Khi đã sát giờ hết métro, tôi và Bình cáo từ mọi người ở buổi "họp xóm" quay về khách sạn. Chủ nhà Tú Cam còn gói ghém cho tôi đem về một giỏ thức ăn Việt Nam. Hầu hết những anh chị khác ở lại tá túc, ngủ qua đêm tại nhà anh luôn.

_ Hình như anh có vô tình nói gì đó làm em buồn phải không? – Tú Cam tỏ vẻ áy náy – Em thông cảm, anh giờ chỉ là một anh bán chả giò, suốt ngày vùi mặt vô chảo dầu, anh trở nên vô duyên và kỳ cục. Có gì em bỏ qua nhe. 

_ Em có buồn gì đâu, gặp lại mấy anh chị vui lắm mà – Tôi cười sượng – Lần "họp xóm" tiếp theo mình về Sài Gòn đi, đến nhà em nhe, cho có không khí Tân Định. Mình rủ thêm mấy anh chị khác đang ở Mỹ luôn. 

_ Ờ, anh thực lòng mong sẽ lại có lần "họp xóm" tiếp theo ở Sài Gòn. Chắc là sẽ vui kinh khủng nếu nhân dịp đám cưới của em – Tú Cam nói xong thì tự bụm miệng – Ý anh là đám cưới của em thôi, còn em cưới ai thì không quan trọng. 

_ Em dù sao cũng còn trẻ - Chị Oanh nắm tay tôi chân thành – Lại thành đạt nữa. Em nên lập gia đình, em xứng đáng hưởng hạnh phúc trọn vẹn hơn mấy anh chị. Nói gì thì nói, không ai chối cãi được là em thành công nhất trong cái nhóm người lỡ dở đủ thứ này. 

_ Em rất giỏi – Anh Tín Húc góp lời – Em sống ở Việt Nam mà thành đạt gấp mấy những người ở nước ngoài như tụi anh. 

_ Nhìn em – Anh Tuấn Lụi thở dài – Tụi anh thấy xấu hổ và tự ti lắm. 

_ Mấy anh chị à – Tôi nhìn mọi người chân thành – Công bằng mà nói, em ở lại Việt Nam có nhiều lợi thế hơn các anh chị. Vì là công dân Việt Nam, chỉ cần phấn đấu một chút, em được đi du học và tu nghiệp. Ngành Y lại là một ngành được các chính phủ nước ngoài ưu tiên muốn giúp đỡ Việt Nam. Em thì giỏi ngoại ngữ nữa, nên được nhận hết học bổng này đến học bổng khác. 

_ À thì ra em đi du học miễn phí, không tốn tiền học như các anh chị dù rằng cũng được hưởng nền giáo dục tiên tiến – Chị Oanh gật gù – Mấy người ở châu Âu còn học trường công, ít tốn kém. Chứ những ai ở Mỹ như Bình Bảnh nè, phải mượn tiền học đại học rất cao. Bên Mỹ mà học Y thì mắc khủng khiếp lắm. 

_ Học xong em quay về Việt Nam, giai đoạn đó các công ty ngoại quốc vào Việt Nam đầu tư rất nhiều mà số người địa phương có khả năng ngoại ngữ và bằng cấp ở châu Âu thì lại hiếm – Tôi giải thích tiếp – Thế là mặc nhiên em được các công ty đa quốc gia trải thảm đỏ mời. 

_ Em không bị cảnh đi xin việc khó khăn, em không bị cạnh tranh khốc liệt ở thị trường lao động như các anh chị - Anh Tú Cam thở dài – Anh cũng từng đi làm thuê trong một công ty lớn, nhưng cuối cùng chịu áp lực không nổi vì tụi đồng nghiệp ăn hiếp quá, anh về làm ông chủ bán chả giò luôn. Có tiền, nhưng không có địa vị xã hội. 

_ Khi làm việc cho mấy công ty đa quốc gia ở Việt Nam, bé An có lợi thế "đá trên sân nhà" – Tín Húc gật gù – Họ là những ông chủ ngoại quốc cần nhân viên địa phương giỏi nghề. Họ đến Việt Nam làm việc nên tôn trọng người Việt Nam. 

_ Chắc các sếp của em lúc nào cũng quý mến em, họ chỉ biết lắng nghe và hỗ trợ những gì em đề ra – Anh Tuấn Lụi thêm vào – Còn các anh chị đi làm ở xứ người chắc chắn bị chèn ép hơn rồi. 

_ Mấy anh chị thấy rồi đó – Tôi nhún vai – Em có tài cán gì đâu, chẳng qua mấy anh chị mới là người chịu nhiều thiệt thòi hơn khi phải làm lại từ đầu ở xứ người. 

_ Tụi anh vẫn cứ nghĩ – Anh Tú Cam buồn buồn – Mình là người dứt áo ra đi, được sang ngoại quốc sống thì phải làm sao hơn người còn ở lại. Đúng là so với em, tụi anh cũng lỡ dở đủ chuyện. 

_ Bù lại, các anh chị sống ở châu Âu thì có lợi thế mà không cần nói ra thì ai cũng biết – Tôi nắm tay Tú Cam chân thành – Như phúc lợi xã hội cao, môi trường sống trong lành, nhiều chương trình về văn hóa phong phú, nhất là các chính sách chăm sóc sức khỏe thì tuyệt vời. 

Mọi người như được khơi thêm một chủ đề mới, nhao lên phát biểu hăng hái. Tôi ra hiệu mình phải về vì trễ rồi, nếu chậm tí có thể hết métro. Thật ra tôi biết chủ đề sống ở đâu là tốt nhất không bao giờ có kết luận đúng đắn. Mỗi người có một lý do riêng để ra đi. Ở đâu cũng có những điều hay và dở khác nhau. Tùy vào hoàn cảnh và sở nguyện của mỗi người mà thôi. Chúng tôi chia tay nhau bịn rịn, ai cũng hứa lần "họp xóm" tiếp theo phải là ở Sài Gòn. 

Bình rảo bước bên tôi với vẻ mặt không được tự nhiên. Trên métro anh cố trò chuyện cho không khí bớt xa cách. Bình nói có thể tôi vẫn còn ở lại xóm cũ, vẫn ở lại Sài Gòn, vẫn được nói tiếng Việt hằng ngày nên tôi không thấy quá quý trọng tình cảm với những bạn bè hàng xóm thời đó. Đối với những người lìa xa Sài Gòn, bỏ lại sau lưng những kỷ niệm tuyệt đẹp của một thời thơ ấu và tuổi trẻ như Bình mới thấy hết ý nghĩa của lần "họp xóm" kỳ này. Sài Gòn thời đó con nít trong xóm chơi với nhau thân thiết như anh em, cùng xem chung những bộ phim hiếm hoi, cùng chơi với nhau những trò chơi tập thể ngoài đường, cùng lớn lên trong giai đoạn thiếu thốn. "Anh chưa từng có nhóm bạn nào thân thiết như những người bạn cùng xóm thời đó" – Bình vẫn còn vương vấn buổi họp xóm – "Em thấy tụi thằng Tú Cam đó, cứ tha hồ nói giỡn và nói bậy thoải mái." 

Tôi đang còn bực Tú Cam vì cụm từ "xếp hàng nạp mạng", giờ Bình vô tình làm tôi khó chịu hơn. Tôi nhìn anh bằng ánh mắt lạnh lùng, không đáp lại lời nào. Bình biết tôi không muốn trò chuyện nên cũng không cố gắng làm không khí vui vẻ hơn. Chúng tôi cứ thế im lặng ngồi métro rồi đổi mấy chuyến dài, cùng im lặng rảo bước từ trạm métro về đến Citadines Montmartre.  

Khi chúng tôi đóng cánh cửa căn hộ lại sau lưng, tôi bỗng ao ước đây chính là căn hộ thật sự của mình, là tổ ấm của tôi và người đàn ông tôi muốn gắn bó trọn đời chứ không phải chỉ là một kỳ hẹn hò vài ba ngày. 

Bình nhường cho tôi vào tắm trước rồi ra salon xem TV. Khi nước từ vòi sen chảy xuống cơ thể tôi, rũ sạch những ý nghĩ muộn phiền và mệt mỏi, tôi chợt có được câu trả lời cho câu hỏi "Vì sao tôi chưa có chồng?". Tôi đã luôn bị giằng xé bởi những giá trị truyền thống, và tính thực tế của cuộc sống hiện đại, giữa văn hóa có phần khắc nghiệt của Việt Nam và tính nhân văn đối với phụ nữ của phương Tây. 

Tôi đã được nuôi dạy với tất cả những kiêu kỳ mà một phụ nữ Việt Nam cần phải có. Tôi được nhồi nhét con gái phải có lòng tự trọng, phải biết giữ gìn ý tứ, phải để cho con trai chinh phục khó khăn. Nhưng khi đi du học rồi làm việc thường xuyên với người phương Tây, tôi cũng bị ảnh hưởng tính bình đẳng. Khi yêu thì phụ nữ có quyền tỏ tình trước và chuyện hai người yêu nhau ngủ với nhau là điều hết sức bình thường. 

Những năm tôi còn trẻ, tôi luôn bị mẹ nhồi sọ ý nghĩ "Làm con gái mà không biết giữ gìn, bị con trai lợi dụng rồi rêu rao thì ráng chịu. Xã hội luôn lên án những đứa con gái bị thất thân, còn con trai không bao giờ bị quy trách nhiệm". Tôi thấy con trai Việt Nam độc ác nhất trần đời. Còn mấy bà già cay nghiệt với những cô gái trẻ thiếu may mắn trong tình yêu cũng ác độc không kém. 

Vì thế, tôi luôn có khuynh hướng thích kết bạn với người phương Tây nhiều hơn là người Việt Nam khi đi du học ở nước ngoài. Tôi cũng có vài mối tình với bạn trai ngoại quốc. Tôi thấy họ không bao giờ làm cái chuyện "rêu rao" đáng khinh. Nhưng khi yêu họ, tôi cũng không hoàn toàn thoải mái vì hai nền văn hóa quá khác nhau. Tôi luôn có cảm giác không hiểu hết họ và bất an không hiểu họ nghĩ gì về mình. Như lần trong khách sạn ở Chicago với John, tôi vừa muốn sống như bản năng của người phương Tây, vừa muốn được chinh phục theo kiểu như người Việt Nam. Rốt cuộc, tôi đã xử sự khó hiểu và vẫn còn thấy sượng sùng khi nhớ đến John. 

Suốt những năm tháng qua, tôi chờ đợi lấy một người chồng phải là Việt Nam nhưng có tinh thần cấp tiến, văn minh và tôn trọng phụ nữ như người phương Tây. Và dĩ nhiên là người đó không có thực, không hề hiện hữu. Và càng lớn tuổi, tôi càng trở nên bối rối, và càng bối rối, tôi càng có những suy nghĩ và hành động khó giải thích. Mà tôi cứ muốn đưa cảm xúc vào bảng tính excel để tính toán cẩn thận, tôi cứ muốn bỏ cảm xúc vào bình hóa học để nghiên cứu kỹ lưỡng trong phòng thí nghiệm. 

_ Hello! – Bình gõ cửa phòng tắm – Em có ngủ trong đó không vậy? Anh nghĩ ngủ trong phòng sẽ thoải mái hơn đó. 

_ Em vẫn đang tắm mà! - Tôi giật mình – Chờ một chút. 

_ Tắm gì cả tiếng đồng hồ. Hơn nửa đêm rồi em! – Giọng Bình mệt mỏi – Ra đi cho anh còn vô chứ. 

_ Hay anh vô tắm chung! – Tôi cố khôi hài cho không khí bớt căng thẳng. 

Tôi không nghe Bình trả lời. Có thể anh nghĩ không nên dính dáng gì đến một người khó hiểu như tôi nữa. Tôi nhớ ngày xưa, dù ba tôi giỏi tiếng Pháp, tôi luôn phớt lờ điều đó để tìm cớ sang nhờ Bình giảng bài. Tôi tỏ thái độ quấn quít, say mê Bình rồi bày đủ thứ chuyện để được chạy tới chạy lui nhà anh. Anh không bao giờ dám nói một lời nào đưa đẩy hay tìm cơ hội đụng chạm vào người tôi. Nếu tôi tình cờ sang nhà Bình vào lúc anh đang ở trần lau nhà thì anh tức khắc lấy áo mặc vô. Thậm chí, khi tôi sang nhà anh lúc nhà vắng người, Bình đều ý tứ đề nghị chúng tôi ra sân ngồi. Ra sân, tức là bàn dân thiên hạ đều nhìn thấy chúng tôi chỉ đang cầm sách vở trên tay, để miệng đời dị nghị của bà con lối xóm không đoán già đoán non, làm ảnh hưởng đến danh dự của tôi. Và dù luôn đứng đắn trong cư xử, không phải là tôi không cảm nhận được Bình yêu mến tôi, dành cho tôi một tình cảm khác lạ. 

Rồi chúng tôi hẹn hò và gặp lại ở Paris sau gần hai mươi năm dài xa cách. Giờ tôi có còn là một cô bé mười tám tuổi nữa đâu mà bắt Bình phải nâng niu chinh phục từ từ. Lẽ ra tôi nên ý thức mình không còn là một thiếu nữ đôi mươi và đừng đạo đức giả với đàn ông, miệng thì cứ "em chả, em chả" mà trong lòng thì đã "em chịu, em chịu" lắm rồi. Tôi nên làm lành với Bình vì thái độ hờn dỗi của mình sau khi Tú Cam lỡ dùng từ "xếp hàng nạp mạng". Ừ thì tôi say mê Bình, tôi yêu anh, tôi chỉ cần đến với anh và được anh hứa sẽ đón tôi ở San Francisco. Tôi cần gì một lời cam kết thề non hẹn biển. 

Khi tôi chui ra khỏi nhà tắm, Bình đã ngủ gục trên ghế sofa. Trông anh ngủ rất bình yên, vầng trán cao thanh thản, môi như đang mỉm cười. Bình đẹp trai hơn bao giờ hết. Tôi lấy máy chụp hình chụp lén làm anh thức giấc. Tôi nói sẽ đưa hình này lên facebook để cả thế giới biết tôi đang ở gần anh, đang rất thân mật với anh, và đang rất hạnh phúc. 

_ Thôi đừng giống tuổi teen thích chém gió trên facebook nữa – Bình phì cười – Nếu anh nhớ không nhầm em đã giấu cả thế giới sang Paris hẹn gặp anh. Và lúc "họp xóm" em luôn lúng túng đánh lạc hướng nếu có ai đề cập đến việc em và anh ở chung phòng khách sạn. 

_ Nhưng giờ thì em không giấu giếm gì hết – Tôi sượng sùng – Em đâu còn tuổi vị thành niên. 

_ Hồi đó ở Sài Gòn em cứ "quấy rối" anh thoải mái, hồn nhiên chạy sang nhà anh với cái áo đầm mặc nhà mong manh – Bình lắc đầu cười – Anh cố ra vẻ quân tử làm ngơ mà cả người cứ nóng bừng lên khổ sở. 

_ Anh đã làm ngơ được như thế thì sao không làm ngơ cho trót. Trước khi lên máy bay anh còn chở em đi lòng vòng ngoài Sài Gòn làm gì. Lại còn bắt em phải ôm anh từ đàng sau – Tôi bật cười nhưng lòng đầy ấm ức – Anh có biết là vì vậy mà em điêu đứng cho tới bây giờ không? 

_ Để anh kể em nghe – Mắt Bình sáng long lanh dưới ánh đèn vàng – Anh vừa mới có một giấc mơ rất ngộ, rất mắc cười khi ngủ gục chờ em tắm. 

_ Anh mà cũng biết nằm mơ? – Tôi nhướng mày – Em chưa bao giờ nghe anh nói về những giấc mơ của mình. 

_ Anh mơ thấy hồi hai đứa mình còn ở Sài Gòn, còn là hàng xóm của nhau – Bình mỉm cười dịu dàng – Anh thấy mình cùng đi xem phim ở rạp Văn Hoa. Và anh đã hôn em trong bóng tối. Cảm giác rất thật. Em và anh hôn nhẹ nhàng và dịu dàng, không "đớp cắn" bạo liệt nhau như bây giờ. 

_ Ủa, mơ vậy thì có gì mà mắc cười? – Tôi ngạc nhiên – Em mơ thấy cảnh đó hoài. 

_ Mắc cười là vì suốt những năm tháng qua khi xa cách nhau, dù thỉnh thoảng nhớ về Sài Gòn là anh nhớ em quay quắt, nhưng anh lại chưa bao giờ mơ thấy em – Bình nói nửa đùa nửa thật – Nhưng giờ ở gần nhau thì lại mơ thấy em. Anh nghĩ, giờ mới là lúc anh yêu em thật sự. Lại đây với anh. 

_ Anh chưa thay đồ ra hả? – Tôi đề nghị - Vậy mình ra phố, lên đồi Montmartre đi. 

_ Chi vậy? – Bình bất giác rùng mình – Lạnh thấy mờ, đang ở trong nhà ấm áp không chịu. 

_ Lên đồi Montmartre, vô mấy con hẻm nhỏ có hàng cột đèn, lãng mạn vậy hôn nhau mới sướng – Tôi phấn khích hét to – Khi phát hiện mình vẫn còn có thể yêu, ở tuổi này, thì người ta dễ có những hành động điên rồ. 

_ Và sến nữa! – Bình lắc đầu cười. 

Anh chồm dậy đến hôn tôi đắm đuối. Trong vòng tay của Bình, tôi thấy mình chỉ nên sống đơn giản với cảm xúc, đừng để lý trí phá hỏng những giây phút ngọt ngào của tình yêu. Và chúng tôi không kịp ra phố, lên đồi Montmartre lãng mạn để hôn nhau cho sướng nữa. 

Ở đây tôi thấy đủ sướng rồi. 

Người ta phong cho Paris là kinh thành ánh sáng, là kinh đô thời trang, là trung tâm văn hóa. Nhưng với tôi giờ đây Paris là thành phố của tình yêu. Có nơi nào trên thế giới phù hợp với những người yêu nhau như Paris? Nhất là những người đó biết tiếng Pháp và đi đến đâu cũng có thể cùng hát nho nhỏ một đoạn tình ca hoặc cùng nhau đọc một vần thơ Verlain. Tôi nhận ra bao năm nay tôi tưởng cảm xúc lãng mạn của mình đã chết khi cố gắng lạnh nhạt giành giựt địa vị trong xã hội. Nhưng bên Bình, tôi ngạc nhiên thấy mình vẫn còn lãng mạn như một cô gái tuổi đôi mươi. 

_ Anh không ngờ em sến dễ sợ - Bình hay nhìn tôi cười trêu chọc – Anh cứ tưởng mình bị hãng Apple làm khô khan tình cảm, giờ anh cũng bày đặt sến theo em. 

_ Không ngờ anh vẫn nhớ được thơ của Verlain nữa – Tôi cũng hay trêu lại Bình – Anh nói tiếng Pháp nghe văn hoa quá, chia động từ từng chút, mấy cô hầu bàn trong quán khiếp hãi luôn. Chắc họ tưởng anh là tầng lớp quý tộc nào đó. 

_ Tiếng Pháp thời bây giờ đơn giản hơn hồi đó anh được học – Bình cười phân bua – Thời buổi gì mà người nói trúng lại bị người nói trật cười vậy nè! 

_ Nếu anh thích tiếng Pháp và mơ được đến Paris – Tôi vẫn thắc mắc – sao tới bây giờ anh mới thực hiện. 

_ Chưa đủ duyên! – Bình luôn trả lời tôi lấp lửng – Cũng như duyên số của anh với em là phải có gần hai mươi năm gián đoạn. 

Mỗi lần Bình nói như vậy, tôi vẫn luôn bối rối tự hỏi, vậy anh có định kết thúc gần hai mươi năm gián đoạn đó với một hành động gì mang tính cam kết hơn. Gần hai mươi năm qua tôi không cố tình chờ đợi Bình, anh cũng tưởng tôi có chồng rồi. Và lần này tôi đồng ý sang Paris gặp lại Bình với ý định ban đầu là để thoát khỏi sự ám ảnh của anh. Tôi đã nghĩ, thường người ta hay thất vọng khi gặp lại người yêu cũ. Tôi sẽ thất vọng với Bình của hiện tại và sẽ nhờ vậy mà thoát khỏi Bình của quá khứ. Nhưng Bình thì không suy nghĩ giống tôi khi anh đề nghị gặp lại ở Paris. Anh đã cập nhật khá nhiều thông tin của tôi qua facebook và tôi của hiện tại hấp dẫn anh đến mức anh muốn tìm hiểu thêm. Chắc chắn rằng tôi trong quá khứ không quá đặc biệt với anh. Vì lẽ đó, anh không tìm cách liên lạc với tôi sớm hơn. Nhưng khi về lại Sài Gòn sau gần hai mươi năm, được biết bé An ngày nào hiền lành, nhút nhát và khờ khạo lại trở thành một nhân vật quan trọng trong một công ty lớn, Bình thấy thú vị muốn khám phá. 

_ Cũng may em chưa có chồng – Bình nhìn tôi mỉm cười – Và anh vẫn còn là một gã độc thân. 

_ Sao anh còn độc thân vậy? – Tôi thắc mắc – Dù rằng em biết anh cũng trải qua nhiều mối tình. 

_ Khi anh được gia đình gỡ bỏ lệnh cấm yêu – Bình cười buồn – Thì anh cũng quá tuổi có thể yêu một cách dại khờ không tính toán. Rồi những năm tháng phấn đấu ổn định cuộc sống mới bên Mỹ quá dài, anh vượt qua thời tuổi trẻ cần tìm một người vợ. Anh chỉ có những mối tình thoáng qua, những người bạn gái yêu nhau không cam kết gì. Và sau này thì anh không có nhu cầu tìm một đối tác nào trong cuộc sống cá nhân hết. 

_ Thế còn những người bạn gái của anh – Tôi vẫn thắc mắc – Không cô nào đòi anh cưới sao? Không ai đủ sức khiến anh từ bỏ cuộc sống độc thân? 

_ Anh không có nhiều mối tình thắm thiết như em nghĩ. Anh cũng không phải lãng tử đa tình khiến phụ nữ phải xếp hàng nạp mạng – Bình nhìn sâu vào mắt tôi chân thành – Anh tin là tình trường của em còn phong phú hơn anh. Ở bên Mỹ anh không phải là loại đẹp trai gì hết vì tụi Mỹ lai giữa nhiều dòng máu lại còn đẹp gấp trăm lần. Sang bên đó anh sống khép kín lắm. Anh khô khan, buồn tẻ, khó gần. Mấy ngày nay ở Paris với em, gặp lại tụi bạn chung xóm, nhắc lại những kỷ niệm của một thời thơ ấu và tuổi trẻ, anh như đang là một con người khác mà chính anh cũng thấy ngạc nhiên. 

_ Thì ở Paris em cũng là một con người khác – Tôi cười – Bình thường ở Sài Gòn, trong công việc hàng ngày, em lạnh lùng, nghiêm khắc, khó chịu. Đầu em đầy sạn và em cũng rất mạnh mẽ. 

_ Em không mạnh mẽ như em nghĩ đâu – Bình nhìn tôi dịu dàng – Người thích chứng tỏ mình mạnh mẽ lại là người rất nhạy cảm và hay bối rối. Ngay giây phút gặp lại em trên sân ga ở Gare de Lyon, nhìn những ngón tay vặn xoắn của em, khuôn mặt hồi hộp, dáng vẻ bồn chồn, ánh mắt tìm kiếm. Anh đã biết, bé An của anh yếu đuối biết bao. 

Bình không phải là người đàn ông đầu tiên nói tôi yếu đuối. Nhưng những người trước đã nói như thế khi tôi còn trẻ. Và khi tôi còn trẻ, tôi rất ghét ai nói tôi yếu đuối. Giờ thì tôi tận hưởng sự yếu đuối của mình bên Bình. Tôi thích ngồi dựa vào người anh trên ghế sofa cùng xem TV, tôi thích nấu một món ăn đơn giản rồi hạnh phúc được anh khen ngon, tôi cũng để nước mắt mình chảy ra không giấu giếm vào đêm cuối cùng tôi được ở bên Bình trước khi chúng tôi phải mỗi người mỗi ngả. 

Trước khi đến Paris, tôi đã muốn gặp lại Bình để thất vọng và quên hẳn anh. Nhưng giờ thì tôi biết Bình sẽ còn đeo bám cuộc đời tôi mạnh mẽ và dai dẳng hơn trước. 

"Mình sẽ gặp lại nhau ở San Francisco nhé". Bình ôm tôi vào lòng rất lâu khi chúng tôi chia tay nhau ở sân bay. Tôi không biết làm sao mình có thể chịu đựng được nỗi nhớ anh sau tất cả những đêm dài cuồng nhiệt vừa qua. Chuyến bay của anh quay về Mỹ sẽ đi trước chuyến của tôi về Việt Nam. Ngồi lại sân bay một mình, tôi lấy cuốn tiểu thuyết ba xu "Em chờ anh ở sân ga" mua hôm tôi đón Bình ra đọc. Giá mà có bán cuốn "Em tiễn anh ở phi trường" thì hợp với hoàn cảnh hơn. Tôi đọc mà không thể nhập tâm cuốn sách nên lấy điện thoại ra check e-mail giết thời giờ. 

Cả tuần qua từ lúc đến Paris tôi chỉ check e-mail cá nhân mà không vào hộp thư e-mail của công ty. Tôi quan niệm khi đã nghỉ phép thì công việc không có quyền xen vào, nhất là tôi đã có trợ lý giúp tôi giải quyết những vấn đề cấp bách. Giờ khi tôi mở hộp thư công ty ra, tôi bần thần thấy John đã gởi cho tôi nhiều e-mail có cùng một chủ đề: "From Chicago with love".

_