Sáng Chủ nhật đẹp trời, Strike lại tới Hội Sinh viên Đại học London để tắm. Một lần nữa hắn cố ý đi đứng khuỳnh khoàng, mặt mày cau có, mắt cắm xuống đất. Vẻ bặm trợn của hắn khiến không ai muốn hỏi han gì khi hắn đi ngang qua bàn lễ tân. Trong phòng thay đồ Strike đợi cho đám sinh viên đi ra hết rồi mới tắm. Hắn không muốn ai nhìn thấy cái chân giả của mình.

Sau khi đã tắm rửa sạch sẽ, cạo râu nhẵn nhụi, Strike xuống tàu điện, đi về khu Hammersmith Broadway. Hắn bước ra khỏi ga tàu, tận hưởng chút ánh nắng chiếu xuyên qua cửa kính khu mua sắm trước khi bước ra đường. Những cửa hàng xa xa trên phố King đầy người; cứ như là sáng thứ Bảy vậy. Khu Hammersmith Broadway đông đúc tấp nập, đúng kiểu một trung tâm mua sắm vô hồn, nhưng chỉ cách đó có mười phút đi bộ lại là con đường yên tĩnh, đầy cây cối dọc bờ sông Thames.

Khi đi bộ trên vỉa hè ngắm xe cộ qua lại, Strike bỗng nhớ đến những ngày Chủ nhật ấu thơ ở Cornwall, mọi nơi đều đóng cửa trừ nhà thờ và bãi biển. Khi đó Chủ nhật luôn có một dư vị riêng; sự tĩnh lặng thầm thì mà vang vọng, tiếng tách sứ va chạm nhau nhè nhẹ, mùi nước sốt thịt, chương trình TV chẳng có gì đáng xem, tẻ ngắt như những con phố đóng cửa vắng tanh. Trên bãi biển, những con sóng không ngừng vỗ bờ, hắn và Lucy chạy nhảy trên mặt sỏi, không có món gì để chơi ngoài những thứ thô sơ nhất.

Mẹ hắn từng nói rằng: “Nếu mẹ phải xuống địa ngục như lời mợ Joan thì địa ngục cùng lắm là nơi ngày nào cũng là Chủ nhật ở cái xứ thối tha này chứ gì.”

Strike rời xa khu trung tâm mua sắm đi về hướng sông Thames, vừa đi vừa gọi điện cho thân chủ.

“John Bristow nghe đây?”

“Xin lỗi cuối tuần mà vẫn làm phiền anh, John…”

“Cormoran?” Bristow ngay lập tức đổi giọng thân thiện. “Không sao cả, không có vấn đề gì hết! Anh đi gặp Wilson sao rồi?”

“Rất tốt, rất có ích, cảm ơn anh. Tôi muốn hỏi xem anh có biết một người bạn của Lula không. Lula gặp cô này ở bênh viện. Tên của cô ấy bắt đầu bằng chữ R – có lẽ là Rachel hay Raquelle, lúc Lula mất cô ta sống ở nhà trọ St Elmo dưới Hammersmith. Anh có biết gì về cô ta không?”

Bristow im lặng trong thoáng chốc. Khi nói trở lại, giọng ông ta lộ vẻ thất vọng, hơi bực bội.

“Tại sao anh lại muốn gặp cô ta? Tansy đã nói giọng người từ lầu trên là đàn ông kia mà.”

“Tôi không nghĩ cô ta là thủ phạm, nhưng có lẽ cô ta biết gì đó. Lula hẹn gặp cô ta ở cửa hàng Vashti ngay sau khi gặp anh ở nhà mẹ anh.”

“Vâng, tôi có biết chuyện này, trong báo cáo điều tra có hết. Ý tôi là… rõ là anh biết việc của anh, nhưng… tôi không nghĩ cô ta biết được gì. À… mà khoan, đợi một lát, Cormoran… tôi đang ở nhà mẹ tôi, đang có rất nhiều người… để tôi tìm chỗ nào yên tĩnh hơn chút…”

Strike nghe tiếng cử động, tiếng nói thầm “Xin lỗi,” rồi Bristow quay trở lại.

“Xin lỗi anh, tôi không muốn nói chuyện này trước mặt y tá của mẹ tôi. Thực ra lúc anh gọi tôi cứ nghĩ lại có người nào đó muốn nói chuyện Duffield. Tất cả người quen đều đã gọi cho tôi nói chuyện đó.”

“Chuyện gì kia?”

“Rõ là anh không đọc tờ News of the World. Có hết trên đó, đăng cả hình nữa. Hôm qua Duffield tự dưng đến thăm mẹ tôi. Phóng viên đứng đầy ở ngoài, phiền lắm, hàng xóm cũng khó chịu. Lúc đó tôi đang đi với Alison, chứ không tôi đã không để hắn vào nhà.”

“Anh ta muốn gì?”

“Câu hỏi hay. Ông cậu Tony của tôi nghĩ là tiền… nhưng ông này thì lúc nào cũng tiền bạc; dù sao đi nữa tôi cũng đã được ủy quyền, nên không phải lo gì cả. Chúa mới biết anh ta đến làm gì. Cũng may là mẹ tôi không biết anh ta là ai. Mẹ tôi đang uống thuốc giảm đau cực mạnh.”

“Tại sao phóng viên biết được chuyện anh ta đi thăm mẹ anh?”

“Lại một câu hỏi hay. Cậu Tony cho là hắn ta tự gọi cho phóng viên.”

“Mẹ anh sao rồi?”

“Rất nguy kịch. Họ nói có khi được thêm vài tuần nữa… cũng có thể đi bất kỳ lúc nào.”

“Tôi rất tiếc.” Strike đáp. Hắn nói lớn tiếng khi đi dưới cầu vượt, trên cầu xe cộ rất ồn ào. “Vậy nếu anh nhớ ra tên của cô bạn cùng đi với Lula đến hiệu Vashti…”

“Xin lỗi nhưng tôi vẫn không hiểu tại sao anh lại quan tâm tới cô ta như vậy.”

“Lula muốn cô này đi từ Hammersmith đến tận Notting Hill chỉ để gặp có mười lăm phút rồi đi về. Tại sao không ở lại thêm? Tại sao gặp chóng vánh như vậy? Họ có cãi cọ gì không? Tất cả những gì hơi khác thường xảy ra xung quanh thời điểm vụ án đều có thể là chi tiết quan trọng.”

“Tôi hiểu,” Bristow ngập ngừng. “Nhưng… kiểu cư xử như vậy của Lula cũng chẳng có gì khác thường. Tôi có nói với anh là Lula có lúc hơi… hơi ích kỷ. Có khi nó nghĩ là chỉ gặp một chút đó thôi cũng đủ làm cho cô gái kia vui. Lula là đứa cả thèm chóng chán, nó có thể rất nhiệt tình với người ta rồi lơ họ ngay.”

Bristow có vẻ rất thất vọng với cách điều tra của Strike. Hắn thấy cần phải khôn khéo nói thêm để ông ta thấy khoản thù lao trả cho hắn cũng chưa đến nỗi phí phạm hoàn toàn.

“Ngoài ra tôi cũng muốn báo cho anh biết là tối mai tôi sẽ gặp sĩ quan Eric Wardle, người làm vụ của Lula. Tôi hi vọng sẽ có được nguyên bộ hồ sơ điều tra.”

“Tuyệt vời!” Lần này Bristow có vẻ ấn tượng với Strike. “Anh làm nhanh quá!”

“Vâng, tôi cũng có quen biết vài chỗ trong cảnh sát thủ đô.”

“Vậy thì anh sẽ có được câu trả lời về Người bỏ chạy! Anh đọc mấy ghi chép rồi chứ?”

“Vâng, rất có ích,” Strike đáp.

“Tôi đang thu xếp ăn trưa với Tansy Bestigui trong tuần này để anh gặp và nghe lời khai trực tiếp của cô ta. Tôi sẽ điện cho thư ký của anh sau nhé?”

“Vậy thì tốt quá.”

Dập máy xong Strike tự nghĩ thuê thư ký dù sao vẫn có lợi, dù không có đủ việc cho cô ta làm, trước hết là tạo ấn tượng chuyên nghiệp cho khách hàng.

Nhà trọ St Elmo dành riêng cho những người vô gia cư nằm ngay dưới cầu vượt bê tông ồn ào. So với khu nhà gạch đỏ của Lula ở Mayfair, St Elmo như một người bà con xấu xí, gồ ghề với mặt tiền luộm thuộm màu trắng; không có tam cấp đá hay vườn hoa, không có những ngôi nhà thanh lịch chung quanh. Cánh cửa sứt mẻ của St Elmo mở thẳng ra đường, bệ cửa sổ tróc sơn nhuốm vẻ đìu hiu trơ trọi. St Elmo nằm co cụm, tội nghiệp và lạc long giữa thế giới hiện đại ồn ã chung quanh. Cầu vượt chỉ cách đó chưa tới hai mươi mét nên cửa sổ tầng trên khu trọ nhìn thẳng ra lan can bê tông trên cầu và dòng xe chạy ngược xuôi không dứt. St Elmo toát lên vẻ cứng nhắc của các tòa nhà công cộng, với chuông cửa lớn màu bạc và loa được gắn ngay bên cạnh cửa, cộng thêm một camera đen xấu xí dây nhợ lòng thòng đặt trong lồng sắt bên trên.

Một cô gái hốc hác, khóe miệng nứt lở vì lạnh đang đứng hút thuốc ngay bên trong cánh cửa. Cô gái mặc áo đen thùng thình của đàn ông, trông luộm thuộm dơ dáy. Cô đứng dựa vào tường, nhìn trơ trơ về phía trung tâm mua sắm cách đó chưa tới năm phút đi bộ. Khi Strike bấm chuông, cô ta nhìn hắn đầy vẻ suy tính như thể định giá xem hắn đáng bao nhiêu.

Ngay sau cánh cửa là một sảnh nhỏ ẩm mốc, sàn lót gỗ cũ kỹ. Hai bên sảnh có hai tấm cửa gương khóa kín, đằng sau là phòng khách trống trơn và một căn phòng bên tồi tàn có đặt cái bàn đầy tờ rơi, bảng phóng phi tiêu đã cũ và bức tường đầy lỗ thủng. Ngay trước mặt Strike là quầy lễ tân có lưới sắt che chắn.

Người đàn bà đang trực vừa nhai kẹo cao su vừa đọc báo. Bà ta tỏ vẻ ngờ vực và không thân thiện mấy khi Strike xin gặp một người bạn cũ của Lula, hình như tên là Rachel.

“Nhà báo hả?”

“Không phải, tôi là bạn của một người bạn khác của cô ấy.”

“Vậy thì anh phải biết tên của cô ta chứ?”

“Rachel? Raquelle? Tên gần gần như vậy.”

Một người đàn ông hói đầu bước vào quầy, đứng ngay sau bà ta.

“Tôi là thám tử tư,” Strike đáp, hơi lên giọng, người đàn ông hói đầu quay lại nhìn, có vẻ tò mò. “Đây là danh thiếp của tôi. Anh trai của Lula Landry thuê tôi, tôi cần nói chuyện với…”

“Anh đang tìm Rochelle?” Ông hói đầu hỏi, tiến lại gần song cửa. “Cổ không có ở đây đâu anh bạn à. Cổ đi rồi.”

Đồng nghiệp của ông ta tỏ ra khá khó chịu với sự niềm nở này bèn phản ứng bằng cách bỏ ra ngoài.

“Đi khi nào vậy?”

“Được vài tuần rồi. Có khi vài tháng cũng nên.”

“Anh biết cô ta đi đâu không?”

“Trời mới biết. Chắc lại lang thang ngoài đường nữa. Cổ cứ đi đi về về. Tính cổ rất khó chịu. Bị tâm thần mà. Anh đợi chút, có khi Carrianne biết gì đó. Carrianne! Ê! Carrianne!”

Cô gái hốc hác lở miệng bước vào, mắt nhíu lại.

“Gì kia?”

“Cô có gặp Rochelle không?”

“Mắc gì tôi lại muốn gặp con đĩ khốn đó?”

“Vậy là cô không thấy nó ở đâu hả?” ông hói đầu tiếp tục hỏi.

“Không. Có thuốc không cho điếu?”

Strike đưa một điếu thuốc, cô ta giắt ngay ra sau tai.

“Nó vẫn còn lảng vảng đâu đây thôi. Janine nói có thấy nó.” Carrianne nói. “Rochelle kể là nó sắp mua nhà gì đó. Con khốn chuyên nói dối. À, rồi còn phét là Lula Landry để lại cho nó hết tiền bạc. Láo toét! Anh kiếm Rochelle làm gì?” Cô ta hỏi Strike, rõ có ý dò xem có tiền bạc gì không, hoặc nếu không có Rochelle thì cô ta thế luôn được không.

“Chỉ để hỏi vào câu.”

“Chuyện gì chứ?”

“Lula Landry.”

“Ồ,” Carrianne buột miệng, đôi mắt đầy tính toán hấp háy liên tục. “Hai đứa đó có phải bạn bè thân thiết cái chó gì. Con đĩ Rochelle chuyên nói dối, anh khỏi mất công tin.”

“Cô ta nói dối chuyện gì?” Strike hỏi.

“Cái đếch gì cũng nói dối được. Tôi cá là nó chôm hết một nửa mớ đồ mà nó giả bộ là Landry cho.”

“Thôi nào Carrianne,” ông hói đầu nhẹ nhàng chen ngang. “Họ là bạn bè thật,” ông quay qua Strike. “Lúc trước Landry thường hay cho xe đến chở Rochelle đi chơi. Làm nhiều người ở đây cay lắm đấy.” Ông hói đầu liếc về phía Carrianne.

“Con này cóc có cay gì nhé,” Carrianne nhảy vào. “Landry là con đĩ hợm hĩnh. Đẹp đẽ gì.”

“Rochelle từng kể với tôi là có một bà cô ở Kilburn,” ông hói đầu nói tiếp.

“Nhưng nghe nói chẳng ưa gì nó.” Carriane lại chen ngang.

“Anh có tên tuổi địa chỉ của bà cô đó không?” Strike hỏi. Cả hai lắc đầu. “Họ của Rochelle là gì?”

“Tôi không biết, cô có biết không Carriane? Ở đây tụi tôi thường chỉ biết tên thôi,” ông ta trả lời Strike.

Hầu như không còn khai thác được thêm gì nữa từ hai người này. Hơn hai tháng trước Rochelle có ghé lại St Elmo. Ông hói đầu biết có một thời gian Rochelle đi điều trị ở khu ngoại trú tại bệnh viện St Thomas, nhưng không biết là bây giờ còn không.

“Nó hay nổi cơn tâm thần. Uống nhiều thuốc lắm.”

“Nó có quan tâm cái đếch gì khi Lula chết đâu,” Carriane đột nhiên nói. “Nó chả thèm để ý nữa kia.”

Cả hai người đàn ông quay lại nhìn cô ta. Cô ta nhún vai, như thể vừa mới nói ra một sự thật khó nghe.

“Phiền hai người, nếu Rochelle có trở lại làm ơn đưa số của tôi cho cổ và nói cổ điện ngay cho tôi.”

Strike đưa danh thiếp cho cả hai. Người đàn ông và Carriane chăm chú xem tấm danh thiếp. Strike tranh thủ lúc họ không để ý, thó ngay tờ News of the World từ khe cửa lồng sắt và kẹp dưới lách. Hắn chào tạm biệt cả hai rồi đi về.

Hôm đó là một buổi chiều xuân ấm áp. Strike đi bộ về hướng cầu Hammersmith, sơn màu xanh lá xô thơm và những chi tiết trạm trổ cầu kỳ trên thành cầu ánh lên trong nắng. Một con thiên nga đơn chiếc lững lờ bơi dọc bên kia sông. Những tòa nhà văn phòng và cửa hiệu thấp thoáng trông như xa lắc. Hắn rẽ phải vào lối đi bộ bên cạnh bờ kè, hai bên có những tòa nhà thấp ven sông liên tiếp nhau, vài ban công nhô ra, xen kẽ là những mặt tiền phủ đầy cây đậu tía.

Strike mua một vại bia trong quán Blue Anchor rồi mang ra chỗ bàn ghế gỗ đặt ngoài trời. Hắn nhìn về dòng nước, quay lưng về phía mặt tiền quán sơn hai màu trắng xanh kiểu hoàng gia. Đốt một điếu thuốc, hắn lật tới trang bốn tờ News of the World. Trước mắt hắn là một tấm hình màu chụp Evan Duffield (cúi đầu, trong tay cầm một bó hoa trắng rất to, vạt áo khoác đen tung bay). Trên tấm hình là dòng tít: DUFFIELD ĐI THĂM MẸ CỦA LULA ĐANG HẤP HỐI.

Bài báo vô thưởng vô phạt, chỉ như phần chú thích thêm vào tấm hình. Mắt kẻ cẩn thận, vạt áo khoác tung bay, vẻ mặt đờ đẫn, hơi ma mị, trông hắn hệt như trong tấm hình chụp tại đám tang của Lula. Bài báo mô tả hắn là “Evan Duffield, nhạc sĩ kiêm diễn viên vướng vào nhiều rắc rối.”

Điện thoại di động của Strike rung lên trong túi quần. Hắn rút ra xem. Có tin nhắn từ số lạ:

News of the World trang bốn: Evan Duffield. Robin.

Hắn nhìn màn hình, nhe răng cười rồi đút điện thoại vào trong túi. Nắng ấm choáng xuống đầu và vai hắn. Mấy con chim hải âu kêu quang quác, lượn vòng vòng trên đầu. Strike khoan khoái nghĩ tới chuyện giờ đây hắn không phải đi đâu, không có ai chờ đợi, tha hồ ngồi trên băng ghế trong nắng ấm đọc báo từ trang đầu đến trang cuối.