Thời gian như vậy cứ qua đi và Mỹ Hạnh lúc nào cũng mong đến cuối tuần. Nhưng một vài cái cuối tuần thì cũng đến lúc cô phải xa Duy Thanh. Hôm nay là bữa đi chơi cuối cùng của cô, tuần sau anh đã chính thức lên đường rồi.

Sau một buổi sáng ngồi ôn lại những chuyện xưa, cấp một với những kỷ niệm đáng nhớ, buổi chiều, anh bất ngờ đạp xe qua nhà cô. Anh muốn cùng cô xuống thành phố, muốn xem thử trường cô như thế nào.

Tất nhiên là cảm xúc của cô ngay lúc đó, nó lẫn lộn buồn vui lắm. Vui vì cô lại được ở bên cạnh anh, vui vì sự quan tâm và cũng vui vì được dẫn người yêu tham quan trường mình học. Nhưng cô cũng buồn, buồn vì cô biết đây là lần cuối, buồn vì cô biết sắp phải xa anh và buồn vì cô có thể nhớ gương mặt bặm trợn của anh trong da diết.

Bắt xe xong, cô và anh lên xe buýt ngồi cùng với nhau, còn Quốc Hùng có việc bận nên đã đi trước. Anh ngồi bên ngoài, cô ngồi cạnh cửa kính, anh nắm tay cô, hai người cứ thế im lặng. Không phải vì không có chuyện để nói, chỉ là trong cái khoảnh khắc này, cô và anh như hiểu ý lẫn nhau, cả hai đều muốn cảm nhận sự yên tĩnh của không gian và cảnh vật, những giây phút bên nhau đang dần đếm ngược.

Gió bên ngoài vẫn thổi, người bên cạnh vẫn trò chuyện ôm sồm. Anh nắm tay em không buông bỏ, em hiểu lòng anh chẳng muốn rời.

Tới bến xe, anh và cô tiếp tục đứng chờ chuyến xe buýt tiếp theo tới trường đại học kinh tế. Dưới điểm chờ, anh vẫn nắm chặt tay cô như lúc ở trên xe. Cô thấy vậy chỉ biết mỉm cười và lâu lâu nép đầu vào vai anh. Từ khi yêu nhau đến giờ, hôm nay là lần đầu tiên anh mạnh dạn nắm tay cô và cũng là lần đầu tiên anh nắm tay cô lâu đến như vậy.

“Lu nhìn gì vậy?” Cô thắc mắc khi thấy anh cứ nhìn lên trời.

Anh quay qua khẽ cười. “Nhìn Sún.”

Cô bĩu môi. “Sún ở đây, chứ có ở trên trời đâu mà nhìn.”

“Lu nhìn Sún bằng tâm, chứ không phải bằng mắt.” Anh đáp.

“Là sao?” Cô thấy anh nói “điêu” thì có.

Anh giải thích. “Nghĩa là Lu nhìn lên trời rồi mường tượng Sún ra trong đầu. Lu muốn tập làm quen, để sau này khi không ở bên cạnh Sún nữa, thì Lu vẫn có thể nhìn thấy Sún mỗi ngày.”

Cô ngượng ngùng nên chỉ biết quay qua cắn nhẹ vào tay anh. Thứ người gì đâu, cứ mở miệng ra là toàn những lời tán tỉnh. May mà anh đi nghĩa vụ, chứ đi du học, hay đi làm xa thì cô có họa lo “sốt vó” mỗi ngày.

Hai người đứng chờ một chút rồi cũng leo lên chuyến xe tiếp theo để tới trường. Xuống xe, cô bắt đầu luyên thuyên về ngôi trường của mình. Cô vừa chỉ tay, vừa liên miệng giới thiệu. Vì ký túc xá nam nữ riêng biệt, với lại nội quy yêu cầu cấm tự tiện dẫn người lạ vào phòng. Nếu người thân tới thăm thì phải xuống báo và làm thủ tục với ban quản lý. Do vậy, cô chỉ ngồi ở ghế đá với anh và chỉ tay về phía phòng mình.

Về phần Duy Thanh, anh thấy trường của Mỹ Hạnh lớn thật. Không “hổ danh” là trường đại học, khuôn viên của nó phải lớn gấp mấy chục lần nhà anh. Rồi anh cố gắng nhớ hết những gì Mỹ Hạnh nói, anh muốn sau này ra quân, anh còn biết cô ở phòng nào mà tìm tới.

Nói chuyện một lúc thì anh cũng phải đứng dậy bắt xe để về nhà. Đã là chuyến cuối cùng và dù anh có muốn nắn ná ở lại thêm cũng không được. Anh chào tạm biệt cô rồi quay lưng bước đi.

Được một vài bước, anh quay lại và quyết định phải nói những gì mình suy nghĩ trước giờ. “Ngày hôm đó, Sún đừng tới tiễn Lu nha.” Anh nghẹn ngào. “Lu sợ mình kìm lòng không được.”

Cô sựng người trong vài giây rồi cũng gật đầu. “Sún hứa, Sún sẽ không tới.” Mắt cô bỗng cay xòe. “Lu đi mạnh khỏe nha.” Vì nếu cô không lên tiễn thì đây là lần cuối cùng cô được gặp anh.

Anh mỉm cười. “Sún ở lại mạnh khỏe và nhớ đừng thức đêm nữa.”

“Sún biết rồi.” Cô vẫy tay. “Lu cũng nhớ giữ gìn sức khỏe nha.”

Anh gật đầu, thu lại nụ cười rồi nhanh chóng bước đi. Anh biết, nếu anh nán ở lại thêm vài giây nữa, hoặc nói thêm một lời nào đó, thì có lẽ anh sẽ vỡ òa lên. Đâu phải là anh muốn đi nghĩa vụ đâu, chỉ đó là cơ hội duy nhất để anh có thể cùng Mỹ Hạnh sánh đôi.

Vốn dĩ biết mình không thông minh, không có bằng cấp, nên anh mới quyết định đi nghĩa vụ. Vì sau khi ra quân, ngoài số tiền nho nhỏ anh lãnh được, thì anh còn được tặng một phiếu học nghề miễn phí và anh sẽ dùng phiếu đó để học lái xe hơi. Sau đó anh sẽ xin vào làm tài xế cho một công ty nào đó, hoặc làm tài xế taxi chẳng hạn.

Có thể cái nghề tài xế của anh không thể làm giàu, hoặc có thể không chăm sóc và chu cấp được cho Mỹ Hạnh một cuộc sống sung sướng, nhưng ít nhất thì anh vẫn có thể nuôi sống được anh và cô.

Nếu trách, thì anh chỉ nên trách bản thân mình vô dụng. Vì chính sự vô dụng của mình, chính sự thờ ơ không quan tâm và trau dồi bản thân, nên anh mới như vậy. Nếu ngay từ đầu mà anh gắng chí học tập, thì giờ anh cũng có thể tiếp tục đi học cùng với cô, rồi ra trường xin vào một công ty nào đó làm. Như vậy thì có phải cuộc sống sẽ khác đi không.

Đừng chờ ngoài trạm xe buýt một lúc thì anh cũng bước lên xe. Anh lật đật đi về phía hàng ghế cuối trong bộ dạng thẫn thờ và đôi mắt đỏ hoe như sắp khóc. Mà có lẽ thì anh đã khóc thầm trong lòng từ lâu rồi. Lúc đầu anh nghĩ cảm giác chắc cũng bình thường thôi, tạm xa vài năm rồi gặp lại, anh nghĩ chắc cũng chả có gì lớn lao. Nhưng sự thật thì khi thời gian qua đi và ngày càng gần đến thời gian lên đường, anh mới nhận ra lòng mình tràn đầy u sầu và vỡ nát. Giờ thì anh mới thấm thía “yêu” là như thế nào và anh thật sự chẳng muốn rời xa Mỹ Hạnh.

Những giọt nước mắt nóng hổi bắt đầu lăn nhẹ trên má và anh có thể cảm nhận được vị mặn của nó. Anh ước gì tình yêu của mình như vị mặn của muối, hòa với biển khơi chẳng tách rời.

Nói về Mỹ Hạnh, cô lặng lẳng đứng nhìn Duy Thanh từ từ bước đi và dần dần biến mất khỏi ánh mắt của mình. Chiều hoàng hôn buông xuống, anh rời đi trong cơn gió lạnh. Dáng lưng anh thẳng tắp, đầu cúi xuống. Chân bước đi nhanh tới, lòng quạnh hiu.

Không phải là cô nghiễm nhiên đồng ý việc không đến tiễn anh, chỉ là cô cũng sợ như anh, cũng sợ mình bật khóc khi nhìn anh ra đi. Cái đêm cắm trại hôm đó, cái đêm mà cô sựng cả người khi nghe anh nói sẽ đi nghĩa vụ. Anh bảo đã bàn kỹ với má rồi và anh chả nói gì với cô cả.

Trong khi đó thì lúc nào đi chơi với anh, cô cũng liên miệng tâm sự bảo mình học cái này, làm việc kia, rồi dự tính tương lai ra sao. Cô cứ nghĩ sau khi tốt nghiệp, cô sẽ thi vào đại học, còn anh sẽ kiếm việc gì đó ở dưới thành phố để làm. Cô biết anh tuy học không giỏi nhưng anh rất thông minh và thạo việc. Hai người sẽ xuống thành phố và tiếp tục ở cạnh nhau. Vậy mà anh lại tự mình quyết định đi nghĩa vụ và quan trọng là nếu đêm đó mọi người không tâm sự với nhau, thì liệu anh có nói với cô hay không.

Sau này thì Mỹ Hạnh mới biết, thì ra ngay từ đầu, cô chưa bao giờ quan trọng với Duy Thanh và anh cũng chưa bao giờ xem trọng cô cả. Đối với anh, cô chỉ như một chiếc “lọng” che thân. Khi nào cần thì anh lấy dùng, mà hơn hết, khi lọng đã cũ rồi thì anh thẳng tay vứt bỏ và kiếm một cái lọng mới hơn.

Cô đứng thẫn thờ một lúc thì bước lên phòng và nhanh chóng leo lên giường vùi đầu vào trong chăn. Ngày xưa còn nhỏ chưa biết gì nên việc xa anh, nó chỉ mang lại cho cô một cảm giác buồn man mác và thấy nhớ nhớ. Giờ khi lớn lên và yêu anh rồi thì nó không những buồn, không những nhung nhớ da diết trong vô vọng, hay cảm thấy khó chịu trong lòng, mà cô còn có cảm giác như vừa đánh mất một phần linh hồn nào đó của mình.

Trước giờ cô chưa bao giờ nghĩ xa anh cả, cứ nghĩ tình cảm của mình và anh cứ như vậy, cứ bình yên ngày qua ngày, nên chưa bao giờ cảm thấy lo lắng. Giờ đến lúc phải chia xa, thì những cảm xúc trước đây cô chưa từng có, nó bắt đầu trỗi dậy và bộc lộ không ngừng.

Việc Mỹ Hạnh đau buồn là một, nhưng có lẽ cô nàng không bao giờ biết, cũng có người đau buồn gấp mười lần cô. Đó không phải là Duy Thanh, mà chính là Quốc Hùng, người trước giờ luôn âm thâm đứng phía sau.

Bình thường thì cuối tuần, Quốc Hùng sẽ bắt xe đi về cùng với Mỹ Hạnh. Biết cô sẽ dành thời gian sáng chủ nhật để qua nhà Duy Thanh chơi, do vậy anh chàng không muốn làm cản mũi kỳ đà, nên ngay tối thứ bảy đó, hoặc chiều chủ nhật, anh chàng sẽ đi tìm Duy Thanh.

Khổ nỗi, mỗi lần gặp anh, Duy Thanh luôn miệng nhờ vả anh hãy giúp đỡ cho Mỹ Hạnh. Nếu như Duy Thanh biết anh cũng yêu Mỹ Hạnh và việc nhờ vả chăm sóc như vậy, liệu Duy Thanh có sợ anh sẽ cướp mất Mỹ Hạnh đi không.

Sau này thì anh mới hiểu, té ra Duy Thanh nhờ anh chăm sóc Mỹ Hạnh là có ý định trước cả rồi. Làm gì có chuyện đi nhờ thằng bạn trông nom người yêu cho mình. Tất cả đều sự tính toán của Duy Thanh và trước giờ anh cứ nghĩ tốt cho thằng bạn mình.

Không yêu thì cứ nó quách ra là không yêu. Cần gì phải chơi chiêu “mượn đao giết người”.

Chứng tỏ Duy Thanh trước giờ biết anh có tình ý với Mỹ Hạnh, nhưng vẫn giả vờ ngây ngô không biết gì. Rồi lại tươi cười bảo nhờ anh chăm sóc cho cô nàng, mục đích cũng chỉ là muốn anh với cô nàng bén duyên và lén lút qua lại với nhau thôi. Để từ đó lợi dụng và kiếm cớ chia tay. Anh thật không ngờ thằng bạn ngu ngơ bấy lâu của mình, té ra là một con cáo già và là một thằng điếm đểu.

Khổ nỗi bây giờ thì anh lại chưa nhận ra điều đó. Biết chiều nay Duy Thanh sẽ xuống thành phố cùng với Mỹ Hạnh, nên anh chàng phải giả vờ nói có chuyện đi trước. Đứng trên phòng ký túc xá nhìn xuống, thấy hai người họ ngồi trên ghế đá trò chuyện với nhau, rồi Mỹ Hạng đứng nhìn Duy Thanh bước đi, anh thấy cũng phải chạnh lòng.

Vốn biết Mỹ Hạnh tính dễ xúc động, yếu lòng và mong manh, anh nghĩ trước sau gì cô nàng cũng sẽ nhốt mình trong phòng. Do vậy, sau khi đi ăn cơm xong, anh chàng muốn qua xem thử cô nàng như thế nào, nhưng phải giả vờ mua chè cho các bạn nữ ở cùng phòng.

Mặc dù quy định của ký túc xá không được dẫn người lạ vào phòng và nếu là nam thì càng không. Nhưng Quốc Hùng lợi dụng việc đi mượn giáo trình và lén lút bước lên phòng của Mỹ Hạnh một cách an toàn không bị bảo vệ phát hiện. Mà thật ra thì nội quy vậy thôi, chứ phòng bảo vệ và phòng của ban quản lý thì nằm tút ở phía trước, làm sao có thể quản được hai khu túc xá rộng lớn ở phía sau này.

Thấy cũng có nhiều thằng con trai khác đang lảng vảng bên khu nữ, nên Quốc Hùng nghĩ việc mình xuất hiện cũng chả phải to tát gì. Cùng lắm thì giống như anh sang phòng của người yêu chơi thôi. Tới phòng của Mỹ Hạnh, cửa mở, anh nhìn vào trong và thấy hai bạn gái đang ngồi học ở giữa phòng.

“Hạnh có ở phòng không vậy mấy bạn?” Anh giả vờ hỏi.

Một bạn nữ tóc ngắn nhìn lên. “Có bạn.”

“Bạn trai tới kiếm Hạnh ơi.” Bạn nữ bên cạnh mỉm cười.

Bạn nữ thứ ba đang nằm trên giường thò đầu ra. “Anh mua gì cho Hạnh vậy?”

Quốc Hùng khẽ cười. “Mình mua chè cho Hạnh với mấy bạn.” Anh giơ bịch chè lên.

Bạn nữ thứ ba phóng ngay xuống đất. Hai bạn kia cũng hiểu ý nên liền dẹp hết bàn học đi. Mỹ Hạnh nghe nói “bạn trai tới kiếm” nên cô cố lấy lại bộ dạng bình thường nhất có thể. Thế là Quốc Hùng được mấy bạn nữ mời vào phòng và ngồi ăn chè với nhau. Anh nhìn thấy gương mặt của Mỹ Hạnh xụ xuống vì buồn bã. Chè anh đang ăn từ ngọt bỗng hóa thành vô vị.

Vài ngày sau, thế rồi cuối cùng cũng đến lúc Duy Thanh lên đường. Tối hôm trước đó, Quốc Hùng có rủ Mỹ Hạnh đi về tiễn Duy Thanh, nhưng anh khá ngạc nhiên khi thấy cô nàng dửng dưng từ chối một cách thẳng thừng. Sau này thì anh mới hiểu là cô đã hứa với thằng đó không tới.

Sáng dậy sớm, Quốc Hùng nhanh chóng thay đồ và mượn xe máy của chú Tư để chạy ra xã. Anh biết chạy xe từ năm cấp hai kia, nhưng vì mẹ không cho nên anh mới không đi. Tới nơi, nhìn quan cảnh người người tiễn con em mình lên đường, không phải là anh thấy xúc động, mà là làm sao để anh tìm ra thằng bạn của mình.

Nhưng rồi cũng không quá khó để anh tìm thấy Duy Thanh, bởi vì thằng bạn anh đang đứng cùng với đám em lóc nhóc của nó. Hình như anh thấy cả cô nhi viện đều đi tiễn Duy Thanh thì phải.

“Thanh.” Anh nói lớn.

Duy Thanh đang khẽ cười thì ngước cái bộ mặt ngạc nhiên lên. “Ủa sao mày tới đây?”

“Tới tiễn mày chứ làm gì.” Anh nhếch môi. “Hỏi thừa.” Anh quay sang má Ba. “Con chào cô.” Anh quay qua mấy chị. “Em chào mấy chị.”

Má Ba với mấy chị gật đầu mỉm cười lại như đáp lễ.

Duy Thanh vỗ vai Quốc Hùng. “Sáng nay mày không đi học hả?”

Anh thấy thằng bạn mình vô duyên thật. Toàn hỏi đâu đâu. “Chiều mới học.” Anh giả vờ nói láo. Chứ thật ra sáng nay anh cúp tiết.

“Cảm ơn mày nha.” Duy Thanh cười hớn hở.

Anh đút tay vào túi quần. “Ơn nghĩa gì mày. Bạn bè tới tiễn nhau thôi.” Giờ nhìn kỹ thì anh mới thấy thằng bạn đúng là ra dáng nhà binh thật. Quân phục, ba lô, mũ cối, anh thấy nó thật chững chạc.

Sau khi trò chuyện một lúc thì Duy Thanh cũng phải ra đi. Bước lên xe, Duy Thanh thò đầu ra cửa vẫy tay tạm biệt mọi người lần cuối. Người khóc và buồn nhiều nhất đó chính là Minh Dũng. Vậy là từ nay cu cậu không còn được anh Thanh chở đi chơi và trò chuyện nữa rồi.

Riêng về Quốc Hùng, thấy Duy Thanh ra đi, anh thật sự rất buồn nhưng anh cũng không thể phủ nhận rằng, đâu đó trong sâu thẳm con người của mình, anh cảm thấy rất vui. Và tất nhiên sự “vui” đó, nó chỉ quanh quẩn trong hai từ, Mỹ Hạnh.

Vốn dĩ người ta nói rằng, cái “ý” nó nguy hiểm và đáng sợ hơn cái “miệng”. Có những chuyện khi nói ra bằng miệng, nó không đáng sợ bằng những lời nói, những hình ảnh, ý tưởng mà chúng ta tưởng tượng ra trong đầu.

Quốc Hùng cũng vậy, mặc dù anh chàng không nói, nhưng chính anh chàng cũng không thể phủ nhận rằng, một phần nào đó, một vài ý tưởng nảy ra trong đầu, là anh rất vui khi bây giờ có cơ hội để gần Mỹ Hạnh hơn.

Và cũng không nằm ngoài những gì anh dự đoán, chẳng mấy chốc, việc học, việc tham dự các hoạt động của khoa, của nhà trường và đặc biệt là anh, Mỹ Hạnh đã không còn buồn về chuyện xa Duy Thanh nữa. Giờ đây, mỗi lần đi chơi với anh hay lúc đi học, cô nàng đã biết cười trở lại và không còn u buồn. Điều đó mặc dù không chứng tỏ được gì về tình cảm của cô nàng đối với anh, nhưng đó là một dấu hiệu phát triển tốt đáng để ghi nhận.

Nói về Mỹ Hạnh, những ngày đầu sau khi Duy Thanh nhập ngũ, đối với cô, cuộc sống chả còn thú vị và vui nữa. Người cô cứ u uất, bi quan, không thích ăn, cũng chả muốn ra ngoài. Suốt ngày, cứ hết giờ học, thì cô nhốt mãi mình ở trong phòng, thui thủi trên giường, cắm tay nghe vào cái máy “mp3” mà cô mượn của Quốc Hùng, sau đó nằm mãi cho đến hết ngày. Lũ bạn sống cùng phòng thấy vậy chỉ biết “bóng gió” về việc cô nên giữ gìn sức khỏe và tập trung vào việc học để khỏi bị sa sút.

Những ngày sau đó, việc học, việc thi, rồi việc đoàn thể, câu lạc bộ, tham gia các hoạt động của khoa và nhà trường, thời gian ngủ còn không có, huống gì là việc khác. Do vậy, chẳng mấy chốc cô không còn phải u sầu nhung nhớ về Lu của mình nữa.

Người ta thường nói, bạn đau khổ vì thất tình là do rãnh quá không có việc gì để làm. Hoặc bạn thử cắm đầu, cắm mặt vào công việc cả ngày, thì liệu có còn thời gian đau buồn nữa không.

Điều đó có thể đúng và cũng có thể là sai, vì đối với nhiều người, khi họ thất tình, thì họ làm gì còn đầu óc nào nữa, mà làm việc hay học bài. Tất nhiên đó cũng chỉ là số ít, vì cũng có nhiều người phải gắng làm việc để nuôi sống bản thân, nên phải gạt phắt đi mớ cảm xúc đau thương của mình.

Mỹ Hạnh thì không phải như vậy, không phải vì bận học, bận tham gia các hoạt động mà cô tạm quên đi nỗi buồn “yêu xa”. Cô vực dậy tinh thần của mình là vì cô hiểu ra một điều, cô và anh có chia tay đâu, chỉ là anh phải xa cô khoảng hai năm, sau thời gian đó anh lại về. Vậy thì cô dằn vặt và buồn bã vì nhớ anh để làm gì.

Chưa kể là anh đã dặn cô phải chăm sóc bản thân, phải giữ gìn sức khỏe rồi. Giờ mà cô cứ như thế này, đến lúc anh về, anh thấy cô tiều tụy, ốm nhách như con tép khô thì có mà nguy. Anh đã nói là thích cô mũm mĩm như lúc nhỏ, cô ốm quá trông không có đẹp, vậy nên cô sẽ phải tu dưỡng bản thân mình vì anh. Cô sẽ không buồn nữa. Cô sẽ sống thật vui, thật khỏe và chờ ngày anh về.

Mỹ Hạnh nghĩ như vậy và Quốc Hùng thì lại nghĩ sang một viễn cảnh khác. Do vậy từ lúc Duy Thanh đi, Quốc Hùng thường xuyên trò chuyện và chăm sóc Mỹ Hạnh vô cùng chu đáo. Tất nhiên là anh chàng vẫn tự nhủ lòng mình là anh làm những việc này vì Duy Thanh nhờ vả, chứ không phải là vì anh muốn cướp người yêu của Duy Thanh.

Ngoài việc học hành ở trên lớp, những lúc rãnh, anh thường rủ cô đi chơi, hoặc là đi ăn với mẹ mình. Do vậy, dù muốn hay không, cả lớp, cả ký túc xá đều đồn ầm lên hai người là người yêu của nhau. Cứ mỗi lần anh vác xác qua khu nữ thì ngay lập tức “hệ thống phát thanh” liền kêu lên, “người yêu mày tới Hạnh kìa”.

Tất nhiên là lúc đầu Mỹ Hạnh chỉ biết liên miệng bảo không phải, sau này thì cô mới nhận ra một việc, càng chối, người ta càng chọc. Nghe riết hoài cũng quen, bởi vậy về sau, dù ai nói khía, nói móc, chọc này, chọc nọ, cô đều bỏ ngoài tai. Nói mãi thì cũng mỏi miệng, mà cứ tiếp tục thì người ta tự hiểu mình vô duyên.

Về bạn Quốc Hùng, lúc đầu Mỹ Hạnh nghĩ việc anh chàng này quan tâm mình, thì cũng như mối quan hệ bạn bè bình thường mà thôi. Về sau, dần dần cô thấy sự quan tâm của anh chàng hơi giống Tấn Bình, mà không, còn hơn cả Tấn Bình nữa. Ngoài việc giúp đỡ cô trong việc học, thì anh chàng còn giúp đỡ cô về mặt đời sống nữa kia.

Hay qua trò chuyện, rủ cô đi ăn hoặc đi nhà sách. Nhiều lúc cô cũng hỏi bóng gió thì Quốc Hùng trả lời thẳng rằng, ở dưới này chỉ có quen biết mỗi mình cô, chưa kể chỉ có hai người là “đồng hương” với nhau, nên muốn quan tâm chăm sóc và bầu bạn thôi. Lúc đó thì cô không suy nghĩ nhiều nên thấy cũng hợp lý, sau này thì cô mới hiểu, làm gì có cái chuyện tình bạn thắm thiết ấy. Chẳng qua là anh chàng ngay từ đầu đã có tình cảm với cô thôi. Rồi cô mới nhận ra một điều quan trọng, lúc trẻ cô thấy mình ngu thật.

Mà cô công nhận thật sự, ai mà làm người yêu của Quốc Hùng thì có lẽ hạnh phúc và sướng nhất quả đất. Ở trên lớp, ngoài việc tỏ ra mình xuất chúng trong một số lĩnh vực, còn những thứ khác thì cũng không thua ai, nhất là việc anh chàng đứng đầu về mảng máy tính và công nghệ. Cô nghĩ chắc do tiếp xúc ngay từ nhỏ nên Quốc Hùng có kỹ năng hơn tất cả mọi người. Thỉnh thoảng anh chàng hay cầm laptop qua chỉ cô cách sử dụng, đúng là quen với người giàu thì cái gì cũng sướng cả.

Sau việc học là đến với tính cách. Anh chàng rất chu đáo và tình cảm. Cái gì cũng quan tâm, cái gì cũng mua cho cô cả, chỉ cần cô nói mình thích, hoặc chỉ cần một cái liếc nhìn thôi, anh chàng mà thấy được thì liền mua ngay, chứ không cần phải hỏi là “Hạnh thích nó hả”.

Thỉnh thoảng cô còn được anh chàng dẫn đi ăn với mẹ mình. Cũng vì thế mà lần đầu tiên cô được đặt chân tới những nhà hàng và khách sạn sang trọng của thành phố. Lúc đầu cô rất ngại định không đi, nhưng về sau thì mẹ anh ép buộc đến mức cô không thể chối từ.

Có điều sau khi gặp Mỹ Hạnh, bà Thúy Nga đã nhận ra một điều bí mật. “Anh thích con Hạnh đúng không?” Bà vừa về nhà thì liền hỏi.

Quốc Hùng định đi lên phòng ngủ, thì chợt điếng người. “Dạ đâu có.” Anh nói trong bộ dạng hoảng hốt.

“Còn bảo là không.” Bà nhếch môi cười. “Phụ nữ họ nhảy cảm lắm, nhất là trong tình yêu.” Bà nhìn sang con mình. “Nhìn ánh mắt của anh nhìn nó là tôi biết ngay.”

Anh cảm thấy không thể biện minh gì được cho tình cảm của mình nên liền chống chế. “Thôi con mệt rồi, con lên ngủ đây.”

Bà nói lớn. “Thằng Thanh là bạn thân của anh, nên anh cần phải biết mình làm gì. Đừng trở thành một thằng khốn nạn và làm tan vỡ tình bạn tri kỷ bấy lâu.”

Anh nghĩ mình cũng nên nói thật. “Đúng là con yêu bé Hạnh thật, nhưng không vì thế mà con phản bội lại thằng Thanh.” Anh nhìn mẹ mình như khẳng định. “Nên mẹ đừng lo.”

“Nếu biết vậy rồi thì mắc gì anh phải tự làm khổ mình.” Bà thấy khó hiểu.

Anh gượng cười. “Nếu con biết cách thì đã không tự làm khổ mình đến bây giờ.” Anh nói. “Thôi con lên ngủ đây. Mẹ ngủ ngon.”

Sau hôm đó và cả những lần sau, Quốc Hùng cũng không hiểu vì sao mẹ mình vẫn rủ Mỹ Hạnh đi ăn và bà vẫn coi như chưa có chuyện gì.

Thật ra thì bà Thúy Nga có suy nghĩ riêng của mình, không thể bắt ép một người thay đổi tình yêu của mình, trừ khi chính họ đưa ra quyết định lựa chọn. Do vậy, bà không cần gì phải bắt ép Quốc Hùng từ bỏ, mà bà muốn Mỹ Hạnh sẽ thay đổi lựa chọn của mình.

Điều này không phải là bà xử hư Quốc Hùng, hay có lỗi với Duy Thanh. Vì nếu Mỹ Hạnh dễ bị rung động và sa ngã như vậy, thì không phải bà, không phải Quốc Hùng, trước sau gì cô nàng cũng sẽ vì một người khác mà bỏ Duy Thanh thôi. Mà nếu cô nàng sẽ thay đổi, thì mắc gì bà không để Quốc Hùng con mình là người đầu tiên. Suy cho cùng thì Quốc Hùng mới là “máu mủ, ruột thịt” của bà. Còn Duy Thanh chỉ “người dưng, nước lã”.