Giữa các ngôi sao, bầu trời trở nên xám, và mảnh trăng lưỡi liềm mảnh dẻ nom tái nhợt và huyền ảo. Tom Joad và ông mục sư bước nhanh ngang qua cánh đồng bông trên con đường mà giờ đây chỉ hằn những vệt bánh xe, vệt máy cày. Duy chỉ có bầu trời mờ ảo là sáng rạng ánh bình minh đang gần. Phía tây mờ mịt, một vạch ở phía đông. Hai người lặng lẽ cất bước hít thở thứ bụi cát đang tung lên dưới chân bước. Jim Casy nói:

- Tao hy vọng là mày biết mày đi đâu chứ? Khi ngày đã rạng tao chả thích mình đứng trơ ra chờ ma chờ quỷ nào đó, chả biết đâu mà lần.

Cánh đồng bông rộn rã cuộc sống đang thức giấc với tiếng đập cánh của chim mái đang mổ mổ dưới đất, của đàn thỏ hoảng sợ vụt chạy trốn. Tiếng chân dẫm đùng đục tung bụi, tiếng lào xào của các mô đất bị dẫm nát dưới gót giầy, bóp nghẹt những tiếng động bí ẩn của rạng đông.

Tom nói:

- Tôi có nhắm mắt cũng lần ra chỗ đi. Tôi chỉ đi nhầm đường khi nào tôi nghĩ nhiều đến nó. Cứ thẳng đường mà đi tội gì nghĩ ngợi cho mệt. Lạy Chúa, tôi sinh ra ở đây mà. Hồi còn nhóc con, tôi đã chạy khắp nơi xó xỉnh kia. Đằng kia có cái cây to, ông thấy không, khó mà nhận ra. Hồi xưa, bố tôi đã treo ở cái cây đó một con chó sói đồng cỏ chết. Nó cứ treo lơ lửng cho đến lúc nói như ai nói, tan chảy ra, rồi rơi xuống. Thật ra thì nó khô đét. Lạy Chúa, tôi hy vọng mẹ tôi đã bỏ cái gì vào nồi rồi. Bụng tôi đói quay đói quắt.

- Tao cũng vậy. Mày muốn làm một miếng thuốc lá không? Đỡ đói. Lý ra không nên đi quá sớm thế này. Tốt nhất là chờ sáng tỏ đã. - Ông ngừng lại cắn một miếng thuốc, - Tao đang ngủ ngon.

- Lỗi tại cái thằng Muley dở hơi. Hắn làm tôi phát cáu. Hắn đánh thức tôi dậy. "Tạm biệt Tom, tao đi đây. Tao phải đi thăm mấy chỗ xó xỉnh". Rồi hắn nói thêm: "Tốt nhất là cả hai ông cũng nên đi đi thôi, như thế thì đến sáng, các ông đã rời cánh đồng rồi". Hắn hâm nặng vì cứ sống như chuột chũi. Chẳng khác hắn đang bị người Indian bám sát gót. Ông có tin là hắn dở hơi không?

- Ấy tao không biết chắc nữa. Mày đã thấy chiếc xe hơi tối hôm qua đã mò đến khi ta nhóm lửa. Nhà đổ nát thế nào, chắc mày đã thấy. Có chuyện tệ hại đang xảy ra ở đây. Chẳng phải nghi ngờ gì nữa, hiển nhiên là thằng Muley đã hóa điên. Cứ lảng vảng rình mò như thế, như con sói đồng, ắt phải hóa điên. Có ngày rồi hắn sẽ giết một ai đó và người ta sẽ đưa chó săn truy lùng hắn. Tao có thể thấy trước điều đó chắc như đinh đóng cột. Hắn ngày càng điên thêm. Ra thế đấy, hắn không muốn đến với chúng ta?

- Không, - Joad nói. - Tôi tin là thấy người thì hắn sợ. Hắn mà đến với chúng ta thì kể cũng lạ. Mặt trời lên thì chúng ta sẽ tới nhà chú John.

Trong một lúc họ lặng lẽ bước đi; những con cú muộn màng bay về phía các nhà kho, các hốc cây, các bể chứa để tránh ánh ban ngày. Bầu trời phương đông vẫn nhạt dần, và người ta có thể phân biệt rõ cây bông và đất đang chuyển sang màu xám nhạt.

- Quỉ thật, tôi không sao tưởng tượng nổi làm thế nào họ có thể nhét tất cả vào nhà chú John được. Chú chỉ có một căn buồng và một chái nhà dùng làm bếp và một nhà kho rộng bằng cái lỗ mũi. Chắc phải như nêm cối.

- Tao còn nhớ đâu như chú John không có gia đình thì phải. Ông ta ở một mình, đúng không? Tao không nhớ rõ lắm.

- Trên đời này, không ai sống bơ vơ cô độc như ông ta, - Joad nói. - Vả lại ông ta cũng hơi hâm hâm... hơi như Muley, nhưng một số mặt thì tệ hơn. Người ta có cơ bắt gặp ông khắp nơi, say mèm hoặc thăm thú một mụ góa, ở cách hai mươi dặm, hoặc thắp đèn làm đất. Hâm hẳn. Thiên hạ nhất loạt đều cho ông ta không sống lâu. Một người cô độc như vậy thì làm sao sống lâu được. Nhưng chú John nom già hơn bố tôi. Có điều mỗi năm qua đi, chú lại thêm khô đét và tiều tuy hơn. Tiều tụy hơn ông nội.

- Hãy nhìn ánh sáng đang đến kia kìa, - Casy nói. - Chẳng khác bạc. Mà John không có vợ con sao?

- Có chứ, đã lập gia đình, mà có gia đình mới càng rõ chú ấy là người như thế nào, ăn ở ra làm sao. Chính bố tôi đã kể tôi nghe. Hồi ấy, chú John có một người vợ trẻ. Lấy nhau được bốn tháng. Đã có chửa. Một đêm thím thấy bụng đau quặn, thím nói: "Mình nên đi tìm thấy thuốc". Nhưng chú John cứ ngồi đấy bình chân như vại. Chú nói: "Mình đau bụng, đơn giản thế thôi. Mình bị bội thực. Gì cũng nhét vào dạ dày và rồi thấy đau bụng, thế thôi". Ngày hôm sau, đến trưa thì thím nói mê sảng, đến bốn giờ chiều thì chết.

- Bị gì vậy, - Casy hỏi, - Ăn thứ gì ngộ độc hay sao?

- Không phải, đơn giản là có cái gì đó đã bục trong bụng thím. Đau ruột thừa hay đại loại thế. Thế là, chú John xưa nay vẫn từng thây kệ sự đời, lúc đó đâm ra thế nào ấy. Chú coi như mình đã phạm tội lỗi và một thời gian lâu, chú chả còn muốn chuyện trò với ai nữa. Chú chỉ đành đi lang bạt khắp nơi như thể không thấy gì hết, rồi chú có cầu nguyện chút đỉnh. Phải mất hai năm chú mới hồi phục, hơn nữa, lại không còn như trước. Hơi ngớ ngẩn. Cuối cùng thì chả ai chịu nổi. Lúc bọn tôi còn bé, mỗi lần bị giun sán hay đau ruột, thế nào chú John cũng đi tìm thầy thuốc. Có lần bố tôi nói chú thôi chuyện đó đi. Bọn trẻ con, chúng cứ là đau bụng suốt. Chú, chú hình dung chính lỗi tại chú nên vợ chú mới chết. Con người thật ngộ. Cứ bỏ thì giờ ra để đem ân huệ cho thiên hạ, như để chuộc tội... cho trẻ con thứ này thứ nọ, đặt một túi bột mì ở cửa nhà ai đó. Có gì, chú cho gần hết nhưng nào có được sung sướng! Nhiều lần, chú đi dạo một mình ban đêm. Nhưng dẫu sao cũng là tay trồng trọt giỏi. Ruộng của chú được chăm sóc tốt.

- Tội nghiệp cho ông ta, - mục sư nói, - Sống cô độc, tội nghiệp. Khi vợ chết, ông ta có năng đi nhà thờ không?

- Không, không hề. Ông không muốn lại gần thiên hạ. Ông muốn sống một mình. Không có đứa bé nào là không mê ông. Nhiều lần ông tới nhà vào đêm muộn, bọn tôi biết là ông đã đến, chả là ông vừa bước vào thì đã có một gói kẹo cao su trên giường, cạnh mỗi đứa chúng tôi. Bọn tôi coi ông như Chúa phúc đức hiện hình.

Người mục sư cắm cúi bước. Ông không đáp lại. Ngày đang lên toả một chút sáng mờ mờ trên trán ông, đôi bàn tay đung đưa hai bên hông, lung linh trong ánh sáng.

Tom cũng im bặt, như thể xấu hổ vì đã nói những chuyện quá thân mật. Anh gấp bước và người mục sư cố bước kịp ngang hàng. Bây giờ họ bắt đầu phân biệt được các sự vật ở phía xa xa, xám nhạt. Một con rắn chậm rãi luồn ra ngoài đám ruộng bông và trườn qua đường. Tom chặn phắt nó lại và nhìn kỹ:

- Con rắn ăn chuột đồng, - anh nói. - Để kệ nó.

Họ đi qua cạnh con rắn và tiếp tục đi. Một sắc đậm hiện ra ở phương đông và liền ngay đó ánh sáng của bình minh giăng trải trên vùng quê. Ánh sáng càng đậm thì khuôn mặt của Joad hình như sẫm lại.

- Lúc này là lúc hay nhất, - Joad nói khẽ - hồi còn bé, cứ trời thế này là tôi dậy một mình đi dạo... Có cái gì phía trước chúng ta ấy nhỉ?

Một hội đồng những con chó nhóm họp trên đường để tôn vinh một con chó cái. Năm chú chó đực loại chó chăn cừu và chó côlây - giống nòi loại này đã mờ nhạt đi, kết quả của một đời sống quần tụ rũ sách mọi định kiến - chúng đang ve vãn ả chó cái. Mỗi con chó đực nhã nhặn hít ngửi, đứng dừng lại trước một cây bông, nghiêm trang giơ một cẳng sau lên rồi tè, xong xuôi rồi thì quay trở lại hít hít ngủi ngửi. Joad và người mục sư dừng lại để nhìn và đột nhiên Joad cười phá lên vui vẻ:

- Lạy Chúa! Lạy Chúa!

Bây giờ thì tất cả lũ chó đã nhóm lại, xù lông, vừa kêu ư ử vừa gầm ghè nhau, mỗi chú chờ đợi chú khác mở đầu cuộc ẩu đả. Một chú leo lên phủ con chó cái và, thấy sự đã rồi, các chú khác đành đứng lảng ra và quan sát sự việc một cách hứng thú, lưỡi thè lè và rỏ rãi. Hai người tiếp tục cuộc hành trình.

- Lạy Chúa! - Joad nói. - Tôi tin là cái con đực đang phủ lên con cái, chính là con Flash! - Anh lại bắt đầu cười, - nói thế chứ tôi mà như nó thì người ta có gọi tôi, tôi cũng chả nghe tiếng!... Nhân đây tôi nhớ lại một câu chuyện người ta kể về thằng Willy Freely hồi hắn còn trẻ. Willy là đứa nhát gan, rụt rè ghê gớm. Thế này nhé, có một hôm hắn dẫn con bò cái tơ đến cho con bò mộng nhà Graves. Ai nấy đều ra hết, chỉ còn lại Elsie Graves. Mà Elsie thì chả rụt rè tí nào. Willy đứng đực ra đấy. Mặt đỏ dừ, không thể mở miệng ra được. Elsie nói: "Em biết anh đến làm gì rồi! Con bò đực ở sau chuồng ấy". Thế là họ dẫn con bò cái vào, Willy và Elsie ngồi trên hàng rào chắn để nhìn. Chả mấy chốc mà thằng Willy thấy nóng rực cả người. Còn con bé nhìn y và làm bộ không biết gì liền hỏi: "Anh làm sao thế, Willy?" Willy đang bốc lửa và khó mà ngồi yên, "Lạy Chúa, Lạy Chúa, tôi cũng muốn làm như vậy!" Elsie bèn nói: "Thì ai ngăn anh, hở Willy, con bò cái tơ đó là của anh mà".

Mục sư cười khe khẽ:

- Mày biết đấy, không còn là mục sư nữa thì thật là dễ chịu. Trước kia người ta không kể với tao những chuyện như thế, hoặc giả, có kể thì tao cũng không thể cười được. Tao không thể chửi thề được. Bây giờ tao thích thì tao chửi thề, và khi thấy thèm chửi thề thì đâm ra dễ chịu.

Ở phương Đông, chân trời đỏ rực và dưới đất, chim chóc bắt đầu cất tiếng kêu chiêm chiếp, lảnh lói.

- Ông nhìn kìa, - Joad nói. - Thẳng trước mặt chúng ta ấy. Đó là cái bể chứa nước của chú John. Tôi không thể thấy cái động cơ gió của chú ấy, nhưng chính đó là bể chứa, in rõ trên nền trời, ông thấy chứ? - Anh rảo bước. - Không biết tất cả họ có đấy không?

Cái khối của bể nước sừng sững trên chỗ cao. Trong lúc vội vã, chân Joad hất lên một đám bụi mù bao quanh đầu gối anh.

- Tôi tự hỏi chẳng hay mẹ tôi...

Bây giờ họ trông thấy những trụ chống của bể nước và ngôi nhà, một thứ hộp vuông nhỏ bằng gỗ thô trần trụi và nhà kho co rúm dưới các mái thấp trệt. Khói thoát ra từ ống khói bằng kẽm. Trong sân, ngổn ngang cả một đống lộn xộn những đồ gỗ chồng chất, cánh và động cơ cối xay nước, giát giường, bàn ghế, tủ...

- Lạy Chúa, họ chuẩn bị ra đi rồi, - anh nói.

Trong sân có một chiếc xe tải, cao lêu nghêu, nhưng là một chiếc xe tải lạ lùng, bởi phía trước nhắc nhở đến dáng chiếc xe hòm kín thì mui xe bị cắt làm đôi ở chỗ giữa còn sàn xe thì chắp vào đó. Lúc tới gần, hai người nghe những tiếng búa từ sân dội tới, vừa đúng lúc bờ của mặt trời lóa mắt nhô lên phía trên chân trời, ánh sáng đổ xuống chiếc xe tải và soi cho họ thấy bóng một con người và ánh chớp loé của một chiếc búa đang giơ lên hạ xuống. Mặt trời chiếu vào các cửa sổ. Những tấm ván hư hỏng vì mưa nắng, lấp loáng. Hai con gà con lông tía vầy và trên nền đất và bừng đỏ dưới ánh mặt trời.

- Đừng kêu. - Tom nói. - Đi ren rén cho họ phát hoảng một mẻ. Nói rồi, anh bước nhanh đến nỗi cát bụi tung lên đến ngang thắt lưng. Anh tới rìa ruộng bông. Bây giờ họ đang đứng trong sân chính, đất dầm kỹ, lơ thơ đây đó mấy túm cỏ bị bụi phủ. Rồi Joad bước chậm lại, tưởng hồ anh sợ phải đi quá xa lên phía trước. Người mục sư theo dõi anh, cũng đi chậm lại theo sau anh. Tom thong thả tiến lên, đi quanh chiếc xe tải một cách ngại ngùng. Đây là một chiếc xe hòm Hudson Super mà mui đã bị người ta dùng đục xẻ đôi. Đứng trong xe, già Tom Joad đang lấy đinh đóng những thanh gỗ cuối cùng ở cả hai thân xe. Khuôn mặt ông xám, râu ria xồm xoàm, cắm cúi xuống công việc, mấy cái đinh ông cặp ở miệng tòi ra ngoài. Ông đặt một chiếc đinh, rồi lấy búa nện một nhát sâu. Trong nhà, có tiếng một cái vòng đệm lò bếp kêu lách cách và một đứa bé cất tiếng khóc. Joad tựa vào xe. Bố anh nhìn anh nhưng không thấy anh. Ông lại đặt một chiếc đinh khác và lại đóng. Một đám bồ câu từ thành bể bay tung lên, lượn một vòng rồi lại sà xuống đậu như cũ. Chúng khệnh khạng lại gần để nhìn, bồ câu trắng, xanh, xám, cánh ngũ sắc lấp lánh.

Joad túm lấy chắn thành xe phía dưới của xe tải. Anh ngước mắt nhìn ông già tóc hoa râm đứng trên xe. Anh đưa lưỡi liếm đôi môi dày và khẽ gọi:

- Bố!

- Mày muốn gì? - ông già Tom càu nhàu qua túm đinh ngậm miệng. Ông đội một chiếc mũ phớt cũ, bẩn, một chiếc áo gilê không khuy mặc ngoài chiếc áo sơ mi lao động màu xanh. Nịt quần là một giây curoa yên ngựa trơn bóng vì dùng lâu ngày; giày của ông bị nứt nẻ, đế phồng lên, đầu mút cong ngược như chiếc thuyền sau những năm tháng nắng mưa, ẩm ướt và bụi bậm. Đôi ống tay áo lót ôm chặt lấy cánh tay rắn chắc. Hông mảnh dẻ, bụng lép, đôi cẳng ngắn nặng nề nhưng khoẻ. Khuôn mặt chữ điền với một bộ râu lốm đốm bạc, hình như sệ xuống phía cằm. Một cái cằm mạnh mẽ, nhô ra, khuôn theo bộ râu quai nón và tới chỗ này thì râu đỡ sẫm hơn và do đó quai hàm thêm bạnh và nặng nề. Ở lưỡng quyền mà râu không mọc lan lên được, nước da ngả sang màu nâu như cặn thuốc bẩn, và ở khoé mắt luôn nhấp nháy, hằn lên những ria quạt. Đôi mắt màu nâu như hạt cà phê, và khi ông nhìn vào đâu đó thì ông nghển cổ ra vì đôi mắt tối sầm và long lanh đã kém. Đôi môi mảnh và đỏ ngậm chiếc đinh to.

Ông đang giơ búa lên chuẩn bị đóng chiếc đinh khác, thì bỗng ông sững lại, và qua thành xe, ông nhìn Tom với vẻ khó chịu vì bị gián đoạn. Rồi ông nhô cằm, nhìn thẳng vào mặt Tom. Đầu óc ông sáng dần và cằm ông nhận ra. Chiếc búa từ từ hạ xuống, ông đưa tay trái rút mấy chiếc đinh ngậm ở miệng. Vẻ lạ lùng, ông nói như tự nhủ: "Thằng Tom...". Và rồi vẫn như để tự bảo với mình:

- Ra là thằng Tom... Thằng Tom đã về.

Miệng ông lại há ra, một ánh hãi hùng lướt qua đôi mắt:

- Tommy, - ông nói dịu dàng, - con vượt tù sao? Có phải trốn đi không?

Ông thờ đợi vẻ căng thẳng.

- Không, bố ạ. - Tom nói. - Con đã hứa, họ đã thả con. Con được tự do. Có tất cả giấy tờ đây.

Anh bám vào những chấn song phía dưới xe và ngước nhìn lên. Già Tom nhẹ đặt chiếc búa xuống đất và bỏ đinh vào túi. Ông bước qua thanh chắn và ông mềm người tuột xuống đất, nhưng một khi đứng gần đứa con trai, hình như ông đâm ra bối rối và có vẻ lớ ngớ.

- Tommy, - ông nói, - nhà ta đi California. Nhưng sắp viết để báo cho con hay. - Rồi ông nói mà như vẫn không tin có chuyện đó. - Nhưng con đã về đây rồi. Con có thể đi cùng gia đình, nhất định là có thể!

Trong nhà nghe có tiếng nắp bình cà phê sập xuống. Ông già Tom ngoái nhìn ra sau.

- Ta cho họ đớ ra một mẻ, - ông nói, đôi mắt lấp lánh háo hức. - Mẹ con cứ nghĩ quẩn là bà ta sẽ không bao giờ còn trông thấy được con nữa. Bà vẫn làm ra vẻ bình tĩnh như khi trong nhà có ai chết. Chút nữa thì bà không muốn đi California nữa đấy, vì sợ không gặp lại con. - Một lần nữa có tiếng chiếc vòng ghế lò kêu lích kích. - Đi, cho họ sửng sốt một mẻ. Cứ vào tự nhiên như thể chưa bao giờ con rời khỏi nhà. Thử xem, mẹ con sẽ nói gì.

Cuối cùng ông sờ vào Tom nhưng chỉ rụt rè động vào vai anh con, rồi lại bỏ tay xuống. Ông nhìn Jim Casy.

Tom nói:

- Chắc bố còn nhớ ông mục sư. Ông ấy đến thăm chúng ta.

- Ông ta cũng bị tù, hay sao?

- Không. Con gặp ông ta trên đường cái. Ông ấy đang định đi xa.

Bố trịnh trọng xiết chặt tay khách.

- Rất mừng được ông đến chơi nhà.

Casy nói:

- Được đến đây, tôi mừng lắm. Thấy được cảnh một chàng trai trở về nhà, thật bõ công.

- Về nhà! - Bố tôi chua chát.

- Về với gia đình, - Casy nhanh miệng nói chữa. - Chúng tôi đã qua đêm trong nhà cũ của ông.

Bố nhô cằm ra, quay lại nhìn ngôi nhà trong chốc lát. Rồi ông quay về phía Tom.

- Làm thế nào được nhỉ? - Ông nói rất băn khoăn. - Giả dụ tao vào và nói: có hai gã muốn được ăn trưa? Hay thế này hay hơn, mày cứ vào, đợi cho mẹ trông thấy mày? Mày nghĩ thế nào? - Khuôn mặt của ông sôi nổi vì háo hức.

- Không nên khiến mẹ con bị choáng, - Tom nói. Không nên khiến mẹ sợ, Bố ạ.

Hai con chó chăn cừu gầy giơ xương, linh lợi, đi gần, cho tới lúc chúng ngửi thấy hơi người lạ. Thế là chúng lùi lại, thận trọng chăm chú, đuôi khẽ ve vẩy, nhưng mắt và mõm thì sẵn sàng tấn công hoặc thủ thế. Một con vươn cổ ra tiến sang bên, sẵn sàng bỏ trốn, và dần dần tới cẳng Tom hít hít một cách lộ liễu. Rồi nó lùi lại đợi ở ông bố một dấu hiệu nào đó. Con chó kia không bạo dạn đến thế. Nó tìm một cái gì đó để khỏi mất thể diện, nom thấy một con gà lông sắc hung đang cành nành đi gần đó, nó chạy tới vồ. Nghe tiếng kêu chiếp chiếp phẫn nộ của chú gà, mấy túm lông nâu bay loà xoà và con gà bỏ trốn trong tiếng đập cánh hoảng hốt. Con chó kiêu hãnh nhìn mấy người rồi vẻ hỉ hả, nó gieo mình lăn lê trong bụi đất, đuôi đập đập trên đất.

- Đi - Bố nói. - Giờ thì vào đi. Để Mẹ trông thấy mày. Tao muốn nom mặt bà ấy khi bà ấy thấy mày. Đi. Xúp sắp được rồi, bà ấy sẽ gọi toáng lên bây giờ. Từ nãy tao đã thấy bà bỏ thịt lợn ướp muối vào chảo.

Ông dẫn họ đi qua cái sân lấm bụi đất mịn. Nhà không có hiên, chỉ một bậc lên là tới cánh cửa, gần cửa, một cái thớt mặt xỉn lại do những năm tháng bị băm thái. Bụi bặm ăn mòn lớp gỗ mềm, các thớ gỗ ở bề mặt nổi lên. Mùi gỗ liễu cháy phảng phất trong không khí, và khi ba người tới gần cửa, mùi thịt lợn, mùi bánh nóng và mùi cà phê ngào ngạt sôi trong bình toả ra. Bố bước tới ngưỡng cửa để ngỏ và dừng lại, cả thân hình to lùn của ông chắn lối ra vào. Ông lên tiếng:

- Mẹ nó này, có hai gã vừa ở ngoài đường cái tới đây, họ phân vân không biết nhà ta có thể cho họ chút gì để ăn không.

Tom nghe tiếng mẹ nói, tiếng kéo dài, tươi mát, trầm tĩnh, thân tình và khiêm nhường:

- Mời họ vào, - bà nói, - Thừa ăn. Bảo họ phải rửa tay đi. Bánh nướng rồi. Tôi đang múc thịt ra đây. - Và tiếng mỡ lèo xèo cáu giận từ bếp lò vẳng ra.

Bố bước vào, để cửa thông thoáng, và Tom nhìn mẹ. Bà đang vớt những tảng mỡ to ở cháo rán ra. Cửa lò mở và những chiếc bánh nóng sắp hàng dài trên một tấm tôn. Bà nhìn qua cửa những ánh mặt trời chiếu phía sau lưng Tom nên bà chỉ nhìn thấy một cái bóng đen lồ lộ trong ánh nắng vàng lấp lánh. Với một cái gật đầu dễ mến bà nói:

- Mời vào. Cũng may là sáng nay tôi nướng nhiều bánh.

Tom đứng nhìn vào trong nhà. Mẹ đẫy người, nặng nề sau bao lần chửa đẻ và lao động, nhưng không xồ xề. Bà mang một chiếc áo choàng bông chùng bằng dạ xám, xưa có điểm hoa tô mày nhưng nay đã bạc phếch, đến nỗi hình hoa bé tí chỉ còn chút xanh mờ nhạt hơn nền vải. Chiếc áo dài chấm xuống tận mắt cá, đôi bàn chân khoẻ và để trần của bà cử động nhanh, thanh thoát trên nền nhà. Mái tóc thưa, xám thiếc, búi thành một túm gầy nhom phía sau gáy. Đôi cánh tay khoẻ, điểm những vết hoe hoe để trần tới khủy tay, đôi bàn tay mập mạp và giống như bàn tay một em bé gái béo tròn. Bà nhìn vào ánh nắng. Khuôn mặt đầy đặn không lộ vẻ uể oải mà cương quyết và phúc hậu. Đôi mắt màu hạt dẻ hình như đã trải qua tất cả những tấn tuồng bi đát và cũng leo lên bấy nhiêu bậc thang của những nỗi nhọc nhằn xót xa tới những vùng cao vợi của sự trầm tĩnh và sự hiểu thấu siêu phàm. Hình như với niềm vui, bà nhận biết, chấp nhận và tiếp đón vai trò của bà là bức thành luỹ của gia đình, là nơi nương tựa bất khả xâm phạm. Già Tom và con cái không thể biết thế nào là đau khổ hay sợ hãi, nếu như chính bà không chấp nhận sự sợ hãi và đau khổ này, mà bà thì đã có thói quen không chấp nhận như thế. Bởi lẽ, lúc gặp một điều gì may mắn, họ nhìn bà để xem liệu niềm vui có thấm vào bà hay không, lúc đó cũng theo thói quen bà cười, cười ngay dù lý do để cười thì chả nhiều gì. Nhưng tốt hơn niềm vui, là sự trầm tĩnh. Trầm tĩnh, đó là điều người ta có thể dựa vào. Từ một địa vị lớn lao và hèn mọn trong gia đình, bà có được sự trang nghiêm và một vẻ đẹp thanh khiết điềm đạm. Là người chữa bệnh, đôi tay của bà đã trở nên vững vàng tươi mát, thanh thản; là trọng tài, bà trở nên lạnh lùng và như một thần nữ bà không thể sai lầm. Hình như bà có ý thức rằng nếu bà chao đảo, thì cả gia đình sẽ rung chuyển, và nếu một ngày nào đó bà suy yếu hoặc tuyệt vọng thật sự, cả gia đình sẽ sụp đổ, toàn bộ ý chí hoạt động của họ sẽ bị tan biến.

Qua sân chói loà nắng bà nhìn cái bóng sầm tối của gã đàn ông. Bố đứng gần đấy, run rẩy vì sốt ruột.

- Mời vào, thưa ông. Xin mời vào, - bà nói.

Và Tom hơi lúng túng, bước qua cửa, mắt bà đang cúi xuống chảo mỡ bèn dịu dàng ngước lên, chiếc nĩa rơi tõm xuống nền nhà. Bà mở tròn xoe đôi mắt. Bà thở mạnh, miệng mở rộng. Bà nhắm mắt lại. Bà nói:

- Tạ ơn Chúa. Ôi! Xin tạ ơn, lạy Chúa! Con xin tạ ơn Chúa! - Nhưng đột nhiên khuôn mặt bà trở nên lo lắng, - Tommy, họ không truy lùng lại con chứ? Con không vượt tù chứ?

- Không, mẹ ạ. Tự do tạm thời. Con có đủ giấy tờ đây. - Anh đưa tay sờ lên ngực.

Bà bước lại gần con, uyển chuyển, lặng lẽ. Khuôn mặt bà rạng rỡ. Bà đưa bàn tay nhỏ bé sờ sờ cánh tay của con, nắn nắn cái rắn chắc của cơ bắp anh. Rồi những cánh tay như ngón tay người mù của bà lần lên trán con.

Tom cắn chặt môi dưới. Đôi mắt của mẹ anh lạ lùng hướng về chiếc môi bị cắn và bà nom thấy ở kẽ hai hàm răng một tia máu và trên môi một giọt máu long lanh. Thế là bà hiểu, bà lấy lại bình tĩnh và buông thõng tay xuống. Bà nói qua hơi thở mạnh.

- Thế đấy, chỉ ít bữa là nhà ta ra đi mà không có con. Ai cũng tự hỏi làm thế nào mà con có thể tìm thấy lại gia đình trên thế giới này.

Bà lượm chiếc nĩa lên, gạt gạt trong mỡ và vớt ra một cuộn thịt ròn. Rồi bà đẩy bình cà phê đang sôi về phía đáy lò bếp.

Già Tom cười khúc khích:

- Hả? Bà bị mắc lừa phải không? Bố con tôi đùa tếu đánh lừa bà một chút coi, thế là bà bị một vố. Cứ đớ ra như con cừu bị đập chết. Giá mà ông ở đây thì hay biết mấy. Chẳng khác gì bố con tôi giáng cho bà một búa vào mắt toé đom đóm. Ông nội sẽ vỗ đùi đen đét đến vỡ hông... như cái ngày ông thấy thằng Al bắn một phát vào chiếc máy bay quân sự. Mày biết không, Tommy, hôm ấy nó bay ầm ầm trên đầu bọn tao. Dài ơi là dài, năm trăm mét kia! Thế là thằng Al sách súng ra tương cho nó một tràng. Ông bèn gào tướng: "Al, đừng có bắn vào chim non, đợi cho nó có thì giờ nhớn lên đã", nói xong ông vỗ đùi đánh đét một cái, thế là sái mẹ nó cái hông!

Mẹ cười phá lên rồi lấy một chồng đĩa bằng sắt tây trên giá.

Tom hỏi:

- Ông ở đâu? Con chưa thấy ông cụ ranh ma của con 1.

Mẹ xếp chồng đĩa lên bàn nhà bếp và thu dẹp các tách sang bên. Bà tâm sự:

- Ồ! Các cụ ngủ trong nhà kho, cả Bà nữa. Đêm các cụ hay thức dậy quá. Cứ vấp ngã hoài vào lũ trẻ con.

- Đúng rồi, đêm nào ông cũng cáu giận. Ông vấp phải thằng Wilfield, nó bèn gào om sòm, thế là ông tức lồng lên, đái cả ra quần, ông lại càng nổi giận và chả mấy nỗi cả nhà cứ ầm ĩ đến váng óc - Tiếng Bố nói xen giữa những tiếng cười khoái trá. - Ô! Vui đáo để. Có một đêm, lúc mọi người đang gào, đang chửi thì thằng em mày, thằng Al - giờ thì nó ranh lắm - thằng Al nổi cáu: "Mẹ kiếp, ông ơi, sao ông không đi mà sống ở đâu đó để làm tướng cướp?" Thế là mày xem, ông sôi tiết, vội đi tìm súng. Đêm đó, thằng Al phải ngủ ngoài trời. Nhưng bây giờ Ông Bà ngủ trong nhà kho.

Mẹ tiếp:

- Như thế, lúc các cụ muốn ra ngoài là ra được ngay. Bố nó à, ông chạy đi báo cho các cụ biết Tommy đã về. Con nó mến ông nội nhất.

- Đúng đấy. Lẽ ra tao phải làm thế rồi.

Ông đi ra, vượt qua sân, đôi cánh tay vung vẩy mạnh.

Tom nhìn ông đi ra, rồi để ý nghe tiếng Mẹ đang rót cà phê. Mẹ không nhìn anh.

- Tommy ạ, - bà nói, ngập ngừng, rụt rè.

- Dạ! Sao kia, Mẹ?

Cũng bị lây truyền bởi mẹ, anh cảm thấy rụt rè, bối rối đến lạ lùng. Cả hai đều biết mình rụt rè, họ biết như vậy nên càng rụt rè hơn.

- Tommy ạ, mẹ phải hỏi con... con không oán giận đấy chứ?

- Oán giận gì hở Mẹ?

- Ờ, tự con để cho lòng oán giận đầu độc. Con không căm thù ai đấy chứ? Ở nhà tù kia, họ không làm gì để con hư hỏng đi, phải nổi điên lên, chứ?

- Kh..ô..ô..ng. Có bị như thế một thời gian. Nhưng không như nhiều kẻ khác, con không lấy thế làm kiêu hãnh đâu. Con để cho nó trôi tuột đi, coi đó như chuyện vớ vẩn. Có chuyện gì thế, Mẹ?

Bây giờ bà nhìn con, miệng mở như để nghe cho rõ hơn, mắt nheo lại để tìm hiểu hơn. Khuôn mặt của bà tìm câu trả lời luôn luôn ẩn nấp sau từng lời. Bà bối rối:

- Mẹ có biết Pretty Bay Floyd 2. Mẹ quen mẹ hắn. Họ là những người tử tế. Cũng sống như mọi thanh niên tốt bụng khác, hắn ngông cuồng như bị quỷ ám. - Bà ngừng lời, rồi nói vội. - Dĩ nhiên, có những uẩn khúc gì trong đó mà mẹ không biết, nhưng mẹ biết rõ hắn. Hắn đã phạm phải chút gì đó, rồi họ hành hạ hắn, họ đã bắt hắn, họ ngược đãi hắn khiến hắn phát khùng, ít lâu sau, hắn phạm phải cái gì đó nặng hơn. Họ lại càng ngược đãi hắn. Thế là hắn điên lên, đâm ra độc ác. Họ bắn vào hắn như bắn vào một con vật nhơ bẩn, hắn chống trả, họ săn lùng hắn như săn chồn còn hắn thì nhe răng nhe lợi bắn trả. Hắn giận phát điên. Đâu phải là một thằng thanh niên nữa, cũng không phải một con người. Thật sự hắn đã hóa dại. Nhưng những ai biết hắn thì không làm hại hắn. Hắn chẳng có chuyện gì với họ. Cuối cùng người ta vây hắn và giết hắn. Báo chí nói về hắn nào là hắn độc, nào là hắn ác, đủ thứ chuyện. Mặc họ... Chuyện xảy ra là như thế. - Bà ngừng nói, liếm đôi môi khô ráo, và khuôn mặt của bà căng thẳng nỗi lo âu. - Tommy, mẹ phải biết, họ có tệ với con lớn không? Họ có làm con điên lên như thế không? Tommy?

Đôi môi dày của Tom mím chặt lại. Anh cúi mặt nhìn đôi bàn tay to và bẹt.

- Không. Con không như thế đâu. - Anh ngừng lại, xem xét những cái móng bị dập vỡ, có vân như vỏ sò - Suốt mấy năm trong lao, con cố gắng tránh những chuyện như vậy. Con chả nóng giận đến thế đâu.

Bà mẹ thở dài rất khẽ:

- Tạ ơn Chúa!

Anh nhanh chóng ngước mắt lên:

- Mẹ ơi, khi con thấy vì bọn chúng mà nhà ta đã đi đến tình cảnh này...

Thế là bà bước tới, đứng sát vào người anh và bằng một giọng sôi nổi, bà nói:

- Tommy, con không được có ý nghĩ một mình đơn độc chống lại chúng. Họ sẽ săn đuổi con như săn chồn. Tommy ạ, mẹ đã suy nghĩ, đã mơ, đã tự hỏi nhiều điều. Hình như những kẻ bị chúng xua đuổi có đến hàng trăm ngàn. Nếu tất cả đều căm giận chúng, Tommy ạ... Chắc chúng không dám xua đuổi một ai...

Bà ngừng lại. Tommy nhìn mẹ, rồi từ từ hạ mí mắt xuống và chẳng mấy chốc người ta chỉ thấy một tia sáng lọt qua kẽ lông mi.

- Có nhiều người nghĩ như vậy không? - Anh hỏi.

- Mẹ không biết. Họ như bị đánh choáng váng. Họ đi tới đi lui, như người ngái ngủ.

Từ dưới sân vang lên một tiếng be be run run.

- Xin chúc tụng Chúa chiến thắng! Xin chúc tụng Chúa chiến thắng!

Tom quay đầu lại và nhe răng cười:

- Rốt cuộc Bà cũng hay tin con trở về. Mẹ ơi, - anh nói - mẹ không như xưa nữa.

Nhưng nét mặt của bà mẹ đanh lại, mắt loé lên một tia sáng lạnh lùng.

- Trước đây, không bao giờ người ta phá nhà mẹ, không bao giờ ném gia đình chúng ta ra đường cái, Mẹ không bao giờ bị buộc phải bán đồ đạc, bán kiệt... Kia, họ kia rồi.

Có bốn người đi ngang qua sân. ông nội đi trước nhất. Đó là một cụ già hốc hác, rách rưới, còn nhanh nhẹn. Cụ đi cà nhắc bước một, gượng nhẹ cẳng chân phải. Cụ vừa bước đi, vừa cài sửa quần, đôi bàn tay già lóng ngóng tìm khuy, cài nhầm cả khuy trên xuống khuy dưới, cho nên cửa quần bị xộc xệch. Cụ mặc một chiếc quần dài đen rách, một chiếc áo sơ mi rách tã từ trên xuống dưới, để lộ một chiếc áo lót xám cũng sổ khuy. Qua khe hở chiếc gilê bằng nỉ, người ta hé thấy bộ ngực gày gò tua tủa lông trắng. Cụ bỏ chỗ cửa quần, cứ để nó hở hoác ra, rồi tay sờ soạng khuy áo gilê, nhưng cụ lại bỏ đấy đưa tay xốc lại giây nịt đeo màu nâu. Khuôn mặt cụ gầy quắt, dễ bị kích động, đôi mắt nhỏ lấp lánh tinh quái của một đứa bé điên rồ. Khuôn mắt cau có vừa van lơn vừa ranh mãnh, cười cười. Cụ hay đôi co, cà khịa, kể những chuyện tục tĩu, vẫn cứ có vẻ dâm đãng như bao giờ. Tai ác như mụn ghẻ, độc địa và nôn nóng như một thằng bé ngỗ ngược, dưới cái vẻ bề ngoài vui nhộn. Mỗi lần có dịp uống là cụ uống cho lòi rốn, lúc nào có thể thì cụ ăn căng bụng, còn thì thiên hô bát sát suốt ngày.

Bà Nội đi lon ton sau ông. Bà vẫn còn sống vì bà cũng dai như đỉa, cũng tàng tàng như ông. Bà giữ vững tư thế của mình với lòng sùng đạo om sòm và tàn bạo, cũng dâm đãng, cũng man rợ như ông Nội. Một ngày nọ, sau một cuộc tụ họp, trong khi bà đang lên cơn xuất thần và lúng búng những tiếng nói khó hiểu, bà nổ vào chồng hai phát súng giật gần mất một nửa phần mông đít. Do đó, ông hết lời ca ngợi bà và thôi không hành bà như trẻ con hành lũ côn trùng nữa. Vừa đi bà vừa kéo váy lên tận đầu gối, miệng thì the thé la khẩu hiệu chiến tranh khủng khiếp.

- Xin chúc tụng thần Chúa Chiến thắng!

Bà Nội và Ông Nội hối hả đi qua sân, bất cứ lúc nào họ cũng ganh nhau, họ mê thích cãi nhau vì cái đó cần cho họ.

Bố và Noah đi phía sau, chậm rãi nhưng đều bước tuy không để bị cách quãng. Noah là đứa con đầu lòng, to cao, khuôn mặt lúc nào cũng có vẻ bình tĩnh. Cả đời, anh chưa hề nóng giận. Lúc thấy người ta nổi giận, anh liếc nhìn họ một cách lạ lùng, lạ lùng và khó chịu, chẳng khác gì người bình thường trước kẻ điên. Noah đi thong thả, nói năng ít và chậm rãi khiến những người không quen biết anh thường tưởng anh đần si. Anh không ngốc, nhưng lạ lùng. Anh không tự ái và cũng không có chút ham muốn thú nhục dục. Anh làm việc, anh ngủ theo một nhịp điệu lạ thường mà hình như anh cho là đủ. Anh yêu người thân, nhưng không bao giờ tỏ ra như vậy. Tuy người ta không thể nói tại sao, người ra vẫn có ấn tượng rằng anh bị méo mó, đầu, thân người, đôi cẳng hoặc đầu óc méo mó nhưng cụ thể thế nào thì người ta không thể nhận ra. Bố thì tin rằng bố biết tại sao Noah lạ thường, nhưng bố xấu hổ và không bao giờ nói ra. Quả vậy, cái đêm Noah sinh, chỉ có một mình bố trong nhà. Thấy vợ với hai đùi dạng ra nom như một tàn vật đang gào la ông kinh sợ phát điên. Dốc cả sức lực của đôi bàn tay, của những ngón tay to khoẻ dùng làm phoóc xép ông lôi và vặn đứa trẻ ra. Lát sau, lúc bà đỡ đẻ tới, bà thấy đầu đứa bé bị trẹo sang bên, cổ nó dài thượt, mình vặn vẹo, bà bèn xoay đầu đúng khớp và nắn lại thân hình. Bố lúc nào cũng nhớ tới chuyện đó và ông thấy xấu hố. Ông dịu dàng với Noah hơn với những đứa trẻ khác. Qua khuôn mặt của Noah, với đôi mắt quá cách nhau và chiếc quai hàm mảnh khảnh, ông tưởng như thấy cái đầu méo mó của đứa bé sơ sinh. Ai yêu cầu làm gì. Noah có thể làm nấy: Anh có thể đọc và viết, tính toán và lao động nhưng hình như chẳng có gì khiến anh quan tâm, anh có vẻ dửng dưng với những ham muốn và nhu cầu của người khác. Anh sống trong một ngôi nhà lạ lùng và lặng lẽ, và anh nhìn đời với đôi mắt bình thản. Với thế giới bên ngoài anh là kẻ xa lạ, nhưng anh không thấy lẻ loi.

Cả bốn người đi ngang sân, ông Nội cứ mải hỏi:

- Nó đâu, mẹ kiếp, nó đâu nào?

Ngón tay của cụ sờ soạng khuy quần, rồi lại quên bẵng, rồi vẩn vơ thọc tay vào trong túi. Chính lúc này cụ thấy Tom ở ngưỡng cửa. Cụ dừng bước, chặn những người kia lại, mắt cụ lấp lánh sự tinh ma.

- Nhìn nó xem. In như thằng treo cổ chưa! Đã cực lâu họ nhà Joad chả có ai ở tù. Nó không làm thế thì chắc tao cũng phải làm. Cái bọn chó đẻ ấy chúng không được quyền? - Trí óc ông cụ nhảy cách - Còn cái thằng già Turnbult, cái lão thối thây ấy mà, lão đã doạ sẽ bắn vào mày lúc nào mày ra tù. Lão nói lão có máu dòng họ Hatficlơ. Đây, tao đã nhắn lão một lời, thế này: "Đừng có mà đụng đến lông chân 3 của một thằng nhà Joad, nhiều lúc tao có thể có dòng máu Mc Coy. Bất cứ ở đâu, hãy thử để mắt rình mò thằng Tom mà xem, tao sẽ móc mắt ra rồi đem nhét vào lỗ đít. Ấy thế mà lão hốt đấy, tịt đấy!"

Bà Nội không theo dõi câu chuyện và lại lè nhè:

- Hoan hô Chúa Chiến thắng!

Ông Nội lại gần, đấm vào ngực Tom, và đôi mắt của người ông nheo lại, yêu thương và kiêu hãnh.

- Cháu thế nào, hả Tom?

- Khoẻ, còn Ông, Ông cảm thấy thế nào?

- Vẫn trơ trơ 4 - Cụ đáp, trí óc cụ nhảy sang một ý khác. - Như tao đã nói mà, Joad, không ai cầm tù họ được. Tao nói: "Rồi các ông xem. Thằng Tommy, nó sẽ lao ra ngoài nhà tù, như con bò mộng phá rào". Mà mày đã biết làm thế rồi. Để tao vào, tao đang đói.

Cụ lách qua, ngồi xuống, tự lấy một đĩa thịt lợn và hai chiếc bánh to, rưới nước sốt đặc lên. Những người khác chưa vào thì cụ đã nhai ngồm ngoàm.

Tom nhăn mặt nhìn cụ, mến thương:

- Dẫu sao, ông Nội vẫn cứ là con quỉ già.

Còn Ông thì mồm đầy căng nên thậm chí không thể ấp úng nên lời, nhưng đôi mắt ti hí ranh ma mỉm cười và ông gật gật cái đầu tán thưởng.

Bà Nội kiêu hãnh nói:

- Độc ác và chửi rủa thì chẳng ai bằng. Lão sẽ cưỡi que cời lửa đi xuống địa ngục cho mà xem. Lão lại muốn lái xe tải nữa đấy, - bà nói khinh khỉnh. - Không à? Lão vẫn chạy đua được.

Ông nội bị nghẹn, thức ăn trong miệng trào xuống cả vạt áo, rồi cụ nổi cơn ho thúng thắng.

Bà nhìn Tom, mỉm cười:

- Tởm chưa, cháu thấy không? Bà nhận xét, mặt mày rạng rỡ.

Noah đang đứng trên bậc, đăm đăm nhìn Tom, nhưng đôi mắt cách xa nhau hình như nhìn ra xung quanh. Khuôn mặt của anh trơ trơ. Tom hỏi:

- Khỏe không anh Noah?

- Khỏe, còn mày?

Chỉ thế thôi, nhưng hởi lòng, hởi dạ.

Mẹ xua ruồi đậu ở liễn nước xốt.

- Không có chỗ để ngồi, - bà nói - mỗi người tự lấy thức ăn, rồi bưng ra đâu đấy mà ngồi. Ngoài trời, trong sân, hay đâu đó, tùy.

Tom nói đột ngột:

- Ờ! Ông mục sư đâu rồi? Lúc nãy ông ấy tới đây mà? Ông ấy đi đâu rồi?

Bố nói:

- Tao thấy ông ta, nhưng ông ta đi rồi.

Bà Nội kêu tướng lên, tiếng the thé:

- Mục sư à? Chúng mày có một mục sư à? Đi tìm ông ta đi. Ông ta sẽ đọc kinh tạ ơn cho chúng ta. - Bà chỉ ông Nội - Lão thì quá muộn rồi. Lão đã ăn xong. Đi tìm mục sư đi nào!

Tom ra trước cửa:

- Ê! Jim! ông Jim Casy. Hê! ông Casy!

Ông mục sư từ dưới bể ló ra và ngồi dậy rồi đứng lên đi lại gần nhà. Tom hỏi:

- Ông làm gì vậy? Ông trốn à?

- Hèm, không. Không. Những chuyện gia đình không liên quan đến ai ngoài. Tao ngồi để suy nghĩ.

- Vào ăn thôi, - Tom nói. - Bà nội muốn đọc kinh tạ ơn.

- Nhưng tao đâu là mục sư nữa.

- Ồ, thôi nào, nói lời tạ ơn cho bà. Chả hại gì đến ông mà bà lại vui.

Họ cùng nhau vào bếp.

Mẹ điềm tĩnh nói:

- Chào quí ông. Xin ông tự nhiên cho.

- Kính tạ ơn trước đã! - Bà Nội kêu to. - Kính tạ ơn đã.

Ông Nội ngồi chú mục vào mục sư với đôi mắt dữ tợn, cho tới lúc nhận ra ông ta:

- Ồ! Đúng là ông mục sư ấy rồi, - ông nói. - Tốt lắm. Từ cái ngày tao thấy ông ta, tao đã thích ông ta rồi.

Ông Nội liếc nhìn một cái hết sức dâm đãng khiến bà Nội tưởng ông đã nói xong, và bà quát lại:

- Im đi! Đồ dê đực, đồ vô đạo!

Casy lúng túng lùa ngón tay vào tóc.

- Tôi phải nói cho gia đình ta rõ, tôi không còn là mục sư nữa. Tôi lấy làm tiếc và rất lấy làm sung sướng được ở đây và biết ơn những người đã có lòng tốt hào hiệp, như thế đã đủ, và đó là những lời tạ ơn cửa tôi. Nhưng tôi không là mục sư nữa.

- Cứ nói đi. - Bà nói. - Mà cũng có vài lời cho chuyến đi California của chúng tôi.

Mục sư cúi đầu và tất cả những người khác cùng cúi đầu. Mẹ chắp tay trước bụng và cũng cúi đầu. Bà Nội nghiêng đầu rất thấp đến nỗi mũ của bà gần chạm đĩa bánh và nước xốt. Tựa lưng vào tường, đĩa cầm tay, Tom đứng cứng đơ và ông Nội thì nghẹo đầu sang bên để có thể vẫn dán một con mắt ranh mãnh và vui nhộn vào mục sư. Trên khuôn mặt ông mục sư, phảng phất vẻ trầm tư chứ không phải cầu nguyện, và trong tiếng nói của ông có cái giọng ước đoán chứ không phải cầu khẩn.

- Tôi đã suy nghĩ, - ông nói. - Tôi đã lui về trong các ngọn đồi để suy nghĩ, có thể nói là như Jesus khi Người đi vào trong sa mạc tìm cách thoát khỏi những phiền muội.

- Xin tạ ơn Chúa! - Bà nói. - Còn ông mục sư nhìn bà với vẻ ngạc nhiên.

- Theo như tôi thấy, hình như Jesus có hàng đống những phiền muội. Người không còn biết đi vào đâu cho thoát, và Người bèn nghĩ: "Tất cả những cái đó dùng làm quái gì? Tại sao cứ phải bàn luận? Cứ phải suy nghĩ?" Người thấy mệt, mệt thật sự và trí tuệ Người kiệt quệ. Đại để đi tới một kết luận: "Vất tất cả cái đó cho quỷ sứ". Thế rồi Người lui vào chốn hoang vu.

- A... men. - Bà lè nhè.

Đã bao năm nay bà đợi những lúc im lặng để nói xen vào những lời tạ ân. Cũng bao nhiêu năm nay, bà nghe người ta nói nhưng bà không chú ý vì nó không có nghĩa gì với bà.

- Tôi không có ý nói tôi cũng như Jesus, - ông mục sư tiếp tục - nhưng tôi cũng như Người, tôi tự mình giày vò mình, tôi cũng có những khó khăn như Người, rồi tôi cũng lui vào nơi hoang vu như Người, không có phương tiện lều trại. Ban đêm tôi nằm ngửa nhìn sao, buổi sáng tôi ngồi và nhìn mặt trời lên, ban trưa từ trên một gò cao, tôi nhìn vùng quê mấp mô và khô ráo, buổi chiều tôi dõi theo mặt trời lặn. Nhiều lần, tôi cầu nguyện như thời xưa tôi vẫn mãi mãi từng làm. Có điều tôi không còn biết rõ nữa, tôi cầu nguyện ai, cầu nguyện cái gì. Có những ngọn đồi đây, và tôi đây, và thế là không bị xa cách nữa. Người ta chỉ còn là một vật duy nhất mà vật đó là thiêng liêng.

- Hallelujha! - Bà Nội nói, và bà khẽ lắc lư trước ra sau để cố gắng xuất thần.

- Tôi bắt đầu suy nghĩ, nhưng không phải chỉ suy nghĩ, còn sâu hơn thế kia. Tôi bắt đầu suy nghĩ rằng người ta chỉ thánh thiện khi là một bộ phận của một tổng thể, nhân loại thánh thiện khi nó chỉ là một vật duy nhất và thống nhất. Người ta mất đi tính thánh thiện duy nhất chỉ khi nào một gã bé nhỏ thảm hại lồng lên rồi bỏ đi tới chỗ nào hắn thích, để rồi đấm đá, co kéo, vật lộn, chính những gã như thế kia hất tung sự thánh thiện lên mây. Nhưng khi họ chung lưng đấu cật mà cùng nhau làm việc, không phải một người, nói như ai nói, được mắc vào cái ách chung... như thế là tốt là thánh thiện! Rồi tôi bắt đầu suy nghĩ, rằng khi tôi nói cái tiếng "thánh thiện" thì thậm chí tôi không biết tôi muốn nói gì. - ông ngừng lại một chút, nhưng những cái đầu đang cúi xuống không ngẩng lên, vì đã được luyện thành thói quen họ chỉ ngẩng lên theo tín hiệu "amen" - tôi không thể nói được lời tạ ơn như đã làm xưa kia. Tôi sung sướng vì sự thánh thiện của bữa ăn này. Tôi sung sướng vì tình thương yêu ngự trị tại đây: Tất cả là thế.

Mấy cái đầu vẫn cúi. Ông mục sư nhìn xung quanh mình:

- Lỗi tại tôi, bữa ăn của gia đình nguội mất. - Rồi ông nhớ ra, ông nói "A men".

Mọi người ngẩng đầu lên.

- A...men - Bà nói, và bà lại tiếp tục ăn, hai hàm lợi rụng hết răng nghiền chiếc bánh ngấm sũng nước xốt.

Tom ăn nhanh còn Bố thì nhồi nhét. Chuyện trò để sau, lúc nào bát đĩa đã sạch ngoét, tách cà phê đã cạn. Người ta chỉ nghe tiếng hàm nhai, tiếng nhấp nháp cà phê trong chặng đường của nó từ môi tới lưỡi. Mẹ nhìn ông mục sư ăn, mắt bà lộ vẻ sửng sốt, dò xét và thông cảm. Bà quan sát ông ta tựa hồ như đột nhiên ông là một thần linh không còn là một con người nữa, tưởng chừng đó chỉ là một tiếng nói vọng ra từ lòng đất.

Đàn ông đã ăn xong, đặt đĩa xuống và uống nốt chỗ cà phê, sau đó họ ra ngoài, Bố và ông mục sư, Noah với ông Nội, rồi Tom và tất cả đi lại phía chiếc xe tải, né tránh đống đồ đạc, thành giường, bộ phận máy thông khí, chiếc cày cũ. Họ đi tận tới chỗ xe tải và dừng lại ở cạnh nó. Họ sờ mó cái thành xe bằng gỗ thông mới.

Tom mở mui xe và nhìn cái động cơ to nhầy mỡ. Bố lại gần anh, nói:

- Trước khi mua nó, em Al mày đã xem xét kỹ. Hắn nói là xe tốt.

- Hắn thì biết gì? Nhóc con mà. - Tom nói.

- Ấy hắn đã làm việc cho một công ty. Năm ngoái hắn đã lái xe tải. Hắn có biết chút ít. Khéo tay lắm. Hoặc xoay xở được. Hắn biết chữa động cơ, cái đó thì chả phải bàn. Tom hỏi:

- Bây giờ hắn đâu rồi?

- Ờ! - Bố nói - còn đang đuổi theo bọn con gái, như con dê động cỡn ấy. Nhưng vì chuyện đó, khéo không nó quị mất. Một thằng bé ranh ma, mới mười sáu tuổi đầu đã ngứa dái. Hắn chỉ thích có hai chuyện: gái và máy móc. Đã một tuần nay nó ngủ lang. Một thằng bé thẳng thắn, tinh khôn!

Tay sờ soạng vào ngực, ông Nội đã có thể cài một khuy áo lót xanh vào một cái khuyết ở chiếc gilê nỉ. Ngón tay của cụ cảm thấy có cái gì đó không ổn, nhưng cụ để mặc, chẳng muốn tìm biết xem sao. Mấy ngón tay lần mó xuống và cố gỡ những rắc rối ở cửa quần.

- Xưa kia tao đốn lắm - cụ nói, vẻ sung sướng. - Đốn mạt cực kỳ. Nói như ai nói, chọc trời khuấy nước. Có lần, có một cuộc gặp gỡ ngoài trời, ở Sallisaw. Hồi ấy là hồi tao còn trẻ, lớn hơn tuổi thằng Al một ít. Thằng Al chỉ là đồ nhãi nhép, non choẹt. Nhưng tao nhiều tuổi hơn. Bọn tao cũng đi họp. Có năm trăm người với một ít bò cái tơ khá ra phết.

- Cháu xem ra thì ông còn ma mãnh lắm, ông Nội ạ, - Tom nói.

- Ấy, đúng thế, một mặt nào thôi. Nhưng thấm gì, so với xưa. Nhưng có điều, cứ cho tao tới California để lúc nào hứng tao có thể hái một quả cam hoặc chùm nho. Được thế là khoái nhất, chả bao giờ chán. Tao sẽ hái một chùm nho to mọng, tao đắp lên mặt ép nát cho nước nhỏ giọt xuống tận cằm.

Tom hỏi:

- Chú John đâu? Mà cũng chả ai nhắc đến Rosashan, Ruthie và Winfield nữa? Chúng đâu rồi?

Bố nói:

- Chả ai biết thế nào. Chú John đi Sallisaw tải đủ thứ đem bán: máy bơm, dụng cụ, gà và mọi thứ mà dạo nọ chúng ta đã mang tới đây, chú đưa Ruthie và Winfield đi cùng. Chú cháu ra đi trước trời sáng.

- Kỳ thật, thế mà con không gặp.

- Vì mày đi theo con đường cái tới. Chú thì đi vòng phía sau, qua Conlington. Còn Rosashan, nó làm ổ ở nhà Connie. Lạy Chúa, chuyện này mà mày cũng chưa hay, Rosashan đã lấy Connie Rivers. Thằng Connie, mày nhớ chứ, hả? Một thằng bé tử tế. Con Rosashan có chửa đã được bốn, năm tháng. Bắt đầu bụng to rồi. Xem ra nó cũng khoẻ.

- Trời, - Tom nói - Hồi ấy Rosashan còn nhóc con, thế mà bây giờ đã sắp có tí nhau. Bốn năm con vắng, nhà có bao nhiêu chuyện. Khi nào nhà ta định đi về miền Tây, hả bố?

- Thế này, ta phải mang tất cả những thứ này đem đi bán đã. Thằng Al mà rứt được bọn con gái ra, thì bố thiết nghĩ, hắn có thể chất đồ lên xe đem đi tất, như thế, có lẽ ngày mai hoặc ngày kia là đi được. Chúng ta không có nhiều tiền, có một thằng cha nói là từ đây tới California phải mất hai ngàn dặm. Đi càng sớm càng tốt, càng chắc tới nơi. Tiền nó cứ luồn qua kẽ tay mà rơi rụng. Con, con có tiền không?

- Chỉ hai ba đô thôi. Làm thế nào Bố có tiền được?

- Thì đấy, nhà ta có gì đem bán ráo. Rồi cả nhà ra sức bóc vỏ bông, cả ông Nội nữa.

- Càng hay chứ sao - ông Nội nói.

- Gom tất cả thảy, được hai trăm đôla. Trả mất bảy mươi lăm đôla cho cái xe kia, thằng Al phải chỉnh lại nồi hơi, nhưng hắn cứ chạy như chó dái. Ra đi, có khoảng trăm năm mươi đô la. Mấy cái lốp chết toi kia sẽ chẳng chịu được lâu. Có hai chiếc để thay nhưng chả ăn thua. Dọc đường, sẽ kiếm chác được gì đó.

Mặt trời phóng xuống những tia nắng nóng bỏng. Bóng chiếc xe tải mang hình những vạch đen trên đất từ xe bốc ra mùi dầu nóng, mùi vải láng dầu và sơn. Mấy con gà con đã rời sân vào nấp ở kho dụng cụ để tránh nắng. Trong chuồng, đàn lợn dán mình vào hàng rào tìm chút bóng râm trên nền, thở hồng hộc và thỉnh thoảng lại kêu ủn ỉn. Hai con chó nằm dài trong đám bụi đỏ phía dưới chiếc xe, thở hổn hển, cái lưỡi thè lè lấm bụi bê bết. Bố xập mũ xuống mắt và ngồi xổm xuống. Bình thường, thì Bố ngồi như vậy để suy nghĩ và quan sát, ông xem xét Tom, chiếc mũ mới đã có vẻ như cũ của anh, quần áo và đôi giày mới của anh.

- Những thứ này mày bỏ tiền ra sắm đấy à? Ông hỏi - chỉ tổ vướng cho mày thôi.

- Họ cho con đấy chứ, Tom nói, - Cho con khi con được tha.

Anh cất chiếc mũ cát két, ngắm nhìn nó một cách thích thú rồi đưa nó thấm thấm lên trán, rồi một cách ngang tàng, anh đội nó lên rồi kéo sụp lưỡi trai xuống.

Bố nhận xét:

- Họ cho mày đôi giày đẹp thật.

- Vâng... đẹp thì đẹp thật nhưng giày này đâu có phải thứ để đi lượn khi trời nóng. Anh ngồi xổm cạnh bố.

Noah chậm rãi nói:

- Nếu làm xong thành xe thì Tom có thể chất hết đồ lên được. Như thế thì thằng Al về...

- Nếu nhà muốn, con có thể lái được, ở Mac - Alester con đã lái xe tải.

- Tốt, - Bố nói, mắt ông chăm chú nhìn lên đường - Tao mà không nhầm thì chàng hề bảnh bao đang cúp đuôi về đó kia. - Nom còn phờ phạc ra nữa.

Tom và ông mục sư ngước mắt nhìn ra đường. Thấy họ nhìn mình, thằng Al - tay chuyên môn cưa gái - bèn chỉnh đôi vai lên cho thật thẳng rồi khệnh khạng bước vào sân, vênh váo như con gà trống chuẩn bị gáy. Là đứa tự phụ, hắn chỉ nhận ra Tom lúc đứng sát gần, nét mặt kiêu kỳ của hắn thay đổi nhưng chỉ có sự ca ngợi, sự sùng kính lấp lánh trong đôi mắt, và hắn thôi không làm bộ làm tịch nữa. Chiếc quần cứng đờ, gấu bẻ lên để phô đôi ủng có gót, chiếc thắt lưng rộng ba đốt khảm những khuy đồng, ngay cả những dây thun đỏ thắt lấy những tay áo của chiếc sơ mi xanh và cái góc ngạo nghễ của chiếc mũ phớt - tất thảy những thứ đó không nâng hắn lên ngang tầm anh hắn được. Chả là anh hắn đã giết người, mà gì chứ cái đó thì chả ai quên. Al cũng biết là nó cũng đã khiến bạn bè cùng lứa tuổi hắn phải thán phục phần nào, bởi vì anh hắn đã giết chết một con người. Ở Sallisaw, hắn nghe người ta chỉ chỉ trỏ trỏ hắn: "Thằng Al Joad đấy. Thằng anh hắn đã giết một thằng cha bằng một nhát xẻng đấy"

Al nhún nhường bước lại gần anh, và hắn thấy rằng anh hắn không còn là một gã nghênh ngang như hắn tưởng. Al nom thấy đôi mắt sầm tối và đăm chiêu của anh, cái điềm tĩnh của nhà tù, khuôn mặt đanh và lỳ đã quen tập dượt không để lộ cho bọn gác ngục thấy bất cứ gì tỏ ra là chống đối hoặc quị luy. Ngay tức thì, Al đổi khác; một cách cố tình hắn cũng trở thành như anh hắn, khuôn mặt duyên dáng của hắn trở nên suy tư, đôi vai giãn xuống. Hắn không nhớ ra cái dáng điệu bề ngoài của Tom trước kia.

Tom nói:

- Chào Al. Mẹ kiếp, mày nhớn tướng rồi! Dễ chừng tao không nhận ra mày nữa.

Al mỉm cười, tay sẵn sàng chìa ra để bắt tay Tom. Tom chìa bàn tay và bằng một cử chỉ đột ngột, Al nắm lấy tay anh. Giữa hai gã đàn ông tình thương đã bền chặt.

- Bố nói với tao là mày sành sỏi về xe tải, - Tom nói.

Cảm thấy rằng anh mình chả ưa một thằng khoác lác, Al nói:

- Em chẳng biết mấy nỗi đâu, sơ sơ thôi, anh ạ.

Bố nói:

- Mày ăn diện vào đi loè khắp xứ. Nom phờ ra rồi đấy. Dẫu sao, mày cũng phải chở một chuyến đồ đem bán ở Sallisaw.

Al nhìn anh:

- Anh có thích đi cùng không? - Hắn nói, cố làm ra vẻ bâng quơ.

- Không, không thể được. Tao phải ở lại để giúp việc nhà. Khi nào ra đi, chúng ta sẽ họp mặt.

Al cố kìm một câu hỏi:

- Có phải... có phải... Anh vượt ngục?

- Không, tao đã hứa nên họ tha.

- Ra thế! - Al nói, hơi bị hẫng.

Chú thích

1. Nguyên văn: ông lão xảo quyệt.

2. Một thanh niên sống ngoài vòng pháp luật.

3. Nguyên văn: đừng có làm mất thì giờ.

4. Nước tiểu và dấm thanh - chúng tôi tạm dịch vì chưa hiểu thành ngữ này.