Nghe tiếng gọi tôi giật mình, ngoái đầu quay lại. Nhận ra người đang ngồi trên chiếc xe máy đuổi theo tôi là Toàn. Thì tôi tảng lờ coi như không biết, kéo ga phóng nhanh hơn. Toàn thấy thế cũng không bỏ cuộc, anh ta điên cuồng bấm còi inh ỏi quyết đuổi kịp tôi. Cuối cùng tôi sợ xảy ra tai nạn, phải giảm ga đứng nép vào ven đường.

- Anh gọi tôi làm gì?

- Em cứ bình tĩnh, anh chỉ muốn nói lời xin lỗi với em thôi. Lúc đó anh nóng quá hóa dại, không kiềm chế được mới đuổi em đi. Vài ngày sau bình tĩnh định sang xin lỗi em, nhưng mẹ bảo em lên Hà Nội sống với chị gái rồi.

Tôi cười khinh bỉ:

- Anh cũng tử tế quá nhỉ?

- Anh biết mình sai rồi. Giờ anh hối hận lắm, nửa năm qua anh sống không bằng chết. Nhưng nay em quay về rồi thì tốt quá.

- Thực ra tôi định chào hỏi anh vài câu, coi như chỗ người quen. Thế mà anh làm tôi kinh tởm quá. Cái gì mà có lỗi mới biết lỗi rồi. Sao cái lúc anh đuổi tôi đi như con chó, anh không nghĩ lại đi? Rồi cả những trận đánh, tím hết mặt mũi anh trả được tôi không? Mẹ anh sỉ vả, chửi bới cả nhà tôi anh giúp được câu gì?

- Anh biết anh sai, nhưng em không thể vì tình nghĩa cũ bỏ qua cho anh một lần sao?

- Bỏ qua cho anh, ai bỏ qua cho tôi? Con người hơn nhau ở cái nhận thức. Sai lầm lớn nhất của tôi, trong bao nhiêu năm qua là đồng ý lấy anh. Không phải nói nhiều nữa, đường ai người đấy đi. Không cho nhau được hạnh phúc, thì đừng dày vò nhau.

- Không. Anh biết em còn yêu anh mà. Em không thể thay đổi nhanh như vậy được?

Tôi nghe xong lời ảo tưởng của anh ta, mà không nhịn được cười:

- Yêu ai...yêu anh á? Anh có đang bình thường không? Kể từ cái ngày anh vứt nhẫn cưới xuống vệ đường, thì tôi và anh xác định sẽ không bao giờ liên quan đến nhau nữa rồi. Cuộc sống của tôi bây giờ rất tốt, rất ổn định, anh làm ơn tránh xa tôi ra.

Hai mắt Toàn bắt đầu đỏ ngầu, tay thì nắm chặt lại. Thể hiện cơn giận dữ chuẩn bị phát tác:

- Có phải cô lên thành phố kiếm được thằng khác ngon hơn tôi? Nên cô không muốn quay lại với tôi nữa không?

- Phải thì sao? Không phải thì sao? Anh lấy quyền gì mà can thiệp vào chuyện của tôi?

Toàn tức điên, lao đến nắm chặt tay tôi.

- Cô nói lại lần nữa xem nào?

Tôi vùng vẫy thoát khỏi tay Toàn, mà không thành:

- Anh bỏ tôi ra, anh muốn làm gì?

- Cô được lắm, tôi không bỏ qua cho cô đâu. Rượu mừng không uống, muốn uống rượu phạt thì thằng này cũng không ngại tiếp.

- Anh không bỏ ra, không tôi kêu lên đấy.

- Cô kêu đi, tốt nhất là kêu cho thật nhiều người nghe thấy. Cô bỏ chồng theo trai thế nào?

Thực sự lúc này tôi không nhịn nổi nữa, máu nóng trong người cứ hừng hực lên. Bằng mọi giá phải thoát khỏi tên điên này. Nói thì lâu chứ làm thì nhanh lắm, nhân lúc Toàn không để ý, tôi cúi đầu xuống cắn mạnh vào tay anh ta. Mồm không ngừng la hét thất thanh:

- Bỏ tôi ra...bỏ ra mau...

Toàn bị đau bất ngờ, lại không lường trước được tôi dám kêu lên thật. Mọi người đi đường bắt đầu đi chậm lại, nhìn về phía tôi. Không còn cách nào khác Toàn phải thả tay tôi ra. Lườm tôi cảnh cáo, rồi mới lên xe phóng đi mất.

Trước khi đi vẫn không quên hăm dọa:

- Cứ chờ đấy xem tôi làm gì.

Tôi đáp lại anh ta bằng ánh mắt hả hê, khoái chí. Rồi cũng lên xe mang cá về nhà.

Trưa hôm đó ba mẹ con ngồi ăn uống quây quần bên nhau. Trên mặt ai cũng phảng phất nụ cười rạng rỡ. Đôi khi tôi thấy cuộc sống lạ lắm, luôn có một liều thuốc tinh thần giúp ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Đó là gia đình.

Gần tối tôi lại đi mời mấy chú, mấy bác bên nội mai sang cúng giỗ bố tôi. Ông bà nội tuy không nhận mẹ con tôi, nhưng mấy năm nay đã cho các con qua lại. Mẹ tôi bảo bố mất là nỗi đau quá lớn, người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh. Thế gian chẳng còn nỗi đau nào chua xót hơn. Nên ông bà nhất thời chưa chấp nhận được, cứ từ từ để thời gian trôi qua khi nào ông bà đồng ý chấp nhận ba mẹ con cũng được.

Một vòng làng kết thúc về đến nhà cũng hơn 7h. Tôi thấy mẹ đang ngồi chờ cơm:

- Mẹ ơi chị Hòa đâu?

- Nó ra ngoài đi chơi với bọn cái Liên rồi, con rửa tay nhanh lên còn vào ăn cơm.

- Vâng ạ. Con lấy thêm cái mâm để phần chị ấy.

- Không cần đâu, chắc chúng nó lại rủ nhau đi ăn uống ấy mà.

Tôi nghe mẹ nói thế cũng không tiếp lời nữa. Tính chị Hòa thế nào hai mẹ con đều rõ. Nên lúc sáng nay tôi gặp Toàn, về nhà có dám ho he câu nào đâu. Sợ chị biết chuyện, lại sang nhà Toàn làm um lên cho mà xem. Tôi không bênh Toàn, nhưng càng không muốn anh ta dây dưa gì đến gia đình tôi.

Hai mẹ con ăn uống, dọn dẹp xong xuôi. Hơn 9h tối, tôi chuẩn bị tắt đèn lên giường đi ngủ thì Thiện gọi đến. Màn hình điện thoại nhấp nháy không ngừng, nhìn tên người gọi tôi bất giác nở nụ cười:

- Em nghe đây.

- Về nhà mới mẹ có nhớ anh không?

- Cũng bình thường thôi, không nhớ lắm.

Thiện "hừ hừ" trong điện thoại:

- Mất công anh cho nghỉ hẳn 3 ngày, không cái dại nào bằng cái dại nào.

Tôi cười như nắc nẻ, trong mơ cũng không nghĩ rằng sẽ có ngày Thiện nói chuyện với mình bằng giọng điệu này.

Tiếng chị gái lỉnh kỉnh mở cửa, tôi vội vàng tắt điện thoại giấu xuống chăn. Mặt nham nhở:

- Chị về sớm vậy?

- Sớm gì giờ này? Nhìn đồng hồ xem nào? Mải nói chuyện với ai thì cứ nói đi còn giả vờ, giả vịt...

- Em nói chuyện với chị làm cùng ý mà, hỏi xem nhà hàng nay đông khách không?

- Mày về giỗ bố còn hỏi nhà hàng đông khách làm gì? Nói dối cũng không biết đường nói dối, đòi lừa được tao.

Tôi á khẩu không cãi được chị, đành trùm chăn kín đầu đánh một giấc ngon lành.

Sáng hôm sau ba mẹ con ai cũng dậy thật sớm, mỗi người một việc. Chờ đến lúc các bác, các chú bên nội sang đông đủ, sắp cơm lên cúng bố là vừa.

Nhưng chẳng hiểu sao, hơn một tiếng sau cả nhà vừa mới hạ mâm cơm xuống còn chưa kịp ăn thì Toàn tự nhiên phóng xe máy vào giữa sân nhà tôi. Miệng hô rõ to:

- Con chào cả nhà. Hôm nay giỗ bố vợ con mà sao chẳng thấy ai nói với con câu nào thế?

Mẹ tôi đang ngồi nói chuyện với thím, đứng vội dậy:

- Anh sang đây làm gì? Nhà tôi không chứa chấp anh đâu, anh về đi.

- Ơ kìa mẹ. Nói gì thì nói chứ con vẫn là con rể mẹ mà. Ngày giỗ bố, mẹ đuổi con về, mẹ không sợ làng xóm họ cười vào mặt cho à?

- Họ có cười, cũng là cười tôi. Không liên quan đến anh.

- Không là không thế nào? Mẹ bao che cho vợ con trốn lên Hà Nội đàn đúm cả nửa năm nay, giờ còn đứng đây chửi con.

- Tôi nhịn anh lâu lắm rồi đấy. Cái ngày anh đưa con Hoài về tôi đã nói thế nào? Anh chưa quên chứ? Con gái tôi không phải vàng bạc thì cũng là máu mủ, ruột già của tôi. Chứ không phải bịch rác mà anh muốn vứt thì vứt, muốn nhặt thì nhặt. Nhân lúc tôi còn đang nói chuyện tử tế, anh về đi thì hơn.

Tôi nghe lời mẹ nói, không xót một từ nào. Sống mũi theo đó cũng bắt đầu cay. Vì sao đến giờ mẹ vẫn còn khổ vì tôi thế này?

Còn Toàn nữa, những gì anh ta gây ra cho tôi còn chưa đủ sao?

Chẳng lẽ lời anh ta nói hôm qua "không để tôi yên" là thật?

Vậy thì cũng đừng trách tôi cạn tàu ráo máng.

Tôi lao ra giữa sân, đứng ngay cạnh mẹ, hai mắt trừng trừng:

- Anh uống say muốn nổi điên thì về nhà anh mà phá phách, sang nhà tôi làm gì? Định ăn vạ à?

- Tôi chưa say. Tôi không say, cô có hiểu không?

Mùi rượu nồng nặc theo lời anh ta nói làm tôi khó chịu vô cùng. Không hiểu sao mấy năm trước, đầu tôi có vấn đề gì mà cứ u mê lao vào anh ta?

Tôi kéo mẹ lùi về phía sau mấy bước:

- Chuyện gì nên nói, trưa hôm qua tôi cũng nói rõ ràng hết rồi. Hôm nay giỗ bố, tôi không muốn nói nhiều mời anh biến đi chỗ khác cho khuất mắt tôi, không thì đừng trách tôi ác.

Toàn không nghe càng gào to hơn:

- Cô bồ bịch, đĩ thõa với bao nhiêu thằng trên Hà Nội. Giờ về đây đòi phủi sạch quan hệ với tôi á? Tôi cho cô biết, cô đừng có mơ.