mau đi xe về Cao Hùng.

Ăn xong, tôi đứng dậy thu dọn bát đũa.

"Để đấy đi." Mẹ cũng đứng lên. "Để mẹ làm cho."

"Đây là việc con nên làm." Tôi nói.

Tôi với mẹ cùng sóng vai rửa bát, chúng tôi không nói chuyện, chỉ nghe tiếng nước chảy rì rì.

"Mẹ." Một lúc sau, cuối cùng tôi cũng mở miệng. "Con xin lỗi."

Mẹ tôi cứng người lại, tay cũng ngừng rửa bát.

"Mẹ." Tôi lại nói. "Xin lỗi. Trước đây con không hiểu chuyện."

"Đừng nói vậy."

"Mẹ." Ánh mắt tôi dần mơ hồ. "Con xin lỗi. Xin mẹ tha lỗi cho con."

"Đứa bé ngốc này." Mẹ nói: "Có gì mà xin lỗi mẹ."

"Mẹ..." Tôi đã nghẹn ngào.

"Đừng nói nữa." Mẹ nói: "Mau rửa bát đi rồi ra bắt xe, về muộn quá không hay đâu."

"Vâng." Tôi gật đầu.

Tôi với mẹ rửa bát xong nhưng vẫn sóng vai đứng trước bệ rửa, cũng quên luôn đóng vòi nước.

Khi sắp tốt nghiệp cấp ba, tôi phân vân có nên tiếp tục học hay không.

Ở quê rất nhiều cô gái sau khi tốt nghiệp cấp ba thì bắt đầu đi làm, tôi nghĩ mình cũng nên đi làm.

Hơn nữa, gia cảnh tôi không tốt, nhà lại đang mang nợ, em trai còn nhỏ, cha cũng mất rồi.

Nếu như tôi còn tiếp tục học thì gánh nặng của mẹ sẽ quá lớn.

"Mẹ." Tôi quyết định. "Sau khi tốt nghiệp cấp ba con sẽ đi tìm việc làm."

"Nói chuyện ngốc gì vậy?" Mẹ nói: "Thành tích của con tốt vậy, đương nhiên phải học đại học."

"Hả?" Tôi kinh ngạc.

"Nếu con không học tiếp, cha con nhất định sẽ trách mẹ."

"Nhưng mà..."

"Tĩnh Tuệ." Giọng nói của mẹ rất kiên định. "Mẹ nhất định sẽ giúp con học tiếp."

Sau mấy tháng khó nhọc, tôi rất may mắn trúng tuyển đại học.

Ngày tôi tới Đài Bắc học, mẹ giúp tôi chỉnh trang hành lý, dặn tôi phải tự chăm sóc bản thân.

Mẹ theo tôi tới ga tàu, tôi phải đi xe tới Cao Hùng rồi lại từ Cao Hùng đón tàu hỏa lên phía bắc.

"Áo này con mặc đã nhiều năm rồi, cũng cũ lắm rồi." Mẹ sờ sờ góc áo tôi.

"Tới Đài Bắc rồi nhớ mua thêm vài bộ quần áo, đừng tiếc tiền."

"Con vốn xinh đẹp sẵn rồi, mặc cái gì chẳng được." Tôi mỉm cười.

"Con bé ngốc này." Mẹ lấy từ trong ví ra một ít tiền, nhét vào tay tôi. " Con gái tuổi con nên mặc quần áo đẹp vào."

Tôi nhét tiền trở lại ví mẹ, nhưng mẹ vẫn cố đưa tôi, hai người cứ đưa đẩy nhau một lúc.

Tôi thuận thế nắm tay mẹ lại, không cho mẹ có cơ hội đưa tiền nữa.

Sau đó tôi và mẹ cứ nắm tay nhau, không hề nói gì, lặng lẽ chờ tàu.

"Mẹ." Sau khi tàu vào ga, tôi nói: "Con sẽ học thật tốt, mẹ cũng giữ gìn sức khỏe."

"Con đã lớn vậy rồi, lại sắp đi học đại học." Mẹ nói. "Cha con mà biết nhất định sẽ rất tự hào."

Tôi lên tàu, cất hành lý, chọn một chỗ cạnh cửa sổ, ngồi xuống.

Qua cửa sổ, tôi thấy mẹ vẫn đứng yên ở đó nhìn tôi, ánh mắt không nỡ xa rời.

Tàu chuyển động, tôi mỉm cười vẫy tay với mẹ.

Khoảnh khắc khi mẹ vừa biến mất trong tầm mắt, tôi rốt cuộc cũng không nhịn nổi, nước mắt chảy xuống ròng ròng.

Thân hình mẹ gầy yếu như vậy, không biết mấy năm nay đã trải qua những gì.

Khi tốt nghiệp đại học, Văn Hiền trở thành bạn trai tôi.

"Lúc rảnh nhớ mang bạn trai về nhà chơi đấy." Mẹ nói.

Văn Hiền mang tôi về nhà gặp bà nội anh, tôi vốn định sau đợt đó sẽ đến phiên tôi dẫn anh về nhà gặp mẹ.

Có điều, Văn Hiền sắp nhập ngũ rồi, tôi nghĩ chờ anh xuất ngũ rồi tính, vì vậy lại ngừng lại.

Lần đầu tiên tôi đưa anh về nhà gặp mẹ là sau khi anh xuất ngũ một tháng.

Mẹ dùng tiền nhờ người làm một bàn thức ăn rất phong phú, gọi cả em trai mới lên năm thứ ba đại học về.

Thậm chí còn mời mấy người chú bác dì cậu về.

"Chỉ là bạn trai thôi mà, sao lại làm như bàn mời con rể thế?" Dì tôi cười nói.

Trong bữa tiệc, Văn Hiền rất cẳng thẳng, dẫu sao bữa ăn này cũng như một đống trưởng bối giúp mẹ vợ kiểm tra con rể.

Cách làm cầu kỳ của mẹ khiến tôi dở khóc dở cười.

"Mẹ ơi." Tôi len lén hỏi mẹ. "Mẹ cảm thấy Văn Hiền ra sao?"

"Con thích là được." Mẹ trả lời. "Mẹ không ý kiến."

"Mẹ." Tôi rất muốn biết nhận xét của mẹ. "Mẹ nói một chút xem nào."

"Mẹ thực sự không có ý kiến." Mẹ nói: "Nếu con thích nó thì mẹ cũng thấy nó rất tốt."

Mãi cho tới giờ, mẹ chẳng bao giờ nói rõ về ưu điểm hay khuyết điểm của Văn Hiền.

Mẹ luôn giục tôi chóng lập gia đình, nhưng tôi với Văn Hiền quen nhau chín năm rồi mới kết hôn.

Ngày cưới, sáng sớm Văn Hiền đã lái xe tới nhà đón tôi.

Theo tập tục, tôi và Văn Hiền phải mặc lễ phục, quỳ lạy mẹ.

Hai đầu gối vừa chạm đất, không hiểu sao tôi lại nước mắt lưng tròng, mẹ cũng rất kích động, liên tục lau nước mắt.

Mẹ định mở miệng nói, lại nói chẳng thành lời.

Người khác khuyên mẹ nên thoải mái, đừng khóc nữa. Mẹ lấy lại bình tĩnh rồi nói với Văn Hiền:

"Con bé Tĩnh Tuệ này, tính cách tuy quật cường nhưng lại rất hiền lành hiểu chuyện. Cha nó mất sớm, mẹ lại kém khoản kiếm tiền, cuộc sống của nó thực sự rất khổ, mẹ thật có lỗi với nó. Văn Hiền, mẹ van con, sau này nhất định phải cho nó ăn sung mặc sướng, đừng để nó chịu khổ, phải đối xử tốt với nó. Mẹ van con đấy, van con sau này đối xử tốt với Tĩnh Tuệ, van con đấy."

"Mẹ, mẹ đừng nói vậy." Văn Hiền sợ hãi đáp. "Con nhất định sẽ đối xử tốt với Tĩnh Tuệ."

"Mẹ." Nước mắt tôi rơi xuống như mưa, cúi người dập đầu một cái thật vang, nghẹn ngào nói. "Mẹ."

Cha, mẹ năm nay 58 tuổi rồi, tuy không còn trẻ nhưng vẫn rất kiên cường.

Cha, không nhờ sự kiên cường của mẹ, không biết con với em trai sẽ ra sao nữa.

Cha, xin cha hãy yên tâm, con với em trai nhất định sẽ rất hiếu thuận với mẹ, sẽ không để cho mẹ chịu khổ nữa.

Cha, xin cha hãy yên tâm.