Thứ Năm, 26 tháng Mười hai

Đã quá thời gian Blomkvist dự định về. Giờ đã là 4 giờ 30 phút, không có hy vọng bắt đầu được chuyến tàu chiều nhưng anh vẫn có cơ hội làm chuyến tàu đêm 9 giờ 30 phút. Anh đứng bên cửa sổ xoa xoa cổ, nhìn ra mặt tiền thắp sáng của nhà thờ ở bên kia cây cầu. Vanger đã cho anh xem một quyển được được cắt dán từ những báo của địa phương và của giới truyền thông cả nước. Trong một thời gian, giới truyền thông đã chú ý đến cô gái của gia đình một nhà công nghiệp tên tuổi biến mất. Nhưng khi không tìm ra xác và không có đột phá nào trong điều tra thì sự chú ý dần dần nhạt đi. Mặc dù sự việc là dính líu đến một gia đình nổi tiếng nhưng ba mươi sáu năm sau, vụ Harriet Vanger vẫn cứ bị quên lãng. Trong các bài báo của cuối những năm 60, lý lẽ trội lên hơn cả có vẻ cho là cô gái đã chết đuối và bị quét mất ra biển - một thảm kịch nhưng là điều có thể xảy ra với bất cứ gia đình nào.

Câu chuyện ông già kể đã hấp dẫn Blomkvist nhưng khi ông già xin lỗi đi vào buồng tắm, anh lại mới nghi ngờ trở lại. Ông già chưa nói đến đoạn kết mà Blomkvist thì cuối cùng đã hứa là nghe hết toàn bộ câu chuyện.

- Ông nghĩ đã xảy ra chuyện gì cho Harriet? – anh hỏi khi Vanger trở lại.

- Thông thường có chừng hai mươi lăm người quanh năm sống ở đây nhưng vì gia đình tụ họp trên đảo Hedeby này nên hôm đó có hơn sáu chục người. Trong số này, từ hai mươi đến hai mươi lăm người, đại khái bằng thế, là có thể loại đi. Tôi tin là trong những người còn lại, một ai đó trong gia đình đã giết Harriet và giấu cái xác đi.

- Tôi có mười hai cách bác bỏ ý đó.

- Hãy nói nghe xem

- Bác bỏ thứ nhất là nếu một ai đó giấu xác chị ấy đi thì cái xác cũng sẽ phải được tìm thấy, nếu tìm kiếm đã kỹ càng triệt để như ông từng mô tả.

- Nói thật với anh, quy mô tìm kiếm còn lớn rộng hơn cả mô tả của tôi. Mãi đến khi bắt đầu nghĩ Harriet là nạn nhân của một vụ giết hại, tôi mới nhận thấy có nhiều cách có thể làm biến mất xác của nó. Tôi không thể chứng minh cho điều này nhưng ít nhất nó cũng ở trong phạm vi của khả năng.

- Hãy bảo tôi

- Harriet đi mất tăm quãng 3 giờ chiều hôm ấy. 2 giờ 55 phút mục sư Falk còn trông thấy nó đang vội đến cầu. Vào gần như cũng đúng lúc ấy một nhà nhiếp ảnh của tờ báo địa phương đến đó và trong một giờ sau, ông ta đã chụp một số lượng lớn ảnh về tấn thảm kịch. Chúng tôi - cảnh sát, ý tôi nói – đã xem xét các ảnh đó và xác nhận rằng không thấy Harriet ở trong một bức ảnh nào nhưng những người khác ở thị trấn thì ít nhất cũng được trông thấy một lần trong các tấm ảnh.

Vanger lấy một album khác để lên bàn.

- Đây là những bức ảnh ngày hôm ấy. Bức đầu tiên chụp ở Hedestad trong cuộc diễu hành Ngày Trẻ em. Cũng ông nhiếp ảnh kia chụp nó vào khoảng 1 giờ 15 phút chiều và Harriet có mặt ở trong đó.

Nhà nhiếp ảnh đứng chụp ở tầng hai của tòa nhà và cho thấy một đường phố cùng với cuộc diễu hành – các anh hề trên xe tải và các cô gái mặc quần áo tắm - vừa đi qua. Người xem tụ tập đầy các mặt đường lát đá. Vanger chỉ vào một bộ mặt trong đám đông.

- Harriet đây. Nó sẽ biến mất khoảng hai giờ sau đó; Harriet và một số bạn học ở thị trấn. Đây là bức ảnh cuối cùng chụp nó. Nhưng có một bức còn đáng chú ý hơn.

Vanger lật các trang. Quyển album có khoảng 180 bức ảnh - năm cuộn phim - về vụ đâm xe trên cầu. Dù đã nghe câu chuyện rồi người ta vẫn thấy quá đột ngột khi nhìn câu chuyện ở dạng các bức ảnh trắng đen này. Người chụp là một nhà nghề đã cố bắt được cảnh hỗn loạn xung quanh vụ tai nạn. Một số lớn ảnh tập trung vào các hoạt động ở quanh chiếc xe tẹc đổ nghiêng. Blomkvist dễ dàng nhận ra ngay một Henrik Vanger trẻ hơn nhiều, đầm đìa dầu nóng, giơ tay giơ chân.

- Đây là Harald anh tôi. – Ông già trỏ vào một người đàn ông mặc sơ mi xắn tay đang cuối về phía trước và trỏ vào một cái gì ở bên trong chiếc xe bẹp dúm. – Anh tôi có thể là một người khó ưa nhưng tôi nghĩ có thể gạt anh ấy ra khỏi danh sách tình nghi. Trừ một lúc ông ấy ở đâu chạy về khu trại thay giầy rất nhanh còn thì cả buổi chiều ông ấy ở trên cây cầu.

Vanger lật vài trang nữa, lần lượt từng tấm ảnh. Cận cảnh xe tẹc đổ. Cận cảnh người xem ở bờ biển phía trước. Cận cảnh xe của Aronsson. Cảnh bao quát. Các cận cảnh bằng các ống kính telephoto.

- Đây là bức ảnh đáng chú ý, - Vanger nói. – Như chúng tôi có thể xác định thì nó được chụp vào khoảng giữa 3 giờ 40 và 3 giờ 45, sau khi Harriet tình cờ gặp Falk. Hãy nhìn ngôi nhà này, cửa sổ ở giữa tầng hai. Đó là buồng của Harriet. Trong bức ảnh trước, cửa sổ này đóng. Ở đây nó mở.

- Chắc có người đã ở trong buồng của Harriet?

- Tôi đã hỏi tất cả, không ai nhận đã mở cửa sổ.

- Có nghĩa là hoặc chính Harriet mở hoặc có một ai đó đã nói dối ông. Nhưng tại sao tên giết người lại phải vào mở cửa sổ buồng chị ấy ra? Và tại sao có người lại nói dối về chuyện đó?

Vanger lắc đầu. Không giải thích được.

- Harriet biến mất vào khoảng 3 giờ hay muộn hơn sau đó một ít. Các bức ảnh này cho thấy được một số người đang ở đâu vào lúc ấy. Bởi thế tôi có thể loại một số người ra khỏi danh sách khả nghi. Cũng bởi thế tôi có thể kết luận rằng cần đưa một số người không ở trong các bức ảnh này vào danh sách nghi vấn.

- Ông không trả lời câu hỏi tôi hỏi ông nghĩ sao về việc cái xác đã được đưa đi. Dĩ nhiên tôi nhận thấy chắc đã phải có một giải thích nào đó nghe lọt tai. Kiểu trò bịp của các nhà ảo thuật xưa.

- Thật ra đã có thể áp dụng một số cách làm thực tế. Tên giết người hạ thủ quanh quẩn vào lúc 3 giờ. Chắc hắn ta hay ả ta không dùng bất cứ một thứ vũ khí gì - nếu không thì chúng tôi đã tìm thấy những vết máu. Tôi đoán Harriet đã bị bóp cổ và tôi đoán chắc là xảy ra ở đây - đằng sau bức tường ở trong vườn, đâu đó vượt ra ngoài tầm nhìn của người chụp ảnh và ở một góc chết so với ngôi nhà. Ở đấy có một lối mòn, nếu anh muốn đi tắt, sang nhà mục sư – cái chỗ cuối cùng trông thấy Harriet – và quay lại về nhà. Bây giờ ở đấy có một luống hoa và một bãi cỏ, nhưng vào những năm 60, đó là khu vực rải sỏi dùng để đỗ xe. Tên giết người chỉ cần mở cốp một chiếc xe rồi cho Harriet vào trong. Hôm sau khi chúng tôi bắt đầu tìm kiếm, chả có ai nghĩ là đã xảy ra một vụ giết người. Chúng tôi tập trung chú ý vào bờ biển, các tòa nhà và các khu rừng gần làng nhất.

- Cho nên không ai tìm trong các cốp xe.

- Và tối hôm sau tên giết người được thoải mái lên xe lái qua cầu để giấu cái xác vào một chỗ nào đó.

- Ngay dưới mũi của mọi người tham gia tìm kiếm. Nếu việc diễn ra theo cách này thật thì chúng ta đang nói đến một thằng khốn nạn to gan.

Vanger bật ra một tiếng cười chua chát.

- Miêu tả thế là khá trúng với một ít người ở trong dòng họ Vanger đấy.

Họ bàn tiếp qua cả bữa tối vào lúc 6 giờ. Anna dọn lên thịt thỏ rừng quay với mứt dâu và khoai tây. Vanger rót ra một loại vang đỏ nặng. Blomkvist có nhiều thì giờ để làm chuyến tàu vét. Anh nghĩ đã đến lúc tóm tắt lại câu chuyện.

- Ông đã kể cho tôi một câu chuyện hấp dẫn, tôi phải nhận là thế. Nhưng tôi vẫn không biết tại sao ông lại muốn tôi nghe.

- Tôi đã bảo anh. Tôi muốn tóm cổ cái thằng khốn khiếp đã giết Harriet. Và tôi muốn mướn anh tìm ra nó là ai.

- Tại sao?

Vanger đặt dao nĩa xuống.

- Ba mươi mấy năm qua tôi hóa rồ hóa dại nghĩ xem chuyện gì đã xảy ra với Harriet. Tôi ngày càng dành nhiều thì giờ hơn cho chuyện đó. – Ông im lặng và bỏ kính ra, quan sát một vết bụi vô hình nào đó trên mặt kính. Rồi ông ngước nhìn Blomkvist. - Để cho hoàn toàn trung thực với anh, việc Harriet biến mất đã là lý do khiến tôi rút lui dần ra khỏi công việc điều hành công ty. Tôi mất hết động cơ. Tôi biết đâu đó ở bên tôi có một tên sát nhân, và rồi buồn phiền cũng như việc tìm kiếm sự thật đã bắt đầu ảnh hưởng đến công việc của tôi. Điều tệ nhất là theo năm tháng cái gánh nặng này nó lại không nhẹ đi mà trái lại. Khoảng 1970, có một thời kỳ tôi chỉ muốn ở một mình. Rồi Martin tham gia ban giám đốc, rồi nhận lấy phần lớn công việc của tôi. Năm 1976 tôi về hưu, Martin tiếp quản chức CEO. Tôi vẫn còn một chỗ trong ban lãnh đạo nhưng từ năm năm mươi tuổi tôi chả còn chèo lái mấy nữa. Trong ba mươi sáu năm qua, chả ngày nào trôi đi mà tôi lại không nghiền ngẫm đến việc Harriet mất tích. Anh có thể nghĩ tôi đã bị chuyện ấy ám ảnh – ít ra thì phần lớn họ hàng tôi đều nghĩ như vậy.

- Câu chuyện này khủng khiếp quá.

- Hơn thế. Nó đã hủy hoại đời tôi. Đó là một cái gì mà thời gian càng trôi đi tôi lại càng nhận hiểu về nó nhiều hơn. Anh có cảm nhận rõ về bản thân mình không?

- Tôi nghĩ là có.

- Tôi cũng thế. Tôi không thể quen với cái đã xảy ra. Nhưng theo năm tháng các động cơ của tôi đã thay đổi. Ban đầu động cơ chắc là đau buồn. Tôi đã muốn tìm Harriet và ít nhất thì có cơ hội chôn cất nó. Điều ấy như thể là giành lấy công lý cho Harriet vậy.

- Nó đã thay đổi theo kiểu gì?

- Bây giờ thì tìm ra thằng khốn đã làm chuyện đó là chính. Nhưng điều lạ là: tôi càng già nó lại càng trở thành một thú nghiền cuốn hút mất hết tất cả.

- Thú nghiền?

- Vâng, tôi có thể dùng chữ ấy. Khi điều tra của cảnh sát kết thúc, thì tôi vẫn cứ tiếp tục. Tôi đã cố làm có hệ thống và khoa học. Tôi thu thập mọi thông tin có thể góp nhặt được - ảnh, báo cáo của cảnh sát, tôi đã viết lại những gì người ta nói với tôi về những điều mà họ làm hôm ấy. Cho nên đúng là tôi đã bỏ ra gần như hết nửa đời mình vào việc thu thập thông tin về duy nhất một ngày trời.

- Tôi giả dụ thế này, là sau ba mươi sáu năm ông có nhận thấy tên giết người cũng có thể đã chết và bị chôn cất mất rồi không?

- Tôi không tin như thế.

Blomkvist nhíu lông mày lại trước cái giọng chắc nịch của ông già.

- Ta hãy ăn xong bữa rồi trở lên gác. Câu chuyện sắp hết thì có một chi tiết này nữa. Chi tiết gây cho hoang mang hơn hết.

Salander đỗ chiếc Corolla vào cạnh ga xe lửa vành đai ở Sundbyberg. Cô mượn chiếc Toyata của đội xe An ninh Milton. Cô không xin phép hẳn hoi nhưng Armansky không bao giờ công khai tỏ ý cấm cô dùng xe của Milton. Cô nghĩ sớm muộn rồi cũng phải có một chiếc xe. Cô đã có một chiếc Kawasaki 125 sang tay cô thường dùng trong thời gian hè. Mùa đông cô nhốt chiếc xe máy trong hầm rượu.

Cô đi bộ đến Hogklintavagen, bấm cái chuông cửa nhỏ xíu, lúc ấy là 6 giờ. Mấy giây sau, khóa cửa ra phố mở đánh cách và cô lên hai tầng gác, bấm vào chuông cửa ở cạnh tên Stevensson. Cô không biết Stevensson thật sự là ai và liệu có một người như thế sống ở đây không.

- Chào, Dịch bệnh – cô nói.

- Ong vò vẽ đấy à! Cần cái gì thì cứ việc ghé qua nha.

Căn hộ tối như thường lệ; ánh sáng của ngọn đèn duy nhất trong phòng ngủ mà anh ta dùng làm văn phòng rỉ ra ngoài gian sảnh. Người đàn ông, hơn Salander ba tuổi, cao mét chín và nặng tạ sáu. Bản thân cao mét rưỡi, nặng 45 cân nên ở cạnh Dịch bệnh cô cứ cảm thấy mình bé tí tẹo. Chỗ này nồng mùi lâu ngày và ngột ngạt.

- Vì anh không chịu tắm bao giờ, Dịch bệnh. Ở đây có cái mùi cứ như là mùi chuồng khỉ ấy. Nếu anh có dịp ra ngoài, tôi sẽ mách anh vài mánh về xà phòng. Ở Khôngnsum họ có bán xà phòng đấy.

Anh tặng cô một nụ cười nhợt nhạt và không nói gì. Anh ra hiệu bảo cô đi theo vào bếp. Anh buông phịch xuống một chiếc ghế ở bên bàn bếp, chả buồn bật đèn. Ánh sáng duy nhất đến từ đường ở bên kia cửa sổ.

- Về khoản dọn dẹp nhà cửa tôi không giữ kỷ lục đâu, nhưng nếu có thùng sữa cũ ngửi giống mùi giòi bọ là tôi đều bó lại, quẳng hết đi.

- Tôi đang được trợ cấp ốm yếu đấy, - anh nói. – Tôi bất lực về mặt xã hội.

- Cho nên Chính phủ cho anh một chỗ để sống rồi quên anh đi. Có bao giờ anh sợ hàng xóm kêu với thanh tra cảnh sát không? Lúc ấy anh có thể bị hót đến trại vui nhộn đấy.

- Cậu có gì cho tôi không?

Salander kéo khóa túi jacket và đưa cho anh năm nghìn curon.

- Tôi để dành được có thế này. Đây là tiền của tôi và tôi thật không thể loại anh đi như một người ăn theo lệ thuộc.

- Cậu muốn gì?

- Vòng tay điện tử anh nói hai tháng trước. Anh đã có chưa?

Anh mỉm cười và đặt một cái hộp lên bàn.

- Chỉ cho xem nó làm việc thế nào với nào.

Trong vài phút sau cô chăm chú nghe. Rồi cô thử cái vòng. Dịch bệnh có thể bất tài về xã hội nhưng anh ta là một thiên tài, điều này chẳng cần phải bàn cãi.

Vanger chờ cho đến lúc ông lại được Blomkvist chú ý. Blomkvist nhìn đồng hồ và nói:

- Một chi tiết gây hoang mang.

- Tôi sinh ngày 1 tháng Mười một. Khi Harriet lên tám, nó tặng tôi một món quà sinh nhật, một bông hoa ép, có khung.

Vanger đi vòng quanh bàn làm việc và chỉ vào bông hoa đầu tiên. Hoa chuông lam. Khung nó làm theo kiểu nghiệp dư.

- Đây là bông đầu tiên. Tôi nhận nó năm 1958. – Ông chỉ vào bông bên cạnh. – 1959. Hoa mao lương. 1960. Cúc. Đã thành lệ. Chắc Harriet làm vào một lúc nào đó nhân dịp hè rồi giữ lại cho tới sinh nhật tôi. Tôi luôn treo nó ở trên tường trong buồng này. Năm 1966 Harriet biến mất và cái lệ ấy không còn nữa.

Vanger chỉ vào một chỗ trống trong dẫy khung. Blomkvist thấy tóc gáy dựng hết cả lên. Bức tường đầy hoa ép.

- 1967, sau năm Harriet biến mất, tôi nhận bông hoa này nhân sinh nhật tôi. Một bông viôlét.

- Hoa đến ông như thế nào?

- Bọc trong cái mà họ gọi là giấy gói quà và phong bì hai lớp gửi đi từ Stokholm. Không có địa chỉ người gửi. Không thư.

- Ông định nói… - Blomkvist hoa hoa tay như xua đi.

- Chính xác. Hàng năm vào cái ngày sinh nhật chết tiệt của tôi. Anh có biết tôi cảm thấy thé nào không? Nó đánh thẳng vào tôi, cứ hệt như tên giết người muốn hành hạ tôi vậy. Tôi buồn phiền đến nỗi ốm bởi ý nghĩ có phải Harriet đã bị hại vì một ai đó muốn đụng đến tôi. Không còn là bí mật chuyện tôi và Harriet có một quan hệ đặc biệt cũng như chuyện tôi coi nó như con gái tôi.

- Vậy ông muốn tôi làm cái việc ấy? – Blomkvist nói.

Khi Salander đưa chiếc Corolla về ga ra ở dưới tòa nhà An ninh Milton, cô tự nhắc hãy lên toa lét ở trên gác trong văn phòng. Cô dùng thẻ khóa mở cửa, đi thang máy tuốt lên tầng ba để tránh vào qua cửa chính ở tầng hai, nơi có nhân viên trực ở đó. Cô dùng toa lét rồi lấy một cốc cà phê ở máy pha espresso mà Armansky đã mua khi về sau này ông nhận ra thấy Salander không bao giờ pha cà phê đúng cách. Rồi cô vào buồng làm việc của mình, khoác chiếc jacket lên lưng ghế.

Căn phòng bằng kính, một chiều 2 mét rưỡi, một chiều 3 mét. Có một bàn làm việc và một máy tính bàn Dell kiểu cổ, một điện thoại, một ghế văn phòng, một sọt rác bằng kim loại và một giá sách. Giá sách có một bộ các thư mục và ba sổ tay khống. Hai ngăn kéo bàn để mấy cái bút bi, kẹp giấy và một sổ tay. Trên thành cửa sổ là một chậu cây, lá đã nâu và khô quắt. Salander tư lự nhìn cái cây tựa như lần đầu tiên cô trông thấy nó rồi cô dứt khoát cho nó vào sọt rác.

Cô ít có việc dính đến buồng làm việc, cả năm cô thăm thú nó chừng năm sáu bận, chủ yếu khi cô ngồi một mình chuẩn bị báo cáo ngay trước khi nộp nó. Armsnky nài cô phải có một không gian riêng. Ông lập luận rằng như thế cô sẽ cảm thấy là một phần của công ty tuy cô làm việc như một người tự do. Cô nghi Armansky hy vọng bằng cách đó sẽ giám sát cô và xen được vào công việc của cô. Lúc đầu cô được giao cho một chỗ xa hơn ở dưới hành lang, trong một gian buồng lớn hơn mà người ta toan cho một đồng sự nữa cùng chia sẻ. Nhưng vì cô không bao giờ ở đó nên cuối cùng Armansky chuyển cô đến cái lỗ vuông vức này ở cuối hành lang.

Salander lấy cái vòng đeo tay ra. Cô nhìn nó, đăm chiêu cắn môi dưới.

Đã quá 11 giờ và cô đang ở một mình trên tầng gác. Cô chợt thấy bực dọc hết sức.

Lúc sau, cô đứng dậy đi đến cuối gian sảnh rồi mở cửa buồng giấy của Armansky. Khóa. Cô nhìn quanh. Mối nguy có ai quay trở lại hành lang vào quãng nửa đêm ngày 26 tháng Mười hai hầu như là không tồn tai. Cô mở cánh cửa bằng chiếc thẻ chìa khóa làm nhái theo thẻ của công ty, cách đây mấy năm trước cô đã chịu bỏ công ra làm việc này.

Buồng giấy của Armansky rộng rãi: ở trước bàn làm việc của ông là cái ghế cho khách và một bàn họp đủ chỗ cho tám người ở một góc. Ngăn nắp không thể chê được. Một thời gian cô đã không lẻn vào buồng giấy của ông nhưng nay cô đang ở đây… Cô dành thời gian bên bàn làm việc để cập nhật thông tin bằng cách xem công việc điều tra một gián điệp nghi là mai phục trong công ty, một trong các đồng sự của cô đã được cấy công khai vào một xí nghiệp mà ở đó chuông báo động đang được cho hoạt động và các biện pháp nào đã được áp dụng hoàn toàn bí mật để bảo vệ một thân chủ đang sợ đứa con của bà có nguy cơ bị ông bố bắt cóc. Cuối cùng cô để các giấy tờ y nguyên vào lại chỗ cũ, khóa cửa buồng giấy Armansky lại và đi bộ về nhà. Cô cảm thấy thỏa mãn với ngày hôm nay.

- Tôi không biết chúng ta có tìm ra sự thật hay không nhưng khi mà chưa thử việc ấy một lần cuối cùng thì tôi từ chối đi đến ngôi mộ của tôi, - ông già nói. – Tôi chỉ đơn giản muốn giao cho anh việc rà kỹ lại hết các bằng chứng một lần cuối.

- Thế là điên, - Blomkvist nói.

- Sao lại điên?

- Tôi đã nghe đủ, Henrik, tôi hiểu nỗi đau buồn của ông nhưng tôi cần phải trung thực với ông. Việc ông nhờ tôi chỉ là lãng phí thời gian của tôi và tiền bạc của ông mà thôi. Ông đang bảo tôi dựng ra lời giải đáp cho một bí mật mà cảnh sát và các nhà điều tra có kinh nghiệm cùng với các nguồn lực lớn hơn vô kể cũng đã phải chịu không giải quyết được trong suốt những năm vừa qua. Ông đang bảo tôi giải quyết một vụ án mạng sau khi nó xảy ra đã bốn chục năm. Tôi làm thế nào được việc đó cơ chứ?

- Chúng ta còn chưa bàn đến tiền công của anh, - Vanger nói.

- Việc đó sẽ không cần thiết mà.

- Tôi không ép được anh nhưng anh hãy nghe điều tôi đang đưa ra. Frode đã thảo một hợp đồng. Chúng ta có thể thảo luận các chi tiết nhưng bản hợp đồng này đơn giản, và tất cả những gì nó cần bây giờ là chữ ký của anh thế thôi.

- Henrik, như thế là phi lý. Tôi thật tình không tin rằng tôi lại sẽ tìm ra bí mật của việc Harriet biến mất.

- Theo hợp đồng, anh không cần phải làm chuyện đó. Tất cả những gì bản hợp đồng yêu cầu anh là anh làm hết sức anh. Nếu anh thất bại thì đó là ý Chúa, hay - nếu anh không tin ở Người – thì đó là số phận.

Blomkvist thở dài. Anh ngày càng thấy không thoải mái và muốn chấm hết cuộc thăm viếng này ở Hedeby, nhưng anh mủi lòng.

- Được, chúng ta hãy nghe nó xem nào.

- Tôi muốn anh sống và làm việc ở Hedeby đây một năm. Tôi muốn anh đọc kỹ lưỡng từng trang của báo cáo điều tra về vụ Harriet mất tích. Tôi muốn anh xem xét mọi sự việc với con mắt mới. Tôi muốn với mọi kết luận cũ anh đều đặt câu hỏi đúng như cách mà một phóng viên điều tra cần phải làm. Tôi muốn anh tìm ra một cái gì đó mà tôi và cảnh sát cũng như các nhà điều tra khác đã để tuột mất.

- Ông đang bảo tôi dẹp đời tôi, sự nghiệp của tôi sang bên để cống hiến suốt cả một năm dòng bản thân tôi cho một cái gì đó hoàn toàn chỉ là lãng phí thời gian.

Vanger mỉm cười.

- Về sự nghiệp của anh, chúng tôi có thể tán thành rằng trong lúc này nó có phần nào đó bị nắm giữ.

Blomkvist không biết trả lời thế nào câu này.

- Tôi muốn mua một năm của đời anh. Cho một công việc. Lương cao hơn bất kỳ mức lương nào anh đã nhận được suốt từ trước tới nay. Tôi sẽ trả cho anh 2 triệu curon một tháng – nếu anh bằng lòng và ở lại cả năm thì nó sẽ là 2 triệu tư curon.

Blomkvist ngẩn ra.

- Tôi không ảo tưởng. Khả năng thành công là nhỏ nhưng nếu ngược lại với những sự quái gở, anh phá vỡ bí mật thì tôi lại còn thưởng anh một khoản tiền gấp đôi lương nữa có nghĩa là 4,8 triệu curon. Chúng ta hãy rộng rãi, thôi thì cứ cho nó tròn là 5 triệu nhỉ!

Vanger ngả người lại đằng sau, gật gù.

- Anh muốn tài khoản ở ngân hàng nào, chúng tôi sẽ rót tiền vào đó, bất kỳ ở đâu trên thế giới. Anh cũng có thể lấy ngay tiền mặt để ở trong một vali, như vậy anh muốn khai báo thu nhập với thuế vụ hay không thì đó là do anh quyết định.

- Như thế… không lành mạnh, - Blomkvist lắp bắp.

- Tại sao thế? – Vanger bình thản nói. – Tôi đã tám mươi hai và vẫn còn nguyên vẹn mọi khả năng. Tôi có một gia sản cá nhân lớn; tôi có thể chi tiêu nó như thế nào tùy tôi. Tôi không có con và tuyệt đối không có ham muốn để lại bất cứ một đồng nào cho họ hàng mà tôi ghét bỏ. Tôi đã làm di chúc cùng ý nguyện cuối cùng của tôi; Tôi sẽ chuyển phần lớn tài sản của tôi cho Quỹ Động vật hoang dã Thế giới. Một ít người gần gũi với tôi sẽ nhận một khoản tiền có ý nghĩa - kể cả Anna.

Blomkvist lắc đầu.

- Hãy cố hiểu tôi, - Vanger nói. – Tôi là một người chẳng chóng thì chầy sẽ chết. Có một điều ở trên thế giới này mà tôi muốn có – đó là câu trả lời cho cái câu hỏi nó từng dày vò hết nửa cuộc đời tôi. Tôi không mong tìm câu trả lời nhưng tôi có nguồn lực để làm một toan tính cuối cùng. Cái đó có không hợp lý không? Tôi nợ Harriet cái đó. Và tôi nợ cả cái đó với chính bản thân tôi.

- Ông trả cho tôi nhiều triệu curon để chả được gì cả. Tất cả những gì tôi cần là ký vào bản hợp đồng rồi đan chéo hai ngón tay cái lại trong một năm trời.

- Anh sẽ không làm thế. Trái lại – anh sẽ làm hăng hơn như chưa hề hăng như thế trong đời anh.

- Sao ông có thể cả quyết thế?

- Vì tôi có thể cho anh một cái mà anh không thể mua được bằng bất cứ giá nào mà anh lại muốn nó hơn bất cứ thứ gì trên thế giới này.

- Nó là cái gì vậy?

Mắt Vanger nheo nhỏ lại.

- Tôi có thể cho anh Hans-Erik Wennerstrom. Tôi có thể chứng minh hắn là một tên lừa bịp. Ba mươi năm trước, hắn tình cờ bắt đầu sự nghiệp cùng với tôi, và tôi có thể cho anh cái đầu hắn để ở trên đĩa. Giải được bí mật là anh có thể xoay thất bại của anh ở tòa án ra thành câu chuyện của năm đấy.