Tếu Ảnh nói cho tôi biết phòng bệnh của bố Hứa Lật Dương. Bác đang nằm tại bệnh viện Đồng Tế.

Buổi trưa ngày hôm sau, tôi bắt xe lên Hán Khẩu, đến bệnh viện Đồng Tế.

Nhìn qua cửa sổ bằng kính của bệnh viện, tôi thấy bố của Hứa Lật Dương đang nằm trên giường. Bác trông rất gầy và tiều tuỵ. Bác nằm đó bất động. Nếu như không phải là Tếu Ảnh chỉ cho tôi cụ thể phòng bệnh của bác chắc tôi sẽ không tài nào tin được người đàn ông khô héo nằm kia là người tôi đã gặp hai năm về trước.

Trong phòng bệnh không bật đèn, bức tường màu xám phản chiếu một màu ủ rũ, lạnh lẽo của cái chết. Người nằm đó cạnh tấm ga trải giường màu trắng, có khuôn mặt trắng bệch và vô cảm. Tôi bỗng hít phải một làn không khí lạnh toát, nặng nề và ảm đạm.

Một người phụ nữ trung niên, mặt xanh như tàu lá chuối đứng đó nhìn tôi đang đứng ngoài cửa, rồi đưa mắt nhìn theo khi tôi tiến vào phòng bệnh, dán mắt nhìn vào lẵng hoa quả và hoa tươi tôi đặt trên đầu giường bệnh. Cô ta không dịch chuyển, chỉ dùng ánh mắt chăm chú theo dõi từng chuyển động của tôi.

Bố của Hứa Lật Dương cũng không còn nhớ ra tôi là ai. Tôi cũng chỉ nói với bác, tôi là bạn học cùng với Hứa Lật Dương. Bác gượng ngồi dậy cảm ơn tôi, rồi cùng tôi nói chuyện. Lúc nói chuyện, không biết tại sao bàn tay yếu đuối của bác cứ nắm chặt lấy tay tôi, dùng hết sức để nắm chặt lấy. Tôi bỗng thấy rùng mình.

Bác than thở với tôi về cuộc đời đầy bất trắc, biến đổi khôn lường. Bác không sợ sự giày vò của những đớn đau về thể xác nhưng lại cảm thấy đau buồn vì đã liên luỵ đến gia định và liên luỵ đến Hứa Lật Dương. Tiền bạc tiết kiệm được đã đem ra dùng hết, còn phải vay họ hàng, bạn bè biết bao nhiêu tiền. Bây giờ ngay đến nhà cũng bán rồi. Trước đây là một gia đình đầm ấm và sung túc còn bây giờ nhà cửa tan hoang. Hơn nữa phẫu thuật thay thận không thành công, bây giờ ngày ngày bác đều phải chạy thận, đợi đến lúc có cơ hội mới lại phẫu thuật lần nữa.

Lúc bác nói chuyện với tôi, giọng nói não nề, mặt mày ủ rũ và tuyệt vọng, còn ánh mắt thì như người đã chết, trống rỗng và vô hồn.

“Bác sẽ không sao đâu ạ, thay thận xong là bác sẽ dần khoẻ lại thôi!” Tôi không tìm được lời nào hay hơn để an ủi bác, sống bỗng mũi thấy cay cay.

“Những chuyện đó không nói trước được đâu cháu ạ. Cùng nằm với bác ở phòng bệnh này đã có hai người qua đời rồi. Một người phẫu thuật không thành công, tiêu tốn hết 30 vạn tệ vẫn không cứu sống được. Nhà họ cả nhà từ già đến trẻ, ngày đêm chăm sóc. Chồng của bác ấy, sau nửa tháng chăm sóc sút đi mười lăm cân nhưng vẫn chẳng thay đổi được gì. Còn một người khác, không có tiền để nằm đây, mấy hôm trước khi đi, bác ấy nói bác ấy sẽ về nhà, bác ấy từ quê ra đây chữa bệnh. Bây giờ tiền đã hết, trên người chỉ còn đủ lộ phí về quê, nếu như không về thì sợ không thể chết ở quê nhà được. Sau khi bác ấy về quê được ba ngày thì mất. Còn cô bé đang ngủ ở kia nữa”, bố Hứa Lật Dương dùng tay chỉ sang cô bé nằm giường bên cạnh, “mẹ cô bé hôm nay đi đến hội Phụ Nữ để xin được cứu giúp. Hai mẹ con bây giờ trong người chỉ còn có một tệ. Con bé nó cũng ngoan lắm, tự xuống nhà mua bánh bao chay ăn. Còn bác chẳng biểt trụ được bao lâu. Bệnh tật thế này làm liên lụy đến cả nhà! Chẳng còn cái gì nữa rồi! Cũng chẳng còn hi vọng gì nữa!” Bác vừa nói vừa thở dài.

Nước mắt tôi bỗng chảy dài xuống mặt và đưa tay lên lau, nước mắt lại trào ra. Tôi không thể để một người bệnh đang nằm đây nhìn tôi khóc được, bởi vì làm thế sẽ tạo áp lực tâm lý thêm cho bác nhưng tôi không thể ngăn dòng nước mắt khi nghe những câu chuyện bi thương đó.

Cuộc đời. Nỗi khổ của cuộc đời chính là đây: Muốn tiếp tục sống nhưng lại chỉ có thể mở mắt, nằm đó chờ chết.

Từ phòng bệnh đi ra, tôi thấy mẹ Hứa Lật Dương. Trông bác gầy đến xót xa. Nếu như không phải bởi vì tôi đã từng căm ghét người phụ nữ này đến nỗi khắc ghi trong tâm trí thì có lẽ tôi đã không nhận ra người đàn bà béo tốt, có chút đanh đá, hà khắc khi xưa.

Bác vội vàng nhìn tôi một cái, ánh mắt vô hồn, ảm đạm. Bác ta đã không còn nhận ra tôi nữa rồi.

Nhưng lúc tôi nhìn thấy bác, nước mắt tôi lại trào ra. Tôi ôm lấy mặt, quay lưng đi ra khỏi phòng bệnh.