*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Sáng sớm hôm sau, Nam Cung Cẩu Thặng dẫn mọi người thu thập xong dụng cụ, chuẩn bị lên đường.

Ốc đảo Siwa đối diện với một đồi sa thạch hình răng cưa, dựa lưng vào Biển cát lớn, hồ nước mặn lóng lánh dưới ánh mặt trời, nước suối đan xen khắp ngả, rừng cọ trải đầy lối đi, trái chà là chín trên cây chờ người hái. Nơi này không nghi ngờ gì nữa, chính là ốc đảo đẹp nhất Ai Cập, nhưng đây cũng là nơi có địa hình phức tạp nhất. (Biển cát lớn: Great Sand Sea)

Xa Xà cầm bản đồ nghiên cứu một lúc lâu, tranh luận với Nam Cung Cẩu Thặng hồi lâu mới có thể xác định được vị trí, lái xe mà xuất phát.

Nam Cung Cẩu Thặng cho rằng địa điểm giấu bảo tàng nằm trong biển cát phía nam thành cổ Amun. Xa Xà vừa lái xe, Cẩu Thặng vừa giải thích: “Mãi đến thế kỷ XIII thành Siwa mới được xây dựng, trước đây cư dân Siwa đều sống trong thành Amun. Nhưng lịch sử Amun cũng không dài, mãi tới thế kỷ thứ VI sau công nguyên mới được xây đựng, thời cổ đại nơi đây là một ngôi đền cổ dành cho thần Amun.”

Lý Yêu Yêu hỏi: “Lẽ nào toàn bộ thành phố này đều là di chỉ ngôi đền cổ? Đền gì mà to dữ?!”

Nam Cung Cẩu Thặng vỗ vỗ đầu hắn, nói: “Con nghĩ đây là ngôi đền hay là một toà đền? Ngôi đền Luxor rộng 460.000 mét vuông, con nói thử xem?”

Lý Yêu Yêu kinh ngạc há hốc miệng.

Chẳng mấy mà xe lái tới thành cổ Amun, đi tới Biển cát lớn rộng mênh mông bát ngát.

Đi tới sa mạc, không thấy bóng người đâu, cảm thấy nơi nơi đều là sa mạc rộng lớn, người đứng trong sa mạc chỉ như muối bỏ biển. Mà trên thực tế, Biển cát lớn cũng là một trong những cồn cát lớn nhất thế giới, bắc ngang qua Ai Cập và Lybia, kéo dài thêm tám trăm kilometer về phía nam. Muốn tìm một bảo tàng bị chôn giấu dưới biển cát, không khác gì mò kim đáy biển.

Lái xe một hồi, dải cát vàng ven đường dần dần xuất hiện những phiến đá phấn trắng. Đó là những mỏm núi đá trắng như ngọc trai dựa trên sa mạc, cao chót vót lên tận mây xanh.

Lý Yêu Yêu ngạc nhiên hô lên: “Kia là gì vậy?”

Tô Di làm khảo cổ, hiển nhiên biết loại nham thạch này, anh giải thích: “Đây là đá phấn trắng, còn gọi là đá phấn, là biến thể của Canxit. Lấy địa chất để phân chia niên đại, anh biết kỷ phấn trắng[1] chứ?”

Vừa nói vậy, Lý Yêu Yêu liền hiểu.

Nam Cung Cẩu Thặng nói: “Đây chỉ là một phần nhỏ trong số đó thôi, trong sa mạc còn rất nhiều đá phấn, khi nào chúng ta trở về có thể thấy.”

Xe dừng lại trên một cồn cát hình trăng khuyết, Xa Xà nói: “Dựa theo tỉ lệ bản đồ, có lẽ là ở quanh đây.”

Nhưng chưa nói tới chuyện bản đồ này người Ai Cập cổ vẽ có chuẩn hay không, có phóng đại nơi này lên một ngàn lần cũng đâu thể thấy dễ dàng được?

Nam Cung Cẩu Thặng không nói gì, dẫn đồ đệ xuống xe đào.

Khoảng nửa giờ sau, Lý Yêu Yêu reo lên: “Phía dưới có cái gì ý!”

Mọi người đều chạy tới, Nam Cung Cẩu Thặng cầm xẻng Lạc Dương cắm xuống dưới, khoảng chừng năm mét dưới sa mạc đụng phải vật gì đó, không thể xuống thêm được nữa.

Cẩu Thặng mang bọc thuốc nổ từ trên xe xuống, bảo mọi người lui lại một chút, châm kíp nổ rồi chôn xuống.

“RẦM!”

Chừng ấy thuốc nổ đủ để cát bụi bay mù trời. Đợi bụi cát tản đi, trên mặt đất xuất hiện một hố cát lớn.

Nam Cung Cẩu Thặng ghé đầu tới xem, khẽ lắc đầu: “Chưa đủ, tạc tiếp.”

Dùng hết ba bọc thuốc nổ lớn, cái hố sâu thêm mấy thước.

Nam Cung Cẩu Thặng trượt người vào hố, dẫn đầu dùng xẻng đào, đám Lý Yêu Yêu cũng nhanh chóng trượt xuống theo, giúp đỡ khai quật.

Chốc lát sau, trong hố cát lộ ra một góc nham thạch trắng.

Tô Di lộ vẻ mặt thất vọng: “Đây là nham thạch đá phấn.. Có lẽ là hiện tượng tự nhiên, không phải bảo tàng.”

Nam Cung Cẩu Thặng cũng không bực mình mà tiếp tục đào xuống, chẳng mấy mà lộ ra một tảng đá phấn trắng lớn.

Gã lấy tay phủi đi lớp cát mỏng, lòng bàn tay vuốt lên nham thạch: “Mặt rất phẳng, có lẽ từng có người mài qua.”

Dư Ngư lập tức reo lên hoan hô, dùng cả tay cả chân mà bò ra khỏi hố, lấy công cụ khoan sắt trên xe.

Đến khi mọi người đục ra được một đạo động đã là xế chiều.

Nhiệt độ trong sa mạc rất cao, có khi lên tới 50 độ. Cũng may mà thi thoảng có gió thổi qua, không có cảm giác oi bức ẩm ướt như ở Thượng Hải, cho nên mồ hôi toát ra nhanh chóng bốc lên, cũng không khiến con người ta cảm thấy dính dấp.

Trước khi chuẩn bị xuống địa cung, Nam Cung Cẩu Thặng bảo mọi người quay về xe thay quần áo dài tay, lúc này mới lấy sợi dây buộc eo mình, đi đầu trèo xuống dưới.

Chẳng mấy mà phía dưới vang lên tiếng của Nam Cung Cẩu Thặng, thế là mọi người lần lượt bò xuống theo.

Trong lối đi mờ tối đầy ắp những bích họa rõ ràng rực rỡ, bởi mấy nghìn năm không có ai tiến vào nên không khí lẫn với cát bụi, nhưng bích họa vẫn đẹp như mới hoàn thành ngày hôm qua.

Bởi đạo động trực tiếp thông tới tầng địa cung thứ hai, mọi người muốn để lại món ngon sau cùng, đám Cẩu Thặng quay đầu leo lên tầng đầu tiên.

Lần này mặt các Pharaoh và chữ tượng hình trên bích họa không bị người ta ác ý phá hỏng, cho nên Nam Cung Cẩu Thặng vừa liếc mắt liền nhận ra chủ nhân bảo tàng này: “Ramses II!!!”

“Uây uâyyyy!” Dư Ngư dẫn đầu xông tới, ánh mắt sùng bái mà vuốt ve mặt người trên bích họa: “Thần tượng ới ời!!!!”

Nam Cung Cẩu Thặng buồn cười: “Thằng nhóc này!”

Dư Ngư lập tức quay đầu ôm đùi gã: “Sư phụ cũng là thần tượng của con!”

Kiều Du buồn cười hỏi: “Sao Ramses II lại là thần tượng của cậu ấy?”

Nam Cung Cẩu Thặng pha trò mà nói, bởi vị Pharaoh này rất nổi danh!

Kiều Du hỏi: “Không phải Tutankhamun[2] cũng rất nổi danh sao?!”

Nam Cung Cẩu Thặng cười híp mắt nói: “Tutankhamun nổi danh bậy danh bạ thôi. Trong thung lũng các vị vua nhiều mộ như vậy, chẳng qua đào đến ông ấy là không bị đồng nghiệp của bọn anh mò tới, đào được một cái mặt nạ vàng, thế nên mới nổi như vậy.”

Trên thực tế, vị Pharaoh Tutankhamun này qua đời khi vẫn còn rất trẻ, cũng không lập được bao nhiêu công tích, lăng mộ chỉ có 120 mét vuông, mà địa cung của các vị Pharaoh khác trong thung lũng các vị vua 4-500 mét đều có cả, thậm chí lăng mộ của Ramses II lớn chừng 800 mét vuông, thêm mộ bầy con hợp táng lên tới hơn 1800 mét vuông (vị Pharaoh này sinh hơn trăm người con). Đồ bồi táng của Tutankhamun cũng không tính là xa hoa, chẳng qua may mắn giữ được tới ngày hôm nay nên mới có thể lưu danh thế giới.

Lý Yêu Yêu đi tới bên tai Tô Di nhỏ giọng nói: “Dư sư huynh thích là bởi ông ấy nhiều vợ.”

Tô Di liếc mắt nhìn hắn: “Thế anh có hâm mộ không?”

Lý Yêu Yêu gật đầu: “Đương nhiên rồi.”

Tô Di quay đầu đi, lầu bầu nói: “Dạo này đau lưng mỏi eo, tối nay ngủ một mình cho thoải mái!”

Lý Yêu Yêu vươn tay kéo anh về, tiêu sái mà nói: “Anh đây hâm mộ chiến công của ông ấy, bản lĩnh thế cơ mà! Chứ mấy cái vợ con này, một thôi đã đủ phiền rồi!”

Trên một bích họa vẽ một người đàn ông quỳ gối trước mặt Ramses II, Ramses II vươn tay giúp ông ta đội mũ miện.

Nam Cung Cẩu Thặng đọc chữ tượng hình trên bích họa, là một bài thơ nhỏ: “Để chúng ta nắm tay đi qua sa mạc, tắm dưới bờ sông Nile.”

Đầu Kiều Du đầy hắc tuyến: “Tắm?”

Nam Cung Cẩu Thặng nhún vai: “Anh đoán mấy tiểu đồng chí khảo cổ sẽ phiên dịch thành: Để chúng ta tay nắm chặt tay nhau vượt qua sa mạc hiểm ác, đắm mình trong nước sông Nile thanh trong.”

Kiều Du: “….”

Nam Cung Cẩu Thặng từ từ đi về phía trước, phát hiện người trong bích họa chỉ toàn là mấy người trong thần thoại, Ramses II và người đàn ông này tên Anhesangke. Trên bích họa có Anhesangke đứng kính thần trước Ra-Horakhty[3] và Osiris; thần thoại về nữ thần bầu trời Nut; Anhesangke ngồi cùng một chỗ với nữ thần công lý Ma’at… Thậm chí còn có chữ tượng hình ghi chép nội dung trong Book of the Dead[4].

Nam Cung Cẩu Thặng vuốt cằm híp mắt lại: “Lẽ nào..”

Ba đệ tử của Cẩu Thặng hiển nhiên không hứng thú với chỗ bích họa chỉ có thể nhìn chứ không mang đi được này, chỉ lo gõ tường hai bên lối đi, không bỏ sót bất cứ một cánh cửa ngầm nào.

Ở tầng một địa cung không có bất cứ bảo vật nào, âu cũng là lẽ thường.

Mọi người tản ra tìm kiếm xem vách tường có cơ quan mật nào không, Nam Cung Cẩu Thặng thì chắp tay sau mông quan sát bích họa.

Có bích họa miêu tả cảnh Anhesangke cưỡi ngựa chinh chiến, có chữ tượng hình nói ông ta tế bái dân tộc du mục phương Bắc bị tấn công; có bích họa vẽ cảnh Anhesangke đi săn bắn. Những bích họa này giống như một bản ghi chép sinh hoạt đời thường của Anhesangke.

Nam Cung Cẩu Thặng lẩm bẩm nói: “Hóa ra là một tướng quân.”

Đột nhiên Lý Yêu Yêu reo lên: “Ở đây có một ký hiệu kì quái, là cái gì vậy?!”

Mọi người tiến tới, Nam Cung Cẩu Thặng nói: “Chắc đây là cửa vào địa cung, đây là tỳ ấn của Pharaoh, đóng vào miệng lối vào.” (Tỳ ấn: dấu bằng ngọc)

Quả nhiên trong tỳ ấn có bảng tên của vị Pharaoh này.

Ở tầng thứ nhất không có bất cứ thứ huyền diệu gì, thế là sáu người xoay đầu đi xuống.

Cấu tạo địa cung này có chút tương đồng với địa cung lúc trước, nhưng nhìn qua quy mô lớn hơn một chút.

Dư Ngư đi qua một vách tường, thấy trên tường khảm rất nhiều tảng đá màu xanh nhạt gồ ghề lên, thế là dùng sức cạy hai cái xuống, ném cho Lý Yêu Yêu một cái: “Đây là đá hoa cương, chính là ngọc bích.”

Thế là Dư Ngư lập tức xắn tay áo tiếp tục cậy đá trên tường.

Nam Cung Cẩu Thặng nhận lấy một cái, xúc động nói: “Đây là bọ hung.”

“Hả?!” Dư Ngư lấy làm kinh hãi: “Bọ hung?! Đây là hóa thạch bọ sao?!”

Nam Cung Cẩu Thặng lắc đầu: “Chỉ là dùng bảo thạch để khắc thành hình bọ hung mà thôi.”

Tô Di trầm ngâm nói: “Bọ hung tượng trưng cho kiếp sau.. không phải cái này chỉ có trong mộ thôi sao?!”

Nam Cung Cẩu Thặng mỉm cười: “Trên bích họa còn có Book of the Dead.”

Lúc này tất cả mọi người đều lấy làm kinh hãi.

Lý Yêu Yêu lý giải chậm mà lẩm bẩm nói: “Nói cách khác, đây là một ngôi mộ?!”

Dư Ngư lập tức đón ý: “Mộ Pharaoh?!”

Xa Xà lạnh lùng nói: “Xác ướp còn đang bày trong bảo tàng, Pharaoh cái đầu ông!”

Dư Ngư lập tức lướt mây tung gió mà tưởng tượng: “Wow, có khi nào đồ trong bảo tàng là giả?! Lừa người! Thật ra mộ Pharaoh nằm ở đây?!”

Nam Cung Cẩu Thặng lắc đầu: “Có lẽ là mộ của cái người tên Anhesangke kia.” Nói đoạn chỉ chỉ người đàn ông trên bích họa: “Chính là ông ta.”

“Hừ..” Dư Ngư thất vọng rồi.

Chẳng mấy mà mọi người đi tới sảnh trụ, ở đây có bảy tám cây cột. Giấy cói trên cột được bảo tồn vô cùng hoàn hảo, viết về một câu truyện trong Book of the Dead.

Lý Yêu Yêu móc một con dao nhíp ra, cẩn cẩn thận thận dỡ lớp giấy cói xuống, kích động nói: “Chính phẩm đó! Mang về làm giấy dán tường!”

Sảnh trụ thông tới một buồng cất giữ, mọi người đi tới bên ngoài buồng, lấy đèn pin soi một cái, đồng thời cả kinh mà than lên ——

Trong buồng cất giữ đầy ắp rực rỡ hằng trăm món đồ trang sức, các loại pho tượng bình gốm, còn có một cỗ xe ngựa bằng gỗ.

Dư Ngư cầm hai chén rượu ngọc lưu ly, Xa Xà lấy một con dao găm bằng vàng, Lý Yêu Yêu cẩn thận bỏ giấy cói vừa gỡ xuống đưa cho Tô Di, bắt đầu lục tìm châu báu dưới đất, cuối cùng chọn trúng một chiếc dây chuyền bọ hung và một số trang sức bằng vàng.

Nam Cung Cẩu Thặng cầm hai pho tượng nhỏ bằng gỗ sơn, nói: “Đi thôi.”

Mọi người ăn ý quay trở lại sảnh trụ, tiếp tục tìm kiếm cửa bí mật.

Lúc này cánh cửa bí mật không ở trên đỉnh đầu mà là ở dưới chân.

Xuống tầng địa cung thứ ba, đập vào mắt mọi người là một lối đi rất dài.

Chưa đi tới năm mét, Dư Ngư tìm được một cửa ngầm, mọi người đồng tâm đục cửa ngầm ra một miệng động nho nhỏ.

Lý Yêu Yêu dẫn đầu quăng dụng cụ mà bò vào động, vừa vào được nửa người đã không kịp chờ mà bật đèn pin lên dò xét căn phòng nhỏ này: “Uây… Nhiều xác ướp quá!”

Dư Ngư đá mông hắn vào, sốt ruột mà nói: “Nhanh, cho anh đây vào.”

Ngay sau đó, mọi người lần lượt bò vào mật thất.

Tô Di nhặt một xác ướp nhỏ lên: “Đây là.. xác ướp mèo?!”

Dư Ngư dùng miệng ngậm chuôi đèn pin, hay tay tháo lớp băng vải quấn quanh xác ướp động vật kia, nói không rõ: “Là mèo hay là chó thì phải mở ra mới biết được.”

Khóe miệng Tô Di giật giật.

Lý Yêu Yêu tiện tay bới xác ướp trên đất, đột nhiên cảm thấy phía sau như có ánh mắt đang dõi theo mình, không khỏi xoay người ——

Trong góc phòng đen như mực, một đôi mắt xanh dán chặt vào người hắn.

“AAAA!!!”

Tiếng kêu sợ hãi vang khắp địa cung, bóng đen trong góc phòng nhào tới phía sau gáy Lý Yêu Yêu.
Đá phấn trên sa mạc.

[1] Kỷ phấn trắng: Kỷ Phấn trắng hay kỷ Creta là một đơn vị chính trong niên đại địa chất, bắt đầu từ khi kết thúc kỷ Jura khoảng 145,5 ± 4,0 triệu năm trước.

Tutankhamun

[2] Tutankhamun: là một pharaon Ai Cập thuộc triều đại thứ 18, trong giai đoạn Tân vương quốc của Lịch sử Ai Cập. Ông là thường hay được gọi theo cách thông tục là Vua Tut.

Thần Ra

[3] Ra-Horakhty: Thần Ra. Thần mặt trời theo văn hóa Ai Cập cổ đại. Vào Vương triều Thứ 5 ông trở thành vị thần tối cao trong văn hóa Ai Cập cổ, và được miêu tả là ánh nắng mặt trời vào buổi trưa. Đối với người Ai Cập, mặt trời đại diện cho ánh sáng, ấm áp, và tăng trưởng. Điều này làm cho các vị thần mặt trời rất quan trọng vì mặt trời được xem là người cai trị của tất cả những gì ông đã tạo ra.

Một phần Book of the Dead được tìm thấy.

[4] Book of the Dead: Cuốn sách của cái chết. Cuốn sách gồm nhiều câu bùa chú, hướng dẫn phép thuật, các hình vẽ minh họa sinh động với mục đích hướng dẫn, đưa người chết có chuyến hành trình tốt đẹp đến bên kia thế giới. Sách được chia thành bốn phần: phần đầu giúp người chết lấy lại sức mạnh khi bước xuống địa ngục, phần hai giải thích về nguồn gốc các vị thần và những nơi linh hồn có thể được tái sinh, phần ba là chuyến hành trình của người chết đến trước mặt thần Osiris, phần bốn gồm các câu bùa hộ mệnh, bảo vệ và cung cấp thực phẩm cho người chết khi ở bên kia thế giới.